Anh Chàng Mộ Bên

Anh Chàng Mộ Bên - Chương 2




Khỉ thật, tôi không tài nào ưa nổi cô nàng đó, thật sự tôi không thể ưa nổi cô ta!

Làm sao mà lúc nào cô ta cũng ngồi đó kia chứ?

Tôi có thói quen ngồi một lúc trên băng ghế sau khi chăm sóc mộ phần, để ngẫm nghĩ đôi chút. Tôi cố tìm ra một chút gì đó để mà bấu víu vào, thứ cho phép tôi sống thêm một hay hai ngày nữa. Ở nông trại, khi tôi cuống cuồng làm cho hết những công việc phải làm, tôi chẳng phải suy nghĩ gì. Nếu không chú tâm vào công việc, một thảm họa nho nhỏ sẽ xảy ra, khiến tôi mất thêm một ngày lao động. Húc máy cày vào một tảng đá, thế là đi đời trục sau. Quên đeo cái chắn nước tiểu cho con bò sữa nên nàng ta bị viêm vú.

Đến viếng mộ là nguồn dưỡng khí duy nhất của tôi, nhưng ngay cả ở đây tôi cũng khó lòng tự cho mình có cái quyền được nghỉ ngơi và suy nghĩ. Đầu tiên tôi phải xới đất, trồng cây, nhổ cỏ cái đã, rồi mới cho phép mình ngồi xuống.

Thế rồi tôi thấy cô ta ngồi đó, nhợt nhạt như một tấm ảnh cũ bạc màu sau nhiều năm bày trong khung kính. Mái tóc vàng đã ngả màu, nước da mai mái, lông mày và lông mi bạc phếch, trang phục nhạt nhẽo và héo úa, lúc nào cũng độc một màu xanh lơ hoặc màu be. Một cô nàng tẻ nhạt. Cả con người cô ta là một sự ngạo mạn – một chút trang điểm hoặc một món nữ trang xinh xắn là đủ cho người xung quanh biết cô ta có quan tâm đến bản thân, thế nhưng làn da tái nhợt của cô ta chỉ như muốn nói với tôi rằng: “Tôi không cần biết anh nghĩ gì. Tôi thậm chí còn chẳng trông thấy anh”.

Tôi thích những phụ nữ có ngoại hình như muốn thốt lên: “Nhìn em đây này, xem em có gì để dâng hiến đây này!”. Nhìn mà sướng tê người. Bọn họ môi son đỏ thắm, chân đi giày cao gót buộc dây thanh lịch, ngực ưỡn ra ngay trước mũi bạn. Có hề gì nếu môi son hơi nhòe nhoẹt, nếu chiếc váy chật eo, nếu mấy hạt ngọc trai giả to tướng có xô lệch đôi chút ở cổ - chẳng ai có gu thẩm mỹ hoàn hảo cả, nhưng ít ra cũng cần phải có nỗ lực. Tôi luôn bị chinh phục khi nhìn thấy một cô nàng trẻ trung, chắc đã dành cả nửa ngày để chăm chút làm đẹp hòng được người khác chú ý, nhất là khi các nàng đeo móng tay giả, nhuộm đến cháy tóc và đi những đôi giày cao gót cao vỡ mặt. Những thứ đó làm tôi muốn ôm họ vào trong vòng tay, vỗ về và tâng bốc.

Đương nhiên tôi không làm thế rồi. Tôi nhìn thấy những cô gái như thế ở bưu điện hoặc ở ngân hàng, nhưng toàn nhìn từ xa thôi. Cánh nữ giới hay lui tới nông trại là những cô kỹ thuật viên gieo tinh cho bò, hoặc bác sĩ thú y. Quấn mình trong tấm tạp dề cao su màu xanh dài thượt, chân mang ủng, tóc quàng khăn, họ vung vẩy ống tinh trùng bỏ chạy cùng khắp cánh đồng. Họ luôn quá bận rộn nên chẳng thể ngồi lại uống cà phê – ngay cả khi tôi có thời gian để vào nhà chuẩn bị.

Mẹ tôi không ngừng kêu ca mấy năm vừa rồi để buộc tôi ra ngoài tìm cho mình một cô gái. Cứ như là họ đang đứng sẵn đâu đó ngoài kia, một tốp những cô gái ngoan hiền mà người ta chỉ việc lựa chọn. Muốn đi săn thỏ thì cũng phải vác súng đi tìm chứ, đúng không…

Bà biết trước tôi rất lâu về căn bệnh ung thư đang từ từ ăn ruỗng cơ thể bà từ bên trong. Và một mình tôi sẽ phải xoay xở với không chỉ toàn bộ những công việc của nông trại, mà tất tần tật những gì bà đã đảm trách ngày này qua tháng nọ: một nếp nhà ấm cúng, khăn trải giường sạch bong, bộ đồ bảo hộ lao động được giặt mỗi ngày, những bữa ăn sáng ngon miệng lúc nào cũng có cà phê nóng và bánh mới ra lò. Đằng sau tất cả những cái đó là cả núi công việc mà tôi đâu có ý thức được – đống củi phải chặt, bình nước nóng phải bật, chỗ quả rừng phải hái, quần áo phải giặt. Những nhiệm vụ mà hiện tại tôi chẳng bao giờ có đủ thời gian để hoàn thành. Bộ quần áo bảo hộ không ai chăm chút, dính đầy phân và sữa đóng cục, khăn trải giường ngả màu, ngôi nhà lạnh lẽo khi bước vào, còn cà phê thì chỉ còn là một tách nước nóng có màu. Và ngày qua ngày, độc một món xúc xích hiệu Scan chết tiệt – sản phẩm của ngành chăn nuôi Thụy Điển – với độ sống chín tùy hứng trong lò vi sóng.

Bà có thói quen mở phần sau của tờ Nhà nông, ngay chỗ có mục tìm bạn bốn phương, và đặt cạnh tách cà phê của tôi. Đôi khi bà còn khoanh tròn một mẩu rao vặt. Nhưng bà chẳng bao giờ nói thẳng ra.

Điều mà mẹ tôi không biết, đó là làm gì còn những cô gái trẻ trung ngồi đợi ở sàn vắt sữa, sẵn sàng trở thành bà nội trợ của một Anh – chàng – độc – thân – quyến – rũ – quê – mùa – chính – hiệu.

Các nàng đã bỏ lên thành phố hết cả rồi, và giờ họ đã là cô giáo hoặc y tá. Họ đã làm vợ đám thợ cơ khí hoặc thương buôn, và mơ đến chuyện làm chủ một ngôi nhà có vườn. Đôi khi các nàng đưa đấng phu quân về đây trong dịp hè, cùng với bọn trẻ tóc vàng hoe thích chí nằm ườn trên chiếc ghế dài trong sân nông trại của bố mẹ.

Carina, cô nàng đã theo đuổi tôi suốt mấy năm trung học và chuyên thẹn thùng bỏ chạy khi người ta tán tỉnh, cũng từng mai phục tôi ở tiệm tạp hóa vài lần. Tiệm mở trong suốt mùa hè, nếu may thì còn cầm cự thêm được vài năm nữa. Cô nàng nhảy bổ vào tôi nhưng giả vờ như cả hai tình cờ gặp mặt, rồi hỏi han xem tôi đã vợ con gì chưa. Giờ thì cô ta đã tếch lên thành phố cùng với Stefan, quản lý ở một cửa hàng Domus, theo lời tuyên bố hí hửng của cô ta, với hi vọng thấy tôi nhỏ vài giọt nước mắt tức tối vì hỏng ăn. Nhưng cứ ngồi đấy mà đợi!

Cô nàng có nước da mai mái kia chắc cũng có nhà bố mẹ để hè về nằm ườn. Hy vọng thoát được cô ta trong vài tuần. Mặc dù vào mùa hè thì tôi chẳng có thời gian để đến đây, trừ phi trời mưa dầm dề. Nhưng mưa thế thì hỏng cả vụ mùa mất.

Lại còn cái phiến đá mà cô ta cứ nhìn đắm đuối không rời nữa! Trông nó thế nào nhỉ? Nhìn như là ban quản lý nghĩa trang vứt đại ở đó để đánh dấu mộ phần vậy!

Chính mẹ tôi đã chọn bia mộ cho bố tôi. Đồng ý là nó khoa trương, nhưng tôi thấy ở nó tất cả tình yêu thương của bà. Mẹ tôi đã ra đây hàng mấy tuần lễ, hỏi xin đủ thứ catalog. Ngày nào bà cũng có một ý tưởng trang trí mới, và rốt cuộc bà đã giữ lại tất cả.

Ӧrjan. Là bố, anh trai, hay chồng cô ta? Mà đã nhọc sức ra đây mỗi ngày để ngồi đó nhìn tấm đá, ít ra cô ta cũng nên bỏ chút công sức ra trồng cái gì đó trên mộ chứ.