Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 129: Phi sa tẩu thạch (P.3)




Chương 129: Phi sa tẩu thạch (P.3)

Chiều hôm sau là ngày Chủ Nhật, sau một giấc ngủ sưng mắt gần tới trưa thì đầu giờ chiều tôi đạp xe ra đầu làng, trời còn nắng nên trẻ con hay người lớn cũng chỉ lác đác mấy người. Tôi vào quán của bà cụ Kh. ngồi uống nước.

Hôm qua lúc đi học về tôi đã hỏi Chắc Gạo việc có người mua duối, nó bảo có người đến xem và chỉ trả có Hai trăm nghìn nên bà nó không bán, người ấy cũng chẳng mặn mà trả giá thêm. R9 thì khi được hỏi như vậy chỉ lắc đầu vì không có ai đến hỏi nhưng nó bảo có nghe loáng thoáng việc mấy người đi hỏi mua duối ở bên mé khu Tây và cả mé khu Trên nữa. Tuy thông tin chẳng có gì nhưng ráp nối vào thì tôi nhận định rằng bọn họ chỉ tìm kiếm những cây duối nằm ở rìa làng như nhà Chắc Gạo, nhà tôi hay nhà bà ngoại còn nhà R9 ở giữa làng nên họ không quan tâm. Nhận định này đúng hay sai cần có thời gian mới đoán biết được nhưng giống như trước đây, nếu là sai thì vẫn tốt hơn chẳng có nhận định nào. Sai thì đó là kinh nghiệm còn nếu đúng thì có thể chiếm nhiều lợi thế, xem như đoán biết được kế hoạch của đối phương.

- Làng mình có người đến tìm mua duối đấy, nhà bà có không ạ?

Tôi gợi chuyện với bà cụ Kh. Đang nằm trên võng, tay phe phẩy cái quạt nan, miệng nhai trầu bỏm bẻm.

- Nhà tao làm gì có, đất đai có tí nào thì con cái xây nhà và với sân hết rồi!

- Không ở thì xây làm gì phí tiền thế bà?

- Tao chia hết chẳng còn cái gì sất, nhỡ đâu tao c·hết thì đỡ cãi nhau, của đứa nào đứa ấy xây!

- Làng mình chả biết có ái bán được không chứ bên xã là cháu nghe đám bạn cháu nói là có bán được đấy bà ạ!

- Cái đám thừa tiền, cây đấy thì mua làm gì?! Chiều qua họ mua được 1 cây của nhà ai bảo là gửi tạm ở kia kìa! – Bà cụ Kh. nhỏm dậy cầm cái quạt chỉ về hướng đầu hồi của ngôi đình làng – Mấy người ấy bảo để gom lại rồi chở đi một lần, cái thứ đấy đợi đến Tết mồng thất (khẩu ngữ ý nói ngày không có trong lịch, chỉ điều không bao giờ xảy ra) cũng chẳng có ma nào ă·n t·rộm mà gửi với chả gắm.

Tôi đi lại đầu hồi của đình làng để nhìn thân cây duối cong queo nằm sát chân tường, chẳng có gì đặc biệt, thứ này để đây thì ma chê trộm trách. Ngó nghiêng chẳng có gì nên tôi quay lại uống nốt cốc Coca còn phân nửa, mới đưa lên miệng thì thấy có hai xe máy đi qua Cầu Đình và rẽ vào quán nước, tôi nhận ra một trong số bốn người ấy.

- Bà ơi cho con mấy chai nước nhờ!

Một người đàn ông bước vào quán lên tiếng gọi, bà cụ Kh. rời khỏi võng lấy nước cho khách. Người đàn ông tôi đã từng gặp là người bước vào sau cùng với cái mũ lưỡi trai trên đầu, ông ta thoáng ngạc nhiên nhìn tôi còn tôi thì hơi cúi đầu cười xem như lời chào, chẳng họ hàng, chẳng có thiện cảm lại là người thiên hạ thì tôi cũng lười lên tiếng.

- Bà cháu có đồng ý bán cây duối không cháu? – Người đàn ông đội mũ lưỡi trai hỏi tôi sau khi đã rít một hơi thuốc lào.

- Mấy trăm nghìn bà cháu không bán đâu, cháu hỏi bà cháu rồi, bà cháu cần Hai triệu!

- Nhà thằng bé này có cây duối mục ngoài bờ tre... – Người đàn ông đội mũ lưỡi trai trên tay vẫn còn cầm cái đóm chỉ qua tôi như để giới thiệu với những người đi cùng – Bà nó đòi hai triệu mới bán!



- Cây đấy có gì mà hai triệu, 500 nghìn là được giá lắm rồi cháu ạ! – Một người khác trong nhóm nhìn tôi, cười và nói như vậy.

- Nhà mày có cây duối để bán luôn à? – Bà cụ Kh. chen vào hỏi tôi.

- Có một cây bà ạ, cũng phải mấy trăm năm rồi. Các chú đây trả 500 nghìn mà bà cháu không bán, bà cháu đang cần 2 triệu xây cái tường gạch mà bố cháu thì không chịu cho xây vì liên quan đến phong thủy gì đấy cháu không biết.

- 500 nghìn là bán được rồi, quý báu gì cây đấy?! – Bà cụ Kh. như muốn khuyên tôi.

- Đúng đấy, bọn cháu cũng nghĩ giá đấy là được rồi, hời. – Người đàn ông đội mũ lưỡi trai nói thêm vào.

- Cháu thì không quan tâm lắm ạ vì tiền bạc thì cháu có thiếu gì đâu?! – Tôi nói với bà cụ Kh – Bà xem, tại bà hôm Rằm ở chùa mách với bà cháu là cháu tiêu hoang, bà cháu mắng một chặp đấy! Sau bà mà mách nữa là cháu không mua ở đây, không làm khách quen của bà nữa!

- Cái thằng này, tao chỉ vui miệng nói chuyện với bà mày chứ tao mách bao giờ, tao còn khen mày ngoan nên bố mẹ mày chiều. Mày là dạng sướng nhất cái làng này rồi còn gì?!

- Chả sướng ạ, mỗi tháng bố mẹ cháu cho cháu có 500 nghìn! Bà tính xem bao giờ mới đủ mua cái xe máy để đi học cấp 3?!

- Mày cứ được voi đòi tiên, mấy đứa bạn mày ra đây uống nước phải chia đôi còn mày thì... – Bà Kh. quay sang nói với mấy người đàn ông đang lắng nghe câu chuyện. – Cái thằng này nó cũng tốt tính, bố mẹ nó cho nhiều tiền để nó ở nhà với bà nội nó. Nó mua quà bánh ở quán tôi đúng là chả bao giờ hỏi giá. Đấy, các chú xem, nó còn dọa không mua quà ở quán của tôi đấy!

- Cháu đùa thôi mà! - Tôi cười hềnh hệch rồi với tay lấy thêm hai chai Coca với hai hộp bánh – Của cháu hết bao nhiêu?

Miệng tôi hỏi nhưng tay đã rút tờ 50 nghìn đồng ra đưa cho bà cụ Kh.

- Thừa để chiều tối cháu ăn gì thì lấy thêm không thì mai bà nhá!

Tôi lên tiếng chào mấy người đàn ông ngồi trong quán, tôi đoán họ nghe hết câu chuyện nhưng tỏ ra không quan tâm, tôi đồ rằng chỉ cần tôi về thì họ sẽ khai thác sự giàu có của tôi qua bà cụ Kh. tha hồ mà hỏi, bà cụ có khi còn bơm thêm vào sự giàu có của tôi ấy chứ đùa.

- “Nếu lừa được mấy người này thì mình biếu bà cụ 50 nghìn vì công nói tốt”.

Vì lo xa nên tôi đã dặn kỹ với bà Già đến mấy lần vào buổi chiều rằng nếu có ai đến hỏi mua cây duối thì bà nhất quyết chỉ bán với giá 2 triệu, không bớt một xu. Đối với tuổi đời của cây duối thì tôi không biết thời Minh Mạng là năm bao nhiêu nhưng tôi cứ nói đại với bà rằng cây duối ấy nghe người ta bảo cũng hơn 200 năm, việc này rất khó xác định được chính xác vì chẳng ai sống được từng đó năm để mà cãi nhau. Những suy nghĩ này là nền móng đầu tiên để tôi xây dựng một quan điểm rằng muốn bán bất cứ cái gì thì cũng cần có một câu chuyện và câu chuyện để phục vụ việc bán món hàng đó phải có những chi tiết mà người mua không thể phản bác được những ý kiến của tôi, nhằm hạ giá món hàng đó. Tất nhiên, để hình thành những kỹ năng cần thiết phù hợp với việc buôn bán thì tôi cần phải có nhiều thời gian hơn để rèn luyện, sau nhiều năm, tôi tự đánh giá bản thân mình là một người bán hàng trung thực bởi thế nên tôi chưa giàu có, được cái vui vẻ là nhiều.

Tôi cũng có nhiều quan điểm khác người, ngay trong tình yêu cũng vậy. Hồi tôi còn đi làm thợ cưa với một cái cưa cùn thì quan điểm để đời của tôi là “Trong tình yêu tất cả mọi thủ đoạn đều ngay thẳng” và với phương châm mặt dày cộng khéo léo thì tôi đã đạt được mục đích của mình là lấy được vợ, thi thoảng tôi vẫn hay rêu rao về tài năng của mình trong nghề “cầm cưa” nhưng bản thân tôi nghĩ bây giờ mình cũng lụt nghề rồi, bao nhiêu mưu ma chước quỷ cùng những tinh hoa đúc kết bao năm của tôi... đã không còn gì, nhưng hy vọng một ngày tôi có thể viết thành bí kíp giúp vài người thoát kiếp cô đơn.



- Cho cháu thêm mấy chai nước bà ơi!

Tôi bước vào quán của bà cụ Kh. khoảng tầm 5g chiều, bà cụ Kh. đang lúi húi dọn dẹp bớt hàng hóa vào trong căn nhà nhỏ kiêm cửa hàng. Ban đêm bà cụ ngủ lại luôn ở đây nên thi thoảng cuối tuần cũng nhiều người ra gõ cửa mua rượu, tôi thì cũng có vài lần lên cơn thèm kẹo lạc hay kẹo dừa cũng ra gõ cửa. Chả hiểu sao lần nào bán hàng cho tôi bà cụ cũng mắng mỏ vài câu, giống như mắng con cháu vậy, tôi cứ cười xuề xòa, kể ra bà cụ cũng đâu thiếu cháu con, chẳng qua không có đứa nào ở nhà mà thôi.

- Chiều mày mới lấy hai chai mà đã uống hết rồi à? Uống nhiều thế sâu răng mày c·hết!

- Bà cứ lo xa, thèm thì phải uống chứ sợ gì mấy con sâu răng... Cùng lắm mỗi lần uống hết một chai thì cháu đánh răng một lần cho mấy con sâu ấy c·hết luôn!

- Đúng là nòi nào giống nấy, mày suốt ngày lý sự. Thế lấy mấy chai?

- Bà cho cháu thêm hai chai Coca.

Bà cụ Kh. lấy hai chai Coca thủy tinh cho vào một cái túi nhỏ để tôi treo lên xe đạp, xe Peugeot này xem ra cũng bất tiện vì không có giỏ như mấy cái mini tàu của đám bạn tôi.

- Mày đòi cái cây duối nhà mày tận 2 triệu cơ à? – Bà cụ Kh. tay đưa túi cho tôi tiện miệng hỏi chuyện, thật ra nếu bà cụ không hỏi thì kiểu gì tôi cũng bắt vào chuyện ấy để tìm thêm thông tin về nhóm người lạ mặt.

- Nhà cháu là cây cổ đấy bà ạ, tuy bây giờ một số cành bị sâu nó đục nhưng xem chừng vẫn còn ngon lành lắm. Mấy chú kia trả có 500 nghìn thì làm được việc gì đâu ạ?!

- Mày cũng ghê gớm y như thằng bố mày! – Bà cụ Kh. nhận xét.

- Bố cháu hiền khô, ghê đâu mà ghê bà ơi! – Tôi cười tít mắt nói với bà cụ.

- Ghê gớm buôn bán ấy, tao là thấy mày có cả nét của ông nội mày nữa chứ không chỉ riêng của bố mày đâu nhá! Mấy người ban chiều hỏi chuyện tao về mày đấy, tao nói vống lên có khi cái đám ấy cũng tin.

- Cháu mà bán được đúng giá thì cháu sẽ biếu bà một ít!

- Tao không thèm!



- Ai nói bà thèm đâu, cháu quý bà thì cháu biếu chút ít để bà ăn quà sáng có sao đâu?!

- Đấy, lại còn dẻo miệng y chang ông ngoại mày nữa! Được, mày nói vậy thì tao cũng chả dại từ chối. Mà mấy người đấy đã tìm thuê nhà trong làng đấy!

Lời nói của bà cụ Kh. làm tôi thoáng ngạc nhiên nhưng cũng nhanh chóng hiểu ra vấn đề, nếu họ quyết tâm tìm kiếm gì ở đây thì chắc chắn sẽ phải tìm cách ở lại trong làng một cách đường hoàng, điều này sẽ tiện cho họ rất nhiều thứ.

- Làng mình cũng có nhà cho thuê hay sao ạ?

- Làng mình thì nhà bỏ không thiếu gì, họ muốn thuê ở tạm chừng mươi bữa vì bên xã không thuê được chỗ ở.

Một lý do cực kỳ hợp lý, tôi gật gù tán đồng.

- Họ đã thuê được nhà ai chưa bà?

- Nghe đâu thuê được nhà bên mé khu Tây rồi đấy, gần nhà ông Nh.

- À, khu đấy cháu biết, tối xuống vắng tanh như chùa bà đanh lại gần ngay cánh đồng, ớn lắm ạ!

- Chúng mày trẻ con suốt ngày ma với cỏ. Khu ấy vắng người là vì chẳng ai ở chứ có gì mà sợ?!

Chào bà cụ Kh. xong là tôi nhanh chóng đạp xe một mạch về nhà, bây giờ chưa đến 5g30, tôi muốn báo với chị Ma việc này nhưng do không có hẹn trước nên cũng khó. Tôi dắt xe qua cổng nhà liếc mắt nhìn mấy viên sỏi đang khuyết một viên, khi tôi dắt xe qua cổng thì đứng lại nhìn một lúc thì kỳ lạ thay, bằng cách nào đó những viên sỏi đã đủ 8 tự khi nào. Tôi đứng đấy lặng nhìn và khẳng định thêm rằng mình đi ngả nào viên sỏi sẽ theo ngả đó, có thể nó cũng đi theo dõi cả bà tôi nữa chứ không chỉ riêng tôi.

Sau khi cho xe đạp vào nhà, tôi bước xuống sân và đi lại mấy vòng rồi sau đó bước ra khu vườn, tôi thầm mong con bướm trắng xuất hiện nên trong miệng lẩm nhẩm cầu khấn, tôi muốn có cái lá để ẩn đi dương khí, để giống như một hồn ma, tôi muốn thử đến căn nhà mà những người lạ kia mới thuê xem có gì hay không.

Tôi vừa khấn vừa kể lể ngắn gọn mong muốn của mình, đến lần thứ hai thì có một con bướm trắng xuất hiện từ trong lũy tre bay ra, tôi ngước lên nhìn và không giấu nổi sự vui mừng.

- “Đúng là chị ấy lẩn khuất đâu đây và có thể nghe được lời khấn cầu của mình!”

Tôi thầm nghĩ trong đầu và với tay ngắt lá vối, con bướm trắng không bay đi luôn mà đậu nhẹ lên vai tôi, đầu tiên là đậu bên vai trái sau đó lại nhẹ nhàng bay đậu sang bên vai phải rồi mới bay đi và biến mất trong lũy tre gai. Tôi nhìn theo và cố lý giải hành động này, sau cùng tôi cho rằng chị ấy muốn động viên tôi, tôi cho rằng hành động vỗ vai người khác có thể biểu thị cho sự động viên, tin tưởng.

- Bà ơi, cháu xuống nhà thằng H. một tí cháu về ngay ạ!

- Mày vừa mới về lại đi đâu? – bà Già đang nấu cơm dưới bếp nói vọng ra – Đi mau rồi về ăn cơm!

- Dạ!

Tôi đi lại gần ụ rơm, ngó trước ngó sau cẩn thận mới đưa cái lá lên miệng rồi nhanh chóng chạy ra khỏi cổng. Chị Đẹp đã nói rằng cái thuật “Phi sa tẩu thạch” không theo được người đ·ã c·hết khiến tôi yên tâm hơn nhiều, dĩ nhiên tôi còn sống sờ sờ ra đây nhưng cái thứ lá cây bình thường ở trong vườn đã được chị Ma làm gì đấy, tôi tưởng tượng ra rằng xung quanh mình có một lớp sương lạnh bao phủ khiến cho tôi trở nên vô hình và chỉ bắt đầu có hiệu quả từ giờ gà lên chuồng còn ánh mặt trời hẳn là khắc tinh của âm khí nên thứ lá này vô tác dụng.