Chương 138: Đánh tráo
Nước có gas ngon hơn khi khát, cái cảm giác mắt mũi nhắm tịt vào để thưởng thức thật là thú vị, tôi nhớ rằng Coca luôn ngon ở những ngụm đầu tiên, cái vị cay cay mà bây giờ chỉ có Coca tươi mới giống. Đúng ra thì cũng kỳ lạ, nhiều nhà sản xuất nước giải khát nhưng nhất định phải uống Coca, ở đây thì thoải mái chứ mỗi lần Hè ra Hà Nội là tôi cứ phải giấu giấu diếm diếm như buôn bạc giả mỗi khi mua về uống. Nửa chai nước có đá làm tôi tỉnh táo hơn, bình tĩnh hơn một chút chứ ban nãy cứ nhấp nhổm không yên, lúc mới cầm cốc nước trên tay còn run run như người vừa mới ốm dậy. Mở cặp lấy quyển vở nháp và cái bút bi ra tôi bắt đầu viết vài thứ rồi khoanh tròn lại để tìm các điểm kết nối với nhau trong câu chuyện của đám người lạ và chị Đẹp.
Khoanh tròn đầu tiên là để ám chỉ người thanh niên mấy tháng trước xuất hiện trong đám cưới của cậu Út tôi đã giở trò nhét một tờ giấy vẽ những hình thù kỳ lạ dưới đáy bát hương, có thể anh ta chưa kịp cho cái túi vải nhỏ này vào bát hương thì đã bị tiếng pháo nổ do tôi ném làm giật mình ướt cả gấu quần. Khoanh tròn thứ hai là sự việc tối qua ông Phong Hàn và gã đàn em nào đó cũng làm hành động tương tự như người thanh niên trước đây, 2 người khác nhau cùng thực hiện một cách yểm bùa thì có thể nhận định sơ bộ rằng do một người nào đó bày cách chứ tôi không thấy hai người này có tài năng thiên phú gì về âm tào địa phủ cả.
Khoanh tròn thứ ba là cái tên Đường Hi Hoa khá lạ lẫm, tuy hiểu biết của tôi không nhiều nhưng cái tên kiểu như này cộng với nghe lỏm mấy người đàn ông nói chuyện nên tôi đoán ông ta có thể là ông trùm hoặc ông trùm to thứ nhì. Bởi vì ông ta có cái tên khá là “Tàu” nên tôi đặt cho ông ta một biệt danh “Diều Hâu” vì cái mũi của ông ta khiến tôi liên tưởng đến con diều hâu hoặc con quạ, tôi không thích con quạ cho lắm nhưng tôi biết quạ không ác bằng diều hâu, lão này ác nhân nên phải đặt tên là Diều Hâu. Diều Hâu tối hôm qua sau khi yểm âm binh thổ độn gì đó đã sai ông Phong Hàn cùng một người khác đi thám thính và yểm miếu của chị Đẹp, mục đích có thể giống như chị Ma nói: Khiến cho chị Đẹp vừa mù vừa điếc! Nếu chị Đẹp không nhìn và chẳng nghe thấy gì thì công việc của đám đào mồ trộm mả này hẳn là sẽ rất thuận lợi. Tôi đã tính vứt hai thứ bùa yêu ma này đi nhưng chị Đẹp lại bảo tôi dùng để gậy ông đập lưng ông, chị này đúng là thông minh thật sự, nếu chị ấy không nghe được nhưng vẫn nhìn rõ thì tôi không dám tưởng tượng thêm. Chị Ma có kiếm đâm và chém còn chị Đẹp vẫn luôn ao ước được vặn cổ ai đó giống như vặn cổ một con gà chăng? Chỉ mới nghĩ đến đấy thôi mà tôi đã rùng mình.
Khoanh tròn thứ tư là Phong Hàn, một người đàn ông trạc tuổi gần 40, dáng người tầm thước và ăn nói lúc nhỏ nhẹ lúc thì cáu gắt. Ông ta có vẻ như là tay sai dưới trướng của Diều Hâu và ra mặt đi thuê những người khác, trong đó có cái anh chàng thanh niên tên Bắc độ tuổi mới vừa 20, đêm qua nằm rên hừ hừ trên giường vì bị âm khí bám vào người. Tôi thấy hơi tiếc, nếu âm khí đấy bám vào người ông Phong Hàn kia có phải tốt không, đánh nhau cứ hạ được chỉ huy là nắm được phần thắng phân nửa rồi. Tôi cũng không có thiện cảm với ông Phong Hàn này cho nên tôi đã viết hai chữ “Hàn Xì” bởi vì đó là một nghề mà tôi từng thấy, giống như hàn xì khung xe đạp của chị họ tôi từng bị gãy lúc nhập học ngày đầu tiên. Nghề hàn xì thì chẳng có gì là xấu nhưng Phong Hàn nghĩa là gió lạnh thì thật không xứng với một người làm việc xấu nên tôi phải đổi đi, chỉ có vậy thôi. Ngồi trong quán nước tôi mong người hôm qua bị chó cắn và ăn gạch vỡ đầu chính là ông ta, như thế mới xứng đáng.
Khoanh tròn thứ năm tôi viết hai chữ “YB” ý là yểm bùa. Như các bạn đã biết, tôi đã học lớp B từ khi vào lớp 6 do một cái bút bi của ai đó điền tên tôi vào danh sách, lớp B thì luật bất thành văn là lớp của những đứa dài dòng, lãng mạn và thơ thẩn. Tôi cho rằng mỗi cá nhân đều có nhiều kỹ năng riêng mà như mẹ tôi hay nói đó là tài lẻ, nếu biết phát huy cái tài lẻ đó thì sẽ mau thành tài, nhưng điều này đồng nghĩa với việc khi bạn dành thời gian để phát huy một cái tài lẻ nào đó thì những tài lẻ khác sẽ dần thui chột và sau đó biến mất. Tôi học lớp văn và vì thế để viết ra một đoạn văn, một bài viết hoặc trình bày bất cứ việc gì thì tôi đều gạch ra vài cái đầu dòng mà ngày nay người ta gọi là phương pháp 5W hoặc 5W1H theo tiếng Anh (Who, What, Why, When, Where và How (Ai, Cái gì/Chuyện gì, Tại sao, Khi nào, Ở đâu và Như thế nào) điều này giúp tôi suy luận rất logic. Tôi đã áp dụng phương pháp ấy nhiều năm vào bất cứ công việc gì, vấn đề gì cho nên nó giống như một phản xạ tự nhiên vậy.
Ở khoanh tròn thứ năm này, tôi đã lần lượt trả lời từng câu hỏi theo thứ tự mà mình nghĩ:
- Ai đã làm bùa? Diều Hâu hoặc người to hơn Diều Hâu?!
- Bùa gì? Một tờ giấy ghi hơn chục chữ cùng một cái túi nhỏ màu đỏ có chứa gì đó bên trong, thứ bùa này dùng cho mục đích ă·n t·rộm kho vàng của chị Đẹp.
- Tại sao họ làm vậy? Dĩ nhiên họ sử dụng để che mắt, bịt tai chị Đẹp khiến chị ấy không thể làm được gì mặc dù kho châu báu bị lấy mất.
- Họ sẽ làm khi nào? Một đêm lý tưởng là đêm không có trăng, sau ngày 21 thì trăng lên muộn, càng gần cuối tháng thì trăng chỉ có vào gần sáng.
- Họ sẽ làm ở đâu? Chính là gò đất ở nhà bà ngoại tôi rồi.
- Họ sẽ làm như thế nào để lấy kho châu báu? Điều duy nhất tôi biết qua lời nói của chị Đẹp chính là họ sẽ đào phía dưới cái miếu khoảng chừng một tấc, từ chỗ đó có thể họ sẽ đào tiếp.
Suy luận đến chỗ này thì tôi thấy hơi lấn cấn là bởi vì tôi đã nhìn thấy đôi mắt chỉ toàn tròng đen của Diều Hâu và ngọn lửa nhỏ xanh lè trên lòng bàn tay của ông ta. Diều Hâu là một tay phù thủy nên rất có thể ông ta sẽ làm điều gì đó, còn việc đào bới hẳn là nhiệm vụ của những gã tay chân mà ông ta đã bỏ tiền cho Hàn Xì quản lý.
Tôi gõ cái bút bi cạch cạch xuống quyển vở và nhìn ra phía con đường trước mặt, tôi đang nghĩ đến việc họ cần bao nhiêu thời gian để đào và tìm kiếm cái kho châu báu, lĩnh vực này thì tôi không có kinh nghiệm nên tôi không biết, nhưng tôi có thể hỏi.
- “Chắc chắn đào sẽ phải lâu, không nhanh được”
Tôi nghĩ trong đầu rồi quay sang hỏi chủ quán nước, là một người đàn ông có lẽ là chồng của người phụ nữ khi nãy, buổi trưa chắc hai người đổi ca cho nhau về ăn cơm.
- Chú ơi, cho cháu hỏi cái này với...
- Gì thế cháu?
- Ví dụ có 6 người để đào một cái huyệt thì cần bao nhiêu thời gian chú nhỉ?
- Đào huyệt? Tự nhiên mày hỏi gì mà ghê thế? – Người đàn ông tỏ vẻ ngạc nhiên.
- Cháu đang tính toán vì sắp tới nhà cháu có thể xây mộ cho ông cháu, ở nhà lại có mỗi hai bà cháu nên cái này cháu không biết ạ!
- Nếu 6 người đào huyệt thay nhau thì áng chừng 3 tiếng là xong thôi!
- Vâng, cháu cảm ơn ạ!
Ba tiếng để đào một cái huyệt nhưng nếu đào cả một cái gò thì tôi nghĩ phải tốn gấp đôi thời gian hoặc hơn, nếu không thuận lợi. Đào huyệt ngoài bãi tha ma giữa thanh thiên bạch nhật thì chẳng ai quan tâm, nhưng đi đào trộm tôi e là họ sẽ phải tính toán kỹ hơn nếu không muốn bị phát hiện, nhà còn có bà ngoại tôi cơ mà.
Bà ngoại?!
Đúng rồi! Họ định theo dõi bà ngoại tôi, liệu có khi nào họ định ám hại bà? Không, tôi gạt bỏ ý nghĩ này vì tôi nghĩ rằng nếu bà ngoại tôi có xảy ra chuyện gì thì công an sẽ xuất hiện rất mau chóng và họ sẽ khó mà thoát được nhưng dù sao tôi cũng phải lưu ý điều này. Nếu họ không ám hại bà ngoại tôi thì hẳn là sẽ tìm cách khác để vô hiệu hóa như thuốc ngủ hoặc tương tự như vậy để có thể yên tâm đào bới, ngay cả con Vện cũng có thể bị một cái bả chó rồi nằm quay đơ. Chỉ mới nghĩ đến đó thôi mà tôi đã thấy lạnh hết cả người.
Những suy luận này có đúng hay không? Trên đường đạp xe về tôi miên man suy nghĩ, nỗi lo lắng dâng lên trong lòng nhưng không biết tỏ cùng ai khiến tôi cảm thấy trống vắng lạ lùng. Cả đoạn đường hơn 2km về nhà tôi cũng tự hỏi cái túi nhỏ bằng vải đó chứa cái gì, tôi có nên vứt đi hay tìm may một cái khác? Không được, cái thứ vải này nhìn lạ lắm, gần giống như vải áo nhung của bà Già nhưng lại không phải, tôi không biết nữa...
- “Ông sư có biết không nhỉ?”
Tôi vừa ăn cơm vừa nghĩ đến việc tìm kiếm sự giúp đỡ, bên kia họ có tới 7 người còn tôi chỉ có một, lực lượng xem chừng chênh lệch quá lớn, lợi thế duy nhất của tôi chính là họ chưa phát hiện ra nhưng nếu có người chỉ bảo thêm hẳn là tôi sẽ vững tâm hơn. Tôi quyết định ăn xong sẽ mang những thứ này lên hỏi sư thầy trên chùa làng, tôi hi vọng mình sẽ nhận được những góp ý nào đó từ người lớn.
Sư thầy là một người mà tôi cho là biết nhiều thứ nên cần phải tính toán xem cái gì cần nói và cái gì không cần nói.
***
- Cháu lấy tờ giấy và cái túi nhỏ may 4 cạnh này ở đâu?
Sư thầy hỏi tôi, tôi cũng mạnh dạn kể cho ông ấy việc mình phát hiện ra những thứ này được để trong cái miếu ở nhà bà ngoại tôi, tuyệt nhiên tôi giấu đi việc mình đã đi thám thính, việc mình ẩn thân. Tôi giải thích rằng mình hay lên chơi, do cậu Út tôi mới đi làm ăn xa nên chỉ có một mình bà ngoại ở nhà, đêm qua lại còn có trộm.
- Những hình thù chìm dưới những Hán tự này có thể là một loại bùa phép sử dụng vào việc khuất tất, đây cũng không phải là chữ Phạn, có thể là một dạng cổ ngữ địa phương.
- Của Việt Nam mình ạ?
- Không! – Sư thầy lắc đầu – Ta cũng từng biết, từng làm bùa bình an giúp thầy ta khi xưa nhưng ta nhớ rằng chỉ có những thầy bùa trên mạn ngược mới vẽ những hình thù bí hiểm như thế này bằng một loại mực chìm giống như nước. Thời buổi hiện đại chẳng ai còn đủ kiên nhẫn để làm mấy thứ mực viết bùa bằng nhựa cây nữa.
- Ông có nghĩ là của người Tàu không?
- Cũng có thể đấy, nguồn gốc của phần lớn bùa phép thì người Việt mình thời thượng cổ đã học của người Tàu rồi truyền lại cho đời sau. Nhiều thầy người Việt đã học những phép thuật để chống lại người Tàu, vì vậy nên về sau này người bên ấy họ cũng không dạy hết tuyệt học cho người Việt.
Ông sư vừa nói vừa cười tủm tỉm, ông gấp tờ giấy lại rồi đưa cho tôi.
- Tờ giấy này nếu kết hợp với những hình thù kỳ dị ẩn ở dưới chắc hẳn dùng để yểm, nếu như cháu nói là họ đã để dưới đáy bát hương thì mục đích của họ muốn giống như khóa chân khóa tay vong linh đang được tự do, bắt vong linh ấy phải nghe lời. Theo ta chính là như vậy.
- Cháu... cháu có nên đốt tờ giấy này đi hay không ạ?
- Nên chứ! - Ông sư gật đầu – Nên đốt nó đi bởi vì người xấu đã để nó vào đấy thì mục đích của họ cũng không tốt đẹp gì. Ta sẽ thay thế bằng một tờ giấy khác như cháu mong muốn, ta có thể viết một bài thơ.
- Sao ông lại viết thơ? – Tôi cau mày – Sao ông không viết thứ gì đó có thể yểm cho mấy người kia, cho họ đáng đời!
- A di đà Phật! Ta là nhà sư, cháu quên rồi sao?! Ta làm việc thiện, ngăn cản cái ác chứ nhất định ta không thể gây nghiệp được, ta... ta cũng không thể làm như cháu nói!
- Chán nhỉ... – Tôi thở dài – đấy chính là lý do cháu không thích làm nhà sư đấy! Nhà sư biết nhiều thứ mà không làm được gì bọn xấu, đặc biệt mấy người t·rộm c·ắp. Hôm trước ông chẳng nói làng mình sắp có chuyện hay sao, có khi chính là chuyện này đấy ông ạ!
- Đúng là trẻ con chỉ thích mấy trò đánh nhau.- Ông sư nhìn tôi nói một cách hiền từ. – Ta chỉ là kẻ tu hành thờ Phật, nhiều thứ ta làm sao mà cháu biết được?! Nhiều việc cháu đang làm đâu phải ai cũng biết, tuy là việc tốt nhưng không ai biết thì tại sao cháu lại làm?
- Cháu... cháu thích ạ!
- Một chữ "Thích" rất dễ để nói nhưng nếu cháu cứ làm liên tục những việc cháu “Thích” như hiện nay thì nó đã không còn là “Thích” nữa đâu, nó có thể là cơ duyên mà cháu vô tình bằng cách nào đó đã nhận được và bằng cách này hay cách khác cháu đã giúp cho nhiều người khác mà bản thân cháu không biết. Ta cũng vậy, nhiệm vụ của ta chính là tín đồ của giúp Phật tổ đi truyền bá thiện lương, cháu nghĩ sao?
- Ông toàn nói những thứ cao siêu làm sao mà cháu hiểu được?!
- Ha ha ha, được rồi, thì từ từ hiểu... – Sư thầy vỗ vai tôi mấy cái rồi cười – Thôi đi đốt cái tờ giấy ấy đi, để ta viết cho cháu một tờ khác!
Sau khi đốt tờ giấy có Hán tự và những hình thù kỳ lạ thì tôi quay trở vào đứng nhìn sư thầy vẽ chữ trên một tờ giấy tương tự như tờ tôi vừa mới đốt, sở dĩ tôi gọi là vẽ chữ thay thì viết chữ là bởi vì cái cách sư thầy cầm bút như vẽ từng nét đậm nhạt. Tôi đứng chắp tay sau lưng nhìn và tự hỏi người nào đã nghĩ ra cái thứ chữ khó đọc như này, nếu họ viết giống chữ Quốc Ngữ có phải tốt hơn không?! Vừa dễ đọc, dễ nói, chẳng cần đi học cũng nói được. Sau cùng tôi nhận định rằng người đã sáng tác ra cái chữ cầu kỳ này đích thị là một ông thừa thời gian nên mới nghĩ ra trò vẽ chữ.
Thời gian sư thầy viết mười mấy gần hai mươi chữ chắc tôi đã viết xong cả một trang giấy đầy chữ rồi, đọc mỏi cả mồm.
- Xong rồi nhé, chờ một lúc cho mực nó khô rồi ta gấp y chang như tờ giấy ban nãy.
Sư thầy nhẹ nhàng đặt cái bút lông kê vào nghiên mực màu đen ở trên bàn, tôi tranh thủ ngó nghiêng xem sư thầy đã viết cái gì.
- Ông viết nhiều chữ hơn người ta ra rồi, sao tận 19 chữ thế ông?
- Một câu thơ dài thôi mà, 14 chữ ít quá. Cháu yên tâm, nếu họ đã đặt tờ giấy đó xuống bát hương thì họ chỉ lấy ra khi xong việc, thậm chí họ để nguyên vị trí đó cho một người nào đó vô tình tìm thấy.
- Vâng! – Tôi đáp lời sư thầy nhưng đầu vẫn ngó xem ông ấy vẽ cái gì, thật tiếc là tôi chẳng hiểu gì – Chữ Tàu này viết khó thế này bảo sao chẳng ai học, cháu mà là ông sư như ông cháu sẽ khấn Phật tổ ra lệnh cho thay hết bằng chữ Quốc Ngữ để ai cũng có thể đọc được!
- Ha ha ha! Phật tổ mà nghe được điều này cũng không biết trả lời cháu như nào đâu. Cháu đưa ta cái túi vải nhỏ màu đỏ nào!
Sư thầy cầm cái túi vải màu đỏ tôi đưa và quan sát kỹ một hồi sau đó đi lấy một con dao sắt rất nhỏ màu đen, mũi nhọn. Sư thầy để cái túi nhỏ lên cạnh bàn uống nước và cẩn thận lách từng m·ũi d·ao cắt đứt từng sợi chỉ màu đỏ, ông đã làm việc đó thật chậm, thật tỉ mỉ và nhẹ nhàng còn tôi chỉ biết ngồi mở to mắt ra xem, đôi lúc còn không dám thở mạnh vì sợ làm ông phân tâm. Chừng hơn 5 phút trôi qua thì sư thầy đã cắt những đường chỉ may ở một cạnh của cái túi, ông nhẹ nhàng rút dây chỉ đỏ đó, bóp nhẹ miệng túi và nhìn xem thứ gì ở bên trong, một hồi sau thì ông đưa mũi vào ngửi.
- Lâu rồi ta không thấy thứ nào như này, không có bất kỳ mùi gì.
- Là gì thế ông?
- Ta không biết nữa, đã từ rất lâu trước đây ta cũng từng thấy một thứ vỏ cây được giã nhuyễn như này của một ông già người dân tộc trên mạn ngược, ông ta từng nói rằng chỉ cần một nhúm này để trong nhà thì côn trùng, rắn rết mà có bò vào thì cũng lăn ra b·ất t·ỉnh. Thật kỳ lạ!
- Sao lại kỳ lạ ạ?
- Đây có thể là một loại vỏ cây nào đó đã được băm nhỏ, giã mịn, ta cứ liên tưởng đến mùi hương khi đốt.
- Có khi nào để làm các vong hồn đã khuất trở nên giống như người say rượu không ông nhỉ? Ý cháu là giống như một dạng thuốc mê cho vong hồn.
- Trí tưởng tượng của cháu thật là phong phú, ta không biết được nhưng tốt nhất nên đổ thứ này xuống dưới ao chùa sau đó ta sẽ bỏ vào đây một thứ khác.
- Không đốt nó được ạ? – Tôi nhận cái túi từ tay sư thầy và nhìn vào bên trong cái túi nhỏ, một thứ giống như cát đen vậy, nhưng có lẽ ông sư thầy nói đúng, nhìn giống như vỏ của một loại cây – Sao không đốt đi hả ông?
- Thứ này có thể tỏa ra một mùi hương mà chúng ta không biết, có thể ảnh hưởng đến chốn tâm linh cho nên hãy đổ xuống ao, cháu cứ đổ rải ra là được. Nước là khởi nguồn sinh tồn của vạn vật thì trả nó về với nước.
Tôi đổ thứ bột mịn trong cái túi nhỏ xuống cái ao nhỏ nằm gần bức tường phía Tây của chùa, tôi rất tò mò về thứ này, khi tôi đổ xuống ao, những hạt nhỏ li ti như cát ngay khi chạm vào mặt nước lại sủi lên những bong bóng nhỏ, tôi chợt nhớ ra lần mình tiểu vào cái miếu Xã Thần Quán Dê thì có khói bốc lên cho nên tôi vội vàng rũ nhanh cái túi nhỏ và đứng lên bờ quan sát mặt ao nơi tôi vừa đổ thứ bột mịn màu đen đó xuống bây giờ đang sủi những bọt nhỏ trong một diện tích bằng bàn tay của tôi. Tôi khẳng định rằng thứ này chắc là một dạng bột gây mê cho những vong hồn đã khuất hoặc kỵ với họ, chỉ như thế mới lý giải được việc cái túi này đến gần thì chị Đẹp liêu xiêu như người bị choáng váng bất ngờ. Tôi cẩn thận lộn ngược cái túi và búng vài cái để đảm bảo không còn cái gì dính ở trong nữa, những thứ tưởng chừng như vô hại này lại có tính sát thương cao với những người mà tôi không dám bất kính.
Con người đúng là đáng sợ nhất!
***
Sư thầy cho vào cái túi một thứ bột khác, tôi không biết là gì nhưng tôi nhớ rằng ông nói đó làm từ hạt bồ đề và dặn tôi để vào bát hương như cũ sẽ không gây ảnh hưởng gì mà vẫn đảm bảo việc nguyên vẹn nếu những người xấu muốn kiểm tra. Sư thầy cũng dành đến gần 20 phút để khâu lại cho tôi cái miệng túi như cũ, khi nhận lại tôi chỉ biết nói lời cảm ơn.
- Sao phải cảm ơn, làm việc tốt không cần phải cảm ơn như thế, nhớ cẩn thận!
Trước khi tôi ra về thì sư thầy lại đưa cho tôi mượn thanh kiếm gỗ lần trước, tôi miễn cưỡng nhận lấy và cảm ơn ông. Tôi nhớ rằng chị Ma nói nhìn thấy kiếm này rất hãi nên tôi cũng ngại nhưng sư thầy đã cho mượn hẳn là có lý do nên tôi cứ cầm về, thừa hơn thiếu.
- Đây là mật ong rừng! - Sư thầy đưa cho tôi một lọ nhỏ chứa thứ nước màu nâu cánh gián – Mỗi ngày vào buổi trưa hãy pha với một vài giọt nước chanh, khuấy đều lên rồi uống, nếu lười pha thì cắt đôi quả chanh ra rồi cho ít mật ong này rồi ngậm.
- Cái... cái này...
- Nó sẽ làm cho cháu ấm người, đêm hôm lạnh lắm!
Sư thầy nhìn tôi với ánh mắt rất lạ, vỗ vai tôi mấy cái rồi ấn nhẹ vào lưng tôi, ý bảo ra về, trong khi tôi vẫn còn đang tìm hiểu ẩn ý của sư thầy trong lời nói.
- “Chả lẽ nhà sư đã biết gì hay sao?”
Tôi mau chóng quên đi những suy nghĩ ấy, dù sao ông sư cũng là người tốt và đã giúp đỡ tôi nhiều nên tôi hoàn toàn tin tưởng vào những lời khuyên của ông đối với tôi.
---
***