Án mạng "Chuột Chín Đầu"

Án mạng "Chuột Chín Đầu" - Chương 2: Chuột Chín Đầu bị giết




Ngõ Tiên Hà trên đường Đại Tây do đồn công an Trấn Bình của phân cục đường Đại Tây trực thuộc cục công an thành phố Trấn Giang quản lý, đạp xe từ bến tàu qua đó cũng không xa lắm. Lúc này trời hãy còn nhá nhem, đèn đường vẫn sáng. Mục Dung Hán thầm nghĩ nếu giờ này mà đến thẳng nhà của Hoàng Kế Sỹ thì hơi sớm, chi bằng mình đến đồn công an Trấn Bình ngồi chờ một lúc. Dù sao thì lần này cũng chỉ là đến cho mời chứ không phải bắt người, không cần phải làm căng lên.



Ba công an trực đêm của đồn công an Trấn Bình vẫn chưa hết ca, người dẫn đầu là phó đồn trưởng Tiểu Mã. Tiểu Mã là người Lai Dương, Sơn Đông, năm nay 20 tuổi, xuất thân là nhân viên bán hàng, thực ra là đoàn viên ngầm. Trước khi quân giải phóng xuống nam chuẩn bị chiến dịch vượt sông thì địa phương đã kêu gọi các thanh niên tích cực báo danh tham gia đoàn cán bộ xuống nam. Tiểu Mã ghi danh, được phân vào đại đội thứ hai của trung đoàn vượt sông xuống nam, đi theo đại đội trưởng Hà Băng Hạo tiếp quản Trấn Giang, được tổ chức phân cho làm phó đồn trưởng đồn công an Trấn Bình. Đại đội trinh sát tung đội chín sở tại của Mục Dung Hán từng trú đóng cùng đại đội thứ hai của trung đoàn vượt sông xuống nam một thời gian, nên cũng quen biết Tiểu Mã.



Tiểu Mã thấy Mục Dung Hán mới sáng sớm đã ghé qua, còn tưởng là bên thành phố có nhiệm vụ khẩn cấp gì. Sau khi nghe xong lý do Mục Dung Hán đến đây thì Tiểu Mã mỉm cười bảo anh cứ thủng thẳng, ăn sáng xong hãy gọi người tình nghi tới cũng không muộn, lại bảo công an Tiểu Trương cùng ca trực với mình đi mua bánh nướng, quẩy và sữa đậu nành. Tiểu Trương ra ngoài xong thì Tiểu Mã lại nhờ người công an khác là lão Hồng đi tìm tài liệu hộ tịch của Hoàng Kế bính để giới thiệu sơ qua về tình huống của người này cho Mục Dung Hán rõ.



Thật ra lão Hồng chẳng cần nhìn tài liệu hộ tịch cũng có thể đọc vanh vách ra, bởi vì anh ta là hàng xóm của Hoàng Kế Sỹ. Lão Hồng cũng xem như dân gốc ở ngõ Tiên Hà này, gia đình anh ta đã ở trong con ngõ cũ xưa đó ba đời. Anh ta nói với Mục Dung Hán rằng ông nội của mình năm đó là quan ngũ phẩm Thanh triều, ông chú thì là thương nhân nổi tiếng ở Trấn Giang khi đó. Trước kia hơn phân nửa ngõ Tiên Hà đều là đất của nhà anh ta. Sau cách mạng Tân Hợi thì gia đạo nhà họ Hồng suy tàn, đất đai cũng bán đổ bán tháo đi, cuối cùng chỉ còn lại hai căn tiểu viện có cửa đối diện nhau của lão Hồng và ông anh họ. Tiểu viện mà Hoàng Kế Sỹ đang ở là do người cha vợ Hoàng Chuẩn Đình đã qua đời của hắn ta mua lại từ nhà họ Hồng.



Hoàng Chuẩn Đình là ông chủ cửa hàng bán tương có tiếng ở Trấn Giang, lúc cô con gái duy nhất của ông là Hoàng Thải Vân tròn 20 tuổi thì Hoàng Chuẩn Đình đã mua căn nhà ở ngõ Tiên Hà này làm quà cho con gái ở. Không bao lâu sau, Hoàng Thải Vân được một dược sĩ quê Hồ Bắc đang làm trong bệnh viện giáo hội Trấn Giang để ý, nhờ người tới mai mối. Nhưng Hoàng Chuẩn Đình chỉ có mỗi cô con gái này nên nhất quyết đòi bắt rể. Người dược sĩ kia lập tức đồng ý. Sau đó hai vợ chồng cũng sống luôn ở ngõ Tiên Hà. Một năm sau Hoàng Thải Vân sinh được một cô con gái, hai năm sau lại sinh thêm cậu con trai, ngôi nhà từ hai người trở thành bốn người. Nào ngờ, năm thứ 5 sau khi kết hôn, dược sĩ nọ mắc bệnh lao, chạy chữa không khỏi nên đã qua đời.



Hoàng Thải Vân trở thành quả phụ, ở ngõ Tiên Hà nuôi hai đứa con. Nhờ sức của cha cô, nên tuy rằng cô không có nghề nghiệp gì nhưng cũng sống rất thoải mái. Hoàng Thải Vân thủ tiết nuôi con suốt 10 năm, đến năm 1940 thì cô đã 35 tuổi. Lúc này cha cô mới đánh tiếng muốn con gái tái hôn. Cũng từ lúc này mà nhà họ Hoàng mới xảy ra biến hóa. Mẹ của Hoàng Thải Vân đã mất vì bệnh từ 3 năm trước, năm nay Hoàng Chuẩn Đình cũng đã gần lục tuần, trước đó không bao lâu vừa khám ra ông bị bệnh thận nặng, chắc cũng không còn nhiều thời gian nữa.



Nên Hoàng Thải Vân bắt đầu nhờ bà mai sắp xếp đối tượng, vẫn là quy tắc cũ – nhà trai phải ở rể, ngoài ra còn có thêm quy tắc mới là nhà trai phải đổi sang họ Hoàng.



Điều đầu tiên thì dễ rồi, nhưng điều thứ hai thì phải bàn lại. Nhưng Hoàng Thải Vân ấy à, ỷ vào hai ưu thế lớn của mình là “tài” và “mạo” nên quyết không lùi bước, nhất định phải đồng ý với cả hai điều kiện này thì cô ta mới chịu cân nhắc. Cũng vì thế cho nên dù mấy bà mai đều có bản khua môi múa mép như thật, nói một đống phân chó thành cục vàng ròng đi chăng nữa, nhưng nhà trai người ta đều không muốn đổi họ thì cũng đành chịu.





Sau này cuối cùng cũng có một người đàn ông chấp nhận điều kiện của Hoàng Thải Vân. Đối phương là người An Huy, độc thân chưa lập gia đình, làm môi giới thủy sản. Hai bên vừa gặp mặt, Hoàng Thải Vân rất hài lòng với tuổi tác, tướng mạo và lời lẽ của đối phương nên lập tức quyết định chuyện cưới xin.



Nhưng nhà trai cũng có điều kiện, ấy chính là không muốn rêu rao, không đăng báo như thói quen lưu hành khi ấy, cũng không muốn bày tiệc linh đình, trong nhà đặt hai bàn tiệc rượu để mời bạn bè họ hàng bên nhà gái là được.



Điều này cũng đúng ý nhà gái, hai bên thống nhất với nhau. Ngày 29 tháng 10 năm 1940, hai người cử hành một hôn lễ đơn giản, môi giới thủy sản tên khai sinh Chung Kế Sỹ đổi họ thành Hoàng Kế Sỹ, trở thành ông chồng thứ hai của Hoàng Thải Vân.



Khi đó Trấn Giang đang nằm trong quyền thống trị của chính quyền Ngụy Nhật, quản lý hộ khẩu dân cư rất nghiêm. Quy định cư dân từ vùng khác đến Trấn Giang cư ngụ trong vòng nửa năm thuộc diện trú quán (nhận nơi cư ngụ làm quê quán), cũng tức là hộ khẩu tạm thời, ngay cả màu thẻ lương dân cũng khác với cư dân bản địa, trú quán tròn nửa năm sẽ chuyển thành nguyên quán, tức hộ khẩu bản địa.



Lúc ấy lão Hồng đã làm cảnh sĩ cấp một trong đồn cảnh sát của Nhật Ngụy. Anh ta học đến năm hai cấp 2 thì nghỉ học, ở thời điểm đó cũng xem như người có văn hóa nên làm việc quản lý hộ tịch ở phân cục cảnh sát Ngụy. Sau khi Hoàng Kế Sỹ vừa ở rể không bao lâu thì Hoàng Thải Vân tìm lão Hồng nhờ anh ta giúp chồng mình làm hộ khẩu.



Lão hồng nhớ tài liệu mà Hoàng Kế Sỹ đưa ra lúc đó là: Một tờ chứng minh hộ khẩu của cục cảnh sát trấn Vô Thành huyện Vô Vi tỉnh An Huy, lại còn là một năm trước kháng chiến. Hoàng Kế Sỹ giải thích là năm đó sau khi rời quê thì không quay về nữa. Một phần khác là nghiệp đoàn môi giới thủy sản do thương hội thành phố Trấn Giang của Ngụy đã đưa ra giấy chứng minh nghề nghiệp của Hoàng Kế Sỹ. Còn một phần là chứng minh hộ tịch của đồn cảnh sát trấn Cam Lộ huyện Trấn Giang, cho thấy Hoàng Kế Sỹ khi đó đã là cư dân nguyên quán của trấn. Dựa theo quy định, lão Hồng phải xác minh ba phần tài liệu này. Huyện Vô Vi thì đương nhiên là không đến được rồi, có thể miễn kiểm tra. Nhưng nghiệp đoàn môi giới thủy sản và trấn Cam Lộ thì vẫn phải đi một chuyến. Chẳng qua vì Hoàng Thải Vân hối thúc gấp quá, mà vợ của lão Hồng khi ấy vừa sinh con đầu, trong nhà còn biết bao việc nên mới rút gọn thủ tục này, trực tiếp kết thúc cho Chung Kế Sỹ đổi tên thành Hoàng Kế Sỹ, ngụ tại nhà số 73 ngõ Tiên Hà của Hoàng Thải Vân. Sau đó lại làm giấy chứng minh lương dân cho Hoàng Kế Sỹ. Xong xuôi Hoàng Thải Vân còn tặng riêng cho lão Hồng hai điếu thuốc lá thơm Hatamen.



Sau khi hai người bọn họ kết hôn thì cuộc sống gia đình cũng tạm xem như êm ấm, năm 1944 Hoàng Thải Vân lại sinh thêm một cu cậu. Hoàng Kế Sỹ vẫn luôn làm môi giới ở ngoài bến thủy sản, ngoài ra nghe đâu hắn ta còn đầu tư vào nghành khác nữa, nhưng chắc là không lời lãi gì nhiều.




Với thân phận cảnh sát của lão Hồng, nếu như Hoàng Kế Sỹ đầu tư mà trúng đậm hoặc bay hết vốn liếng thì mấy lời đồn trên phố chắc chắn không thoát khỏi tay anh ta. Vậy tại sao sau khi giải phóng Trấn Giang thì Hoàng Kế Sỹ lại không làm gì nữa, ngay cả công việc tốt như môi giới thủy sản đang làm ngon lành cũng bỏ ngang?



Lão Hồng nói lúc điều tra hộ khẩu thì anh ta đã hỏi thẳng Hoàng Kế Sỹ, đối phương giải thích là do mắc bệnh suyễn.



Làm môi giới thủy sản thì cứ 2 - 3 giờ sáng là phải chạy tới bến tàu làm việc ngay ngoài trời, còn phải nhảy từ chiếc thuyền này qua đến chiếc thuyền kia, một buổi chợ sớm ít thì cũng phải kiểm hàng của hai ba chục chiếc thuyền đánh cá rồi định giá, vừa lạnh vừa ẩm ướt như thế khiến hắn không chịu được. Làm bao nhiêu năm nay, cộng thêm thu hoạch từ mấy lần đầu tư vào việc khác trước kia, trong tay Hoàng Kế Sỹ cũng có chút vốn liếng. Ngoài ra Hoàng Thải Vân cũng hay ngăn không cho hắn làm tiếp, nên cuối cùng mới quyết định nghỉ ở nhà.



Lúc nói đến đây thì có tiếng bước chân dồn dập vọng vào, một người dân thở hồng hộc chạy thẳng vào đồn công an: “Không... Không xong rồi... Giết người!!”



Lão Hồng nhìn kỹ thì hóa ra là hàng xóm Triệu Hữu Tài cùng ngõ Tiên Hà của mình nên đưa một ly nước qua, miệng bảo: “Anh đừng gấp, uống miếng nước cho bình tĩnh lại rồi kể rõ đầu đuôi cũng không muộn.”




Triệu Hữu Tài nhấp hai hớp nước, vừa nói rõ tình hình ra thì Mục Dung Hán giật mình suýt chút nữa đã nhảy dựng lên – Hoàng Kế Sỹ đã bị người ta giết chết.



Ngày 23 tháng 4 năm 1949 Trấn Giang giải phóng, một tuần sau - tức là ngày 1 tháng 5 Hoàng Kế Sỹ đột nhiên quyết định nghỉ làm ở nghiệp đoàn môi giới thủy sản. Từ đó về sau gần như không ra khỏi cửa, suốt ngày chỉ ru rú ở trong nhà. Nội dung cuộc sống hàng ngày của hắn ta đúng chuẩn nhàn rỗi: Sáng sơm thức dậy đánh một bài Thái Cực, luyện khí công, uống trà thưởng rượu, chăm hoa nhổ cỏ, tỉa tót mấy chậu cảnh, đọc báo, nghe đài, nếu không thì viết chữ hoặc vẽ tranh. Cứ kéo dài như thế cho đến cuối tháng 9 thì lại có một chuyện xảy ra, làm đảo lộn hết tiết tấu sinh hoạt yên bình của Hoàng Kế Sỹ.




Ngày 1 tháng 10, Bắc Kinh cử hành lễ khai quốc, dựa theo trung ương thống nhất bố trí, phàm là những thành phố đã giải phóng, cùng ngày hôm đó đều phải tổ chức quần chúng nghe phát thanh về buổi lễ và tổ chức diễu hành chúc mừng ngay tại quảng trường chính, thành phố nào có điều kiện còn có thể đốt chút pháo hoa cho bầu không khí thêm sôi động. Thành phố Trấn Giang lúc đó đã kết thúc lịch sử làm tỉnh lị Giang Tô của nó, chỉ là một thành phố dưới cơ quan hành chính Tô Nam, điều kiện tương đối kém, không thể đốt pháo hoa, nhưng diễu hành thì nhất định không thể thiếu được.



Diễu hành lại không thể đi tay không, trước mỗi đội ngũ đều phải có biểu ngữ tuyên truyền, hoành phi, trong tay mỗi người đều cầm một lá cờ giấy đỏ rực hình chữ nhật được viết thêm vài khẩu hiệu tuyên truyền. Lúc ấy chẳng có nhiều người làm công tác văn hóa phổ biến, ủy ban dân cư ngõ Tiên Hà không đủ người làm nên chợt nhớ tới Hoàng Kế Sỹ. Nên một bác gái bên ủy ban mới tới nhà mời, nào ngờ lại bị Hoàng Kế Sỹ uyển chuyển từ chối.



Chủ nhiệm ủy ban dân cư là lão Trầm đành phải tự mình ra mặt. Lão Trầm xuất thân quân Tân Tứ, năm đó quân Tân Tứ mở cứ địa Mao Sơn, ông là thanh niên nhiệt huyết nên đã tham gia phá tan tuyến phong tỏa của Nhật Ngụy, từng làm nhân viên cảnh vệ của Vương Tất Thành. Hai năm sau bị thương nên được đưa đến Tô Châu dưỡng thương, sau khi lành lại thì một chân bị tật nên đành ở lại Tô Châu, đến khi Trấn Giang giải phóng thì mới trở về. Lúc ấy, những người có kinh nghiệm như ông đều được mọi người kính trọng, nên lão Trầm vừa ra mặt thì Hoàng Kế Sỹ chỉ có thể nghe theo.



Hoàng Kế Sỹ vốn tưởng rằng làm xong công việc ở ủy ban dân cư là xong, nào ngờ lại hết việc này đến việc khác, đảng chấp chỉnh đưa ra chính sách, vận động lẫn phát động gì cũng được, phải ra sức tiến hành tuyên truyền với quần chúng nhân dân. Hoàng Kế Sỹ đã thể hiện bản lĩnh thư pháp cùng với mấy bức họa không tệ của mình, khiến cho mấy người lão Trầm nhớ rõ. Nên sau khi lễ chúc mừng khai quốc vừa hoàn thành thì hoạt động tuyên truyền “giúp đỡ tiền tuyến, giải phóng đại tây nam” lập tức bắt đầu. Lần này không cần lão Trầm phải tới cửa nữa, người tới là một cậu thanh niên chuyển lời, thông báo cho Hoàng Kế Sỹ đến khu chính phủ tham gia hoạt động tuyên truyền. Lần này thì Hoàng Kế Sỹ lại bận bù đầu, hơn hai tuần liền, ngày nào cũng đi sớm về muộn, đôi khi bận đến khuya phải ngủ lại khu chính phủ.



Đối với Hoàng Thải Vân mà nói, chồng được chính phủ nhân dân “bắt đi làm việc” chỉ là do bất đắc dĩ, mặc dù trong lòng hơi khó chịu nhưng vẫn không tiện mở miệng. Sau khi tân Trung Quốc thành lập, loại người xuất thân từ giai cấp bóc lột như cô chỉ có thể nhắm mắt nghe theo. Ngày hôm qua, 8 giờ sáng Hoàng Kế Sỹ đã ra ngoài, nói là đến khu chính phủ giúp bố trí hội trường, còn phải chuẩn bị hoành phi, biểu ngữ để diễu hành chúc mừng Quảng Châu giải phóng, có thể sẽ về muộn một chút, nếu làm muộn quá có thể sẽ ngủ lại khu chính phủ. Nên đêm đó Hoàng Thải Vân cũng không lo lắm khi thấy chồng mình không về. Sáng sớm hôm nay, Hoàng Thải Vân và ba đứa con còn đang say giấc thì bị một tràng đập cửa làm sực tỉnh. Cô vội vàng khoác quần áo xuống giường, chạy nhanh ra ngoài, còn chưa mở cửa đã cao giọng hỏi người bên ngoài là ai.



Người bên ngoài đáp: “Chị Hoàng ơi, có chuyện rồi! Ông nhà chị bị người ta giết rồi!”



Hoàng Thải Vân giật mình hoảng sợ, mở cửa ra xem, đập vào mắt chính là ông chồng của mình nằm bên cửa, người toàn là máu!