Chương 485: Hai vương tử họ Lý
Thân binh chạy đến ôm xác Đông Chinh vương mà khóc. Phạm Ngũ Lão nhảy xuống ngựa hấp tấp đuổi theo một quãng và tỏ ra buồn rầu trách mắng binh sĩ hồ đồ.
Nhưng tất cả chỉ có vậy.
Đem xác Đông Chinh vương về thành, Phạm Ngũ Lão cùng Đinh Điền, Lý Thái Dương trình bày rõ đầu đuôi với Yết Kiêu và Phùng Hiền. Đồng thời Phạm Ngũ Lão, với cấp bậc cao nhất, đứng ra nhận tội tắc trách và bị giáng mấy cấp, giữ chức Chính trị viên Tiểu đoàn Thiên Đức!
Hình phạt này đối với một võ tướng xem ra khá nặng. Đoán chừng Phạm Ngũ Lão buồn lòng, Đinh Điền và Lý Thái Dương đem rượu thịt đến an ủi thì gặp bọn Lý Kế Nguyên, Trương Ma Nị đã đến tự bao giờ. Cả bọn đang chén tạc chén thù thì Phùng Hiền, Nguyễn Văn Giáp và Lý Nhân Nghĩa cũng đem rượu thịt đến chia buồn. Trong cuộc rượu chẳng ai đề cập đến chuyện Phạm Ngũ Lão bị trách phạt, dường như tất cả đều đồng thuận với hành động của anh. Thay vì chia buồn, Phùng Hiền và Nguyễn Văn Giáp lại không ngừng nâng ly chúc mừng Phạm Ngũ Lão. Và Lý Nhân Nghĩa lúc khật khưỡng ra về ôm chầm lấy Phạm Ngũ Lão rỉ tai:
- Tướng quân trừ một cái hoạ lớn cho Sơn Tây nhưng vì đại cuộc mà chịu thiệt đôi chút khiến tôi lấy làm cảm phục lắm.
Phùng Hiền mặt đỏ như gà chọi, choàng vai bá cổ Phạm Ngũ Lão tâm sự rằng:
- Yết Kiêu có được những chiến tướng như nhân huynh đây khiến tại hạ lấy làm ghen tị lắm. Tại hạ nợ nhân huynh một ân tình, ngày sau nhân huynh có việc cần Phùng Hiền tương trợ việc gì chỉ cần nói một lời, Phùng Hiền sẽ đem tính mạng ra gắng sức!
Phạm Ngũ Lão vẫn phải tỏ ra u sầu, buồn bã vì lỗi lầm của bản thân khiến Đông Chinh vương m·ất m·ạng. Thiên Bình không đến động viên, nàng bí mật gửi một bình rượu quý mà Sơn Tây vương tặng cho nàng trước đó đến cho Phạm Ngũ Lão.
Mọi chuyện cứ vậy mà êm thấm, chẳng ai còn nhắc đến nữa.
Kết thúc cuộc t·ấn c·ông, Phùng Hiền và Yết Kiêu bắt hơn bảy nghìn quân phản loạn tại trận tiền, một số khác trốn được về làng, được gia đình động viên, lại sợ quan quân tìm đến bắt sẽ trị tội nặng chi bằng đầu thú sẽ được xem xét vì họ cũng chỉ là lính dõng mà thôi. Hàng nghìn người của hai bên t·hiệt m·ạng, b·ị t·hương cũng chẳng ít.
Tuy đại phá được quân tụ dưới cờ Đông Chinh vương nhưng Ngô Tất Sắc, Tĩnh Mịch Thiền sư và Trần Bá Tiên trốn thoát được về vùng núi Sơn Vi ẩn nấp nên cuộc chiến chưa thể xem là chấm dứt hoàn toàn. Mầm hoạ vẫn còn và cần sớm chấm dứt.
Bên cạnh đó, lợi dụng tình hình Sơn Tây có loạn, Lý Mẫn nào ngồi yên một chỗ. Chẳng cần điều động đại quân từ kinh sư, Lý Mẫn vẫn thừa sức chiếm phần lớn vùng đất phía Đông xứ Sơn Tây do binh mã nơi này ít ỏi, lại có Trần Văn Lộng điên cuồng đòi phục hận. Bọn Phùng Hiền đánh bại được quân phản loạn xong cũng là lúc ba quân của Trần Văn Lộng vừa chiếm được Đông Chinh vương phủ. Phùng Hiền ưu tiên đẩy lui quân của Trần Văn Lộng giành lại đất trước rồi mới tính đến diệt trừ Ngô Tất Sắc. Song để tiến hành một cuộc chiến, Phùng Hiền cần một ít thời gian chỉnh đốn binh mã vốn đã xộc xệch sau cuộc binh biến, nguồn lực bị phân tán đi nhiều.
Trước đây Sơn Tây còn một đạo thủy quân chừng hơn nghìn binh sĩ cùng nhiều thuyền chiến ngoài số quân dưới quyền Định thắng tướng Nguyễn Hoa Khê. Đạo quân này vốn đóng ở đầu nguồn Hát Giang, một con sông lớn ngăn cách kinh sư La thành với Sơn Tây ở mạn phía Nam. Đạo quân thủy này theo Trần Văn Lộng làm phản. Trần Văn Lộng rút chạy cùng tàn binh, nhập với đội quân thủy này. Lý Mẫn hà hơi tiếp sức, Lộng tránh chỗ mạnh đánh chỗ yếu nên nhất thời đắc lợi. Hay tin Đông Chinh vương đã mất, Trần Văn Lộng dựng cờ tự xưng Sứ tướng, lấy Đông Chinh vương phủ làm đại bản doanh thu nhặt tàn quân, sai người bắt liên lạc với Ngô Tất Sắc.
Thiên Bình trở về Thiên Đức dẫn theo trưởng nam Lý Tiên Phong và thứ nam Lý Yên Sơn như lời đề nghị của Sơn Tây vương. Sơn Tây vương lo sức khoẻ yếu, nhỡ theo tiên tổ mà con còn nhỏ dại. Thiên Bình biết Lý Thái sư và Lý Nhân Nghĩa đã bày cách này bởi họ tin Thiên Bình sẽ chăm lo cho hai người cháu một cách tử tế. Trong khi Lý Tiên Phong mang dáng dấp của một chàng trai trưởng thành và có thể lấy vợ thì Lý Yên Sơn có phần gầy gò, tính tình nhút nhát, ít nói. Thiên Bình lớn lên trong thân phận con nuôi nhưng nhận đủ tình yêu thương của những người xung quanh. Mặc dù giờ đây thân phận của nàng đã rõ nhưng ký ức tuổi thơ nào phai nhạt. Nàng từng nhiều lần tự hỏi liệu bản thân có anh em máu mủ hay không?
Lúc này, Thiên Bình nhìn hai người cháu ruột thịt đang ngồi ngay ngắn bên cạnh nhau mà không dám nhìn nàng, bất giác nàng cảm thấy vui trong lòng. Mai đây con của nàng lớn lên chẳng biết có nét nào giống hai người cháu này không. Lý Tiên Phong mình cao 5 thước nên Thiên Bình rất có thiện cảm, đó vốn là tiêu chí đầu tiên nàng đặt ra khi chọn ý trung nhân mười năm về trước.
- Vạn Thắng vương hẳn rất vui khi gặp hai cháu. - Thiên Bình ngồi đối diện hai người cháu ruột. Nàng muốn nói chuyện với chúng một cách thân tình thay vì lễ nghi. - Hai đứa không quen đi thuyền ư?
Lý Tiên Phong vịn vách thuyền định đứng dậy nhưng Thiên Bình ra hiệu cứ ngồi đó. Lý Tiên Phong và Lý Yên Sơn bị say sóng, mặt mày tái xanh nhưng cố tỏ ra bản thân đang ổn. Lý Yên Sơn dường như không thể chịu đựng được thêm, nghiêng người sang một bên nôn mật xanh mật vàng. Thiên Bình nhịn cười lấy khăn lụa chồm tới lau miệng cho đứa cháu nhỏ, nàng nhẹ nhàng vỗ về:
- Hồi ta còn nhỏ mỗi lần đặt chân lên thuyền là tái mặt vì sợ. Những lúc ấy ta bám chặt vào gấu quần của mẹ ta, nhắm tịt mắt lại gào khóc. Các cháu từ lúc lọt lòng đến bây giờ đều quanh quẩn trong thành mà Sơn Tây chẳng có mấy sông ngòi thành ra bị say sóng là dễ hiểu thôi. Đừng cố nhịn nhưng đừng sợ, dần sẽ quen.
Lý Yên Sơn phều phào:
- Tạ ơn Hoàng hậu đã chỉ dạy chúng con!
- Chúng ta không còn ở thành nữa, đừng gọi ta như vậy. Hãy gọi ta là cô, như vậy nghe chẳng gần gũi hơn sao?
- Tạ ơn cô ạ!
Thiên Bình xoa đầu đứa nhỏ:
- Cảm ơn được rồi, không cần nói tạ ơn. Cô đưa hai đứa về Thiên Đức để học hành tới nơi tới chốn, phải cố gắng nhé.
Lý Tiên Phong nói:
- Cháu xin được học làm tướng quân! Cháu có xin với phụ vương nhưng phụ vương nói chuyện ấy phải do chủ ý của Vạn Thắng vương.
Thiên Bình mỉm cười:
- Hai cháu không được nghĩ chuyến này đi là con tin. Sở dĩ phụ vương của hai cháu nói như vậy là khách sáo đó thôi. Chẳng cần nói cô cũng hiểu một đứa muốn theo nghiệp võ còn…
Thiên Bình lại xoa đầu Yên Sơn nói thêm:
- Cháu thích sách vở có phải không nào? Học gì cũng được những phải nỗ lực không ngừng nhất định sẽ thành tài.
Lý Tiên Phòng có chút ngập ngừng nhưng rồi vẫn hỏi:
- Cháu có nghe trong quân nói Sơn Tây sẽ quy hàng Thiên Đức, phụ vương sẽ xưng thần. Dạ thưa cô, chuyện ấy có phải không ạ?
Thiên Bình khẽ lắc đầu:
- Chúng ta cùng mang họ Lý, phụ vương của hai cháu là hoàng huynh của cô, sao có thể quỳ gối xưng thần?
Lý Tiên Phong không hỏi thêm nhưng Thiên Bình đoán đứa cháu đang nghĩ những gì nên nàng nhẹ nhàng giải thích:
- Thiên Đức không có lệ quỳ gối. Sơn Tây quy thuận Thiên Đức là đúng nhưng sẽ chẳng có gì đổi thay cả đâu. Các cháu là cháu của cô và như hai cháu biết rồi đấy, cô là Hoàng hậu Thiên Đức. Cô tiếp nhận vương vị và trao cho Vạn Thắng vương, hai cháu biết tại sao không?
Cả hai lắc đầu, Thiên Bình lại nói:
- Đến Thiên Đức các cháu sẽ tự hiểu. Cô chỉ có một lời khuyên rằng, với thân phận vương tử của Sơn Tây vương thì các cháu phải gương mẫu, tài giỏi hơn người khác, có như vậy mới làm dòng họ Lý rạng danh. Đất nước này không chỉ có họ Lý mà còn có họ Trần, Đặng, Nghiêm, Nguyễn… chúng ta không vượt trội hơn trăm họ thì chẳng lý gì họ theo chúng ta đâu.
Lý Tiên Phong lại hỏi:
- Thưa cô, cháu nghe thiên hạ đồn rằng Vạn Thắng vương vốn người nhà trời, một mình địch ba trăm người cũng không tính là nhiều, chẳng hay có phải không?
Thiên Bình chỉ lên thái dương, nói ngụ ý:
- Vạn Thắng vương tài trí hơn người, chỉ hơn 8 năm mà xây dựng được đạo quân đông mấy vạn người và… như cháu đã tận mắt nhìn thấy, tất cả thần khí Thiên Đức đều do Vạn Thắng vương sáng tạo ra. Với những thần khí ấy thì làm chủ Vạn Xuân có gì khó? Nhưng mà Vạn Thắng vương muốn dùng tài trí khuất phục đối thủ trước khi thần khí cất tiếng.
Những câu chuyện thu hút khiến Lý Tiên Phong và Lý Yên Sơn quên đi cơn say sóng lúc nào không hay. Thiên Bình bình còn nhớ năm xưa võ nghệ nàng xem như đệ tử của Bùi Thị Xuân còn chữ nghĩa nàng sẽ chẳng bao giờ vượt qua được Duệ. Nàng hơn hai cô chị kết nghĩa ở sắc đẹp! Mà như Chương thủ thỉ với nàng thì sắc đẹp như bông hoa chẳng thể đẹp mãi, chỉ có tri thức mới khiến người ta nể phục. Chân lý ấy Thiên Bình đã biết và hiểu. Gần đây Thiên Bình dành nhiều thời gian lắng nghe hơn, nghiền ngẫm nhiều hơn và với tư chất thông minh, nàng khiến Chương và Duệ yên tâm hẳn. Có lúc ngẫm bản thân những năm trước đôi lúc hành động hồ đồ, Thiên Bình thẹn đỏ mặt.
Thuyền cập bến Luy Lâu rồi thẳng về Vạn Xuân. Lý Tiên Phong dĩ nhiên đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác khi chứng kiến vùng đất trù phú, nhộn nhịp và vô cùng lạ lẫm. Dừng chân trước cổng lớn đề ba chữ “Hưng Quốc điện” Lý Tiên Phong ngơ ngác hồi lâu bởi trong suy nghĩ của cậu, nơi ngự của Vạn Thắng vương không nguy nga tráng lệ hơn Trường Xuân điện thì chí ít cũng phải ngang ngửa chứ nào nghĩ nơi này gần giống như một thái ấp.
Chương và mọi người đón Thiên Bình ở cổng. Sau khi Thiên Bình giới thiệu, Chương chìa tay ra có ý làm quen với hai người cháu của vợ nhưng hai chàng thiếu niên họ Lý đứng ngây như phỗng. Chương chẳng ngại ngần tiến gần hơn lần lượt ôm lấy từng người, hỏi thăm một vài câu trước khi sánh vai cùng mấy bà vợ trở về nhà.
- Đó là Vạn Thắng vương phải không huynh?
Lý Tiên Phong cũng chẳng biết trả lời ra sao. Ngô Thì Nhậm nghe vậy, cố nhịn cười bước đến sát bên nói nhỏ:
- Mừng hai công tử đến làng Vạn Xuân và người mới ôm hai công tử chính là Vạn Thắng vương bách chiến bách thắng.
Lý Tiên Phong thực thà nói:
- Nhìn… nhìn ngài ấy không giống một tướng quân cho lắm!
- Ngài ấy không phải chiến tướng mà là người quản các tướng và giúp một người bình thường trở thành chiến tướng. Vương tử… à không, tôi nên gọi là công tử. Như lời Hoàng hậu đã nói lúc ở trên thuyền, hai công tử phải nỗ lực hết mình để những người khác công nhận tài năng thực sự. Chỉ cần hai công tử thể hiện sự chăm chỉ, nghiêm túc thì Đại Vương sẽ dìu dắt hai người.
Lý Yên Sơn chợt hỏi:
- Ngô đại nhân! Thiên hạ đồn rằng Vạn Thắng vương không biết chữ, điều ấy có đúng không? Ta muốn đọc sách. Nếu như Vạn Thắng vương không biết chữ sao có thể dạy được gì cho ta đây?
Ngô Thì Nhậm chỉ lên tấm biển gỗ lớn đề mấy chữ và hỏi:
- Công tử đọc được chữ đó không?
Lý Yên Sơn lắc đầu. Ngô Thì Nhậm bèn nói:
- Đó là chữ ông Bụt, còn gọi là chữ Vạn Xuân do Vạn Thắng vương sáng tạo ra. Ngài ấy biết những điều ít người biết và… điều mọi người ai cũng biết thì… có khi không nhất thiết phải học bởi văn quan đại thần để làm gì đây?
- Ta có thể học chữ đó không?
- Tất cả mọi người đều phải học, ở đây trẻ con lên bảy đã phải đến trường học chữ.
Đó có thể xem là một trong những điều mới lạ với hai vương tử họ Lý.