Ai Đó (Mỗ Mỗ)

Chương 25: Lật Thuyền




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.



Đúng vậy, có gì đâu mà phải cuống?



Thịnh Vọng lặng thinh.



Nét mặt câu hơi ngơ ngác, có vẻ không trả lời được.



Dưới tầng, Thịnh Minh Dương đẩy cửa bước vào, chìa khoác được đặt lên nóc tủ ngoài huyền quan phát ra tiếng động khẽ. Ông thay đôi dép đế mềm, tiếng bước chân lẹp bẹp kéo dài từ phòng khách vào trong bếp.



Một lát sau có tiếng mở cửa, trong phòng bếp thêm một tiếng bước chân nữa.



Có lẽ do đêm khuya thanh vắng, có lẽ vì lưng Thịnh Vọng áp vào cửa, tiếng Giang Âu không cao mà vẫn loáng thoáng chui vào tai cậu.



“Về mà sao không nói tiếng nào, công việc xong chưa?” Giang Âu hỏi.



“Chưa đâu, vẫn phải quay lại.” Thịnh Minh Dương nói. “Có hơi rắc rối.”



“Thế anh ăn cơm tối chưa?”



“Ăn tạm cơm trên máy bay rồi, giờ lại thấy hơi đói, đang định tìm cái gì đó lót dạ.”



“Có canh gà đấy, em hâm nóng cho anh nhé?”



“Đừng, thế ồn lắm.”



Thịnh Minh Dương hạ giọng nói gì đó, đại ý chắc là sợ làm phiền Thịnh Vọng và Giang Thiêm ở trên tầng. Sau đó Giang Âu cũng hạ giọng thì thầm, không còn nghe rõ họ nói gì nữa, tiếng người rầm rì như rất gần mà lại tưởng rất xa.



Chẳng biết Thịnh Minh Dương lấy cái gì trong tủ lạnh ra ăn tạm, không lâu sau họ quay về phòng, căn nhà dần dần quay về im lặng như mọi ngày.



Ngọn tóc xõa trên trán nhỏ nước, Giang Thiêm cầm khăn lau mặt.



Bả vai và cần cổ Thịnh Vọng chậm rãi thả lỏng, giây phút bối rối ban nãy chỉ như thoáng qua, tí đã chẳng thấy đâu. Cậu không nghĩ ra lí do, bèn nói bừa: “Bố tôi dông dài lắm, nếu để ông ấy biết tôi chưa ngủ thì sẽ cằn nhằn cho xem —– Sao giờ này vẫn chưa đi nghỉ hả? Chưa làm xong bài tập hay cắm mặt vào điện thoại đấy?”



Thịnh Vọng đè giọng bắt chước tiếng bố cậu, thoạt nghe giống y như đúc. Cậu bước tới bên bàn học, quen cửa quen nẻo đặt đề thi xuống: “Nếu cậu bảo chưa làm xong bài tập, ông ấy sẽ hỏi khó quá hay nhiều quá, bạn khác cũng thế hay mỗi con vậy thôi? Nếu bảo ôn tập cho kì thi tháng thì ông ấy sẽ hỏi ôn đến đâu rồi, có tự tin hay không. Hỏi xong sẽ nói có áp lực là tốt nhưng không cần đè nặng. Sau đó bắt đầu bóp miệng tôi đổ canh gà vào.”



Bài ca muôn thuở của rất nhiều bố mẹ, Giang Thiêm nghe đến nửa chừng thì không nhịn được phì cười, làm Thịnh Vọng cũng cười theo: “Có phải đau hết cả não không, nếu là cậu thì cậu không cuống chắc?”



Giang Thiêm đặt cốc nước lên bàn, cầm khăn vắt trên cổ lau tóc: “Chú ấy hay nói nhiều thế à?”



“Cũng không hẳn. Bình thường ông ấy bận tới mức chả có thời gian hỏi, khó lắm mới bắt được cơ hội nên rất tích cực quan tâm. Và cả ——” Thịnh Vọng mím môi đắn đo vài giây. “Muốn bù đắp, hiểu chứ?”



Bàn tay lau tóc của Giang Thiêm khựng lại, hắn liếc mắt quan sát gương mặt Thịnh Vọng, nhưng chỉ thấy đối phương đang bận rộn lật những trang đã đánh dấu trong sách bài tập ra, thoạt nhìn tâm trạng không có vấn đề gì hết.



“Nhưng thực ra Thịnh Minh Dương có chỗ không giống rất nhiều bố mẹ, ông ấy không có yêu cầu gì với thành tích của tôi và không bao giờ quát mắng nặng lời. Đổ canh gà xong sẽ phải khen một câu.” Thịnh Vọng cầm trang sách ngẩng đầu nhìn Giang Thiêm và nhại giọng: “Thực lực của Thịnh Vọng nhà mình quá đỉnh, bố tin con.”



Giang Thiêm bước tới góc tường trong tiếng than phiền của cậu, ném khăn vào trong túi giặt quần áo [1] rồi đứng thẳng dậy bảo rằng: “Tưởng phải gọi là Vọng tử chứ.”



[1] Túi giặt quần áo:







“……….”



Thịnh Vọng tức thì câm nín, sắc mặt rối rắm.



Vài giây sau, cậu chỉ vào mặt Giang Thiêm phọt ra một câu: “Im mồm đê.”



Trước giờ chỉ có Giang Thiêm bảo người khác im mồm là nhiều, chứ người khác bảo hắn im mồm thì siêu siêu hiếm. Hắn nhướng mày, gật đầu ngỏ ỷ cố gắng hợp tác.



Thịnh Vọng hài lòng lắm.



Cậu kéo ghế ra ngồi xuống, sau đó chìa quyển Ngân hàng đề thi ra hỏi Giang Thiêm: “Ê, cậu từng làm dạng tương tự 2 câu này chưa?”



Trường trung học trực thuộc không có quy định phát sách ôn tập, toàn là giáo viên các lớp giới thiệu một số sách dựa theo tình hình của học sinh.





Các thầy cô lớp A không ủng hộ chiến thuật biển đề quá mức, phải làm một lượng bài nhất định, nhưng không cần thiết phải lặp lại quá nhiều. Lúc họ giới thiệu sẽ nói sơ qua về ưu điểm và khuyết điểm của mỗi sách ôn tập khác nhau, rồi để học sinh tự chọn.



Nội dung của các sách ôn tập không khác nhau quá quá, chỉ khác ở cách biên soạn và độ khó thôi. Các giáo viên đều nói mua một hai quyển đủ rồi, kết hợp ưu điểm khuyết điểm với nhau, không cần phải làm hết tất cả.



Thế nên có một số vướng mắc mà học sinh này gặp phải không có nghĩa rằng học sinh kia cũng gặp.



Giang Thiêm nhìn lướt qua sách trong tay cậu, khoan thai ngồi xuống bậu cửa sổ.



Thịnh Vọng chờ mãi không thấy trả lời, bèn đá đá dép lê của Giang Thiêm: “Ê.”



Ê – điếc.



Thịnh Vọng lại đá: “Giang Thiêm.”



Giang Thiêm – cũng điếc.



Thịnh Vọng: “……Học bá?”



Học bá – vẫn điếc.



Thịnh Vọng hạ tay cầm sách, chống đầu gối bắt đầu thở dài.



“Đừng im mồm nữa, mở miệng vàng miệng bạc ra đi.” Tình cảnh rất đỗi quen thuộc, cậu nói mà chẳng hề thấy ngượng: “Tôi sai rồi đã được chưa.”



Giang Thiêm rốt cuộc hết điếc, chìa tay nói: “Đưa đề đây tôi xem.”



Thịnh Vọng đập sách vào tay hắn, bĩu bĩu môi nói: “Câu 12, 13, tôi đánh dấu sao ấy.”



“Làm rồi.” Giang Thiêm liếc cái đã biết ngay. “Ý cuối?”



“Ừm, không hiểu lắm.” Thịnh Vọng nói: “Bị kẹt ở chỗ viết công thức.”



“Bị kẹt là bình thường. Ý cuối có hơi vượt kiến thức, phải dùng đến tích.” Giang Thiêm nói.



“Tích gì? Tích nào cơ?” Thịnh Vọng chưa hiểu.



“Vi tích phân.” Giang Thiêm nói.



“Cậu gượm đã.” Thịnh Vọng hỏi: “Là vi tích phân mà tôi biết à? Ở Đại học?”



“Đúng.”



“……”



Câu đệch nghẹn trong cổ Thịnh Vọng.



“Tối nay không còn thời gian thì đừng xem nữa.” Giang Thiêm nói thẳng. “Ít nhất thi tháng lần này sẽ không hỏi tới, các lớp khác đang phấn đấu đẩy nhanh tiến độ học, nhưng trước mắt không đào sâu bằng lớp AB được.”



“Ít nhất? Tức là sau này sẽ thi?” Thịnh Vọng hỏi.



“Miễn là những thứ từng xuất hiện trong kì thi Đại học, trường sẽ cho kiểm tra tất.” Giang Thiêm nói xong bèn lật đáp án và lời giải ở cuối sách, hắn bảo: “Cắt bớt nhiều quá, sao cậu mua quyển này?”



“Quyển này có hệ thống từ cơ bản đến nâng cao ổn hơn những quyển khác, thích hợp để tự học.” Thịnh Vọng tức giận nói. “Thông cảm cho con người đáng thương này một tí đi. Cơ mà giải sơ sài thật. Thôi dù gì quyển này cũng làm xong rồi, bao giờ tôi mua quyển khác bù vào.”



Giang Thiêm ngẫm nghĩ, đặt sách xuống bước tới trước tủ quần áo.



Thịnh Vọng nhìn mà chả hiểu gì, cậu thấy hắn mở một cánh tủ, kéo một hộp đựng đồ ra và lục lọi, sau đó cầm quyển bài tập bìa xanh đưa cho cậu nói: “Quyển này mở rộng sâu hơn.”



Thịnh Vọng nhận sách, nhưng sự chú ý không đặt trong tay mà là trên tủ quần áo.



Tủ quần áo của Giang Thiêm rất lạ, trên thanh ngang treo đầy móc áo trống không nhưng chẳng hề có cái áo cái quần nào. Hai ngăn vuông phía dưới có một ngăn đặt hộp đựng đồ, ngăn còn lại đặt vali hành lý.



Vali hành lý đang mở, quần áo Giang Thiêm thường mắc xếp chồng ở trong, gấp gọn gàng sạch sẽ. Gọn gàng tới mức chỉ cần kéo khóa vali, chủ nhân của những thứ ấy có thể bỏ đi một cách sạch bóng, chẳng để lại dấu vết gì.




“Cậu….” Sau một lúc lâu sửng sốt, Thịnh Vọng ngước mắt nhìn Giang Thiêm. “Cậu thu dọn hành lý làm gì?”



Đột nhiên cậu nhớ tới lúc trước từng nghe phong thanh —– Thịnh Minh Dương nói Giang Thiêm muốn ở kí túc xá, nhưng vướng phải trường học chưa nhận đơn nên tạm thời ở lại đây.



Khi đó cậu ước gì đối phương phắn sớm sớm tí, bây giờ bỗng dưng giở quẻ.



Cậu không biết mình thay đổi suy nghĩ từ khi nào, chỉ biết giây phút trông thấy vali hành lý, cậu trào dâng cảm xúc khó tả.



Giống như những ngày hè thời thơ ấu, mỗi lần cậu hưng phấn theo bố tới công viên giải trí ở ngoại thành, sẽ luôn có hàng loạt cuộc gọi tới máy Thịnh Minh Dương, và thế là mọi niềm vui tắt ngấm, cậu ngoan ngoãn theo người lớn về nhà.



Mặc dù cậu biết chẳng mấy mà lại được đến nữa, nhưng cảm giác thất vọng vào khoảnh khắc ấy vẫn còn mãi.



……Nói cười rồi sẽ quên mất, trái lại nỗi thất vọng bỗng tràn đầy.



“Cậu định đi à?” Thịnh Vọng hỏi.



Giang Thiêm men theo ánh mắt cậu nhìn thoáng qua vali hành lý, hắn lặng im vài giây, sau một lúc lâu hắn nói: “Không phải mới thu dọn, để thế từ trước rồi.”



Lời ấy thốt ra nghe sao mà lạnh nhạt xa cách, Giang Thiêm dừng một lát rồi bổ sung: “Thói quen của tôi thôi.”



“Thói quen của cậu?” Thịnh Vọng hoàn hồn. “Cậu không làm thế ở chính nhà mình đấy chứ?”



“Ừm.” Giang Thiêm thản nhiên gật đầu.



“Vì sao? Bệnh sạch sẽ à, hay rối loạn ám ảnh cưỡng chế gì gì đó?”



“Cho tiện.” Giang Thiêm nói.



Hắn không muốn thảo luận vấn đề này, Thịnh Vọng nhận ra điều ấy nên không hỏi nhiều nữa. Cậu mở quyển sách Giang Thiêm đưa cho mình ra, phát hiện bên trong sạch sẽ tới mức bất ngờ, ngoại trừ một số câu hỏi được khoanh tròn bằng bút đỏ thì không có chữ gì hết.



“Cậu không làm à?” Thịnh Vọng chuyển đề tài.



“Không viết thẳng lên đấy.” Giang Thiêm nói. “Cậu giữ lại mà dùng, làm những chỗ khoanh tròn là được.”



Năng lực của Thịnh Vọng không có gì phải nghi ngờ, nhưng có Giang Thiêm cắt bớt giản lược giúp cậu ôn tập tiết kiệm rất nhiều thời gian, tốc độ chưa bao giờ nhanh tới vậy.



Chuyển tới trường trung học trực thuộc ngần ấy ngày, lần đầu tiên cậu đi ngủ trước 1 giờ.



Cậu nghĩ đây là một điềm lành, chứng tỏ thi tháng lần này sẽ xuôi chèo mát mái, ai ngờ gần đến đầu cầu cậu lại lật thuyền trong mương.



Thi tháng của trường trung học trực thuộc quan trọng hơn thi tuần, chia làm 2 ngày. Ngày đầu tiên kiểm tra văn toán, ngày hôm sau kiểm tra tiếng anh và 2 môn tự chọn. Thịnh Vọng lật thuyền vào buổi sáng ngày hôm sau.




Cuộc thi 8 giờ bắt đầu, cậu ngồi vào phòng thi lúc 7 giờ như mọi ngày. Bởi đã chuẩn bị chu đáo, trạng thái của cậu khá thoải mái, nên không cảm nhận được có điều bất thường.



7 giờ 20 phút, có một nam sinh lạ mặt ló đầu vào hỏi: “Thịnh Vọng có ở đây không?”



Thịnh Vọng ngẩng đầu khỏi vở ghi chép.



Nam sinh nọ vẫy vẫy tay với cậu: “Giáo viên tiếng Anh tìm cậu.”



Thịnh Vọng đút vở vào ngăn bàn, đứng dậy bước tới cửa hỏi: “Chị Tinh tìm tôi? Có chuyện gì thế?”



“Không biết nữa.” Nam sinh nói. “Hình như là thi học sinh giỏi tiếng Anh gì ấy? Bảo cậu tới lấy đề mới.”



“Giờ á?” Thịnh Vọng hỏi.



“Ừa.”



Cậu quay đầu nhìn thoáng qua đồng hồ treo tường ở cuối lớp, vẫn còn nhiều thời gian lắm, bèn toan lên tầng chẳng chút nghi ngờ.



Nam sinh nói: “Không phải trên tầng, ở phòng photo bên kia kìa.”



Cậu ta chỉ về hướng đường số 3 nói: “Chỗ ngay trước vườn tu thân ấy.”




“Trên tầng cũng có phòng photo mà?” Thịnh Vọng khó hiểu. “Sao phải ra tận đường số 3?”



Chuyển tới một thời gian cậu mới phát hiện, 2 phòng nhỏ khóa kín nằm bên cạnh văn phòng trên tầng cao nhất là phòng đặt máy in dành riêng cho giáo viên lớp A dùng để photo đề thi.



Nam sinh lắc đầu nói: “Tôi không biết, chắc máy in bị hỏng. Cậu đi nhanh đi, tôi về phòng thi đây.”



Cậu ta dứt lời bèn đi về phía đầu kia hành lang.



Thịnh Vọng thắc mắc một lúc rồi không rề rà giữa, bước nhanh xuống tầng.



Để tiết kiệm thời gian, cậu đi đường tắt trong vườn tu thân, kết quả một lần đi tắt làm hỏng mọi chuyện. Trên con đường nhỏ trong vườn tu thân, cậu bị hai nam sinh chặn lại, 2 người này không mặc đồng phục không đeo thẻ học sinh, cả người tỏa ra phong cách đầu mấu, nhìn cái biết ngay không phải học sinh trong trường, mà giống như mấy tên du côn đầu đường xó chợ.



Một tên cắt đầu đinh gãi gãi da dầu nói: “Ế, mày tên Thịnh Vọng đúng không? Có biết hôm nay tao tới để làm gì không?”



Gã định dọa nạt trước, chờ Thịnh Vọng đáp “Không biết” sẽ kiếm cớ gây sự.



Ai ngờ Thịnh Vọng không đi theo kế hoạch, gật đầu bình tĩnh đáp: “Biết.”



Đầu đinh sửng sốt, hung tợn hỏi: “Biết? Ồ, thế mày nói tao nghe xem, tao đến để làm gì?”



Thịnh Vọng nở nụ cười, chẳng thèm nể nang tức thì lên gối, nói: “Mày tới tìm đòn.”



Đầu đinh rú lên, bụm háng quỳ mọp. Gã mất hết sức chiến đấu ngay tại chỗ, co quắp lăn lộn trên đất. Tên còn lại thấy thế chửi “Đệch”, nắm đấm xé gió vụt tới Thịnh Vọng.



Thịnh Vọng thầm nói mình đi thi mà đen như chó, thi một lần là một lần đánh nhau, mất công cậu ngày ngày bốc phét mình yếu đuối tay trói gà không chặt.



Mặc dù vừa bắt đầu đã hạ gục một tên, nhưng Thịnh Vọng không thể bứt ra nhanh được.



Cậu tốn bao nhiêu lâu ở vườn tu thân mới thoát được, đối phương bị bầm tím và chảy máu mũi. Đồng phục của Thịnh Vọng dính một đống đất cát, sườn mặt bị cành cây rạch xước da.



Cuối cùng cậu cho đối phương một đạp, cởi đồng phục vắt chân lên cổ chạy về phía tòa nhà Minh Lí, chạy có nhanh mấy vẫn muộn 12 phút.



“Thưa cô.” Lúc Thịnh Vọng bước vào phòng học, giám thị trợn trừng con mắt, xụ mặt nói:



“Thi tháng mà còn đến muộn?! Em làm gì thế hả?”



Bài nghe tiếng anh phát ra từ radio trong phòng đã chạy tới đoạn cuối, Thịnh Vọng quệt sườn mặt, nói: “Đi khám bệnh ạ.”



Giám thị sửng sốt: “Hả? Em bị bệnh gì?”



“Đầu óc bị bệnh ạ.” Thịnh Vọng dứt lời, hỏi: “Thưa cô, em có thể về chỗ không ạ?”



Không biết giám thị tức hay sốc, há miệng chẳng nói nên lời, Thịnh Vọng bèn bước vào lớp.



Sáng bảnh mắt ra đã gặp xui xẻo làm cậu phừng phừng lửa giận, chẳng giả vờ ngoan ngoãn được nữa.



Cậu nhét vội đồng phục vào ngăn bàn, lôi bút bắt đầu đọc đề.



Phần nghe tổng cộng có 2 bài, cậu chẳng vớt vát được câu nào, 3 trang trắc nghiệm trống trơn toét miệng cười với cậu.



20 câu là 20 điểm, lần trước cậu thi vỡ mặt ra mới tăng được 60 điểm, lần này bay thẳng một phần ba.



Mả cha mấy thằng chó chết.



Thịnh Vọng chửi rủa trong lòng, sau đó bắt đầu hành trình gian khổ.



Bài hội thoại thứ nhất tách riêng lẻ, mỗi đoạn là một câu hỏi, tạm thời cậu không làm được. Vì thế cậu mở thẳng tới trang thứ 2, bắt đầu suy nghĩ.



Bài thứ 2 mỗi đoạn hội thoại sẽ tương ứng với hai, ba câu hỏi, cậu cầm bút gạch chân những từ lặp lại. Hai đến ba câu có thể luận ra nội dung cơ bản của đoạn hội thoại, kết hợp vẫn những từ xuất hiện nhiều để tìm ra trọng tâm của hội thoại.



Cậu dùng cách ấy làm hết 15 câu cuối, sau đó quay về trang thứ nhất, thở dài bắt đầu đoán mò.