Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 347: Trò đùa số phận




Chương 347: Trò đùa số phận

Kỳ thi đầu vào cấp 3 diễn ra khoảng đầu tháng 8 năm 1998, tôi không nhớ ngày cụ thể. Mẹ tôi muốn đưa tôi về xem như động viên tinh thần đứa con trai lớn, tuy nhiên tôi nhớ đợt thi tốt nghiệp mẹ tôi cũng háo hức đưa tôi đi thi nhưng chỉ được buổi sáng đầu tiên rồi trên đường trở về mẹ tôi đã hạ cánh xuống ao bèo trước nhà. Tôi cũng cảm thấy mình lớn hơn dù chiều cao chẳng cải thiện được mấy nhưng tôi nghĩ rằng cấp 2 là trẻ con thì sắp vào cấp 3 cũng nên tỏ ra là người lớn. Người lớn thì không cần bố mẹ đưa đi thi. Bên cạnh đó, ngày đi nộp hồ sơ thi tôi đã rút ra kinh nghiệm rằng không nên mang theo nhiều tiền và điều thứ hai chính là giấu đi thân thế của mình kín nhất có thể. Việc mẹ tôi, một phụ nữ 34 tuổi ăn mặc thời thượng, tóc uốn xoăn đi xe máy Dream chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của nhiều người. Tôi biết bạn bè của tôi cũng nhiều đứa mẹ chúng nó tuổi cũng còn trẻ nhưng công việc đồng áng đã làm họ già trước tuổi với vẻ khắc khổ hiện rõ trên khuôn mặt.

Ban đầu tôi định bắt xe khách về như mọi lần nhưng bố tôi tiện giao hàng nên nói với chú tài xế xe tải đưa tôi về tận nhà. Xe tải để chở sữa đậu nành là loại nhỏ có lẽ của Suzuki, loại này thời kỳ ấy hãng taxi tải Thành Hưng có rất nhiều. Bởi vì ca bin xe nhỏ nên bố tôi không đi cùng, tôi được giao luôn nhiệm vụ giao hàng, kiểm đếm, thu tiền rồi gửi cho chú tài xế mang ra Hà Nội cho bố. Quãng đường gần 40 cây số từ nhà tôi về đến nhà không phải là xa, tôi cũng không còn nhớ mình đã nói những chuyện gì trên suốt thời gian ngồi trên xe ô tô cùng chú tài xế. Điểm giao hàng là một đại lý lớn có tên là Khanh Phúc nằm ngay cạnh cổng trường mà tôi sẽ thi, tôi chỉ nhớ chú của cửa hàng tên là Khanh còn cô vợ của chú ấy tôi đã quên tên, có thể tên cô ấy là Phúc. Cô chú ấy đều là những người dễ mến, khoảng năm 2006 thì cô chú chủ cửa hàng này chuyển lên sinh sống tại thành phố Bắc Ninh cùng hai đứa con trai. Trong lúc kiểm đếm hàng hóa, có lẽ vì thấy tôi nhanh nhẹn hoặc trước đó bố tôi đã gọi về báo trước nên cô chủ cửa hàng hỏi tôi nhiều chuyện, trong đó có cả chuyện tôi chuẩn bị thi vào ngôi trường ngay bên cạnh nhà cô ấy. Những câu chuyện không đầu không cuối với cô Phúc đã giúp tôi có chút ít thông tin rằng những thanh niên choai choai ở làng Ngọc Khám này rất nghịch, cũng có nhiều lần những thanh niên choai choai chặn đường đánh học sinh khi đi học về. Sở dĩ tôi quan tâm và hỏi những chuyện như vậy là để... điều chỉnh thái độ của mình nếu như có chạm mặt hoặc đụng phải người không nên đụng. Chuyện đám con trai đi học b·ị b·ắt nạt phổ biến ở nhiều nơi chứ chẳng riêng gì ở quê tôi. Tôi nhận ra rằng mình có đầy đủ những điều kiện để đáp ứng việc b·ị b·ắt nạt, trước hết là tôi nhỏ con, sau đó là tôi có tiền và cuối cùng là thân cô thế cô chẳng ai giúp được mình trừ chính bản thân mình.

-Cô ơi cho cháu một két bia!

Có khách mua hàng nên cô Phúc ngưng cuộc nói chuyện với tôi đi lấy hàng bán cho khách còn tôi đứng cạnh cái bàn nhỏ với cuốn sổ tay bìa màu xanh quăn mép của bố chờ đợi cô Phúc ký nhận. Khách hàng mua một thùng bia mà cô Phúc đang đi lấy là một đứa con gái trạc tuổi tôi, mái tóc đen dài, da trắng, khuôn mặt phải nói là đẹp. Quần áo nó mặc cũng có chút gì đó khác biệt với những đứa con gái ở quê mà tôi biết. Con bé này mặc áo thun màu sáng, mặc áo khoác mỏng màu trắng sọc xanh bên ngoài, kiểu quần kaki ống nhỏ sáng màu, đôi dép Bitis màu vàng nhạt cài quai. Tôi nhìn nó một lúc và chỉ quay mặt nhìn lên trần nhà khi bốn mắt chạm vào nhau.

-“Con này mình gặp ở đâu rồi ý nhỉ?”

Tôi thầm nghĩ nhưng chẳng thể thể nhớ ra được đã gặp con bé đang đứng trước cửa hàng ở đâu, đột nhiên tôi cảm thấy tim mình đập mạnh hơn mà chẳng hiểu vì sao. Tôi đứng nhìn theo bóng dáng đứa con gái đạp xe đạp nữ màu xanh chở két bia xa dần, mái tóc dài của nó lúc la lúc lắc sau lưng theo từng nhịp nhấn pê đan.

-Thích hả?

Cô Phúc hỏi tôi, tôi quay lại cười và lắc đầu.

-Bọn mày là con trai thích con gái đẹp cũng là bình thường, có gì mà phải đỏ mặt thế kia?

-Dạ? Cháu... cháu đỏ mặt á? Đời nào lại thế ạ.



-Con bé xinh và ngoan có tiếng đấy, nhà nó cũng gần ngay đây. Mẹ nó làm trong bệnh viện huyện, mày mà thích thì cứ nói với cô, cô sẽ giới thiệu cho mày.

Cô Phúc hồ hởi giới thiệu lý lịch gia đình của khách hàng nhỏ tuổi vừa rồi mặc dù tôi không hề có lời đề nghị. Bởi vì tôi không hỏi nên cô ấy chẳng nói tên con bé, trong tâm trí của tôi lúc này vẫn thấp thoáng bóng hình cô bạn lớp phó học tập với mái tóc dài đen nhanh cùng cái cáo kẻ caro màu đỏ. Và chính bởi vì tôi không nhân cơ hội hỏi rõ nên sau này chuyện có hay dở ra sao tự tôi phải chịu, chẳng thể trách ai được, thôi thì cứ đổi cho số phận, xem như đây là một trò đùa của số phận do chính tôi tạo ra.

Tôi ngủ mấy đêm ở nhà cùng bà Già, mấy đêm ấy tôi đều khó ngủ và trằn trọc vì nhiều lẽ, phần lớn là những suy nghĩ vu vơ không đầu, không cuối. Tôi muốn có ai đó lắng nghe những băn khoăn, giải đáp những thắc mắc của mình. Thoảng qua trong suy nghĩ, tôi cũng từng tự hỏi mình rằng việc quyết định chọn học ở ngôi trường sắp thi vào có phải là một quyết định đúng hay không? Cuộc đời của tôi có nhiều câu hỏi mà để có câu trả lời đã phải tốn mất nhiều năm. Đợt vừa rồi tôi đọc báo thấy người ta nói rằng các sĩ tử đi thi đại học là đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, đối với riêng tôi thì lúc này tôi cũng đang đứng trước ngưỡng cửa của cuộc đời và buộc phải lựa chọn. Cảm giác không có mục tiêu hay định hướng rõ ràng thật đáng sợ, tôi cũng cố tìm ra những lý do để tự thuyết phục mình rằng lựa chọn của mình là đúng. Chỉ tiếc là ngôi trường sắp thi sẽ không còn gặp lại cô bạn lớp phó thân quen nữa. Tôi cũng chỉ biết tự an ủi bản thân mình rằng sẽ có những đứa con gái khác hiện giờ chưa xuất hiện để mình thích.

Nhiều năm trôi qua mỗi khi nhớ lại mùa hè năm 1998 đầy kỷ niệm thì tôi cũng không hiểu được mình đã vượt qua bằng cách nào. Khi ấy tôi cảm thấy cuộc sống thật buồn tẻ, người duy nhất có thể nói chuyện cùng tôi, lắng nghe tôi là R9 song nó là thằng nghe nhiều hơn nói. Nó cũng là con trai, lại chưa có mảnh tình nào vắt vai, nó không muốn dây dưa với bọn con gái vì phức tạp. Tôi thì biết con gái phức tạp nhưng tôi... vẫn thích.

-Đời còn gì vui khi không có bọn con gái chứ? Không thích nhưng không có bọn nó tao thấy cuộc sống thật buồn tẻ!

-Mày bị hâm con mẹ nó rồi! – R9 nói – Tí tuổi đầu đã tương tư. Đây, như tao đây này. Tao sống ung dung tự tại, không có bọn con gái có c·hết đâu, lại còn đỡ mệt.

-Nói chuyện với thằng đầu đất như mày chán bỏ mẹ.

Với R9 hãy nói về bóng đá! Tôi biết thừa.

Ngày thi đến.

Chúng tôi, những đứa trong làng Bưởi Cuốc không ai hẹn ai nhưng đều đạp xe đi rất sớm và gặp nhau trên đường cái. Suốt quãng đường 5 cây số, chúng tôi trao đổi về đề thi sẽ làm gì. Chúng tôi chỉ thi hai môn gồm Văn thi vào buổi sáng, Toán thi vào buổi chiều. Tôi dùng phương pháp loại trừ để loại bớt những tác phẩm văn học có thể xuất hiện trong đề thi, sau cùng còn lại truyện Làng của Kim Lân là khả năng cao sẽ là đề chính.

-Tại sao mày lại nghĩ là Làng?



-Đợt thi tốt nghiệp vừa rồi chưa vào bài này, tốt nghiệp năm trước cũng chẳng vào. Quan trọng nhất là cái ông tác giả cũng quê Bắc Ninh thì phải. Tao mà người ra đề thì tao cũng chọn tác phẩm này chứ không thể trùng với đề thi tốt nghiệp được.

Đời chẳng ai học được chữ ngờ, quả nhiên đề thi phần 7 điểm vào truyện Làng của ông Kim Lân thật. Thật tiếc là mấy ngày ở nhà tôi toàn mơ mộng, nghĩ vẩn vơ nên kết quả chỉ được có 5 điểm! Tôi nghĩ đây là con số thể hiện rõ việc tôi không quyết tâm và cực kỳ hờ hững với kỳ thi này. Nếu tôi chú tâm thì chí ít cũng được 7 điểm. Nhưng thời gian thì không quay trở lại được nên tôi cũng không tiếc, tôi chỉ biết tự dặn lòng mình rằng trong tương lai sẽ không để những việc tương tự xảy ra nữa mà thôi. Đây là bí mật mà bao nhiêu năm qua tôi chưa nói với ai, thừa nhận mình thất bại thì dễ nhưng thừa nhận mình là một kẻ yếu đuối, bất tài thì thật là khó biết bao.

Tôi ngạc nhiên, rất ngạc nhiên khi nhìn thấy mẹ mình đứng chờ ở cổng trường sau khi tôi thi xong môn Văn, lúc ấy khoảng 10 giờ rưỡi sáng.

-Ơ! Mẹ... mẹ về có việc gì thế ạ?

-À mẹ về xem con thi cử thế nào, sao mặt buồn so thế kia? Thi không được hả?

-Dạ... cũng tạm được mẹ ạ, chắc trên điểm trung bình.

-Vừa rồi thi tốt nghiệp môn Văn con làm tốt lắm mà, sao hôm nay lại thế?

-Tại đề thi khó ạ. – Tôi cố đưa ra một lý do hợp lý.

-Ừ thôi! Nếu không vào được trường này thì mẹ sẽ nộp hồ sơ cho con học ở Hà Nội.



Tôi gửi xe đạp ở cửa hàng Khanh Phúc rồi chở mẹ tôi về nhà bằng xe máy. Đúng, chính là tôi chở chứ không phải mẹ tôi chở. Nếu so về khả năng lái xe máy thì tôi lái còn an toàn hơn mẹ tôi nhiều lần mặc dù mỗi khi dừng xe tôi chỉ chống được mũi bàn chân xuống đất. Tôi đã từng thử chở hai két sữa đậu nành bằng cái xe Cub 82 vào buổi tối đi giao cho một cửa hàng đại lý nhỏ ở số 43 Vũ Ngọc Phan, Hà Nội. Tôi đã cố gắng biến mùa hè buồn tẻ ở Hà Nội thành cơ hội để mình tập luyện một vài thứ mà nhiều đứa cùng độ tuổi của tôi ở quê chưa có cơ hội để học. Sau nhiều năm thì tôi tự nhận rằng mình lái xe hai bánh và bốn bánh khá tốt, đi nhiều nơi, chở nhiều thứ nhưng may mắn vẫn chưa bị trày da tróc vảy lần nào.

Sau bữa trưa cùng bà Già thì mẹ tôi chở tôi đi thi buổi chiều. Buổi chiều thi Toán nhưng trong đầu tôi chẳng còn nhớ bất cứ điều gì, kể cả 7 hằng đẳng thức đáng nhớ gì đó. Tôi chấp nhận viết nhăng viết cuội chứ không chịu nhìn bài đứa nào hoặc cầu cứu sự giúp đỡ của ai. Trước khi bài thi được nộp, tôi dành đến hai mươi phút đưa đôi mắt mơ màng nhìn ra ngọn cây xà cừ cao v·út gần cửa sổ. Tôi chấp nhận rằng nếu mình thi trượt sẽ theo học ở trường dân lập chứ tôi không đi Hà Nội. Ở nơi này tôi còn có bà Già, có hai chị ma và cả đống việc chưa giải quyết thì bỏ đi làm sao được.

Mẹ tôi chở tôi về, xe đạp tôi nhờ luôn chị Hiền đạp về giúp tôi. Bởi vì sau giờ thi tôi còn nán lại nói dăm ba câu chuyện hẹn hò với vài đứa bạn học cấp 2 nên chỉ ra về khi sân trường đã vãn cũng như mẹ tôi đứng ngoài cổng vẫy tay nhiều lần. Trên con đường cái quan, khi mẹ tôi chở tôi về đến gần cầu Thường Vũ thì tôi nhìn thấy một bóng dáng quen quen. Mái tóc dài kẹp gọn, áo dài tay màu xanh nhạt kiểu đuôi tôm, quần tối màu cùng đôi dép nhựa mà bọn con gái vẫn hay đi. Phía sau xe đạp là cái cặp được chằng cẩn thận, cái xe đạp có vẻ hơi to so với bóng dáng bé nhỏ ấy. Tim tôi đập thình thịch, tôi thậm chí còn không tin vào mắt mình cho đến khi mẹ tôi từ từ đi vượt lên, tôi ngoái đầu lại nhìn. Tôi đã bảo mẹ dừng xe lại để gặp cô bạn lớp phó hỏi thăm vài câu.

Tôi không đi Hà Nội chiều hôm ấy cùng mẹ mà ở lại nhà ngủ thêm một đêm. Đêm ấy tôi gần như thức trắng dằn vặt bản thân mình bởi vì tôi dường như đã bỏ qua quá nhiều thứ. Tại sao khi hành sự cùng chị Ma với những hồn ma khác tôi lại tính toán trước sau cẩn thận, sắp đặp mọi thứ đâu vào đấy nhưng việc quan trọng không kém là tình cảm của bản thân với một đứa con gái mình thích thì tôi lại hời hợt, nửa vời? Nếu cô bạn lớp phó của tôi đã thi vào trường Thuận Thành 1 thì chắc chắn cô ấy sẽ đỗ, thậm chí đỗ cao là khác. Còn tôi với mục tiêu nửa vời bỗng dưng cảm thấy lo sợ. Tôi sợ mình sẽ trượt.

-Nếu... nếu mình dành thời gian đi hỏi trực tiếp trước khi đi Hà Nội thì đã không như thế này. Mình... mình có thể ở nhà ôn cả tháng. Bây giờ thì...

Một lần nữa tôi lại hiểu rõ hai chữ “giá như” nó có nghĩa là như thế nào. Chỉ trong mấy ngày ngắn ngủi với hai sự kiện tưởng chừng như nhỏ tí lại kéo dài và làm tôi dằn vặt mấy năm. Cũng vì tự trách bản thân mình nên tôi không còn đủ can đảm để ngẩng mặt lên nhìn thẳng vào cô bạn lớp phó mỗi khi chạm mặt. Tôi sợ phải bắt gặp ánh mắt nghiêm nghị như có ý trách móc hoặc thậm chí... coi thường một thằng con trai chẳng có chí tiến thủ như tôi. Chị Ma từng nói với tôi rằng thích thì cứ thích nhưng kết quả sẽ chẳng đi đến đâu, tôi tin những điều chị ấy nói nhưng tôi cũng tôn trọng trái tim của mình.

Tôi tin rằng số phận của mỗi người đều có thể thay đổi được cho dù đã được sắp xếp từ trước, bởi thế mới có câu vượt lên chính mình hay người xưa có câu “Đức năng thắng số”.

Hai môn thi Văn và Toán tôi chỉ được tổng cộng... 6,5 điểm. Trong đó môn Toán chỉ được 1,5 điểm. Số điểm này vừa đủ để tôi vào học lớp 10 hệ B của trường Thuận Thành 1. Năm tôi thi có tất cả 18 lớp khối 10 và tôi ở lớp cuối cùng, tức là lớp 10B8. Tôi thường hay gọi vui là bớp “bê bát” hay “lớp cây mít” R9 được 7,5 điểm được xếp vào lớp 10B3. Hai chúng tôi là hai đứa duy nhất trong làng theo học tại trường Thuận Thành 1, và bởi vì thế nên càng thân nhau hơn. Lớp cấp 2 của tôi sĩ số 39 bạn có khoảng 14 bạn theo học ở trường này, phần lớn các bạn đều được xếp vào các lớp hệ A (từ A1 đến A10). Hệ A và hệ B khác nhau ở số tiền đóng học phí tháng tháng. Tôi nhớ là học phí hệ A chín mươi nghìn đồng một tháng trong khi hệ B là một trăm tám chục nghìn. Các lớp hệ A cũng được ưu tiên hơn khi được học trong dãy nhà ba tầng khang trang còn hệ B sẽ học ở mấy dãy nhà cấp bốn lụp xụp phía sau dãy nhà ba tầng hoặc... căn phòng bỏ hoang lâu ngày như lớp bê bát của tôi.

Khi tôi nghe tin mình đủ điểm đỗ, tôi đã bần thần đến cả ngày hôm sau. Cô bạn lớp phó của tôi được xếp vào lớp A2 dựa theo điểm số mà cô ấy đạt được. Tôi đã mất cả đêm ngồi trên nóc của trạm bơm cười đau khổ một mình. Thế này thì khác gì kẻ đầu sông, kẻ cuối sông. Muốn theo đuổi cũng thật là khó khăn gấp trăm lần, sau cùng tôi tự động viên mình rằng ít nhất cũng có cơ hội học cùng trường, còn nước thì còn tát.

Việc học hành xem như đã xong, ít nhất thì cũng có một kế hoạch rõ ràng là sau lễ Quốc khánh tôi sẽ trở thành học sinh cấp 3. Mẹ tôi vui mừng ra mặt còn tôi thì cố giấu kín những tâm sự trong lòng.

Tôi lúc này 15 tuổi đã cảm nhận rõ được kết quả và hậu quả khác nhau ở chính thái độ của bản thân trước một sự việc. Sau này tôi không phạm sai lầm như vậy nữa, khi làm bất cứ việc gì tôi cũng theo đuổi đến cùng kể cả khi phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Tôi cố gắng không phải để đạt được kết quả tốt hay đáp ứng sự kỳ vọng của bất kỳ ai. Tôi chỉ muốn bản thân mình không phải ân hận hay tiếc nuối vì những gì mình đã làm.

Mùa hè rồi cũng ở lại phía sau. Hành trang của tôi trở về quê vào ngày mùng 3 tháng 9 năm 1998 là sách vở, ba lô cùng một cái xe đạp địa hình hai giảm sóc, không có ba ga để chở bất cứ ai phía sau mỗi khi tan học về. Tôi vẫn là kẻ khác người như vậy, nhiều bạn nghĩ tôi chơi trội nhưng chỉ tôi mới hiểu tại sao xe đạp của tôi chỉ có một chỗ ngồi.

---

***