Anna Karenina

Anna Karenina - Quyển 5 Chương 25




- Thế nào bác Kapitonich? - Xerioja, mặt đỏ bừng vui thích sau cuộc dạo chơi hôm trước sinh nhật, hỏi lão gác cổng già khi lão cởi áo khoác cho nó và đứng cao sừng sững, mỉm cười nhìn xuống chú bé. - Cái ông viên chức đeo băng có đến không? Ba có tiếp ông ta không?

- Có. Khi ông chánh văn phòng ra về, tôi đã vào báo với ông nhà tiếp ông ta, - lão gác cổng vui vẻ nháy mắt nói với chú bé. Cậu để tôi cởi áo cho nhé. - Xerioja! - viên gia sư người Xerbi đứng trên ngưỡng cửa thông sang các gian buồng gọi. - Em hãy cởi áo lấy một mình!

Nhưng Xerioja không chú ý đến những lời đó, mặc dầu đã nghe thấy cái giọng nhỏ nhẻ của ông gia sư: chú bé đứng đó, nắm lấy dây lưng lão gác cổng và nhìn thẳng vào mặt lão.

- Thế ba có làm giúp những việc ông ta cần không?

Lão gác cổng gật đầu. Ông viên chức đeo băng đã bảy lần đến thỉnh cầu Alecxei Alecxandrovich việc gì đó, làm Xergei và lão gác cổng phải chú ý. Một hôm Xerioja gặp ông trong phòng chờ và nghe thấy ông ta nài nỉ van lơn, nhờ lão gác cổng báo xin tiếp kiến, nếu không ông chỉ còn cách cùng chết với lũ con.

Từ hôm đó, sau một lần gặp nữa tại phòng chờ, Xerioja quan tâm đến ông ta.

- Ông ta có hài lòng lắm không? - chú bé hỏi.

- Tôi chắc là có! Ông ta ra khỏi đây như muốn nhảy cẫng lên.

- Có ai mang gì lại đây không? - Xerioja hỏi, sau khi nín lặng hồi lâu.

- Thưa cậu, có ạ, - lão gác cổng gật đầu nói nhỏ với chú bé, - của nữ bá tước gửi đến.

Xerioja hiểu ngay đó là quà của nữ bá tước Lidia Ivanovna tặng nó nhân kỉ niệm ngày sinh.

- Bác bảo sao hả? Đâu?

- Kornây đưa lên phòng của ba rồi. Chắc là một đồ chơi đẹp lắm!

- To chừng nào? Bằng này nhé?

- Không, nhỏ hơn, nhưng đẹp lắm.

- Sách à?

- Không đồ chơi. Thôi, cậu đi đi, Vaxili Lukich gọi cậu đấy, - lão gác cổng nói vậy khi nghe thấy tiếng chân ông gia sư. Lão nhẹ nhàng gỡ bàn tay bé nhỏ đã tuột nửa găng ra ngoài, đang bím lấy dây lưng lão và nháy mắt ra hiệu chỉ về phía gia sư Lukich.

- Vaxili Lukich, em đến ngay đây, - Xerioja trả lời với nụ cười vui vẻ và âu yếm bao giờ cũng làm xiêu lòng thầy Vaxili Lukich nghiêm khắc. Xerioja đang sung sướng quá nên không thể không chia xẻ với ông bạn gác cổng niềm vui của gia đình mà đứa cháu gái nữ bá tước vừa cho chú biết trong khi dạo chơi ở vườn hoa mùa hè. Chú bé thấy niềm vui đó càng lớn hơn vì nó trùng hợp với niềm vui của ông viên chức và niềm vui của bản thân chú khi được biết có người mang đồ chơi đến tặng. Xerioja thấy hôm nay hình như mọi người đều phải được sung sướng và hài lòng.

- Bác có biết ba được thưởng huân chương Alecxandr Nevxki không?

- Tất nhiên có biết chứ! Người ta đến chức mừng ông rồi đấy.

- Ba có thích không?

- Được Nga hoàng ban ơn thì ai mà chả thích. Ông nhà xứng đáng được như vậy, - lão gác cổng nói giọng nghiêm trang và trịnh trọng.

Xerioja vừa ngẫm nghĩ, vừa ngắm khuôn mặt lão gác cổng mà chú thuộc đến từng nét nhỏ nhất, nhất là cái cằm lơ lửng giữa hai chòm râu má hoa râm, điều không ai nhận thấy trừ Xerioja vì bao giờ chú bé cũng nhìn ông bạn từ dưới lên.

- Con gái bác đến thăm bác đã lâu chưa?

Con gái lão gác cổng ở trong đội vũ balê.

- Ngày thường nó không có thì giờ lại đâu. Nó cũng phải học chứ. Thôi mời cậu đi học bài đi.

Bước vào phòng, đáng lẽ ngồi xuống học bài thì Xerioja lại bảo gia sư là nó đoán người ta đã mang đến cho nó một cái đầu tàu hoả.

- Thầy bảo có đúng không? - nó hỏi.

Nhưng Vaxili Lukich đang nghĩ tới việc chuẩn bị bài ngữ pháp cho vị giáo sư sẽ đến đây hồi hai giờ.

- Không, thưa thầy, - nó đột nhiên hỏi sau khi ngồi vào bàn học, tay cầm quyển sách, - thầy bảo cho em biết trên huân chương Alecxandr Nevxki còn có huân chương gì nữa? Thầy biết là ba vừa được thưởng huân chương Alecxandr Nevxki chứ?

Vaxili Lukich trả lời còn có huân chương Thánh Vladimia.

- Thế to hơn nữa là huân chương gì?

- Thánh Andrei.

- Thế cao hơn huân chương Thánh Andrei là gì?

- Tôi không biết.

- Sao kia, cả thầy cũng không biết à? - và Xerioja tì khuỷu tay xuống bàn, triền miên suy nghĩ.

Những ý nghĩ đó thuộc loại phức tạp và linh tính nhất. Chú bé tưởng tượng đủ điều, nào là ba chú cùng một lúc được hưởng cả huân chương Thánh Vladimia lẫn huân chương Thánh Andrei, nào là hôm nay ông sẽ dễ dãi hơn nhiều đối với bài học và bản thân chú, nào là khi lớn lên, chú cũng sẽ được hưởng mọi thứ huân chương, kể cả những huân chương sẽ đặt ra cao hơn huân chương thánh Andrei nữa. Hễ họ đặt ra huân chương nào là chú sẽ xứng đáng được thưởng ngay huân chương đó. Họ sẽ đặt ra những huân chương ngày càng cao hơn và chú sẽ lập tức xứng đáng được thưởng ngay mọi huân chương đó.

Thời gian trôi theo những ý nghĩ đó và khi giáo sư đến, bài học về những bổ từ thời gian, địa điểm và trạng thái, chú vẫn chưa thuộc và giáo sư chẳng những không bằng lòng mà còn buồn phiền. Vẻ buồn rầu của giáo sư làm Xerioja xúc động. Chú không cảm thấy mình có lỗi: dù cố gắng thế nào, chú cũng không thể học thuộc được bài; khi giáo sư giảng, chú thấy hình như mình hiểu cả, nhưng khi còn lại một mình, quả thực chú không sao hiểu nổi tại sao một chữ ngắn như vậy và dễ hiểu như vậy, chẳng hạn chữ "bỗng nhiên" lại được mệnh danh là "bổ từ trạng thái"; nhưng chú vẫn hối hận vì đã làm phiền lòng giáo sư. Chú chọn lúc giáo sư đang lẳng lặng tìm gì đó trong quyển sách:

- Thầy Mikhain Ivanovich, sinh nhật của thầy vào ngày nào ạ? - chú đột nhiên hỏi.

- Em hãy nghĩ đến việc học của em thì hơn; ngày hội không có gì quan trọng đối với một người đứng đắn. Đó cũng là một ngày phải làm việc như mọi ngày thôi.

Xerioja chăm chú nhìn giáo sư, nhìn bộ râu thưa thớt, cặp kính tuột xuống mũi của ông và suy nghĩ miên man đến nỗi lần này chú hoàn toàn không nghe thấy những lời ông giảng. Chú biết giáo sư không nghĩ đúng như ông nói, chú cảm thấy thế qua giọng ông khi thốt ra lời đó.

"Nhưng tại sao họ lại cứ đồng tình nói giống hệt nhau những chuyện buồn tẻ và vô ích như vậy với mình? Tại sao ông ta lại xa lánh mình? Tại sao ông ta không yêu mình?", đứa bé buồn rầu tự hỏi mà không tìm nổi câu trả lời.