Anne Tóc Đỏ Làng Avonlea

Anne Tóc Đỏ Làng Avonlea - Chương 18: Một chuyến phiêu lưu trên đường bảo thủ




“Cô Anne,” Davy ngồi trên giường, hai tay chống cằm, “cô Anne ơi, giấc ngủ ở đâu? Mọi người đi ngủ mỗi đêm, và đương nhiên cháu biết giấc ngủ là nơi để cháu làm những điều cháu mơ ước, nhưng cháu muốn biết nó ở đâu, làm sao cháu đến đó rồi quay về mà chẳng biết tí gì về nó cả... mà còn mặc đồ ngủ nữa chứ. Nó ở đâu vậy?”

Anne đang quỳ bên cửa sổ chái Tây nhìn bầu trời hoàng hôn tựa như một bông hoa lớn với cánh hoa nghệ tây và nhụy hoa màu vàng chói lọi. Cô quay lại khi nghe câu hỏi của Davy và lơ đãng đáp,

“Qua dãy núi trên mặt trăng,

Dưới thung lũng của bóng tối.”

Paul Irving sẽ hiểu ý của cô, hoặc tự rút ra ý tưởng của mình; nhưng Davy là một cậu bé thực tế như Anne thường thất vọng nhận xét, chẳng có chút xíu trí tưởng tượng nào nên nó chỉ bối rối và bực tức.

“Cô Anne, cháu nghĩ cô chỉ toàn nói vở vẩn.”

“Đương nhiên là thế rồi, cậu bé đáng yêu. Cháu không biết là chỉ những người rất ngu si mới nói chuyện có lý mọi lúc mọi nơi sao?”

“Ồ, cháu nghĩ cô nên trả lời hợp lý khi cháu hỏi một câu hỏi có lý,” Davy lộ vẻ tổn thương.

“Ôi, cháu còn bé quá chẳng hiểu được đâu,” Anne nói. Nhưng cô cảm thấy khá xấu hổ khi nói vậy, vì chẳng phải chính cô, luôn ghi khắc những lần bị lờ đi tương tự thời thơ ấu, đã long trọng thề rằng sẽ không bao giờ nói với bất cứ đứa trẻ nào rằng nó còn quá nhỏ để hiếu một điều gì đó? Thế mà giờ cô lại làm đúng như vậy... đôi khi khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế quá xa nhau.

“Ồ, cháu đang cố hết sức để lớn lên đây,” Davy nói, “nhưng đó là chuyện không thể quá hấp tấp được. Nếu bà Marilla không quá keo giữ khư khư hũ mứt thì cháu tin là cháu còn lớn nhanh hơn nữa.”

“Bác Marilla không keo, Davy à,” Anne nghiêm giọng. “Cháu thật vô ơn khi nói thế.”

“Có một từ khác ý y hệt vậy nhưng nghe lịch sự hơn, nhưng cháu không nhớ ra,” Davy nhăn tít trán. “Hôm nọ cháu nghe bà Marilla tự nhận mình như thế mà.”

“Nếu cháu muốn nói là tiết kiệm thì đó hoàn toàn khác hẳn với keo đấy nhé. Tiết kiệm là một đức tính tốt. Nếu bác Marilla keo kiệt thì bác ấy sẽ không nhận nuôi cháu và Dora khi mẹ cháu qua đời đâu. Cháu có thích sống với bàWiggins không?”

“Ôi, cô có thể cược là cháu không thích rồi!” Davy hoàn toàn chắc chắn về điều đó. “Cháu cũng không muốn đến chỗ cậu Richard nữa. Cháu thích sống ở đây hơn nhiều, ngay cả nếu bà Marilla khá là tiết-tiết gì đấy với hũ mứt, vì có cô ở đây, cô Anne ạ. Nói xem, cô Anne, cô sẽ kể truyện cho cháu trước khi cháu ngủ nhé? Cháu không muốn nghe truyện cổ tích, cổ tích chỉ dành cho bọn con gái thôi, cháu muốn truyện gì hồi hộp hơn kia... nhiều chém giết và bắn nhau ấy, nhà bốc cháy và những chuyện thú vị tương tự.”

Thật may cho Anne, bà Marilla gọi cô từ trong phòng.

“Anne, Diana nháy tín hiệu liên tục kìa. Cháu đi xem nó cần gì đi.”

Anne chạy sang chái Đông và nhìn thấy ánh sáng từ cửa sổ phòng Diana chấp chới xuyên qua ánh chiều chạng vạng, năm lần mỗi lượt, theo mật mã tuổi thơ của họ, điều đó có nghĩa là, “Hãy sang đây ngay vì tớ có chuyện quan trọng cần nói.” Anne quấn khăn choàng trắng lên đầu rồi hấp tấp đi qua rừng Ma Ám, băng ngang góc đồng cỏ của ông Bell để tới dốc Vườn Quả.

“Tớ có tin tốt cho cậu đây, Anne ạ,” Diana nói. “Hai mẹ con tớ vừa từ Carmody về, và tớ gặp Mary Sentner ở Spencervale trong cửa hàng của ông Blair. Cô ta nói mấy bà cô già nhà Copp trên đường Bảo Thủ có một cái đĩa men Trung Hoa trông y hệt như cái đĩa chúng ta dùng ở bữa tối từ thiện. Cô ta nói họ rất có thể sẽ bán nó, vì Martha Copp chẳng bao giờ giữ lại thứ gì mà cô ta có thể bán cả, nhưng nếu họ không bán thì còn một cái đĩa khác ở nhà Wesley Keyson ở Spencervale, và cô ta biết họ muốn bán, nhưng không chắc liệu nó có cùng kiểu như của cô Josephine hay không.”

“Mai tớ sẽ đi ngay đến Spencervale,” Anne cương quyết, “và cậu phải đi với tớ. Nếu được thì đúng là nhẹ cả người, vì ngày mốt tớ phải ra tỉnh và làm sao tớ có thể nhìn mặt cô Josephine của cậu nếu không có cái đĩa men xanh? Chuyện ấy còn tệ hơn cái lần tớ phải thú tội là đã nhảy trên cái giường trong phòng dành cho khách.”

Hai cô gái phá lên cười trước kỷ niệm ngày cũ... và nếu có bất cứ độc giả nào tò mò không biết, thì xin hãy tham khảo câu chuyện thời thơ ấu của Anne.

Trưa hôm sau, hai cô gái lên đường bắt đầu chuyến săn tìm đĩa cổ. Spencervale cách đó mười dặm và thời tiết chẳng dễ chịu lắm cho việc đi lại. Trời rất nóng và không có gió, bụi đường nhiều kinh khủng sau sáu tuần không mưa.

“Ôi, tớ ước gì trời sẽ sớm mưa,” Anne thở dài. “Mọi thứ đều khô như ngói. Những cánh đồng tội nghiệp nhìn thật đáng thương, và hàng cây như đang vươn tay ra khẩn cầu trời mưa. Còn khu vườn của tớ nữa, mỗi lần ra vườn tớ lại thấy đau lòng. Tớ cho rằng mình không nên than phiền vì một khu vườn trong khi vụ mùa của nhiều nông dân đang bị tàn phá. Ông Harrison nói đồng cỏ của ông ấy khô cháy đến mức mấy con bò cái chẳng tìm được chút gì để ăn, và ông ấy cảm thấy mình tàn ác với thú vật quá mỗi khi nhìn vào mắt chúng.”

Sau chuyến đánh xe mệt mỏi, hai cô gái đến Spencervale và quẹo vào đường “Bảo Thủ”... một con đường đơn độc rợp bóng cây, cỏ mọc giữa những vệt bánh xe cho thấy nơi đây hiếm có người qua lại. Dọc theo phần lớn con đường là hàng cây vân sam non um tùm mọc tràn cả xuống đường, đôi chỗ lại điểm xuyết khoảng ruộng phía sau một trang trại vươn ra sát hàng rào, hay những gốc cây rực màu cỏ lá liễu và hoa roi vàng.

“Vì sao nó lại có tên là đường Bảo Thủ nhỉ?” Anne hỏi.

“Ông Allan nói việc này chẳng khác gì gọi một nơi là rừng khi nơi đó chẳng có một cái cây nào,” Diana nói, “Vì chẳng có ai ngoài chị em nhà Copp và ông già Martin Bovyer ở đầu bên kia sống trên con đường này, mà bọn họ đều theo đảng Tự do cả. Chính quyền đảng Bảo thủ làm con đường này khi họ nắm quyền, chỉ để cho thấy là họ có làm cái gì đó.”

Cha của Diana theo đảng Tự do, đó là lý do cô và Anne không bao giờ bàn luận chuyện chính trị. Những người ở Chái Nhà Xanh luôn luôn theo đảng Bảo thủ.

Cuối cùng hai cô gái cũng đến nhà của chị em Copp... một nơi ngân nắp sạch sẽ đến mức Chái Nhà Xanh cũng phải thấy xấu hố. Ngôi nhà xây theo kiểu rất xưa, nằm trên một cái dốc, chính vì vậy ở một đâu nhà phải xây móng bằng đá. Ngôi nhà và các công trình phụ đều được quét vôi trắng đến mức hoàn hảo, lóa cả mắt, không thấy bóng dáng một ngọn cỏ dại nào trong khu vườn ngăn nắp bao quanh bởi hàng rào sơn trắng.

“Mành cửa kéo xuống hết cả,” Diana thất vọng. “Tớ nghĩ chả có ai ở nhà.”

Quả thật là như vậy. Hai cô gái ngẩn ngơ nhìn nhau.

“Tớ chẳng biết phải làm gì nữa,” Anne nói. “Nếu tớ biết chắc cái đĩa đúng là loại mình cần tìm thì tớ không ngại đợi đến khi họ về đâu. Nhưng nếu không phải thì có thể sẽ muộn quá không kịp đến nhà Wesley Keyson.”

Diana nhìn vào một ô cửa sổ nhỏ phía trên tầng hầm. “Đó là cửa sổ phòng lương thực, tớ chắc đấy,” cô nói, “Vì nhà này y hệt như nhà cậu Charles ở Newbridge, và họ cũng để phòng lương thực ở đó. Mành cửa không hạ xuống, nên nếu chúng ta leo lên nóc cái chuồng nhỏ kia thì có thể nhìn xuống phòng lương thực và may ra thì thấy được cái đĩa. Cậu nghĩ thế có hại gì không?”

“Chắc không sao đâu,” Anne dứt khoát sau khi đã suy nghĩ kỹ, “Vì động cơ của chúng ta không phải là tò mò rảnh hơi.”

Khi đã giải quyết xong vấn đề đạo đức quan trọng, Anne chuẩn bị leo lên “cái chuồng nhỏ” nói trên, một công trình bằng gỗ; mái nhọn, có thuở từng được dùng để nuôi vịt. Các cô gái già nhà Copp đã từ bỏ việc nuôi vịt... “bởi vì chúng là loại ở dơ”... nên cái chuồng bị bỏ hoang vài năm, chỉ dùng làm nơi cho gà mái đẻ. Dẫu được quét vôi trắng kỹ lưỡng, nó cũng đã khá xiêu vẹo và Anne cảm thấy hơi lo lắng khi cô leo lên từ điểm tựa là một cái thùng đặt trên một hộp gỗ.

“Tớ sợ là nó không chịu nổi sức nặng của tớ,” Anne rón rén đặt chân lên nóc chuồng.

“Tựa vào bệ cửa sổ ấy,” Diana khuyên và Anne nghe theo. Nhòm qua mặt kính, cô hết sức vui sướng thấy cái đĩa men xanh Trung Hoa đúng loại cô cần tìm đang nằm trên cái kệ ngay trước cửa sổ. Cô chỉ nhìn thấy được như vậy trước khi thảm họa ập đến. Trong lúc vui sướng, Anne quên béng chỗ đặt chân bấp bênh của mình, vô ý không tựa vào bệ cửa sổ mà bốc đồng nhảy lên mừng rỡ... và ngay sau đó cô bị rơi thụt xuống mái tới tận nách, và cứ treo lơ lửng ở đó không sao thoát ra được. Diana chạy vào chòi vịt, ôm lấy eo cố kéo người bạn xui xẻo của mình xuống.

“Úi... đừng,” Anne đáng thương hét tướng lên. “Có mấy cái dằm dài đâm vào tớ. Cậu xem có đặt được vật gì đó dưới chân tớ không... có lẽ nhờ đó mà tớ chui ra được.”

Diana vội vã kéo cái thùng nói ở trên tới và Anne nhận ra nó vừa đủ cao để bảo đảm cho chân cô trụ vững. Nhưng cô vẫn không chui ra được.

“Nếu tớ bò lên thì có kéo cậu ra được không?” Diana đềnghị.

Anne lắc đầu tuyệt vọng.

“Không... mấy cái dằm đâm đau quá. Nếu kiếm được rìu thì cậu có thể phá chúng để cứu tớ ra. ôi trời ơi, giờ thì tớ thực sự tin rằng mình được sinh ra dưới một ngôi sao xấu.”

Diana lục tung lên nhưng không tìm ra cái rìu nào.

“Tớ phải đi tìm người giúp đỡ thôi,” cô nói, quay lại với kẻ tù nhân bất đắc dĩ.

“Không, đừng, cậu đừng đi,” Anne kịch liệt phản đối. “Nếu cậu làm vậy thì câu chuyện sẽ lan ra khắp nơi và tớ sẽ xấu hổ không dám chường mặt ra mất. Không, chúng ta phải đợi đến khi các bà cô nhà Copp về nhà và buộc họ giữ bí mật. Họ sẽ biết chỗ cất rìu và giúp tớ thoát ra. Tớ không khó chịu lắm đâu, miễn là tớ đứng yên không động đậy... ít nhất là không khó chịu trên cơ thể, ý tớ là vậy. Tớ tự hỏi các cô gái nhà Copp có coi trọng cái chuồng này không. Tớ sẽ phải trả tiền cho những thiệt hại mình đã gây ra, nhưng tớ không phiền, chỉ cần chắc chắn là họ hiểu rõ động cơ của tớ khi nhòm qua cửa sổ phòng lương thực của họ thôi. Niềm an ủi duy nhất của tớ là cái đĩa đó đúng loại tớ cần, và nếu cô Copp chịu bán nó cho tớ thì tớ sẵn sàng chấp nhận những gì đã xảy ra.”

“Nếu các bà cô nhà Copp đến tối... hoặc đến mai mới về thì sao?” Diana hỏi.

“Nếu lúc hoàng hôn mà họ vẫn chưa về thì chắc cậu phải đi nhờ giúp đỡ thôi, tớ nghĩ vậy,” Anne miễn cưỡng, “nhưng cậu không cần đi khi chưa thực sự cần thiết. Ôi trời ơi, tình cảnh này thật khủng khiếp. Tớ không phiền nếu những nỗi bất hạnh của tớ lãng mạn một chút, như những bậc anh thư trong truyện của bà Morgan đấy, nhưng bất hạnh của tớ toàn là thứ nhảm nhí mà thôi. Nghĩ xem các bà cô nhà Copp sẽ nghĩ thế nào khi họ đánh xe vào sân, thấy đầu và vai của một cô gái thò ra khỏi nóc chuồng vịt nhà họ.

Nghe kìa... một chiếc xe hả? Không, Diana, tớ nghĩ là tiếng sấm đấy.”

Không nghi ngờ gì nữa, đó là tiếng sấm, Diana sau khi rảo bước một vòng quanh căn nhà đã quay lại tuyên bố: một đám mây đen kịt đang ùn ùn kéo tới ở phía Tây Bắc.

“Tớ nghĩ sắp có một cơn mưa dông lớn,” cô kêu lên tuyệt vọng. “Ôi Anne ơi, chúng ta phải làm sao đây?”

“Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng,” Anne bình tĩnh nói. Một cơn mưa dông chỉ là thứ vặt vãnh sau những chuyện vừa xảy ra. “Tốt nhất cậu nên đánh xe ngựa vào cái kho mở đằng kia. Thật may là trên xe có dù của tớ. Này... cầm theo cái mũ của tớ đi. Bác Marilla bảo tớ thật ngốc khi đội chiếc mũ đẹp nhất để đi đến đường Bảo Thủ, và bác ấy đã đúng, như từ trước đến giờ.”

Diana tháo ngựa và đánh xe vào kho, vừa lúc những hạt mưa to đùng đầu tiên rơi xuống. Cô ngồi đó quan sát trận mưa như trút nước, làn mưa dày nặng đến mức cô chỉ thấy Anne lờ mờ, tay dũng cảm cầm cây dù che trên mái đầu trần. Sấm sét không nhiều lắm, nhưng cơn mưa vui vẻ rơi suốt gần một tiếng đồng hồ. Thỉnh thoảng Anne ngả dù ra sau một chút rồi vẫy tay khích lệ bạn, nhưng xa như vậy thì không thể nào trò chuyện được. Cuối cùng cơn mưa cũng tạnh, mặt trời ló dạng và Diana băng qua khoảnh sân sũng nước.

“Cậu có ướt lắm không?” cô lo lắng hỏi.

“Ồ không,” Anne vui vẻ đáp. “Đầu và vai tớ khá khô ráo, còn váy tớ chỉ ẩm một chút khi mưa luồn qua vách ván. Đừng thương hại tớ, Diana ạ, vì tớ chẳng để tâm gì chuyện ướt át đâu mà. Tớ cứ nghĩ cơn mưa này thật tốt quá, khu vườn của tớ chắc đang vui sướng lắm đây, và tớ tưởng tượng những đóa hoa và mầm cây nghĩ gì khi những giọt mưa bắt đầu rơi. Tớ tưởng tượng ra một đoạn đối thoại cực kỳ thú vị giữa cây cúc tây, cây đậu ngọt, chim hoàng yến hoang ẩn trong bụi tử đinh hương cùng với vị thần giám hộ khu vườn. Khi về nhà tớ sẽ viết nó ra. Tớ ước gì có bút chì và giấy để ghi ngay lúc này, vì tớ dám chắc là tớ sẽ quên khá nhiều khi về đến nhà đấy.”

Diana, người bạn trung thành, có đem theo bút chì và phát hiện một tờ giấy gói trong một cái hộp trên xe ngựa. Anne gấp cây dù ướt sũng lại, đội mũ vào, trải tấm giấy gói trên một tấm ván Diana chuyên lên và viết câu chuyện lãng mạn về khu vườn của mình trong hoàn cảnh khó có thể coi là thích hợp cho văn chương. Dù sao chăng nữa, kết quả khá là tuyệt vời và Diana “thích mê” khi Anne đọc cho cô nghe.

“Ôi Anne, thật đáng yêu quá... đáng yêu quá. Hãy gửi nó tới báo Phụ nữ Canada đi.”

Anne lắc đầu.

“Ồ không, không hợp đâu. Không có cốt truyện, cậu thấy đấy. Chỉ là một chuỗi tưởng tượng mà thôi. Tớ thích viết những đoạn văn như thế, nhưng đương nhiên, chẳng hềthích hợp để đăng báo, vì các biên tập viên đòi phải có cốt truyện, Priscilla nói vậy đấy. Ồ, cô Sarah Copp đã về rồi kìa. Làm ơn, Diana, đi giải thích cho tớ đi.”

Cô Sarah Copp có thân hình nhỏ bé, mặc bộ đồ màu đen tồi tàn, đội chiếc mũ theo phong cách che mưa gió chứ không phải để ăn diện màu mè. Cô ngạc nhiên như đã dự đoán khi nhìn thấy hoạt cảnh kỳ lạ trong sân, nhưng khi nghe xong lời giải thích của Diana, cô hết sức thông cảm. Cô vội vẵ mở cửa sau, lôi cây rìu ra và sau vài cú bổ ngoạn mục, Anne đã được giải phóng. Anne có chút mệt mỏi và người cứng đờ, mau chóng chui ra khỏi nhà tù trở lại kiếp tự do, lòng đầy biết ơn.

“Cô Copp,” cô chân thành nói. “Cháu bảo đảm với cô là cháu nhòm vào cửa sổ phòng lương thực chỉ để xem cô có cái đĩa sứ men xanh hay không. Cháu không nhìn bất cứ thứ gì khác... cháu không tìm bất cứ thứ gì khác.”

“Chúa ban phước lành, mọi chuyện ổn rồi mà,” cô Sarah thân thiện nói. “Cháu đừng lo, không có gì tai hại cả. Tạ ơn Chúa, những người nhà Copps luôn giữ ngăn nắp phòng lương thực nên chúng tôi chẳng thấy phiền nếu có ai nhòm vào. Còn về cái chòi vịt cũ đó, tôi mừng vì nó bị sụp, có lẽ giờ thì Martha sẽ đồng ý giật sập nó. Trước đây chị ấy không muốn vì e là nó còn dùng được vào dịp nào đó; và tôi phải sơn trắng lại nó mỗi mùa xuân. Nhưng thà cãi với đầu gối còn hơn tranh luận với Martha. Bữa nay chị ấy ra tỉnh, tôi đánh xe đưa chị ấy ra ga. Thế cháu muốn mua đĩa của tôi à? Vậy cháu trả bao nhiêu?”

“Hai mươi đô,” Anne đáp vì chưa bao giờ bàn việc làm ăn với một người nhà Copp, nếu có thì cô đã không nói thẳng giá ngay từ đầu như vậy.

“Ồ, để xem xem,” cô Sarah dè dặt. “May là cái đĩa là của tôi, nếu không tôi không đời nào dám bán nó khi Martha vắng mặt. Bởi vì dám chắc là chị ấy sẽ làm trận làm thượng cho coi. Martha là bà chủ của nơi này, tôi cho các cháu biết thế. Tôi đã chán khủng khiếp khi phải sống cảnh vâng vâng dạ dạ với một người phụ nữ khác rồi. Nhưng mời vào, mời vào, chắc các cháu mệt và đói lắm. Tôi sẽ pha trà ngon nhất có thể, nhưng nói trước là các cháu đừng hy vọng gì hơn ngoài món bánh mì bơ và dưa chụt. Martha đã cất hết bánh ngọt, pho mát và mứt trước khi đi. Chị ấy luôn làm thế vì cho rằng tôi quá phung phí mỗi khi có khách.”

Các cô gái đã đói meo nên sẵn sàng chén sạch bất cứ thứ gì, và họ đã thưởng thức nhiệt tình bánh mì bơ ngon tuyệt cùng với món “dưa chụt” của cô Sarah. Khi xong bữa, cô Sarah nói,

“Tôi không biết tôi có muốn bán cái đĩa không, Nhưng nó có giá đến hai mươi lăm đô đấy. Nó đã xưa lắm rồi.”

Diana đá nhẹ chân Anne dưới bàn, ý muốn nhắc nhở, “Đừng có đồng ý, nếu cậu cứng tay một chút thì cô ấy sẽ bán với giá hai mươi đô thôi.” Nhưng Anne không muốn mạo hiểm tí nào với cái đĩa quý giá đấy. Cô lập tức đồng ý trả hai mươi lăm đô và cô Sarah có vẻ tiếc nuối vì không đòi tới ba mươi.

“Ồ, vậy thì cháu cứ lấy đi. Tôi cần phải gom tiền càng nhiều càng tốt. Sự thật là...” - cô Sarah hất đầu vẻ quan trọng, đôi má hóp ửng hồng tự hào - “... tôi sắp lập gia đình, với Luther Wallace. Anh ấy muốn cưới tôi từ hai mươi năm trước. Tôi rất thích anh ấy nhưng lúc đó anh ấy nghèo nên cha tôi đã đá anh ấy đi. Tôi cho rằng tôi không nên ngoan ngoãn mà bỏ anh ấy đi như thế, nhưng tôi quá nhát và sợ cha. Hơn nữa, tôi không biết đàn ông lại chẳng kiên trì đến thế.”

Khi đã đi được một khoảng an toàn, Diana đánh xe còn Anne cẩn thận ôm cái đĩa quý giá trên đùi, con đường Bảo Thủ tĩnh mịch xanh mướt tươi tắn sau cơn mưa, sinh động hơn hẳn bởi tiếng cười giòn tan của hai cô gái.

“Mai ra tỉnh tớ sẽ làm bà Josephine của cậu cười ngất với 'câu chuyện sôi động lạ kỳ' về buổi chiều hôm nay mất thôi. Chúng ta đã khá vất vả, nhưng giờ tất cả đã xong xuôi. Tớ có được cái đĩa và cơn mưa làm bụi lắng xuống một cách tuyệt vời. Thật là 'một kết thúc mỹ mãn'.”

“Chúng ta chưa về đến nhà đâu,” Diana có vẻ bi quan, “và không biết được còn chuyện gì có thể xảy ra trước khi chúng ta về đến nhà. Cậu đúng là một người có máu phiêu lưu, Anne ạ.”

“Phiêu lưu dường như là máu thịt của một số người,”Anne tỉnh như không. “Hoặc có năng khiếu, hoặc là không.”