Chương 100: Lại thấy mèo trắng
Hai anh em tôi đứng trước ngôi mộ nhỏ mới xây được chừng một tuần vẫn còn màu đỏ tươi của gạch, D. – thằng em trắng trẻo, đẹp trai, hiền lành của tôi – cẩn thận đặt mấy gói kẹo lên mộ và thắp mấy nén hương, tay nó vẫn run, nó mới có 11 tuổi thôi mà. Tôi đứng bên cạnh quan sát nhưng không có giúp nó bất cứ việc gì, mấy thứ này quá đơn giản để tôi phải động tay, tôi đứng đấy và cười một mình vì thấy điệu bộ của thằng em.
Em trai tôi như tôi đã từng kể, khi còn niên thiếu thì nó là đứa rất hiền lành và nhận được nhiều sự quan tâm của các cô, các chị và... các bạn nữ trong lớp. Khi nó học cấp II tại trường Quang Trung ở gần gò Đống Đa, tôi nhớ đâu là chỉ lớp 6 nó đã có bạn gái thích rồi, cũng dịp từ cuối năm lớp 6 thì nó hay bị bạn cùng trường bắt nạt nhưng loáng một cái chỉ chừng 2 năm sau, ở vào lứa tuổi nổi loạn nó đã tụ tập được một số đứa bạn thân trong khu Nam Đồng như là Lâm Pháo Thủ, Dũng Phi Công, bộ ba này đã gây ra nhiều cơn đau đầu cho ba gia đình với những trò nghịch rất oái oăm đặc biệt là đánh nhau và em trai tôi cũng không còn là đứa em trai hiền lành, ngoan ngoãn nữa. Em trai tôi bắt đầu cấp III tại trường bán công Đống Đa, cũng là một trường có nhiều nam sinh nghịch, tuy nó chỉ học tại đó một học kỳ của năm lớp 10 nhưng nó cũng đã kịp để lại vài dấu ấn và kéo thêm một số đứa khác như thằng Minh Béo nhà ở ngõ Văn Chương, thằng Minh Gầy ngõ Xã Đàn và nhiều đứa khác nữa tôi chẳng còn nhớ tên gia nhập chung hội, một cái hội mà chỉ cần nhìn qua là biết thích quậy phá rồi, chúng nó không bao giờ thiếu các trận đánh nhau giữa học sinh trường này và học sinh trường khác.
Tôi nhớ là khoảng gần cuối học kỳ I năm nó học lớp 10 chỉ vì một đứa bạn nam cùng lớp cậy gia đình làm công an nên thách thức những đứa khác, chẳng ai muốn dây vào nhưng thằng em tôi đã chẳng ngại ngần tặng cho cậu bạn ấy một nắm đấm ngay giữa mặt, ngay sau đó thì gần như cả đám con trai trong lớp lao vào đánh thằng bé kia bầm tím mặt mày. Thằng bé b·ị đ·ánh chẳng nhận ra những ai đã đánh nó, nó chỉ nhớ đứa đánh nó đầu tiên và thằng em tôi cũng yên hùng nhận hết tội, sau đó em tôi bị buộc thôi học vì cả những lần kiểm điểm trước đó nữa. Mẹ tôi chuyển nó sang học ở trường dân lập Tô Hiến Thành ngay gần nhà sách số 240 Tôn Đức Thắng thì mới chỉ được một tuần đã thấy cả đám bạn hàng chục đứa của nó cũng đã chuyển trường và xin vào chung lớp. Tôi nhớ là chúng nó chẳng có một danh xưng đại ca nào từng được gọi ra nhưng tôi biết rõ trong tất cả các cuộc đánh nhau của đám choai choai khi ấy thì em trai tôi luôn là đứa lao lên đầu tiên đánh phủ đầu con nhà người ta, những đứa khác chỉ chờ nó hành động là xông vào bất chấp. Mẹ tôi đã tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc để đi thương lượng với gia đình những người b·ị đ·ánh, điều may mắn nhất có lẽ là thời đó chúng nó mới chỉ đánh nhau bằng nắm đấm nên chưa có thương tích nghiêm trọng.
Tôi còn nhớ có một lần em trai tôi cùng thằng Lâm Pháo Thủ và Dũng Phi Công đánh một anh thanh niên gần nhà tôi phải đi nhập viện, tôi không biết lý do là gì nhưng nghe đâu là vì “nhìn đểu”. Điều ngạc nhiên là khi người lớn gần đấy thấy có v·a c·hạm thì chạy đến nhưng chỉ thấy thằng Pháo Thủ và Phi Công ra sức đánh người thanh niên lúc này còn đang nằm bẹp dưới đất trong khi thằng em trai tôi lại đang đứng ở cửa nhà cách đó cả trăm mét như không hề biết gì. Người b·ị đ·ánh thì khẳng định có ba đứa và nhớ thằng đầu tiên đấm là thằng nhỏ nhất và mặc áo thun đỏ trong khi lúc đó thằng em trai tôi lại đứng ở cửa nhà mặc áo trắng nhởn nhơ nên chẳng biết thằng áo đỏ ấy là ai, hai đứa kia thì không chịu khai. Hàng xóm láng giềng đều nói với nhau rằng đánh nhau như thế mà “Có hai thằng này thì làm sao mà thiếu được con nhà Th. Đậu” nhưng chẳng ai nhìn thấy nó đánh người nên cũng đành bỏ qua. Hai gia đình nhà Phi Công và Pháo Thủ đền tiền thuốc men, bồi dưỡng xong xuôi hết cả thì lại lòi ra đúng em trai tôi đầu têu, nó chính là đứa đấm vào mặt người ta rồi đè người ta xuống táng nguyên nửa viên gạch vào đầu rồi mặc cho hai thằng bạn đấm đá, nó bỏ chạy một vòng tròn về nhà thay áo khác rồi ra đứng ở cửa như một đứa vô can. Mẹ tôi chả biết nên khóc hay nên cười vì sự láu cá của nó, sau cùng cũng phải chịu 1/3 số tiền đã đền bù cho bên b·ị đ·ánh. Những người lớn biết được việc ấy thì khẳng định thêm rằng họ đã nói đúng, ba thằng nó như khố với đít thì làm sao đánh nhau lại thiếu em trai tôi được.
Khoảng học kỳ I năm nó học lớp 11 đã là mùa Đông Hà Nội, trưa ngày hôm ấy khi em trai tôi đang ngồi uống nước cùng đám bạn trước cổng trường thì có một thằng nhóc lớp 8 mặc áo khoác quần ngố đến hỏi:
- Anh có phải anh D. Bâu không?
Thằng em tôi đứng dậy trả lời:
- Đúng, có chuyện gì?
Ngay sau khi nó thấy thằng bé lớp 8 kia thò tay ra túi quần sau thì thằng em tôi tung chân đạp thằng bé ấy một cái, đồng thời nó cũng kịp nhìn thấy một bóng một con dao phớ chém ngược từ dưới lên trên, nó hất mặt tránh nhưng đầu con dao phớ đã kịp sượt qua môi, những hành động đó chỉ diễn ra trong khoảng 2 giây là nhiều. Thằng bé kia ngay sau đó bị đám bạn của em trai nhảy vào đánh còn em trai tôi thì nhanh chóng được đưa đi viện Saint-Paul để khâu môi, sau vụ đó nó bớt đẹp trai đi một tí nhưng vẫn rất thu hút các bạn nữ, còn tôi khi nghe tin em mình b·ị c·hém thì cảm thấy lạnh hết cả người, điều đó cũng là sớm hay muộn mà thôi bởi vì nó đã gây ra quá nhiều xích mích, thằng bé lớp 8 ấy được thuê đến để “xử lý” em tôi, nếu thằng em tôi không phản ứng nhanh thì tôi thật không dám nghĩ đến những điều tồi tệ xảy đến với nó. Sau công an tìm được nhà của thằng bé ấy, mẹ nó gánh nước thuê trong ngõ chợ Khâm Thiên đã khóc hết nước mắt khi biết tin con mình còn bé tí đã nhận tiền đi c·hém n·gười, mẹ tôi cũng là phụ nữ, cũng hiểu rằng con mình cũng chả phải đứa hiền lành gì nên chuyện đấy cũng không truy cứu thêm.
Sau sự việc đó, mẹ tôi nhất quyết lôi em trai tôi ra khỏi đám bạn của nó nên đã chuyển học sang trường dân lập Bắc Hà - một trường mới thành lập - chỗ đoạn đường Láng bây giờ, nhưng cũng chỉ khoảng nửa tháng sau thì đã thấy mặt những thằng bạn nó chuyển từ các trường khác về tề tựu đông đủ không thiếu một đứa nào, mẹ tôi đến đón đi học về thấy cả một lũ nhẵn mặt đứng lên chào, mẹ tôi đành chịu thua. Thằng Lâm Pháo Thủ hay Dũng Phi Công cũng không thiếu mặt trong hội ấy, chúng nó gây sự đánh nhau để được chuyển trường học cùng chiến hữu. Em trai tôi ngoài vẻ đẹp trai thì còn khéo miệng nên cô giáo chủ nhiệm của nó, một cô giáo trẻ mới ra trường cũng nhiều lần đứng ra bao che, nó học ở cái trường Bắc Hà đó chả rõ có học được chữ nào không nhưng trong khoảng một năm thì chắc những lần đánh nhau cũng phải đến mấy chục, đánh nhau lúc này đã không còn dùng nắm đấm nữa mà chuyển sang những cây tuýp sắt vát nhọn một đầu, nếu ai mà bị cái đó đâm xuyên qua người thì tôi nghĩ rằng chín phần sẽ không sống nổi.
Tôi gần như không còn nhận ra thằng em trai hiền lành với nụ cười tươi rói của mình nữa, tuy bề ngoài nó vẫn là đứa hiền lành nhưng nắm đấm của nó đã dùng thay cho lời nói, song chả hiểu sao đám con gái cùng trường lại mê nó như điếu đổ, có những thời điểm tôi chứng kiến nó phải sắp lịch đi chơi theo khung giờ, nhất là những ngày lễ như 8/3 hay 20/10. Còn đám bạn của em trai tôi, những đứa đều sinh năm 1986 chả thấy đứa nào có người yêu vì chúng nó còn bận đánh nhau và đua xe. Ai đó đã nói với tôi rằng phải sau 18 tuổi nó mới thay đổi tính nết và trầm trở lại nhưng tôi đã không thể đợi được nó tròn 18 tuổi vì rất có thể nó sẽ nhập kho trước cái tuổi ấy với những chiến tích của nó đã gây ra. Lần cuối cùng nó bị buộc thôi học ở trường Bắc Hà vì dùng tuýp nước đe dọa thầy giáo, tôi cũng vội vàng bỏ dở mọi thứ và mua vé xe tốc hành sớm nhất để đưa nó rời xa Hà Nội càng sớm càng tốt, cảm giác như một cuộc bỏ trốn khỏi thành phố mà tôi đã ước ao được sống trong suốt nhiều năm khi còn niên thiếu.
Trên chuyến xe tốc hành, tôi ngồi tựa đầu vào cửa sổ xe và suy nghĩ miên man về những điều đã xảy ra và cả những điều đang chờ đón mình ở phía trước, tôi cũng nhớ em gái mình, đứa em gái mà hai anh em tôi đã rời Hà Nội ngay sau sinh nhật lần thứ 15 của nó, tôi đã trải qua một sinh nhật buồn nhất trong những sinh nhật mà tôi từng biết nhưng đó cũng là sinh nhật đáng nhớ nhất trong cuộc đời của tôi khi mà Chục Cân ngồi chờ tôi đến gần 2h sáng để nhận lời chúc mừng sinh nhật của tôi, tôi chỉ kịp mua mấy cái bánh bao trên đường đi làm về và ba anh em cùng ngồi ăn với nhau trên chiếc giường của bố mẹ trong một căn phòng nhỏ, những thứ mà sau đó chúng tôi đã phải bỏ lại tất cả. Em gái tôi phải ở lại Hà Nội thêm 1 tháng theo học cho xong học kỳ I còn tôi phải đưa em trai rời Hà Nội trước.
Đến bây giờ sau nhiều năm khi ngồi viết lại những dòng này thấy thật đơn giản nhưng bao nhiêu ký ức ùa về khiến lòng tôi tự nhiên bồi hồi. Tôi cũng nhớ rằng khi đi được khoảng một nửa hành trình rời xa Hà Nội đến phương Nam xa xôi thì nghe trên radio đưa tin về trận s·óng t·hần lịch sử tại Thái Lan, rất nhiều người đ·ã c·hết hoặc m·ất t·ích trong cơn s·óng t·hần ấy nên tôi rất nhớ, có rất nhiều sự kiện đã xảy ra với tôi đều gắn với ngày 26 tháng 12.
... Nhưng đó là những chuyện của sau này, còn bây giờ thằng D. vẫn là một thằng bé ngoan ngoãn, biết nghe lời, học hành cũng tạm được và chưa có hỗn danh là D. Bâu. Nếu các bạn đã đủ kiên nhẫn để đọc đến phần này rồi thì có thể bớt một chút thời gian lật lại những trang đầu tiên của câu chuyện để đọc lại giấc mơ của mẹ tôi và tự có những giải đáp của riêng mình, tôi cũng chia sẻ sự thật là khi em trai tôi tròn 18 tuổi quả nhiên nó trở về với bản tính hiền lành như trước kia. Thật may tôi chưa bị ăn đấm của nó bao giờ mặc dù tôi la mắng, phàn nàn và chửi nó nhiều nhất.
- Cúng xong rồi liệu em còn bị tát không anh?
- Mày ngoan ai làm gì mày, là do mày không biết thôi mà!
- Anh... anh cũng bị tát rồi à?
- Anh bị hai lần mới khôn ra, mày chỉ bị một lần thôi đã khôn rồi là mày may hơn anh nhiều!
- Thôi tối nay em chả ngủ cái phản đấy nữa, em ngủ với bà Già!
- Sao nhát thế, bà cô Tổ giận thì trách phạt vậy thôi chứ có làm gì đâu?!
- Mà... mà bà cô Tổ ấy là ai thế anh?
Tôi không biết em trai mình hiểu được đến đâu nên tôi cũng cố giải thích cho nó một cách ngắn gọn, dễ hiểu, những hiểu biết này của tôi một phần thu lượm từ bà Già, một phần được chị Ma nói cho, tổng hợp kiến thức của hai người thì tôi cũng có những hiểu biết cơ bản.
Một số nhà có thờ ông Mãnh nhưng rất ít, ông Mãnh thường quậy phá, điều này tôi có nghe vài lần về một ông Mãnh trong dòng tộc nhà tôi đó là Ông Mãnh, nhưng từ hồi bà Già về làm dâu một thời gian thì không còn thấy ông Mãnh nữa mà bắt đầu nghe nói có bà cô Tổ. Bà cô Tổ là một phụ nữ mất khi còn trẻ và chưa có gia đình, cũng có thể là những bé gái tuổi chỉ mới lên hai, không phải người phụ nữ trẻ nào mất khi còn trẻ cũng trở thành bà cô Tổ nhưng bà cô Tổ nhất định phải còn trẻ cho nên thường bảo vệ, phù hộ cho các con cháu từ khi còn thơ dại đến lúc trưởng thành, và bởi vì bà cô Tổ mất lúc còn trẻ nên không muốn con cháu mình giống như mình, đấy là lý do vì sao trẻ con thường được bà cô Tổ bảo vệ hơn là người lớn, với người lớn thì bà cô Tổ thường chỉ theo giúp đỡ nếu người đó hợp mệnh mà thôi.
Bà cô Tổ giống như một chức vụ được các bậc tổ tiên trong gia đình cử ra để quán xuyến và chăm lo cho các thế hệ con cháu, giống như bà cô Tổ nhà tôi tính ra là cụ tứ đại, một số nhà khác thì tôi còn biết có thể là lục đại thậm chí thất đại nhưng đều gọi là bà cô Tổ. Do bà cô Tổ mất sớm nên bát hương được thờ riêng, không thờ chung với bát hương lớn, có thể để chung trên ban thờ nhưng bát hương của bà cô Tổ luôn thấp hơn, nhỏ hơn, để lý giải điều này tôi đã nói với em trai mình rằng hãy tưởng tượng xem, khi đi ăn cỗ ở làng thì các cụ ngồi mâm trên, trẻ con không được chung mâm và bởi vậy bát hương của bà cô Tổ lúc nào cũng thờ riêng là vậy. Em tôi gật gù ra vẻ đã hiểu, tôi hy vọng nó thật sự hiểu.
Bà cô Tổ cũng là n·gười đ·ã k·huất duy nhất có thể tự do ra vào ngôi nhà mà không cần xin phép thần linh Thổ Địa cho nên khi nhà có biến thì nên kêu tấu với bà cô Tổ phù hộ cho tai qua nạn khỏi, mọi việc được tốt hơn chính là vì vậy. Để em tôi hiểu hơn, tôi đã ví bà cô Tổ giống như một vị quản gia, nghe như vậy thì em trai tôi gật đầu ngay liền.
Tôi cũng nói với em trai mình rằng bà cô Tổ đôi khi cũng có nhiệm kỳ, nghe điều này thì rất lạ nhưng cũng có vài người nói với tôi như thế, cũng có những bà cô Tổ linh thiêng được đi theo hầu Phật, Thánh nên có nhiều chức vị, quyền lực, sức mạnh để diệt trừ tà ma có thể gây ảnh hưởng xấu đến dòng tộc, đặc biệt là trẻ con.
- Vậy có nhà nào có hai bà cô Tổ không anh? – Em trai hỏi tôi.
- Điều này thì anh không biết, anh cũng mới chỉ gặp bà cô Tổ trước mày tầm mươi ngày chứ mấy, những điều này là bà Già nói cho anh biết đấy chứ!
- Hóa ra bà cô Tổ bảo vệ em à?
- Cả ba anh em mình! - tôi vỗ vào lưng em trai – Cho nên mày không việc gì phải sợ. Mà việc này tốt nhất mày không nên nói với ai, lần trước mày chả nghe anh bị bà mắng cho một trận nhớ không? Thôi đi về!
- Em nhớ mà!
- Mày đã ra đây thắp hương trình diện rồi thì yên tâm, anh nghĩ bà cô Tổ chẳng về tìm mày nữa đâu mà lo, anh ngủ mấy năm ở phản gỗ thì cũng chỉ gặp có hai lần, như thế là quá ít!
- Mà mộ này hình như mới xây, xây lúc nào thế?
- Bà Già mới xây tuần trước, hôm qua bố về là đi luôn còn chưa kịp nói chuyện này, anh cứ tưởng như mọi năm là bố mẹ về tối 27 là cùng. Mà cũng không cần, hôm nay anh với mày sẽ đi tảo mộ.
- Đi giống như năm trước đi cùng bố hả, hay mình đợi bố về rồi đi?
- Bố bảo 29 mới về thì hết năm rồi còn kịp sao được nữa, nếu mày sợ thì cứ ở nhà, anh đi một mình cũng không sao!
- Vậy về nhà ăn đã rồi mình cùng đi, bây giờ em hơi buồn ngủ.
- Ừ, chắc giờ này hai bà với cái Chục Cân cũng sắp về tới, gần 8h sáng rồi chứ sớm gì nữa?!
Việc tảo mộ không có gì đặc biệt đối với tôi nhưng vì có thằng em đi cùng nên tôi cũng thấy đôi chút hào hứng, nó hỏi nhiều nên tôi cũng được dịp giải thích, sẽ rất thú vị khi những điều mình nói ra có một người chú ý lắng nghe. Bãi tha ma Cầu Khoai khoảng đầu giờ chiều ngày 28 Tết không vắng, nhìn quanh những người đang có mặt thì hầu hết đều là đàn ông, nãy đi thì cái Chục Cân nó muốn đi theo nhưng tôi bảo con gái, lại còn nhỏ nên ở nhà mà chơi.
Mộ của ông nội tôi lúc này vẫn đắp bằng đất, em trai tôi nhổ bớt những cây cỏ dại còn tôi thì dùng cái cuốc cao gần bằng mình đi cuốc vài thớ đất ở gần lò gạch rồi khệ nệ khuân lại đắp lên ngôi mộ, tôi cũng chỉ là học theo những thứ đã thấy cậu Út tôi làm trước đó chứ không có gì gọi là sáng tạo. Tôi để cho em trai mình thắp hương và bày chút bánh kẹo lên mộ của ông nội còn tôi đi đến những ngôi mộ xung quanh cắm lên đó mỗi mộ một que hương, tôi chú ý rằng không phải ngôi mộ đất nào cũng có chân hương mới, những chân hương mà tuần trước tôi và R9 đã cắm lên hình như là mới nhất, có lẽ con cái họ chưa về hoặc cũng có thể... tôi không biết nữa.
- Sao bên cạnh mộ của ông nội không có mộ của ai thế anh ơi?
- Anh chịu, hồi trước anh còn tưởng là có mộ nhưng mất nấm hóa ra chẳng phải, mà cũng tài thật, sao không ai chôn luôn ở chỗ này cho đỡ trống nhỉ?
Tôi đã từng thắc mắc về điều này ít nhất một lần, sau khi khấn vái trước mộ ông nội xong thì tôi cầm theo một bó hương dự tính qua thắp bên mộ ông ngoại và những mộ xung quanh mộ ông. Mới đi được mấy bước thì tôi nghe tiếng hét thất thanh của em trai mình, tôi ngoái lại nhìn thì thấy nó đã ngã ra phía sau và đang ngồi phệt trên bãi cỏ với vẻ mặt có phần hốt hoảng.
- Làm sao thế? – Tôi bước quay lại chỗ em trai tôi – Giật mình à?
- Em... em... - nó run run chỉ tay về phía trước mặt – Em vừa thấy con mèo!
- Mèo? Mày chưa thấy mèo hay sao? – Tôi ngạc nhiên hỏi.
- Kh... không, mèo em lạ gì nhưng có con mèo trắng vừa nhảy qua trước mặt em!
- Mèo trắng? Đâu? – Tôi nhìn quanh, tôi cũng từng nhìn thấy con mèo trắng một lần trước đây rồi, lần ấy cũng thấy lạnh lưng lắm!
- N... nó nhảy từ mộ của ông nội qua... qua bãi đất trống này, chưa... chưa chạm đất thì nó biến mất! – Em trai quay sang nhìn tôi lúc này đang ngồi xổm bên cạnh nó.
- Hay mày nhìn nhầm?
- Em không nhầm mà, đúng là một con mèo trắng, em thấy nó nhìn em một lúc làm em tưởng mèo ở đâu định đuổi nó đi mà nó cứ nhìn em chằm chằm, mắt nó vàng khè và nhìn như hai hòn bi ve màu vàng anh ơi!
- Không sao, chắc do anh em mình đứng ngoài nắng lâu nên hoa mắt chóng mặt thôi, mèo làm sao mà nhảy qua rồi biến mất được?! – tôi trấn an em trai mình nhưng chính tôi cũng đang mướt mồ hôi lạnh – Hay mày ra chỗ đường đất, chỗ để xe ấy ngồi chờ anh, anh thắp hương cho mộ ông ngoại xong thì anh ra ngồi với mày!
- Vâng!
Em trai tôi đứng dậy phủi tay mấy cái cho bớt đất với cát dính trên tay và quần áo sau đó nó đi bộ ra chỗ tôi để xe đạp và ngồi chờ. Tôi thắp hết thẻ hương mang theo mà trong đầu chứa đầy những suy nghĩ mông lung.
- Quả nhiên có điều gì đó lạ ở chỗ mộ ông, nó cũng thấy mèo trắng thì nghĩa là sao nhỉ?
Một lát sau tôi vác cuốc trở ra chỗ em trai mình đang đứng chờ, vẻ mặt nó dường như không được tự nhiên, tôi biết nó đang sợ.
- Mày làm sao thế?
- Em không sao.
- Không sao mà mặt trắng ra thế kia?
- Tại em nghĩ ở đây có ma...
- Mày nói thừa, bãi tha ma không có ma thì có ai nữa?!
Nói xong tôi mới biết mình lỡ lời vì vẻ mặt thằng em tôi có vẻ như sợ thật sự, tôi vội trấn an nó:
- Đừng có sợ, cả cái bãi tha ma này anh quen hết! – nói xong tôi lại nghĩ rằng mình đã nói điều không hợp lý nên sửa lại – Anh ra đây nhiều rồi nên quen, mày xem, ở đây chôn toàn người làng mình mà cả làng có họ với nhau nên không việc gì phải sợ!
- Nhưng... nhưng em không quen ai cả, xong rồi thì về thôi anh!
- Mày tồ, nhìn xem nhé! – tôi bỏ cuốc xuống và đi gần đến một ngôi mộ đã xây và có một tấm bia - Đây chính là mộ của cụ Đào Văn X, thấy chưa? Đọc một lần to lên như thế thì xem như là có quen biết rồi nên mày thấy anh thản nhiên không? Sợ cái gì mà sợ?!
- Nhưng em không thích ở đây!
- Xong việc thì về chứ ở đây làm gì, mày lạnh hay sao mà run thế?
- Em cứ nghĩ đến mắt của con mèo trắng lúc nãy là em thấy sợ!
- Mày nên sợ chó, chó mới cắn chứ mèo thì mày dọa là nó chạy mất, có khi nãy nó sợ mày nên mới bỏ chạy thật nhanh đấy chứ!
- Không đâu, em thấy con mèo nhìn em chằm chằm tự dưng người em lạnh toát, run run, em không biết tại sao nữa?!
- Mùa Đông không lạnh thì nóng với ai, thôi đi về!
Tôi chở em trai mình về, phải đi ra khỏi bãi tha ma thì nó mới bình tĩnh trở lại, giọng nói không còn run run nữa, tôi lần đầu cũng hơi sợ nhưng không đến nỗi như nó nhưng cũng phải thông cảm, không phải cứ nhìn thấy gì đó mới sợ mà sợ nhất là cảm thấy có gì đó bất thường bởi vì nhìn thấy thì còn biết mà tính chứ cảm giác thấy sợ thì rất khó để trấn tĩnh. Đối với những thứ khó giải thích như này thì không thể nói hay được, có dịp tôi sẽ hỏi chị Ma về con mèo trắng ấy tại sao lại xuất hiện ở ngôi mộ của ông nội tôi.
Chả lẽ ở bãi tha ma này còn có điều gì bí ẩn mà tôi chưa từng được biết hay sao?
---
***