Bạn Cùng Bàn Nói Tôi Giống Chó Của Cậu Ấy

Chương 115: Nguyện cầu người bình an




Tim tôi như chết lặng.

Tay chân run lẩy bẩy đứng không vững vàng, mãi mới dùng răng cắn đầu lưỡi cho thanh tỉnh.

Tôi sợ hãi nhưng không thể hét toáng lên đòi đi gặp Tuấn Anh được. Khi nãy rõ ràng Hưng biết hết mọi chuyện nên nét mặt mới nghiêm trọng, vậy mà vẫn tỏ ra bình thản che giấu không cho tôi hay. Nếu tôi cứ một mực xông ra thì cũng không bằng sức của mười mấy người cản lại.

Nên thay vì cố truy hỏi, tôi cũng tỏ ra bình tĩnh như mình không hề biết gì.

Tôi phải nghĩ cách ra khỏi đây đến tìm cậu ấy.

Tuấn Anh lúc nào cũng tự ôm khổ sở vào lòng không cho tôi biết, y như hồi nhỏ vậy, vết thương nào trên người cũng nhất quyết giấu giếm cho bằng được.

Nhưng còn tôi thì sao? Tôi cũng lo lắng cho cậu ấy mà.

Lúc nghĩ những điều này là tôi đã treo mình chông chênh bên ngoài cửa sổ rồi.

Cũng hết cách.

Nếu tôi giả vờ muốn ra ngoài làm gì đó thì Hưng sẽ kè kè bên cạnh, bây giờ nói đói bụng muốn đi ăn thì rất có thể sẽ có người trực tiếp mua về. Mà cứ cho là tôi có thể đánh lạc hướng, nhờ Hưng quay vào trong lấy đồ, nhưng sau đó thì sao? Địa hình ở đây tôi hoàn toàn không am hiểu, chưa kể lúc chập tối còn mưa trắng trời, ngồi trong xe ô tô cũng không rõ đường xá quanh đây thế nào. Lỡ không có xe ôm ngay ngã ba như trên thành phố thì tôi biết chạy đi đâu trốn đây?

Nói chung là sức một người không thể nào bằng chục người được, nên tôi chọn cách lặng lẽ chuồn đi thực tế một chút chứ lỡ đi công khai rồi bị một đám truy lùng, vây bắt kịch tính y như trong phim thì li kì lắm.

Cuộc đời tôi bình đạm đơn giản, không thể nào kịch tính như diễn viên chính phim hành động được.

Tôi vừa lần theo bệ cửa sổ vừa thầm cảm ơn mọi người đã mướn một căn nhà dạng nghỉ dưỡng như ở quê, chú trọng vào chia nhiều gian chứ không phải kiểu nhà lầu cao chót vót như trên thành phố. Vậy là khoảng cách từ tầng một xuống tầng trệt không xa xôi lắm, chỉ tầm tầm như một tầng của căn trần cao bình thường, bên ngoài còn thiết kế cầu kì nên có chỗ bám.

Tôi cũng có cảm giác sợ hãi nhưng không tự trấn an bản thân mà nghĩ về Tuấn Anh làm động lực. Cứ tưởng tượng cậu ấy một mình cắn răng chịu đựng, không có ai thân thích bên cạnh là tim lại đau vô cùng. Nhưng tôi cũng không đến mức kích động vì sau khi cẩn thận suy xét, tôi đoán cậu ấy không nguy kịch.

Cậu ấy sẽ không sao, Tuấn Anh của tôi sẽ không sao đâu...

Nếu cậu ấy bị nặng thì mấy anh em đã chạy đi chứ không còn ở đây mà ló đầu ra khỏi cửa sổ, kinh hãi hỏi: "ỦA? ANH AN? Anh đang làm gì ngoài đó vậy?"

"..."

Tại sao giờ này không chịu đi ngủ mà tụ tập đánh bài thảnh thơi quá vậy? Anh sẽ báo Công an!!!

Tôi còn chưa kịp trả lời thì bốn tên đó hộc tốc chạy xộc đi, sau đó gào lên:

"Lấy tấm nệm! Địt mẹ! Lấy tấm nệm nhanh lên!"

"Anh An đang đu bên ngoài cửa sổ kìa! Nhanh lên ra đằng sau đỡ anh ấy!"

"Chết mẹ rồi! Tim tao tim tao rớt ra ngoài rồi!"

Chỉ mấy giây sau, bên dưới tôi đã có sáu thằng thanh niên to cao nhìn lên, ai nấy đều vươn cánh tay rắn chắc ra trước mặt, nắm chặt vào nhau thành vòng, hét lên: "Nếu anh không chịu nổi thì buông tay ra đi! Tụi em đỡ anh!"

"..."

Anh chịu không nổi nỗi nhục nhã này đâu! Tụi em tránh ra đi! Anh muốn trực tiếp nhảy xuống lòng đất luôn!

Mấy giây sau thì Hưng hớt hải cùng bốn người nữa vừa chạy rầm rầm vừa khiêng hẳn tấm nệm ra đây. Mặt tôi nóng lên rần rần, cảm thấy sự quê độ của mình đang được khuếch đại lên hàng ngàn lần.

May mà trời tối hù, dù có ánh đèn trong nhà hắt ra thì cũng mờ ảo không nhìn rõ nét mặt.

Bên dưới nhốn nháo căn chỉnh cho tấm nệm vào vị trí chính xác.

Hưng hỏi vọng lên: "Anh An! Sao anh lại đứng ở ngoài đó vậy? Anh muốn đi đâu à? Anh muốn đi đâu thì gọi em mở cửa cầu thang là được mà. Thả tay ra đi! Bọn em đỡ anh!"

"..."

Đệt! Thằng này tinh vậy nhỉ!

Tôi cấp tốc động não, nhanh trí tỏ ra hốt hoảng: "Không phải! Anh không thích mở máy lạnh, thấy tạnh mưa rồi nên mở cửa sổ cho thoáng, ai ngờ trơn quá nên bị trượt chân."

Hưng nói: "Cửa sổ cao thế mà sao trượt được?"

"..."

Thế à? Thế thì anh phải biện hộ làm sao?

May mà bên dưới tranh nhau nói: "Anh ấy buồn chán nên trèo lên ngắm cảnh chứ còn gì nữa, tao cũng ngồi cửa sổ suốt."

Sau đó ai nấy đồng loạt hô lên: "Nhảy xuống đi anh! Nhảy xuống tấm nệm này! Không sao đâu có tụi em đỡ rồi!"

Tôi run chân, nói xuống: "Thôi để anh leo lại vào cửa sổ cũng được."

Dù sao bước qua bên đó cũng gần. Chứ đã bị bắt quả tang mà còn phải để người ta đỡ nữa, thấy nhục lắm!

Nhưng tôi vừa dứt lời thì bên dưới xôn xao gào lên như bị cắt tiết, nệm bên dưới cũng bị di chuyển theo hướng nhúc nhích chân của tôi, nói sợ tôi trượt chân ngã, xuống nước hạ giọng năn nỉ tôi phải nhảy xuống làm tôi ngại càng thêm ngại. Y như mình chuẩn bị làm việc dại dột nên người ta phải ra sức khuyên nhủ vậy.

Cuối cùng Hưng nói: "Nếu anh ngại thì tụi em đặt nệm xuống, cũng quay mặt đi, anh chỉ việc nhảy tùm một cái xuống là được. Đừng sợ!"

"..."

Da mặt tôi nóng như hòn than, cứ có cảm giác mình là em bé ba tuổi gây phiền hà đến người ta, vậy là nhanh chóng nhảy xuống, hạ cánh an toàn.

Một thanh niên lập tức ngồi thụp xuống, vỗ mạnh lên lưng: "Anh lên em cõng, ở đây không có giày lại bẩn hết chân."

"..."

Giọng tôi lắp bắp: "Anh... anh anh đi được mà, anh... à... em cứ đứng lên đi... để để anh tự đi được..."

Tôi đang định nói thêm là "để anh đi vào trong rồi rửa chân lại là được" ai ngờ ai cũng nhanh nhẹn, dứt khoát 'xoẹt xoẹt xoẹt' bỏ luôn đôi dép đang mang ở chân ra, đồng thanh nói: "Anh cứ mang dép của em đi, tí vào sân em rửa lại sau."

"..."

Hình như tôi đang được ở thiên đường hay sao ấy??? Có khi nào hồi nãy tôi đã ngã xuống vườn địa đàng và diễn biến tiếp theo bị mọi người bắt gặp là do linh hồn của tôi tưởng tượng ra không???

Bây giờ nhìn xuống, tôi mới biết có mấy người còn không kịp mang dép, chắc là đã vội vàng chạy ra. Tôi cảm động pha lẫn áy náy trong lòng, vội bước chân trần xuống đất, cũng thảy sạch xấu hổ ra sau đầu, vỗ vai hai người đứng gần.

"Vào nhà ngủ thôi! Xin lỗi nhé! Cũng tại anh sơ sẩy quá mới làm phiền tới mọi người."

Tôi nghe rõ tiếng thở phào xung quanh, sau đó ai cũng vui vẻ nói không phiền, tôi không gặp chuyện nguy hiểm gì là tốt rồi. Tôi nói mọi người nên ngủ sớm đi, tụ tập đánh bài là không tốt, vậy là ai nấy tất tả "vâng dạ" đi dọn xấp bài trên phản rồi về phòng. Lúc chia tay ở cầu thang, Hưng chần chừ giây lát, cuối cùng nhờ tôi rằng chuyện vừa rồi đừng kể cho Tuấn Anh, hỏi ra mới biết Tuấn Anh dặn dò chăm sóc tôi cẩn thận mà để tôi suýt thì ngã như vậy là sẽ nổi trận lôi đình.

Nổi trận lôi đình? Cậu ấy sẽ tức giận với cả anh em của mình sao?

Dĩ nhiên là tôi đáp ứng, tuyệt đối không bép xép.

Tôi hỏi thử: "Em lớn tuổi hơn mà sao phải sợ Tuấn Anh?"

Hưng mỉm cười, hỏi ngược lại tôi: "Vậy hiện tại anh trưởng thành rồi thì không cần nghe lời mẹ nữa à?"

Tôi hơi ngạc nhiên, sao lại so sánh như vậy được?

Hưng tự hỏi tự gật gật: "Đúng vậy, đối với bọn em, thằng già cũng như thằng trẻ đều coi nhà anh ấy như gia đình mình, giống cha mẹ tái sinh vậy. Anh tin không? Con em bây giờ hai thằng đều ăn sữa bằng tiền của anh ấy chu cấp, được học trường xịn anh ấy đầu tư. Nếu kể ra thì người ngoài sẽ cho rằng đấy là tiền lương nhưng đối với lũ trẻ mồ côi tụi em thì đấy là tình thương. Em đố anh đi tìm được nơi nào nuôi mình từ tấm bé đến trưởng thành rồi vẫn lo cho chỗ ăn ở chu đáo, lo luôn cả việc hỏi vợ sinh con, bảo hiểm an sinh phúc lợi đầy đủ đấy. Lương cao hơn hẳn mặt bằng chung lại còn hay được đi du lịch. Anh xem có đứa bụi đời nào được đi nước ngoài suốt như em chưa? Oai như cóc đấy chứ đùa! Nên là, anh Tuấn Anh chỉ hướng Đông thì em tuyệt đối không đi hướng Tây, sau này con em cũng vậy, trung thành đặt lên hàng đầu."

Woaaa~ Đúng là sướng thật! Tôi còn chưa được đi nước ngoài bao giờ. Không biết Tuấn Anh có nhu cầu nhận thêm một suất đàn em nữa không?

Nhưng cảm thán chỉ là phụ, trong lòng tôi càng nghe càng dâng lên xúc động khó tả, cũng dần dần thấu hiểu lý do tại sao Tuấn Anh lại lao đầu vào làm nhiều việc đến như thế. Cậu ấy có vô vàn nỗi lo.

"À không, trung thành đặt thứ hai chứ vì đặt anh lên hàng đầu rồi."

"Hả?" Tôi không hiểu.

"Ý là anh quan trọng nhất, anh Tuấn Anh dặn bọn em như thế."

Tôi bật cười.

Hưng giải thích: "Em nói thật mà, anh Tuấn Anh dặn sau này nếu anh ấy và anh An đặt ra cho tụi em hai yêu cầu trái ngược nhau thì cứ làm theo lệnh của anh thôi, mặc kệ anh ấy là được, dĩ nhiên là trong phạm vi đảm bảo anh luôn an toàn. Em nói sai sét đánh liền!"

Thấy Hưng nghiêm túc, tôi gật đầu ra chiều đã hiểu rồi cho qua chuyện.

Vừa vào phòng được ba phút, tôi còn chưa kịp hành động tẩu thoát lần hai thì có tiếng gõ cửa, Hưng và hai người nữa lên đây thu dọn đồ đạc và chăn ga gối, nói rằng đổi phòng cho tôi xuống dưới tầng, "cửa sổ thấp lắm, nếu anh muốn ngồi hóng gió cũng an toàn."

"..."

Á đù!!!

Trời cũng giúp mình đây mà!

Vậy là đêm hôm khuya khoắt, tôi thuận lợi bước ra khỏi nhà, nhờ công Tuấn Anh dạy trèo rào nên tôi cũng leo khỏi cổng thành thạo.

Tính ra cũng không thành mấy vì bị trượt một chân vào hàng rào, xước đỏ một đoạn dài cả gang nhưng may mà tróc da thành vảy chứ không chảy xíu máu nào. Là do lẻn đi nên tôi không ra ngoài lấy giày được, phải đi tạm đôi dép kẹp nên tẩu thoát lúc mới mưa xong còn trơn.

Đúng như tôi dự đoán, đường xá tuy có le lói sáng ánh vàng nhạt nhưng không có vẻ sầm uất sống về đêm như trên thành phố. Tôi chạy mãi, thỉnh thoảng phải đi chậm lại ôm tim thở dốc, những lúc thế này chỉ ước giá như mình khoẻ mạnh hơn thì tốt rồi, sau khi hô hấp ổn định một chút lại hộc tốc cắm đầu mà chạy.

Tôi có cầm theo tấm bản đồ, hy vọng chỉ có lên núi là Tuấn Anh chỉ tầm bậy tầm bạ chứ mọi cung đường trong tỉnh này vẫn đúng. Hy vọng là thế!

Không biết đã chạy bao lâu, đường xá tối hù, hai bên cây cối um tùm, nhà cửa thưa thớt vắng lặng, đến khi có xúc động muốn gõ cửa đại một nhà dân nào đó hỏi đường tôi mới dừng lại mở túi đeo chéo, lục xong mới biết mình chưa bỏ điện thoại vào trong này. Có điện thoại cũng chẳng để làm gì, tôi chỉ muốn xem giờ hoặc chí ít là mở bản đồ xem tờ giấy trên tay có phải hàng thật hay đã bị in lại lung tung hay không. Lúc trước Tuấn Anh đưa điện thoại, có dặn nếu nhớ thì gọi tới, cậu ấy biết được sẽ gọi lại ngay. Nghe vậy thì tôi hiểu Tuấn Anh không cầm điện thoại hoặc để chế độ yên lặng. Nhưng tôi vẫn không dám gọi, rất sợ mình là cái loại đồng đội ngu như bò gọi tới khiến cậu ấy bị địch phát hiện rồi bị hại y như trong phim Ái Nghi hay kể. Tôi sợ lắm, rồi thêm lo trước lo sau, một buổi tối mà tiếp thu biết bao nhiêu là chuyện nên còn chẳng nhớ mà mở nguồn điện thoại lên xem nữa là.

Tôi tiếp tục chạy, nhiều lúc còn có cảm giác đôi chân nặng như chì, mắt hoa lên, tai ù đi, thân thể vô định như lướt trên mây. Những lúc như vậy, tôi không gồng ép mà ráng đi bộ thật chậm rồi cắn đầu lưỡi giữ thanh tỉnh, nguyện cầu xin quả tim này hãy chống chọi một hôm nay thôi, cố gắng một đêm dài này thôi. Đêm đen giăng mờ lối nhưng tôi không hề sợ hãi vì ngoài nỗi lo lắng cho một người lấn át thì đi bên cạnh tôi vẫn luôn có "Tuấn Anh" bầu bạn, cổ vũ, chỉ đường.

Có lẽ ông Trời thương tôi, thương chúng tôi, để cho tôi thấy ánh đèn pha xe máy chói loá đang lao tới từ phía đối diện. Tôi cấp tốc chạy sang đường, dang tay chặn lại, thở hổn hển trình bày gấp gáp, trong lòng thầm niệm câu thần chú "đồng bào mình ai cũng tốt bụng, thương yêu nhau, đùm bọc nhau."

Bác gái chở hai cái sọt đầy rau phía sau, khuôn mặt lo lắng, nói giọng đạm bạc chân chất địa phương: "Ôi ôi! Nói chậm lại! Cháu thở đi rồi hẵng nói. Ai cấp cứu? Bạn cháu à? Bọn cháu gây gổ đánh nhau đấy à? Sáng sớm không về nhà ngủ còn lang thang ngoài đường tụ tập thế này?"

Tôi cố điều chỉnh nhịp thở, đi bộ vòng quanh đầu xe, sợ đứng lại sẽ bị xỉu, giải thích chậm hơn: "Dạ không phải. Bạn cháu đi du lịch ở đây, bị cảm sốt phải nhập viện Đa khoa huyện mình, cháu sống trên thành phố, hôm nay mới xuống thăm bạn nhưng không biết đường, cũng tìm xe ôm từ khuya tới giờ nhưng không thấy. Bác cho cháu hỏi hướng trên đó có phải đường đến viện không ạ?"

Bác ấy gật gù: "À... à à, ra thế, ôi chao ơi! Làm bác tưởng bọn thanh niên chúng mày lại tụ tập đánh nhau. Đúng đường lên viện rồi, nhưng sao không để mai hẵng đi? Ở đây heo hút, đêm hôm người ta về ngủ hết rồi, không có xe ôm đâu. Thế có đi không? Lên xe bác cho đi nhờ một đoạn."

Nghe đến đó, hốc mắt tôi nóng lên, còn chưa kịp năn nỉ nhờ nữa mà bác ấy đã mở lời trước rồi. Những lúc thế này lại thấm thía câu mà Tuấn Anh từng nói, mong rằng những cố gắng của cậu ấy sẽ đổi lại may mắn cho tôi, khi cậu ấy giúp đỡ người khác thì ở phương xa tôi cũng sẽ gặp được những người tốt bụng.

Tôi cảm ơn rối rít, giành lấy việc lái xe, nghe bác nói chuyện mới biết đã hơn ba giờ sáng rồi tôi mới giật mình sửng sốt, thì ra xa đến như vậy, hèn chi đôi chân của tôi có cảm giác như vừa tham gia giải chạy Marathon vòng quanh Trái đất vậy.

Bác bảo phải chạy xe máy hơn nửa tiếng nữa, tôi gợi chuyện cho quãng đường đỡ nhàm chán mới biết bác đi sớm bán rau ở chợ đầu mối, giống mẹ thằng Cường nhưng nhỏ lẻ hơn vì nhà có mỗi mình bác và con gái, bác trai mất sớm vì ung thư gan. Tôi hỏi bác cho người lạ đi nhờ mà không sợ sao? Bác nói sợ người lạ chứ nhưng khi nãy nhìn mặt tôi khổ sở, không thể nào là nói dối lừa đảo được, với lại bác giúp tôi vì nghĩ tới con mình trên thành phố xa lạ nếu có cơ nhỡ giữa đường thì cũng có người giúp lại, gieo nhân nào gặt quả nấy. Bác lại kể "bây giờ dân tứ xứ tới nhiều, không còn được an toàn như xưa chứ cái thời bác còn nhỏ, người lạ đi rừng ngang qua xin vào ngủ tạm còn được nữa chứ nói chi đi nhờ, với lại dân quê thân thiện, ban ngày xin đi quá giang vẫn được mà. Có phải ở trên thành phố xin đi khó lắm đúng không cháu? Bác nghe thằng con bác bảo thế."

"Dạ... cũng hơi khó, do tệ nạn nhiều quá nên người dân cũng phải đề phòng. Con bác học trên Sài Gòn ạ?"

"Ừ. Nó học Trung cấp thôi, học kỹ thuật ô tô, bác bảo học xe máy đi rồi ở nhà làm nghề mà không chịu cơ! Tuổi này còn bướng lắm! Nhưng mà nó cũng ngoan chứ không phải dạng hư hỏng gì, học có một buổi lại học trường Công nên học phí nó tự đi làm thêm lo hết."

"Vừa học vừa làm là giỏi rồi đấy ạ. Em có hay về quê chơi không bác?"

"Có. Trước đây cuối tuần nào cũng về, nhưng bây giờ nó đang tìm công việc mới nên cả tháng chưa thấy mặt mũi đâu." Đang nói chuyện bình thường thì bác cao giọng chửi: "Mả cha cái bọn mất dạy! Con bác đi phụ đám cưới được có mấy đồng bạc mà còn nợ lương rồi ăn cướp trắng trợn! Lũ mất dạy chúng nó! Bác đã bảo đi bảo lại rồi! Tiền trao thì cháo mới múc! Mẹ nó! Làm ngày nào trả lương ngày đó thì cứ y vậy đi, có phải làm công ty đâu, bày đặt nợ cả hai tháng gối tiền mua nguyên liệu là thấy có trá rồi đấy! Chỉ trách con bác quá ngây thơ! Bà mẹ nó chứ! Càng nghĩ càng tức cái công con mình thức khuya dậy sớm!..."

Tôi nghe mà xúc động nao lòng, có cảm giác nếu năm xưa mẹ tôi mà biết ngày tôi mới lên thành phố trải qua những gì thì cũng sẽ cằn nhằn vì lo lắng y như bác lúc này.

Tôi xin bác số điện thoại của con bác, nói rằng mình cũng có công ty trên thành phố đang tuyển nhân viên làm việc theo giờ, không dám nói đó là tiệm xăm vì sợ người lớn kì thị, mà nếu con bác không thích môi trường xăm hình thì tôi có thể giới thiệu qua chỗ Lưu Ly cũng có nhiều việc. Bác vui vẻ cảm ơn nhưng nói đợi đến nơi rồi tôi lưu vào không quên. Tôi bảo bác cứ đọc số đi, tôi đảm bảo sẽ ghi nhớ trong đầu, lên thành phố rồi sẽ liên hệ với em liền.

Tới nơi, tôi biết mình đến đúng địa điểm rồi vì thấy hẳn hai xe công vụ đậu bên ngoài.

Tôi cảm ơn bác rối rít, hứa hẹn đủ điều, trả cho bác năm trăm nghìn tiền xăng nhưng bác nhất định không lấy, nhưng đọc đi đọc lại số điện thoại trên dưới mười lần, dặn dò tôi nhớ phải gọi cho em để bác đỡ lo cho thằng con nhỏ dại. Tôi buồn cười, cũng nắm chặt tay bác, thề hứa danh dự sẽ không nuốt lời. Tôi quên mang giấy bút chứ nếu không thì sẽ viết số điện thoại, địa chỉ của mình vào cho bác yên tâm rồi vì bác không có điện thoại di động để lưu lại.

Vào phòng cấp cứu, tôi hỏi thăm y tá trực ban nhưng không được xác nhận như khi hỏi thăm người bệnh bình thường mà họ nói nếu tôi thực sự là người nhà của cán bộ thì vui lòng đem giấy tờ tuỳ thân lên tầng 1, phòng 304 gặp các chiến sĩ để trình bày và biết thêm thông tin.

Nhưng khi vừa tới chân cầu thang, còn chưa kịp bước lên, tôi đã bị hai chiến sĩ cơ động chặn lại. Tôi bình tĩnh giải thích rằng mình là người nhà của Tuấn Anh, cần lên xem tình hình thế nào nhưng họ chỉ nói tôi đợi rồi một người cầm chứng minh thư của tôi đi mất. Mấy phút sau, người đó đi xuống trả lại chứng minh cho tôi, nói rằng người nhà đồng chí Tuấn Anh đã ở trên rồi, nói tôi ra sảnh bệnh viện ngồi đợi, khi nào người nhà xuống thì hỏi thăm tình hình sau hoặc thay phiên nhau lên thăm chứ bây giờ lên cũng không được vào gặp vì đang phẫu thuật.

Nghe đến đâu tim tôi chùng xuống đến đấy, vậy là đúng Tuấn Anh bị thương thật.

Tôi chỉ ước, chỉ ước người ta sẽ nói người nằm trên kia không phải là Tuấn Anh, mong họ sẽ mắng tôi tội gây rối hay cản trợ công vụ gì đó cũng được, miễn là tôi chỉ nghe nhầm nhận nhầm mà thôi.

Nhưng không, đúng là cậu ấy hiện đang phẫu thuật là sự thật.

Nhưng người nhà cậu ấy là ai? Chẳng lẽ bị thương nặng đến mức thông báo cho bố mẹ cậu ấy bay vào đây ngay trong đêm rồi sao? Nghĩ đến đây, tay chân tôi run lẩy bẩy, toàn thân lạnh lẽo như bị thảy mạnh xuống hồ nước lạnh.

Tôi đứng không vững, phải lui về bức tường phía sau mà hít thở gấp gáp, nuốt khan mấy lần mới hỏi xem tình hình cậu ấy thế nào nhưng không nhận được đáp án. Họ chỉ bảo tôi cứ ra ngoài ngồi chờ, có gì thì sẽ được thông báo ngay.

Tôi muốn đứng ngay đó đợi nhưng bị yêu cầu ra bên ngoài vì chỗ này cán bộ, y bác sĩ đi lại, tôi sẽ gây bất tiện, chưa kể khu vực này hiện tại thuộc sự giám sát của lực lượng Công an, nếu tôi cố chấp đứng đây cũng sẽ bị liệt vào hành vi chống đối người thi hành công vụ, kiểu gì cũng bị cưỡng chế đưa ra nơi khác.

Cứ vậy, tôi lẳng lặng ra ghế đá bên ngoài sân ngồi, chỗ này tuy vừa tối vừa muỗi nhưng đối diện ngay chỗ chân cầu thang dễ quan sát, còn nếu tôi ngồi ở sảnh thì vòng vào góc khuất, sẽ chẳng thấy được gì cả.

Tôi chẳng dám chớp mắt, bị muỗi đốt cũng lấy tay vỗ đại chứ không dám cúi xuống, rất sợ hãi mình bỏ qua bất cứ một tình hình quan trọng nào.

Ban đầu, tôi giữ thái độ bình tĩnh, sau đó càng ngày càng như người mất hồn, đầu óc mông lung, tầm nhìn vô định, cuối cùng hốc mắt nóng lên, khung cảnh hoen mờ nhạt nhoà. Cố chớp mi lia lịa để nhìn rõ hơn thì sống mũi lại cay xè, tôi chẳng nhịn nổi nữa, đưa hai bàn tay lên ôm mặt mà nức nở.

Bao nhiêu kí ức lúc nhỏ ào ạt ùa về, nhớ lúc tôi nghịch côn tự đập đầu đau tới nhập viện, Tuấn Anh đã đi một quãng đường xa thật xa lên chăm sóc tôi. Cậu ấy sợ tôi đi bộ bị chóng mặt nên bắt nằm băng ca đẩy lên căn phòng hoành tráng đầy đủ tiện nghi như trên Tivi, cậu ấy mua đồ ăn ngon rồi cùng tôi dùng bữa trên cái giường êm ái, cậu ấy tự tay pha cho tôi một thùng nước nóng để tắm rửa, cậu ấy mua kem cho tôi, dắt tôi đi dạo, đắp mền cho tôi dặn tôi đi ngủ sớm cho mau khoẻ rồi còn về đi học... Năm đó, ở băng ghế đá của bệnh viện nơi quê nhà, cậu ấy đã ngang nhiên hôn môi tôi giữa đông đúc dòng người qua lại.

Tôi nhớ Tuấn Anh quá rồi... tôi nhớ thiếu niên lúc nào cũng luôn nở nụ cười trên môi, người ấy quan tâm tôi, săn sóc tôi, thương tôi, yêu tôi.

Tim tôi đau đớn nhói lên từng đợt dữ dội... chỉ ước đây là một giấc mơ thôi... sau khi tôi mở mắt ra sẽ lại thấy Tuấn Anh của tôi nghiêm nghị lạnh lùng, cậu ấy sẽ hơi nhíu mi hỏi "tại sao em lại ngồi khóc ở đây?"

Tôi bỏ dép ra, co chân lên ghế, ôm lấy đầu gối mà tiếp tục nghẹn ngào khó thở, tuy sức cùng lực kiệt nhưng không lúc nào thôi ngơi nghỉ niệm trong đầu nguyện cầu cho Tuấn Anh của tôi luôn được bình an.

Nguyện mong Tuấn Anh đời đời Bình An.

Nguyện mong Tuấn Anh đời đời có Bình An.

Năm xưa tôi đã ước cho cậu ấy như thế, ông Trời nhẫn tâm lấy đi của tôi một đoạn thời gian hạnh phúc dài đằng đẵng như vậy mà chẳng lẽ chịu đựng khổ sở trong ngần ấy năm không đủ đổi lấy cuộc đời Tuấn Anh bình an vô sự hay sao???

Tôi không kìm nén nổi, khuôn mặt đang gục xuống đầu gối nãy giờ cũng chôn càng thêm sâu, nước mắt mặn đắng liên tục rớt xuống.

Tình cảnh có người ngồi khóc ở bệnh viện chắc chẳng ai xa lạ gì, nên dù tôi có nức nở thành tiếng thì cũng không ai chú ý đến.

Không ai chú ý...

Không ai chú ý đến tôi...

Chỉ trừ duy nhất một người...

Người ấy toàn thân ẩm ướt, dường như đã bất chấp băng qua ngàn vạn gió sương lao đến đây, ôm chầm lấy tôi vào lòng như nâng niu trân bảo. Dáng dấp người ấy cao lớn, hơi thở người ấy dồn dập hỗn loạn, nhưng lời nói ra lại dịu dàng vô hạn tưởng chừng như nếu nỡ có nặng lời một chút thì tôi sẽ vỡ tan ra vậy. Người ấy ôm siết tôi, nhẹ nhàng vỗ về, dịu dàng dỗ dành: "Bé con... ngoan, không sợ, không khóc... Tuấn Anh đây, Tuấn Anh về với em rồi này! Em ngẩng đầu lên nhìn xem, xem có phải Tuấn Anh hoàn toàn khoẻ mạnh trở lại với em rồi không?"