Anh Chàng Mộ Bên

Anh Chàng Mộ Bên - Chương 46




Chúng tôi gặp nhau ngày một thưa dần.

Cô ấy không thể mượn xe hơi của cô bạn được nữa, vì hình như nó đã bị bán, nên tôi phải đến chỗ cô ấy, hoặc là cô ấy đi xe buýt tới nông trại. Ngày trong tuần chỉ có một chuyến xe vào lúc bảy giờ rưỡi tối. Vậy nên cô ấy có mặt ở nông trại vào khoảng tám giờ rưỡi, trong khi tôi phải lên giường lúc mười giờ. Tôi hiếm khi nào đến được nhà cô trước tám giờ tối, nên muộn vẫn hoàn muộn. Nếu tôi ngủ lại, tôi sẽ phải thức dậy lúc năm giờ sáng.

Một tiếng rưỡi mỗi lần, một hoặc hai lần mỗi tuần. Không tính những tuần cô ấy phải đi công tác.

Trong khi chúng tôi cần phải có nhiều ngày để đào xuyên qua lớp bông đùa trên bề mặt. Tôi không thể hỏi “Liệu chúng ta có thể có một tương lai bên nhau không?” ngay khi cô ấy vừa mới treo áo măng tô lên giá.

Tôi quên tính những dịp cuối tuần. Thỉnh thoảng cô ấy đến nông trại và ở lại cả ngày. Đó là những lúc chúng tôi cãi cọ, hoặc cố tránh không cãi nhau, nhưng tình thế cũng vô cùng mệt mỏi.

Nhưng rồi tôi cũng thiếu những ngày ấy nốt. Ba kỳ cuối tuần vừa rồi, cô ấy hết đi hội thảo rồi lại đi học, và đi dự những thứ có trời mới biết. Tôi đã nghĩ có khi mình phải bắt đầu hẹn cô ấy ngoài nghĩa trang trở lại.

Tôi đã đưa cô đến dự một lễ hội ở làng, như một phép thử. Giữa cô ấy và Violet vẫn là sự lạnh lùng, nhưng những người khác thích cô ấy. Đa phần trong số họ đã quá tuổi năm mươi. Cuộc trò chuyện diễn ra hăng say đến nỗi tôi sợ là cô ấy đang giới thiệu cho bọn họ những cuốn sách cần đọc, nhưng hình như mọi người chỉ nói về lịch sử của ngôi làng. Một sự quan tâm chân thành từ cả hai phía thì không hại gì, hơn nữa tôi biết hàng xóm láng giềng chỉ mong tôi sớm yên bề gia thất. Chuyện này khiến tôi xúc động. Trong mắt của chúng tôi, khi nông trại cuối cùng đóng cửa thì ngôi làng cũng sẽ chết – chúng tôi đều cảm thấy như thế trong thâm tâm. Nó sẽ trở thành một khu ngoại ô thành phố.

Tôi còn nhớ mình ngồi ôm cốc bia hình dung ra cảnh nông trại Rowan bị biến thành nhà nghỉ cho công nhân viên một công ty tin học nào đó.

Dì Aima và dượng Gunnar là hai người bạn cũ của mẹ tôi. Họ đã mời chúng tôi đến nhà uống cà phê.

“Cháu rất tiếc. Nhưng cháu không thể đi được. Ba giờ chiều mai cháu phải bay đi Uppsala.” Désirée nói.

Thế đấy.

Khi một mình làm việc ở chuồng bò, tôi tự nhủ mình chỉ còn ba lựa chọn, và cần phải quyết định nhanh chóng:

Một: Tôi cố thuyết phục Désirée bỏ thành phố về sống cùng tôi. Tôi biết cô ấy không hề có ý định đó – cô ấy sẽ tỏ ra khó chịu nếu bị tôi hỏi.

Hai: Tôi bán nông trại, dọn vào thành phố và ngồi canh ấm cà phê nóng cho đến khi cô ấy quay về từ Uppsala. Tôi cũng không hề có ý định này.

Và ba: Tôi nhìn thẳng vào sự thật, để từ bỏ một kế hoạch không thể tiến hành đến cùng. Sau đó tôi tìm cho mình một người vợ có thể dành ra nhiều hơn ba tiếng đồng hồ mỗi tuần với tôi. Bởi vì khả năng thứ tư mà tôi không muốn nghĩ đến, đó là trở thành lão già độc thân. Giống như Lars, người vẫn được gọi là cậu Nilsson, mặc dù anh ta đã bốn mươi sáu tuổi. Anh ta sống với bà mẹ già, nuôi vài con gia súc lấy thịt và làm việc bán thời gian ở công ty cung cấp thiết bị nông nghiệp. Lars đã lắp một chảo ăng ten vệ tinh khổng lồ, nhận những bưu phẩm “bảo đảm riêng tư” qua bưu điện và chỉ sống vì những chuyến đi săn gà rừng. Ngoài những thứ đó ra, tôi không thấy anh ta có mối quan tâm đặc biệt nào khác. Thỉnh thoảng anh ta có ghé qua nông trại Rowan với lý do vớ vẩn nào đấy và ngồi chơi khoảng ba tiếng. Nếu Désirée có mặt, chúng tôi sẽ thở dài sườn sượt khi từ sau lớp màn cửa trông thấy xe hơi của Lars tiến vào sân nhà.

Không, không đời nào tôi giống Lars. Cậu Söderström, năm mươi ba tuổi… tôi sẽ làm mọi thứ để thoát khỏi điều đó. Giờ thì thời gian đã bắt đầu gấp gáp.

Có lẽ Désirée cũng cảm thấy một chút khấp khởi của một gã trai già độc thân khi cô ấy đến gặp tôi. Cô ý thức được tất cả những hy vọng đó và hất cằm, vờ như chỉ muốn chơi bời. Nàng Tôm bé nhỏ vừa mới qua thời son rỗi không lâu và không hề sợ sống một mình cuộc đời bận rộn của một thị dân.

Những khi tôi đưa nàng vào giường - chuyện này càng lúc càng trở nên hiếm hoi – tôi như có hòn đá trong bụng. Vì cô ấy vẫn cứ trắng lốp, nóng ấm và yêu kiều như trước. Tôi còn bảo cô ấy: “Anh mà chết sớm là tại em đấy! Tuổi thọ trung bình của đàn ông độc thân thấp lắm!”. Và khi cô ấy ra sức gồng mình né tránh câu trả lời, cô ấy không hiểu là hồi chuông báo màn cuối đang reo vang.

-