Bảo Đại, Hay Là Những Ngày Cuối Cùng Của Vương Quốc An Nam

Quyển 1 - Chương 5




Sau khi Bảo Đại vào ở trong hoàng cung được vài tuần, có một người đàn ông dáng điệu ngạo nghễ, hiên ngang tiến vào cửa chính. Ông này dáng người cao to hơn mức bình thường của đa số những người Việt Nam thời đó. ăn mặc sang trọng, nói to như dáng một hoàng thân hay một thầy giáo vào dạy trong nội cung. Ông ngẩng cao đầu, rảo bước điềm nhiên qua cổng lớn trước mặt bọn lính canh đang ngủ gà gật tiến vào Đại Nội và chỉ dừng lại ở cửa ngăn với Tử Cấm thành(1). Tại đây ông nói lớn tiếng hơn, giọng oang oang, với bọn thị vệ rằng ông muốn vào gặp Vua. Ông không "xin" được gặp mà "đòi" Vua phải tiếp ông. Khi mấy tên vệ binh Pháp ngăn cản hỏi ông yêu cầu vào gặp Vua để làm gì, ông này đã trả lời rành rọt khiến bọn này ngơ ngác tưởng ông bị bệnh tâm thần: "Ta muốn gặp vì ta là cha vua".

Tuy vậy một tên thị vệ cũng được phái ngay vào điện Kiến Trung, nơi ở của Bảo Đại để cấp báo. Trong khi chờ đợi, ông ngồi xuống không phải là chiếc ghế đẩu thông dụng mà một chiếc ghế bành đồ sộ dành cho ông.

Sự có mặt của ông đã gây xì xào trong khắp Đại nội, cả những người can trường nhất cũng phải đỏ mặt tủm tỉm cười. Những người trong Đại nội không lạ gì ông khách này. Đó là một người trong hoàng tộc mà Nhà vua phải gọi bằng cụ mới đúng vai vế. Ông cũng không còn lạ gì những tin đồn ác ý và nhạo báng ra mặt mà các bà có tính thóc mách thường hay rỉ tai nhau từ hai chục năm nay.

Năm 1912, hoàng tộc phải đối mặt với một thực tế đáng buồn. Ông hoàng Phụng hoá công là con vua Đồng Khánh bị bệnh liệt dương không thể có con. Bà vợ chính thất của ông rất buồn vì chồng đêm đêm chỉ mải mê đánh bạc chẳng đoái hoài gì đến chuyện chăn gối.

Bà còn trách cứ ông hoàng chỉ đòi bà làm sao xin gia đình cha mẹ đẻ cho nhiều tiền để thoả mãn máu mê cờ bạc. Chán nản, bà cả bỏ về ở với cha mẹ đẻ, cũng là một đại thần trong triều. Ông Phụng hoá công bèn chọn một bà hai cũng xuất thân quyền quý, trước đây đã định tiến cung nhưng không được Vua chấp nhận.

Song chẳng bao lâu, bà vợ hai này cũng không tránh khỏi thất vọng như bà cả. Ông Hoàng cũng chỉ ham mê bàn tứ sắc, tổ tôm hơn là ngó ngàng tới bà vợ mới. Ông Hoàng tội nghiệp này đã không có được niềm vui chăn gối lại buồn vì không có con nối dõi. Thời bấy giờ không có con trai là một bất hạnh lớn, có tội với tổ tiên. Lúc Thành Thái bị phế truất năm 1907, người Pháp định đưa ông hoàng Phụng hoá công lên nối ngôi, nhưng ngặt một nỗi ông đã 23 tuổi nhưng vẫn không có con - gọi là người vô hậu, đình thần không muốn đặt lên ngai vàng một người vô hậu nên phải chấp nhận Duy Tân (là con vua Thành Thái) lên làm vua. Không được hưởng thú vui chăn gối, ông hoàng Phụng hoá có nhiều bạn bè thân thiết lui tới để khi cùng nhau rượu chè cờ bạc trong đó có ông Hường Đ. Trạc tuổi ông hoàng nhưng về vai vế, ông hoàng phải gọi ông Hường Đ. là ông con nhà chú. Trong câu chuyện tâm sự ông Hường Đ thông cảm với nỗi khổ tâm của người cháu "bất lực" và để tạ ơn cho vay tiền đánh bạc, ông mách cho cháu một phương thuốc bổ dương làm bằng xương chồn hoang hầm với sâm nhung và nhiều vị thuốc bắc khác. Đó là một buổi tối năm 1912. Quả nhiên khi ăn xong ông hoàng Phụng hoá thấy hứng khởi ngay và sẵn có người đầy tớ gái trong nhà tên là Hoàng Thị Cúc đã được ông Hường Đ. chuẩn bị sẵn và may mắn sao cô Cúc đã thụ thai. Và câu chuyện đó hoàn toàn là sự thật. Ông hoàng Phụng hoá sắp có con, không phải với bà vợ cả luôn luôn niệm Phật trong chùa cũng không phải với bà vợ hai luôn oán giận mà với một người đàn bà xuất thân thấp hèn. Đình thần và họ hàng thân thích đều ngạc nhiên và mừng rỡ xem như có phép lạ. Tuy vậy hai bà, vợ cả và vợ hai, vẫn chưa hết ngạc nhiên thấy cô Cúc làm sao lại có thể dễ dàng thành công với người chồng bất lực của họ. Để xác minh thực hư, hai bà đã dỗ dành thậm chí dùng cả roi vọt để tra hỏi. Trước sau cô Cúc vẫn đinh ninh một lời khai là đích thị có mang với ông hoàng Phụng hoá chứ không có ai khác.

Tin mừng gần như chính thức được lan truyền. Những kẻ độc miệng trong đám cận thần cụt hứng không còn chế nhạo ông hoàng liệt dương và vô hậu.

Khi đứa bé ra đời nhiều người thân thích liếc mắt nhìn trộm xem nó có giống ông hoàng ở những chỗ nào. Càng dễ hơn vì thời gian này ông Hương Đ. cũng sinh hạ một đứa con trai nối dõi. Khổ một nỗi là cả hai đứa bé sao giống nhau như lột. Cũng cái đầu tròn bịch, chân tay cân đối, còn ông hoàng Phụng hoá thì dong dỏng cao người gầy.

Nhưng rồi điều bí mật mà mọi người đều biết tỏng được giữ kín. Chắc chắn là ông Hường Đ. đã làm cho cô Cúc có thai trước rồi ông tặng lại cho người cháu để tạ ơn đã giúp đỡ ông trong lúc túng bấn. Điều đó chẳng quan trọng gì với cô Cúc miễn là đứa con trong bụng cô, ai cũng biết là tác phẩm của ông hoàng Phụng hoá, biết đâu chẳng là con trai thì có nhiều hi vọng trở thành Đông cung Thái tử kế vị ngôi vua. Cô giữ cái thai đó và lặng lẽ làm lễ cưới. Thời đó hiếm có một người đàn bà xuất thân nghèo hèn lại đã mang bầu và leo lên chức vị mệnh phụ, dù chỉ là vợ ba.

Ông vua Khải Định bị liệt dương ai cũng biết. Thấy nói ông cưới thêm mười bà phi nữa nhưng không ai sinh được người con nào. Phép lạ đã hết thiêng. Nhưng lệ trong triều vẫn cho ông rất nhiều phi tần với đủ lục viện mà ông không hề đụng đến người nào. Được chọn trong số con gái có nhan sắc trong nước, họ có đến hàng trăm người, sống tàn tạ buồn phiền trong cung điện lạnh lùng băng giá. Đó là những bộ mặt tượng trưng cho một triều đại bình thường.

Ông già ngồi đợi khá lâu, người thị vệ mới trở ra cho biết Bảo Đại không muốn cho ông vào tiếp kiến. Ông nổi xung lên la lối om sòm, chửi bới lũ thị vệ, nguyền rủa cả Nhà vua và cận thần: "Cha nó mà nó cũng không coi ra gì", rồi ông đi thẳng ra về. Một tờ báo Pháp xuất bản ở Sài Gòn trong những năm 20 đã tiết lộ chuyện động trời này(2). Nhưng triều đình đã phủ nhận, sau đó, một bài vè được lưu truyền ngoài đường phố đế đô đã đưa ra một cách giải thích khác hẳn.

Còn có gì đáng ngạc nhiên bằng bà Hoàng hậu nọ đã hiến thân như một bông hoa dành cho người nào đên đầu tiên.

Như vậy bà thừa biết thế là không chung thuỷ trong cuộc sống hôn nhân, làm hoen ố danh dự gia đình.

Ai mà dám cả gan lọt vào hậu cung thâm nghiêm.

Nơi đó những mối quan hệ dan díu làm nảy sinh những tin đồn thất thiệt lan truyền khắp nơi.

Hỏi rằng: Khải Định ở ngoài cung có thấy gì không?

Hãy nhìn vương phi của mình.

Ngày đêm đam mê sắc dục.

Bà vương phi Việt Nam đã bị quyến rũ và làm nhục.

Sau vài tháng đẻ ra đứa con lai.

Phong tục đất nước đã thật sự bị đảo lộn.

Khắp nơi lan truyền tin xấu xa này.

Vương phi nhà vua tha hồ dan díu.

Khải Định ở ngoài cung có biết chăng?(3)

Không kể săn bắn, cờ bạc, các vị vua chúa Việt Nam chỉ còn giải sầu bằng thơ ca và xem thiên văn và dành nhiều thì giờ vui đùa với cung nữ. Bầu không khí dâm đãng trong cung kéo dài khá lâu.

Các bà trong hậu cung... Không phải chỉ là các vương phi, mà là các cung tần hay thị tỳ, thị nữ. Không có họ, Tử Cấm thành trở nên hoang vắng, trống trải, hết cả sinh khí như một tử địa. Hơn cả một gia đình, một hậu cung mà cả một xã hội phức tạp có đến chín hạng khác nhau, một hệ thống thứ bậc mà mỗi thứ hạng đều xác định rõ vai trò, vị trí, lương bổng khác nhau, không thể không làm nảy sinh trăm nghìn chuyện ghen tuông ganh tị.

Trước hết là các bà vương phi, vợ chính thức của vua, mà chỉ sau khi vua băng hà, bà phi nào trước đây được vua ân sủng nhất, được xếp theo thứ tự trước sau của ngày "nạp phi" tức là ngày cưới, mới được phong Hoàng hậu. Mỗi bà có cung điện riêng. Ảnh hưởng của mỗi bà tuỳ theo ân sủng của vua hoặc tuỳ theo khả năng cho vua một đứa con trai (gọi là hoàng tử) để có người nối dõi, là có uy thế nhất. Nếu không sinh được con trai thì tương lai màu xám là rõ ràng. Sau các phi được coi như vợ chính thức là các cung nữ hoặc là vợ không chính thức. Các bà phi, cung nữ đều là con cháu các đại thần trong triều. Khi đến tuổi gả chồng, cha dâng biếu tiến vua. Có một ban tuyển chọn đánh giá tài sắc của mỗi ứng viên. Được nhận vào cung, mỗi cô một buồng. Một viên thái giám quản lý thời khắc biểu của từng người và đề nghị dâng vua. Cũng có cung nữ xuất thân dân thường. Xã trưởng, hương trưởng chọn các cô gái đẹp nhất trong làng xã làm danh sách tâu lên. Triều đình sẽ tổ chức chọn lọc theo những tiêu chuẩn nhất định như thi hoa hậu ngày nay mà phần thưởng là được chung chăn gối với vua trên long sàng.

Nhiều người vua không từng biết mặt và dù có đưa vào hầu thì vua cũng không cần nhìn mặt. Chỉ có viên thái giám là biết rõ tên tuổi cung nữ nào tối nay được đưa vào cho vua. Để tránh mưu sát, cung nữ phải cởi hết quần áo, choàng người bằng tấm vải đỏ do thái giám đưa cho và viên thái giám ghi rõ tên tuổi cung nữ, ghi ngày có khi cả giờ vào với vua vào một tấm thẻ tre để kín đáo trên bàn ăn của vua. Có lần vua yêu cầu nhiều cung nữ trong một đêm lần lượt hoặc cùng một lúc.

Ông nội của Bảo Đại, tức vua Minh Mạng mỗi đêm chọn năm cung nữ với hy vọng sẽ ít nhất ba cung nữ sẽ mang thai. Danh sách cung nữ vào đêm nào được cập nhật trong sổ sách để khi có mang sẽ không nhầm lẫn, nghi hoặc. Đôi khi là một con dê có vai trò lựa chọn.

Một chiếc xe dê kéo vua ngồi trên, đi qua các buồng cung nữ ở, hễ con dê đứng ở cửa buồng nào thì đêm đó cung nữ ở buồng đó coi như linh tính của con vật chọn và thái giám sẽ đưa vào cho vua(4).

Sau các bà phi tần là các cung nữ làm các công việc dọn dẹp hầu hạ trong nội cung (thường được gọi là thị tỳ, thị nữ) nhưng vua cũng có quyền "đêm đầu" đối với họ, chọn cô nào lên hầu thì coi như có diễm phúc.

Phần lớn cung nữ xuất thân dân thường ở nông thôn. Việc tuyển phi cũng có thể diễn ra bên ngoài cung.

Trong một buổi vi hành ở ngoài cung, vua nhìn tận mắt gặp giữa đường thấy cô nào ưng ý có thể tuyển làm cung phi ngay lập tức. Thường ở phường Phúc Lan ngoại ô Huế tự hào có nhiều cô gái được tuyển làm cung nữ.

Theo truyền thống và tục lệ, mỗi đêm vua chọn một bà trong đám cung phi mặc dù lượt các bà phi chính thức đến nhanh hơn. Tất cả các bà đó chỉ như người bạn tình ân ái trong chốc lát. Sau khi "thưởng ngoạn" xong Nhà vua lăn ra ngủ một mình, các bà phải rời khỏi long sàng theo thái giám về buồng mình.

Vai trò của các bà phi nhiều khi vượt quá thân phận một người chung chăn gối. Một số có ảnh hưởng chính trị rất lớn. Họ được các quan lui tới để nhờ các bà làm trung gian chạy chọt một công việc gì đó. Tuy nhiên rất khó được tiếp xúc với các bà phi. Không một người đàn ông nào trừ vua và thái giám được bước vào hậu cung. Các thái giám cũng là hạng người có ảnh hưởng lớn. Họ là những bề tôi gần gũi nhất, những người bạn tâm tình của Nhà vua. Một số có thể đóng vai trò "cố vấn" có thể đề xuất một ý tưởng nào đó, đôi khi liên quan đến những việc hệ trọng nhưng thường là những chuyện liên quan đến nhân sự, thăng, giáng tước vị, thưởng phạt, v.v... Vì vậy làng nào có người được chọn làm thái giám thường lấy làm vinh dự. Hễ trong làng có người con trai nào có bộ phận sinh dục phát triển không bình thường hoặc nếu không có, có thể có những con trai có trí thông minh hay vẻ đẹp khác thường tự nguyện "hoạn" để được chọn làm thái giám vì vậy từ "hoạn quan" dùng để chỉ chức danh thái giám và cũng có hoạn quan bẩm sinh và hoạn quan tự thiến.

Sau khi thiến họ ngâm bộ phận sinh dục bị thiến vào trong một lọ nhỏ để làm bằng chứng về khả năng làm hoạn quan. Chính lý trưởng làm sớ tâu lên triều đình để tuyển chọn.

Dĩ nhiên các Nhà vua phải có một sức khỏe dồi dào để duy trì tục lệ này. Vua Minh Mạng đã có soạn một bài thuốc bổ dương mà ngày nay, một thế kỷ rưỡi sau, còn được chào bán ở Hà Nội. Sáng chế kỳ lạ đó gọi là Minh mệnh thang nhất dạ ngũ giao (năm lần ân ái trong một đêm). Các phi tần cung nữ không phải ai cũng đẹp cả. Vì việc tuyển chọn ở các địa phương không phải lúc nào cũng công bằng ngay thẳng. Không thiếu gì cách gian dối để được chọn. Đương nhiên cung nữ nào có tài sắc vượt trội, biết chiều chuộng vua thường được vua vời đến nhiều lần hơn người khác.

Nữ giới hoàng cung sống trong nhung lụa, đời sống sang trọng, nhàn hạ làm đủ thứ việc chỉ để hầu hạ một người đàn ông duy nhất là vua, trong hậu cung cũng có đến hàng chục, hàng trăm người nên không tránh khỏi các chuyện tranh giành ảnh hưởng ghen tị ganh ghét thậm chí xích mích thù oán nhau, kết bè kết đảng hãm hại nhau. Gia Long, người sáng lập triều Nguyễn thường nói: cai quản vương quốc còn dễ hơn điều khiển nội cung. Tuy nhiên, quy tắc trên hết trong cuộc sống nội cung là sự dịu dàng, nhỏ nhẹ, bước đi rón rén, không nói to, không dùng những từ nặng nề, trần trụi như ôm, chêt, đui, què, máu... để chỉ thực trạng của vua mà phải thay bằng những từ nhẹ nhàng hơn như vua ốm gọi là vua "se mình" hay "ngọc thể bất an", vua chết gọi là "băng hà".

Ngoài ra phải kiêng không đọc tên người trong hoàng tộc, phải đọc chệch đi tên những người gần gũi nhất là bề trên của vua. Tên nhân vật quan trọng, gọi là trọng huý, tên nhân vật ít quan trọng là khinh huý.

Hễ trọng huý như tên vua. Hoàng hậu, bố mẹ vua, ông bà vua mà vi phạm thì bị tội nặng. Ví dụ vợ vua Minh Mạng là bà Hồ Thị Hoa thì khi nói phải gọi chệch là ba.

Ngôi chợ lớn của thành phố Huế vốn trước đây gọi là chợ Đông Hoa, nhưng sau khi có bà vợ vua Minh Mạng tên là Hoa nên chợ Đông Hoa phải đổi là chợ Đông Ba.

Mấy tháng đầu vào cung các bà phải ngậm miệng để khỏi bật lên những tiếng thường dùng trong dân gian và không phạm huý và tập những cách trong cung cùng với mọi phép tắc, luật lệ, cách xử thế để phục vụ vua. Họ còn phải làm quen với nhiều phong tục kỳ lạ như ngày đông chí trong Tử Cấm thành không được thắp đèn, nổi lửa. Chỉ ở điện Càn Thành nhen lên một lò lửa thật lớn. Đúng giờ quy định mọi phi tần cung nữ mang lồng ấp đựng than đến điện Càn thành để lấy lửa nhóm trong lồng ấp của mình đem về phòng ở, ngụ ý vua ban hơi ấm cho mọi bề tôi nhất là nữ giới trong hậu cung. Trang phục của phi tần cung nữ chỉ được dùng màu đỏ tía hay màu lục. Màu vàng dành riêng cho vua, Hoàng hậu và cung nữ không bao giờ được dùng màu đen và màu tang tóc. Màu trắng chỉ dùng cho áo lót trong trừ màu huyền dùng để nhuộm răng. Quy tắc về màu sắc áp dụng cho mọi khía cạnh của cuộc sống nội cung. Ngay cả khi ốm đau cung nữ nằm trong màn thò tay ra, lương y phải là người có tuổi đến xem mạch có thái giám và một nữ quan đứng bên cạnh để giám sát.

Không được chạm vào da thịt bệnh nhân và phải qua một khăn lụa mỏng che kín cổ tay. Ngoài ra không được nhìn mặt hỏi chuyện bệnh nhân. Ngoài các thái giám, vua là người đàn ông duy nhất vào các khu ở của cung phi.

Khi đã được tuyển vào cung, bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được tiếp xúc với người ngoài nhất là đàn ông. Cung cách sống, tâm trạng cách ly buồn tẻ như vậy khiến cho cung phi dễ ốm đau. Nếu không mất trí, sống ngơ ngác, ngây dại thì cũng thường chết khi còn trẻ, có ốm đau cũng không bao giờ được chữa đúng bệnh với cách xem mạch cách biệt như vậy.

Chỉ có hai lần có sự biến khiến cho cuộc sống tàn tạ suy mòn của họ thay đổi đôi chút. Lần thứ nhất vào năm Minh Mạng thứ sáu (1825) đời sống nội cung có bớt xung đột tranh giành là vì trong kinh kỳ ít mưa, Nhà vua thấy hạn làm lo, dụ rằng hai năm trở lại đây hạn hán liên tiếp, không biết từ đâu sinh ra như vậy, hoặc trong thâm cung, cung nữ nhiều nên âm khí uất tắc Nay bớt đi cho ra một trăm người may ra có thể giải được hạn. Lần thứ hai là nhờ có chiến tranh. Năm 1885, kinh đô thất thủ. Quân Pháp chiếm đóng thành Huế hoàn tất cuộc chinh phục. Tất cả các cung nữ chạy thoát ra khỏi hoàng thành, nhiều cung phi thừa dịp quay về với cuộc sống thường dân với gia đình. Chỉ trừ một số ít chạy theo Hàm Nghi ra Tân Sở (Quảng Trị) lánh nạn sau đó lại quay về khi Hàm Nghi bị Pháp bắt, đưa Đồng Khánh lên ngôi. Nội cung được tái lập cho đến khi Bảo Đại về trị vì và tiến hành cải cách xoá bỏ chế độ phi tần cung nữ.

Nắm quyền lực tối cao, vua có quyền lấy bao nhiêu vợ tuỳ ý. Vua Tự Đức có một trăm linh ba bà. Trong số đó chỉ có một số được vua hạ cố nhiều lắm là hai, ba lần trong cả một đời làm cung phi. Sau khi vua băng hà, đội quân goá phụ đó vẫn phải duy trì quan hệ với người quá cố. Họ sống bên lăng mộ, trông nom dọn dẹp giữ gìn, hương khói trong lăng và sẽ không bao giờ tái giá, cũng không được rời khỏi lăng, sống như thế đến hàng chục năm nữa. Gần như suốt cuộc đời từ khi được tuyển vào cung mới ở độ tuổi mười sáu, mười bảy cho đến khi vua băng hà.

Tất cả nam cũng như nữ khi được nhận hay tuyển vào cung dù là phi tần, cung nữ, hay thái giám, họ đều vui vẻ chấp nhận số phận, xem như một vinh dự, một cơ may Trời cho. Khi rời bỏ quê hương họ được sự đảm bảo cái ăn cái mặc, hẳn sẽ có cuộc sống đầy đủ hơn ở nhà. Mặc dù vậy, khi đã được vào cung, cuộc sống sẽ phải chịu éo le nhiều mặt. Chẳng những phải chịu đựng nhiều đêm cô đơn mà khi cha mẹ đến thăm cũng phải đứng đằng xa hoặc trong trường hợp được phép lại gần cũng chỉ được trò chuyện qua bức màn sáo. Cho nên, đối với nhiều cô gái mới lớn, ngày lên đường vào cung vẫn là nỗi kinh hoàng khiếp đảm, đến mức nhiều người lớn thường doạ con gái của họ "sẽ đưa mày vào cung" coi như là phải chịu đựng một hình phạt. Trong trường hợp này, vua mang bộ mặt của con ngáo ộp. Vì một khi bước qua chiếc cửa ngăn vào hậu cung, cung phi không bao giờ được quay trở lại, không còn tổ ấm, không còn gia đình, không còn cả cuộc sống bình thường... Nếu sau một thời gian bị thải loại vì thất sủng hay do bệnh tật, không đủ sức khỏe, cung nữ trở về thường kết thúc cuộc đời của mình bằng cuộc sống tu hành trong chùa chiền hoặc nhà thờ. Tuy vậy các quan từ trọng thần đến những người có phẩm cấp thấp hơn hay những người dân bình thường, làm chủ gia đình ai cũng mong ước có con gái được tuyển vào cung, đem lại cho họ niềm hy vọng có nhiều lợi thế nhất là khi con gái sinh hoàng nam rồi trở thành hoàng quý phi hay Hoàng hậu.

Khi Bảo Đại về nước nắm quyền bính, hệ thống thứ bậc trong nội cung rất phức tạp. Các bà phi chính thất hoặc thứ phi, các bà phi tần sinh hoàng nam, các cung nữ được đặc ân được đưa lên hàng phi tần. Tóm lại trong nội cung đầy rẫy mưu toan tính toán để lên cấp hạng, phẩm trật...

Lấy vợ cho vua là một dịp phát sinh nhiều chuyện kình địch nhau. Các phe phái âm mưu chống chọi nhau để đẩy một cô gái vào cánh tay Nhà vua, sau đó bước lên long sàng.

Tập quán bao giờ cũng sống dai. Sau này khi Bảo Long, con trai Bảo Đại được tấn phong Đông cung Thái tử, nghĩa là hoàng tử kế nghiệp lúc đó mới 9-10 tuổi nhưng đã được giới thiệu với các gia đình các quan đại thần có con gái vào tuổi suýt soát để rồi khi lớn lên anh ta sẽ chấm làm vợ. Họ vẫn muốn thử vận may trong lúc chiến tranh đã bùng nổ, tiếng đại bác rền vang cùng với sức ép của phong trào cách mạng đang dâng lên.

Nhưng Bảo Đại hay ít nhất các cố vấn của ông cảm thấy mệt mỏi với các mưu toan, mánh khóe giành giật, chèn ép nhau giữa các bà Thái hậu, các bà phi tần, cung nữ, làm náo động cuộc sống hậu cung. Ông tiếp tục cuộc cải cách, lần này triệt để hơn nữa. Bãi bỏ chế độ cung phi, giải thể nội cung. Cho các bà cung phi và thị nữ trở về cuộc sống bình thường. Không tuyền cung phi mới. Dùng đầy tớ gái hầu hạ các bà Thái hậu (mẹ đẻ và mẹ đích của Bảo Đại). Vị Hoàng đế tân học còn gây nên một cuộc đảo lộn, một cơn choáng váng sẽ làm hại ông trong suốt thời gian trị vì. Năm 1934 người dân An Nam rất sửng sốt khi được biết ông quyết định cưới làm vợ một cô gái theo đạo Thiên chúa ngoan đạo, khăng khăng đòi chấm dứt hẳn chế độ cung phi của các triều đại trước để lại.

Chú thích:

(1) Ghi chép theo "Chuyện tình của các bà trong cung Nguyễn" của Nguyễn Đắc Xuân, Nhà xuất bản Thuận Hoá 1994 và "Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn" - Nhà xuất bản Thuận Hoá, 1987.

(2) Một câu chuyện khác nhưng xem ra ít có thể tin là thật và cũng không thuyết phục được người dân kinh đô Huế. Hoàng thân Phụng hoá đã ăn ở lạnh nhạt với vợ vì cha mẹ vợ ông đã không giữ lời hứa trước khi cưới là mỗi tháng cấp cho một số tiền nhưng sau đó là không cho. Do đó người ta đồn thổi ông là "bất lực". Một hôm trong một cuộc cãi cọ trong gia đình nhà vợ để chứng minh là ông không bất lực như lời đồn, ông đã chứng tỏ sức mạnh đàn ông bằng cách ban ngay một trận mây mưa dồi dào cho một cô đầy tớ gái xinh đẹp và khỏe mạnh nhất (Phạm Khắc Hòe - Kề chuyện vua quan nhà Nguyễn. Nhà xuất bản Thuận Hoá).

(3) CAOM, Lưu trữ bộ Pháp quốc Hải ngoại. SPCE 376 (Phòng báo chí quân đội viễn chinh). Ám chỉ một tin đồn nói rằng Toàn quyền Pierrte Pasquier là cha thật sự của Bảo Đại. Một số người trong hoàng tộc ngày nay còn khẳng định không phải là ông Hường Đ. là cha đẻ của Bảo Đại mà là một người khác, có họ với các bà thái hậu mẹ đẻ hay mẹ kế của vua Khải Định).

(4) Các cung nữ cũng có thói quen làm các bó lá dâu treo trước cửa để lôi kéo dê đứng lại trước buồng mình.