Bên Đây Mưa Bụi, Bên Kia Rực Rỡ

Chương 105




Lưu Trường Ương cúi người về phía trước và dựa lên mép bàn, đôi mắt sáng ngời như chứa cả ngân hà, “Nói về Quá Sơn Phong đi. Trước đó ta từng nghe về người này.”

“Điện hạ đã từng nghe nói về Quá Sơn Phong ư?” Tống Mê Điệt đã ăn gần hết đĩa đậu tằm nhưng vẫn không dừng lại.

“Ở lão quân câu,” hắn liếc nàng một cái, “Nghe Hồng bà bà nói.”

Đứa nhỏ kia nuốt nước miếng và ngồi thẳng ngay ngắn, thần thái hăng hái, “Từ nhỏ Quá Sơn Phong đã ở trong Hoàng Tuyền cốc và học tập với Hư Sơn tiên

sinh. Sau này Độc Ngũ Bộ tới nên hai người tranh chấp, ai cũng muốn trở thành đệ tử của Hư Sơn tiên sinh. Vì thế tiên sinh để bọn họ cùng tỷ thí một lần.”

Nàng nói vanh vách như đang đọc sách, “Hư Sơn tiên sinh giỏi nhìn thấu lòng người, am hiểu cực sâu về cái gọi là lúc cương lúc nhu. Ông ấy lại bác học tinh thâm, muốn trở thành đệ tử của ông ấy thì tư chất đương nhiên không thể kém. Vì vậy Quá Sơn Phong vầ Độc Ngũ Bộ đã đấu với nhau từ binh pháp cho tới thuật âm dương đều không có kết quả. Sau đó Hư Sơn tiên sinh cảm thấy văn không ổn mới đành để họ đánh võ.”

“Hư sơn biết võ nghệ?” Khóe mắt Lưu Trường Ương giật giật, “Ta chưa nghe nói về cái này bao giờ.”

“Công tử chỉ nghe được những chuyện trước khi tiên sinh bị ám sát còn sau đó Tô Mục coi như đã chết. Những gì ông ấy biết và những gì ông ấy đã làm đều không được truyền ra ngoài. Ngay cả người Thương Nam chúng ta cũng chỉ nghe được đôi câu vài lời từ miệng mấy đứa nhỏ đi lạc vào Hoàng Tuyền cốc kể lại.”

Cô nhóc cười nói, “Nói tới võ nghệ thì Quá Sơn Phong và Độc Ngũ Bộ cũng không phân cao thấp. Thế nên hai người đánh túi bụi ngày ba đêm trên đỉnh núi, trong mây mù. Vào buổi tối ngày thứ ba, Quá Sơn Phong thua. Lúc ấy nàng đang tỷ thí khinh công với Độc Ngũ Bộ. Hư Sơn tiên sinh nói ai trong hai người có thể chạy tới đỉnh núi đối diện trước thì coi như thắng. Nhưng lúc tiên sinh ngẩng đầu chờ đợi thì lại thấy bóng Độc Ngũ Bộ xuất hiện trước.”

Lưu Trường Ương cúi đầu suy nghĩ một lát, “Độ Ngũ Bộ thắng nhưng Quá Sơn Phong mới là đệ tử của Hư Sơn……”

Đứa nhỏ vui vẻ cười hỏi, “Đúng vậy, công tử đoán là vì sao?”

Dứt lời, không đợi hắn trả lời nàng lại nói tiếp, “Bởi vì nàng cứu một người rơi xuống nước. Nàng vớt phụ nhân đang gặp nạn kia từ dưới hồ lên và vì thế mới bị chậm trễ.”

“Hư Sơn tiên sinh nhìn vạt áo nhỏ nước của Quá Sơn Phong và vươn bàn tay già nua với nàng sau đó nói: Từ nay con làm đệ tử của ta đi, coi như trả lại chút thiện lương ta nợ trần thế này và nợ người đó.”

“Độc Ngũ Bộ tức tới độ ho ra máu. Hắn bẻ gãy kiếm cầu vồng của mình và ném trước mặt Hư Sơn tiên sinh mà mắng: Từ đầu ông đã không có ý định nhận ta làm đệ tử thì cần gì giả vờ giả vịt đưa ra màn tỷ thí này để làm nhục ta? Nói xong lời này hắn rời khỏi Hoàng Tuyền cốc, từ đây không bao giờ quay lại đó.

Còn Quá Sơn Phong trở thành đệ tử của Hư Sơn tiên sinh, học văn học võ, học bát quái.”

Đứa nhỏ nói xong lại bị cha mình chọc chọc trán, “Mấy chuyện này là đứa nhỏ nghe người khác nói, công tử đừng coi là thật, cứ coi như chuyện xưa là được.”

Tống Mê Điệt đã ăn sạch đống đậu tằm, còn đứa nhỏ thì nói tới khô cả cổ nên uống hết chén nước. Lúc này cha con hai người mới cảm tạ và rời đi.

Ánh trăng lên đỉnh đầu và tỏa màu trắng bạc. Lưu Trường Ương nghiêng mặt nên ánh trăng khiến khuôn mặt hắn càng thêm lạnh. Tống Mê Điệt nằm bò ra bàn, cằm gối lên cánh tay, đôi mắt chớp chớp nhìn khuôn mặt lạnh lẽo của hắn, “Điện hạ đang nghĩ gì đó?”

Lưu Trường Ương quay đầu, ánh mắt nhìn nàng. Hắn nhìn vào con ngươi mông lung của nàng một lúc mới đáp, “Ngươi nói xem Quá Sơn Phong kia có phải đã tới Đại Yến không? Chẳng lẽ nàng muốn dùng sức của mình để ngăn cản thiên quân vạn mã ư?”

Tống Mê Điệt vẫn đang chớp mắt, hiển nhiên là vì mệt mỏi. Nàng ngáp một cái và mơ hồ nói, “Nếu nàng ấy không ngốc thì sẽ không làm thế.”

Lưu Trường Ương cũng cúi người ghé lên mặt bàn và dán đến bên cạnh nàng.



Hai người cách nhau một khoảng, lúc nói chuyện, hơi thở của hắn phun lên

chóp mũi của nàng, “Ngươi ngốc lại dám chê kẻ khác ngu.” Hơi lạnh trên mặt hắn tan hết chỉ còn lại nụ cười vừa nhẹ vừa dịu dàng như cơn gió phóng đãng, “Đúng là chuyện cười trong thiên hạ.”

Cả người Tống Mê Điệt đờ ra sau đó nàng lùi về sau và ngồi thẳng dậy hắng giọng nói trong lúc cơn buồn ngủ hoàn toàn tan hết, “Điện hạ, trễ thế này rồi chúng ta vẫn nên nhanh trở về thì hơn.” Dứt lời nàng nhìn nhìn phía sau, “Sao Uất Trì tướng quân còn chưa quay lại nhỉ? Có việc gì chăng?”

Vừa nói tới đây nàng đã nghe thấy một giọng nói quen thuộc vang lên dưới lầu, “Công tử, cửa thành đóng rồi, chúng ta tìm một khách điếm nghỉ lại một đêm, mai hẵng về Vũ Dương.”

Khách điếm rất sạch sẽ, có mùi cây cỏ của Tây Chiếu nên mát lạnh, giúp ngủ an giấc.

Chính vì thế nên một kẻ đã bôn ba mệt mỏi cả ngày như Tống Mê Điệt vừa đặt mình xuống đã ngủ say. Nhưng chưa được nửa canh giờ nàng lại nằm mơ. Gần đây nàng nằm mơ rất nhiều, không biết có phải vì nàng đã trải qua nhiều chuyện kỳ dị hay không nhưng vai chính trong mộng lần này không phải nàng mà là một người khác.

Người kia từng kể cho nàng một câu chuyện xưa nên trong lúc đầu óc phiêu đãng, cả người lơ lửng nàng đã tái diễn lại câu chuyện xưa kia một lần.

Trong mộng nàng thấy một vị công tử mặc một thân áo trắng, tay cầm quạt, bộ dạng say chuếnh choáng, tập tễnh bước vào một khu vườn mọc đầy hoa thơm cỏ lạ.

Phía tây nam của khu vườn có một gốc bạch quả. Đúng lúc gió thu thổi qua, chim yến bay về phương nam thì nó nở rộ màu sắc đẹp đẽ nhất. Lá cây bay

xuống dưới như vô vàn con bướm đậu trên tàng cây và nhẹ nhàng đậu trên vai một cô gái đang ngồi trên xích đu.

Nàng ấy cầm một cái lá vương trên vai mình và giơ ra trước mặt thưởng thức. Lúc nàng buông tay, vị công tử kia nhìn thấy khuôn mặt nàng còn mềm mịn hơn ngọc dương chi hảo hạng, thật giống mưa móc ngày xuân.

Hắn đi về phía nàng, sắc mặt đỏ bừng, tờ giấy trong tay rơi xuống đất và bị giày của chính hắn đạp qua.

“Nơi phương Bắc có mỹ nhân,

Đứng riêng, nhan sắc tuyệt trần như tiên. Thoáng nhìn thành đã ngã xiên,

Nhìn thêm lần nữa đảo điên nước nhà.

Không màng thành ngã nước nghiêng Chỉ e khó gặp người tiên hai lần.”

Hắn chắp tay hành lễ rồi ngâm nga một khúc này bằng giọng nói chân thành. Tống Mê Điệt nghe thấy thế thì cười cười và tiếp tục xem chuyện xưa.

Hóa ra hôm nay nàng nằm mơ là vì một khúc mới nghe được ban ngày. Lại nói đến cái vườn kia.

Cô gái ngồi trên xích đu đột nhiên nghe thấy mấy lời đường đột ấy cũng không xấu hổ, không buồn bực hay cáu giận. Nàng ấy chỉ dùng đôi mắt đen nhìn người đàn ông say ngà ngà trước mặt mình sau đó khẽ hé môi đỏ hỏi: “Ngươi biết ta là ai à?”

“Là mỹ nhân, là giai nhân, là tiên nhân……”



“Ta là thái hậu Tề quốc, là mẹ ruột của … vị chủ quân mà ngươi đầu quân đó.”

Nàng nhìn vị công tử kia và cười sau đó đứng lên bước qua hắn rồi rời khỏi khu vườn, dáng điệu uyển chuyển yêu kiều.

Ngày thứ hai nàng vẫn chơi đánh đu ở trong vườn, trên đầu là cây bạch quả vẫn rụng lá không ngừng. Và vị công tử áo trắng kia vẫn đi qua cửa tròn rồi bước tới trước mặt nàng.

Hôm nay hắn không uống rượu vì thế khuôn mặt không còn vẻ đỏ ửng mà thêm vài phần phong lưu thanh nhã. Hắn lấy từ tay áo to rộng một hộp gỗ và dâng bằng hai tay.

Nàng kia đón lấy hộp gỗ và mở ra thì thấy bên trong có ánh sáng chói lòa, còn lóa mắt hơn cả mặt trời thế nên nàng nheo mắt hỏi: “Đây là cái gì?”

Trong giọng nói của nàng không có chút vui vẻ nào.

“Tùy châu, là Trịnh Vương ban cho ta.” Nụ cười lấy lòng của hắn mang theo chút rụt rè. Đây là bộ dạng chưa từng thấy trên người hắn, cho dù lúc đứng trong điện khẩu chiến quần hùng hắn cũng chưa từng rụt rè thế này.

“À.” Nàng kia cười khẽ nhưng vẫn không lộ vui mừng.

“Tương truyền, xưa kia Tùy hầu đi ra ngoài thấy một con rắn lớn bị người ta chém ngang người và đang thở thoi thóp. Tùy hầu nhìn kỹ vết thương của nó, thấy con rắn lớn khẩn nài thì cảm thấy kỳ quái. Ông ấy động lòng trắc ẩn và lệnh cho vị y quan đi theo mình giúp nó chưa thương. Con rắn được cầm máu thì vây quanh xe ngựa của Tùy hầu ba vòng sau đó đi sâu vào trong rừng. Một năm sau Tùy hầu lại đi ra ngoài, trong lúc nghỉ ngơi nằm mơ thấy một thiếu

niên quỳ rạp trước mặt mình tự xưng là con rắn lớn được ông ấy cứu năm xưa. Để báo ơn hắn đặc biệt dâng lên một bảo vật. Lúc này Tùy hầu bừng tỉnh và quả nhiên phát hiện trong tay áo có một viên trân châu thật lớn giúp nhà mình sáng bừng. Đây chính là Tùy châu.”

“Hạt châu này vốn do Trịnh Vương lấy được rồi ban cho ta,” vị công tử áo trắng tiến về phía trước một bước nhưng trái tim lại hơi căng thẳng, “Hiện tại, nó là

của ngài.”

“À,” nàng kia lại vẫn cười cười, “Vậy dúng nó để ném chim chóc thì sao?”

Nói xong nàng không đợi vị công tử kia có ý kiến đã lấy viên trân châu trắng nuột ra và nhẹ ném vào bụi cỏ phía trước. Viên trân châu vẽ một vệt sáng ngời và lăn vào mặt cỏ dọa ba con chim mỏ đỏ sợ bay vút lên.

Nàng thấy thế thì rốt cuộc cũng vui vẻ cười lộ má lúm đồng tiền sau đó vỗ tay nói, “Công tử, đựng viên trân châu trong hộp chẳng phải sẽ phá hỏng vẻ mỹ lệ của nó sao? Chẳng bằng dùng nó đuổi chim, để nó được thấy ánh nắng mặt trời.”

Dứt lời nàng lại rời đi, cũng chẳng nhặt viên minh châu kia và mặc cho nó nằm trong bụi cỏ, bị bùn đất bao quanh ảm đạm.

Ngày thứ ba nàng vẫn chơi xích đu như cũ. Và vị công tử áo trắng kia cũng tiếp tục xông vào lãnh địa của nàng như đám côn trùng phiền phức của ngày xuân.

Hôm nay trong tay hắn là một cái hộp lớn vừa rộng vừa dài thế nên lúc đi qua cửa tròn suýt thì hắn bị chặn lại và không vào được.

Khóe miệng cô gái kia giật giật, trong lòng nói chẳng lẽ kẻ này mang theo một hộp châu báu ư? Hay là hắn vơ vét trân bảo của ngũ quốc cho nàng? Vì thế nàng đứng lên và nhíu mày đi tới trước mặt vị công tử kia sau đó nhìn khuôn mặt

chảy mồ hôi của hắn với vẻ không kiên nhẫn. “Ta không thiếu châu báu.” Nàng nói.

“Không phải châu báu đâu,” hắn nở nụ cười hồn hậu và mở cái hộp to sau đó ôm thứ trong đó ra. Nó như đám mây nhưng không phải mây mà là một bộ váy dùng lông của loài chim quý hiếm khâu lại. Bộ váy này trắng như tuyết, uyển chuyển nhẹ nhàng như một áng mây tự tại.