Chương 306: Đêm trước
Tôi có thể không còn nhớ chính xác nhưng đêm đó có diễn ra trận đấu ở lượt trận thứ ba giữa đội tuyển Italia và đội tuyển Áo – một buổi tối cuối tháng Âm lịch nên không có trăng. Trận đấu này diễn ra trên sân vận động Stade de France. Tại sao tôi lại nhớ được chi tiết này? Là bởi vì đội tuyển Áo có tên viết rất giống đội... tuyển Úc nên tôi hay bị nhầm, thời ấy vốn tiếng Anh của tôi chỉ vỏn vẹn trong bảng chữ cái do em út tôi hát mà thôi, bởi vậy cũng dễ thông cảm.
Từ cái đêm diễn ra trận đấu của đội tuyển Anh đến tối nay cũng đã khoảng một tuần, cứ giờ Hợi không hẹn, hơn hai chục vong hồn gặp nhau ở thửa ruộng cạnh gò đất, tôi cũng có mặt chẳng thiếu buổi tối nào. Ngả lưng vào ngôi mộ đất, chân vắt chữ ngũ, thi thoảng lấy tay nhón vài hạt lạc hoặc cái kẹo bỏ vào miệng, mắt lim dim nhìn bầu trời tối với nhiều ánh sao, trong đầu theo đuổi những suy nghĩ vu vơ. Chị đẹp Lý Ngọc Khuê ngồi một mình một góc trên một thửa ruộng chăm chỉ học bài, chị ấy tiến bộ rất nhanh, chị ấy đã có thể viết tên của chính chị ấy và những người khác bằng chữ Quốc ngữ, có thể đọc được nhiều chữ trên biển hiệu của mấy quán nước đầu làng như “Bia hơi Hà Nội” “Nước giải khát”.
Sau mấy ngày luyện tập võ nghệ, những anh tuần binh ma đã thành thục hơn trong việc biến thanh kiếm trên tay tạo thành một hình xoắn ốc, tuy so với chị ma Trần Ngọc Hoa thì vẫn còn rất chậm và không dẻo bằng nhưng tôi nghĩ nếu đánh tay đôi với lũ âm binh thì phần thắng kiểu gì cũng nghiêng về phía mấy anh này. Lúc cận chiến mà đánh rơi v·ũ k·hí của đối phương hoặc bị rơi v·ũ k·hí thì chẳng khác gì đang đối mặt với c·ái c·hết cả. Ngoài việc dạy một tuyệt chiêu này, chị Ma còn dạy thêm cho các anh ấy một vài thế võ để né tránh khi cần thiết cùng với cách triệt hạ đối phương. Chị Ma luôn nhắc đi nhắc lại rằng phải nhanh, thật nhanh và thật nhanh hơn nữa, tôi vẫn nhớ có đoạn chị Ma nói rằng bất kể là cao thủ cỡ nào cũng sẽ có những sơ hở, là do trình độ của chúng ta thấp nên không nhận ra được. Những người dùng kiếm nói chung trước khi giao chiến đều phải rút kiếm ra khỏi vỏ hoặc chuẩn bị chiêu thức, những động tác ấy chỉ diễn ra trong khoảng một giây đồng hồ. Một giây đồng hồ ấy cũng đủ để chị ấy đâm xuyên lưỡi kiếm qua người đối thủ trước khi họ có bất kỳ hành động gì.
Tôi tin lời chị Ma nói bởi vì chị ấy đã luyện tập võ nghệ trong gần sáu trăm năm qua, tôi chỉ thắc mắc là hồi đầu mới quen không thấy chị ấy dùng kiếm thì bao nhiêu năm đấy, mấy trăm nghìn đêm ấy chị Ma đã dùng cái gì thay kiếm? Có lẽ là một cành cây, khúc củi nào đó hay chăng?
Những anh tuần binh ma của làng mới được học võ khoảng sáu đêm mà đã thay đổi cái nhìn về chị Ma rất nhiều, họ không gọi chị là Công chúa nữa mà gọi chị là sư phụ. Chị Ma nhất định không nhận bản thân chị ấy là sư phụ nên sau cùng những anh tuần binh thống nhất gọi chị ấy đơn giản là “Chị Ngọc Hoa” mặc dù hơn một nửa tuần binh hơn tuổi chị ấy lúc còn sống. Họ kính trọng người đã dạy võ cho họ, tôi nghĩ như thế.
Ma Vành và ma Nẫm cũng ở trong số những ma học võ, hai anh này thật lắm lời, bây giờ những tuần binh trong làng đều biết rằng tôi là một thằng hay ăn, nửa đường quyền không biết múa, có kiếm nhưng lại không biết dùng... nói chung là toàn những thông tin chẳng hay ho gì cả. Nhưng tôi cũng không lấy đó làm buồn vì họ toàn nói thật, trêu tôi chán thì họ lại thôi bởi vì tôi chỉ cười, gật đầu đồng ý với lời nói của bọn họ. Ma nào cũng cảm thấy tôi có số hưởng, quen biết hai ma nữ xinh đẹp trong đó một ma nữ võ thuật thâm hậu, ma nữ còn lại thì chuyên tâm đọc sách chắc là nhiều chữ nhưng... họ cũng cảm thấy tôi đáng thương bởi vì tôi chẳng biết võ vẽ gì.
Chị Ma chỉ nhìn tôi chép miệng, lắc đầu ngán ngẩm. Tôi đúng là đệ tử chân truyền duy nhất nhưng lại chẳng học được cái gì, thi thoảng chị Đẹp lại bênh theo kiểu:
-Nó không theo nghiệp võ thì theo nghiệp văn, nó giỏi, làng này đợt vừa rồi đi thi nó là hạng nhất đấy, các người đừng có đùa.
Có hơn chục bạn cùng làng cùng thi tốt nghiệp, đúng là tôi đứng hạng nhất thật nhưng bản thân tôi vẫn cảm thấy không tự tin lắm, vẫn cho rằng trình độ của mình là ao làng.
Từ hôm thắng cược của Đường Thốc Tử thì tôi không ra đầu làng nhiều, chỉ có ba lần ra mua đồ ăn vặt để phục vụ cho buổi tối mà thôi. Việc theo dõi Đường Thốc Tử và đám tay chân của ông ta được giao lại cho các vong hồn, họ bám theo cả ngày lẫn đêm. Bất cứ ai từ trong ngôi nhà đó đi ra ngoài đều bị theo dõi sát sao, tôi không biết những người đó có cảm thấy lạnh hay không khi mà vây quanh họ luôn có ít nhất sáu vong hồn. Nhờ những vong hồn sinh thời bị điếc bám theo để đọc khẩu hình thì chúng tôi đã thu được một số thông tin, những thông tin này ban đầu rời rạc nhưng khi xâu chuỗi lại với nhau thì chúng lại có giá trị.
Từ sáng sớm đến tối mịt, ở quán nước đầu làng luôn có hai gã thanh niên ngồi uống bia, điệu bộ rất thảnh thơi. Cứ sau vài tiếng lại có hai gã khác ra ngồi thay thế để hai gã trước đó về nhà nghỉ ngơi, bọn chúng đang theo dõi mọi người trong làng đi ra, đi vào.
Một nhóm vong hồn theo dõi những gã đàn em của Đường Thốc Tử khi bọn họ ngồi uống bia với nhau ở bên xã, trong lúc say bia rượu bọn họ có đề cập đến việc chờ đợi ai đó rời khỏi làng Bưởi Cuốc thì sẽ hành động nhanh gọn để rời nơi này càng sớm càng tốt. Bọn họ muốn trở lại nơi phồn hoa đô hội nơi có các cô gái mắt xanh mỏ đỏ để bù đắp khoảng thời gian phải sống âm thầm, lặng lẽ ở xứ khỉ ho cò gáy này.
Một nhóm khác qua việc bám theo đám tay chân thì báo lại rằng bọn chúng theo dõi một bà cụ khoảng ngoài sáu mươi tuổi, dáng người khỏe mạnh. Bà cụ này rất nhanh chóng được các vong khác nói với tôi đấy chính là bà ngoại, bọn họ đang theo dõi bà cụ, điều này lý giải rất nhiều điểm khúc mắc. Lần trước khi Đường Hi Hoa đến làng, vô tình hay cố ý thì bà ngoại tôi cũng ra Hà Nội hai đêm, nếu bài vở của đám này giống nhau, mà chắc chắn là giống nhau thì kiểu gì bọn họ cũng sẽ có cách để bà ngoại tôi đi đâu đó vài ngày, nơi đến tôi nghĩ một lần nữa sẽ là Hà Nội.
Từ hai thông tin thu được cộng với những sự việc xảy ra trước đây thì những hồn ma từng trải cho rằng bọn chúng sẽ thay đổi cách thức làm, có thể là đột nhập yểm bùa kết hợp đào bới nhanh trong một đêm, mọi việc sẽ kết thúc trước khi trời sáng thay vì làm như những lần trước là yểm bùa rồi chờ đợi thuận lợi mới tiến hành. Nếu nhóm này muốn đào nhanh trong một khoảng thời gian giới hạn thì nhân lực sẽ phải tăng lên gấp đôi, nếu trong ngôi nhà hai tầng kia đột nhiên có thêm nhiều người thì đó sẽ là dấu hiệu cho việc bọn họ sắp sửa hành động.
Thời điểm! Thời điểm là điều mà chúng tôi chưa biết nhưng chúng tôi đã sẵn sàng chờ đợi. Để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra, một lần nữa tôi đánh tráo bát hương của chị Đẹp mang đi cất giấu. Bây giờ bát hương ở trong miếu chỉ là một cái bát hương không có “cốt” bát hương ấy chỉ có cát và tro bếp, có thể gọi là một bát hương giả.
Tối nay khi những vong hồn đã tụ tập đông đủ, chưa tới giờ Hợi thì có một vong chạy đến báo tin:
-Ngôi nhà mà chúng ta theo dõi bấy lâu nay vừa có thêm người, thêm bốn người khác.
-Tin này từ bao giờ? – Chị Ma hỏi ngay.
-Họ mới đến cách đây chừng một khắc. – Vong hồn ấy đáp lời chị Ma. – Nhóm người mới này đi trên một cái xe máy và một cái ô tô có thùng đằng sau.
-Chắc là xe tải, xe đó dùng để chở hàng. – Tôi vừa bổ sung, vừa giải thích.
-Còn có điều gì đáng chú ý nữa không? – Chị Ma hỏi tiếp.
-Ừm... cái xe chở hàng ấy chỉ chở ba cái thùng phuy sắt và lót rơm ở dưới sàn, ngoài ra còn có mấy cái chăn bông khá dày.
-Mùa hè nóng bỏ cha lên được, bọn nó dùng chăn bông để làm gì nhỉ? – Ông Lê Tam Ba thắc mắc.
Tôi đang suy nghĩ về điểm này thì chị Đẹp đã nói:
-Ta biết đấy chăn bông dùng để làm gì.
Mọi ánh mắt đều đổ dồn nhìn và chờ đợi chị Đẹp, chị nói tiếp:
-Kho của ta ngoài vàng nén, bạc thỏi còn có nhiều thứ lỉnh kỉnh khác, tất cả đều bằng vàng ròng. Ta cho rằng những cái chăn bông sẽ dùng để trải dưới sàn xe sau đó chúng mới xếp vàng, bạc lên rồi phủ thêm một lớp chăn bông hoặc rơm rạ nữa. Chăn bông sẽ làm giảm tiếng động khi di chuyển.
Điều này là logic, chị đẹp Lý Ngọc Khuê là chủ kho nên sẽ biết rõ số lượng.
-Nhưng mang một cái xe ấy đến để chở đồ ă·n c·ắp của ta thì có vẻ coi thường sự giàu có của ta rồi, chúng nó phải mang thêm vài cái xe nữa chưa chắc đã chở hết được. Của cải dùng để khôi phục giang sơn mà ít như thế thì khôi phục kiểu gì.
-Vậy... vậy thùng phuy bằng sắt bọn nó dùng để đựng... đựng vàng à? – Một anh tuần binh hỏi.
-Thùng phuy thì ta nghĩ chúng nó dùng để đựng thôi chứ chẳng có gì. Ông thấy thùng phuy rỗng hay đặc?
-Tôi thấy một đứa bê nên đoán là nhẹ. – Vong hồn báo tin đáp lời chị Đẹp.
-Vậy là thằng Nhữ Quốc Đan nắm được phần nào về gia sản tổ tiên của nó đã cất giấu. – Ông Lê Tam nhận định. – Chỉ là nó không nắm rõ được quy mô, có lẽ do trải qua nhiều đời nên thông tin cũng không còn chính xác nữa.
-Vậy phán đoán của chúng ta trước đây là đúng, bọn nó có dấu hiệu sắp sửa hành động. Chúng ta phải đề cao cảnh giác từ giờ phút này.
Chị Ma nói với những vong hồn đang đứng xung quanh rồi hỏi chị Đẹp:
-Bà cụ có ở nhà chứ?
-Bà cụ vẫn ở nhà, ban nãy ta rời đi cũng không thấy có gì lạ. – Chị Đẹp đáp.
-Em có biết bà ngoại em chuẩn bị đi Hà Nội như lần trước không?
-Mấy hôm nay em không có lên đấy vì gặp chị Khuê ở đây rồi nên... – Tôi ấp úng. – Nhưng... nhưng nếu bà em đi thì bất tử lắm, bây giờ điện thoại từ đây gọi ra Hà Nội và ngược lại rất tiện nên chẳng biết thế nào. Ngày mai em sẽ lên hỏi bà em xem sao.
-Vậy đêm nay chúng ta sẽ chỉ tập luyện đến hết giờ Tý, sau đó đi kiểm tra lại tất cả những thứ đã sắp đặt một lượt xem còn thiếu sót gì hay không. Trước gà gáy ta nghĩ cần phải họp bàn thêm với ông Phùng Huy, ông tuần đinh và những ma khác nữa, kẻ địch rất mạnh nên không thể có thiếu sót gì xảy ra được.
Tất cả đều đồng ý với lời của chị Ma vừa nói, tôi tất nhiên là không có ý kiến gì, gạo tôi vẫn còn gần một túi, ngày mai tôi sẽ xin thêm sư thầy, rất có thể đây sẽ là một cuộc chạm trán nảy lửa và Đường Thốc Tử sẽ mang theo những quân bài mạnh nhất để phòng thân trong lúc đào bới.
***
Bà ngoại tôi đi Hà Nội thật!
9 giờ sáng ngày hôm sau tôi mới đạp xe đến quán của chị họ tôi ở ngã tư Đề Đổ thì được biết bác tôi đã chở bà ngoại đi Hà Nội lúc 8 giờ. Bây giờ mùa gặt đã xong nên bà tranh thủ ra thăm con trai út làm ăn ra sao, mọi lần bà ngoại tôi sẽ bắt ô tô ở đầu làng nhưng lần này bác tôi có việc nên chở bà cùng đi luôn. Chuyến đi này của bác cũng là đặt nền móng cho chị Quyên – người con gái lớn của bác – thoát ly trong một khoảng thời gian trước khi về lấy chồng làng bên.
-Ban nãy mẹ mày cũng gọi về hỏi tao là bao giờ mày ra Hà Nội. – Chị Hiền, người chị học chung lớp cấp II nói với tôi.
-Em á? Em còn bận suy nghĩ về tương lai của mình nên chưa thể đi được. Còn chị thì sao? Chị sẽ học trường nào?
-Tao sẽ nộp đơn vào trường 1, nhưng tao sẽ học trường dân lập, huyện mình bây giờ có trường dân lập vừa mới mở. Còn mày? Mày tính vào trường 2 thật à?
-Em đang phân vân, thời gian cũng còn nên chẳng vội chị ạ.
-Tao thấy mày học Văn và Toán được, mày cứ thi trường 1 đi, học ở đấy gần và oai nhất còn gì nữa.
-Vấn đề là em... lười! – Tôi thú nhận một sự thật.
-Chứ không phải là do cái Chúc nó học ở trên Bắc Ninh à?
-À thì... cũng một phần.
-Sao mày không ra Hà Nội mà học, chuyển cấp như thế này là rất tiện đấy.
Tôi thở dài rồi nói:
-Em ra ngoài ấy học thì bà em ở với ai?
-Sớm muộn gì mày cũng sẽ rời cái làng này, không phải bây giờ thì ba năm nữa mày cũng đi thôi, mày chẳng thể ở mãi đây được đâu. Cái kiểu của mày mà ở làng làm nông dân thì tao cùi sứt móng.
-Thôi thì được năm nào hay năm đấy chị ạ. Ai rồi cũng rời làng, chị cũng thế. Chị đi học cấp III sẽ quen nhiều anh ở nơi khác, nhất định sẽ lấy chồng xa đấy.
-Sao mày nghĩ thế?
-Theo kinh nghiệm của em thì một khi đã rời làng hầu như chẳng ai muốn quay lại cả. Chị mới quanh quẩn trong xã, đến phố Hồ em còn chẳng thấy chị đi nên chị chưa biết đấy thôi. Người ta quen với cái sướng, không ai quen với cái khổ cả.
-Mày nói thế nào ấy chứ, tao thấy ở làng sướng mà.
-À, đấy là chị chưa ra ngoài nên nói vậy. Ở làng thì sướng rồi nhưng ý em nói ở đây là vui cơ. Một khi chị có cơ hội sống ở nơi đông người, nhiều hàng quán, nhiều chỗ chơi thì sẽ không muốn trở lại đây.
-Thôi, thôi! Mày nói cứ như ông cụ non ấy, mới tí tuổi ranh mà làm như người lớn không bằng.
-Có người nói với em là tuổi tác không quan trọng, quan trọng là trải nghiệm thôi, ai trải nghiệm nhiều hơn thì vốn sống nhiều hơn. – Tôi cười. – Như chị này, thằng Hưởng này... bao nhiêu đứa khác ở làng này đều hơn em hai tuổi mà học chung lớp đó thôi, ai tính tuổi làm gì.
-Mày lại giơ cái tuổi của mày ra. Thôi mày lượn mẹ đi cho nước nó trong.
-Mà này! Chị có người yêu chưa? Tối nào em cũng thấy mấy anh đến quán chơi.
-Tao không thích, tao thích thằng nào đẹp trai, lãng tử. Mấy đứa ở làng mình tao không thích.
-Ơ thế mấy anh ấy đến chơi với ai?
-Chị Quyên, cái Hạnh.
-À, chị Quyên thì là bạn của mấy anh đấy rồi, chẳng biết chị ấy yêu ai. Em thấy mấy anh ở làng mình cũng hiền lành, sau này làm ruộng hay làm đậu đều tốt cả. Chị không thích mấy anh đấy là một dấu hiệu cho thấy chị sẽ lấy chồng thiên hạ. Còn chị Hạnh thì... em chịu, chị ấy mới tí tuổi đầu mà đã có nhiều anh theo đuổi rồi.
-Mày biết biệt danh của nó là gì không?
Tôi lắc đầu, chị Hiền nói:
-Lửng lơ!
Tôi ngẩn người ra không hiểu.
-Sao lại gọi là lửng lơ?
-Tao bảo rồi, mày là một thằng tồ về chuyện yêu đương, chẳng biết cái mẹ gì. Lên cấp III tranh thủ mà học thêm về tình yêu đi em trai ạ, cả trường mình biết mày thích cái Chúc mà tao chưa bao giờ thấy mày nói với nó một câu nào.
-Em... em có viết thư đấy!
-Viết thư... Đúng là thằng dở hơi. Gặp hàng ngày thì không nói lại còn bày đặt viết thư. Mày ngu lắm em ạ, giờ chim đã bay xa rồi, ở đấy mà tương tư. Tao cũng nói với mẹ mày là mày còn bận tương tư đấy, mẹ mày cười suốt.
-Chị... sao chị... chị lại nói với mẹ em làm gì?
-Mẹ mày hỏi lý do mày ở nhà là gì, mọi năm có khi còn chưa tổng kết mày đã tếch đi rồi. Mày không nói nhưng ai cũng đoán được cả, tao không ngờ em tao lại là một thằng si tình đến thế.
-Si tình? Vớ vẩn! Em chỉ là thích nó thôi chứ si tình cái gì. Chị phải biết là đứng trước ngưỡng cửa tương lai cần phải tập trung suy nghĩ, phải...
-Thôi mày dẹp đi, mày lại bắt đầu ba cái mớ lý luận linh tinh chống chế, tao biết thừa. Tao nhìn thấy mặt trời trước mày hai năm đấy, mày không lừa được tao đâu.
Tôi cũng chẳng biết chị Hiền tôi nói có đúng hay không nhưng nói chung thời điểm này cảm xúc của tôi khá là phức tạp, vui buồn lẫn lộn, thi thoảng tương tư, nằm nghĩ vẩn vơ rồi cười một mình.
Dự đoán của tôi về chị Hiền là thật mặc dù tôi không phải là thầy bói hay thầy tướng số gì. Chị ấy học cấp III một cách êm đềm sau đó lên tỉnh học một trường trung cấp tài chính - kế toán, ở trên ấy chị quen một anh đúng như chị mong muốn, đẹp trai, hay cười, ăn nói nhẹ nhàng và rất có duyên. Ai gặp cũng đều quý mến cả, chỉ tiếc là số anh ấy đoản mệnh.
Việc bà ngoại tôi rời làng đồng nghĩa với việc kế hoạch của Đường Thốc Tử chắc chắn đã được thực hiện. Tôi đoán rằng dưới âm phần kiểu gì các chị và những ông kia đều đã nắm được việc này.
Tôi cũng có những chuẩn bị của riêng mình, trong lòng không có một chút hồi hộp hay lo lắng nào. Tôi muốn những việc này sẽ mau chóng chấm dứt để mùa hè của tôi bắt đầu.
---
***