Chương 350: Mộ phần cụ nội
Tôi biết một điều rằng mỗi khi nhìn thấy hiện tượng bát hương trên ban thờ đột nhiên cháy thì nhiều người sẽ lo lắng, đặc biệt là người lớn. Tôi cũng từng nghe một số người cho rằng bát hương hóa như vậy là do cắm nhiều chân hương nên dễ bắt lửa, tôi cho rằng lý giải này cũng có lý. Nhưng tại sao một bát hương cứ tự nhiên như vậy mà có lửa trong khi không ai thắp hương thì nên lý giải như thế nào? Cũng sẽ có người bảo rằng do tàn lửa còn lưu lại từ chân hương đã đốt trước đó, tôi cũng không phủ nhận điều này, chỉ cần thử châm mấy nén hương sau đó ngồi chờ khoảng bốn mươi phút sẽ thấy rằng rất hiếm khi tàn lửa trên chân của que hương lưu lại lâu quá hai phút.
Tôi không khẳng định hay phủ nhận bất cứ điều gì, những gì tôi nhìn thấy hay trải qua thật sự khó mà lý giải nếu ai đó không tin. Nếu người ta đã không tin thì cũng không nhất thiết phải thuyết phục họ bởi tâm linh nằm ngoài sự hiểu biết của số đông, tin thì có mà không tin sẽ không có. Tôi thuộc thể loại người thích khám phá, có những thứ khám phá ra chẳng để làm gì nhưng không thử sẽ thấy bứt rứt, khó chịu.
Tôi nằm trên phản, quay đầu nhìn qua chấn song cửa. Đèn điện đã tắt, chỉ còn ánh sáng yếu ớt tỏa ra từ cái đèn dầu đã vặn nhỏ hết cỡ. Tôi cứ nằm như vậy, hai tay đan vào nhau để dưới đầu, hai chân bắt chéo. Tôi không buông màn mặc dù bà già trang bị một cái màn tuyn màu xanh cho tôi từ lâu nhưng chẳng mấy khi tôi dùng đến vì muỗi không cắn tôi hoặc... tôi không thấy có muỗi. R9 có hai lần ngủ lại nhà tôi vào cuối tuần từ hồi vào lớp 10 để xem giải ngoại hạng Anh, nó là thằng mê xem bóng đá. Tivi nó mở vừa đủ, bà Già cũng không lấy làm phiền, tôi thì cũng vậy. Nếu tôi muốn ngủ thì ồn ào đến đâu tôi cũng ngủ được. Mỗi lần R9 ngủ lại thì nó đều buông màn nếu không muỗi sẽ khiêng nó đi. Thằng này ngủ hay có thói quen kéo chăn trùm lên đầu còn tôi thì không, tôi đã thử vài lần nhưng rất khó chịu.
Màn đêm yên tĩnh cứ thế trôi đi, mắt tôi lim dim nhìn những cành bưởi ngoài sân đang nhẹ đung đưa trong gió, cuối cùng thì tôi cũng chìm vào giấc ngủ.
Đã lâu lắm rồi tôi ngủ mà không bị ai kéo chân gọi dậy, nếu tôi nhớ không nhầm thì lần gần nhất tôi bị kéo chân dựng dậy vào giữa đêm là lần ông mãnh nhà tôi gọi tôi ra Cầu Khoai có việc lúc nửa đêm. À đúng, lần ấy tôi nhớ mang máng là tôi phải ra ngoài Cầu Khoai để nói chuyện với hai hồn ma lang thang đi xin ăn, nhờ cuộc nói chuyện ấy mà tôi giải thoát được gần năm mươi hồn ma bị giam trong cái hộp kỳ lạ ở cánh đồng Quán Dê.
Tôi không biết mình đã ngủ được bao lâu, chỉ biết rằng khi tôi mở mắt ra thì nhìn thấy đứng bên cạnh tấm phản gỗ, phía dưới chân tôi là một người đàn ông có vầng trán cao, trên đầu đội khăn xếp màu tối, tóc hai bên thái dương lốm đốm bạc. Tôi mất vài giây để chớp mắt liên tục cũng như định thần để đoán xem người mình đang nhìn thấy là ai. Người đàn ông nhận thấy tôi đã tỉnh giấc nên không lay chân tôi nữa, ông ấy nhoẻn miệng cười và nhìn tôi với ánh mắt khá hiền từ. Tôi nhận ra những đường nét quen thuộc trên khuôn mặt của người đàn ông này, cái mũi dọc dừa, đôi mắt có phần hơi sâu, râu dưới cằm chỉ có một nhúm. Bộ quần áo ông ấy đang mặc nhìn rất giống một thầy đồ dạy học thời trước. Người đầu tiên tôi nghĩ đến chính là ông nội của tôi, tôi đã mấy lần nhìn thấy hình ảnh mờ mờ ảo ảo của ông ở ngoài bãi tha ma nhưng chưa mấy khi đến thật gần cũng như chưa có bất cứ cuộc nói chuyện nào giữa hai ông cháu. Tôi cũng không ngạc nhiên khi thấy ông nội mình mặc quần áo khác với những lần trước tôi nhìn thấy.
-Cháu... cháu ông ạ!
Tôi dụi mắt ngồi dậy.
-Ông? Ông ư?
Ông cụ hỏi lại tôi, miệng như cố gắng để không bật cười. Tôi giật mình thầm nghĩ trong đầu:
-“Lại... lại nhầm à? Đây không phải là ông nội mình ư?”
Đây là lần thứ bao nhiêu tôi gặp tổ tiên, cha ông của mình thì tôi không nhớ. Tôi nhớ là lần đầu gặp bà cô Tổ thì tôi cũng nhận nhầm rồi bị ăn vả mấy cái, người thứ hai tôi gặp là ông mãnh – một cậu bé gày gò – khi ông mãnh bảo tôi đưa cho tiền đi đ·ánh b·ạc còn lần này người đang đứng cạnh phản gỗ lim nơi tôi đang ngồi là ai? Đây không phải ông nội tôi à? Tấm ảnh thờ đen trắng tôi vẫn hay nhìn thấy trên ban thờ thì làm sao mà nhầm cho được.
-Ông... ông không phải là ông nội cháu hay sao ạ?
-À! Tất nhiên là không, nhìn ta cũng giống đấy chứ?
-Thế... thế ông là ai ạ? Sao ông lại giống ông nội cháu thế? Ông là em trai hay anh trai của ông cháu ạ?
Hỏi xong tôi mới nhớ ra ông nội tôi là con trai duy nhất, nếu giống nhau như thế này chỉ có thể là...
-Ta hả? Ông nội cháu là con của ta thì dĩ nhiên phải giống ta, sao lại bảo ta giống nó được. So sánh như thế là ngược đấy cháu nhé.
Tôi bò nhanh xuống khỏi tấm phản rồi quỳ gối xuống đất vái lạy liên tục. Tôi không sợ bị cụ nội tôi trách phạt gì, qua cử chỉ cũng như lời nói thì tôi có thể nhận thấy rõ cụ không có ý quát mắng gì tôi cả.
-Được rồi, được rồi! Cháu đứng lên cho ta nhìn xem nào, vái như vậy là đủ rồi.
Tôi vội đứng lên ngượng nghịu ngẩng đầu nhìn người mà tôi đã chắc chắn là cụ nội của mình. Tôi cảm thấy không được tự nhiên, hai bàn tay đan vào nhau, hơi khom lưng và cố gắng nặn ra một nụ cười. Ma cỏ thì gặp nhiều, quen nhiều, cợt nhả nhiều nhưng với các bậc bề trên đã khuất mặt thì tôi luôn có một thái độ khác hẳn, y như chuột gặp mèo vậy. Có mỗi ông mãnh mất khi ở tầm tuổi của tôi nên nói chuyện cũng khác chứ, với các bậc gia tiên tiền tổ mà tôi đã từng có cơ hội được gặp mặt thì trong lần đầu tiên, trước khi biết tính cách cũng như thái độ của các cụ thì tôi luôn tỏ ra là một đứa cháu ngoan, biết nghe lời và dĩ nhiên không thể thiếu việc thể hiện cho các cụ thấy rằng mình là một đứa cháu hết mực hiếu thảo.
-Đích tôn có khác. – Người mà tôi chắc chắn là cụ của tôi nhìn ngắm tôi một lúc rồi mới nói – Đúng là nòi nào giống nấy nhỉ? Cái mũi và đôi mắt không lẫn vào đâu được. Ta có nghe ông mãnh với bà cô Tổ nói về cháu nhưng đến đêm nay mới có cơ hội được tận mắt nhìn, ta cảm thấy vui mừng quá.
-Dạ!
Tôi chỉ biết đáp lời ngắn gọn như vậy vì tôi chẳng biết mình nên nói gì. Trong suy nghĩ của tôi bây giờ đang sắp xếp lại một số thứ, tôi đã nhận ra mình đang mơ bởi vì cảnh vật trong nhà nhìn sáng hơn buổi đêm rất nhiều. Buổi tối vừa rồi bát hương vừa mới cháy mà bây giờ ngủ thì nằm mơ gặp cụ nội, chắc chắn cụ có việc gì đó chỉ dạy chứ không tự nhiên xuất hiện chỉ để nhìn mặt tôi được.
-Cháu không hỏi tên ta là gì sao?
-Cháu không ạ! Cháu nhìn cụ thấy giống... à... cháu thấy ông nội cháu giống cụ là biết rồi ạ. Hôm... hôm nay cụ gặp cháu có điều gì cần dạy thì cụ cứ nói ạ.
-Còn độ hơn nửa tháng nữa là ngày kị của ta cháu có nhớ không?
Tôi suy nghĩ trong giây lát rồi gật đầu. Trí nhớ của tôi không tệ nên tôi biết rằng vào gần ngày rằm tháng 9 âm lịch sắp tới sẽ có giỗ cụ (thật ra tất cả các ngày giỗ của tổ tiên thì bà Già đều nói với tôi đó là ngày giỗ cụ nhưng nhờ cái tờ giấy mà bố tôi vẽ sơ đồ phả hệ cùng ngày giỗ, tên tuổi...).
-Cháu nhớ ạ, năm nào bà nội cháu cũng làm giỗ cùng với bà Hạ Lớn ạ, thi thoảng còn có các cô cháu về nữa.
-Mấy năm vừa rồi ta cũng có về nhưng vì nhiều lý do nên ta không thể nhìn được cháu. Năm nay cháu cũng mười lăm tuổi, cũng đến lúc biết thêm việc nọ việc kia nên ta mới gặp cháu để nói. Đúng ra... đúng ra những việc này ta sẽ tìm cách nhắc bố cháu nhưng gặp bố cháu rất khó trong khi gặp cháu thì dễ hơn nhiều.
-Dạ.
-Sắp tới chắc cháu sẽ còn bận rộn, sau ta còn có những người khác nữa. Ta mong rằng cháu sẽ không thấy phiền chứ?
-Dạ không phiền ạ. Việc của tổ tiên nhất định cháu phải làm, bà nội cháu cũng hay nói với cháu như vậy.
-Bà nội ngươi làm rất tốt việc thờ cúng tổ tiên, ta đây có một người con dâu như vậy cảm thấy rất hài lòng. Sau này ta nhất định phù hộ cho bà nội của cháu sống lâu trăm tuổi.
-Cháu đội ơn cụ.
-Đừng khách sáo như thế. – Cụ nội tôi cười – Ta nghe nói tác phong thường ngày của cháu không khúm núm đến mức đó đâu. Cháu lại giả vờ để che mắt ta ư?
-Dạ, thưa cụ không ạ. Cháu ra bên ngoài thì như thế nào cũng được vì suy cho cùng đều là người ngoài nhưng đối với gia tiên tiền tổ nhà mình thì cháu nhất định phải giữ phép tắc. Bà nội cháu mà biết cháu nói năng vô lễ với các cụ thì sẽ mắng, sẽ buồn ạ.
-Một điều bà nội, hai điều bà nội... tốt! Con cháu biết nghe lời của ông bà như vậy là tốt.
-Thưa cụ. – Tôi đứng thẳng người lên, không khom lưng nữa – Tối hôm qua cháu thấy bát hương có lửa, có phải là cụ về không ạ?
Cụ nội tôi gật nhẹ đầu xem như trả lời câu hỏi của tôi.
-Vậy thì mừng quá, cháu cứ tưởng có chuyện gì nên có chút lo lắng. Bây giờ cháu đã được gặp cụ, không biết là cụ có điều gì cần căn dặn cháu không ạ?
-Có chứ, có chứ! Lúc tối ta về đến mừng quá nên có chút phấn khởi, cháu không cần phải lo lắng.
-Dạ. Vậy cụ có gì căn dặn ạ?
-Ta muốn chỉ cho cháu mộ phần của ta. Ta cũng định báo mộng cho bà nội của cháu nhưng không hợp mệnh nên sau cùng vẫn cứ phải gặp cháu.
-Mộ phần của cụ ạ?
Tôi mới biết mộ phần của ông nội, bà nội cả, bà cô Tổ còn những mộ của những tổ tiên khác thì tôi tuyệt nhiên không biết. Bố tôi cũng chưa bao giờ dẫn tôi đi tảo mộ. Tôi nhớ đến tổ tiên của mình qua những ngày giỗ cùng với tên tuổi và một vài điều khác nữa qua những câu chuyện kể của bà Già hoặc bà Hạ Lớn. Nếu tôi nhớ không nhầm thì cụ nội của tôi đã mất trước khi bà Già về làm dâu, cụ tôi mất lúc đó ông nội tôi cũng đã ở tuổi trưởng thành. Qua cử chỉ, lời nói và cả trang phục cụ nội mặc trên người giúp tôi đoán được phần nào khi cụ mất thì gia cảnh cũng tương đối sung túc. Ban nãy khi quỳ gối tôi đã nhìn thấy cụ đi đôi guốc mộc, quần vải màu trắng và một tay có cái gậy bằng gỗ. Tôi nghe nói thời xưa chỉ có người có chức tước hoặc có của ăn của để mới ăn mặc như vậy mà thôi.
-Mộ phần của ta bây giờ đã không còn nấm, xem như là mất nấm rồi. Bây giờ ta dẫn cháu đi để chỉ chỗ cho cháu. Ta biết cháu là đứa thông minh và có trí nhớ tốt, hãy cố gắng nhớ mọi thứ để sau này tránh nhầm lẫn.
Tôi gật đầu liền mấy cái như để khẳng định rằng tôi nhất định sẽ ghi nhớ mọi điều tôi nhìn hoặc nghe thấy.
Cụ nội tôi nhẹ nhàng bước về phía cửa, cánh cửa nhà tự động mở ra. Cụ đứng trên thềm quay lại nhìn tôi như có ý chờ đợi. Tôi vì mải nhìn dáng dấp của cụ để tưởng tượng ra ông nội của mình nên có chút lơ đễnh. Tôi nhận ra rằng bố tôi cũng có dáng dấp nom hao hao giống cụ nội, hình như các bậc tổ tiên nhà tôi chẳng có ai béo thì phải. Ai cũng gầy gầy nhưng có vẻ rất nhanh nhẹn.
-Đi nào!
-Vâng, vâng!
Tôi nhoài người trở lại phản vớ lấy thanh kiếm gỗ cùng hai túi vải, một túi đựng gạo rang còn túi kia có lá bùa từng thuộc sở hữu của lão trọc đầu Đường Thốc Tử, lá bùa đã được sư thầy “cải tà quy chính” để tôi sử dụng. Tôi chẳng biết sư thầy đã làm như thế nào, việc của tôi là... sử dụng và sử dụng.
-Cẩn thận thế là tốt, thanh kiếm cháu cầm theo có phải dùng để trừ tà ma?
-Cụ cũng biết ạ?
-Những đứa cháu khác thì ta có thể không biết nhưng đích tôn nhất định phải biết. Thật ra những gì ta biết về cháu cũng chỉ mới được nói lại khi nãy mà thôi, chắc cũng không phải là tường tận hết về cháu.
-Cháu mang theo thứ này để phòng thân chứ không có ý...
-Ta hiểu, ta hiểu. Cháu làm như thế là đúng. Lúc còn sống thì có người thế này người thế khác, lúc thác đi cũng có người ý nọ người ý kia. Cẩn thận vẫn là hơn.
-Cụ có sợ thanh kiếm này không ạ?
-Sợ thì có nhưng chẳng lẽ cháu sẽ dùng thứ đó để đuổi ta đi ư?
-Cháu không ạ. – Tôi cười. Lúc này tôi đã cảm thấy thoải mái hơn một chút – Cháu chỉ hỏi như vậy vì tò mò.
Cụ tôi đi trước còn tôi đi sau. Tôi nhanh chóng nhận ra rằng cái gậy mà cụ nội tôi dùng để chống khi đi lại có vẻ như là đồ trang sức chứ không có tác dụng gì khác. Cụ nội bước nhanh khiến tôi cũng phải cố bước theo. Tôi chỉ phát hiện ra mình đi nhanh hơn bình thường khi tôi lớn lên mỗi khi có dịp đi bộ cùng bạn bè. Nhiều đứa cao hơn tôi nhưng kỳ lạ là tôi luôn đi bộ nhanh hơn và hay phải dừng lại chờ.
Cụ nội dẫn tôi rẽ ra hướng cánh đồng, tôi không tỏ vẻ ngạc nhiên hay hỏi han gì, việc của tôi là đi theo. Dù sao đây cũng không phải lần đầu tiên một hồn ma dẫn tôi đi để chỉ nơi an nghỉ ngàn thu, bởi vậy tôi cảm thấy mình cũng đã có chút ít trải nghiệm. Cụ dẫn tôi đến lối nhỏ gần mả của Mẹ Sư rồi rẽ sang cánh đồng phía Đông của làng, cánh đồng bây giờ không còn trơ gốc rạ như đợt trước nữa. Trong mơ mà cảm giác chân thật như chính ngoài đời vậy.
Từ gò đất có mả của Mẹ Sư đi thẳng về phía Đông khoảng ba trăm mét thì cụ tôi dừng chân quay lại nhìn tôi. Tôi cũng dừng lại nhìn xung quanh, mặc dù cụ tôi chẳng nói gì nhưng tôi ngầm hiểu rằng cụ nhắc tôi hãy nhớ kỹ. Tại sao lại phải nhớ kỹ có lẽ là do cụ báo mộng, không nhớ kỹ thì lúc tỉnh giấc lại quên thì thật là có lỗi. Cụ tôi đi tiếp nhưng không đi thẳng mà rẽ trái bước đi trên bờ ruộng, sau này tôi mới biết rằng sở dĩ cụ dẫn tôi đi trên những bờ thửa chính là để tôi nhớ kỹ chứ bản thân hồn ma có thể đi trên ngọn lúa bình thường. Việc để tôi nhớ các dấu mốc rất quan trọng bởi vì khi cánh đồng lúa này được gặt thì ruộng nào cũng như ruộng nào.
Sau hai lần rẽ nữa thì cụ tôi dừng bước, một tay để ra sau lưng, tay còn lại giơ cái gậy lên chỉ xuống một ruộng lúa rồi nói:
-Chỗ ta nghỉ là ở đây. Từ góc ruộng này cháu bước đúng ba bước về hướng Đông Bắc là đúng.
-Có... có chỉ dấu gì không cụ? Ruộng lúa này...
-Bây giờ chẳng có chỉ dấu gì cả, cháu chỉ cần nhớ vị trí chính xác là được.
-Cụ muốn bao giờ thì xây mộ ạ? Để... để cháu nói với bố cháu.
Cụ nội tôi lắc đầu:
-Ta và những người khác phải chỉ cho cháu là có lý do, bây giờ chưa tiện nói nhưng cháu hãy ghi nhớ. Nguyện vọng của ta không có gì, nếu được thì xây cho ta một nấm mộ gạch tròn để người khác nhìn thấy bằng không thì thôi. Ta chỉ không muốn sau này có kẻ chỉ bậy bạ cho con cháu nơi ta an nghỉ.
-Sao lại thế ạ? – Tôi thắc mắc.
-Cháu cứ biết vậy thôi. Những gì ta nói cho cháu, cháu tuyệt đối không được nói cho người khác, kể cả mộ phần của ta.
-Cụ... cụ có nói gì với cháu đâu ạ? Cháu hỏi cái gì cụ cũng bảo là từ từ sẽ biết.
-Ừ nhỉ. Biết ít cho đỡ mệt cháu ạ, ta cũng chỉ muốn cháu nhớ vị trí mộ của ta. Sau này có kẻ nào chỉ lung tung bậy bạ còn biết nơi nào là chỗ đúng.
-Cụ không muốn bố cháu xây mộ cho cụ hay sao?
-Không phải ta không muốn nhưng có những việc không phải ta muốn là được. Cha ông ta còn chưa được xây thì sao ta lại có thể...
-Vâng, cháu hiểu rồi ạ.
-Sắp tới sẽ còn có những cụ, kị khác về báo mộng cho cháu. Cháu cũng là đứa biết chữ thì nên ghi chép lại kẻo quên mất thì phiền phức lắm. Nhớ nhé.
-Vâng.
Tôi khẽ cúi đầu vâng lời, khi ngẩng lên đã không thấy cụ nội tôi đâu nữa. Cảnh vật xung quanh mờ dần rồi tối đi rất nhanh.
---
***