Chương 588: Lối cổng trời
Cùng chén tạc chén thù ngắm trăng khuya, Lạc Hi tỏ ra chán nản, nói với Âu Minh Thông và Yên Định:
- Quan lang dùng bọn ta song chẳng mấy khi nghe lời nghịch ý. Lang Nha tướng đem binh sang Sơn Lăng chỉ có hiểm hoạ đón chờ, sợ là một đi chẳng trở lại.
Âu Minh Thông nén tiếng thở dài, tặc lưỡi mà rằng:
- Chả biết Điền Hoành mách kế gì mà quan lang ra chiều tâm đắc như vậy. Đành rằng hắn mưu sâu song hắn chẳng phải người Giao Châu, bụng dạ ắt khác. Hắn muốn được trọng dụng vì nào còn chốn dung thân.
Yên Định trầm ngâm chẳng nói, ngửa cổ uống hết chén rượu, bỏ miếng thịt nai vào miệng nhai như thoả cơn bực dọc.
- Chẳng phải Thông này hèn. - Âu Minh Thông giãi bày. - Thiên Đức quá mạnh, dùng mưu với họ chẳng khác tiểu nhân đắc lợi mừng ra mặt. Cứ nhìn cách họ mấy Tam Đái, Sơn Vi hay gần đây là Tây Phù Liệt thì biết họ còn nương tay chán. Mường Động hiểm trở thật đấy… mà… muốn khuất phục Mường Động thực chẳng khó, chẳng cần binh đao.
Yên Định chấm miếng thịt nai vào đĩa muối trắng, cười mũi:
- Âu huynh định nói Thiên Đức phong toả mắm muối phải không?
Âu Minh Thông cười nhạt, ngửa cổ đổ chén rượu vào miệng, không đáp.
- Lòng gan dạ thì có mà nhạt mồm chẳng chịu được, thiếu mắm muối thì…
Yên Định bỏ lửng lời nói. Lạc Hi bèn tiếp lời:
- Dạo trước Thiên Đức phong toả đường sông đã khốn đốn. Giá muối cao gấp mười lần, bọn gian thương tha hồ hốt bạc. Bài học nhãn tiền ấy học rồi chẳng nhớ. Mắm muối tích trữ trong kho dùng được bao lâu? Chưa kể thằng ăn đu đủ không cần thìa, mưa rơi không ướt cằm đục khoét đem bán ra ngoài bỏ túi riêng đem về làm giàu cho xứ mường của nó.
- 5000 quân một ngày ăn hết bao nhiêu lương nhỉ? - Âu Minh Thông chợt hỏi.
Lạc Hi bấm đốt tay nhẩm tính, lát sau nói rằng:
- Độ 25 lượng bạc nếu cả gạo và ngũ cốc.
Âu Minh Thông lẩm nhẩm một hồi, lại nói:
- Thiên Đức thường động binh ngay sau vụ gặt dưới xuôi vì muốn muôn dân không đói, ấy cũng xem là nhân. Bây giờ sắp hết tháng 9, còn hai tháng nữa thu hoạch vụ chiêm mà… vụ chiêm gạo thường đớn (gãy hạt). Người Mường học bên Sơn Tây cấy hai vụ một năm nhưng chưa ăn thua, giống má chẳng ra gì.
Yên Định liền đoán ý:
- Âu huynh dự Thiên Đức đến lúc thu hoạch chứ gì? Có thể lắm! Họ đem quân đến chưa chắc chiếm đất vì chiếm sẽ khó giữ. Tại hạ đồ Thiên Đức giúp gặt lúa, chiếm lương thì khốn lắm.
- Nhãn tiền! - Âu Minh Thông nhăn mặt. - Giờ tụ tập binh mã quấy phá Thiên Đức, phải duy trì quân. Ngoài thóc gạo còn cỏ khô cho ngựa, còn trăm thứ trên đời. Ba quân bao năm quanh quẩn ở đây, sang Sơn Lăng khác nào hổ xuống đồng bằng bị chó nhà ăn thịt chứ. Xem nào… hai tháng vị chi sáu chục ngày, ồ, 1500 lượng bạc trắng, cũng tính là nhiều nhỉ?
Lạc Hi nói:
- Đỗ Thục đem cả mấy mươi rương châu báu mượn 1000 thổ binh, kết giao hảo nên chuyện tài lực chẳng đáng ngại lắm.
- Đói bụng đem bạc ra ăn, lên rừng săn thú được bao lâu? - Yên Định cười buồn. - Nghe chừng bọn ta phải cuốn gói khỏi đây sớm thôi.
- Yên huynh mau nản chí vậy? - Âu Minh Thông hỏi.
Yên Định khẽ lắc đầu:
- Chẳng phải! Binh quyền đang trong tay Đinh Công, hắn chẳng ưa chúng ta, luôn nghĩ chúng ta ngửa tay xin ăn. Lang Nha tướng là kẻ cạn nghĩ, sẽ chẳng lạ nếu nay mai hắn cầm rìu đến cửa.
- Một lũ võ phu ngu độn! - Âu Minh Thông tức giận. - Từ ngày nương nhờ xứ này bọn ta chẳng có công lao cũng có khổ lao. Chẳng có bọn ta mách nước chỉ đường thì bọn Đinh Công khác gì đám thổ phỉ đâu.
Lạc Hi bèn đề nghị:
- Về Thanh Hoa được không, Yên huynh?
Đang định đưa chén rượu lên môi, Yên Định đặt xuống, nói rằng:
- Nơi chó ăn đá gà ăn sỏi, bách tính chạy ăn từng bữa, về đấy lấy gì sống? Muốn cấy cày nghe nói phải được Thiên Đức chấp thuận. Chúng ta dùng miệng lưỡi nuôi thân, ở đó sống được thì tại hạ đến xứ này làm gì chứ. Mà bên Tam Đái hay Sơn Vi chả phải gần hơn ư?
- Dân xứ ấy bắt đầu bị Thiên Đức mị. - Lạc Hi chán nản. - Thiên Đức miễn nhiều thuế khoá, giảm hẳn bắt lính. Con trai Phan Sứ tướng gạt thù cha theo Thiên Đức. Tại hạ nghe đám thương nhân kháo nhau, về bên ấy dăm ba ngày kiểu gì cũng bị túm.
- Dân báo phải không? - Yên Định hỏi.
Lạc Hi gật đầu. Âu Minh Thông ngẩng mặt lên trời than:
- Giao Châu đất rộng thế này lại chẳng có chỗ cho bọn ta nương thân thoả chí. Nay mai Đinh Công là quan lang, nhẹ thì hắn đuổi, nặng thì chẳng biết thế nào.
Yên Định hạ giọng:
- Tại hạ từng nghĩ chuồn quách sang đầu Thiên Đức. Mạc Thiên Chương trọng hiền đãi sĩ, dẫu không dụng bọn ta cũng chẳng coi khinh. Nói gì thì nói, thế cục Vạn Xuân đã định, thiên mệnh trong tay Mạc Thiên Chương rồi, khó xoay chuyển lắm.
Âu Minh Thông chép miệng:
- Bọn ta bất tài chứ nào bất nghĩa. Quan lang đối với bọn ta không tệ, bỏ ông ta sang đầu Thiên Đức, sợ miệng đời chửi rủa.
Cả ba lặng im một hồi, Lạc Hi trở lại chủ đề Điền Hoành. Âu Minh Thông nói:
- Qua sông không cần thuyền có vài cách, lội qua Hắc Giang thì chẳng thể, nhất là binh mã. Bay như chim cũng là ảo vọng, Điền Hoành có thể… mách cho quan lang vượt sông bằng dây thừng.
- Dây thừng? - Yên Định ngạc nhiên. - Ý huynh là giăng thừng qua sông? Huynh giễu tại hạ phải không? Lòng Hắc Giang rộng hơn một dặm.
Lạc Hi liền đoán:
- Hoặc cầu phao bằng luồng.
Âu Minh Thông nói:
- Có lần ngồi uống ven sông, Điền Hoành đã nói vượt Hắc Giang bằng thừng, tại hạ hỏi hắn lại ngậm tăm. Hắc Giang mùa này nước cao, tại hạ nghĩ mãi thì chỉ còn một cách.
Lạc Hi và Yên Định tò mò hỏi:
- Cách gì?
Âu Minh Thông nghển cổ ngó quanh, hành động thừa thãi nhưng bí hiểm. Âu Minh Thông đọc hai câu thơ:
- “Chúng thủy giai Tây tẩu, Hắc Giang độc Bắc lưu” mọi dòng sông đều chảy về hướng Tây, chỉ riêng sông Hắc chảy về hướng Bắc. Hắc Giang tuy rộng nhưng chẳng phải chỗ nào cũng rộng, nhiều khúc sừng sững vách núi hai bên, đu dây có thể qua được.
Âu Minh Thông người Sơn Vi nên Lạc Hi và Yên Định tin lời.
- Cụ thể thế nào tại hạ chưa biết, có điều đoán còn cách ấy mới qua tai mắt Thiên Đức được. Binh Thiên Đức ở mạn phía Nam huyện Sơn Lăng, huyện Hát. Lang Nha tướng qua được sông chẳng cần thuyền ắt đem binh sang mạn Bắc huyện Sơn Tây quấy quả nhằm gây rối hậu phương. Binh mã Thiên Đức nhất định phải đến truy lùng và quan lang thừa cơ đánh sang sông.
- Có lý nhỉ! - Yên Định thốt lên. - Điền Hoành theo dòng Hắc Giang xuống đây, ắt đã tìm hiểu kỹ càng.
Âu Minh Thông cười đắc ý:
- Muốn biết thực hư, để ý xem Lang Nha tướng dẫn thuộc hạ đi hướng nào, vải thưa sao che được mắt thánh.
Yên Thư và Lạc Hi ngồi ngây người một lúc, cùng bảo rằng:
- Như thế chả phải lối đi trên mây ư? Bảo sao quan lang lại giữ Điền Hoành ở lại khoản đãi hậu đến vậy.
Đinh Sơn giữ Điền Hoành ở lại nhà lang yến ẩm suốt hai ngày hai đêm trò chuyện như chỗ thâm giao. Đinh Công cùng bọn Lang Nha tướng, Ngọa Hổ tướng, Ấu Kỳ tướng… ban đầu tỏ ý khinh khi, sau được mách rõ đầu đuôi kế sách bèn tỏ ra vui mừng, mặc sức chè chén. Trấn Giang tướng Quách Cư Dĩ không được gọi đến họp bàn.
Mấy ngày sau Lang Nha tướng dẫn theo bọn Ấu Kỳ tướng, Phác Thiên Điêu tướng quân, Hắc Mã tướng, Song Tiên tướng, Hà Công Rộng, Bạch Phái Đình, Quách Kín… đem theo cơm nắm muối vừng, thịt hun khói cùng Điền Hoành luồn rừng về phía Bắc, men theo dòng chảy Hắc Giang về hướng Giao Châu hành doanh ở kẻ Đối. Sau gần hai ngày luồn rừng, bọn Bùi Lạc Thủy đứng trên cao ngắm quang cảnh hùng vĩ của núi rừng.
- Điền tiên sinh, chỗ ngài mách có phải ở kia không?
Bùi Lạc Thủy chỉ về phía hai ngọn núi đá như hai hòn trống mái.
- Đúng vậy! Tại hạ từng thá·m s·át nơi này vài lần. Khúc sông này hơi hẹp, vách đá dựng đứng nhưng hai ngọn hai bờ tả hữu châu đầu vào nhau như đôi chim cu. Ta xuống dưới mép sông chờ chính Ngọ ngày mai ngắm mặt trời. Bây giờ đã muộn, mặt trời ngả về Đông, dưới đó quanh cảnh âm u lắm.
Bùi Sơn Lâm nhận xét:
- Hai mỏm núi cách nhau độ năm, bảy mươi trượng, ở dưới ngước lên hệt như cổng trời vậy. Ta đóng cọc, tận dụng cây rừng, bện dây rừng giăng thành cầu treo cũng được.
Điền Hoành nói:
- Không thể! Cầu treo mà dài như vậy sẽ có độ võng lớn, chưa kể trên cao gió mạnh khiến cầu đong đưa, rất dễ rơi xuống bên dưới. Vả lại làm cầu treo sẽ tốn thời gian, dễ bị phát hiện. Tuy bên đất Sơn Lăng thưa người, đám tiều phu hoặc bọn thu sản vật rừng mà trông thấy sự lạ ắt sẽ báo cho quan binh Sơn Lăng.
Điền Hoành lấy tờ giấy trên đó vẽ sẵn những hình thù, bảo với cả bọn:
- Cử người vượt sông sang bên kia, ta dùng cờ làm hiệu. Đây nhé, tìm cho được một chỗ thích hợp làm bãi đáp ở bên ấy. Bên này ta chọn vị trí đối diện, cao hơn ít nhất mười trượng. Đây… dùng cái bánh xe nhỏ bằng đồng như này đu sang là được.
Ấu Kỳ tướng Bạch Gia Mô chỉ vào hình người đu dây, hỏi:
- Dây thừng buộc vào người đu sang để hãm phải không tiên sinh?
- Phải! - Điền Hoành gật đầu. - Sau khi sang được rồi thì người bên này kéo bánh xe trở lại cho người khác sang. Nếu thời gian dài, ta làm giỏ mây đứng ở dưới thấp dùng kéo sang cũng được.
Phác Thiên Điêu Trương Bồ rất tâm đắc với ý tưởng của Điền Hoành. Ngồi nghe không sót chữ nào. Theo ý tưởng của Điền Hoành, bọn Lang Nha tướng sẽ làm bãi đáp hai bên vách núi để thuận đường đi và về. Cờ làm hiệu ban ngày, lửa làm hiệu ban đêm. Đây thực sự là một ý tưởng vô cùng thông minh.
- Các ông cần bao nhiêu thì giờ để làm?
Nghe Điền Hoành hỏi, Lang Nha tướng, Ngọa Hổ tướng suy tính, bàn định với bọn hạ nhân rồi trả lời:
- Xin tiên sinh cho nửa tuần trăng.
Điền Hoành nói:
- Việc này nên giữ bí mật, thành bại phụ thuộc vào các ông. Trọng trách quan lang giao cho tại hạ chỉ đến vậy. Tiếp đây tại hạ sẽ ở lại giá·m s·át công việc.
- Tiên sinh yên lòng! - Lang Nha tướng nói, giọng tràn đầy tự tin. - Bọn thuộc hạ đưa theo đều thân tín cả.
- Vậy tướng quân cứ thế mà làm, chỗ nào chưa hiểu tại hạ sẵn lòng giảng giải.
- Mường Động có tiên sinh thật là may mắn lắm thay. - Lang Nha tướng tâng bốc. - Kế qua sông của tiên sinh khiến quỷ thần cũng phải kính nể vài phần.
Điền Hoành cười gượng, không nói gì thêm.
Bọn Lang Nha tướng tiến hành bện dây, chọn bãi đáp, chọn cây làm cột trụ giăng dây. Bãi đáp cheo leo hai bên vách núi đá có thể gây c·hấn t·hương, Điền Hoành bảo bọn Bùi Lạc Thủy đan nhiều tấm phên mây làm tấm đỡ, lót cành lá rừng, đảm bảo an toàn cho người đu qua sông.
Lúc này là thượng tuần tháng 10, cuối thu đầu đông. Các thương thuyền hoặc chiến thuyền Thiên Đức tuần phòng đi qua khúc sông hẹp đều đều không hề biết trên cao sắp có một cây cầu.
Mục tiêu Điền Hoành đưa ra sau khi làm xong cầu là bọn Lang Nha tướng đem binh sang phía Bắc huyện Sơn Lăng, vượt dãy núi Vua, t·ấn c·ông quấy phá các vùng phía Bắc huyện Sơn Tây, nhắm đến quân Thiên Đức đồn trú ở căn cứ Thượng Sơn.