Chương 38: Có Thứ Gì Đó Trên Tường
Vì muốn hiểu hơn câu chuyện, đúng hơn là tò mò về những gì đã nghe từ ông ma Thủ Tùm, cái tên này cũng lạ quá đỗi nên tôi đã đi dò hỏi thêm từ nhiều người. Điều khiến tôi bất ngờ chính là ông cụ Cả Võ ấy lại là cụ ngoại của thằng R9 trán dô bạn tôi, nếu thế thì cũng dễ. Bà ngoại nó hoặc nó chắc sẽ biết thêm điều gì đó để kể cho tôi. Bà ngoại nó tôi biết, tôi đã biết mặt nhiều người trong làng này để tránh nhầm lẫn họ hàng nhưng tôi đoán thằng R9 không biết nhiều bằng bà ngoại nó, hoặc biết nhưng lại không nghĩ có họ với tôi.
Chiều hôm sau, tôi xuống nhà R9.
- Mày rảnh không?
- Cũng rảnh, đi đâu?
- Qua bà ngoại mày không?
- Làm gì? Tao mới vào lúc trưa nay.
- À, tao đi mời đám giỗ ông tao mà tao không biết nhà nên nhờ mày.
- Mày đi mời cỗ mà không biết?
- Đi, tao chở, một loáng là xong thôi có gì đâu.
Nó để tôi chở thật, cái xe đã to lại còn đèo thằng nặng hơn mình kể ra cũng khổ, nhưng không sao, sẽ mau thôi, mày sẽ biết tao là cậu của mày, rồi mày sẽ phải chở cậu.
Nhà bà ngoại R9, dù có tin hay không thì đứng trong vườn nhà bà nó lại nhìn được qua khúc cua chếch bên tay trái hướng khoảng mười giờ, nghĩa là nhà bà ngoại nó ở ven con mương, rất rộng. Trước tôi chỉ biết mặt bà ngoại nó ở ngoài chợ, biết cổng nhà chứ chưa vào bao giờ, không ngờ nhà bà lại trải rộng từ mặt đường nhỏ trong làng ra tới tận bờ mương.
Bà ngoại R9 là một bà cụ trông rất hiền lành, nhỏ nhẹ, mắt có vẻ hơi kém, cũng phải thôi, bà nó gần bảy mươi rồi, không phải ai ở tuổi đó cũng nhanh nhẹn và tinh mắt như bà Già tôi cả. Lúc hai đứa tôi đi xe đạp vào sân thì bà nó ngồi ở bậc thềm nhà, cũng là một ngôi nhà cổ, từ sân lên đến sàn nhà lát gạch cao cũng phải một mét là ít.
- Cháu chào bác ạ!
Tôi lên tiếng chào, R9 giật áo tôi:
- Đây là bà ngoại tao!
- Ừ! Nhưng là bác tao!
Nó ngẩn người ngồi trên baga xe, tôi tót xuống.
- Bà cháu mời bác hôm này lên ăn đám giỗ của ông nội cháu!
- À, con nhà cậu Tr. đấy hử?
- Vâng, là cháu!
- Thế bà cụ có khỏe không? Bác vẫn thấy đi chợ đấy nhỉ?
- Vâng, bà cháu khỏe ạ! Sáng thứ Bảy này bác bớt thời gian lên nhà cháu nhé!
- Được rồi, bác sẽ đi, thế cháu đi cùng ai nữa kia? Vào đây ngồi uống nước cho ấm bụng đã nào!
- Cháu bà ơi! - R9 lên tiếng - Cháu H. mà.
- Ơ thế hai cậu cháu chơi với nhau hả? Tốt, phải thế, cậu cháu là phải chơi với nhau, bảo ban nhau cho tốt cháu nhớ.
- Vâng, cháu xin phép bọn cháu đi thêm mấy nhà nữa cho kịp bác ạ.
Tôi cúi chào bà thằng R9 rồi bước xuống thềm nhìn nó cười cười.
- Đi cái thằng này, chở cậu đi cho sớm!
- Bà ơi cháu về luôn!
R9 không nói gì, nó hô lên chào rồi hậm hực dắt xe ra cổng, tôi ngồi tót lên sau.
- Tao thấy mày vai vế thấp thật, gặp ai cũng là bậc cha chú!
- Mày cố tình rủ tao đi cùng phải không?
- Có trách thì trách bản thân mày, mày không biết bà ngoại mày là chị con chú con bác với bố tao à? Đừng đùa, gần hơn thằng chú H. của mày nữa cơ!
- Hồi xưa cụ tao vai vế cao, lấy vợ sớm nên đời tao mới thấp như thế!
- Thế cụ ngoại mày có phải là cụ Cả Võ không?
- Ừ! Nhưng ông bà ngoại tao bảo cụ c·hết lâu rồi, c·hết lúc cụ còn trẻ.
- Cụ làm sao mà c·hết? ốm hả?
- Nghe đâu Tây nó bắn nhầm, thấy bảo cụ tao đi đâu xuống mạn Cẩm Giàng thì bị đạn lạc c·hết ở ngoài cánh đồng.
- Tao nhớ là cụ mày họ khác, sao lại gọi là cụ Cả Võ?
- Cụ là lớn, lại có võ nên người làng gọi thế, mà mà cụ tao nghe bảo cũng nóng tính lắm!
- Mấy người nóng tính lại hay thật thà.
Tôi đưa ra nhận định như vậy.
***
Bố mẹ tôi về vào đầu giờ chiều ngày thứ Sáu, mấy tháng không gặp tôi thấy mẹ tôi khác nhiều, có vẻ như lời đồn nước Thủ đô mát ngọt nên ai ở cũng sẽ đẹp hơn là đúng. Tôi chú ý từ lúc bố tôi có cái Dream này thì trông khang khác, chỉn chu hơn và có vẻ bận rộn hơn, tôi đoán là đậu bán được nhiều nên có tiền, mà có tiền tự nhiên con người ta sẽ khác ngay, kiểu như sang sang hơn một tí.
Chiều tối, trong khi ngồi uống nước chè bên cái bàn nhỏ cũ kỹ, bố tôi có nói với tôi vài chuyện vì biết tôi ở quê chưa nắm được nhiều thông tin, điện thoại thì cũng chỉ gọi khi có việc cần và nói ngắn gọn mà thôi.
- Hiện tại bố đi học sắp xong, sắp tới nhà mình có thể có thay đổi...
- Bố đi học gì ạ?
Tôi ngạc nhiên, tưởng chỉ trẻ con mới phải đi học.
- Bố đi học nghề, hiện nay ở ngoài Hà Nội, bên Hợp tác xã Thành phố đang mở lớp dạy nghề tiểu thủ công nghiệp. Bố xin vào làm xã viên, Hợp tác xã muốn thí điểm vài mô hình kinh doanh mới để lấy thành tích thi đua.
- Bố tính học nghề gì thế?
- Bố đã học xong rồi, nhà mình qua Tết sẽ làm thêm sữa đậu nành.
Sữa đậu nành thì có cái gì mà phải làm thêm? Chỉ cần xay đỗ ra, đun lên, pha đường là uống được rồi còn gì. Như thấy được sự khó hiểu của tôi, bố tôi hỏi:
- Con thích uống Fanta với Coca đúng không?
Tôi gật đầu.
- Bố sẽ sản xuất sữa đậu nành đóng chai, chai thủy tinh, giống như chai Coca và có thể để được ba tháng.
- Ồ! Tận ba tháng cơ ạ?
Tôi ngạc nhiên là thật, vì sữa đậu nành chỉ có thể để trong ngày, cho vào tủ lạnh cũng đến hôm sau là cùng, nếu để được tới ba tháng thì lâu thật đấy.
- Ba tháng hoặc hơn, bây giờ bố đang mua phụ tùng trang bị về tự lắp ráp cho giảm chi phí, đến Tết là xong. Qua Tết đi vào sản xuất bán cho mùa hè là vừa.
- Tốt quá! Con không nghĩ là để được tới tận ba tháng cơ đấy, bố giỏi thật, quá tốt.
Với một người bố, được con trai mình khen và hâm mộ mà là điều rất tuyệt vời, bây giờ tôi cũng thế, thi thoảng được con trai khen cũng vui lắm, nhưng thường thì nó kể tội tôi với mọi người nhiều hơn.
- Bố cũng đã đặt tên cho sữa đậu nành nhà mình rồi, Sữa đậu nành 113!
- Sao lại 113? Sao bố không đặt tên kiểu như tên làng mình này, huyện mình hoặc tên bố mẹ. Con hay mua sách trên Hồ, cái cửa hàng cũng tên là Tụ Sâm, chắc chắn là tên ông bà chủ.
- Bố cũng có nghĩ đến rồi nhưng mình ở trong tập thể, phải lấy cái tên chung chung người ta dễ nhớ.
- Thế bố lấy ngày sinh hay năm sinh của con đi, con thấy cũng dễ nhớ lắm đấy.
- Bố đăng ký xong hết rồi, mà 113 là tổng bằng năm, sẽ tốt cho việc phát triển.
Tôi chả hiểu sao lại lấy số 113, rồi cái tổng năm đó là gì, hơi tiếc, nếu tôi biết sớm tôi sẽ năn nỉ bố tôi đặt năm sinh của tôi cho thương hiệu ấy, dù sao năm sinh của tôi cũng dễ nhớ.
Nhưng thương hiệu 113 ấy tôi sẽ không bao giờ quên lần đầu mình được nghe đến dưới ánh đèn điện màu vàng vàng ấy. Nếu tôi nhớ không nhầm, cái số 113 của công an còn phải mấy năm sau mới có, lúc ấy chỉ có số 108 của Tổng đài VNPT bây giờ.
113 trở thành cơ sở sản xuất sữa đậu nành đóng chai đầu tiên ở Hà Nội, sau đó có mặt ở tất cả các bến xe như Giáp Bát, Hà Đông, Long Biên ... và nhiều đại lý nước giải khát, quán cóc ven đường với giá bán lẻ khoảng Một nghìn đồng một chai. Lô sữa đậu nành sản xuất đầu tiên được ra lò sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, bắt đầu có mặt trên thị trường khoảng tháng Ba năm 1995 với dạng chai thủy tinh nhỏ màu trắng, tem nhãn màu vàng xanh, có thời điểm cạnh tranh trực tiếp với thương hiệu Sữa đậu nành 109 được đưa từ Tp.HCM ra, những sản phẩm như của Tribeco phải mãi những năm 2000 mới xuất hiện.
Việc bố tôi dựa trên nghề truyền thống của làng để làm ra một nghề mới mang lại cho ông rất nhiều thứ: Tiền tài, danh vọng, địa vị xã hội và nhiều thứ khác mà lúc đó, khi tôi học lớp 6, khả năng hiểu biết của tôi chưa đủ.
Song song với việc tìm tòi, nghiên cứu máy móc để lắp ráp xưởng sản xuất, bố tôi cũng cải tiến một số công đoạn trong quá trình làm đậu phụ, ông đã sáng chế ra cái máy vắt đậu dựa trên nguyên lý quay của cái máy giặt. Ban đầu chỉ để công việc hàng ngày của gia đình nhẹ nhàng hơn, bớt sức người nhưng một số người thấy sự tiện lợi đã đặt bố tôi làm rồi truyền miệng nhau, ông đã kiếm được rất nhiều tiền từ việc này, tôi biết như vậy vì sau tôi cũng tham gia, kiếm tiền mà, không thể thiếu tôi được. Tôi vẫn nhớ một cửa hàng điện lạnh cũ tên là “Nhân” ở trong đường Khương Thượng, ngay cạnh con mương nước thối hồi xưa, tôi đã đến đó chở về rất nhiều lồng máy giặt cũ cho bố. Thời điểm năm 1995 - 1998, mỗi cái máy vắt như vậy ông lãi khoảng tám trăm nghìn đồng, tôi nhớ đó là một con số rất lớn vì vàng khoảng ba trăm một chỉ hoặc thấp hơn. Sau này có nhiều người làm đẹp hơn, rẻ hơn nên bố tôi bỏ. Những thứ mà bố tôi làm ở thời điểm đó, hai mươi lăm năm trước, có thể gọi là bước đột phá trong giai đoạn đất nước có dấu hiệu chuyển mình trong lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Nhưng các cụ xưa từng nói: Trèo cao thì ngã đau và trên ngọn cây thì gió mạnh.
***
Khuya ấy, khoảng hai mươi mốt giờ đêm, cả nhà tắt đèn đi ngủ, chỉ còn chút ánh sáng leo lét từ đèn dầu hắt ra đủ để thấy một khoảng nền nhà để đi vệ sinh ban đêm. Trời mùa đông khá lạnh, trên tấm phản gỗ lim truyền thừa mấy đời, tôi trải một cái chăn mỏng lên trên cái chiếu cói Nam Định, bố tôi nằm ngoài, mẹ tôi nằm trong còn tôi nằm giữa.
Tôi rất hạnh phúc!
Tôi chưa được ngủ cùng bố mẹ từ hồi bốn tuổi, cảm giác ấm áp và có bố mẹ nằm hai bên thật tuyệt vời, không thể diễn tả được, chỉ biết tôi ước thời gian chậm lại thì tốt biết mấy. Ngoài việc hạnh phúc vì được ngủ cùng bố mẹ, tôi cũng miên man nghĩ đến viễn cảnh nhà mình sẽ có nhiều tiền, tôi sẽ xin bố mẹ mua cho cái tivi, cuộc sống sẽ bớt buồn tẻ đi nhiều, nghe đài mãi cũng chán, cứ phải tưởng tượng.
Bố mẹ tôi vẫn nói chuyện, bàn bạc về công việc, về đám giỗ ngày mai cũng như khi nào thì đi ra Hà Nội... Tôi nằm im nghe, mắt mơ màng hạnh phúc nhưng tôi bắt đầu thấy có gì đó lạ lạ.
Trên bức tường trước mặt tôi, nghĩa là đầu hồi nhà hướng bụi tre, có những đốm sáng nối nhau thành một dải như một con giun chạy lòng vòng ở trên tường. Ban đầu tôi không chú ý lắm nhưng sao đốm sáng ấy cứ chạy đi chạy lại, tôi ngồi dậy bước xuống đi bật điện lên thì không thấy gì.
- Khuya còn bật điện làm gì con?
Mẹ tôi hỏi.
- À, để con xem cái này...
Tôi leo lên tấm phản, đi lại bức tường rồi nhìn, rồi lấy tay xoa xoa, chả thấy gì. Tôi lại leo xuống tắt điện và leo lên phản, chui vào chăn.
Tôi lại thấy!
- Bố! Mẹ, bố mẹ có thấy cái gì ở trên tường kia không?
Bố mẹ tôi ngưng câu chuyện nhìn lên tường.
- Chắc đèn nhà ai chiếu vào thôi - Mẹ tôi nói.
- Dạ quang rồi! - Bố tôi lên tiếng.
Vậy là bố mẹ tôi cũng thấy, tôi lại leo xuống bật điện lên, lại lên xoa tường, chả có gì. Tắt đèn đi, thì dải sáng ấy xuất hiện và chạy vòng tròn, rồi đủ kiểu. Tôi bật đèn lên, lại biến mất.
Bố mẹ tôi đã phát hiện ra sự lạ, mẹ tôi thì có vẻ hơi hoang mang, bà Già thấy tôi cứ bật điện rồi tắt thì cũng ngồi dậy nhưng vẫn ở trong màn.
Tôi tắt đèn một lần nữa, lần này mẹ tôi hoảng thật sự, tung chăn nhảy tót xuống đất, bố tôi thì bình tĩnh hơn, ông đứng trên phản bảo tôi bật đèn, tụ tay sờ, quan sát rồi ngó ra ngoài sân qua song cửa. Không hề có một ánh đèn laser hay đèn pha nào hắt vào, bên ngoài là màn đêm, cuối tháng Mười một Âm lịch trời không thấy trăng, gió lạnh thổi nhẹ từng cơn bên ngoài.
- Bố mày về rồi!
Bà Già ngồi trên giường lên tiếng, tôi thấy mẹ tôi sợ sắp phát khóc, la oai oái rồi leo lên giường ngồi co ro cạnh bà tôi. Tôi đứng cạnh ổ điện bật cười. Ôi! Mẹ tôi đây sao? Người phụ nữ cả cái chợ Nam Đồng không ai muốn dây vào đây sao?
- Thằng kia mày cười cái gì? Mày... mày còn đứng đấy à?
- Có gì đâu mà mẹ sợ, ông nội mà về thì sao đâu, mai giỗ ông, hay là ông thấy bố mẹ về đông đủ nên mừng?
Miệng nói, tay tôi tắt điện.
Dải sáng kì lạ ấy lại hiện ra trong bóng tối, như đang nhảy múa.
- Trời ơi! Mày có bật điện lên không thằng kiaaa?
Đèn lại sáng, dải sáng lại biến mất. Bố tôi tiến tới ban thờ đốt hương và khấn vái tổ tiên, tôi không biết bố đã khấn điều gì, nhưng đứng đó rất lâu. Tôi tắt đèn đi, dải sáng không còn nữa.
- Tao đoán là bố mày về như hồi xưa!
Câu nói của bà Già tuy bình thường nhưng có tính sát thương lớn đối với mẹ tôi. Mẹ tôi ngồi cạnh bà Già mà run người, trùm chăn kín mít không hé đầu ra.
Tôi và bố lên phản ngủ, mẹ tôi không dám sang, mẹ tôi sợ thò chân xuống giường sẽ có bàn tay nào đó nắm lấy. Bố tôi chỉ im lặng, còn tôi dĩ nhiên không sợ, nếu ông tôi có về thì cũng không sao, tôi là cháu nội, tôi cảm thấy thân thuộc.
- Bà ơi, thế hồi xưa ông cháu về như thế nào?
Tôi cất tiếng hỏi khi đã nằm trong chăn ấm.
---
***