Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Phần II Chương 1: Ma nhà quê




Phần II Chương 1: Ma nhà quê

Mùa hè ở Hà Nội nóng nực, ngột ngạt hơn ở quê tôi rất nhiều, hoặc đơn giản hơn, tôi nghĩ rằng mùa hè ở nhà tôi nóng hơn những nhà khác. Công việc sản xuất và kinh doanh sữa đậu nành đóng chai của gia đình tôi thời gian này gặp nhiều thuận lợi. Hệ thống đại lý phân phối sản phẩm của gia đình đã được bố tôi thiết lập ở các tỉnh như: Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hưng Yên... Bố tôi là một người có khả năng giao tiếp tốt, nhiều khách hàng quý mến bố tôi vì cách làm việc, tính chăm chỉ nhưng đều có một nhận định chung rằng bố tôi chẳng ra dáng một ông chủ. Bố tôi là một người ít coi trọng vẻ bề ngoài, trái ngược hẳn với mẹ tôi – một người phụ nữ trẻ, đẹp và hay chưng diện.

Sở dĩ tôi nói rằng mùa hè ở nhà tôi tại Hà Nội nóng hơn những nhà khác là do nhiệt tỏa ra từ những nồi áp suất dùng để tiệt trùng những chai sữa đậu nành thành phẩm. Thời điểm này việc tiệt trùng sữa đậu nành phải dùng than kíp lê Antraxit để có nhiệt lượng cao. Tôi nhớ bố tôi nói rằng phải đun nước trong nồi áp suất đạt 121 độ C (tương đương 2 bar). Hiện nay vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi của dân kỹ thuật trong ngành cơ khí nhưng tôi không có chuyên môn về mảng ấy. Tôi chỉ kể lại những gì mình nhớ mà thôi. Bố tôi nói rằng khi đun nước sôi ở 121 độ C thì nước trong nồi áp suất sẽ hóa hơi, nhiều vi khuẩn sẽ không còn sống được, vì thế chai sữa đậu nành sau khi tiệt trùng sẽ để được khoảng ba tháng.

Tôi nhớ mình đã từng kể rằng những cái nồi hơi mà bố tôi sử dụng trước đó được dùng để hấp quần áo trong bệnh viện. Nồi hơi này có một van cơ khí mà dân thợ gọi là bẫy hơi. Bình thường cái van này hở cho không khí trong nồi thoát ra ngoài. Nhiệt độ tăng, kim loại của van nở ra, khép dần lại, đến 121 độ sẽ đóng kín hoàn toàn. Van này sử dụng lâu ngày sẽ dính cặn bẩn nên không khí trong nồi sẽ khó thoát ra ngoài, áp suất hiển thị trên đồng hồ đo ở bên ngoài nồi hơi hiển thị 2 bar nhưng nhiệt độ bên trong không đạt 121 độ. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn và bị hỏng sau một tuần hoặc một tháng. Tôi còn nhỏ nhưng vì tôi hay tò mò, hay hỏi rồi tự tìm kiếm câu trả lời nên về sau tôi biết những thứ này để khi tôi 17 tuổi có thể trở thành một công nhân lành nghề kiêm luôn quản lý xưởng sản xuất cho bố mẹ. Tại sao tôi lại bắt đầu với việc mô tả qua về cái nồi hơi? Ấy là vì sau này đã xảy ra một vụ t·ai n·ạn lao động mà báo chí ở Hà Nội có đề cập đến. Những người dân sống ở khu tập thể Nam Đồng những năm 2000 chắc hẳn sẽ nghe đến câu chuyện này.

Mặc dù tôi không thiếu tiền nhưng có thêm tiền vẫn tốt hơn rất nhiều. Nhiều bạn bè của tôi nghỉ hè khác tôi. Chắc Gạo chỉ có ăn, ngủ và đi chơi điện tử nên chẳng mấy khi tôi gặp dù từ nhà nó sang nhà tôi có thể đi bộ. Lúc tôi rời làng để ra Hà Nội thì R9 vẫn nằm rung đùi ở nhà chơi, đêm nào có bóng đá thì lên chùa làng xem cùng sư thầy. Sau nhiều chục năm trời thì Chắc Gạo vẫn chơi AOE khi rảnh, mà thật ra thì nó lúc nào cũng rảnh.

Tính ra thì tôi quen sư thầy ở chùa làng trước R9 nhưng nếu tính thời gian ở chơi với sư thầy thì R9 lại nhiều hơn tôi. Cho đến nhiều năm sau này, rất nhiều người bạn, người chị mà tôi quen biết sau khi đã “thẩm tra lý lịch” kỹ càng tôi đều tìm cách giới thiệu cho R9 để nó tán tỉnh nhưng nó chẳng tán được ai. Có thể nói ngắn gọn rằng rất nhiều bạn bè, người quen của tôi sau này R9 đều chơi và thậm chí còn chơi thân với họ hơn cả tôi bởi nó là một thằng tốt bụng, hay lắng nghe và đáng tin. Còn tôi, tuy cũng là kẻ đáng tin nhưng bạn bè chỉ liên lạc khi cần tôi tư vấn chuyện gì đó bởi vì họ tin tôi sẽ cho họ những lời khuyên tốt.

Tôi đã ở Hà Nội cùng với bố mẹ được khoảng hai tuần. Sau một đêm dài đầy sự kiện diễn ra hồi đầu tháng âm lịch thì tôi không gặp lại chị Ma cũng như chị Đẹp. Buổi tối cuối cùng trước khi tôi đi nghỉ hè thì ông Tam có nói rằng hai chị ma đã khăn gói rời làng đi theo dấu của Đường Thốc Tử vội vàng đến nỗi không kịp từ biệt ai. Tôi cũng không bận tâm việc này nhiều vì tôi nghĩ ai cũng sẽ có những mong muốn riêng. Đối với hai chị ma thì được đi tung tăng khắp chốn sẽ là điều làm hai chị ấy cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc.

Trong nửa tháng ở Hà Nội, bố mẹ tôi đã nhờ anh Tùng – người thanh niên dong dỏng cao tốt nghiệp trường Đại học Bách Khoa Hà Nội – tỉ tê với tôi, khéo léo thuyết phục tôi lựa chọn vào trường Thuận Thành 1. Sau vài lần nói chuyện với anh ấy bên bàn nước chè hay quán nước của bà cụ già tóc bạc tên là Nhuận ngay ở cửa nhà tôi thì tôi cũng siêu lòng. Tôi sẽ chọn theo học cấp 3 tại trường Thuận Thành 1, điều này đồng nghĩa với việc đầu tháng 8 tới đây, tôi sẽ phải trải qua kỳ thi tuyển đầu vào. Tôi không lựa chọn cách ra Hà Nội học như ý kiến của một số người bạn của mẹ tôi bởi vì tôi chưa muốn xa bà Già. Như tôi đã kể, bà già là tuổi thơ của tôi, bà đã hi sinh rất nhiều cho gia đình tôi nên nếu còn có cơ hội ở nhà với bà thêm dăm ba năm nữa thì tôi nhất định sẽ không đi. Tôi cũng thừa nhận rằng trong vài năm học cấp 3 cũng không ít lần tôi cảm thấy hối hận bởi quyết định theo học tại ngôi trường nổi tiếng nhất huyện. Ngôi trường khang trang bậc nhất ấy có nhiều kỷ niệm nhưng tôi mới chỉ một lần thăm lại, cảnh cũ người xưa không còn, nhiều thứ đã thay đổi.

Thời điểm này là đầu tháng 7 dương lịch. Hà Nội nhộn nhịp hơn thường lệ bởi Thủ đô đang chào đón những thí sinh ở các tỉnh tập trung về chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Nơi nhà tôi ở là khu tập thể của q·uân đ·ội nên chẳng có phòng trọ cho thuê, nhưng con cháu của những người nguyên là cán bộ hoặc đương là cán bộ q·uân đ·ội cũng tá túc tạm trong khoảng thời gian ngắn ôn thi.

Lúc tôi ở quê với bà Già thì tôi ăn mặc rất chỉnh tề mỗi khi đi ra ngoài hoặc kể cả ở nhà nhưng khi tạm thời sống ở Thủ đô tôi lại trở thành một thằng bé với vẻ bề ngoài hoàn toàn khác. Tôi đen hơn những đứa trong khu, lúc nào cũng cởi trần mặc quần đùi bởi vì trời nóng. Cũng giống như những mùa hè trước đó, mỗi ngày của tôi sẽ bắt đầu bằng việc làm công nhân sản xuất sữa đậu nành. Công việc kết thúc khoảng 2 giờ chiều, sau đó là tắm rửa rồi đọc truyện, đọc báo, đọc sách lịch sử... Thủ đô không thiếu sách báo còn tôi thì không thiếu tiền.

Nhà tôi lúc này có thêm nhiều công nhân, các anh ấy phần lớn là người dân tộc Sán Rìu, ngoài ra còn có thêm một người em họ của bố tôi cũng đến học việc. Ngoài các anh công nhân còn có hai người phụ nữ cũng mới được tuyển vào làm việc. Một người ít hơn mẹ tôi vài tuổi nhưng chưa có chồng nên tôi gọi là cô. Cô này tên là Thơm – một người hiền lành. Một thời gian sau cái anh Hải quê Vĩnh Phúc đã tán đổ cô Thơm nhưng chẳng đi đến đâu bởi vì anh ấy có vợ. Đây là một trong những lý do tôi không thích anh Hải, có lẽ tôi thuộc tuýp người xưa cũ. Người phụ nữ còn lại, không, đúng hơn là người con gái còn lại khiến tôi có chút bất ngờ khi chạm mặt. Tôi nhớ mang máng rằng mình đã gặp người này ở đâu đó rồi nhưng nhất thời chưa thể nhớ ra. Đến khi người này nói vanh vách tên các bạn học cùng lớp cấp 2 cũng như vài điều cơ bản khác về tôi thì tôi khẳng định rằng nhất định chị ta ở cùng xã. Chị ấy hơn tôi hai tuổi, là chị gái của một người bạn cùng trường của tôi. Chị này chẳng hiểu sao không thích các anh công nhân làm cùng, có lẽ do bị trêu ghẹo nhiều. Câu chị ấy thường nói nơi cửa miệng chính là “Tao có mười người yêu, không thèm yêu mấy thằng này”. Chẳng biết chị ấy có bao nhiêu người yêu nhưng bất cứ anh nào có ý định tán tỉnh thì chị ấy sẽ gán cho một con số kiểu như anh chàng đó là người yêu thứ 99!

Có thể khẳng định rằng giai đoạn này là giai đoạn cực thịnh trong công việc kinh doanh của gia đình tôi. Tôi không biết bố mẹ mình đã kiếm ra bao nhiêu tiền nhưng nhìn qua số lượng gần hai mươi công nhân làm việc, lương mỗi người khoảng ba triệu rưỡi một tháng là tôi biết. Sau mùa hè này còn có thêm một số công nhân trẻ tuổi mà tôi biết bởi vì cùng xã, một vài cái tên vẫn in sâu trong trí nhớ của tôi dù đã hơn hai mươi năm trôi qua.

Để phát triển công việc của gia đình trong tương lai, mùa hè này mẹ tôi cũng đăng ký một khóa học ngắn hạn về tài chính – kế toán. Tôi nhớ là mẹ tôi cũng được cấp một cái chứng nhận sau khi học. Việc tham gia khóa học này có tác dụng gì cho công việc sau này của gia đình hay không thì tôi chẳng thể biết, theo nhận định cá nhân thì tôi nghĩ là ít nhiều cũng có bởi vì các cụ nói có học có hơn mà.

Bố mẹ tôi từng bước trở thành một doanh nhân và tôi tự hào về điều này giống như bao đứa trẻ khác tự hào về bố mẹ của mình vậy.

Tôi bắt đầu quen thức khuya, một phần vì bữa cơm tối của gia đình ở Hà Nội thường bắt đầu sau 8 giờ tối. Sau khi cơm nước xong thì những anh công nhân có nhóm chơi bài, nhóm xem tivi, lẻ tẻ vài người đi tìm tình yêu. Tôi cũng vài lần được rủ đi chơi tối cùng các anh ấy nhưng tôi luôn từ chối bởi vì tôi đã quá chán việc đi đêm. Tôi mới 15 tuổi, tôi cũng đã biết tình yêu là gì nhưng... trái tim tôi lúc này đã... nguội lạnh!

Đêm ấy, tôi nhớ là đã sau ngày rằm. Trời oi bức nên khó ngủ, tôi lại leo lên nóc của trạm bơm nước ngồi hóng mát. Bên cạnh là chai nước ngọt, thứ chẳng bao giờ thiếu khi tôi ngồi ngắm trăng một mình. Cành cây trước đây đã có người treo cổ vẫn chìa một phần tán lá sang mái nhà. Tôi không có chút sợ hãi nếu như ma nữ mặc áo hoa bất thình lình xuất hiện, quan điểm của tôi chính là không đụng chạm đến tôi thì tôi mặc kệ. Thêm nữa, thanh kiếm gỗ và cả túi gạo rang tôi có mang theo trong chuyến đi này nên nếu tôi có bị dọa thì ngay sau đó việc tôi sẽ làm là rải gạo quanh gốc cây xà cừ quỷ ám. Thanh kiếm gỗ tôi để gần bên, chẳng ai biết tôi mang theo thứ đồ chơi này, nếu có biết cũng chẳng ai quan tâm đến thứ đồ chơi xấu xí của một thằng bé nhà quê đen đủi như tôi.

-Tý! Tý ơi!

Tôi đang tu chai nước Coca ừng ực, khi nghe có tiếng gọi mình thì tôi bị sặc. Nước ngọt từ chai văng lên cả mặt. Tôi giật mình vì nhiều lẽ, đầu tiên là ở nơi này sẽ chẳng ai gọi tên tôi như vậy. Bố mẹ tôi cũng không gọi như thế, duy nhất có bà Trẻ thì giống như bà Già, cứ một câu Tý, hai câu Tý kể cả khi tôi đã trở thành bố của trẻ con. Thứ nữa tôi giật mình là bởi vì tiếng gọi vừa rồi rất quen thuộc, tôi không thể nhầm được. Tôi không bao giờ nghĩ được rằng ngay giữa đất Thủ đô này lại nghe được giọng nói quen thuộc ấy.

Tôi quay lưng lại nhìn xuống dưới cổng nhà mình. Tôi thậm chí phải dụi mắt mấy lần vì sợ mình nhìn nhầm do ánh đèn điện yếu ớt từ cột đèn ngoài đường hắt vào. Đến khi tôi biết mình không nhìn nhầm thì miệng tôi há ra không ngậm lại được. Dưới cổng nhà tôi lúc này là hai bóng người, à không, là hai bóng ma đội nón mê rất mới. Tôi chắc chắn đây là ma bởi vì cái bóng mờ mờ ảo ảo, hai bóng ma đang nhìn tôi cười tít mắt khiến tôi ngồi như tượng.



-Ngạc nhiên không? Ngạc nhiên không? Bọn ta đã tìm được đến tận nơi ngươi đang ở. Thế mà cái Hoa bảo rằng ở kinh thành có nhiều đường ngang ngõ dọc khó tìm. Nó chỉ làm vua ở làng mình thôi chứ ra đây ta giỏi hơn nó.

-Cô đừng có tài lanh, cô dẫn ta đi cả đêm hôm qua có tìm được không? Nếu không nhờ ta hỏi cả tá Thổ Địa thì giờ này đang ở đâu?

Nói dứt lời chị Ma nhảy tót lên mái của một hàng quán, chị Đẹp cũng nhảy theo ngay sau đó. Tôi vẫn chưa nói một lời nào bởi vì tôi quá bất ngờ.

-Em bất ngờ lắm hả?

Chị Ma hỏi tôi. Tôi gật đầu liền mấy cái thay cho lời đáp.

-Bất ngờ là đúng, làm sao ngươi nghĩ được bọn ta sẽ tìm ngươi ở đây chứ.

-Hai... hai chị... Hai chị sao lại có bộ... bộ dạng kiểu này?

-Hả? À, em không nhận ra hả?

-Em... em...

Tôi làm sao mà nhận ra được cơ chứ. Chị Ma với bộ váy đỏ kiêu sa hay chị Đẹp thướt tha trong bộ váy màu xanh như dòng sông Đuống nay còn đâu nữa. Hai chị đã có một vẻ bề ngoài khác hẳn, ngoài cái nón mê đang cầm trên tay thì cùng mặc quần vải màu đen, áo màu nâu, chân đi guốc gỗ.

-Váy... váy áo của các chị đâu hết lại ăn mặc kiểu này? Sao... sao hai chị lại ra đây?

-Ngươi hỏi câu nào hay hơn được không? Sao không hỏi bọn ta có khỏe không.

-Các chị là ma thì có bao giờ yếu đâu mà em hỏi như thế.

-Bọn chị hóa trang đấy. Em nhìn xem có đến nỗi nào không?

-Hóa trang á? Tại... tại sao phải hóa trang ạ?

-Ừ - Chị Ma gật đầu – Để tránh phiền phức không đáng có, hơn chục ngày vừa qua bọn chị đi lại nhiều nơi, mặc váy áo như trước bị chú ý nhiều quá nên phải mua những bộ này mặc tạm. Đây, trong tay nải thì đựng váy.

Chị Ma giơ túi vải ra trước mặt tôi. Chị Đẹp nói thêm:



-Ta biết ngay mà, đẹp đồng nghĩa với phiền hà. Trình giấy trình tờ cũng tốn cả mớ thời gian vì đám quan sai cứ cố ý kéo dài thời gian để hỏi chuyện. Ta mà không cản có khi sư phụ của ngươi đã rút kiếm ra khỏi vỏ tiễn mấy thằng ma cợt nhả rồi.

-À! Vậy là... vậy là hai chị bị làm phiền nên phải thế này ạ?

-Ừ! Tốn nhiều thời gian vào việc không đâu. Em xem này, mặc cái bộ này rồi đội thêm cái nón thì chẳng ma nào nó để ý đến hai con ma nhà quê.

-Ma nhà quê? – Tôi ngạc nhiên hỏi.

-Ừ! Câu này mấy hôm nay chị nghe thấy nói nhiều, họ ám chỉ bọn chị từ quê ra kinh thành. Nơi này đúng là phồn hoa đô hội, đông người lắm ma. Bọn chị đi lại cứ chốc chốc lại phải trình giấy tờ cho quan sai, ở quê vẫn thích hơn.

Chị Ma nói xong thì chép miệng như muốn thở dài.

-Ở đây phức tạp lắm, hai chị tìm em làm gì. Chắc hơn nửa tháng nữa em lại về để thi lên lớp 10 rồi. Hai chị nhớ em hả?

-Ngươi đừng có mơ! Tại sao bọn ta phải nhớ ngươi? Thằng đầu trọc ranh ma nó lẩn trốn từ Kinh Bắc sang đến Thăng Long làm bọn ta tốn bao nhiêu công sức truy tìm.

-Vậy hai chị có tìm được không? Nơi này rộng lắm.

-Nó có trốn lên đằng trời bọn ta cũng lôi nó xuống, trốn dưới đất thì ta kéo nó lên.

-Khó lắm chị ạ, nơi này...

Chị Ma ngắt lời tôi:

-Đêm qua tiễn được nó rồi, tuy khó nhưng chẳng có gì là không thể.

-Hả? Tiễn rồi ư?

-Có người chở nó chạy trốn bằng một cái xe máy qua một cái cầu to lắm. – Chị Đẹp kể - Ông tổ nhà nó có đi theo để phù trợ. Cái Hoa đánh tay đôi với ông già kia còn ta thì... hì hì hì...

-Cô là kẻ sai lời, ta giận.

-Ta... ta nhân cơ hội đẩy xe máy đâm vào thành cầu rồi kéo nó ngã xuống sông. Cái cầu đó cao thật là cao, cái cầu Đình làng mình thấp lè tè mà cũng gọi là cầu được. Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn, mở mang tầm mắt.

-Cô còn hớn hở như thế? Chúng ta đã thỏa thuận rằng thằng đó là phần của ta mà cô giành lấy. Tại sao lúc ấy cô không nhảy vào mà đánh với lão tổ nhà nó?

-Ta có biết võ đâu? Là do cô đánh lão ấy nên ta tiện tay.



-Nhưng...

Tôi thấy tình hình tự nhiên căng thẳng nên vội xua tay nói:

-Thôi, thôi! Hai chị lại cãi nhau đấy à. Hai chị đến thăm em cơ mà, nửa tháng mới gặp nhau thì phải vui đã chứ.

-À ừ! Chị đến xem nơi ăn chốn ở của em thế nào.

-Bọn ta sau khi đẩy được thằng đầu trọc kia xuống sông thì đến trình báo với quan. Vì quan nói là một kẻ khác trong đám ấy cũng đang ở kinh thành nên bọn ta tranh thủ đi tìm ngươi, gặp ngươi xong rồi thì sẽ đi tìm thằng kia.

-Hai chị... hai chị đi thế này thì... thì bao giờ mà tìm được.

-Bọn chị vừa đi vừa hỏi Thổ Thần.

Tôi lập tức tưởng tượng ra mọi thứ, đây chính là hai cô gái lần đầu rời quê lên phố. Ở quê thì không nói làm gì nhưng ở đây mọi thứ rất phức tạp, mặc dù tôi chẳng biết âm phần nơi này ra sao nhưng chắc sẽ không giống như ở quê.

-Em nghĩ hai chị cần có một cái bản đồ, có bản đồ thì đi lại sẽ dễ hơn.

-Bản đồ à? Chị không có. Ở quê đi lại cần gì bản đồ.

-Nhưng nơi này cần ạ. Có bản đồ thì chị đi lại cũng dễ dàng hơn.

Tự nhiên tôi nhận ra mình dạy chữ Quốc Ngữ cho hai chị này đúng là tốt biết bao.

-Vậy bản đồ đó ở đâu? Nơi nào bán?

-Em có một tờ để trong ba lô, làm thế nào để gửi cho hai chị?

-Ra đường mà đốt thôi, thứ ấy đốt gửi thì chỉ mai chị nhận. Chắc chẳng ai quan tâm đến một tờ địa đồ.

Tôi thoăn thoắt leo xuống khỏi mái nhà đi tìm tờ bản đồ Thủ đô đang gấp nhỏ để trong ba lô. Tờ bản đồ này tôi đã mua từ lâu ở nhà sách trên đường Tôn Đức Thắng. Gặp lại hai chị ở nơi này khiến tôi có chút phấn khởi, trong lòng tự nhiên chộn rộn, chân tay lóng ngóng. Hai chị ma cũng háo hức kể cho tôi những điều mắt thấy tai nghe. Tôi nghe thì không lấy làm lạ nhưng cũng tỏ ra ngạc nhiên mấy lần. Thủ đô - hay kinh thành như lời các chị ấy - và ở quê là hai thế giới khác biệt. Nơi này hai chị vừa đi truy lùng kẻ đào mộ vừa tranh thủ ngắm phố phường. Trong câu chuyện của mình tôi cũng dặn hai chị nên tránh xa nơi gọi là Gò Đống Đa. Sau khi chỉ hướng cho chị Ma trên bản đồ cùng các điểm mốc thì tôi mới đốt. Hai chị tạm biệt tôi để đi tiếp, tôi lại leo xuống đất rồi đi ngủ.

Đồng hồ chỉ 2 giờ 15 phút sáng.

---

***