Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 582: Giả chết bắt quạ




Chương 582: Giả chết bắt quạ

Địa hình huyện Sơn Lăng dài theo hướng Bắc - Nam, mặt Đông giáp Hắc Giang, phụ lưu lớn của dòng Xích Giang. Mặt Tây ngăn cách với huyện Sơn Tây bởi dãy núi Vua trùng điệp. Mạn phía Nam là rừng rậm, nhiều sông suối nhỏ trải dài đến tận sông Tích Lịch.

Đất Sơn Lăng xưa kia vốn thưa người, dọc theo dòng Hắc Giang dài mấy mươi dặm chỉ có độ ba, bốn chục ngôi làng, mỗi làng chẳng quá bốn trăm nhân khẩu. Cư dân bản địa sinh sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, săn bắn, bán sản vật từ rừng cho thương nhân. Diện tích đất canh tác lúa rất ít, đất bỏ không nhiều.

Từ khi Vân Nam quốc chiến loạn, dân Vân Nam kéo nhau đến ở vùng này bởi địa thế của vùng đất là mặt hướng thủy, lưng dựa sơn. Đất lành chim đậu, chỉ vài năm ngắn ngủi đã có gần 3 vạn dân Vân Nam quốc lưu vong xin làm con dân Sơn Tây vương. Lưu dân Vân Nam khai hoang lập ấp từ hai bàn tay trắng, xóm làng theo đó mọc lên, đồng ruộng thẳng cánh cò bay, cuộc sống tuy chưa no đủ song không có ai đói kém.

Chương dừng chân ven bìa rừng phóng tầm mắt quan sát những cánh đồng lúa rợp một màu xanh bạt ngàn vào buổi sáng sớm. Xa xa, Chương trông thấy nhiều mục đồng vắt vẻo trên lưng trâu, tay cầm sáo thổi vang. Ngôi làng nhỏ ven chân núi đầy những trẻ nhỏ nô đùa, tiếng cười vui rộn rã. Chương lặng yên dựa vai vào cây rừng đứng ngắm quang cảnh thanh bình, trong lòng nhẹ bẫng.

- Sông Hắc còn xa không?

Nghe Chương hỏi, Vương Côn Sơn liền cung kính đáp:

- Qua cánh đồng trước mặt gặp hai ngôi làng, băng qua cánh đồng lớn của hai làng ấy sẽ đến bờ sông Hắc ạ.

- Cũng xa đấy chứ?

Vương Côn Sơn ướm chừng:

- Độ hơn chục dặm thôi ạ.

- Anh tập hợp các chỉ huy đến cấp trung đội, ta cần nắm rõ thêm tình hình để định liệu.

- Dạ thưa vương thượng, ông Giáp đã hẹn họp cuối giờ Thìn. - Vương Côn Sơn đáp. - Vương thượng có nghỉ ngơi một chút trước khi vào họp không ạ?

Chương cười:

- Mang tiếng đi cả đêm nhưng ta cưỡi ngựa nên chẳng tính là mệt. Nếu ông Giáp đã bố trí họp thì theo đó mà làm.

Họp hành dưới lán dựng tạm dưới tán cây rừng xong xuôi, Thân Vệ quân, XT1 tháp tùng Chương và các chỉ huy đến bờ sông Hắc xem xét thực địa vào buổi trưa. Nhìn dòng nước mênh mông cuồn cuộn chảy về xuôi, Chương quyết định men theo bờ sông, ngược dòng lên hướng Bắc. Chiều muộn, đoàn người tạm dừng chân ở một bến sông.

Chương hỏi Phùng Nguyên Hoàn:

- Bên kia là vùng nào của Đà Bắc?

Phùng Nguyên Hoàn đáp:

- Bẩm vương thượng, bên ấy là xứ Mường Động. Trước đây dân Mường Động vẫn hay đem thuốc, cao và một số loại sản vật sang bán ở Sơn Lăng hoặc thành Sơn Tây ạ.

Chương lại hỏi:

- Bến sông này qua bên đó đã thuận lợi nhất chưa?

- Cũng tính là thuận ạ, đoạn sông này không có đá ngầm, dòng chảy tĩnh nhưng lòng sông rộng, mạt tướng không nghĩ thổ binh sẽ sang bằng lối này đâu ạ.



Vương Côn Sơn đứng bên cạnh Phùng Nguyên Hoàn bổ sung:

- Vùng này tương đối yên, thổ binh hoạt động mạnh ở mạn phía Nam của huyện thôi ạ.

Chương đứng trên một gò đất phóng tầm mắt nhìn thị tứ nơi bến sông một lượt, trông thấy độ hơn trăm nóc nhà nằm rải rác theo hình vuông, tre con chưa mọc cao, dân chúng phải đóng cọc chống thú dữ. Bên ngoài thị tứ, một doanh trại nhỏ lợp cỏ tranh nằm ở phía Bắc. Ngước nhìn ngọn tinh kì bay phấp phới trên đầu, Chương bảo với tả hữu:

- Chúng ta giăng cờ quạt từ trưa đến giờ, đêm nay nghỉ tạm ở đây. Đêm nay yên thì ở thêm một đêm nữa mới quay về bản trại.

Bố Giáp bèn hỏi:

- Vương thượng! Ngài tính đánh tiếng để thổ binh tập kích hay sao ạ?

Chương cười ranh mãnh:

- Với những kẻ mưu kế ắt phải dụng mưu kế chứ sức mạnh chẳng ăn thua. Vả lại ta muốn tìm hiểu dân tình ở đây, đất đai rộng quá mà trồng trọt chưa được bao nhiêu. Sau bữa tối ta muốn gặp vài người đứng đầu xóm làng quanh đây với phân phận Quan Bình, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp.

Chương vào doanh trại, nơi có một trung đội quân địa phương, khoảng dăm chục người đồn trú ngó qua một lượt. Gọi là doanh trại cho sang miệng, thực chất chỉ là mấy dãy nhà ngang, tường quây bằng phên tre, nứa, lá tạo thành hình vuông, cửa các dãy nhà hướng vào khoảng sân rộng, nơi binh sĩ địa phương đương xếp hàng ngay ngắn trước cột cờ cao ở giữa sân trình diện và báo cáo tình hình với Bố Giáp. Chương tranh thủ đảo một vòng ngắm nghía nơi ăn chốn ở trong doanh.

- Mùa đông sắp đến, binh sĩ ăn ở như thế này liệu có đủ ấm không nhỉ? Mặt trước là sông, mặt sau là núi, nhiệt độ sẽ thấp hơn các nơi khác nhỉ?

Chương tự hỏi, hỏi không phải tìm câu trả lời.

- Nãy em có xem qua bếp ăn và kho chứa lương, lương thực đầy đủ nên cái ăn cái mặc không đáng ngại đâu ạ. - Quan Lam Giang nói. - Binh sĩ địa phương đủ sắc người, lại dân địa phương nên gia đình cũng sẽ lo một phần.

Chương ngoảnh lại hỏi Lý Nhân Nghĩa:

- Hình như áo ấm chưa phát đến đây?

Lý Nhân Nghĩa sau một thoáng lúng túng mới thưa:

- Bọn hạ quan đã phát từ ba tháng trước nhưng… dạ bẩm… nghe nói binh sĩ cất ở nhà ạ.

Chương thở hắt ra, nhăn mặt:

- Đừng nói với ta là quân trang cấp cho binh sĩ họ đem ra bán nhé? Tội ấy bêu đầu đấy.

- Dạ không đâu ạ! - Lý Nhân Nghĩa rối rít. - Binh sĩ nhận xong đem về nhà cất giữ, đến lúc dùng mới đem ra. Dạ bẩm… đôi khi con cái họ mặc ké ạ. Dạ…

Chương tròn mắt:

- Ta nhớ là giá bán áo khoác lông gia cầm chỉ tính nguyên vật liệu và công thợ, công vận chuyển thôi mà, đâu đáng bao nhiêu mà dân không mua được?



Lý Nhân Nghĩa thực thà:

- Quả thật… cung cấp áo đó cho bách tính còn thiếu là bởi thời gian vừa qua binh sĩ Thiên Đức tăng nhanh về số lượng nên… thưa vương thượng… dân ở đây vốn quen dùng áo tơi bện rơm, cỏ tranh, thậm chí lá cọ nữa ạ.

Chương khẽ thở dài, dịu giọng:

- Sau kỳ này ông nói với bên thương nghiệp hoặc bên hậu cần cử người truyền nghề làm áo đó cho bách tính, mỗi huyện chọn ra ít nhất một làng. Áo ấy làm lúc nông nhàn, vừa tăng thu nhập, lại tận dụng thứ bỏ đi ở địa phương. Đất đai ngày một rộng, quả thực phát sinh nhiều thứ ta không soát hết được. Mong ông lưu tâm mấy việc ấy giúp ta, đừng để dân Sơn Tây thiệt thòi.

Lý Nhân Nghĩa vâng dạ trong khi Mai Đắc Thắng lúi húi ghi chép.

Chương bảo Yên Thư:

- Trời hãy còn sớm, em xuất tiền ngả chục con lợn với dăm chục con gà thết đãi ba quân. Tối nay để ba quân ăn uống linh đình nhưng cấm tiệt không được uống rượu và nhớ cắt cử người canh gác vòng ngoài.

Yên Thư chạy đi rồi, Chương nói với Lý Nhân Nghĩa:

- Nhớ nhé, ăn uống linh đình. Chốc ông dặn ông Giáp sai quân đi mua vài chục chum rượu về.

Lý Nhân Nghĩa ngây ra không hiểu, Chương rỉ tai:

- Mua về khao thưởng sau, tối nay cấm! Dặn binh sĩ uống nước đun sôi là được.

Lý Nhân Nghĩa lập tức hiểu chuyện vội chạy ra tìm Bố Giáp. Bố Giáp xong việc liền vào gặp Chương để tỏ rõ kế sách. Chương muốn lôi kéo sự chú ý bằng cách cho binh sĩ chè chén linh đình, nếu mục đích chẳng thành xem như khao thưởng binh sĩ một phen chẳng đâu mà thiệt.

Trong khi ba quân hè nhau đốt đèn chọc tiết lợn thì Chương tiếp chuyện một số hương thân phụ lão, cả người bản địa lẫn cư dân Vân Nam mới ở vài năm tại mấy làng nhỏ cách Xóm Trại, tên của thị tứ do có đồn binh, chỉ một cánh đồng lúa. Các cụ cao niên người bản địa gặp quan lớn chẳng biết ăn nói ra sao, luôn miệng vâng dạ khiến Chương có chút khó xử. Thứ nữa, anh chẳng ghi nhận được thông tin có giá trị nào của các cụ, các cụ tạ ơn, tạ ơn và tạ ơn. Tuy nhiên, các bậc cao niên người Vân Nam lại khác. Tuy ngôn ngữ còn có chút bất đồng song họ chậm rãi trình bày một số khó khăn còn gặp phải trong quá trình canh tác nông nghiệp tại địa phương với Chương rất rành mạch. Họ đề đạt thượng quan tấu trình với Vạn Thắng vương giúp họ thêm nông cụ, thêm cây giống để khai phá chân núi Vua hãy còn rậm rạp bởi lưu dân Vân Nam đến xin làm dân Thiên Đức ngày một đông và đất đai ở Sơn Lăng rộng, chẳng nên bỏ phí.

Lắng nghe hết một lượt, Chương hỏi chung:

- Theo kinh nghiệm của các cụ, ta nên trồng cây gì ở vùng chân núi sẽ mang lại nhiều giá trị?

Một cụ người bản địa bấy giờ mới mạnh dạn lên tiếng:

- Bẩm thượng quan, chân núi trồng sắn, dứa, các loại đỗ là hơn cả.

Các cụ còn lại bàn tán xôn xao một hồi, cùng thống nhất trồng các loại cây ấy. Chương chỉ đồng ý một nửa. Anh chợt nhớ đến đề đạt của Liêu Nhất Khổng, xin cho tù binh Vân Nam về huyện Sơn Lăng khai khẩn mà Chương đang còn lưỡng lự chưa quyết.

- Sắp tới Vạn Thắng vương sẽ điều động nhiều tráng đinh người Vân Nam đến nơi này khai khẩn. Các cụ có thể trồng sắn, trồng dứa và các loại đỗ. Tráng đinh sẽ giúp các cụ khai hoang, họ sẽ trở thành dân Sơn Lăng. - Chương nói. - Sơn Lăng tạm thời xem như biên viễn, trăm sự nhờ các cụ giúp ba quân nơi ăn chốn ở, cung cấp tin tức cần thiết. Có như vậy, quan quân mới trấn giữ tốt an ninh để bà con ta chăm lo làm ăn.

Bố Giáp mời các cụ ở lại cùng ăn với ba quân, các cụ vui mừng nhận lời. Còn lại một mình bên ngọn nến, Chương trầm ngâm rất lâu cho đến khi Quan Lam Giang đem thức ăn vào.

- Ngài còn bận lòng chuyện gì nữa? Dẫu bận lòng vẫn cứ phải ăn mới có sức nghĩ ạ.

Chương đụng đũa, tấm tắc khen thịt lợn ngon. Lát sau anh hỏi Quan Lam Giang:

- Em có từng nghe đến cây trẩu không?



- Dạ có ạ! Cây đó mọc nhiều ở vùng này, bên phủ Vĩnh Yên còn nhiều hơn ấy ạ. Em từng dùng vỏ cây trẩu bào chế thuốc chữa bệnh đau răng.

Chương ngạc nhiên, Quan Lam Giang nói thêm:

- Hạt trẩu ép lấy dầu chữa mụn nhọt cũng rất tốt ạ.

- Thật ư?

Đến lượt Quan Lam Giang ngạc nhiên:

- Cớ sao vương thượng lại hỏi đến cây trẩu vậy ạ?

- Cây trẩu còn có nhiều tác dụng, rất nhiều là khác. - Chương cười tít mắt. - Hồi sớm ta trông thấy mấy cây ở bìa rừng mới nhớ ra lúc nhỏ đã từng biết.

Chương đặt đũa, bảo Lam Giang, Yên Thư cùng ngồi xuống. Anh hồ hởi liệt kê:

- Hạt trẩu ép ra dầu, dầu đó lành tính, có khi… dùng để ăn được. Ngoài ra dầu trẩu còn pha sơn, làm ra keo quết lên vải chống nước trong khi bã trẩu đem làm phân bón lúa cũng tốt lắm. À… trẩu khai thác gỗ cũng được nữa. Đúng rồi, nó thực sự là một cây công nghiệp.

- Cây công nghiệp ạ?

Quan Lam Giang và Yên Thư tròn mắt, trong khi đó Mai Đắc Thắng ngồi bên ghi chép vắn tắt lời Chương.

- Trồng trẩu ven bìa rừng rậm, các khoảng rừng thưa, chân đồi cùng với dứa sẽ giúp chống xói mòn đất. - Chương khẳng định. - Cần nhân rộng cây ấy tại vùng này và bên phủ Vĩnh Yên, lộ Tam Giang nữa. Ban nãy các cụ đề đạt trồng chè nhưng… ta nghĩ trồng chè ở vùng này sau khi thu hoạch phẩm cấp không cao, thương nhân sẽ không mua với giá tốt, như vậy sẽ phí.

Mai Đắc Thắng xin phép được nói:

- Dạo trước ngài có dặn anh Thổ khuyến khích sắc dân thiểu số ở đất Thái Nguyên chuyên canh cây chè rồi ạ.

- Ừ, phải đấy! Đất ở đây chắc không hợp trồng chè đâu. Dân muốn trồng cây nông nghiệp cứ để họ trồng, giao cho tù binh Vân Nam trồng dứa và cây trẩu diện rộng. - Chương kết luận. - Tạm thế, việc ấy giao bên Bộ Nông nghiệp, đừng giao cho bên Ái phi.

Thấy Mai Đắc Thắng dừng bút, Chương bảo:

- Ái phi mê tiền, trồng cây trẩu phải 2 đến 3 năm mới thu hoạch. Trước mắt trồng trẩu ở đây sau đó nhân rộng, dân thấy lợi sẽ tự trồng theo, khi đó hướng dẫn cho họ. Theo ta, ngoài tù binh Vân Nam thì nên chọn thêm dân nghèo ở vài nơi khác đưa về đây khai khẩn. Tất cả bọn họ sẽ đổi đời sau 3 năm.

- Dạ! - Mai Đắc Thắng lại hỏi. - Tù binh trồng xong trả tự do cho họ chứ ạ?

- Gọi là tù binh vậy thôi, à… mà sau chẳng nên gọi vậy. Họ không trở về cố hương, ở lại đây họ là người Thiên Đức mới.

Và cây trẩu bắt đầu được Bộ Nông nghiệp tiến hành trồng nhiều ở huyện Sơn Lăng, một phần huyện Sơn Tây, lộ Tam Giang và phủ Vĩnh Yên vào cuối năm Thiên Đức 34 cùng với dứa.

Mỗi chuyến đi thực tế tại từng địa phương đem lại cho Chương rất nhiều ý tưởng. Chương vui mừng đến nỗi thức đến quá nửa đêm mới chợp mắt. Đêm ấy ba quân ăn uống nê mãi đến tận gần nửa đêm mới nghỉ, cả đêm chẳng có động tĩnh gì khác lạ nhưng dân Xóm Trại và các làng mạc xung quanh đều biết ngoài binh sĩ còn có thượng quan đến nắm bắt tình hình trồng cấy ở địa phương.

Nguyên cả ngày hôm sau, khi mặt trời lên cao bằng ngọn sào, Bố Giáp sai Phùng Nguyên Hoàn dẫn đạo quân trinh sát cùng toán binh Xóm Trại và đại đội Thân Vệ quân Ma Kê phô trương thanh thế bằng cách kéo nhau đi tuần ngang dọc quanh khu vực Xóm Trại. Trong quá trình tuần tra, Phùng Nguyên Hoàn lệnh cho binh sĩ hàng ngũ không chỉnh tề, ngả ngốn và thậm chí để quân mua mấy chum rượu trong làng uống mỗi người đôi ba ngụm, phần lớn đổ đi. Sau cùng đoàn quân khật khưỡng dìu nhau về Xóm Trại trước khi trời tối và… vài con lợn t·hiệt m·ạng oan uổng.

Chẳng ai biết đội quân mấy trăm người kéo nhau đi lúc sáng về trại được bao nhiêu, đếm cờ quạt vẫn đầy đủ hết lượt.