Chương 219: Theo dõi
Buổi sáng ngày thứ Bảy, mùng Hai tháng Năm.
Trời có nắng từ lúc hơn bảy giờ sáng.
Ăn sáng đâu đó xong xuôi thì tôi nói với bà già rằng mình sẽ qua bên xã để ôn tập cùng với các bạn, có thể về muộn nên chiều tối bà cứ ăn cơm trước. Bà già nhìn thấy tôi cho một đống sách vở vào ba lô cũng động viên thằng cháu đích tôn nhớ buổi trưa ăn uống cho đàng hoàng, nhớ nghỉ ngơi chứ đừng học một mạch không thì lại ốm. Tôi cảm động ra mặt nhưng trong lòng lại thấy áy náy vô cùng, tuy vậy tôi vẫn cầm lấy hai tay bà và đọc to hai điều Bác Hồ dạy:
-“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào,
Học tập tốt, lao động tốt.”
Bà Già mắng: Cha bố mày! Còn tôi thì cười toe toét sau đó tôi mới chào tạm biệt bà rồi dắt cái xe Peugeot Cá Vàng màu đỏ sẫn ra khỏi cổng, thở phào nhẹ nhõm bởi vì mỗi lần nói dối bà Già thì ít nhiều lương tâm cũng cắn rứt lắm. Đây thật sự là lần đầu tiên tôi đi xa đến vậy, đến một nơi mà tôi chưa hề biết tới để theo dõi những người còn sống một bình thường. Trên đường đạp xe đi, ngoài tiếng o o, rè rè của xích xe thì trước mặt là đường cái quan tương đối vắng người và xe vào buổi sáng, tôi miên man suy nghĩ vu vơ mọi thứ. Có thể nói đây xem như là lần đầu tiên trong đời tôi làm một công việc mà khoảng mười năm sau người ta gọi là nghề thám tử tư, thật ra cái tên nghề thám tử tư cũng oách, tôi có thể xem là một người hâm mộ bộ truyện Tứ quái TKKG rất cuồng nhiệt. Tôi không biết nghề thám tử tư bây giờ người ta làm ra sao chứ thời tôi đi làm thì cứ lấm la lấm lét y như thằng ă·n t·rộm, mấy lần bị người ta vác chổi đuổi cho chạy té khói, lúc ấy tôi chạy không nhanh nhưng xe máy đã làm thay việc ấy nên tôi đều thoát nạn, nhưng mà cơ tim chắc là to khỏe vì thử thách nhiều. Lúc bé đi rình mò ma quỷ và những kẻ xấu, khi rời làng thì thất nghiệp với nghề này nên chuyển qua đi rình mò những người ăn vụng, cũng vì miếng cơm manh áo cả thôi chứ tôi chẳng muốn, nhưng mà nhiều khi tôi cũng ăn hai mang, nếu mấy người ăn vụng mà tôi thấy thiện cảm thì tôi nhất định tìm cách khéo léo báo cho họ và khuyên họ nên dừng việc đấy lại trước khi hạnh phúc gia đình đổ vỡ. Tôi chỉ biết là họ có dừng nhưng sau đó có tiếp tục với những người khác nữa hay không thì tôi chịu, cuộc đời mà, tôi vẫn muốn giúp những người phụ nữ đỡ bị tổn thương vì lắm khi họ không muốn tin vào sự thật, họ sợ phải đối mặt với sự thật.
Peugeot Cá Vàng là một chiếc xe tốt và phù hợp khi di chuyển đường xa bởi vì nó có bộ phận tăng giảm xích, thời ấy như vậy là quá hiện đại và độc đáo. Bởi đường dài và thoáng đãng nên tôi điều chỉnh nấc đạp ít vòng nhưng xe đi nhanh, đến bây giờ tôi vẫn nhớ rõ cảm giác khi đi nhanh trên chiếc xe Peugeot Cá Vàng, nó đầm và chắc hơn rất nhiều so với những chiếc mini, thậm chí cả xe Phượng Hoàng thời ấy, chỉ có điều là dáng người của tôi khi học lớp 9 có vẻ chưa phù hợp với chiếc xe này và mỗi khi cần sửa thì thợ làng cũng bó tay, mặc dù nó ít hỏng.
Đạp xe qua ngã tư Đông Côi, buổi sáng có cả một đám trẻ con cả trai lẫn gái đang chơi đá bóng ở những dãy nhà hai tầng nằm bên trái đường, còn bên phải, nơi có đài liệt sỹ chỉ loáng thoáng vài người lớn ngồi chơi cờ dưới đất. Tôi đạp xe chậm lại và quay đầu nhìn đài liệt sỹ và thoáng nghĩ trong đầu không biết các bác, các chú nằm ở đây có súng AK hay không, nếu mà có thì đêm đến nhờ các chú này mỗi người làm cho vài băng thêm cả lựu đạn nữa thì ông chấp cả mười thằng thầy phù thủy cũng không ngán.
“Bụp!”
Một tiếng động nhỏ và sau đó thì tôi loạng choạng tay lái xe vì bị choáng, tuy nhiên vẫn giống như những lần trước đây, tôi nghiêng xe sang phía bên tay phải, chống chân xuống đất và chạy vài bước, xe đạp đổ chổng kềnh ở ven đường. Kịp định thần trở lại sau vài giây, tôi chưa kịp hiểu chuyện gì vừa xảy ra đã thấy dưới chân mình là một quả bóng bằng da lăn tới, tôi lập tức đoán ra đây là thủ phạm vừa rồi làm mình choáng váng, đưa tay lên xoa xoa bên mang tai trái, tôi đưa mắt nhìn qua bên kia đường nơi khi nãy có thấy một đám trẻ con trạc tuổi tôi đang đá bóng, tôi đoán quả bóng này là của bọn nó. Phía bên kia đường, chưa đến mười mét là mấy đứa cả trai lẫn gái đang nhìn tôi, vài đứa mang bộ mặt ái ngại giống như hối lỗi, vài đứa tỉnh bơ... Tôi nhìn chúng nó một lượt rồi nhìn quả bóng dưới chân chưa biết nên làm như thế nào, tự thở dài một mình và định đá quả bóng trả cho chúng nó thì có tiếng con gái nói:
-Ê! Đá quả bóng qua đây!
Tôi tạm dừng việc đá quả bóng và ngẩng đầu sang tìm kiếm xem đứa con gái nào vừa nói thì đã thấy có hai đứa con gái bắt đầu bước qua đường, đằng sau còn một đứa nữa, tổng cộng là ba.
-Ê nhóc, không làm sao thì trả quả bóng đây.
Đứa con gái ban nãy nói chính là con bé này, tóc nó ngắn, trông trắng trẻo và có một cái răng khểnh kiểu như diễn viên Diễm Hương, tuy nhiên nó không đẹp như diễn viên Diễm Hương được. Tôi định trả lời nó vì tôi vốn không thích bọn con gái nói chuyện kiểu như thế thì hơi bất ngờ, tôi bất ngờ là vì đi bên cạnh nó là một con bé khác giống y chang từ quần áo, khuôn mặt, thậm chí cả đôi dép, điểm khác biệt duy nhất của hai đứa này là ở mái tóc, con bé đi bên cạnh có mái tóc dài hơn.
-“Chị em sinh đôi à?”
Tôi thầm nghĩ trong đầu nhưng mau chóng quên đi bởi vì ba đứa con gái đã mau chóng bước sang đường và đang đứng trước mặt tôi, đứa đi sau cùng nhìn cao hơn và tóc cũng cắt ngắn, mũi dọc dừa, nhìn con bé đó có vẻ hiền nhất và thậm chí đẹp nhất trong ba đứa.
-Trả thì trả nhưng ít nhất các bạn cũng nên hỏi thăm một câu chứ?
Tôi nói nhỏ nhẹ, tôi vốn nhỏ nhẹ với đám con gái từ xưa đến giờ.
-Bọn tao đang chơi ai bảo mày đi qua đúng lúc quả bóng bay tới, mày có mắt thì phải nhìn và tránh quả bóng ra chứ?
Con bé tóc ngắn nhìn tôi, mặt nó câng câng trông rất bướng, về chiều cao thì nó cũng tầm tầm tôi nên tôi đoán là nó cũng học lớp 9 như mình.
-Con gái mà ăn nói ngang ngược thế. – Tôi trả lời.
-Mày bảo ai ngang ngược?
Con bé tóc ngắn hất hàm hỏi tôi, tay nó chống nạnh đứng đối diện, nhìn nó như thể muốn đánh tôi tới nơi.
-Mình nói bọn con gái ngang ngược ấy mà, nếu bạn không phải là con gái thì thôi.
-Mẹ thằng oắt con! Mày định nói móc họng bọn tao hả?
-Không, nói móc họng bao giờ đâu. – Tôi phân trần. – Hai bạn đứng đây chứng kiến giúp, mình có nói bậy bạ gì đâu. Mình đi học cô giáo mình vẫn luôn dạy phải biết lễ phép, phải biết kính thầy yêu bạn, ăn nói phải có trước có sau, mình vẫn nói chuyện đàng hoàng với các bạn mà.
-Mẹ thằng này lý sự phết nhờ, để tao tát cho mày một cái cho hết lý sự!
Tôi chẳng biết nói gì, chỉ cười một cách nhăn nhó và lắc đầu thở dài.
-Thôi bóng của mấy bạn đây, lần sau có đá thì nhắm vào ô tô, xe máy đi qua mà sút cho mạnh vào, như thế mới vui chứ, bọn mình toàn làm thế.
Tôi vừa nói vừa cười rồi đi lại dựng xe đạp lên và đạp đi, khi tôi đạp xe lách qua ba đứa con gái đang đứng bên lề đường được vài mét thì lại cái giọng của con bé tóc ngắn ấy nói phía sau:
-A! Đm thằng này nó nói móc bọn mình, đuổi theo đập cho nó một trận.
-“Ông thách chúng mày đuổi đường dài với ông, vác mấy con mini ghẻ ra đây đua ông mày chấp.”
Tôi nghĩ trong đầu như vậy và quay lại nói thêm một câu trước khi phóng vù đi:
-Con gái con đứa vô duyên, về học lại đạo đức đi không sau này chó nó lấy!
Tôi gù lưng đạp và sau lưng và tiếng chửi xa dần, chẳng có đứa nào đuổi theo tôi cả, chúng nó có đuổi thì cũng không thể theo kịp tôi đường dài được đâu, một vòng đạp của tôi bằng hai vòng đạp của bọn nó, thậm chí có khi đến gần ba vòng đạp thì chỉ vài trăm mét là chúng nó cuồng chân thôi. Đạp qua cổng trường cấp ba Thuận Thành 1 thì tôi đạp chậm dần để nhìn vào bên trong cổng trường, một dãy nhà ba tầng rất khang trang.
-Đúng là trường huyện có khác, quá đẹp!
Tôi đạp xe đi qua cổng trường khoảng hơn chục mét là bức tường cũ, xây bằng loại gạch màu xám, viên to hơn loại gạch thẻ màu đỏ, tôi đoán là bức tường này đã được xây từ rất lâu rồi, đạp thêm hai chục mét nữa thì thấy thấp thoáng mái của một dãy nhà cấp bốn cũ kỹ, cuối dãy nhà cũ ấy có một cây mít nhỏ. Tôi không biết dãy nhà cũ trông như bỏ hoang này là gì, chả lẽ là lớp học? Nhìn không giống lắm.
Đi qua hết bức tường dài từ cổng trường Thuận Thành số 1 là đến trường cấp II của xã này, tôi nhớ tên của ngôi trường này là trường THCS Nguyễn Thị Định, trường này so với trường cấp II ở xã tôi đang học thì cơ sở vật chất khang trang hơn nhiều. Vậy đấy, chỉ mới đi xa làng có vài ki – lô – mét đã thấy mọi thứ thay đổi nhiều như thế này thì nếu đi xa nữa chắc còn nhiều thứ hay hơn, mới lạ hơn nữa. Tôi đạp xe thêm khoảng ba ki – lô – mét nữa thì phía bên tay phải là trường cấp III Thuận Thành số 2, từ ngoài đường nhìn vào có thể thấy rõ một dãy nhà ba tầng mới xây và thêm mấy dãy nhà cấp bốn nữa, tất cả đều còn mới. Trong lòng chợt nghĩ chỉ vài tháng nữa thôi là mình sẽ bước vào cổng của một trong hai ngôi trường to và đẹp này nên tôi thử rẽ vào cổng trường nhìn thử qua những chấn song của cái cổng sắt sơn màu xanh của trường, nhìn khoảng sân rộng lớn phía bên trong lác đác có một số xe đạp dựng ở các gốc cây, tôi đoán là của các anh chị cấp III.
-Này! Mày đứng đấy làm gì thế thằng kia?
Một giọng nói vang lên, tôi quay đầu sang nhìn thì thấy chú bảo vệ đi ra từ phòng trực ban.
-Cháu... Cháu chào chú!
-Có việc gì không? – Chú bảo vệ hỏi tôi.
-Dạ không, cháu sắp sửa thi tốt nghiệp cấp II, hôm nay ngày nghỉ nên cháu đi xem thử trường cấp III trông như thế nào thôi ạ.
-Mày ở đâu mà phải đi xem trường?
-Cháu ở dưới An Bình chú ạ.
-À, thế thì xa đấy, mày đạp xe từ nhà lên đây chỉ để xem trường thôi à? Giờ lo mà ôn thi đã chứ, tốt nghiệp xong rồi tính chứ chú mày.
-Cháu sẽ đỗ tốt nghiệp thôi. – Tôi cười đáp lời.
-Nhìn mặt chú mày cũng sáng láng đấy, cố mà thì cho tốt nhá, nếu đỗ vào trường này thì chúc mừng chú mày.
-Cháu cảm ơn chú!
Tôi nhìn ngôi trường to đẹp thêm một lúc rồi chào chú bảo vệ và đạp xe đi tiếp, qua cổng trường một đoạn là tới cái dốc hơi cao, qua cái dốc này thì bên tay phải sẽ là những cái ao lớn còn bên tay trái là chùa Dâu. Chùa Dâu (hay còn có tên là của Diên Ứng) thời điểm này còn chưa có mấy khách thập phương đến vãn cảnh nên nhìn rêu phong, cổ kính và có vẻ gì đó bí ẩn, đây là lần thứ mấy tôi không nhớ nhưng mỗi khi đi qua thì tôi đều nhìn mấy cái mộ tháp ở phía sau vườn chùa, chỉ cách đường cái quan một bức tường thấp. Sở dĩ tôi ấn tượng với mấy cái mộ tháp này là vì nhiều người đã nói với tôi rằng nó là nơi chôn cất các vị sư trong chùa, với một đứa trẻ loanh quanh trong làng và nhìn thấy nhiều mộ thì mộ tháp quả thật là thu hút hơn vì nó khác biệt, hơn nữa, nó lại là mộ của sư. Trong thâm tâm của tôi, cái gì liên quan đến nhà sư là phải xếp riêng vì tôi tôn kính, mặc dù cuộc đời sau này trải qua nhiều biến cố, hình ảnh các sư cũng thay đổi theo thời gian nhưng tôi vẫn giữ cho riêng mình những nét xưa trong suy nghĩ.
Qua cầu Dâu dài khoảng năm mét thì tôi rẽ phải đi men theo con đường đất gồ ghề, bên tay phải là những bụi cây lúp xúp, thêm cả hàng bạch đàn ngăn cách đường đất với con sông Dâu. Sông Dâu là một con sông cổ đã bị cạn từ khoảng thế kỷ XIX, lúc này vào cuối thế kỷ XX nó chỉ còn là một con mương nhỏ, đôi khi bị đứt quãng, lẫn vào những hàng tre và nhiều ao, hồ đứt quãng dọc đường tôi đi, là minh chứng cho một con sông rộng thời xa xưa, nơi có một tòa thành cổ hơn một nghìn năm. Tôi nhìn phía bên tay phải, lẫn trong những lũy tre và hàng cây bên kia con mương chính là đền thờ Sĩ Nh·iếp và thành cổ Luy Lâu của vua Lý Nam Đế, người khai lập ra nước Vạn Xuân vào năm 545. Theo như lời ông Lê Tam chỉ dẫn cho tôi vào đêm hôm qua, tôi đạp xe dọc sông Dâu khoảng gần bốn dặm hơn (tương đương khoảng hai ki – lô – mét) là đến trường tiểu học Đình Tổ, từ ngôi trường này chỉ đi lên một đoạn nữa là sẽ thấy chỉ dấu nhận biết mà ông Lê Tam và thuộc hạ đã để lại.
Tôi đạp xe chậm nhất có thể, đã nhìn thấy một quán nước nhỏ che bạt màu xanh bên tay trái, dưới bóng một cái cây như là cây thị, gần một cái cổng nhà được xây bằng gạch, tôi đoán đấy chính là quán nước của bà cụ tên Đoan. Quán nước của bà cụ đang có hai người đàn ông xắn quần ngồi gác chân lên cái ghế gỗ dài h·út t·huốc lào và uống nước chè, tôi cẩn thận nhìn liếc qua vài giây rồi đạp xe lên một đoạn, ngay phía bên tay phải tôi lúc này là một cái cổng nhà cũ có một cây hồng xiêm to chìa cành ra bên ngoài, tôi không dừng lại mà đạp thêm vài mét và nhìn thấy phía đầu hồi nhà nơi có cánh cửa sổ hướng ra con đường nhỏ có hai chữ thập nhỏ màu đen được vẽ lên bằng than củi, tuy ký hiệu vẽ nhỏ nhưng nhìn rất rõ nét, đoán biết đây chính là ngôi mà mình cần theo dõi nên tôi vòng xe đạp lại, dựng vào bức tường gạch cạnh quán nước nhỏ của bà cụ và gọi một chén nước chè nóng.
-Mới tí tuổi đã tập uống nước chè hả cháu?
Bà cụ tay rót nước chè từ cái tích màu trắng có hoa văn xanh vào cái chén nhỏ cho tôi, miệng bỏm bẻm nhai trầu đỏ au lên tiếng hỏi.
-Dạo này cháu ôn thi buổi tối hay buồn ngủ nên tập uống ít nước chè bà ạ, uống hơn nửa tháng thì thành quen. – Tôi vừa đáp lời bà cụ vừa cười.
-Ô! Nhìn bé tí thế này đã học lớp 9 hả cháu?
-Vâng, cháu còi gần nhất lớp.
Tôi nhận chén nước chè từ tay bà cụ và nhìn sang hai người đàn ông đang h·út t·huốc lào cúi đầu chào và mời nước họ, điều này tôi học được ở những người lớn, người ta nói rằng lời chào cao hơn mâm cỗ, càng đến nơi lạ thì càng phải lấy được lòng người lớn để tránh những rắc rối có thể xảy ra. Hai người đàn ông cười tươi đáp lại và hỏi thăm tôi vài câu, qua câu chuyện thì tôi biết hai người này là dân trong làng, có vẻ rất quen thân với bà cụ. Tôi uống hết một chén nước chè và xin bà cụ thêm một chén nữa và với tay lấy mấy cái kẹo dồi lạc màu trắng để trong cái lọ thủy tinh tròn đậy nắp.
-Kẹo dồi lạc này bà còn nguyên gói thì cháu lấy luôn cho dễ tính tiền ạ.
-À được, để ta vào lấy thêm, cháu hảo ngọt hả?
-Ăn kẹo này uống nước chè là nhất đấy bà ạ.
-Ha ha ha! – Một người đàn ông cười một tràng dài. – Thằng bé này xem ra cũng biết thưởng thức đấy cụ ạ.
Tôi cũng cười đáp lại hai người lớn, gãi đầu tỏ ra chút ngại ngùng, nhưng thật sự tôi đúng là thằng hảo ngọt, chẳng cãi được.
-Hai chú ăn cùng cháu cho vui, mấy thứ này bố cháu bảo là vừa ăn vừa ngồi tán chuyện là nhất đấy ạ.
-Thằng bé này thảo tính đấy, được, cho chú một cái, ăn với mày cho vui. Chú nhìn mày lạ mặt, không phải người làng này hả?
Đây là câu hỏi mà tôi đoán chắc chắn rằng người ta sẽ hỏi tôi, ở quê mà, dù có cải trang đến đâu thì cũng không bao giờ qua được tai mắt của Nhân dân.
-Cháu không ạ, cháu học ở dưới trường Nguyễn Thị Định cơ.
-Ô, xa thế mày lên đây làm gì?
-Bọn cháu được nghỉ bốn ngày, ngồi học ở nhà mãi cũng chán nên cháu tính đi thăm chùa Bút Tháp, bà cháu bảo là nên đi vãn cảnh chùa thì tâm sẽ thanh tịnh, học sẽ mau vào hơn, chứ cứ ngồi lỳ một chỗ chỉ là học vẹt thôi ạ.
-Các cụ nói thì đúng rồi, nhưng mà bọn trẻ con chúng mày làm gì có mấy đứa chịu đến chùa, chả phải bọn mày thích chạy nhảy hay sao, sao không đi đá bóng đi. – Ông chú thứ hai lên tiếng.
-Năm nay thi tốt nghiệp có môn lịch sử chú ạ, chú biết là trẻ con bọn cháu sợ nhất cái môn này, cháu lại không giỏi môn này lắm nên càng phải học, bà cháu bảo và chùa thanh tịnh biết đâu học lịch sử lại dễ vào. Học lịch sử không nên học thuộc lòng, cô giáo cháu cũng bảo thế.
-À, chú cũng có đứa cháu năm nay thi tốt nghiệp đây, thằng bé đấy nó cũng khá môn Toán với Sinh chứ môn Lịch sử nó cũng kêu trời đấy, nghĩ cũng thương bọn trẻ con chúng mày mới có tí tuổi đã học cả một đống chữ, mẹ, như bọn tao đây hồi trước hết lớp 5 rồi ở nhà làm ruộng rồi đi bộ đội là xong.
-Dạ! – Tôi đồng tình. – Bố cháu cũng cố học được đến lớp 7 thì thôi, mỗi thời mỗi khác chú nhờ.
-Phải rồi, mày phải cố thôi cháu ạ, giờ đi làm công nhân người ta cũng yêu cầu có bằng cấp II đấy chả vừa đâu. – Ông chú nói tiếp.
-Thắng bé này nhà có vẻ khá giả đấy! Mới lớp 9 mà đã đi học bằng xe đạp Peugeot rồi.
Ông chú thứ hai kia, vừa rít một hơi thuốc lào tít cả mắt quay ra phía sau nhả khói, nhìn thấy cái xe đạp của tôi rồi nhận xét.
-Xe này của bố cháu đấy, nếu cháu vào được cấp III thì bố cháu sẽ cho cái xe này, hiện giờ xe này mẹ cháu vẫn đang dùng.
-Thế cháu ở dưới làng Ngọc Khám hả?
-Vâng! Trước cháu ở Hòa Bình, cũng mới chuyển về được một thời gian nên cũng chưa được đi nhiều nơi ạ.
Tôi phải đưa ngay ra lý do đó trước khi họ vô tình hỏi có quen biết người nọ người kia họ hàng ở đó không thì lộ tẩy hết. Lúc này, bà cụ mang từ trong nhà ra phần còn lại của gói kẹo dồi lạc, tôi mời hai chú kia mỗi người thêm một cái rồi cứ để gói kẹo dở trên bàn rồi uống nước chè nói chuyện thêm với hai người này một lúc nữa thì họ đi, chỉ còn mình tôi ở lại. Tôi lôi từ trong cặp ra vở chép môn Văn và môn Lịch sử rồi chăm chú ngồi đọc, chốc chốc lại kín đáo liếc mắt về cái cổng đối diện có cửa đang mở toang hoác nhưng vắng lặng bóng người.
-Bà cho cháu thêm chai Coca bà nhé!
Bà cụ lấy cho tôi chai Coca để lên mặt bàn rồi vào nhà lấy đá, tôi hơi ngạc nhiên vì không nghĩ sẽ có đá để uống.
-Cái này phải uống với đá mới ngon, mỗi ngày ta mua mấy khay đá về cất để cho khách uống, nay trường nghỉ học chứ mọi khi đám trẻ nó ra mua nước uống phải có đá cho bọn nó chứ. – Bà cụ lên tiếng giải thích cho tôi khi thấy tôi tỏ ra ngạc nhiên.
-Bà chu đáo quá, cháu xin ạ.
-Nhìn mặt cháu sáng dạ lắm, chịu khó mà học, thi xong rồi tha hồ mà chơi cháu ạ.
-Vâng, cháu biết mà, bà cháu ở nhà cũng bảo thế.
-À thế bà cháu năm nay bao nhiêu rồi nhỉ?
-Bà cháu á? – Tôi suy nghĩ trong vài giây rồi mới đáp. – Bà cháu năm nay là bảy mươi lăm tuổi, bà cháu sinh năm 1923 đấy ạ.
-Thế thì hơn ta cả nửa con giáp, bà cháu vẫn khỏe chứ?
-Bà cháu vẫn đi chơi suốt, chả ốm đau gì. – Tôi đáp lời bà cụ một cách rất hồ hởi, điều này là tôi nói thật.
Bà cụ để yên cho tôi ngồi xem vở ghi chép, trên tay tôi là cái bút chì, tôi cứ vậy ngồi trên ghế gỗ dài uống nước và dùng cái bút chì dò từng trang vở, những chỗ nào tôi cho rằng cần thiết thì gạch dưới chân để ghi nhớ, mặc dù không phải gạch xong sẽ nhớ hết nhưng chỉ cần nhớ bốn mươi phần trăm đã là thành công lắm rồi.
Ngồi gần đến trưa thì bà cụ nhờ tôi trông quán giúp và vào nhà ăn cơm, trước khi bà cụ đi tôi đã đưa tờ Năm mươi nghìn để trả trước, khi bà cụ định đưa tiền trả lại thì tôi bảo là mình còn ngồi đây lâu, biết đâu còn ăn thêm nữa, thừa thiếu tính sau. Tôi nghĩ cách này luôn hiệu quả dù trong bất cứ tình huống nào.
Từ lúc tôi ngồi ở quán nước này là khoảng nửa buổi, tính ra cũng khoảng gần ba tiếng đồng hồ nhưng chưa thấy ai bước ra khỏi cánh cổng nhà đó. Đúng lúc tôi gấp cuốn vở lại thì nghe tiếng pô xe máy từ phía sau vọng tới, ngoái lại nhìn và thấy một người đàn ông đội mũ cối, đeo kính râm, bận áo dài tay màu bộ đội, quần tối màu và chân đi dép nhựa Tiên Phong, điều khiển xe Cub 81 chầm chậm đi ngang qua quán rồi ông ta rẽ vào căn nhà mà tôi ngồi quan sáng từ sớm, trống ngực tôi đập liên hồi nhưng tôi vẫn kịp nhìn biển số xe và ghi lại, biển số xe máy của tỉnh Cao Bằng.
Tại sao tôi lại biết xe máy này có biển số thuộc tỉnh Cao Bằng?
Thời gian hè tôi ở Hà Nội có rất nhiều biển số của các tỉnh, tôi biết được các biển số của tất cả các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ, thi thoảng có vài xe máy biển số 50 thì bố tôi nói rằng nó là của Tp.HCM.
Từ chỗ tôi ngồi có thể nhìn thẳng được vào trong sân, tôi nhìn thấy người đàn ông dừng xe máy ở phía trong cổng, tắt máy và gọi:
-Đan ơi!
Không có tiếng ai đáp lại.
---
***
#Tôi_không_thấy_ma nhưng #Ma_thấy_tôi