Dâu nói rằng, tôi đừng sợ...
Dâu nói rằng, em luôn tin tưởng tôi...
Em vẫn như vậy kể cả khi đã biết về những gì tôi cố gắng che giấu. Trên băng ghế đá lạnh lẽo trong công viên, lần đầu tiên tôi kể cho Dâu nghe câu chuyện mà tôi chưa từng nói với ai.
Năm lớp 10, mang dáng vẻ của cậu thiếu niên mới lớn đầy kiêu ngạo, tôi bước vào lớp chọn khối Tự Nhiên. Lớp chọn bao gồm hai nhóm đối tượng: học sinh giỏi, có năng lực và học sinh giàu.
Kiệt là một thằng rất thích cười, nó thân thiện và hiền như cục đất. Chính vì tính cách này mà đầu năm học, nó bị một đám con trai khác trong lớp bắt nạt.
Tôi bắt đầu chơi với Kiệt khi tình cờ bắt gặp cảnh nhóm bắt nạt đứng chắn đường về nhà của nó. Do không thể chịu được cách cư xử của mấy thằng trong đám này nên tôi đã đứng ra bảo vệ Vũ Kiệt. Tôi còn đặc biệt dặn dò nó, lần sau đám nhà giàu đó mà bắt nạt Kiệt, cứ gọi cho tôi!
Khi đã chơi thân với Kiệt, tôi mới biết gia cảnh nhà Vũ Kiệt cũng rất khó khăn, bố nó nghiện cờ bạc, mẹ thì ốm yếu. Một mình Kiệt phải gồng gánh gia đình cùng số tiền trợ cấp hàng tháng ít ỏi. Đám công tử nhà giàu càng dựa vào điều này mà buông những lời khó nghe, khiêu khích Vũ Kiệt trong lớp, đương nhiên là sau đó tôi đã xử lí cả đám để khiến chúng không dám hé thêm một lời nào.
Kiệt và tôi thường hay chơi bóng rổ cùng nhau sau giờ học. Bọn tôi sử dụng môn thể thao này để giải toả căng thẳng đối với bài tập trong đội tuyển Toán. Có một hôm, sân bóng rổ chúng tôi thường tập vào buổi tối lại đóng cửa. Hai đứa mang tâm trạng vô cùng tiếc nuối, đành bàn nhau đi kiếm gì đó bỏ bụng, trên đường đi, chúng tôi đã gặp Đặng Quang Lâm và sân bóng rổ "của nó".
Chúng tôi có khá nhiều kỉ niệm thú vị ở sân bóng rổ này cho đến khi, Vũ Kiệt thay đổi. Nó không còn thoải mái như trước nữa, tính cách cũng trở nên rụt rè hơn. Có vài lần tôi gặng hỏi nhưng Vũ Kiệt lại lảng tránh câu trả lời hoặc tỏ ra khó chịu. Đặc biệt, thời gian làm đề kiểm tra trong đội tuyển Toán khiến nó lo lắng và trở nên cáu gắt hơn.
Mãi sau này tôi mới được nghe mẹ kể lại, hoá ra thời điểm đó, bố Kiệt đánh cờ bạc thua nhiều, khiến nợ nần trong nhà ngày càng tăng, mẹ Kiệt do ốm nặng nên phải vội vàng nhập viện. Kiệt nghĩ tới số tiền thưởng khi tham gia đội tuyển nên càng cố gắng học. Nhưng, tôi đã trở thành người gây ra áp lực khác cho Kiệt. Những lần thi thử trong đội tuyển Toán, Kiệt luôn đứng thứ hai, sau tôi. Gia đình và học tập đã dồn ép nó đến mức không thể gượng cười như trước. Giọt nước tràn ly khi Kiệt tình cờ gặp đám nhà giàu ngoài đường và bị chúng kéo vào hẻm vắng người để đánh đập, cướp sạch số tiền trong ví.
Lúc đó, Vũ Kiệt đã gọi điện cho tôi. Tuy nhiên, tôi đã không thể nhận cuộc gọi đó vì đang trong giờ làm đề ở trung tâm học thêm, điện thoại đều phải tắt nguồn. Đến khi tôi mở điện thoại lại, mọi thứ đã trở thành quá muộn. Kiệt đã rời đi, lao mình xuống làn nước lạnh lẽo...
Tôi đã hối hận vô cùng, thầm trách bản thân vô số lần. Giá như tôi bắt máy, nhận cuộc điện thoại đó thì có lẽ Kiệt đã khác. Giá như tôi không rủ nó vào đội tuyển Toán rồi sau đó chính bản thân lại trở thành áp lực khiến Kiệt không còn đường lui, thì có lẽ...
"Giá như..."
Tôi ngước nhìn Dâu. Ánh mắt em chứa vô vàn cảm xúc lẫn lộn, cả sự chua xót như chính em đang hứng chịu điều gì đau đớn lắm.
Em đưa tay vuốt ve những giọt nước mắt đang chảy xuống gò má tôi. Bàn tay búp măng mềm mại ôm lấy mặt tôi, dịu dàng và kiên nhẫn, lau đi vô số giọt nước mắt. Thanh âm trong trẻo vang bên tai tôi:
"Gia Huy, anh đừng tự mình ôm hết những nỗi đau, đừng tự nhận mọi tội lỗi về mình!"
Mặc dù những kẻ đầu têu trong nhóm bắt nạt đã rời đi nhưng Quân Đỗ - tên ngạo mạn còn lại đã thêu dệt đủ loại câu chuyện bất đồng giữa tôi và Vũ Kiệt, thế nên Nguyễn Gia Huy của 2 năm trước, hứng chịu đủ lời gièm pha từ những người xung quanh hòa cùng cảm giác tội lỗi và hối hận, đã từ bỏ cuộc thi HSG đội tuyển Toán. Sau đó, tôi được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm nhẹ. Không biết bao nhiêu lần, tôi bắt gặp mẹ Diệp khóc thầm vào mỗi đêm khi xuống nhà uống nước, thấy bố lo lắng đến mức ngày nào cũng về nhà. Nhưng bản thân tôi lại không dám bước ra khỏi căn phòng của chính mình.
Hôm đó, khi đứng từ trên cầu nhìn xuống mặt nước phía dưới, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về Vũ Kiệt. Nó đã phải cảm thấy tuyệt vọng như thế nào khi đứng ở đây? Trong lúc tôi đang đắm chìm trong những câu hỏi khi nhìn làn nước phía dưới thì Dâu xuất hiện.
Vũ Hoàng Ngọc Anh hiện tại vẫn giống như 2 năm trước. Em kiên nhẫn khâu vá lại những vết thương mà tôi mang, dẫu chưa biết gì về câu chuyện của tôi.
Từ sau ngày gặp tôi trên cây cầu, Dâu thường xuyên sang nhà tôi hơn.
Mặc kệ tôi muốn hay không, em vẫn sẽ mở cánh cửa phòng, bước vào thế giới của tôi vô số lần và kéo tôi ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực.
Em sẽ giống như thuở thơ ấu, lẽo đẽo bám theo tôi, líu lo về những câu chuyện của mình, kể cho tôi về một ngày của em. Lúc đầu, tôi chỉ biết im lặng lắng nghe, sau đó tôi bắt đầu cất giọng để đáp lại em.
Liệu em có biết, giữa bóng đêm tăm tối ấy, em đã trở thành tia sáng đẹp đẽ nhất trong suy nghĩ của Nguyễn Gia Huy?
Dần dần, tôi cũng mở lòng với mọi người xung quanh hơn. Tôi vẫn nhớ, bố mẹ tôi đã vui mừng đến như thế nào khi "tôi" quay trở lại, họ lập tức muốn đưa tôi đi du lịch để có thể gia tăng tình cảm gia đình.
Một khoảng thời gian để tôi lấy lại tinh thần và khi tôi thật sự bình tĩnh hơn, tôi đã đến thăm mẹ Vũ Kiệt, những trận ốm và cú sốc bất ngờ dường như đã ăn mòn hết sức sống trong cơ thể bệnh tật của cô. Vậy mà, khi thấy tôi, cô lại không ngừng nằm lấy tay tôi thật chặt và nói "cảm ơn".
"Cảm ơn con! Cảm ơn con vì đã trở thành bạn của Vũ Kiệt! Thật sự cảm ơn con!"