Chương 2: Ma Hòa Bình
Tôi được cho đi học lớp 1, bố tôi khai gian tuổi để đi học cho đỡ đi theo người lớn, việc đi học cũng không có gì ghê gớm, tôi vào học cũng đã giữa tháng Mười của năm 1989 tại xã Xuất Hóa, Lạc Sơn, Hòa Bình.
Vào một buổi tối, khoảng chừng bảy giờ, cả nhà tôi đang ăn cơm bỗng nghe tiếng bước chân chạy, tiếng la hét đâu đó vọng lại.
Ngoài trời tối, cả nhà tôi bước ra sân chưa biết ai vào ai, phía con đường đất cách xa chừng vài chục mét có loang loáng bốn, năm ánh đèn pin của một nhóm người soi ngang dọc, tiếng nói xen lẫn tiếng gọi í ới.
Bố tôi cũng mang theo đèn pin, loại chế thêm hai cục pin để sáng lâu hơn (bác nào biết loại này cũng phải ngoài ba mươi tuổi) tôi nhanh chóng nhận ra người quen trong nhóm người ấy, là ông Q. ông Q. làm trong nông trường này đã lâu, tuổi cũng gần năm mươi còn những người khác tôi đều không biết. Tôi lúc này mới chỉ năm tuổi rưỡi nên chỉ nhớ được những sự kiện chính, con người để lại chút dấu ấn mà thôi.
- Có chuyện gì thế chú Q?
Bố tôi cất tiếng hỏi, nhanh chóng tiến lại gần, tôi và mẹ tôi cũng đi theo.
- Con L. nhà tao chắc bị nhập! Nó mới chạy về hướng này.
Người lớn nghe qua đã hiểu câu chuyện, tôi lúc ấy cứ thấy đông người là thích tham gia hóng, không hiểu gì cũng hóng, dù sao cũng thích hơn ở nhà.
Nhóm người dò dẫm đi trong bóng tối.
- Kia, đằng kia có người! - Tiếng ai đó hô lên, nhiều ánh đèn cùng rọi theo hướng đấy.
Cách chừng năm mươi mét, cạnh vườn sắn nhà ai đó là một người tóc dài bù xù, một phần trùm qua khuôn mặt che mất một bên mắt, quần áo xộc xệch với nhiều vết bẩn, chân đi đất, trên tay cầm củ sắn có lẽ vừa bới được.
- L! bố đây, đứng yên con ơi!
Chị L. bỏ chạy, chạy nhanh, trời tối không trăng mà chạy như nhìn thấy rõ đường vậy, thoắt một cái đã mất dấu. Ba người thanh niên trong nhóm kiên trì đuổi theo với đèn pin trên tay, những người khác bị rớt lại phía sau, tiếng ông Q. gọi con í ới, xung quanh vẫn là bóng tối...
Mấy người thanh niên kia bắt được chị L. mang quay lại, tay chân chị bị trói bởi dây nhợ bện như dây thừng, một người vác chị trên vai, chị giãy và gào lên những tiếng khó hiểu.
- Đưa nó vào trong nhà, đứa nào đi bẻ cành dâu ngoài bãi tha ma về!
Một bà cụ nhìn mấy thanh niên lên tiếng khi chị L. đã được vác vào trong nhà, vẫn không ngừng la hét mãi không thôi. Tôi không biết bãi tha ma là gì và ở đâu nhưng cây dâu thì ngoài vườn đầy ra, xứ này nhà nào chả có. Một người hàng xóm ông Q. và hai thanh niên sẽ là những người đi lấy cành dâu, bỗng dưng họ nhìn tôi, cười cười hỏi:
- Mày con chú K. phải không? Đi chơi với bọn anh không?
Tôi gật đầu cái rụp, rủ đi chơi sao lại không đi, dù sao tôi cũng muốn biết bãi tha ma ở đâu và cành dâu phải đi lấy về có gì đặc biệt chứ. Tôi hỏi bố, bố tôi đứng gần đấy chỉ gật đầu và dặn dò đi với các anh phải biết nghe lời.
Bốn người cùng đi, tôi cũng được cầm một cái đèn pin loại bình thường, bây giờ tôi vẫn nhớ cái trò xoay xoay phần trên của đèn để ánh sáng hình tròn to ra hoặc úp bàn tay mình lên và thấy cả bàn tay đỏ hồng.
Các bạn thắc mắc những đứa bé khác đâu? Tại sao chỉ có mình tôi? Về sau tôi biết những chuyện này cũng hay xảy ra nên đám trẻ như tôi hay lớn hơn tôi không còn quan tâm mấy, có những thứ hấp dẫn chúng nó hơn rất nhiều, ví dụ cái tivi National vỏ màu đỏ, màn hình đen trắng đang mở ở một vài nhà khá giả trong xóm, nhà tôi chưa có tivi nhưng tôi không ham cái này lắm vì tôi cũng thấy mấy lần rồi.
Tôi cũng không bận tâm tại sao một thằng trẻ con như tôi lại được rủ đi chơi, cần gì phải lí do nhỉ? Thời đấy người trong xóm biết rõ nhau, biết con nhà ai, cũng chưa có b·ắt c·óc như bây giờ, chí ít là ở cái nông trường này (thật ra là Nông lâm trường khai thác gỗ và chè của Nhà nước nhưng khi ấy chẳng ai nói với tôi cả).
Đi chừng mười phút, một anh dừng lại nói với tôi.
- Cởi quần ra!
Tôi hơi ngạc nhiên, ừ thì cởi, tôi cũng không thắc mắc. Chú lớn tuổi đi cùng đưa cho tôi một cái bát sắt và bảo:
- Mày đái vào cái bát này!
Tôi nhận lấy cái bát sắt, đưa đèn pin của mình cho anh kia cầm và đi tiểu dưới ánh đèn pin soi rọi, làm như việc đi tiểu của tôi rất quan trọng vậy. Chừng gần một phút, nước tiểu được lưng cái bát sắt ấy thì hết nước, ba người lớn nhận lại bát nước tiểu, đặt xuống đất rồi lần lượt từng người... thò tay vào, xoa xoa bàn tay với nhau kiểu như sát khuẩn Covid bây giờ vậy, tôi cũng được bảo làm theo. Sau này tôi mới biết làm như vậy để không bị ai đó cầm tay dắt đi lạc trong đêm! Sau này nước tiểu của tôi còn được hàng xóm lấy để cạo gió nữa!!! Thật sự là thần kỳ đấy, cái thứ nước vàng vàng, khai khai ấy lại có nhiều tiện ích như vậy.
Bãi tha ma không có hàng lối, mộ to mộ nhỏ lung tung, tiếng gió thổi rì rào bên tai bỗng nhiên tôi thấy hơi lạnh. Nãy ở nhà đi hóng chuyện chỉ quần cộc áo may ô, nói thật là tôi không biết sợ, có ai kể gì với mình hay nói gì với mình đâu mà sợ, nơi đây là chỗ ở của người đ·ã c·hết, tôi chỉ biết đến thế. Một vài ngôi mộ được xây bằng gạch còn phần lớn vẫn là đất, không có bia mộ. Bãi tha ma này nằm ven chân đồi, bên cạnh xóm, chỗ này tôi chưa biết đến mặc dù đã đến ở xóm này khoảng bốn tháng.
Cây dâu tìm không khó, ở vùng rừng núi tìm cây thì có gì khó đâu, trong bãi tha ma mọc nhiều cây dại, dĩ nhiên có cả cây dâu. Tôi được phân công cầm hai đèn pin soi cho người lớn, tôi thấy thất vọng vì cây dâu này không có gì đặc biệt, nó rất bình thường, thậm chí nhìn xơ xác như cây đói ăn vậy.
Trở về gần nhà ông Q. lại thấy ồn ào, chị L. không biết bằng cách nào đã cởi được dây trói lúc này đang đứng trên nóc nhà la hét ầm ĩ còn mọi người tụ tập trước sân. Tôi lại được yêu cầu tiểu ra bát! Nhưng tôi không rặn được tí nào, tôi mới tiểu trước đó chưa được nửa tiếng cơ mà.
Trẻ con dĩ nhiên không thiếu nên chỉ một loáng sau đã có hẳn hai bát nước tiểu mang về, cái cảm giác người lớn chờ đợi mình tiểu vào cái bát thật buồn cười, ở nhà mà chơi trò này thì b·ị đ·ánh cho nát đít như chơi, đằng này bát nước tiểu được bưng về rất cẩn thận. Bây giờ xã hội phát triển, ở các vùng quê người ta hẳn cũng rất hiếm dùng nước tiểu trẻ con rồi, có vấn đề gì đều đã có bác sĩ lo.
Mấy cành dâu mới bẻ về mau chóng được nhúng vào bát nước tiểu đưa cho mấy thanh niên leo lên mái nhà, chị L. bỗng dưng im bặt tiếng la hét, co rúm người lại và dễ dàng b·ị b·ắt lại đưa xuống.
Trong căn phòng đầu hồi nhà ông Q. tiếng roi dâu vun v·út quất lên người chị L. sau đó là từng tiếng rú lên, chừng hơn nửa tiếng sau ai về nhà nấy, chỉ còn người thân quen ở lại, tôi cũng bị đá đít về.
Chị L. bị vong nhập, một vong nữ chưa có chồng, thầy cúng người Mường được mời tới để trừ ma, chị L. cũng thất thần một thời gian ngắn sau đấy mới trở lại bình thường. Từ đó tôi biết được vài kinh nghiệm dân gian, biết tác dụng của nước tiểu nhưng tôi vẫn chưa thấy con ma nào.
Chuyện ma nhập rồi phải làm lễ trừ ma nó như chuyện cơm bữa, một tháng đôi ba lần tôi nghe kể lại lúc đến lớp, lúc gần hết lớp 1 tôi còn nghe kể rằng cô giáo trong trường đã bị bùa yêu của người khác, bỏ dạy đi lấy chồng, đấy là tôi nghe thế chứ không tham gia sự việc. Bùa ngải vẫn là thứ được nói thường xuyên nhưng đa phần không ai nhìn thấy.
Việc học của tôi nói chung là suôn sẻ, tôi nhập học trễ lại ít tuổi hơn đám bạn nhưng đến hết lớp 2 tôi đã là học sinh giỏi nhất lớp, chữ viết đẹp như chữ con gái. Việc viết chữ đẹp hay học giỏi không phải vì tôi phấn đấu hay tài năng gì, là do tôi sợ bị bố tôi đánh mà thôi!
***
Cũng phải liệt kê vài nét về gia đình không giàu truyền thống cách mạng của tôi để sau này bạn đọc dễ hiểu hơn vì có nhiều sự kiện đan xen. Tôi vẫn khẳng định cuộc đời mình chưa từng nhìn thấy quỷ bao giờ, không thấy quỷ nhưng lại được chứng kiến và trải qua nhiều chuyện khó lí giải, có chuyện các bạn sẽ thấy quen như chính bản thân các bạn từng trải qua vậy, mỗi người sẽ có những cách lý giải khác nhau tùy vào góc nhìn mỗi người.
Cụ tôi là một người bán bánh rán, bánh trôi ở chợ, tích cóp nhiều rồi mua ruộng đất, đến đời ông nội tôi và hai người em gái, khoảng thập niên 1930, thì trở thành địa chủ, ruộng đất thẳng cánh cò bay, người giúp việc cũng lên tới hàng chục, xếp hạng giàu có thì đứng thứ năm trong làng, làng tôi lại giàu nhất xã, thời nay cũng có thể vỗ ngực tự xưng đại gia không chừng.
Làng tôi giống như một ốc đảo, bao quanh là lũy tre dày đặc, kế lũy tre là mương nước tưới tiêu rồi kế đó là ruộng lúa bạt ngàn kéo dài hàng ki - lô - mét đến rìa làng bên cạnh, địa thế ở vào cuối huyện này, đầu huyện kia.
Ông nội tôi lấy vợ đầu tiên lúc khoảng mười ba tuổi, đưa đón dâu đều phải cõng, một trăm năm trước không lạ nhưng bây giờ là được tặng lịch ngay. Người vợ thứ hai ông tôi cưới lúc mười tám tuổi lại được xem như vợ cả vì bà cưới đầu tiên đã... bỏ về nhà, cũng không ở với nhau ngày nào. Bà Cả đẻ được mấy người con đều c·hết lúc còn đỏ hỏn, đến hai mươi lăm tuổi ông tôi lấy tiếp một bà nữa ở khác huyện, bà này chính là bà nội Già của tôi, chúng tôi gọi là bà Già, tôi không biết tại sao nhưng cũng không quan trọng, bà Già là người gắn bó với tôi suốt thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành.
Bà Già trước khi lấy ông tôi là giao liên cho cách mạng, hoạt động trước Khởi nghĩa 1945, sau này mãi đến lúc bảy mươi lăm tuổi mới có chứng nhận có công và thêm cái huy hiệu ngôi sao. Bà Già cũng đẻ được sáu người con nhưng cũng không nuôi được ai quá thôi nôi, có lẽ phần nào đó bị nhiễm trùng uốn ván vì cắt rốn bằng liềm chăng?
Nguy cơ nhà tôi bị tuyệt tự là rất cao, ông tôi là con trai duy nhất trong nhà, của cải mỗi ngày một nhiều, cũng nuôi giấu và ủng hộ cách mạng nhưng đến lúc cải cách ruộng đất bị lên thành phần địa chủ thì mất hết, còn giữ được cái mạng là may mắn, hàng ngày bị người làng lôi ra sân đình đấu tố, chửi rủa trong cả một thời gian dài, đến khi chính phủ sửa sai thì nhà cửa, ruộng vườn đã chia hết cho người trong làng sạch sành sanh chẳng còn lại gì, kể cả chồi cùn, rế rách, đòi lại làm sao được. Bây giờ các bạn lên mạng tìm kiếm sẽ ra rất nhiều thông tin về thời kỳ này ở miền Bắc, các bạn sẽ thấy đấu tố kinh khủng đến mức nào. Nhiều người đ·ã c·hết oan, ông tôi may chỉ mất của và còn mạng.
Ông nội tôi, bà Cả và bà Già bị đuổi ra rìa làng, căn nhà năm gian hai chái bằng gỗ quý được đổi thành một cái lều vịt cũ rách nát, trên khoảnh đất rộng chừng tám trăm mét vuông hoang tàn ấy còn được khuyến mãi thêm cái miếu cũ đổ nát. Ba người bắt tay vào gầy dựng từ đầu, chỉ khi đêm đến thì anh em họ tộc mới có thể tới giúp, người giúp sức, kẻ giúp đồ ăn thức uống vì lúc này ông tôi vẫn bị đấu tố, không thể mua bán được cái gì và cũng chẳng ai dám bán cho. Cái thời điểm đấy nó kinh khủng như vậy đấy, bị cả làng xa lánh chỉ vì mình đã từng giàu có, được gọi là địa chủ. Các bạn đọc sách nhiều cũng thấy, nếu không có những người địa chủ giúp cách mạng thì lúc đấy cách mạng sẽ thêm bội phần khó khăn.
Nhà tranh vách đất cùng cái bếp đều lợp cỏ tranh được hoàn thiện sau cả tháng, đồ đạc không có gì, những thứ mang được theo là bát hương tổ tiên và cái phản gỗ lim làm giường ngủ, mấy thứ này cũng là tài sản thừa kế đến tận bây giờ để nhắc nhở con cháu về những gì đã qua. Quãng năm 1958, ông tôi lại trở nên giàu có nhờ buôn gỗ và buôn vải, mặc dù b·ị c·ướp bóc nhiều nhưng không làm ông chùn bước. Năm bốn mươi bốn tuổi, ông tôi được mai mối lấy thêm vợ lẽ, bà Cả đã mất được mấy năm, chỉ còn ông nội và bà Già, người vợ mới này của ông chúng tôi gọi là bà Trẻ.
Điều buồn cười nhất chính là bà Trẻ tôi lại là chị ruột của người từng chủ trì việc đấu tố ông tôi mấy năm trước, là người chửi ông tôi nhiều nhất, miệt thị bằng nhiều từ ngữ nay đã thất truyền nhất, mãi sau này chúng tôi vẫn không có thiện cảm với em gái của bà Trẻ, mặc dù chuyện đã xảy ra hơn sáu mươi năm, nhưng bạn biết đấy, cuộc sống luôn có nhiều bất ngờ.
Bố tôi được sinh ra hơn một năm sau đó, rồi tiếp đến là các cô của tôi, mỗi người cách nhau 3 năm, vậy là nhà tôi thoát cảnh tuyệt tự.
Trở lại lúc tôi học gần xong lớp 3, khoảng tháng Năm năm 1992, tôi hay tin mình sẽ được kết nạp Đội cùng những bạn học sinh giỏi khác, điều này dĩ nhiên là vinh dự cực phẩm. Đeo trên cổ tấm khăn quàng đỏ lúc vào lớp 4 là rất oai, bởi điều này chứng tỏ rằng bạn là học sinh ngoan và giỏi, ngoài sự e dè của đám bạn còn là ánh mắt trìu mến của thầy cô giáo.
Tôi cho rằng bản thân mình là đứa thông minh, không phải là một đứa học giỏi, đến sau này tôi vẫn học kiểu tài tử và thường thích những công việc đầy mơ mộng viển vông nhưng dù sao tôi vẫn là niềm tự hào của bố mẹ từ lúc đi học đến sau này trưởng thành, mặc dù tôi không có gì xuất sắc nhưng ở vào những thời điểm quan trọng tôi lại hay may mắn! Chín mươi phần trăm thành công của tôi có khi là may mắn và chỉ có mười phần trăm nỗ lực mà thôi.
Buổi sáng được kết nạp Đội, tôi thấy rất vinh dự, chỉ chờ tan buổi lễ là chạy một mạch về nhà khoe với bố mẹ, tôi chạy như bay nhưng về đến nhà không thấy ai, vắng lặng như tờ. Năm này bố mẹ tôi đã mua nhà với giá 5 triệu đồng của bác kế toán nông trường, tôi nhớ đâu đó đất rộng khoảng tám sào Bắc Bộ, có vườn chè, cây ăn quả và một nhà rộng.
Sang nhà hàng xóm hỏi, khi hỏi tôi vẫn cố khoe cái khăn quàng nhưng có vẻ bác hàng xóm không quan tâm...
- Nhà mày lên Mãn Đức sáng nay cả rồi!
Ơ! Sao đi vội thế nhỉ? Sao tôi lại không được đi? Thị trấn ấy cách chỗ tôi ở khoảng ba mươi ki - lô - mét, nơi đó là nơi cô ruột của tôi đã ở từ lâu. Cô và chú chính là người đã rủ bố tôi di chuyển từ Thái Nguyên lên xứ này. Tôi lững thững quay về, chán nản và cụt hứng, tôi đã tưởng tượng ra sự vui mừng của mẹ, hay tự hào của bà nội.
- Này! Thế mày có lên đấy không tao bắt xe cho, chú mày mới c·hết sáng nay đấy!
Thịch!
Tôi đứng c·hết trân, nghe rõ tim mình đập từng tiếng, mới tuần trước chú B. còn ghé nhà tôi cơ mà, tại sao lại c·hết nhanh như thế? Một người quen của gia đình đã lấy xe Honda 67 màu đen với tiếng pô giòn tan của bố tôi gửi ở nhà hàng xóm chở tôi đi lên nhà cô chú. Tôi ngồi sau cứ suy nghĩ miên man, cả nhà tôi gồm hai bà nội, bố mẹ và hai em đã lên đó lúc sáng sớm bằng xe UAZ thuê của nông trường, chẳng hiểu sao lại không qua trường đón tôi đi cùng luôn.
***