Bạn Cùng Bàn Nói Tôi Giống Chó Của Cậu Ấy

Chương 22: Hãy coi tớ là gia đình của cậu!




Tuấn Anh phải nghỉ học giữa năm nên mấy đứa con gái lớp tôi bắt đầu lục đục mua sổ viết lưu bút sớm. Nhưng ai đưa cho Tuấn Anh cũng bị cu cậu giãy nảy lên ném trả về, làm như viết lưu bút là chuyện xấu xa lắm vậy.

Đa số bạn đưa tới, cậu ấy từ chối thì thôi cũng không thèm nói nữa nhưng vài bạn nữ có cá tính, ép buộc Tuấn Anh phải viết, còn nhét vào balo cậu ấy. Thế là Tuấn Anh lấy sổ đó làm nháp, tính Toán Lý Hoá um xùm hết lên khiến mấy bạn tức hộc máu mà không làm gì được. Lại phải tốn tiền mua sổ mới. Sau không một ai thèm kêu cậu ấy viết nữa, đưa sổ cho tất cả mọi người lần lượt đem về viết chứ riêng Tuấn Anh ai cũng sợ bị phá hư sổ nên chừa ra.

Tôi buồn cười, hỏi Tuấn Anh: "tại sao không viết? Dù gì cũng là năm cuối, viết lại vài dòng cũng có kỉ niệm mà."

Tuấn Anh kêu ca: "rách việc! Vẽ chuyện! Bài vở còn phải nhờ An chép giùm mà đi viết nổi lưu bút mới sợ."

Cậu ấy còn nói viết lưu bút là chuyện nhảm nhí nhất, "ai mướn tụi nó giữ kỉ niệm của Tuấn Anh."

Tôi cũng "ò ò" cho qua. Người gì đâu mà khó tính.

Rồi Tuấn Anh lại giở chứng nổi quạu lên. Hỏi tôi: "thế tại sao An không viết lưu bút? Ai cũng mua sổ viết lưu bút tại sao An không mua?"

Nói thật. Tôi cũng không mặn mà mấy với cả tập thể lớp đâu, chẳng muốn đưa cho ai viết cả. Chỉ chơi với một ít người thôi, mà mấy người này tôi đều biết nhà, chơi với nhau từ nhỏ đến lớn thì viết làm gì. Chuối muốn chết! Chưa nói đến phản ứng của bọn con trai, chỉ riêng Diệu Hiền đã phải ói mất ba ngày ba đêm rồi.

Vậy là tôi học theo Tuấn Anh, nói "viết lưu bút nhảm nhí lắm."

Tuấn Anh không vừa ý, lấy bút gõ đầu tôi. Cậu ấy nói "phải mua sổ về viết cho có không khí chia tay." Tôi cũng ậm ừ, tính bỏ qua luôn. Ai ngờ tan học buổi sáng cậu ấy xách cổ tôi bắt đi mua liền.

Tôi thì không muốn viết cái khoản tự bạch, tiểu sử rồi cảm nghĩ của mình lắm nên chừa ra ba trang rồi suy nghĩ xem nên đưa cho ai viết trước đây. Nếu đưa cho mấy thằng bạn thân chắc nó cười cho thối mũi mất. Đưa cho Diệu Hiền thì... thôi quên đi, Hiền ói xong chắc còn phải sờ đầu xem tôi có bị sốt không nữa.

Tuấn Anh hỏi sao tôi không nói cậu ấy viết? Tôi hớn hở hẳn, mới đầu tưởng Tuấn Anh từ chối viết rồi thì sẽ không viết lưu bút cho bất kì ai nên tôi không dám hỏi. Ai ngờ...

Tôi liền vui mừng đưa sổ cho cậu ấy.

Tuấn Anh cũng mừng vui nhanh tay mở ra.

Sau đó nụ cười nhạt dần rồi hoàn toàn tắt hẳn.

Cậu ấy lật giấy từ đầu đến cuối, xoẹt xoẹt xoẹt kiểm tra, thấy trống trơn thì quạu lên hỏi sao tôi không viết tự bạch như người ta?

Tôi nói rằng: "An ngại lắm, đợi mọi người viết hết rồi cuối năm An tự bổ sung sau." Nhưng tôi định để một mình Tuấn Anh viết thôi. Không đưa cho ai viết thêm nữa cũng chẳng có bổ sung cuối năm nào cả.

Nhưng Tuấn Anh trừng tôi, nhất quyết không chịu, bắt tôi ngồi cặm cụi viết tự bạch cả buổi.

Đến mục bạn thân tôi hỏi "ghi cả tên Tuấn Anh vào được không?" nhưng cậu ấy không cho, cậu ấy nói chúng tôi không phải bạn thân.

Tôi nghĩ nghĩ, chơi thân thiết nhất trong lớp mà vẫn không cho làm bạn thân cơ à? Tiêu chuẩn bạn thân của Tuấn Anh cao quá đó.

Lát sau Tuấn Anh nói tôi bổ sung thêm mục gia đình vào. Tôi không hiểu, nói tự nhiên ghi tên nhà tôi vào làm gì? Làm gì có ai viết lưu bút mà ghi gia đình? Tuấn Anh nói ghi tên cậu ấy sau mục gia đình là được. Hèn gì Tuấn Anh luôn nói coi tôi như em trai nhỏ. Hừm!

Tuấn Anh bắt tôi ghi rất nhiều, ghi chi tiết thích gì, ghét gì phải đầy đủ hết ra. Sở trường, sở đoản cũng phải kể tất, không được bỏ sót. Tới mục cảm nghĩ năm cuối thì nói tôi không cần viết về lớp, viết vài dòng cho cậu ấy là được rồi.

Tôi xấu hổ vô cùng, dự định cuốn sổ này chỉ cho mình Tuấn Anh ghi lưu bút mà thôi. Người thứ ba nhìn thấy chắc chắn sẽ bị tôi diệt khẩu.

Tôi viết một hồi thành nhập tâm, ghi xuống toàn những lời quan tâm dặn dò thật lòng dành cho cậu ấy. Dài lắm. Sáu bảy mặt giấy lận...

Xong rồi, tôi nói Tuấn Anh viết cho mình đi nhưng cậu ấy lại hí hửng cầm cuốn sổ của tôi bỏ vào balo luôn. Lúc đó vẫn còn ngây thơ nghĩ rằng cậu ấy đem về nhà viết, ai ngờ hôm nào đòi cũng không trả mới biết tôi đã bị ăn trộm mất tiêu rồi. Suốt thời gian sau đó tôi chưa bao giờ được nhìn thấy nó lại lần nào, đòi kiểu gì Tuấn Anh cũng không chịu trả.

Thể dục năm cuối thầy sẽ chọn cho học sinh thi gì đó nhẹ nhàng một chút, không tốn thể lực để giữ sức học hành. Ai cũng vui mừng, trừ tôi. Tại sao không kiểm tra chạy, nhảy cao, nhảy xa? Từ lúc lên cấp 2 cơ thể tôi khoẻ khoắn có thể tham gia mấy môn vận động thể lực được rồi, chạy lúc nào cũng trong top đầu lớp chứ đùa.

Không chạy xa thì chạy cự li ngắn cũng không tốn sức mà lại còn có thể gom đông đông lại kiểm một lượt, nhanh chóng không tốn thời gian nữa chứ. Tại sao thầy không nghĩ ra? Hoặc kiểm tra cầu lông cũng được mà? Tất cả mấy món đó tôi đều chấp hết nhưng cố tình thầy lại chọn đá cầu.

Tôi đá cầu không phải dạng dở mà là dạng siêu siêu dở. Mấy bạn nữ khác dù tệ lắm thì ít cũng đá được 3 đến 4 cái. Riêng tôi là nam nhi chí lớn đùng đùng mà chỉ tung cầu lên rồi có dùng chân đá trúng được cái đầu tiên hay không còn phụ thuộc vào hôm đó ông bà tổ tiên có hiện về gánh kịp không nữa.

Nghe thầy nói xong tôi với Diệu Hiền ôm nhau như muốn siêu thoát. Vâng! Diệu Hiền của tôi cũng y chang. Thêm mấy bạn nữ hay chơi với Hiền cũng nhào tới ôm. Nguyên một đội quân đá cầu dở ẹc. Tại sao ông trời đã sinh ra chúng tôi còn sinh ra môn đá cầu vậy?



Tuấn Anh đi tới tách chúng tôi ra, yêu cầu ai về tổ nấy chia cầu ra thay phiên nhau tập đi. Cậu ấy nói đã xin thầy hôm nay gọi tên ngược từ dưới lên rồi. Tôi mừng nhảy cẫng lên. Vậy là tôi được kiểm tra cuối cùng rồi. Như vậy sẽ có nhiều thời gian tập hơn.

Tôi thấy Tuấn Anh cầm cầu mà run hết cả người, tái mét hết mặt mày hỏi: "phải làm sao đây?"

Tuấn Anh cười cười, nói: "thì phải tập chứ sao."

Nói cũng như không! Tôi tập cũng không tiến bộ được chưa?

Tuấn Anh gọi tôi đi tới chỗ để balo. Vì học thể dục xong chúng tôi sẽ học nhóm rồi ở lại học tăng cường luôn nên mang theo cặp. Cậu ấy rút từ trong balo ra con dao bấm.

Tôi hết hồn nhìn tới nhìn lui xung quanh, che chắn cho cậu ấy rồi hỏi: "Tuấn Anh có xích mích với ai? Chuyện gì cũng giải quyết được bằng văn học mà tại sao phải tác động vật lý? Mẹ An sẽ không cho An đi thăm tù đâu."

Tôi nói cực kì nghiêm túc vì Tuấn Anh tính nóng nảy hay gây chuyện, dạo này biết sắp đi rồi nên chẳng thèm nể nang ai, chỉ sợ cậu ấy điên lên xin ai tí huyết thì toi.

Cậu ấy nghe thấy vậy thì cười lăn cười bò, cười còn phải dựa cả vào gốc cây mới đứng vững.

"An khùng không nhẹ đâu!" Tuấn Anh xoa đầu tôi.

Ai khùng chứ? Uổng công tôi lo lắng quá trời!

Thì ra Tuấn Anh lấy dao để cắt bớt mấy miếng nhựa bên trong cầu, cậu ấy nói làm vậy để cầu bớt nảy, tôi đá sẽ dễ hơn.

"Vậy Tuấn Anh mang dao theo người làm gì?" Tôi vẫn không bỏ qua mà truy hỏi.

Cậu ấy cẩn thận cắt, miệng thì qua loa đáp lại: "thích thì mang thôi."

Vẫn là giọng điệu hời hợt thiếu đòn thường ngày nhưng không hiểu sao hôm nay nghe vào tai tôi lại thấy chạnh lòng. Cảm giác như mình hỏi thừa thãi, như là mình mình... không quan trọng với cậu ấy.

Rõ ràng vẫn là kiểu lưu manh ăn hiếp tôi như mọi khi thôi mà. Bình thường không phải tôi vẫn luôn dung túng bỏ qua hoặc hứng lên thì tranh cãi um xùm sao? Tôi chưa bao giờ chỉ vì một việc cỏn con như vậy mà hậm hực bỏ đi chỗ khác như bây giờ. Trong lòng khó chịu.

Tôi thích Tuấn Anh một phần cũng vì cậu ấy hợp tôi đến lạ. Nếu là người khác có thể sẽ chẳng để ý mà bỏ mặc tôi, ngày qua ngày sinh ra chán nản, tôi cũng chẳng việc gì phải mệt mỏi mà đi thích thầm nữa. Nhưng cố tình Tuấn Anh lại luôn thấu hiểu tôi còn hơn cả chính bản thân mình, thái độ tôi thay đổi như thế nào cậu ấy chưa từng bỏ qua dù chỉ là một chi tiết nhỏ.

Tôi còn chưa kịp ngồi xuống gốc cây phía sau đã thấy Tuấn Anh đuổi kịp rồi. Cậu ấy vươn tay kéo tôi ngồi xuống, nói: "An giận đấy à?"

"Không." Tôi nhặt lá bạch đằng xếp thành con chuồn chuồn.

"Xin lỗi An. Đôi lúc Tuấn Anh quen miệng nên hay nói chuyện cộc lốc nhưng lý do hồi nãy là thật. Không phải trả lời đại cho qua đâu. Thích dao thật nên đem theo bên người như thói quen thôi." Tuấn Anh ghé vào tai tôi, thầm thì: "nói cho An biết một bí mật. Tuấn Anh rất thích dao với súng. Ở nhà Tuấn Anh có nguyên một bộ sưu tập dao đủ loại kia. Nhưng An yên tâm đi, chỉ là sở thích đơn thuần thôi, Tuấn Anh chưa từng có ý nghĩ man rợ nào cả."

Tôi hơi tránh né vì vành tai đã nóng hừng hực rồi.

Tuấn Anh cười, chăm chú nhìn tôi rồi lại bổ sung thêm: "nhưng ý nghĩ muốn bảo vệ ai đó thì có nha."

Tôi nghĩ trong đầu là "bảo vệ ai?" nhưng không hiểu sao lại vô thức thốt ra khỏi miệng.

"An chứ ai nữa!" Cậu ấy cười cười, đưa cho tôi trái cầu.

Tôi cố điều chỉnh cơ mặt, lạnh lùng nhét con chuồn chuồn xanh lá vào tay cậu ấy, nói: "Tuấn Anh tự phòng thân cho tốt là được rồi."

Cậu ấy cười hì hì, đút bé chuồn chuồn vào túi quần rồi chạy theo tôi ra sân tập.

Tuấn Anh nói tôi tâng thử, sáu bảy lần vẫn chẳng đá trúng cái nào, có khi còn ném cầu bay lên tận trên đầu mình. Tuấn Anh cố nhịn cười cũng không nổi nữa, đành phải ôm bụng cười ha hả. Tôi phải trừng muốn lòi con mắt thì cậu ấy mới nghiêm túc trở lại.

Càng ngày tình hình càng tệ, lần này tới lượt tôi cười trừ còn Tuấn Anh mặt mũi hình sự như ai giựt mất của nhà cậu ấy mấy tấn thóc vậy.

Tôi động viên lại: "dù sao cũng là An bị điểm kém chứ có phải Tuấn Anh đâu. Mặt mày phải tươi tỉnh lên mới đẹp trai nha."

Tuấn Anh chỉ liếc nhìn tôi rồi thở dài thườn thượt, chẳng chịu cười lấy một cái, nói: "đừng đùa nữa. An ít nhất cũng phải đá được ba đến bốn cái, nếu không điểm thấp quá kéo mấy môn chính xuống thì không được học sinh giỏi nữa đâu."

Tôi lại nghiêm túc tập, Tuấn Anh nhìn mà bất lực, nói: "hay là An đừng đá cầu nữa mà thử ném cầu vào chân xem thử có trúng không?"

Tôi làm theo lời cậu ấy. Lần này ném trúng.

Tuấn Anh đứng chống nạnh, mặt mũi nghệt cả ra, la lên: "sao An không đá đi! Cầu rớt xuống chân thì phải nhấc đùi lên dùng bàn chân tâng cầu chứ? Tại sao lại đứng như trời trồng thế hả? Ai dán keo con chó dính chân An vào mặt đất rồi à?"

Dặn đi dặn lại tôi là cầu tới chân phải nhấc bàn chân lên đá cầu chứ, sao lại đứng đực ra đấy, đứng im thì dù cầu chạm chân cũng không được tính điểm đâu.

Ai cũng nhìn qua, rồi cười. Thật mất mặt! Tôi giậm chân đùng đùng đi nhặt cầu nhưng tay còn chưa chạm tới đã bị mũi giày trắng nhấn nhẹ, cầu nảy lên, Tuấn Anh trình diễn một màn tâng cầu chói mù mắt chó cho tôi xem. Cuối cùng cũng không phải cầu rớt mà do cậu ấy dùng tay hớt lấy.

Tuấn Anh cười cười vòng tay qua vai, kéo đầu tôi lại gần, nói nhỏ: "giận là Tuấn Anh hôn đấy!"

Tôi sửng sốt, mặt nóng bừng mà dùng cùi chỏ đẩy cậu ấy ra.

Nhưng cậu ấy vẫn đứng vững như bàn thạch, lại nói: "để kiểm tra xong rồi hẵng giận. Giận bao lâu Tuấn Anh dỗ bấy lâu." Nói xong mới nhét cầu vào tay tôi.

Tôi lui người lại, giơ nắm đấm lên, nói: "ai thèm giận!"

Cuối cùng tôi nghe lời răm rắp, ném cầu xuống bàn chân và cũng nhấc chân lên đá. Nhưng không ăn thua. Tôi không phải tâng cầu mà đá véo một cái bay đi cả nửa vòng Trái Đất. Tôi với Tuấn Anh đều ngơ ngẩn nhìn theo sau đó cùng nhau cười phá lên. Tuấn Anh chạy đi nhặt cầu, lúc trở lại cậu ấy nói cái chân này không phải của tôi, là tôi đi mượn của ai đúng không? Tôi cũng cảm thấy vậy. Chân cẳng gì mà không chịu nghe lời gì cả.

Tập mãi mới lúc đá được 1, lúc đá được 2 thì Tuấn Anh nhìn nhìn rồi lấy cầu cắt tỉa bớt đầu lông lại, hơi giống đuôi mũi tên. Lần này số lần tôi đá được hai cái lâu hơn, có khi lên 3, 4 cái nữa. Tuấn Anh mừng ra mặt, mỗi lần kết thúc còn vỗ tay nhiệt liệt như chào đón hoa hậu về làng vậy. Vừa quê vừa sướng!

Tôi nhờ Tuấn Anh sửa cầu của tụi Diệu Hiền cho giống của tôi nhưng cậu ấy lắc đầu từ chối: "không thích!"

Tôi hỏi: "sao lại không thích? Hiền là bạn của tụi mình mà."

Tuấn Anh lại lấy cớ: "này là cầu riêng của Tuấn Anh mới sửa được, kia cầu của nhà trường sửa thầy la đó."



"Vậy chút nữa tới lượt Hiền kiểm tra thì An đưa cầu này cho Hiền." Tôi nói.

Tuấn Anh thờ ơ đáp lại: "vô ích thôi! Tập cầu nào quen cầu đó. An mà đưa cầu mới có khi nó còn chẳng đá được cái nào."

Tôi tức đến xoay vòng vòng, không biết nên nói lại thế nào cho hợp lý. Tôi chốt hạ: "vậy An đưa cầu này cho tụi Diệu Hiền tập trước."

Tuấn Anh kéo tôi lại, cốc nhẹ lên trán tôi một cái, nói: "ngốc thế! Tuấn Anh tự tính toán được. Phải để tụi con gái thi rớt nhiều nhiều xíu thì thầy mới châm chước cho thi lại. Bây giờ An đá được nhưng chưa chắc lúc kiểm tra hồi hộp áp lực đã đá được. Nếu chỉ có một mình An được điểm kém thì xin thầy thế nào được nữa. Hiểu chưa?"

Tôi đứng hình. Sao Tuấn Anh lại không tin tưởng vào năng lực của tôi thế nhỉ? Thôi được rồi. Cậu ấy nói đúng! Tôi vốn không có năng lực mà.

"Với cả cầu ai nấy tập. An đưa nhiều người tập quá nó toè ra hết rồi đến khi thi khó đá lắm."

Tôi lơ mơ gật gù. Thì ra là do sợ cầu hư chứ không phải do nghi ngờ tài năng thiêm bẩm của tôi. Cậu ấy tuyệt vời quá!

Nghe lời cậu ấy, tôi chỉ ra rủ mỗi Diệu Hiền về bên này tập chung. Hiền thật là giỏi. Đá được tận 2 cái trong khi tôi toàn đá được 1 cái. Tuấn Anh ngồi xổm xuống sân bóng, ngao ngán thở dài nhìn hai chúng tôi tự khen lẫn nhau.

Nhưng Tuấn Anh lo xa quá. Vì cầu đâu có phế, tôi mới phế này.

Tôi bị cái hay hồi hộp với những gì mình sợ, tới lúc kiểm tra bị tâm lý hay gì mà không đá được cái nào. Ai cũng cười. Tuấn Anh với thầy đều kêu không được cười, để yên cho bạn đá. Tuấn Anh cũng hay cười tôi, mất nết lắm, nhưng điểm năm cuối sẽ cộng đều các môn lại chia ra nên cậu ấy cũng lo lắng nghiêm túc hẳn. Tuy môn phụ hệ số một thôi nhưng nếu quá kém cũng bị kéo học lực xuống không ít đâu. Tôi vừa nhục vừa lo.

Tuấn Anh thi trước tôi, đá được tận 17 cái, nhưng chỉ cần 10 cái là điểm 10 rồi. Sao cậu ấy đá cầu giỏi quá vậy? Chia cho tôi một phần thì tốt rồi.

Đợi tôi thi xong cậu ấy và lớp trưởng đại diện đứng ra xin cho tất cả những bạn không đạt.

Cuối cùng thầy cho 8 bạn kém nhất gom lại thi sau cùng lần nữa. Người khác thang 10, chúng tôi thầy cho thang 5. Chỉ cần đá được 3, 4 cái thôi thầy cũng cho điểm 6, 7. Cả lớp vỗ tay.

Nhưng người khác làm được. Tôi vẫn không được. Tôi nói thầy cho tôi chạy đi, kêu tôi chạy 10 vòng sân bóng cũng được luôn. Mọi người cũng nhao nhao lên hưởng ứng, nói thầy cho bạn chạy cự li ngắn rồi chấm cũng được chứ đá đến bao giờ.

Lúc này thầy mới nói đùa: "hay bạn nào cứu bạn An đi, lớp mình nhiều người đá tốt mà, đá được bao nhiêu thì chia phân nửa là điểm của bạn An."

Tôi còn chưa kịp quay lại cầu cứu thì Tuấn Anh đã xông lên. Cậu ấy đá một hơi hai mươi mấy cái, tôi choáng ngợp đếm hết nổi. Nhưng cuối cùng thầy cho tôi 8 điểm thôi vì dù sao cũng không phải tôi tự mình thực hiện.

Nhưng như vậy là tôi cảm thấy mãn nguyện lắm rồi. Sung sướng cứ như đang nằm mơ. Tôi vui quá trời nhưng Tuấn Anh không hài lòng.

Tuấn Anh muốn tranh cãi với thầy vì thầy nói được không làm được, cậu ấy muốn tôi được 10 điểm mới chịu.

Tôi phải lôi kéo dỗ: "thầy cho điểm như vậy là cực kì dễ tính rồi. Chọc điên lên thầy cho An 1 điểm là không cứu vãn nổi đâu." Tuấn Anh phải nghe vậy mới sợ, không nổi loạn nữa.

Tuấn Anh còn quạu lên, nói tôi ngốc như vậy, sau không có cậu ấy thì phải làm sao? Tôi cũng không giận, thậm chí còn buồn cười nữa. Tôi chọc ghẹo, nói cậu ấy giống bố tôi quá vậy. Tôi biết cậu ấy quan tâm mình, nhưng không có Tuấn Anh thì tôi vẫn phải đi tiếp thôi, cứ thẳng lưng mà tiến về phía trước. Không có người chống đỡ thì ai mà chẳng phải mạnh mẽ.

Học nhóm xong vẫn chưa đến giờ học tăng cường, cả lớp kéo ra ngoài chơi, Tuấn Anh cũng rủ tôi ra dãy bạch đằng phía sau trường. Buổi chiều ở đó có gió hiu hiu lạnh, thời tiết mát mẻ. Cậu ấy bảo tôi kể chuyện, vậy là tôi nói hết chuyện trên trời dưới đất cho cậu ấy nghe.

Kể về nhà đối diện có nuôi một con khỉ, nó biết tự mở tủ lấy chuối ăn lấy nước uống, ngồi trên ghế còn vắt giò rung rung chân y như con người.

Kể về lúc bé xíu chị gần nhà dắt tôi đi vào nhà bạn chị ấy chơi, thấy cây ớt cảnh hình tròn chị ấy lừa tôi là cà chua, dụ tôi ăn làm tôi khóc le lưỡi từ đó về tới nhà, rồi chị ấy bị bố quất cho sưng mông. Tuấn Anh hỏi tôi khóc như nào, khóc lại cho cậu ấy xem, tôi liền liếc xéo.

Kể về căn nhà hàng xóm bên trái nhà tôi lại đổi chủ nữa rồi, bây giờ nhà cô này có nuôi dê, lúc nào cũng kêu bebe mà mùi hôi dữ lắm. Tuấn Anh dí mũi ngửi mặt tôi, hỏi mùi thúi giống tôi hả? Tôi liền nhéo tay cậu ấy.

Chúng tôi ngồi đếm nhẩm xem, từ ngày tôi có hiểu biết thì căn nhà ấy đã đổi bao nhiêu chủ rồi. Đầu tiên là bác làm thợ mộc tới thuê, sau đó là bác làm nghề đan lát, rồi tới gia đình bác làm kẹo kéo, rồi tới chú hàn xì, sau lại gia đình bán máy đầu kéo, tới chú làm cửa sắt, bây giờ mới tới gia đình cô buôn trái cây. Mọi người sau khi rời khỏi đa số đều về Bắc cả. Chỗ tôi là vùng quê nghèo, ai cũng muốn thoát ly.

Sẵn nói đến đoạn rời đi, tôi kể cho Tuấn Anh nghe về một cô bạn cực kì thân của mình lúc nhỏ. Từ tiểu học cậu ấy đã biết tôi ngày bé thích chơi với các em bé gái rồi nên không có thắc mắc gì.

Tôi với bạn gái chơi thân thiết gắn bó như chị em ruột với nhau từ ngày chưa có nhận thức tới tận lớp 5, bạn ấy lớn tuổi hơn tôi nhưng không được đi học, chúng tôi ở sát bên cạnh nhà nhau nên cứ tan học là bạn ấy chạy qua nhà tôi. Chúng tôi chơi đồ hàng, cùng nhau nấu cơm, chơi bắt xoáy, rồi tôi dạy bạn biết chữ. Chúng tôi chia sẻ với nhau tất cả mọi thứ, chơi thân có khi còn hơn cả với Diệu Hiền.

Vậy mà đùng một cái bạn ấy bất ngờ thông báo phải chuyển đi nơi khác. Tuy không phải về tận ngoài Bắc xa xôi nhưng ra tỉnh khác thôi cũng vượt ngoài sức tưởng tượng của hai đứa rồi. Nếu phải chạy bộ thì phải chạy bao nhiêu ngày mới gặp được bạn đây? Huống chi tôi còn không có địa chỉ, ba mẹ nhất định cũng không cho tôi đi. Tất cả chỉ là ý nghĩ điên rồ.

Tôi với bạn khắng khít với nhau suốt mùa hè cuối cùng. Chơi chung, ăn chung, ngủ chung, lúc nào cũng cầm tay nhau vì sợ vuột mất người kia, bất cứ món gì hay ho cũng dành tặng cho nhau làm món quà cuối cùng. Đến người lớn nhìn chúng tôi quấn quýt mà còn phải đỏ hoe mắt.

Nhưng không rời đi thì không thoát nghèo được. Cuộc sống mà. Có gặp gỡ, có chia ly.

Tôi nhớ mãi hôm bạn ngồi sát cửa sổ xe nhìn xuống tôi dưới lòng đường, cả hai đều gào khóc đến tê tâm liệt phế. Cha mẹ hai bên đều không chịu nổi, mẹ tôi ẵm tôi chạy về còn mẹ bạn bịt mắt bạn lại. Chúng tôi vào giây phút tiễn biệt cuối cùng, một thằng giãy giụa, một đứa cào cửa kính, dù ra sức thế nào thì cũng không thắng nổi số phận.

Tôi nhắc lại với Tuấn Anh về cô bạn thuở ấu thơ của mình mà cổ họng mặn đắng.

Tôi chua xót hỏi cậu ấy: "có nhớ hồi lớp 6 An trông như thế nào không?"

Tuấn Anh nói: "An dễ thương, vui vẻ."

Tôi nhẹ lắc đầu: "lúc đó trong lòng An rất đau khổ. Nhưng An không làm được gì hết. Bạn cũng đi rồi, kỉ niệm chỉ đành gói ghém lại mà thôi. Vì thế nên An chọn cách không thể hiện ra bên ngoài. Người khác nghĩ rằng mình đang vô ưu vô lo nhưng chỉ bản thân mình mới biết trong lòng cũng có nghẹn khuất."

Tuấn Anh nắm lấy bàn tay tôi.

Tôi nhớ đến buổi chiều ở sân bóng, nhớ rõ lời Tuấn Anh nói hôm ấy nhưng vẫn hỏi lại: "sau khi đi rồi, Tuấn Anh muốn An buồn bã hay vui vẻ?"

Cậu ấy trăm ngàn lần muốn tôi được vui vẻ.

Tôi nói: "Tuấn Anh yên tâm đi, An vẫn sẽ sống tốt thôi."

Chuyện gì làm tốt thì phát huy, làm dở thì cố gắng, cái gì không biết thì sẽ hỏi, biết rồi thì sẽ chỉ. Tôi sẽ cố gắng để cậu ấy ở nơi nào cũng có thể tự hào về mình, như cái cách tôi ngày ngày ngưỡng mộ cậu ấy vậy!

Nhưng tuyệt nhiên không đề cập đến việc mình có thương tâm hay không. Làm sao có thể không đau không buồn cho được. Nhưng việc buồn lòng không ảnh hưởng đến việc tôi có sống tốt hay không! Tôi không nói dối cậu ấy!

Chiều tối hôm đó hầu như là tôi nói, Tuấn Anh đôi lúc xen vào chọc ghẹo một hai câu, sau đó thì yên lặng hẳn.



Lúc đi vào trường, Tuấn Anh đi phía sau mới lên tiếng: "hứa rồi đấy nhé?" Tôi gật đầu đáp ứng.

Tới kì thi, khoá tôi là khoá thử nghiệm trộn lớp đầu tiên của trường, tất cả lớp 9A đến 9H trộn lại sau đó sẽ xếp học sinh theo thứ tự Alpha B chứ không được ngồi theo lớp nữa.

Tuấn Anh cười tươi rói vì cậu ấy nói tên của tôi và cậu ấy là định mệnh gắn kết, lúc nào cũng ở gần nhau nên dù có chia lớp cũng không sợ.

Sợ gì? Cậu ấy sợ không ở chung phòng với tôi. Cậu ấy chỉ đơn thuần muốn ở gần bên tôi chứ không phải muốn giúp tôi vượt qua kì thi vì tôi trước giờ không sợ thi cử. Tôi biết nhưng không vạch trần. Vì chắc chắn hỏi ra thì người ngại ngùng sẽ quay ngược lại là chính mình thôi, mặt cậu ấy rất dày, kiểu gì cũng sẽ hét lên với cả lớp rằng thích ở chung phòng với tôi cho coi.

Nhưng còn Diệu Hiền thì rất lo lắng vì bạn ấy học không tốt lắm, mà tên tôi với Hiền thì cách nhau khá xa.

Bình thường toàn là tôi ném đáp án cho Hiền chép nên bây giờ thi khác phòng bạn ấy rất sợ.

Diệu Hiền run rẩy hết cả người, cầm tay tôi nói: "An ơi phải làm sao đây?"

Tuấn Anh giựt tay Diệu Hiền ra.

Tôi trừng cậu ấy rồi nắm lấy tay Hiền, dùng áo khoác lau mồ hôi tay cho bạn, an ủi: "không sao đâu. Để An với Tuấn Anh ôn tủ cho Hiền." Tuấn Anh rất giỏi đoán đề.

Tuấn Anh dựng ngược, hỏi lại: "Tuấn Anh á?"

Tôi trợn mắt, Tuấn Anh mới nhe răng nói: "ok! Vì An nên tao mới làm thôi đó."

Nhưng cậu ấy dạy cũng không đúng ý tôi lắm, mỗi lần Hiền hỏi gì là lại nói: "mày áp dụng công thức là ra."

Tôi ở dưới bàn đá cậu ấy một cú thì Tuấn Anh mới hậm hực chỉ công thức ra rồi tôi ngồi giảng lại một lượt, Tuấn Anh sẽ ra các đề bài tương tự cho tôi làm, Hiền nhìn rồi chép theo cuối cùng sẽ ra đề dự đoán mới để Hiền tự mình làm. Mặc dù vẫn sai nhưng tôi nói kệ, thời gian gấp rút cứ làm quen motip rồi học thuộc lòng là được rồi. Sau đó tìm những bạn có tên gần với Hiền cùng ôn.

Tuấn Anh nói tôi dạy hư bạn bè.

Tôi biết.

Nhưng còn cách nào khác sao? Có thể một lúc nhét toàn bộ kiến thức của mấy môn trong mấy năm vào đầu người mất gốc căn bản được sao?

Tôi cũng không phải dạng vừa nhìn sách liền giỏi như Tuấn Anh nên hiểu được vất vả của việc học, không phải ai cũng thích hợp nhét chữ vào đầu được. Vì vậy mỗi lần thi cử kiểm tra ai hỏi đáp án tôi cũng nói. Mỗi người đều có sở trường sở đoản riêng, cờ bạc ăn nhau về sáng vì vậy mấy bạn ấy quan trọng ra đời làm gì, sống ra sao chứ dăm ba cái điểm số không đánh giá được. Nếu Diệu Hiền không có năng khiếu học tự nhiên thì cứ cố giúp bạn học tủ chống chế đạt đủ điểm xét duyệt lên lớp đi đã.

Có bạn bè để làm gì? Không phải để giúp đỡ nhau sao! Tôi có người giúp đỡ mình thì bản thân tôi cũng phải có trách nhiệm giúp đỡ người khác. Đó là quy luật.

Đến ngày thi, tôi chạy tới phòng Diệu Hiền đọc danh sách thí sinh mà choáng váng. Chúng tôi đều vỡ mộng. Mấy bạn ôn thi cùng Hiền chẳng có ai chung phòng cả. Thường cha mẹ sẽ đặt tên con bắt đầu bằng những chữ ở giữa bảng chữ cái như chữ H rất nhiều vì như vậy sẽ có ý nghĩa may mắn.

Phòng Diệu Hiền chỉ có đúng hai người học chung lớp, mà hai người này chúng tôi đều không thân lắm. Một bạn nam tôi nhớ có chơi với Tuấn Anh vậy là chạy về tìm cậu ấy cầu cứu.

Tuấn Anh cũng đang dáo dác nhìn xung quanh, thấy tôi liền mắng: "giờ này còn không lo đợi trước phòng thi đi, lo chạy lung tung!"

Tôi cũng vội, nói ngắn gọn rồi kêu Tuấn Anh chạy theo. May mà Tuấn Anh vừa nhờ thì bạn nam kia đồng ý liền. Suốt mấy ngày thi Diệu Hiền gặp câu nào khó khăn bạn ấy đều giúp.

Tôi cũng không có gì phải lo lắng, lại còn có Tuấn Anh chung phòng nên cũng an tâm, bình tĩnh chuyên chú làm bài thôi. Tuấn Anh thường nhìn rồi mấp máy môi, tôi đọc khẩu hình miệng thì hiểu cậu ấy hỏi tôi "không biết làm câu nào?" Tôi biết nếu mình không làm được tự luận cậu ấy sẽ mặc kệ việc bị trách phạt mà tìm cách ném đáp án qua, trắc nghiệm thì sẽ ra dấu tay như đã ước hẹn. Tôi vui vẻ giơ bàn tay ra hiệu dấu ok để cậu ấy yên tâm.

Ra ngoài tôi đối chiếu kết quả với Tuấn Anh trước sau đó sẽ tìm Diệu Hiền rồi mới tới mấy thằng hàng xóm. Tụi nó đều bị tôi cho làm đề đến xù đầu nên nhìn thấy tôi là nhăn nhó như khỉ ăn ớt. Còn tuyên bố sau này sẽ không thi đại học mà chỉ học nghề thôi.

Diệu Hiền đúng là người giỏi quảng giao, mới đây mà đã khoác vai cười nói với người anh em chung phòng như thân từ lâu lắm rồi. Nhìn mặt rạng rỡ thế kia cứ như làm đúng hết vậy. Tôi mừng thầm, hỏi ra mới biết thì ra hai bạn vô tình làm sai y chang nhau nên thấy có duyên, chuẩn bị kéo về nhà tôi ăn quà kết nghĩa bái làm chị em. Trời ạ!

Trước khi liên hoan mấy ngày, lớp tôi xảy ra một chuyện kinh thiên động địa, đó là mất tiền quỹ lớp. Thủ phạm chính là bạn nữ con nhà bác sĩ bắt đền tôi cuốn báo. Nó lấy tiền mà còn lập kế đổ thừa cho người khác. Dĩ nhiên đầu óc lớp 9 thì sao bằng đầu óc người lớn hay mấy bạn học bá được. Lớp tôi giải oan cho bạn kia cái một, nhỏ này thấy có cả nhân chứng, vật chứng không chối nổi nữa thì cũng lấy tiền ra trả cho cả lớp. Cô cũng chỉ nhắc nhở thôi nhưng nhỏ này tự xấu hổ nên chuyển sang trường khác gấp.

Nhỏ này nó không ưa mấy đứa nhà nghèo như tôi, ghét ra mặt luôn. Từ hồi cấp 1 đã hay nói kháy tôi rồi. Mới bây lớn mà biết nói chỗ của tôi không phải ở lớp học nội trú mà phải vào mấy lớp dành cho người nghèo ngoài kia kìa. Hồi đó tôi chẳng để ý, tại lo chơi với mấy thằng hàng xóm không à, tôi coi nó như cục ghèn gỉ mắt. Bởi vậy tôi với nó không hợp phong thuỷ từ bé lận. Nó không được để ý tới thì càng tức, đi nói xấu hết người này người nọ, con gái tị nạnh nhau đã đành, đằng này còn nói xấu cả bọn con trai. Suốt ngày coi mình là trung tâm vũ trụ, kiếm chuyện với người khác phiền dễ sợ. Nó chuyển đi mà lớp tôi không một ai khóc, còn thở phào nhẹ nhõm.

Vậy là nhóm nhỏ tụi tôi có tới hai bữa tiệc. Một là liên hoan cùng lớp, hai là góp tiền mua đồ tổ chức ăn mừng vì có người xấu chuyển đi.

Tuy độc ác nhưng mà vui.