Bạch Mã Hoàng Tử, Chàng Ở Đâu?

Chương 15




Ariane yêu quý,

Giờ là 21h38, lẽ ra tớ phải ra ngoài nhưng sự thật là tớ không muốn bị làm phiền chút nào.

Nếu cậu không thấy chán, tớ sẽ ngồi thêm với cậu một tối nữa. Nhưng vì ta chẳng bao giờ biết được nên tớ đã không tẩy trang để có thể sẵn sàng cho trường hợp nảy sinh nhu cầu cần kíp.

Tớ đã bật đĩa Macy Gray, cô ca sĩ này sẽ đồng hành cùng chúng ta.

Tớ muốn nói với cậu là tớ sướng phát điên lên vì cậu tới, nhưng cũng sợ chết đi được. Tớ nghĩ đó là vì tớ nhận ra chúng ta rất khác nhau. Cậu thì... Tớ không biết diễn đạt thế nào. Có thể nói cậu là một phụ nữ châu Âu cực kỳ sáng suốt với nền giáo dục cậu được thừa hưởng. Trong khi tớ chỉ là một cô nàng nông dân học đòi những cung cách thượng lưu, bị kẹt giữa một NY đô hội và những nguồn gốc có thể dẫn tớ về tận Téhéran và Bagdad.

Cậu nói tiếng Anh trôi chảy, cậu từng học trường họa, từng nghiên cứu Lịch sử Nghệ thuật và nghe đủ thể loại nhạc. Trong khi tớ chẳng hạn, tớ nghe đĩa của Macy Gray suốt hai năm nay. Tớ đã thay nó bằng đĩa nhạc phim Moulin Rouge nhưng đấy cậu xem, giờ tớ lại bật lại.

Tớ nghĩ mình bảo thủ khủng khiếp.

Tớ không tìm cách hạ thấp bản thân đâu, tớ cũng biết các phẩm chất của mình chứ. Nhưng tớ sợ khi bọn mình gặp nhau sự duyên dáng sẽ không còn phát huy tác dụng nữa. Tớ có một quy tắc vàng là không bao giờ nói chuyện điện thoại quá lâu với một người đàn ông trước khi gặp anh ta. Tớ nghĩ không nên để lộ bản thân mình quá nhiều và phải giữ lại tối đa sự tươi mới cho lần tiếp theo. Nhưng với cậu thì tớ hoàn toàn làm ngược lại và đã bộc lộ thẳng thắn hết mình. Thế nên bây giờ tớ hy vọng cậu không mong chờ khám phá gì lớn lao bởi tớ ghét phải làm cậu thất vọng.

Mai gia đình tớ tổ chức ăn tối mừng sinh nhật bảy mươi tuổi của bố tớ. Trong gia đình, chẳng ai nghĩ báo trước cho tớ biết sớm hơn là việc làm hay ho cả.

Cần phải nói thêm rằng tớ không thuộc nhóm những người được yêu cầu nấu một món đặc sản nào đấy. Tớ không biết làm trứng ốp lếp dù đời tớ phụ thuộc vào món đó. Tớ gắng bù lại bằng việc rửa bát với nụ cười rộng mở.

Thứ Năm tớ cũng có một buổi tối quan trọng, tớ đã nhắm một bộ váy rất đẹp, nhưng tớ đã chi quá tay tới mức giờ không dám mua nó. Đây là nghịch lý thường gặp ở những cô gái độc thân New York. Họ cần quần áo đẹp để trình diễn nơi đông người nhưng khi mua được rồi thì lại không có tiền đi chơi nữa. Trong trường hợp tệ nhất, tớ sẽ chỉ đến hiệu làm đầu. Tớ muốn thay đổi kiểu tóc. Nhưng tớ không chắc mình đã sẵn sàng đối diện với ánh mắt thiếu thiện cảm của những phụ nữ khác soi mói xem một phụ nữ có thể xấu thế nào sau mỗi giai đoạn cắt tóc khác nhau. Tớ không biết liệu cậu có nhận thấy không nhưng khi công việc chải chuốt kết thúc và rốt cuộc người làm đầu trông cũng xinh đẹp thì đám phụ nữ kia lại bỏ đi hoặc chúi mũi vào một cuốn tạp chí.

Macy Gray hát xong rồi, đĩa hát đã chuyển sang phần hai nhưng tối nay tớ không muốn để cho bộ dàn của tớ quyết định rằng tớ sẽ chỉ nghe một album cả buổi tối nên tớ phải đứng lên chọn đĩa khác đây, tranh thủ chúc cậu ngủ ngon.

Hôn cậu,

Justine

TB: Vì cậu thích bánh cà rốt nên tớ sẽ tìm hiểu thông tin để xem mình có thể ăn ở đâu thì ngon.

J yêu quý,

Cậu đừng bận tâm quá tới chuyện tìm chỗ ăn ngon nếu không vừa đến NY tớ đã vỡ tung ra vì ăn linh tinh rồi. Tớ không biết tại sao, nhưng tớ đặc biệt thích tất cả những gì tớ không chịu đựng nổi ở Paris. Tớ uống hàng lít cà phê dở tệ, tớ nhấm nháp chúng cả ngày trời và bỏ bữa. Đúng vậy, tớ ăn rất nhiều bánh cà rốt nhưng không phải loại nào cũng ăn! Tớ không thích bánh cà rốt ngon; tớ thích bánh cà rốt mua ở một quán Hàn Quốc nơi góc phố, những cái bánh nhỏ hình vuông được bọc trong lớp ni lông mỏng trong suốt.

Một số thứ được làm ra để trông sao cho kinh tởm, nếu không thì chúng chẳng có lợi ích gì hết.

Sợ hãi ư...

Đúng là tớ hy vọng được gặp lại sự giản đơn và rõ ràng vốn đã gắn kết chúng ta; nhưng tớ tin chắc mình sẽ không thất vọng đâu. Và nếu tớ có cảm thấy đôi chút e ngại thì đó chỉ là do tớ biết rằng khi ở bên nhau, chúng ta sẽ nói ra tất cả những gì chúng ta còn chưa viết và như thế những lá thư dài giữa chúng ta có nguy cơ sớm chấm dứt mất.

Dĩ nhiên là chúng ta khác nhau rồi, nhưng chính điều đó hấp dẫn chúng ta, không phải thế sao?

Téhéran và Bagdad là những nơi rất mới lạ với tớ nên ý tưởng khám phá hai nơi này ngay tại New York khiến tớ thích lắm.

Tớ chẳng hề có cảm giác mình thuộc về một cộng đồng, và thường thì từ này làm tớ rất khó chịu. Tớ không biết gì về cộng đồng của cậu nhưng khi cậu nhắc đến nó thì tớ lại thấy tò mò khủng khiếp, thay vì phản xạ gạt sang một bên quen thuộc.

Nói đến trình độ văn hóa của tớ, tớ nghĩ cậu đánh giá tớ quá cao rồi. Vả lại tớ cũng thích Macy Gray (dù sao tớ cũng phải thú nhận là đã nghe đến album thứ hai của cô ta). Và vì ta đang nói đến đĩa CD nên tớ phải bảo cậu điều này: tớ không bao giờ mở nổi bao bì đĩa CD bằng ny lon; cái mấu xé nhỏ nằm gọn trong tay tớ mà tớ buộc phải dùng đến kéo. Trong khi mọi người ai nấy đều mở bao bì đĩa CD dễ như bóc một phong kẹo cao su. (Nghĩ cho kỹ thì tớ cũng có lúc phát khùng lên được với mấy phong kẹo cao su.) Khi tớ mở được bao đựng đĩa thì thường là tớ làm rơi luôn đĩa bên trong và thường thì nó vỡ tan ra.

Cậu cảm thấy khá hơn chưa?

Cuối cùng, nếu cậu không biết thì tớ xin báo với cậu là tớ đã kết hôn với một người đàn ông chẳng có điểm gì chung với tớ cả. Hồi bọn tớ mới cưới, tớ định thổ lộ tâm tình với anh ấy, kể cho anh ấy nghe những cảm xúc kỳ lạ và u tối mà đôi khi tớ cảm thấy. Nhưng anh ấy chẳng hiểu gì cả. Tệ hơn nữa: anh ấy thậm chí không biết tớ đang nói chuyện gì. Nhưng dù có lúc tớ nghĩ là cưới một người ngoài trái đất như vậy thật chẳng được khôn ngoan cho lắm thì tớ vẫn không quên rằng tớ đã chọn anh ấy vì những gì anh ấy có (lý trí, phóng khoáng và lạc quan) cũng như vì những gì anh ấy không có (bất ổn, ngông cuồng một cách giả tạo và đầy dằn vặt).

Đối với tớ, cậu và tớ còn có nhiều điểm chung hơn cả V với tớ (nhưng hiện thì tớ không có ý định lấy cậu đâu) nên cậu có thể ngừng xì trét và thôi tưởng tượng rằng các khác biệt giữa chúng ta sẽ là vấn đề được rồi đấy.

Tớ phải đi đây, tớ đi mua vé máy bay và đi chợ (hôm nay là ngày kỷ niệm lễ cưới của bọn tớ).

Hôn cậu nồng nhiệt,

A.

- Còn cái này?

Ambre đi cùng tôi, tôi mất có mười phút để chọn hoa tai cho bà bác Elena của tôi nhưng đã một tiếng đồng hồ rồi tôi chưa tìm được món quà nào cho Justine, và nhiệm vụ đang trở nên gần như bất khả thi.

Tôi đã gạt khỏi danh sách mọi thứ nhàm chán như nước hoa hay sô cô la, tôi thích tặng cậu ấy một món quà mang đậm tính cá nhân, và điều này khiến tôi nhận ra rằng tôi vừa thân thiết với cậu ấy lại vừa chẳng hiểu gì cậu ấy cả.

Cuối cùng Ambre thuyết phục được tôi mua cho Justine một cái túi xách, chúng tôi ra xếp hàng thanh toán, trước mặt chúng tôi, nhân viên thu ngân đang cẩn thận ghi lại số chứng minh thư của khách hàng xếp trước, Ambre bắt đầu sốt ruột.

- Cậu biết gì không? Kiểu người thanh toán bằng séc khiến tớ ngán kinh khủng. Lại còn là một gã hai mươi tuổi nữa chứ! Tớ tin chắc ở nhà gã đi tất sơ sinh!

Cuối cùng chúng tôi cũng rời được cửa hàng và đi uống cà phê. Phút chót, ngay trước lúc chia tay, Ambre chìa cho tôi một cái phong bì dán kín.

- Cái gì thế?

- Chúc thư của tớ.

Tôi rụt tay lại.

- Cậu huyên thuyên hay sao vậy?

- Cậu đừng lo, vì giờ tớ đã mua căn hộ kia nên tớ tự nhủ phải dự kiến trước mọi chuyện, thế thôi. Tớ quyết định sẽ để căn hộ lại cho một tổ chức nhân đạo, bố mẹ tớ không cần đến nó, họ sẽ chẳng biết phải làm gì với nó cả; và nhờ thế tớ sẽ tránh được cho họ một chủ đề tranh cãi mới.

- Cậu không nghĩ là mình hơi trẻ để nghĩ về chuyện này à?

- Thì cứ cho là cái này để phòng trường hợp tớ quên lấy chồng đi...

Cậu ấy mỉm cười và tôi cũng cười theo. Cậu ấy lại chìa cái phong bì cho tôi lần nữa rồi ôm hôn tôi.

- Nào, đi chơi vui nhé.

- Chờ đã, tớ sẽ đưa cậu về.

- Không cần đâu, tớ đã bảo Léa là sẽ đến nhà cậu ấy. Nào, cậu nhanh lên, hơn bảy giờ rồi đấy.

Chúng tôi ôm hôn nhau lần nữa rồi tôi đi.

Ariane yêu quý,

Đúng là cậu làm tớ bật cười đấy.

Cậu nhắc đến ngày kỷ niệm lễ cưới của cậu như thể nó chẳng có gì quan trọng vậy, gần như là một câu TB. Được rồi, thế anh ấy có nhớ không?

Cậu có được nhận hoa không? Có được nhận quà không? Có được gì bất ngờ lúc sáng sớm không?

Hẹn cậu ngày mai!

Justine

J yêu quý,

Có, anh ấy có nhớ. Cậu có tưởng tượng được rằng năm ngoái tớ mới là người quên không. Để tớ nói với cậu điều này: quên một lần là cách tốt nhất để nhớ mãi mãi.

Hẹn cậu ngày mai!

A.

TB: Tớ có lý khi lo lắng cho tương lai thư từ của bọn mình: tớ vẫn chưa lên đường mà chúng ta đã chuyển từ ba trang xuống còn ba dòng thế này.

Nhân viên hải quan chìa cho tôi tấm hộ chiếu mới toanh. Ô nghề nghiệp được điền “Trợ lý Stylist”, điền thế là sai hoàn toàn, nhưng đó là tất cả những gì tôi nghĩ ra để thỏa hiệp được giữa “nhân viên bán hàng không vĩnh viễn” và “stylist tiềm năng”.

Tôi chỉ còn phải đi mua sô cô la cho bác Elena nữa thôi và chờ ngày hạ cánh.

Chắc là do hiệu ứng ngày 11 tháng Chín nên dù sao tôi cũng hơi căng thẳng. Và đột nhiên tôi tự hỏi tại sao mọi cửa hạ cánh đều ghi dòng chữ “Ga cuối”.

Tôi hy vọng Justine thích món quà của tôi. Tôi sợ cái túi xách tôi đã chọn hơi quá ư nhí nhảnh so với cậu ấy, suy cho cùng, chẳng phải chính cậu ấy tự nhận mình rất cổ điển sao. Nhưng giờ thì quá muộn rồi, nếu cậu ấy không thích thì cũng kệ thôi. Đã đến lúc cậu ấy phải biết là phụ nữ Pháp cũng có thể mắc lỗi thưởng thức.

Cách đây vài tuần, cậu ấy khuyên tôi nên đọc thơ của Walt Whitman, lời khuyên như vậy đến từ một người tự nhận mình vô học thì quả là điều đáng ngạc nhiên.

Tôi hy vọng cậu ấy đã chuẩn bị trước các trò giải trí khác cho những buổi tối chúng tôi gặp nhau, nếu không tôi sợ sẽ không được vui như dự kiến.

Trong lúc máy bay cất cánh, tôi nhớ lại lần đầu tiên mình đến New York với Ambre. Tôi không nhớ ý tưởng tự làm những tấm biển hiệu nhỏ giống như bọn trẻ đi du lịch một mình đến với chúng tôi thế nào nữa. Ambre đã làm những chiếc phù hiệu “Gái trẻ không đính kèm” tuyệt đẹp. Chúng tôi đã tự hào phô ra lúc bước lên máy bay, khiến cả máy bay cười rộ hết cả lên, những tiếng cười vui vẻ và nồng ấm. Đó là một chuyến bay tuyệt vời, hai đứa tôi đã tám chuyện với cả ba hàng ghế xung quanh, bọn tôi cảm giác như thành phố chỉ chờ đón mỗi mình.

Hè năm ngoái, khi Ambre đi nghỉ cùng Léa, tôi gợi ý với cậu ấy lặp lại trải nghiệm trên nhưng cậu ấy trả lời rằng những thứ tươi mới và hài hước đối với hai cô gái đôi mươi sẽ mang vẻ hết sức bệnh hoạn đối với các phụ nữ đã quá ba mươi...

Chuyến bay nhanh chóng kết thúc, tôi không ngủ, tôi quá mải mê tận hưởng suy nghĩ rằng ngay cả khi đặt chân đến một vùng đất quen thuộc, tôi cũng chẳng biết được điều gì đang đợi mình.

Vừa tới nơi, tôi đã lại như tìm được cảm giác tự do đầy phấn khích và an tâm ấy. Nỗi sợ hãi vốn thường đeo đuổi tôi giờ đã tan biến. Ở đây, tôi chỉ còn cảm giác tin tưởng vào chính mình.

Ngay lập tức đập vào mắt tôi là đám cớm nghiêm khắc quá đà, hàng dòng người chờ đợi quá ư trật tự, đủ thứ mùi đồ ăn nhanh... Nhưng chẳng có gì khiến tôi thấy phiền lòng cả.

Tôi còn nhớ trong những chuyến đi xa gần đây của mình, tôi hiếm khi có được cảm giác hoàn hảo của ngày đầu tiên như vậy, và tôi tự hứa sẽ không quên chuyến đi trên taxi này.

Những ngôi nhà chọc trời đã xuất hiện, chúng tôi đang đi qua cầu Triborough. Tôi rất thích lối vào Manhattan này vì ta phải đi qua phố 96 và điều đầu tiên ta thấy là một sân chơi bóng rổ. Sau hàng rào lưới sắt, đám thanh niên đang chạy tứ phía; chúng đông tới nỗi phải chia thành nhiều nhóm và chơi cùng một lúc. Nhưng lại chẳng hề thấy chút không khí lộn xộn nào, chỉ có cảm giác thông thoáng ngự trị, và chúng cuốn ta vào từng cử động của chúng.

Cuối cùng tôi cũng đến nhà bác Elena, người luôn dang rộng vòng tay chào đón tôi.

Bác tôi giống như mẹ tôi vậy, mà bác có thể thay thế cả mẹ tôi ấy chứ. Tôi chỉ cần hắt xì hơi thôi là bà đã phải mang vội nhiệt kế đến cho tôi rồi. Tôi thích lắm.

Bác Elena đã ly hôn và sống một mình. Cô con gái duy nhất của bác, Carla, hơn tôi hai tuổi, lấy chồng đã được tám năm và sống rất gần đây. Bác Elena không đi làm, nhưng bác cũng chẳng có thời gian mà muộn phiền. Bác thường xuyên chuyển từ việc này sang việc khác, nghịch lý thay, bác luôn làm mọi việc cực kỳ khẩn trương nên lúc nào cũng bận kinh lên được.

Tôi đặt va li xuống, bác đưa tôi đi uống cà phê ở quán St Ambroes, phòng trà yêu thích của bác.

Không khí ở đây sang trọng và lạnh lùng, có gì đó giống một cái áo quan với những lớp màn trướng màu xám che phủ trần nhà thấp một cách quá đáng. Vả lại, đội ngũ phục vụ mặc đồ đen nom cũng khắc nghiệt tới nỗi có thể khẳng định họ được đào tạo để phục vụ tang lễ.

Nhưng trong mắt bác tôi, họ tạo thành “quán cà phê chỉnh tề duy nhất trong thành phố”...

Ở bàn bên cạnh, một cặp đôi rất thanh lịch đang lật giở cuốn sách giới thiệu xe BMW. Họ đang xem các mẫu màu sắc dành cho vỏ xe và da bọc ghế xe với vẻ vô cùng tập trung.

Nom họ cực kỳ thanh thản, khiến ta cảm giác như họ đã đến được nơi họ dự tính cuộc sống sẽ mang họ đến.

Tôi không thể ngăn mình phỏng đoán về Vincent và tôi khi ở vào vị trí của họ trong vài năm tới và viễn cảnh ấy chẳng làm hài lòng tôi gì cả, mà chán nản thì đúng hơn. Tôi tưởng tượng ra chúng tôi, thỏa mãn với cuộc sống bé nhỏ tốt đẹp của mình, từ người thuê nhà trở thành chủ nhà. Dĩ nhiên không phải ngay tức khắc, vì Vincent muốn đợi thêm chút nữa để “thanh thản gánh nợ”.

“Thư thái làm sao”, bác Elena vừa thì thầm vừa ngả lưng lên ghế bành.

Tôi cố gây tiếng động bằng đống dao dĩa, mọi thứ đều ngon lành nên chẳng việc gì phải để bầu không khí êm như ru kia làm cho uể oải cả.

Khi nào về tôi sẽ gọi cho Justine.

Tôi chỉ có một mình. Tôi tự do. Tôi hạnh phúc.

- Cháu không trang điểm à?

- Cháu chỉ trang điểm những dịp quan trọng thôi ạ.

- Chính cháu phải biến mỗi ngày của mình thành một dịp quan trọng chứ.

Bác Elena thật tuyệt, bác là quý bà của một thời kỳ khác và tôi ngưỡng mộ bác lắm, tôi tự nhủ mình sẽ chẳng bao giờ giống bác được.

Tôi quan sát bác với vẻ ngưỡng mộ và sự hiếu kỳ thực sự; những quý bà lịch thiệp đích thực ngày càng trở nên hiếm hoi, kể cả ở Manhattan. Ngày nào bác cũng cẩn thận chải chuốt mái tóc đen cho tới khi chúng hòa hợp tuyệt đối với gương mặt Đức Mẹ Đồng trinh của mình. Nhìn bác đưa từng sợi tóc vào nếp, tôi lại nhớ hồi còn nhỏ, tôi hay trêu bác: “Nếu bác muốn đi xe máy thì bác không cần phải đội mũ bảo hiểm đâu vì tóc của bác đã làm thay việc đó rồi.” Khi ấy bác thường nhíu mày và nói: “Ariane! Phải tôn trọng bác chứ!” Rồi bác phá lên cười và ôm tôi vào lòng.

Mỗi chi tiết trang điểm của bác đều hết sức tinh tế, bác chẳng bao giờ ra khỏi nhà mà chưa chăm sóc bản thân đến chân tơ kẽ tóc, công việc vốn thường ngốn của bác ít nhất là hai tiếng đồng hồ; nhưng thật đẳng cấp làm sao...

Lịch thiệp như mẹ tôi, cộng thêm trái tim yêu thương nữa chứ.

Tôi thấy hình phản chiếu của mình trong gương: cái vẻ này chẳng hợp với tôi chút nào, tóc tôi cứ dựng đứng và vểnh tua tủa trên đầu, má thì lúc nào cũng đỏ lựng vì đi rõ nhanh. Người ta bảo đi nhanh vì có giày thoải mái, giày thoải mái thì quần áo cũng thoải mái; nhưng lại chẳng giống gì những người phụ nữ New York kia, những người băng qua khắp thành phố trong bộ đồ công sở và giày basket... Tôi giống một thiếu niên chậm phát triển đang trốn khỏi ký túc xá. Cần phải làm điều gì đó. Cũng cần phải làm điều gì đó cho cuộc đời tôi. Nhưng chuyện đó tốn nhiều thời gian lắm nên thôi, để sau hẵng tính.

- Cháu sẽ quay về thay đồ trước bữa trưa.

- Bác hy vọng là cháu ăn rồi. Cháu thấy không, bác mua cho cháu món Muesli mà cháu rất thích đấy.

Tôi không thích Muesli, nhưng không hiểu tại sao bác Elena lại tin vào điều ngược lại và lần nào cũng mua món đó cho tôi. Tôi không muốn làm bác thất vọng nên sẽ không bao giờ nói ra rằng bác đã nhầm. Chuyện này giờ đã trở thành truyền thống, nên lúc sáng sớm tôi lặng lẽ ngồi ăn hết bát ngũ cốc; và cảm thấy rất thích thú khi đứng lì trước cửa sổ và khung cảnh có được từ tầng ba mươi này không ngừng khiến tôi như nghẹt thở. Và sáng nay thì tôi vừa ăn món đó vừa nghĩ đến Justine, tối qua cậu ấy mới đến thăm tôi để chào mừng tôi đã tới. Bọn tôi nói chuyện một lúc với nhau, rồi nhìn nhau và cả hai cùng hết sức ngạc nhiên. Vài giây im lặng là đủ để chúng tôi hiểu mình đang ngạc nhiên về cùng một điều: âm giọng của từng người; thế là chúng tôi phá lên cười.

- Tớ quên bẵng mất là giọng cậu đặc Pháp! Justine nói.

- Còn tớ thì quên bẵng là giọng New York của cậu đặc sệt!

Chúng tôi nhanh chóng quen với điều đó... Cậu ấy thích cái túi, hoặc có thể cậu ấy vờ như thích nó, rồi chúng tôi tiếp tục trò chuyện như thể chúng tôi chỉ mới xa nhau hôm qua. Mà đúng là chúng tôi chỉ mới xa nhau hôm qua thật.

Giờ đã là chín giờ, do chênh lệch múi giờ nên tôi dậy từ lúc sáu giờ sáng, Muesli bị tiêu hóa hết rồi nên tôi cảm thấy có nhu cầu xơi thêm bữa sáng thứ hai. Sau đó tôi mới đủ sức khỏe để mà tự do mua sắm điên cuồng được chứ.

Dĩ nhiên tôi có thể viện cớ là đang nghiên cứu thị trường thời trang, nhưng sự thật là thành phố này khiến tôi mất trí. Mọi thứ đều dễ dàng, cám dỗ và trong tầm với, tôi đã đạt đến độ tham lam cực điểm rồi và cảm giác ấy đang làm tôi kiệt sức đây.

Hay nói đúng hơn là trước khi bị kiệt sức thì tôi muốn được vui vẻ, tôi đã quyết định sẽ khoan dung với chính mình nên hân hoan bước xuống. Xuống đến nơi, tôi gặp Jerry, người hàng xóm nay đã thành bạn của bác Elena.

- Cô quay lại đấy ư?

Người Mỹ rất ít ôm hôn, họ thường dành cho nhau những cú “hug”, nghĩa là những cú vỗ vỗ mạnh, không thực sự chạm vào nhau mà chỉ vỗ bồm bộp vào lưng nhau thôi. Nghĩa là hành động.

Jerry rất cao lớn, dáng mảnh khảnh mà cơ bắp; ông vừa chạy bộ về và mặc bộ đồ quen thuộc: quần soóc bó màu xanh lơ, áo phông trắng tinh, tất thể thao màu trắng dài đến đầu gối và giày basket hoàn hảo.

- Cô ổn chứ cô bé?

Jerry vẫn bị mắc tật ở hàm: ông là thành viên tích cực của nhóm những người nghiện rượu vô danh, đồng thời cũng là thành viên tích cực của nhóm những người nghiện thuốc ngủ và “nghiện tình dục vô danh” nữa. Để chữa bệnh, ông đã phải chịu cai hoàn toàn. Ông cũng dừng cả cà phê, đồ ăn có đường và tất cả những gì ông từng dùng tới mức lạm dụng.

Nên không có gì ngạc nhiên khi nói hàm ông lại kêu răng rắc như vậy...

Suy cho cùng thì hôm nay, điều quan trọng là vẫn có người gọi tôi là “cô bé”, tôi cảm thấy sung sướng vô cùng và sẵn sàng tiến lên phía trước.

Không kịp đi một vòng quanh thành phố nên tôi đành dạo loanh quanh trong khu. Upper East Side có cả đống cửa hàng quyến rũ, cửa hàng này lại quyến rũ hơn cửa hàng kia nên buổi sáng của tôi trôi qua trong nháy mắt.

Một gã đi xe máy vừa vượt qua tôi, trên lưng áo phông của gã có dòng chữ “Nếu bạn đọc được dòng chữ này thì có nghĩa là vợ tôi đã bị ngã”. Nhất định tôi phải tìm một cái tương tự cho Vincent mới được. Thế là sau khi lượn khắp năm mươi cửa hàng, đầu óc tôi quay cuồng vì liên tục nhìn ngó tứ phía, óc tôi như bốc hỏa vì tôi không sao nhớ nổi tên những chỗ mình đã tự nhủ sẽ quay lại, quá tải trước vô số lựa chọn, ý định trong tôi bắt đầu trở thành điều gây sức ép cho chính tôi.

Đến lúc tôi thấy mệt lắm rồi, mà chính xác là tôi mệt thật ấy chứ, nên tôi quyết định quay về.

Bác Elena chưa hoàn toàn sẵn sàng, tôi đã quen với sự chậm trễ gắn chặt với kiểu cách diva của bác rồi, nhưng bác là một diva dịu dàng và cao thượng có một không hai nên như phần còn lại của thế giới, tôi tha thứ cho mọi sự quá đà của bác.

Chúng tôi thẳng tiến đến “La Goulue”, nhà hàng Pháp mà bác yêu thích.

Như thường lệ, bác đã đặt chỗ trước và giải thích rằng bác muốn được ngồi trên một chiếc ghế dài, đặc biệt là không có bàn để giữa phòng, “bác sợ có người ngồi phía sau mình lắm.”

Chúng tôi nói chuyện về mẹ tôi, tôi cảm thấy nhẹ cả người khi chia sẻ được tâm trạng tức tối và bất mãn trong tôi với người nào đó hiểu rõ mẹ tôi và cũng phải chịu đựng bà. Bác là người duy nhất tôi có thể tâm sự vì tôi đã loại bố tôi ra từ khi tôi nhận thấy những nỗi tuyệt vọng của mình chỉ càng khiến ông thêm nặng nề; tôi loại cả Vincent nữa vì anh vốn chẳng chịu nổi mẹ tôi từ lâu rồi, chẳng cần tôi phải đổ thêm dầu vào lửa.

Sau bữa trưa, hai bác cháu tôi đi dạo trên đại lộ Madison.

Tôi nhìn thấy những chiếc bánh ga tô ngon lành trong một cửa hàng bánh, tôi đề nghị mua một ít mang về nhưng bác Elena chẳng bao giờ chịu bước chân vào nơi nào có đèn nê ông sặc sỡ ngay trước cửa, “gu thẩm mỹ mà tồi thế thì chắc là đồ ăn cũng chẳng ngon gì”.

Tôi quay về nhà ngủ trưa một lát để sau đó đi chơi, tôi sẽ đi cùng Justine đến một buổi lễ và tôi muốn cảm thấy khỏe khoắn trong người.

Tôi đến đón Justine ở chỗ làm của cậu ấy, nằm giữa góc phố 47 và đại lộ 5.

Đó là một cái sảnh gồm có nhiều quầy bán đồ nữ trang nối tiếp. Chỉ khác ở mỗi cái tên treo trên mỗi quầy. Bố mẹ Justine sở hữu bốn quầy như vậy nên tôi tìm được cậu ấy không chút khó khăn.

Lúc lại gần, tôi không bị những món nữ trang hoành tráng thu hút mà là một chiếc máy tính cũ kỹ đặt ngay giữa chiếc bàn nhỏ, phía sau quầy. Tôi tưởng tượng ra cảnh Justine đang viết cho tôi, và tôi cảm thấy xúc động hơn mình tưởng.

Cô ấy giới thiệu tôi với bố mẹ và anh trai mình, tôi tán gẫu năm phút với họ, cố tỏ ra duyên dáng hết mức có thể, rồi chúng tôi đi.

- Tớ hy vọng mình làm họ hài lòng...

- Dĩ nhiên rồi.

- Thật chứ? Thế thì tớ vui lắm!

- Cậu làm tớ buồn cười đấy. Cậu kết hôn rồi cơ mà! Sao cậu lại phải bận tâm đến ý kiến của bố mẹ bạn bè làm gì nhỉ?

- Hôn nhân chẳng có nghĩa lý gì ở đây cả. Vả lại kết hôn hay không thì tất cả chúng ta cũng đều như nhau mà thôi. Sự bất an đâu có biến mất vì lý do ta đeo nhẫn cưới.

- Được rồi, tớ xin khẳng định: cậu đã làm họ hài lòng. Ngay cả mẹ tớ cũng có vẻ thích cậu.

- Đó là vì tớ có vẻ biết điều. Các bà mẹ đều yêu quý tớ. Đúng hơn là mẹ của những người khác.

- Mẹ cậu cũng yêu quý cậu, tớ chắc chắn đấy. Có điều cách thể hiện của bà hơi điên loạn chút thôi. Cậu có muốn mình nói chuyện đó không?

- Thôi, tớ muốn được thoải mái.

- Được rồi. Chúng ta có rất ít thời gian. Cậu muốn đến quán bar Royalton làm một ly không?

- Không phải đó là nơi cậu gặp bạn trai cũ của cậu và bạn gái anh ta đấy chứ?

- Đúng là nơi đó đấy. Suy cho cùng thì ai mà biết được, nếu tớ còn thích tới nơi ấy thì cậu sẽ có cơ hội chứng kiến cảnh tớ suy sụp hoàn toàn.

- Cậu có chắc là mình muốn đối mặt với nguy cơ đó không?

- Nhưng cũng không thể có chuyện tớ thay đổi thời gian biểu của tớ vì anh ta. Vả lại tớ đã khiến anh ta tức điên rồi! Dù sao thì anh ta cũng đang ở trong Căn phòng Lãng quên và ta sẽ không bao giờ phải nghe nhắc đến anh ta nữa.

- Cậu có lý, chúng ta đi thôi.