Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 53: Truyền thuyết trăm trứng




Chương 53: Truyền thuyết trăm trứng

Chương thường nói việc học rất quan trọng, cậu cũng dành thời gian dạy chữ Quốc ngữ cho những người thân cận. Bình cũng bắt đầu phải dạy lại chữ cho những nữ binh dưới quyền và kiểm tra mỗi ngày. Chương yêu cầu việc dạy và học nên áp dụng với thực tế xung quanh để mau nhớ mặt chữ.

Chương muốn nhiều người biết chữ hơn, dù là chữ Hán hay chữ Quốc ngữ, miễn là biết chữ. Đại đội Thiên Đức mấy trăm người phân nửa chưa biết chữ Hán cũng khiến Chương bận tâm. Sau nhiều ngày ấp ủ, Chương đã bàn với Duệ, Bình, Nguyệt và Lượng rằng cần thiết phải mở một trường chuyên dạy chữ cho dân trong vùng, dạy chữ Hán hay chữ của Bụt đều được. Chương giao cho Lượng việc cất một dãy nhà dài có mái tre gần doanh trại, đủ chứa hàng trăm người. Những ngày mưa hoặc mùa đông sắp tới lạnh không tập được sẽ dùng cho việc hội họp và học chữ.

Việc mời người về dạy chữ Hán thì Phạm Tu có thể cho người từ làng Vạn đến giúp nhưng thông qua Duệ, Chương đã tìm hiểu và thấy rằng học chữ Hán sẽ lâu hơn học chữ Quốc ngữ. Bên cạnh đó, Chương cũng muốn xây dựng bản sắc riêng cho Vạn Xuân thể hiện qua chữ viết. Duệ, Bình hay Nguyệt đã quá nhiều việc, không thể bắt các cô chuyên tâm dạy chữ, nếu có thì chỉ là giúp sức khi rảnh rỗi. Sau cùng, Chương quyết định vẫn mở lớp, lớp dạy chữ Hán và lớp dạy chữ Bụt theo phương cách người biết nhiều dạy người biết ít, người biết ít dạy người không biết. Mỗi ngày biết một chữ thì một tháng cũng được ba mươi chữ.

Do đã xem Vạn Xuân giang sơn hoạ đồ cũng như từ Lượng, Bình và Duệ cho biết thì nước Vạn Xuân có nhiều dân tộc khác nhau, trong đó Kinh tộc chiếm đa số. Chương nhớ đến bài học vỡ lòng khi cắp sách đến trường ấy là bài học về nguồn gốc tổ tiên. Chương hỏi thì biết dân Vạn Xuân mới có lịch sử vài trăm năm, gần đây mới thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Hoa quốc. Nghe nói nhiều năm về trước cũng có những cuộc nổi dậy song đều bị dìm trong bể máu, vài trăm năm trước cũng vậy. Nhận thấy dân biết chữ ít, Chương nảy ra ý tưởng sẽ giảng dạy thông qua các câu chuyện. Câu chuyện đầu tiên tất nhiên sẽ là truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu cơ sinh ra trăm trứng, tiếp sau sẽ là những câu chuyện về lòng yêu nước, dũng cảm đứng lên chống giặc do mọi người thu thập, gần nhất là Lý Nam Vương. Tiếp đến nữa cần phải thu thập rồi kể những câu chuyện về lòng tốt trong dân để lan toả điều tốt đẹp đến nhiều người và sau cùng, phải kể những câu chuyện đề cao tính đoàn kết, căm thù giặc, kể những chuyện tàn ác mà giặc đã từng làm trước đây.

Mọi người đều cho là phải.

Chương đã biết nơi này chỉ có mình cậu biết nhiều, nếu cậu làm sai hay dạy sai ắt sẽ đem đến hậu quả khôn lường vì vậy những việc đại sự đều phải tính thiệt hơn. Điều khiến cậu vững dạ là nơi này không phải quá khứ, bất cứ thay đổi lớn nào cũng sẽ không ảnh hưởng đến tương lai.

Kể chuyện thì rất nhiều người có thể kể, nên sau cuộc họp của Ban chỉ huy đại đội, mọi người thống nhất ai muốn kể thì sẽ viết ra trước, ai không biết viết thì có người viết hộ sau đó tổng hợp lại chia thành những chủ đề chung. Đến lượt thì mọi người đứng lên kể, ai kể hay sẽ được tuyên dương. Chương trình đào tạo này được gọi là “Chuyện kể ở đại đội” và cô thư ký Duệ vẫn sẽ chịu trách nhiệm sau cùng, thế nên Duệ lại về làng Vạn gọi thêm một cô nữa. Phạm Tu từng nói đùa rằng rồi đây làng Vạn sẽ bị rút cạn nhân tài. Đối với chủ đề kể về tội ác của giặc đã làm với dân Vạn Xuân cần phải tìm những ông bà, cô chú trong thôn ngoài giáp, nếu là thầy đồ càng tốt. Trong quá trình biên soạn mấy ngày trời thì Chương lại nảy ra ý tưởng ngày nào đó sẽ mời những người ở vùng khác đến buôn bán kể chuyện ở vùng của họ, thậm chí mời cả hào phú đến kể chuyện họ đã làm giàu như thế nào.

Chương muốn tìm một người cao tuổi có uy tín trong giáp, cậu được chỉ đến làng Long Ngô Động gần Đường Vỹ. Nghe nói đó là một ông đã ngoài sáu mươi, từng đi thi nhưng không đỗ đạt nên về làng làm nghề dạy học cho con cái những nhà có của ăn của để trong giáp. Bình và đội thân vệ cùng đi với Chương vào buổi chiều mát. Ông cụ tên huý là Sính nên người làng gọi là ông Đồ Sính.

Đứng trước cổng một ngôi nhà mái ngói đã ngả màu thời gian, cổng và tường rào đơn sơ giống như bao nhà khác trong vùng. Ông Đồ Sính vận áo ngũ thân màu đen, quần lụa sáng màu đang ngồi trên chõng kê ở giữa sân. Học trò của ông có hơn chục đứa, tuổi khoảng lên mười, đều là bé trai.

Thấy có đám người lạ ngoài cổng, một bà cụ từ trong nhà tất tả chạy ra hỏi. Sau khi biết bọn Chương đến gặp ông đồ có việc cần nhờ vả thì bà cụ mở cổng cho bọn Chương vào. Bọn Chương đứng cúi đầu chào, ông Đồ Sính quay ra nhìn rồi hỏi:

-Các cô cậu đến tìm ta có việc gì?

Bình bước lên nói với ông đồ rằng có Thiếu uý, chủ tướng của quân Thiên Đức đến xin gặp. Ông đồ nhìn Chương một lượt sau đó nhìn tất cả các cô gái, qua nét mặt, Chương nhận thấy ông cụ có vẻ không vừa lòng.

-Cậu đây tuổi chắc cũng đôi mươi mà đã giữ đến chức Thiếu uý ư? Ta nhớ là triều đình xem như đã không còn từ mười năm nay thì ai phong cho cậu chức ấy?



-Thưa thầy! – Chương đáp. – Là Tả Đô đốc Phạm Tu đã phong cho cháu.

-Tả Đô đốc sao có thể phong chức ấy cho cậu? Trừ khi ông ta tự xem mình là hoàng thượng. Cậu có hiểu chức ấy nghĩa là gì không? Và… các cô đây tại sao lại đeo khăn vàng? Các cô là cấm quân?

Chương nhìn Bình, Bình khẽ lắc đầu, Chương nghĩ những trường hợp như thế này nếu có Duệ đi cùng sẽ tốt hơn.

-Thưa thầy, chúng cháu hãy còn trẻ người non dạ nên chưa được tường tận. Các chú bác đi trước sắp đặt ra sao thì chúng cháu nghe theo.

-Một đám võ biền chẳng biết cái gì cũng vỗ ngực xưng hùng xưng bá, thật là khiến người đời cười chê.

Thiên Bình định nói gì đó nhưng thấy Chương khẽ chau mày nên cô lại thôi.

-Thầy nói đúng ạ, cũng vì thế mà hôm nay bọn cháu đến đây mong thầy giúp cho.

-Cậu trai trẻ, ta chưa dạy cậu nên cậu không cần phải gọi ta là thầy.

-Dạ thưa, đối với cháu thì thầy không chỉ là dạy chữ mà còn dạy làm người, dạy cách ăn nói hoặc đơn giản là chỉ ra cái sai của cháu cũng đã là thầy rồi ạ.

-Chữ thầy của cậu thật dễ dãi nhưng xem ra cũng có lý lẽ. Cậu là người khéo ăn nói, chẳng hay cậu đã dùng tài ăn nói để được cho cái chức hữu danh vô thực rồi tụ tập đám trẻ ranh làm trò ở ven làng Đường Vỹ đó hả?

-Ông già, ông ăn nói thật khó nghe! – Thiên Bình bực mình. - Thiếu uý cho ông mặt mũi thì ông nên biết điều. Ông là nho sĩ cớ sao lại…

-Bình!

Chương lên tiếng khiến Bình bỏ ngang câu nói rồi lùi lại sau.



-Cậu cũng có chút quyền uy đấy chứ nhỉ. Được, nếu Ngài Thiếu uý đã đến thì mời Thiếu uý vào nhà ngồi xơi nước.

Ông đồ cho đám trẻ tạm nghỉ chạy chơi trong vườn. Chương theo ông đồ vào nhà, Bình bá·m s·át phía sau còn đội thân vệ tản ra đứng trong sân.

-Ta năm nay cũng hơn sáu mươi tuổi nhưng chưa từng thấy hoặc nghe nói Thiếu uý nào mà chỉ huy nữ binh. Vạn Xuân… à không… châu Vũ Ninh hết đàn ông con trai rồi hả?

-Đất nước không phải của riêng đàn ông, thưa thầy. – Chương từ tốn nói. - Đất nước thiếu đàn bà liệu có thành đất nước được không. Đất không thể thiếu nước và nước thì cũng cần có đất ạ.

-Cái lý này thì ta hiểu nhưng việc đại sự vốn không có chỗ cho đàn bà, hẳn Thiếu uý cũng biết?

-Cháu xin hỏi thầy, đại sự vốn là việc của đàn ông vậy tại sao Vạn Xuân lại thành ra như bây giờ?

Ông đồ không vội trả lời Chương mà rót nước mời cậu. Thiên Bình nãy giờ đứng bên cạnh không dám tham gia, hình như đây là lần đầu cô thấy một Chương hoàn toàn khác.

-Luận bàn về chuyện đại sự thì nói cả ngày không hết, ta không có nhiều thời gian, chẳng hay Thiếu uý đến tìm ta có việc gì?

Chương nói ra ý định của mình và muốn mời ông đồ đến kể cho binh sĩ quân Thiên Đức và dân làng Đường Vỹ nghe những chuyện xưa, kể những điều mà ông thấy bất cập trước đây, nhất là kể cho người trẻ nghe những khổ cực, bất công mà thế hệ của ông đã phải trải qua khi Hoa quốc cai trị.

-Còn gì nữa?

-Thưa thầy chỉ có vậy thôi ạ.

-Thiếu uý thực sự muốn gì? Những câu chuyên vụn vặt đói khổ, những bất công mà đời người gặp phải hay tội ác khi Hoa quốc cai trị liệu sẽ mang đến lợi ích gì cho Thiếu uý?

-Con người có tổ có tông, con cháu phải biết rằng cha ông đã phải trải qua những gì, đã làm những gì và họ nên làm gì? Những người trong giáp đều đã từng sống dưới thời Hoa quốc cai trị song… mỗi người lại có những hoàn cảnh khác nhau, gặp bất công khác nhau nên cháu muốn binh sĩ có cái nhìn rộng hơn về thời cuộc chứ không chỉ được nghe từ cha, mẹ hay ông bà của mình.



-Chẳng hay Thiếu uý tên gì nhỉ?

-Cháu tên là Chương, họ Mạc.

-Thân sinh của Thiếu uý có từng làm quan trong triều?

-Thưa thầy không, cháu từ nơi khác đến đây xem như cô nhi.

-Thôi được, ta sẽ suy nghĩ về lời đề nghị của Thiếu uý và sẽ trả lời ngài sau.

Chương ra về, nét mặt khá tươi tỉnh khiến Bình tò mò, đang định hỏi thì Chương quay sang bảo:

-Lần sau nói chuyện với người lớn tuổi, kể cả không ưng ý thì em cũng nên tiết chế lại, ăn nói lễ độ vào. Hơn thua gì lời nói với một ông đồ. Ông ấy là nho sĩ, lại chưa từng đỗ đạt, chắc là không thích quan quân và nhất là không có tính chính danh như anh.

-Lần sau em sẽ tiết chế. – Bình gật đầu. – Nhưng sao anh phải nhỏ nhẹ với ông ta chứ? Chắc gì ông ta đã có chuyện hay mà kể?

-Có thể ông ta chẳng kể câu chuyện nào, dù chúng ta chỉ gặp một lần cũng nên ăn nói nhã nhặn, kính lão đắc thọ mà. Ông ấy là thầy đồ, trong mắt nhiều người được trọng vọng, mình cũng nên như thế em à.

-Có mỗi cái việc kể chuyện thôi mà cứ làm như báu lắm ấy, ông ấy không giúp thì tìm người khác cũng được. Em không thích mấy ông già cổ hủ. Anh xem Bác Tu ấy, bác ấy có vậy đâu?

-Mỗi người sẽ có quan điểm khác nhau tuỳ vào công việc hoặc do hoàn cảnh, không nên so sánh em ạ, với ông thầy đồ này anh sẽ có cách.

Cách của Chương cũng chẳng có gì cao siêu, cậu sẽ bảo Duệ xử lý vì Duệ hay chữ lại biết nhiều, ông già cổ hủ nhất định sẽ bị Duệ thuyết phục bằng tài năng của Duệ.

-Điều ông ấy cần là kẻ khác trọng vọng, anh nghĩ như thế.

-Nhưng ông ta xem thường bọn em.

-Thì sau này em và các chị em đây phải chứng minh cho họ thấy cái gì họ làm được thì bọn em cũng làm được, có khi còn làm tốt hơn là im hết thôi, cãi cũng chả được.

Không chỉ riêng Bình mà đội thân vệ nghe được đều cho lời của chủ tướng là đúng, bởi đấy cũng là điều họ mong muốn, mong muốn được thừa nhận tài năng. Bản thân Chương cũng chẳng biết những lời của cậu đã gieo mầm vào suy nghĩ của những nữ binh, dần dà họ nhận ra người họ theo bảo vệ có thể giúp họ đứng ngang hàng với đám đàn ông con trai. Bởi vậy những nữ binh này và những nữ binh sau này sẽ khiến những kẻ có ý đồ hành thích Chương đều gặp rất nhiều khó khăn bởi lòng trung thành tuyệt đối của các cô gái vấn khăn vàng.