Chương 298: France 98
Thứ Tư, ngày 10 tháng 6 năm 1998 (Âm lịch 16 tháng 5)
Trời nắng đẹp.
Lần đầu tiên trong đời tôi thực sự xem bóng đá một cách nghiêm túc. Trước đó vào năm 1990 tôi có nghe qua đài bán dẫn nhưng chẳng hiểu gì nhiều, năm 1994 thì tôi xem ở Hà Nội nhưng cũng chỉ thuộc dạng nghe hơi nồi chõ. Điều duy nhất tôi nhớ về World Cup USA 1994 là c·ái c·hết của hậu vệ người Colombia A. Escobar, anh này trong một nỗ lực cản phá đường tạt bóng của đối phương đã phản lưới nhà. Trở về quê nhà, Escobar đã phải nhận 12 phát đạn trong khi World Cup vẫn diễn ra trên đất Mỹ. Thời ấy tivi có đưa tin, đài cũng đưa tin và có cả báo chí viết về sự kiện này, có lẽ vì thế tôi không thích đá bóng trong một khoảng thời gian rất dài.
Tôi ở quê, điểm thi tốt nghiệp vẫn chưa có và những đêm yên tĩnh sau khi chị Đẹp trêu nhầm người cũng không có bất cứ sự kiện gì xảy ra sau đó. Mỗi tối, chị Đẹp đều dành thời gian khoảng nửa canh giờ để học viết, học đọc tiếng Việt, chị ấy học rất nhanh mặc dù tôi không phải là một người có đủ khả năng làm thầy giáo. Tôi cũng năn nỉ, thuyết phục chị Ma học tiếng Việt, chị ấy rất miễn cưỡng với việc này nhưng phần nào đó, vì không muốn thua kém chị Đẹp nên cũng chịu học. Thời gian dạy chữ cho chị Ma dài gấp đôi – thậm chí còn hơn gấp đôi – so với dạy cho chị Đẹp nhưng thành quả thu lại cũng chỉ bằng một nửa. Chị Ma luôn có lý do để né tránh việc học chữ, trong lúc học rất hay ngắm trăng và kể chuyện hồi xưa, tôi cũng là đứa lắm mồm nên... bị cuốn theo, đến khi tôi nhận ra việc mình bị dụ thì tôi phải đấu tranh tư tưởng rồi thuyết phục chị Ma chuyên tâm vào việc học.
“i, t (tờ) có móc cả hai
i ngắn có chấm; t dài có ngang.
E, ê, l (lờ) cũng một loài
Ê đội nón chóp, l dài thân hơn.
O tròn như quả trứng gà
Ô thì đội mũ
Ơ thì thêm râu
O, a hai chữ khác nhau
A thì nhớ có móc câu bên mình.
Huyền ngang, Sắc dọc, Nặng tròn
Hỏi lom khom đứng, Ngã thời nằm ngang.”
Sau này tôi biết đây là bài thơ học đánh vần của cố Giáo sư Hoàng Xuân Hãn chứ lúc học rồi dạy lại cho hai chị thì tôi chẳng biết của ai. Cùng một bài thơ như vậy, chị Đẹp học thuộc lòng rất nhanh và tấm tắc khen hay còn chị Ma lại biểu hiện rất khác.
-O sao tròn như quả trứng gà được, chị thấy nó giống mặt trăng đêm ngày mười sáu.
-Chữ i ngắn này giống thằng người, giống lính canh đứng nghiêm trước cửa nha môn, em có thấy như vậy không?
-Chữ Ô này hay nhỉ, giống mấy lính trên huyện đội nón dấu lông gà.
-Dấu Ngã đây á? Nhưng mà là ngã ngửa hay ngã sấp?
-Ừ! Dấu Hỏi này chị thấy đẹp, giống mấy ông gặp quan huyện hay xu nịnh với bẩm tấu đều khom đến còng cả lưng.
Tôi dĩ nhiên không thể nào giải đáp được những thắc mắc của chị Ma nên cách duy nhất của tôi là gật đầu như bổ củi và nói đúng rồi, đúng rồi, chính là như thế. Thậm chí tôi còn phịa ra lý do rằng xưa kia người Tàu viết chữ tượng hình, người Việt cũng có chữ tượng hình nên con cháu bây giờ cũng dựa theo tượng hình mà tạo ra chữ viết. (Xin chân thành xin lỗi Bộ Giáo dục nhưng lúc ấy tôi mới có 15 tuổi, hiểu biết mới ở trong xã chứ chưa ra đến huyện, nhưng vì nền giáo dục dưới âm ty nên tôi phải phịa.)
-Chị biết ngay! Đây chính là con cháu đời sau biến tấu đi mà thành chữ chứ có gì mới đâu, thời trước học chữ khổ lắm chả dễ như bây giờ. – Chị Ma nhận xét xanh rờn.
Vâng! Học rất dễ nhưng người ta đọc thông viết thạo rồi thì sư phụ của tôi mới thuộc bảng chữ cái, viết rất chậm và chữ như gà bới.
-Chị viết như này là chữ xấu, con gái phải viết chữ đẹp vào.
-Em chả biết gì, chữ chị viết là rồng bay phượng múa, rất hợp với tính cách tự do của chị.
Cũng là tập viết như vậy nhưng chị Đẹp lại kiểu khác sau khi thấy tôi viết chữ:
-Chữ ngươi viết thật là đẹp, rất tao nhã, mang khí chất của bậc trượng phu, rắn rỏi nhưng cũng mềm dẻo. Ta sẽ viết đẹp hơn ngươi, rồi ngươi sẽ ghen tị với ta.
Nhưng đúng là chị Đẹp viết đẹp thật!
Đấy! Hai người con gái xinh đẹp không bao giờ có thể học chung một lớp được, nhiều người hỏi rằng tại sao tôi lại có đủ sự kiên nhẫn dành cho phụ nữ thì chỉ cần các bạn dạy được cho hai chị ma này thành công bạn sẽ hiểu rõ nghĩa của chữ kiên nhẫn, nín nhịn. Khi tôi lớn, tôi trở thành một người bán hàng, nếu có bất kỳ phàn nàn, tức giận nào của khách hàng – tạm gọi là khủng khoảng đi – thì tôi sẽ xung phong nhận phần đi giải quyết. Sau mỗi lần giải quyết các sự cố thì khách hàng ấy chỉ muốn mua của tôi chứ không mua của ai khác, đơn hàng là do tôi tự sắp xếp, chỉ cần báo số tiền là họ chuyển chứ không cần hóa đơn. Nhiều người ngại hoặc sợ đối diện hoặc rơi vào tranh luận đúng sai với khách hàng, còn với tôi, tôi thích gặp trực tiếp hoặc nói chuyện qua điện thoại để tìm hiểu điều gì khiến họ bực bội, có lẽ thái độ nhã nhặn và lắng nghe của tôi khiến sự bực bội ấy chuyển qua đồng cảm...
Chẳng có ông bà khách hàng nào khó tính, khó chiều, vừa mới giây trước là học trò giây sau đó đã trở mặt thành sư phụ hay chị họ ghê gớm lên giọng dạy bảo ngược lại như tôi đã từng trải qua trước đây.
Trận đấu đầu tiên của France 98 tôi xem cùng sư thầy để khai trương cái tivi mới, màn hình to lại nét nhìn rất đã, đúng là hàng của Sony có khác. Trận khai mạc của giải tôi nhớ là Brazil đá, tôi không thích Brazil nên cũng chẳng nhớ họ đã thắng bao nhiêu. Nhờ có France 98 mà ban đêm làng tôi có chút âm thanh tivi vọng ra đường, thi thoảng có tiếng đàn ông cười nói rôm rả. Những đêm có bóng đá thì có cả ngô luộc, khoai lang luộc, lạc luộc... để ăn vặt, ở đầu làng còn có một bàn nhậu tụ tập khoảng hơn chục người mà sau đó tôi biết là ngoài việc theo dõi các trận đấu còn cá cược, nhưng nói chung là đêm diễn ra các trận đấu vui hơn những đêm bình thường rất nhiều. Chị Ma và chị Đẹp cũng tỏ ra bất ngờ khi ban đêm người ta thức đến gần sáng để hò reo, tôi phải giải thích cho các chị ấy một cách ngắn gọn rằng đó là một trò chơi mà đàn ông rất thích (bởi vì ở làng tôi khi ấy chỉ có đàn ông xem).
France 98 ngoài việc là một giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh khi ấy còn mang lại cho tôi nhiều dấu ấn khác, những dấu ấn chỉ riêng tôi mới nhớ.
R9 là một thằng mê bóng đá đến cháy bỏng, để chuẩn bị cho France 98 nó đã lên Hồ mua một tờ lịch thi đấu khổ A0 dán lên bức tường gỗ của nhà nó, sau mỗi trận đấu có kết quả thì nó lấy bút bi nắn nót ghi tỉ số. Tôi xuống nhà nó chơi, mấy ngày sau khi giải đấu khai mạc, trên tờ lịch đã có kết quả của nhiều trận, tôi xem với thái độ rất hờ hững còn bên tai lắng nghe nó tóm lược những trận đấu nó đã xem. Nếu có thằng Chắc Gạo ở nhà thì mới đúng cạ, thằng Chắc Gạo thích đội Inter Milan nên vì thế nó sẽ ủng hộ đội tuyển Italia, R9 thích câu lạc bộ Arsenal nhưng lại không ủng hộ đội tuyển Anh vì nó bảo đội ấy đá ngu, nó thích Ronaldo răng thỏ nên Brazil là lựa chọn của nó.
-Mày ủng hộ đội nào thế? – R9 hỏi tôi.
-Tao à? Mày có đi ra cầu Đình làm chai nước giải khát không?
-Tao hỏi là mày ủng hộ đội nào cơ mà?
-À... Tao thấy đội nào đá cũng được nên phân vân lắm. Ông Andersen viết truyện Những chú lính chì dũng cảm nên Đan Mạch có vẻ cũng được nhỉ, đội ấy mạnh không?
-Không ăn thua.
-Thế thì đội khác, tiếc là Nga không tham gia chứ không tao sẽ ủng hộ cho Nga vì Liên Xô cũ giúp mình rất nhiều thứ, mày có biết là...
-Thôi mày im mẹ đi, đang nói chuyện bóng đá lại cứ nhảy sang lịch sử làm cái gì.
-Đội Manchester “Ưa – Tiêm – Chích” của nước Anh nên tao nghĩ tao sẽ chọn đội Anh, đội ấy mặc áo đỏ và có cả màu trắng nữa, rất đẹp.
-Mày đúng là không biết xem bóng đá, biết xem bóng đá không nên chọn đội tuyển Anh đâu.
-Tại sao?
-Tại tao không thích!
-Nhưng tao thích, bây giờ tao sẽ thích đội tuyển Anh vì đội ấy mặc áo trắng hoặc bất cứ đội nào mặc áo màu đỏ thi đấu thì tao sẽ ủng hộ đội ấy. Màu đỏ nhìn rất mạnh và đầy ma mị, sẽ làm đối phương lóa mắt.
-Đêm nay Anh đá với Tunisia đấy, mày xem không? Hay xuống đây xem với tao?
-Xem ở nhà mày tivi mở tắt tiếng thì xem kiểu gì, mày lên chùa xem với sư thầy ấy, tivi 21 inches màn hình màu đẹp long lanh, sư thầy cũng xem có mỗi một mình.
-Ơ, chùa làng mình có tivi từ bao giờ?
-Nghe nói ai đó đã tặng cho sư thầy để sư thầy xem World Cup, tivi xịn cực, không đểu như cái tivi nhà mày hay nhà tao đâu.
-Nhưng mà có xem đêm được không?
-Sao lại không, sư thầy xem mà buồn ngủ thì mình cứ xem thôi. Nhà mày có hai bà nội với cụ mày lớn tuổi, xem bóng đá không hò hét được thì chán đấy hoặc mày ra đầu làng tham gia với mấy ông lớn tuổi và thanh niên, cũng xôm.
-Mấy người ấy cá cược lại rượu chè nên tao không muốn.
-Cá cược cái gì?
-Cá đội nào thắng.
-Có thật à?
-Ừ, hôm qua trong xóm tao chẳng um lên vì có ông lấy trộm của vợ hai trăm nghìn với một bao gạo đi trả tiền thua cược đấy.
-Hai trăm nghìn với một bao gạo chơi được mấy trận?
-Ai mà biết, chắc chơi nhiều trận thua nên thế.
-Thế để tao ra đấy cá cược, tao đang có tiền.
-Ối! Mày không chơi được đâu, đm mang tiếng trong làng đấy.
-Muốn thì tìm cách. – Tôi lấy từ trong túi ra bốn tờ Năm mươi nghìn đưa cho R9. – Người ta thường nói cờ bạc đãi tay mới, mày đánh luôn đội Anh xem có ai nhận không, được thì tao với mày có tiền ăn uống phủ phê, thua thì tao chịu.
-Hai... hai trăm nghìn? Đm, nửa chỉ vàng, mày...
-Cho có động lực xem, thử đi biết đâu đấy, sợ mang tiếng thì kín kín vào. Mình cược xong đi xem chỗ khác cơ mà, lo cái gì.
-Chơi luôn hai trăm nghìn này à?
-Ừ, thử một lần thôi, thua thì không chơi nữa.
Tôi từ nhà R9 về lúc hơn bốn giờ bởi vì chiều nào cũng phải canh giờ để hái lá vối, một năm có 365 ngày thì hái 365 lá, thật may cái cây ấy vẫn lớn và mỗi ngày một nhiều lá hơn. Tôi đạp xe vòng ra đầu làng để mua vài thứ ăn vặt, biệt danh “Mỏ khoét” quả nhiên không phải tự nhiên có nhưng phải công nhận là nằm đọc truyện mà có cái gì đấy bỏ vào miệng thì đúng là chẳng cái gì thú bằng cả. Chưa đến quán của bà cụ Kh. thì tôi gặp cô Giang, cô ấy cũng đang đi gọi tôi ra nghe điện thoại vì bố mẹ tôi gọi về, tôi có chút ngạc nhiên bởi vì từ hồi nhà bác tôi lắp điện thoại cố định thì bố mẹ tôi hay gọi về đấy thay vì gọi tôi ra đầu làng.
Tôi đạp xe qua khỏi cầu Đình thì hơi sững người dừng đạp xe bởi vì người đàn ông đầu trọc, đeo kính râm đang ngồi bên một cái bàn nhựa, trên bàn có vài chai bia Hà Nội. Ngoài người đàn ông đầu trọc có thể mang cái tên Đường Thốc Tử thì còn hai người khác nữa, trong hai người ngồi cùng Đường Thốc Tử thì tôi biết một người, đó là gã Xi đầu vẫn quấn băng trắng. Tôi dựng xe đạp cạnh một cái cột, lịch sự cúi đầu chào ba người đàn ông vì cũng là chỗ “quen biết” cả.
Tôi gọi một chai Coca và chọn một cái bàn gần ba người đàn ông, tôi muốn nhìn rõ khuôn mặt Đường Thốc Tử và tiện thể nghe lỏm biết đâu có gì hay, nhưng tôi chẳng nghe thấy gì hay cả.
-Này nhóc! – Đường Thốc Tử hất hàm hỏi tôi. – Mấy đứa em tao bảo là lần trước chú mày dọn nhà rất cẩn thận đúng không?
-Dạ? À vâng ạ. – Tôi đáp lời.
-Tao nhớ là chú mày thi tốt nghiệp nhỉ? Sao giờ này vẫn còn ở làng?
-Cháu chờ điểm thi ạ.
-Nhìn mặt mày thông minh sáng dạ thế kia không trượt tốt nghiệp được đâu. Tao nghe nói trẻ con làng này nghỉ hè là đi Hà Nội hết, chú mày vẫn ở nhà thì hơi lạ đấy nhỉ?
-Thật ra cháu nửa muốn đi nửa không ạ. – Tôi gãi đầu. – Chả dám giấu bác, nếu ra Hà Nội thì cháu phải giúp bố mẹ làm đậu, nhà thuê chật chội lắm.
-Tao nhìn thì thấy chú mày có vẻ không phải là đứa lười biếng, nên đi Hà Nội với bố mẹ đi chứ ở làng làm gì, làng này tao thấy lạnh lắm đấy.
-Có điểm thi thì cháu cũng đi thôi bác ạ, tại cháu chưa quyết định sẽ học trường nào ở huyện nên chơi được ngày nào hay ngày ấy, ra Hà Nội là phải làm việc, ở nhà được chơi thỏa thê nên...
-Nhìn mắt chú mày có vẻ hay đi đêm đi hôm đấy nhỉ?
-Dạ? – Tôi khẽ giật mình nhưng lấy lại bình tĩnh rất nhanh. – Từ... từ hôm có World Cup cháu... cháu hay thức khuya xem.
Tôi cố nặn ra một nụ cười, tôi nghĩ là không được tự nhiên cho lắm.
-À, ra thế! Chú mày xem bóng đá thật chứ?
Tôi cố nhớ lại những gì R9 đã huyên thuyên với mình và nói lại, tôi không thể nhớ hết những thứ mà R9 tường thuật lại nhưng dù sao cũng chứng minh được rằng tôi có thức đêm để xem bóng đá thật.
-Chú mày thích đội nào?
-Cháu nghĩ đội tuyển Anh sẽ vô địch, đó là một đội mạnh.
Tôi nói với vẻ đầy tự tin, dù sao cũng mới đặt cửa đội tuyển Anh tận hai trăm nghìn cơ mà.
-Thế cơ à? Đêm nay đội Anh đá đấy, chú mày xem chay hay sao?
-Xem chay là gì ạ?
-Là chỉ ngồi xem thôi à?
-Bọn cháu còn trẻ con, chẳng có việc gì làm thì ngồi xem ạ.
-Ta nghe bảo chú mày kiếm được của mấy đứa em tao cũng bẫm đấy, đêm nay đội Anh đá với đội Tunisia, tao với chú mày cược thử một kèo xem sao nhỉ?
-Dạ? Cược... cược một kèo là như thế nào ạ?
-Nhìn mặt chú mày lanh lợi nhưng chưa biết ăn chơi thật, nếu đội Anh thắng 1 – 0 thì ta đưa cho chú mày năm trăm, thắng cách biệt từ 2 bàn trở lên ta đưa cho chú mày một triệu, còn nếu từ ba bàn trở lên tao đưa chú mày hẳn triệu rưỡi. Nếu trận đấu mà hòa thì chú mày chỉ cần đưa ta năm trăm nghìn thôi, ván này hời đấy, muốn thử không?
-Nhưng... nhưng cháu thấy đội Tunisia yếu lắm, kiểu gì đội Anh chẳng thắng, bác chọn như thế là thua tiền đấy ạ.
-Tự nhiên tao thích thế thôi, nhìn chú mày có cái gì đó lạ lạ nên tao muốn làm quen, thấy chú mày thích bóng đá thì tao cũng muốn thử xem thế nào, xem số tao đỏ hay chú mày tay mới đỏ hơn.
-Nhưng mà năm... năm trăm nghìn ạ?
-Chú mày kiếm của mấy đứa em tao đây gần ba triệu, cùng lắm thì thua có năm trăm, lại sợ à?
-Cái này... cái này thì...
-Mày chơi đi cháu, mày thua cô cho mày một trăm nghìn. – Cô Giang mang nước ra đứng nghe cuộc nói chuyện bỗng nhiên xen vào. – Số mày đỏ, tao làm chứng cho, nếu thắng tao lấy tiền hộ.
-Nhưng cháu... cháu cần suy nghĩ vì năm trăm nghìn là số tiền lớn ạ.
-Chú mày cứ nghĩ đi, trận này hời đấy.
Tôi chưa kịp nói thêm thì điện thoại reo chuông nên tôi rời ghế đi vào nghe. Đúng là mẹ tôi gọi, mẹ tôi báo là nghe tin sắp có điểm thi, có thể là hai đến ba ngày nữa và dặn tôi nhớ sang trường xem rồi báo lại cho mẹ, tuyệt nhiên mẹ không hỏi khi nào tôi ra Hà Nội. Đối với mẹ tôi thì điểm thi của tôi rất quan trọng, nếu điểm thi cao thì ngồi quán nước ở cửa nhà nói cũng to hơn những người khác.
-Này! – Tôi trả tiền dịch vụ cho cô Giang và tiền nước thì cô ấy thì thầm. – Ban nãy tao thấy thằng quấn băng trên đầu kia hỏi thăm vu vơ về mày đấy?
-Sao ạ? Sao... sao lại hỏi thăm cháu?
-Bọn nó hỏi nhà mày ở đâu, nội ngoại nhà nào nữa đấy. Mày làm gì với bọn nó à?
-Cháu có biết đâu, cái chú quấn băng đầu kia tuần trước tát nhầm cháu mấy cái xong họ bồi thường tiền.
-Sao bọn nó tát mày? Tao không nghe việc này nhỉ?
-Hình như họ nhận nhầm người, họ nghĩ cháu ă·n c·ắp đồ.
-Nhà mày thiếu đéo gì tiền mà phải ă·n c·ắp, bọn này xem ra cũng chẳng phải dạng lương thiện gì đâu, mày phải cẩn thận.
-Thế cô có nói gì với họ không?
-Tao bảo không biết. Tao từng này tuổi đầu người xấu người tốt nhìn là tao đoán được vài phần, bọn nó thuê nhà ở làng mình còn chưa biết để làm gì, suốt ngày ra đây chè chén phè phỡn. Người làng mình cũng cảnh giác cả đấy, hôm trước tao nghe mấy thằng dân quân bảo là ngôi nhà bọn nó thuê bị ném pháo nổ với đột nhập ban đêm, bọn nó bảo chẳng thấy khỉ gì, nghi là mấy thằng này làm chuyện gì mờ ám nhưng không có bằng chứng.
-Cháu thì chẳng sợ gì họ cả, đây là làng mình mà.
-Nhưng cẩn thận.
-Vâng.
-Thế mày có định cược với bọn nó không?
-Ui trời, tự nhiên người ta cho cô tiền thì cô có lấy không?
-Ý là bọn nó sẽ thua hả?
-Vâng, cháu có lòng tin là mình có tiền, tiền lần trước trúng đề tiêu mãi chưa hết hôm nay lại cho nữa mà không nhận thì phí cô ạ.
-Nhưng nãy tao thấy mày ấp úng, tao tưởng...
-Cháu con bố Khoa, cháu không giỏi bằng bố cháu nhưng độ giả ngu của cháu thì vô địch cái làng này, hề hề hề...
-Tiên sư bố mày, nòi nào giống nấy.
-Cháu thắng cô lấy tiền hộ cháu, đấy gọi là tiền ngu, cháu biếu cô một trăm tiền ngu ấy tiêu cho sảng khoái. Tiêu tiền ấy tự nhiên thấy mình thông minh gấp mấy lần đấy cô ạ.
Thế là tôi đồng ý cá cược với Đường Thốc Tử, rời quán nước tôi hộc tốc dốc gan đạp xe về nhà R9 bảo nó hủy kèo cược hai trăm nghìn vì tối nay thứ thơm hơn, R9 trả lại tôi hai trăm nghìn, tôi bảo:
-Tiền công xem bóng đá đêm nay, thắng thì tao cho mày luôn, cầm trước đi.
-Đm, thằng ngu nào chọn Tunisia đấy?
-Tối tao kể sau, giờ tao phải về gấp vì hơn năm giờ rồi.
-Này... này... – R9 gọi với theo. – Tám giờ tao lên nhá.
Tôi đạp xe về nhà, trong đầu vẩn vơ bao suy nghĩ.
Tại sao Đường Thốc Tử lại dò hỏi thông tin về tôi? Tôi đã để lộ chân tướng ư?
---
***