Chưa đến vài ngày sau, viện tử mới đã được sắp xếp xong, Phó Nguyệt dẫn mọi người chuyển đến đó.
Buổi tối đầu tiên rời khỏi Dũng Nghị Công phủ, quả nhiên Diệp Thiên Trung liền cùng Tiêu Giản ăn uống và ngủ nghỉ với nhau.
Đình viện có ba gian và một tiểu viện nhỏ, vừa đủ sắp xếp chỗ ở cho đoàn người Tiêu gia.
Từ Dũng Nghị Công phủ chuyển ra, Phó Nguyệt chỉ cần Tình Tước, Tuyết Nhạn và hai gã sai vặt bên cạnh Tiêu Giản, những người khác cùng khế ước bán thân đều trả lại cho Tề Đồng.
Trong tiểu viện, Tiêu Giản, Thạch Dương cùng hai gã sai vặt của Tiêu Giản đều ở tiền viện. Ở giữa là chính đường để nghỉ ngơi và ăn uống. Phó Nguyệt cùng mấy người Thạch bà bà và Thạch Mãn ở hậu viện, bé Nhu Nhu vẫn ở cùng nàng.
Tề Đồng thấy đám người giúp việc trong viện tử của họ ít nên sai hai cặp mẹ con tới, hai nam nhân phụ trách canh gác tại tiền viện, bảo vệ luôn cho viện, hai bà tử thì phụ trách việc quét dọn ở hậu viện.
Phó Nguyệt không nhận nhưng Tề Đồng chỉ nói là tạm sai bọn họ ra ngoài phủ làm việc trong viện, đợi sau này Phó Nguyệt tìm được người rồi thì lại bảo bọn họ về. Phó Nguyệt không biết làm sao, chỉ đành nhận lấy bốn người, nhưng kiên quyết phải để nàng tự trả tiền lương.
Tề Đồng nghĩ đến cửa hàng làm ăn phát đạt của Phó Nguyệt thì cũng đồng ý.
Sống ở viện tử của mình rất là tự tại. Mỗi ngày, đám người Phó Nguyệt và Thạch Dương đều bận rộn với công việc bên ngoài, Thạch bà bà muốn dạo phố thì tự đi.
Tính cách Tình Tước hướng ngoại hơn, Phó Nguyệt liền cho nàng ta và Thạch Mãn cùng đi xem xét việc làm ăn của các cửa hàng. Thỉnh thoảng, Tuyết Nhạn cũng sẽ cùng đi, còn phần lớn thời gian thì ở nhà lo liệu việc nhà.
Có thêm hai người trợ thủ cẩn thận biết việc, thực sự đã giúp Phó Nguyệt rất nhiều việc vặt.
Một ngày nọ, Phó Nguyệt lại đưa Tình Tước và Thạch Mãn đến tiệm vải ở khu chợ phía tây.
Anan
Tiệm vải đã được giao cho tiểu nhị vừa có tài ăn nói, vừa kiên nhẫn tên là ** Tư Thủ Lương làm phó chưởng quầy. Lúc nhỏ, hắn có học hành vài năm nên biết tính toán, Phó Nguyệt liền đề bạt hắn, cùng với chưởng quầy cũ cùng nhau quản lý, một người phụ trách ngoại giao, một người phụ trách việc nội bộ.
Chưởng quầy cũ chủ yếu chịu trách nhiệm mua các loại vải vóc, tơ lụa và quần áo may sẵn trong tiệm, còn Tư Thủ Lương thì ngồi trong tiệm và chịu trách nhiệm bán hàng.
Ngoài các hàng hóa trước kia của tiệm vải, Phó Nguyệt còn cung cấp các đồ thêu hai mặt do họ tự thêu và trang phục tự thiết kế. Kiểu dáng mới mẻ, độc đáo, mang đến cho cửa hàng không ít mối làm ăn mới.
Thạch Mãn và Tuyết Nhạn đã giúp nàng rất nhiều trong những trang phục thêu này.
Hôm nay, Phó Nguyệt lại tới đưa những đồ thêu mới đến. Đợi ở cửa hàng đến chiều muộn, nghĩ đến hai đứa trẻ A Giản, Thiên Trung sắp tan học, Phó Nguyệt cất gọn sổ sách, đứng dậy rời đi.
Vừa hay hôm nay là ngày họp chợ, đến lúc này, trên con phố trước mặt cửa hàng, mọi người đi lại như thoi đưa, chen chen chúc chúc. Phó Nguyệt vừa bước chân ra đã lại quay về.
Tư Thủ Lương thấy bên ngoài như vậy bèn nói với Phó Nguyệt: “Chủ nhân, hay là các người đi về theo lối cửa sau của cửa hàng đi, phía sau không gần đường, sẽ ít người đi lại hơn một chút, nhưng mà phải đi đường vòng đó.”
Phó Nguyệt đồng ý, quay người đưa Tình Tước và Thạch Mãn rời đi từ cửa sau.
Mặt sau của cửa hàng đều là những tiểu viện bình thường, có tiếng người nhưng cũng không chen chúc, ồn ào, ba người chậm rãi đi qua những ngõ nhỏ về nhà.
Đi đến một chỗ nọ, Tình Tước đột nhiên dừng lại, nàng nhíu mày nhìn theo bóng người trước một gian viện tử phía xa, vội kéo Phó Nguyệt nói nhỏ: “Phu nhân, người hãy nhìn người kia!”
Phó Nguyệt nhìn theo hướng tay nàng chỉ.
Một nam tử bộ dạng thư sinh và một gã sai vặt đứng trước một toà viện tử nhỏ bình thường, sau khi hắn gõ cửa, một bà tử mở cửa đón hắn vào trong.