Chương 304: Chiến thuyền Lý Ngọc Khuê
Tôi lúi húi tung ra phía đằng sau chỗ mình ngồi khoảng một chục Hỏa binh, nhóm này vừa mới xuất hiện đã hứng trọn mưa tên của đối phương bắn từ bờ bên kia sang, tôi vội ra lệnh cho Hỏa binh ngồi xuống nhưng cũng chỉ còn lại bốn lính. Bốn Hỏa binh nhận lệnh tiếp theo ấy là bò ngồi nép sát vào bờ ruộng tiếp giáp với dải đất. Những lời vàng ý ngọc của hai chị xinh đẹp vẫn đều đều được tuôn ra, mặc dù những lời đáp của bên kia tôi không hiểu gì nhưng tôi chẳng cần hiểu tôi cũng biết bọn chúng đang tức điên.
-Ông Nhạn ơi! – Tôi gọi.
Ông Nhạn bò rất nhanh tới gần bên tôi và hỏi:
-Mày tính bắn từ bên này qua à?
-Khoảng cách chưa đến năm mươi bước chân, kẻ thù trước mặt, không bắn chả phải sẽ phí hay sao hả ông?
-À, tao còn cay bọn nó lắm, thấy mày cho rút rồi với lại hao binh nhiều quá nên tao cũng ngại.
-Bây giờ hai ông cháu mình men theo dải đất này đi lại đằng kia để gọi binh, tí nữa ông dẫn họ quay trở lại nấp ở đây tha hồ mà bắn.
Ông Nhạn gật đầu rồi bò rất nhanh về hướng Đông men theo dải đất dưới làn mưa tên. Chị Ma và chị Đẹp vẫn tiếp tục cuộc khẩu chiến, bốn Hỏa binh tôi giao lại cho ông Tam rồi bò theo ông Nhạn.
-Chừng ba mươi quân là đủ rồi, sợ không có chỗ ẩn nấp. – Ông Nhạn nói với tôi ngay khi tôi vừa mới bò đến.
-Cháu chưa ước lượng được chính xác độ dài từ chỗ ngồi ban nãy đến bờ ruộng rìa cánh đồng, chỗ mương nước ngăn cách với đường đất ven làng. Ba mươi là đủ chứ ông?
-Tao áng chừng như thế!
Tôi tung ra hai lần gạo rang và đưa cho ông Nhạn đủ số quân như ông ấy đề nghị.
-Còn mày, mày định làm gì?
-Cháu đang muốn chơi bọn này. Dưới mương gọi vài thuyền để Thủy binh bắn bọn họ và thêm một đội Hỏa binh nấp từ ruộng bắn sang nữa.
-Như thế mày phải kéo đội hình của bọn nó về hướng Cống Đoan?
-Đêm nay mất phân nửa quân đã xuất ra mà cháu chưa biết bên bọn chúng thiệt hại bao nhiêu, thời cơ như thế này tốn thêm gạo nữa cũng được, đi buôn không thể lỗ, cháu sợ đêm nay ngủ không ngon được.
-Đấy, tao thích cái khí thế kiểu này.
-Chị Ngọc Khuê bảo đấy là máu ăn thua đủ đấy!
-Ui, mày kệ đàn bà con gái đi, đánh địch đang hăng lại thất thế, bây giờ có cơ hội đập chúng nó tơi tả thì phải trả lại chứ. Còn Lê tướng quân thì sao? Ông ấy vẫn ở lại nhưng sao ngươi không cấp quân cho ông ấy?
-Ông Tam mới quần chiến xong để ông ấy nghỉ, có ông ấy thì cháu yên tâm hơn chỗ hai chị gái kia, nhất là chị Khuê váy màu xanh.
-Được rồi, để ta nói lại với tướng quân. Mày cũng phải cẩn thận đấy nhá!
-Bọn nó mà qua được mương thì ta rút về mả của Mẹ Sư, thống nhất là như thế. Ông nói với ông Tam là chú ý giúp cháu xem bọn nó có vòng về hướng cầu Đình để vào làng hay không ông nhé.
-Đồng ý.
Ông Nhạn bò rất nhanh trở về vị trí ban đầu cách chỗ tôi đang đứng khoảng hơn một trăm mét, đội Hỏa binh cũng bò theo ông ý. Ông Nhạn vừa đi khỏi thì tôi gọi ra đến năm mươi Hỏa binh, tôi không chia họ thành hai đội mà chỉ một đội duy nhất, đội này cũng nép sát vào bờ đất cao khoảng hơn nửa mét so với mặt ruộng. Tôi ra lệnh tiếp theo:
-Từ từ di chuyển men theo dải đất này một trăm bước chân, đủ một trăm bước chân thì nhổm người lên bắn vào lũ lính âm binh mắt đỏ ngầu đứng bên kia mương nước, thi hành ngay!
Đội Hỏa binh này lẳng lặng bò đi rất nhanh, tôi luôn cảm thấy yên tâm bởi vì họ nhất nhất chấp hành mọi mệnh lệnh được đưa ra.
-“Chúng mày có một đội khoảng một trăm cung tên à? Thế tao phải có nhiều súng và cung tên hơn xem mèo nào cắn mỉu nào.”
Tôi nhắm mắt lại trong giây lát hình dung địa hình hai bên mương Khoai ở đoạn này sau đó mới lấy gạo rang từ trong túi ra, lom khom tiến lại chỗ dải đất và nằm im nhìn về hướng Tây Nam.
-Đoàng! Đoàng! Đoàng!
Tiếng súng nổ vang trời thì tôi trườn mình về phía mấy bụi cây, đoạn này cây thấp rất nhiều nên rất lý tưởng để ẩn nấp. Sở dĩ tôi phải chờ tiếng súng nổ nhằm phân tán sự chú ý của lũ âm binh về hướng ấy để tranh thủ thời gian gọi Thủy quân. Một nhúm, ba nhúm rồi tôi ném xuống đoạn mương Khoai tất cả là năm nhúm gạo với khoảng một trăm hạt, năm nhúm gạo này nhanh chóng biến thành năm thuyền, mỗi thuyền có tám lính bắn súng, lẫn cả cung thủ. Thấy năm không đủ, sau một thoáng lưỡng lự tôi ném xuống thêm ba lần nữa nâng số thuyền chiến lên tám thuyền.
-Xuôi thuyền về hướng Tây theo con mương này, b·ắn h·ạ tất cả các mục tiêu ở bờ bên kia cho đến khi có lệnh mới.
Thuyền của Thủy quân lướt đi thì tôi cũng vội vàng bò trở lại ruộng để ẩn nấp rồi mới bò về chỗ Hỏa binh đang ra bắn, cứ khoảng ba mươi giây là có một loạt súng, tám mươi khẩu súng bắn từ bờ ruộng bên này qua bên kia, thêm hơn sáu chục khẩu bắn từ dưới mương ngược lên đường cái. Tôi tự tin đây là một lực lượng mạnh và quan trọng là địch không thể áp sát được, khoảng cách dưới hai mươi mét thì bắn trượt còn khó hơn là bắn trúng, nhất là khi âm binh đối phương đứng dày đặc ở bờ bên kia không khác gì một bức tường màu đen cao khoảng một mét sáu.
-Hai chị réo tổ tông mấy đời nhà bọn nó đã mệt chưa?
Tôi lên tiếng hỏi ngay khi vừa mới bò đến gần chỗ hai chị đẹp đang nấp.
-Chị chưa, mấy khi được chửi mà không lo bị trị tội. – Chị Ma đáp.
-Ta còn nhiều bài thơ tự viết suốt mấy trăm năm qua, ta sẽ chọn ra những bài hay để tặng chúng nó. Nhưng mà lũ đầu đất này ta sợ không hiểu ý nghĩa nên chắc phải chọn ra vài bài rồi sửa đôi chỗ, ban nãy ta ví bọn chúng nó với lão tướng họ Đường là lũ cẩu ăn... ăn...
-Lũ cẩu ăn phân, ăn vài thứ khác nữa! – Chị Ma bổ sung. – Ban nãy đọc thì to lắm sao giờ lại còn ngập ngừng?
-Thằng bé còn trẻ con, không nên để nó nghe mấy thứ ấy.
-Lắm chuyện! Nó nghĩ tốt về cô thì vẫn cứ nghĩ tốt thôi, đâu phải vì cô chửi đám âm binh kia mà nó có cái nhìn khác về cô được chứ?
-Chị Khuê là số một về văn thơ thì cứ vận dụng mà rủa bọn nó đi, chọc tức chúng nó để cho Hỏa binh bắn.
-Trước đây... trước đây ta chưa làm như thế bao giờ, dù sao ta cũng là...
-Là tiểu thư nửa mùa, sinh thời cô là tiểu thư nhưng bây giờ là ma rồi, ma nào cũng là ma hết, chửi bọn nó đi, ngại thì chỉ cho ta để ta chửi, giọng ta rất dõng dạc khi cần thiết đấy. Ta mà biết trước như thế này thì rủ thêm những bà cô ở trong làng ra đây họ còn chửi ghê hơn, họ còn tốc cả váy nữa cơ, cái đấy thì ta không dám.
Tôi cười mím môi rồi bò ngược lại chỗ đội Hỏa binh của tôi đang bắn, để hai chị tự nhiên hành động. Chị Đẹp vẫn giữ ý tứ khi có tôi ngồi gần nên ngại không dùng những từ t·ục t·ĩu, chị Ma thì khác, chị ấy là ma trong dân gian cơ mà.
-Cho ta ngồi ở đây cùng cháu.
Ông Lê Tam cũng bò ra chỗ tôi ngồi, tôi có chút ngạc nhiên, ông Tam nói luôn:
-Ngồi gần hai tiểu thư kia nghe chửi thì cũng đã tai lắm nhưng... hề hề hề... ta nghe mãi không chịu được nhưng không dám nói. Lũ kia chắc là tức lộn ruột mà chẳng làm gì được, miệng lưỡi của đàn bà thật là đáng sợ.
-Cháu không thấy ông phản ứng gì, cháu tưởng là không quan tâm. Ông nghĩ đám bên kia sẽ cảm thấy như thế nào?
-Bọn nó lúc còn sống sang đất Việt này lúc nào chẳng có tư tưởng bề trên. Ta không nói là tất cả nhưng phần lớn là vậy, bây giờ là ma lại bị mấy ma nữ réo tên chỉ huy rồi cả vua chúa ra miệt thị thì chịu làm sao nổi. Chúng nó mà bắt được thì ta không dám tưởng tượng, có khi bọn nó cũng đun vạc dầu sôi rồi thả mấy cô này vào trong đấy cũng nên.
Tiếng súng của Hỏa binh nấp sau dải đất lại nổ một loạt, dưới mương Khoai thì nổ liên hồi, không theo loạt nhưng nổ nối tiếp nhau, tôi nấp ở chỗ này không nhìn rõ được. Bên kia đáp lại bằng những loạt tên bắn sang nhưng vô ích, rất khó để trúng bất kỳ ai, nếu như đen đủi lắm thì cũng chỉ bị mũi tên sượt qua mà thôi, trừ khi những mũi trên từ trên trời rơi thẳng xuống thì chịu, như thế thì toi hết một lượt.
-Ông thấy Hỏa binh bắn có trúng không?
Lê Tam tướng quân hơi nhổm đầu lên để quan sát cùng lúc với đội Hỏa binh nổ súng, vài giây sau ông thụp xuống và nói:
-Trúng nhưng chẳng biết hạ được bao nhiêu đứa.
-Bọn nó không lùi đi ư? Sao tồ thế ông nhỉ?
Ông Tam lại thò đầu lên nhìn một hồi rồi tường thuật:
-Hình như đám cung thủ có thêm quân, bọn bộ binh ở đoạn này đã lùi lại phía bên kia đường rồi thì phải. Bọn nó tăng số lượng cung thủ để bắn hình cầu vồng, Hỏa binh bắn thẳng. Nếu đám ấy lùi về phía bên kia đường cái bắn cung thì Thủy quân của cháu sẽ gặp bất lợi vì không nhìn thấy mục tiêu.
-Thủy quân! Thủy quân theo con mương đi về hướng Tây một trăm bước và bắn! Bắn xong lùi về phía Đông năm mươi bước bắn tiếp. Bắn xong thì di chuyển qua lại như con thoi.
Tôi cũng thò đầu lên lẩm nhẩm trong miệng ra lệnh cho Thủy quân dưới mương Khoai mặc dù tôi vẫn không nhìn thấy nhóm quân này.
-Cháu định làm gì?
-Ông vừa nói Thủy quân dùng súng bắn thẳng mà không thấy mục tiêu thì vô dụng, đám cung thủ bên kia đứng sau đường cái quan cũng không thấy Thủy quân nhưng bọn chúng bắn cầu vồng thì cháu dùng kế khác. – Tôi giải thích với Lê tướng quân. – Mương nước đoạn này hẹp nhưng đều thẳng tắp, cháu ngồi đây ra lệnh cho Thủy quân cho thuyền chạy lên đằng kia bắn một loạt xong lại chạy về đây như con thoi, như thế sẽ giảm thiểu thiệt hại. Mà đằng kia ông xem kìa, bọn bộ binh vẫn đứng ven bờ.
Thủy quân quả nhiên thực hiện theo lời tôi nói, mặc dù tôi không nhìn thấy nhóm này di chuyển nhưng tiếng súng nổ ở hướng đằng Tây đã ngầm báo hiệu hành động của họ.
-Cháu chỉ có mấy thuyền như vậy thôi à? – Ông Tam hỏi tôi.
-Dạ? Lần trước ở cầu Đình cháu thấy thuyền có tám lính bắn súng đã là hoành tráng lắm rồi, họ di chuyển ngang dọc rất nhanh, ông không thấy sao?
-Ý ta là khác, thuyền nhỏ dĩ nhiên là sẽ có tốc độ nhanh hơn so với thuyền lớn. Cháu không có thuyền lớn hơn sao?
-Cháu... cháu không biết!
-À ta quên, đều là tự khám phá.
-Còn một thuyền nhỏ hơn nữa, cháu nhớ là chỉ có hai lính dùng súng.
-Vậy là tùy thuộc vào địa hình hoặc số gạo rang cháu sử dụng sẽ có loại quân tương xứng, có nhỏ ắt sẽ có lớn.
-Ý ông là...
-Đúng vậy! Hẳn là sẽ có loại thuyền lớn hơn nữa, có thuyền to thì áp chế bọn nó dễ dàng.
-Cháu không hình dung ra thuyền to là như thế nào, từ nhỏ cháu còn chưa tận mắt thấy cái thuyền thật hình dáng ra sao, đây lại còn là thuyền chiến nên cháu...
Lời sau đó của ông Tam lẫn trong tiếng súng của Hỏa binh nên tôi không nghe rõ nên phải hỏi lại, ông Tam giải thích lại cho tôi:
-Ta cũng không biết nhiều về thủy binh nhưng ta biết bọn họ có những thuyền lớn, nào là lâu thuyền, mông đồng thuyền... ngoài việc quân ở trên thuyền dùng đủ loại v·ũ k·hí như đao, kiếm, súng, cung tên. Thời Trần còn có một loại gọi là thuyền đỉnh, ta thấy Thủy quân của cháu đang dùng có lẽ là loại này.
Tôi gật đầu lia lịa, dù sao tôi cũng chẳng hiểu gì cả.
-Từ thời trần Thủy quân đã phóng đạn dầu cháy để đốt thuyền đối phương. Cháu mới chỉ biết cách dùng Thủy quân như Hỏa binh chứ chưa phát huy được tối đa khả năng của họ.
Tôi lại gật đầu, điều này là đúng.
-Ta nhớ thời trước có những loại thuyền gắn cả máy nỏ để bắn tên nhưng sau được thay thế bằng đại bác, lúc ta còn sống thì loại thuyền gắn đại bác ấy cũng chỉ nghe nói chứ chưa tận mắt thấy. Đại bác chắc là súng lớn.
-Đại bác thì cháu biết, cháu có thấy nhiều lần trên sách đã học nhưng hình như đại bác cũng bắn thẳng.
-Đạn nó làm bằng sắt hả? – Ông Tam hỏi tôi.
-Cháu... cháu không biết, chắc là như thế. Nếu có thuyền lớn gắn đại bác thì tại sao ta không thử nhỉ?
-Ta cũng muốn xem.
-Nhưng nếu gọi được thuyền to thì chỗ mương này chẳng vừa đâu, cháu nhớ lòng mương đoạn này chắc chỉ bốn mét là nhiều.
-Vậy lại đằng kia, chỗ có mương dẫn nước vào cánh đồng, đoạn ngã ba ấy rộng rãi hơn.
-Vậy ông cháu mình đi.
-Còn Hỏa binh ở đây thì sao?
-Họ cứ thế mà bắn thôi, trừ khi cháu thay đổi lệnh, để họ bắn cho vui tai, đè đầu đám bên kia xuống.
Ông Tam bò đi trước, tôi bò ngay phía sau. Đến chỗ hai chị xinh đẹp đang đọc thơ với réo tên tổ tiên của giặc thì phải vòng qua một chút nhưng cũng không khó khăn gì. Chị Đẹp thấy tôi không ngồi ở chỗ ban đầu mà bò thẳng nên hỏi với theo:
-Ngươi... ngươi đi đâu thế?
-Em với ông Tam bò lại đằng kia để gọi thêm thuyền chiến to, bắn cho đã.
-Thuyền to hả? Ta... ta... cho ta đi với.
-Ơ...!
Tôi dừng việc bò, ngồi dựa lưng vào bờ đất hỏi lại chị Đẹp:
-Chị đang ngâm thơ cơ mà?
-Ngâm thế đủ rồi, để ta nghỉ một tí lấy sức chứ. Ngọc Hoa, cô đi xem thuyền to không? – Chị Đẹp rủ rê.
-Thuyền thì có gì mà xem, hôm trước ta thấy ở cầu Đình rồi, cô thích thì đi với thằng bé đi, ta ở lại đây. Bọn này nhất định là quân của Minh triều rồi, ta có thù với bọn nó nên đây là cơ hội để ta xả giận, cô cứ đi đi.
Chị Đẹp không chần chừ rời ngay chỗ nấp và bò theo tôi, được một đoạn tôi quay lại hỏi chị Đẹp:
-Bọn âm binh là binh mã của Minh triều thật hả chị?
-Ừ, đúng vậy.
-Sao chị biết?
-Chửi chúng nó thì biết thôi, mắng xa xả vua của bọn nó nên bọn nó nhảy dựng ngược lên, nhìn thật là buồn cười. Bọn đấy chẳng biết ta là ai, cái Hoa nói với ta rằng khi mạt sát mà bên kia không biết thân thế thì cứ tha hồ mà mồm loa mép giải bọn nó chả làm gì động đến tổ tiên của ta được. Thật là thích quá đi. – Chị Đẹp có vẻ rất phấn khởi. – Lúc trước đi đánh trận cũng vui như thế này hả?
-Dạ? À... à thì cũng vui ạ. – Tôi miễn cưỡng đáp.
-Tiếc thật đấy, giá như lần trước ta không háo hức đi xử lý đám kia thì... chậc... ta đã bỏ qua biết bao nhiêu là thứ hay.
-Tí nữa chị còn đọc thơ cho bọn chúng nghe nữa không?
-Ta còn cả một bụng thơ ngươi không phải lo, ta xem thuyền chiến gì đó xong sẽ quay lại ngâm tiếp. Ở nhà ta còn có cả mấy cây đàn đấy, khi nào có dịp ta sẽ gảy đàn cho ngươi nghe.
-Vâng! Vâng!
Tôi liên tưởng đến âm thanh eo éo từ cái băng từ từng bị tôi làm nhàu nát dọa ma người ta, chả biết tiếng đàn của chị Đẹp có giống như vậy không chứ... nếu mà giống thì chắc tóc tai của tôi dựng ngược hết cả.
-Đến được đây thôi, còn vài mét trước mặt không có bờ đất che chắn, bò ra chỗ đấy lớ ngớ ăn tên đầy người đấy. – Ông Tam cảnh báo.
Tôi nằm nghiêng người dựa vào bờ đất, đoạn này chỉ cao khoảng hơn ba mươi phân so với mặt ruộng, rất gần chỗ trước đây đã đào được hũ tiền xu cổ. Tôi cẩn thận lấy túi vải ra rồi thò tay vào bốc ra một nắm gạo, ước chừng phải đến năm mươi hạt, thật sự thì tôi cũng có đôi chút băn khoăn bởi vì chưa bao giờ ném từng này gạo xuống mương. Trên miệng lẩm nhẩm mấy lần cầu khấn cho xuất hiện thuyền chiến to, loại có đại bác để bắn cho mạnh, trong đầu tôi tưởng tượng đến những khẩu đại bác đã từng thấy ở thành Cửa Bắc hay dọc đường Hoàng Diệu trong những lần trước đây ra Hà Nội chơi.
Tôi vung tay ném mạnh nắm gạo rang về phía bờ mương trước mặt và hồi hộp chờ đợi một thứ mà tôi chẳng biết nên hình dung như thế nào cho đúng. Chỉ trong vài giây ngắn ngủi, phía trước mặt hiện ra một con thuyền lớn, lớn hơn gấp ba đến bốn lần so với thuyền chở tám Thủy quân.
-To... to quá! – Chị Đẹp tỏ ra ngạc nhiên.
-To thế này... to thế này thì làm sao mà di chuyển được trên con mương? – Tôi tự hỏi, chẳng ai trả lời được.
-Không di chuyển được thì chỉ cần ở đoạn mương này bắn cũng đã rồi, ta đếm có cả thảy đến hai mươi lính trên thuyền. Cái kia có phải là đại bác không? Cái ống màu đen đen kia kìa. – Lê tướng quân bình luận, ông ấy cũng chưa nhìn thấy đại bác trên thuyền giống như tôi.
-Nhìn kìa! Lá cờ trên thuyền có chữ “Lý”! Ô, thật hay quá, nhìn chữ “Lý” kìa.
Tôi gượng cười, chữ Hán tôi chẳng biết, chữ nào cũng giống chữ nào cả. Mà điều này cũng chẳng có gì lạ, nếu tôi thật sự là họ Lý và thuyền này do tôi ném gạo rang ra và chỉ huy nên tất nhiên là nó ghi chữ đó rồi.
Từ vị trí tôi đang nằm, mạn thuyền cao hơn mặt ruộng khoảng một mét, tôi chỉ nhìn thấy mạn thuyền bên này có chín binh lính trang bị v·ũ k·hí đầy đủ, một khẩu đại bác với cái nòng màu đen sì thò ra bên hông. Bên phía trên thuyền có cả mái che hơi cong và một cột cao tôi nghĩ là buồm.
Một chiếc thuyền chiến lớn xuất hiện khiến cho hai bên đang tham chiến đều ngạc nhiên, trong gần nửa phút tiếp theo không thấy có tên bắn sang nữa, chỉ còn t·iếng n·ổ súng của Hỏa binh.
-Ngươi... ngươi còn ngây ra đó nữa hả? Mau ra lệnh cho lính của ngươi đi, bắn đi! – Chị Đẹp giục. – Cái súng đại bác gì kia bắn đi.
-Đúng! Cháu không ra lệnh thì họ đứng ngây ra như phỗng thế kia thì dính tên của bọn nó bây giờ. – Ông Tam nhắc nhở.
Tôi nuốt nước bọt đánh ực một cái rồi mới lắp bắp ra lệnh bởi vì tôi vẫn còn đang ngạc nhiên mải nhìn ngắm cái thuyền:
-Thuyền chiến to đùng kia mau nghe lệnh, có cái gì bắn được vào bọn âm binh mắt đỏ Minh triều bên kia thì bắn đi, bắn hết tất cả những gì các ông có, tiêu diệt bọn chúng đi!
-Cái gì mà thuyền chiến to đùng? Ngươi không có cách gọi nào nghe êm tai hơn à? Không biết gọi là gì thì gọi là thuyền đại hay đại thuyền nghe nho nhã biết bao nhiêu.
-Vậy... vậy chị nghĩ cho nó một cái tên đi chứ em... em chẳng nghĩ ra.
-Được, trọng trách lớn này chỉ có ta mới làm được, ngươi phải cố gắng học cho giỏi, biết nhiều chữ rất có lợi.
-Được rồi, được rồi em hiểu. Thế tên cái thuyền là gì?
-Ngươi đặt cho nó tên là... Ngọc Khuê đi!
-Hả? Cái gì ạ?
-Ngọc Khuê là một cái tên rất hay đấy ngươi có biết không? Cái thuyền này có cờ chữ “Lý” nếu đặt tên nó là Ngọc Khuê thì rất hay, ta nghĩ như vậy.
-Ông thấy... ông thấy sao ông Tam ơi? – Tôi hỏi với lại phía sau.
-Tên gì mà chả được, miễn có hỏa lực mạnh diệt hoặc đẩy lui bọn nó.
Tôi quay lên phía trước và đặt tên cho cái thuyền chiến lớn đang có dấu hiệu xoay nghiêng một bên mạn thuyền về hướng Đông Nam, những binh lính đứng ở mạn thuyền bên kia đã di chuyển sang hẳn một bên, họ dựng những tấm ván gỗ lên rồi đặt súng bắn. Tôi đặt tên cho thuyền là... Ngọc Khuê! Và lo lắng rằng sẽ phải gọi thêm một cái thuyền to nữa và đặt là Ngọc Hoa.
-Đùng!
Tiếng nổ lớn làm tôi giật mình, chị Đẹp cũng la oai oái, chỉ có ông Tam là phấn khích.
Tiếng đại bác nổ thật kinh hồn, pháo cối của tôi phải gọi bằng cụ.
---
***