About Rose About You

About Rose About You - Chương 23: Chương 23




“Tôi đi trước đây, còn phải đi tìm người làm việc.” Kỳ Cương bỏ lại tôi mà đi, tôi và Hà Hữu Dân hai mặt nhìn nhau. Chung quy là đã lâu không gặp, ở giữa cũng xảy ra quá nhiều chuyện nên không biết phải bắt đầu nói từ đâu, nhưng tôi không muốn cứ rời đi như vậy.

Đi song song một đoạn đường, Hà Hữu Dân lại lên tiếng trước: “Anh đến phối hợp điều tra.”

“Kỳ Cương cũng thế, em đến cùng cậu ấy.” Tôi nói.

Đi một lúc nữa, bước chân rất chậm, Hà Hữu Dân nói: “Sinh con rồi nhỉ, tên là gì?”

Tôi không lên tiếng, Hà Hữu Dân cười nói tiếp: “Để anh đoán xem, Phí… tên là Phí An Quốc rất hay, ổn định tổ quốc.”

“Anh là phù hộ nhân dân, nó ổn định tổ quốc đúng không?” Tôi lạnh lùng nói, không có tâm trạng nói đùa với anh ấy, “Đừng đoán nữa, Lý Yến sảy thai rồi.”

Hà Hữu Dân ngẩn người rồi dừng bước lại, tôi cũng dừng theo. Mặt trời chói chang trên đỉnh đầu khiến tôi không mở mắt nổi. Hà Hữu Dân nói: “Anh không cố ý, chỉ là thấy em không vui nên muốn làm cho em vui vẻ.”

Hà Hữu Dân là vậy, dường như những chuyện anh ấy làm đều chỉ hy vọng tôi vui vẻ hơn.

“Không sao, không trách anh.” Tôi đành cười mỉm một cái. Tôi luôn nghĩ đến ngày đó nhìn thấy anh ấy ở KTV, muốn hỏi tình hình của anh ấy và Phương Ngự Mỹ nhưng không biết phải mở lời như thế nào. Chuyện này giống như một hòn đá mắc trong đế giày, cấn trong lòng tôi.

“Tiểu Yến vẫn ổn chứ?” Hà Hữu Dân hỏi, “Chẳng hạn như sức khỏe..”

“Bọn em ly hôn rồi.”

“Anh xin lỗi.” Hà Hữu Dân lại xin lỗi tôi, cúi đầu không biết đang nhìn nơi nào, “Anh không biết, chuyện của em anh không biết gì hết.”

Anh ấy chậm rãi lắc đầu, tôi cũng cúi đầu, nhìn thấy cái bóng trên mặt đất. Mặt trời lên cao, cái bóng rất ngắn nằm ngay dưới chân chúng tôi, cái bóng hư vô mờ mịt bị chúng tôi giẫm lên thật sự. Đột nhiên Hà Hữu Dân bật cười, cúi người chống đầu gối. Tôi hỏi anh ấy làm sao, anh ấy chỉ lắc đầu.

“Anh cười cái gì?”

Tự cười một lúc lâu, anh ấy mới nói chuyện với tôi, “Thật ra anh cũng muốn nói với em một chuyện.”

“Chuyện gì?”

“Anh không hề kết hôn.” Hà Hữu Dân thấp giọng nói, có luồng không khí chui ra từ mũi, “Số phận quá trêu ngươi.”

“Anh…”

Nghe được tin này tôi chẳng thể vui vẻ lại, không hoàn toàn là không vui vẻ, chỉ là những chuyện bất ngờ như vậy nhỏ hơn sự tiếc nuối rất nhiều. Nó giống như giữa quyển sách bị xé đi mấy chục trang, tôi lập tức lật đến phần cuối, lầm tưởng đây là một cuộc đời vội vàng qua loa, nhưng tôi hoàn toàn không trải qua quá trình cuộc sống thật sự thuộc về mình. Đến khi tôi những tưởng mình đã đọc xong, đã đi hết, lại được cho biết tôi vẫn có thể làm lại từ đầu. Nhưng chúng tôi đã không còn cảm xúc mãnh liệt như thuở ban đầu.

Cho nên, tôi vui không? Có lẽ có, nhưng tôi tiếc nuối hơn. Rất nhiều thứ quay đầu nhặt lại đã mất đi dáng vẻ ban đầu của nó.

Chúng tôi lại đi dọc theo con sông trong thành phố một đoạn đường nữa. Cho đến khi mặt trời lặn, cái bóng dưới lòng bàn chân kéo dài và biến mất, đèn neon mới lên. Ánh đèn của thành phố lúc sáng lúc tối, đôi mắt Hà Hữu Dân cũng lúc sáng lúc tối. Anh ấy hỏi tình hình gần đây của tôi, trò chuyện mãi lại rơi vào im lặng.

Tôi tưởng rằng chúng tôi sẽ tình cũ cháy lên như củi khô bốc lửa, nhưng không có.

Về đến căn phòng tôi thuê, tôi nói tạm biệt với Hà Hữu Dân, lúc xoay người định lên cầu thang thì anh ấy gọi tôi lại.

“Chuyện gì?” Tôi hỏi anh, “Nếu anh mệt thì vào ngồi một lát đi.”

“Thôi, anh sợ không nhịn được.” Hà Hữu Dân cười một cái, anh ấy luôn cười một cách khó hiểu ở một số trường hợp, khiến tôi không tài nào hiểu được suy nghĩ trong lòng anh.

“Nhịn làm gì, cũng không phải ngày đầu tiên quen biết anh.” Tôi nói thầm một câu.

“Nhưng bây giờ không được, anh… anh bị bệnh rồi.” Giọng điệu không nặng nề, tôi thở phào nhẹ nhõm.

“Em nhìn ra rồi, mặt anh vàng như nến. Bị cảm à?”

“Gần như vậy.” Anh ấy tiến lên mấy bước, đúng lúc đi vào bóng tối dưới tán cây, ánh đèn ở lối vào hành lang tù mù, tôi không nhìn rõ vẻ mặt anh.

“Anh nghỉ ngơi cho khỏe, em lên trước đây.” Tôi nói, nhưng chân không bước nổi, anh ấy cũng không đi. Tôi vẫn thử hỏi, “Em có thể liên lạc với anh không?”

“Được chứ, nếu nhớ anh hãy gọi điện cho anh, giống như trước đây.”

Sau khi hội ngộ và chia tay ngày hôm đó, tôi đã liên lạc với Hà Hữu Dân rất nhiều lần. Ngày thường công việc bận rộn, nhưng hầu như tối nào tôi cũng gọi điện cho anh ấy, thời gian trò chuyện không dài, nội dung cũng rất đơn giản, chỉ là hôm nay đã trải qua chuyện gì, công việc có khó khăn gì. Có vẻ như tôi nói chuyện với anh ấy giỏi hơn trước kia, trước kia toàn nghe anh ấy kể chuyện của anh, bây giờ tôi cũng sẽ chủ động nhắc đến mình.

Trong lúc đó chúng tôi ăn vài bữa cơm nhưng chưa hề làm tình, chỉ vuốt ve cho nhau trên ranh giới tình dục. Tôi nghĩ, chắc là vấn đề tuổi tác, chúng tôi không còn khát khao cơ thể đối phương như trước nữa, cũng có thể là mùa đông trời rét buốt, ẩm ướt và lạnh giá của Quảng Đông khiến tôi không muốn cởi áo giữ ấm. Sức khỏe của anh ấy cũng không tốt nên tôi chưa bao giờ đòi hỏi.

Nói thật, cũng chỉ lúng túng vào hôm ở viện kiểm sát, sau đó chúng tôi giao tiếp rất tự nhiên như thể giữa chúng tôi chưa từng xảy ra chuyện gì.

Sau khi đến năm 2008, bố mẹ gọi điện cho tôi nói rằng tết năm nay họ sẽ ở lại Thâm Quyến, bảo tôi tự về thăm bà ngoại.

Tôi đồng ý, nhưng họ gọi điện muộn quá, giữa tháng Giêng tôi lại đến ga tàu mua vé thì vé về quê đã bán hết rồi. Lần đầu tiên tôi đích thân trải nghiệm sự đáng sợ của xuân vận. Những năm qua đều là bố mẹ sắp xếp hành trình xong xuôi, tôi đi theo là được.

Tôi gọi điện cho Hà Hữu Dân phàn nàn chuyện này, anh ấy cười nói: “Đáng ra phải mua vé từ tháng mười hai, bây giờ gần đến tết đương nhiên không còn vé. Nhưng cuối tháng có thể sẽ ném ra một số vé, còn có phe vé, em để ý xem.”

“Phiền quá đi mất! Nếu không mua được thì phải làm sao?”

“Anh chở em về.”

“Anh nói thật à? Về nhà với em hả.”

“Đúng, về nhà với em.”

Nghe được câu này tôi luôn cảm thấy rất hạnh phúc. Niềm hạnh phúc này giống như nhìn cá qua tấm kính, không chạm vào được, rất không chân thực.

Sau đó tôi không mua được vé, mua được cũng không có tác dụng gì vì các chuyến tàu đến Hồ Nam và phía Bắc đã dừng, mấy trận tuyết lớn của năm 2008 đã chặn kín đường về. Năm nay xảy ra thảm họa tuyết[1] nên tôi không kịp về thăm bà.

[1]

Đêm ba mươi tôi và Hà Hữu Dân cùng đón giao thừa ở Quế Viên.

Trang trí trong căn biệt thự này vẫn giống lúc trước, tôi co ro trên ghế sofa, Hà Hữu Dân ngồi trên thảm lông, cùng xem đêm hội mùa xuân. Thời tiết vẫn rất lạnh, có lẽ là năm lạnh nhất trong ngần ấy năm tôi sống ở Quảng Đông. Đến 0 giờ, anh ấy kéo quần áo của tôi, nói với tôi đầy mong chờ: “Cùng đi bắn pháo hoa.”

“Nhưng ở đây cấm pháo mà.”

“Em lo nhiều thế làm gì! Đi thôi.” Anh ấy lấy hai thùng pháo hoa từ trong ngăn tủ ra, cực kỳ hứng thú nói với tôi: “Chuyển từ Hồ Nam tới này!”

“Anh đợi đã, em gọi cuộc điện thoại cho bà ngoại.” Nghe anh ấy nhắc đến “Hồ Nam” tôi mới nhớ đến bà ngoại tôi, định chúc mừng năm mới bà.

Tôi gọi nhiều lần nhưng không ai nghe máy, Hà Hữu Dân đặt pháo xuống, đi tới an ủi tôi: “Có lẽ đường điện đứt rồi.”

“Nghiêm trọng vậy… khi nào tuyết ngừng, em vẫn muốn về một chuyến.”

Tôi rất lo lắng cho bà ngoại, bà cụ trông coi vài mẫu ruộng, bên cạnh không có người thân.

Điều kiện ở nông thôn không tốt, tuyết rơi lớn thế này cũng không biết bà sao rồi.

“Được, chờ đường cao tốc gỡ phong tỏa anh sẽ đưa em về.” Hà Hữu Dân sờ lên mặt tôi, cất những đồ vật kia và nhét vào trong tủ, “Anh đi tắm.”

Lúc anh ấy tắm, tôi luôn cảm thấy đốt pháo hoa vẫn tốt hơn. Với lại tôi cũng rất mong được ngắm pháo hoa cùng anh ấy, chúng tôi chưa từng xem cùng nhau.

Tôi mở cái tủ to kia ra, bên trong rất lộn xộn, thậm chí có cả mì sợi, tôi không khỏi bật cười.

Tôi lấy vài bó pháo bông và mấy hộp pháo hoa ra, ngăn tủ thừa rất nhiều không gian, bên trong có mấy lọ thuốc lăn ra, tôi cầm lên xem thử, toàn là tiếng Anh đọc không hiểu nên lại đặt về. Có lẽ sức khỏe của Hà Hữu Dân kém hơn trước, tôi biết chuyện này, về phần lý do thì tôi chưa tìm được cơ hội thích hợp để hỏi anh ấy.

Tôi cầm những pháo hoa này chạy lên mái nhà, tòa nhà bốn tầng không cao lắm, có điều xung quanh đều là nhà cửa cao như vậy, đứng trên tầng cao nhất vẫn có thể nhìn rõ phong cảnh gần đó.

Nhân lúc anh ấy đang tắm rửa, tôi đốt một hộp pháo hoa. Pháo hoa bay ra khoảng cách vừa vừa, nở bung những màu sắc khác nhau trong đêm tối, chiếu sáng nhà cửa xung quanh.

“Sao em tự bắn pháo!” Hà Hữu Dân thích thú đi lên tầng cao nhất, anh ấy quấn áo choàng tắm chạy thẳng ra ngoài, vừa nói vừa run rẩy, “Anh đang tắm mà em đã bắn rồi.”

“Đẹp nhỉ?” Tôi cười hì hì lè lưỡi với anh ấy, “Tại em muốn anh không tắm được nữa!”

“Nhãi con!” Anh ấy khẽ đẩy tôi một cái, cùng xem pháo hoa với tôi. Đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng tôi xem pháo hoa với anh.

Tối hôm đó chúng tôi bắn hết pháo hoa, bảo vệ gần đó cũng không tìm đến nhà, nói không chừng họ cũng xem rất vui. Mỗi khi có một chùm pháo hoa bay lên trời, trong lòng tôi sẽ thầm ước một điều, tôi ước mọi người đều tốt, ngày càng tốt, dù là tôi, Hà Hữu Dân, bà ngoại và bố mẹ vẫn ở nơi xa, Kỳ Cương, Tiểu Yến và A Nguyệt. Tôi ước cuộc sống của mọi người sẽ trở nên tốt hơn theo thiên niên kỷ.

Nhưng bây giờ nghĩ lại, có lẽ khi đó tôi đã quá tham lam, cho nên trong ước nguyện của tôi luôn phải hy sinh một số người để đổi lấy may mắn cho vài người khác.

Pháo hoa càng xán lạn, thường sẽ đi càng nhanh.