Chương 481: TB31 trong đêm trăng
Yết Kiêu gọi Linh Thông Thuận đến giao nhiệm vụ cụ thể. Phùng Hiền cắt cử Phùng Nguyên Hoàn dẫn theo một trăm cấm quân, chọn những người thông thuộc đường sá dẫn lối cho TB31 tức tốc ngược dòng Xích Giang xuất phát ngay lúc trời vừa tối. Đoàn chiến thuyền nhỏ chở hơn một nghìn năm trăm binh sĩ lặng lẽ lướt dưới ánh trăng thượng tuần vừa nhú.
Yết Kiêu đứng trên tường thành chăm chú nhìn vào khoảng tối mịt mờ. Từ hướng bờ sông vọng đến âm thanh của loạt súng bắn chỉ thiên, Yết Kiêu đứng nghiêm trang đưa tay ngang thái dương chào. Đó là tín hiệu cho biết Linh Thông Thuận dẫn quân xuất bến. Phùng Hiền đứng kế bên lặng lẽ theo dõi nhất cử nhất động của Yết Kiêu với cặp mắt chứa đầy vẻ tò mò.
- Dường như anh còn đương thắc mắc về cậu Thuận hả?
Yết Kiêu hỏi nhưng mắt vẫn dõi về hướng Tây. Phùng Hiền chỉ chờ có vậy hỏi liền mạch mấy câu.
- Linh Thông Thuận là điển hình trai Thiên Đức. Cậu ta vốn theo Lý Lệnh công sang Tế Giang chống Thiên Đức đến cùng. Tôi không biết Vạn Thắng vương nhìn trúng cậu ấy ở điểm nào nhưng mấy năm qua cậu ta rất xông xáo. Giao nhiệm vụ nào cũng gắng hoàn thành dẫu m·ất m·ạng. Đây là lần đầu tôi làm việc với cậu ấy và đội quân tân binh do cậu ấy quản thực là tân binh song… là tân binh Thiên Đức chứ giáp trận với cấm quân của anh cũng chẳng thua kém đâu.
Phùng Hiền tặc lưỡi:
- Càng ngày tôi càng thấy lạ trong cách Vạn Thắng vương sắp xếp tướng sĩ. Mới có mấy năm mà ngài ấy… nói sao đây?
Yết Kiêu chậm rãi nói:
- Ngoại trừ những vị trí như tôi, anh Lượng, anh Thổ, anh Ba hay anh Sếnh thì những người khác thường luân chuyển qua lại luôn. Vạn Thắng vương muốn tướng cầm quân không nhất thiết chỉ mạnh khi có quân bản bộ, miễn có quân là tổ chức chiến đấu được.
- Tôi rất ít nghe anh nhắc đến Phạm Bạch Hổ. Thần công đại pháo của Thiên Đức là thần khí trấn thiên cơ mà?
Yết Kiêu cười mà rằng:
- Vạn Thắng vương bảo không nhất thiết phải dùng dao mổ trâu để g·iết gà. Trong tay tôi có Dương Cát Lợi, Lan Ngư phủ và Cao Lịch đã quá đủ. Với tính cách của Phạm Bạch Hổ, cậu ta sẽ dùng hoả lực tuyệt đối san bằng luôn 2 vạn binh mã rồi nói chuyện sau chứ không tốn thời gian toan tính đâu.
- Tôi thấy anh hăm hở nhưng kìm đó chứ?
- Anh hay tôi khác gì nhau đâu? Ngay như Hoàng hậu cũng muốn đánh cho bọn ấy ra bã nhưng anh biết không? Nếu tôi lạm sát, v·ết t·hương trong lòng dân Sơn Tây rất khó lành. Thứ nữa, Hoàng hậu đi cùng trong quân, giả như có phải tàn sát một trận, Vạn Thắng vương cũng chẳng trách cứ tôi nhưng sẽ thiếu tin tưởng tôi.
- Tôi không hiểu!
- Hoàng hậu rất muốn cầm quân đánh trận, bản tính Hoàng hậu hiếu thắng nhưng Vạn Thắng vương lại cho đi cùng tôi. Đây là lần thứ hai. Tôi nghĩ mãi mới hiểu ra. Vạn Thắng vương muốn kiềm chế tôi, Hoàng hậu sợ liên luỵ đến tôi thành ra cả hai phải đằm xuống. Cách quản người của Vạn Thắng vương rất thâm sâu. Ngay như việc cử quân tiếp viện cứ phải là Linh Thông Thuận chứ chẳng phải một chiến tướng nào khác.
- Anh vẫn chưa giải thích sâu chỗ đấy.
Yết Kiêu đáp:
- Tôi còn chưa biết mà. Tuy vậy, anh cứ so sánh thử đi, ngoài Phùng Thanh Hòa, Phùng Nguyên Hoàn và Bố Giáp, anh còn chiến tướng nào để tin tưởng giao việc lớn nữa không?
Phùng Hiền nói:
- Do tôi mới làm Sứ tướng chưa bao lâu nên…
Yết Kiêu lắc đầu:
- Chuyện anh kế tập làm Sứ tướng đâu phải gần đây anh mới biết? Đúng ra anh nên chuẩn bị con người từ nhiều năm trước. Đấy là tầm nhìn anh Hiền ạ.
Phùng Hiền trầm tư rồi gật đầu thừa nhận. Quả đúng như Yết Kiêu nói, đến lúc khẩn nguy, Phùng Hiền ngó nhìn quanh chỉ có một số bộ tướng tin dùng giao trọng trách được mà thôi.
Yết Kiêu vỗ vai Phùng Hiền động viên:
- Thay vì suy tư chuyện đã qua, anh nên tính cho ngày sau nên thế nào. Như tôi đã nói mấy lần với anh, họ Phùng vốn danh gia vọng tộc, lòng trung thành vương nghiệp không cần bàn.
Hai người sánh vai đi về trướng soái phía Bắc thành. Yết Kiêu giải đáp bất cứ thắc mắc nào mà Phùng Hiền đặt ra. Anh muốn vị Sứ tướng thực sự hiểu thuận theo sắp đặt của Chương. Nếu nhiệm vụ của Thiên Bình là trấn an bá quan văn võ theo Sơn Tây vương giúp họ yên lòng thì Yết Kiêu ngoài nhiệm vụ quân sự, giúp Phùng Hiền chống loạn quân anh còn nhiệm vụ chính trị, nhất định phải thuyết Phùng Hiền thực lòng quy thuận. Chỉ khi tướng sĩ tự theo về thì sau này vùng xa xôi như Sơn Tây mới yên và thuận cho công cuộc chinh phạt trong tương lai.
Sở dĩ Chương điều Linh Thông Thuận dẫn binh tiếp ứng Sơn Tây mà không phải người khác là bởi anh muốn cất nhắc chàng trai Siêu Loại trở thành lớp sĩ quan kế cận thứ ba. Lớp đầu tiên gồm những chiến tướng đã có chút danh tiếng như Phạm Cự Lượng, Yết Kiêu, Lý Văn Ba… những người này ít nhất đã 28 tuổi. Lớp kế cận thứ hai với những Lý Kế Nguyên, Phạm Ngũ Lão, Lý Công Thành… và lớp thứ ba có những Nguyễn Địa Lô, Trịnh Tú, Lưu Cơ, Đinh Điền, Hoàng Như Hổ, Linh Thông Thuận, Lý Thái Dương… các sĩ quan thiên về đánh trận sẽ là chỉ huy, sĩ quan thiên về lý luận sẽ nắm tư tưởng. Lớp sĩ quan đầu tiên buộc phải biết cả hai, đó là yêu cầu mà Chương đặt ra từ mấy năm trước.
Mấy ngày trước đó, Linh Thông Thuận chỉ huy TB31 dưới quyền Bàn Phù Sếnh uy h·iếp La thành. Nguyễn Từ Minh cùng Giang Hạo Điền dẫn binh Đông Phù Liệt mượn đường thủy La thành ngược lên Tam Đái đụng trận với quân Thánh Dực. Bàn Phù Sếnh chỉ thủ mà không công, dùng chiến thuyền nhỏ trang bị hoả mai, hoả pháo, thần công và hoả hổ phong toả toàn bộ một khúc sông rộng và dài. Trong các trận đụng đổ nhỏ trên sông kéo dài suốt mấy ngày, Linh Thông Thuận có được sự cố vấn của Đinh Công Tráng, chỉ huy thủy binh trực thuộc Đại đoàn Thiên Đức, đã nhiều lần tận dụng tính cơ động của Mông Đồng thuyền phá quấy đội hình của Nguyễn Từ Minh bất kể ngày đêm khiến Từ Minh ăn không ngon ngủ chẳng yên.
Nguyễn Từ Minh dùng toàn bộ lực lượng quyết mở đường, cố ý giáp trận nhưng Bàn Phù Sếnh lại lui rồi lựa thời cơ xuôi dòng nước, lệnh cho Linh Thông Thuận và TB31 chất hoả liệu cùng hàng trăm quả nổ lên mấy thuyền cũ chèo xuôi dòng rồi điểm hoả. Những thuyền này p·hát n·ổ hoặc c·háy l·ớn khiến Nguyễn Từ Minh buộc phải lui quân. Bàn Phù Sếnh lại cho quân truy đuổi, làm như sẽ tử chiến nhưng kỳ thực mục đích là đánh chiếm cồn đất giữa sông của La thành lập thủy trại. Binh sĩ đổ cát vào hàng trăm túi vải đắp luỹ quanh cồn, đặt thần công canh chừng bốn hướng. Giữa cồn lại cho dựng mấy chòi canh cao nhằm cảnh giới, dưới chân chòi canh có mấy khẩu Cự thạch pháo. Bên ngoài luỹ cát chằng buộc nhiều thuyền bè nhỏ đã mục nát hoặc chiến thuyền hư hỏng không còn sử dụng. Cồn đất rộng chưa đầy ba trăm mét vuông trở thành pháo đài án ngữ giữa sông. Thủy quân La thành hai lần đưa thuyền chở pháo đá phối hợp với Nguyễn Từ Minh nhổ cái gai ấy đi, song chẳng thành. Bấy giờ lắm kẻ mới ngã ngửa khi nhận ra tầm quan trọng của cái cồn giữa sông mà bấy lâu nay La thành chỉ đặt hơn chục binh sĩ lo thu thuế thuyền bè ngược xuôi.
Nguyễn Từ Minh và Giang Hạo Điền không chịu lui binh mà Bàn Phù Sếnh có được thủy trại giữa sông chẳng đời nào chịu thiệt. Thậm chí, Sếnh còn đặt hai trận địa thần công trên bờ yểm trợ. Bất cứ ai muốn chiếm lại cồn sẽ phải trả một cái giá vô cùng đắt đỏ. Có được thủy trại, Bàn Phù Sếnh điều TB31 tiếp ứng Sơn Tây. Đinh Công Tráng ở lại giúp Sếnh bố phòng, quyết không cho Nguyễn Từ Minh và bên La thành liên thủ vượt lên thượng nguồn. Bên cạnh đó, thuỷ quân ở Hiến Doanh và bộ binh bên Tế Giang âm thầm chuẩn bị lực lượng, chỉ chờ có lệnh lập tức xuất quân. Tuy nhiên, mọi sự tập trung lúc này của các Sứ quân đều đổ dồn về Tam Đái và Sơn Tây cả. Đó cũng có thể coi là một nguy cơ tiềm ẩn với Nguyễn Ninh vương.
Quảng nửa đêm Linh Thông Thuận và TB31 sau ba canh giờ ngược dòng Xích Giang men theo bờ hữu ngạn di chuyển đã tấp thuyền vào một bãi trống thoai thoải, cỏ dại mọc cao quá đầu người. Linh Thông Thuận chỉ để lại hai trăm binh sĩ giữ thuyền, còn lại nhắm hướng Đông Nam đạp cỏ dại, phạt cành lá mà tiến quân. Để đảm bảo bí mật, cả đội quân người sau đặt tay lên vai người trước hoặc bám dây chão dắt nhau mà đi. Được hơn chục dặm đường quả nhiên quân trinh sát báo về, cách hai dặm về hướng Đông Bắc trông thấy đuốc sáng thành hàng dài dễ đến mấy dặm.
Linh Thông Thuận thúc quân tiến nhanh theo sự dẫn đường của trinh sát. Lúc lâu sau, chỉ huy từ trung đội trở lên đã nấp sau những tán cây rậm rạp, một số trèo lên cao quan sát. Trong khi đó trinh sát tiếp cận gần con đường nhỏ uốn lượn quanh những gò ụ để trông cho thật rõ.
- Đúng là bọn chúng tải lương lên mạn Sơn Vi. - Phùng Nguyên Hoàn nói. - Theo ký hiệu trên y phục, quân áp tải của Đỗ Duy Trung. Thằng này có thù với mạt tướng vì nửa con trăng trước hắn dẫn binh đến làng tính bắt gia quyến Phùng quân.
Phan Kế An có mặt họp bàn, xác nhận và bổ sung lời của Nguyên Hoàn. Trinh Phù quân giải tán sau mấy ngày thành lập, Phan Kế An trở lại Phùng quân giữ chức Bách hộ (trăm quân).
Linh Thông Thuận thì thào hỏi Hoàn:
- Ông có biết mặt tay Trung đó không?
- Mạt tướng biết hắn!
Linh Thông Thuận lại hỏi:
- Những người tải lương ăn vận như kia hẳn tộc Mường nhỉ?
Quân dẫn đường bèn đáp:
- Có cả tộc Dao, Sán Chay và số ít binh sĩ Kinh tộc đấy ạ.
Phùng Nguyên Hoàn trạc tuổi Linh Thông Thuận, trong cấm quân cũng giữ chức Vũ vệ tướng quân nắm nghìn cấm quân nhưng nay nhận lệnh dẫn lối cho Linh Thông Thuận nên tự nhận bản thân thuộc quyền.
- Chúng ta có cả thảy gần một nghìn năm trăm người. - Linh Thông Thuận nêu ý kiến. - Bọn họ kéo nhau đi theo hàng lối như thế kia thì đánh chẳng khó. Cái khó ở chỗ đánh rồi lui ra sao mới quan trọng. Gần đây có đoạn đường nào phù hợp đặt phục binh không anh Hoàn?
Quân dẫn đường vội đáp thay:
- Thưa tướng quân, cách chỗ này khoảng hơn một dặm có một đoạn đường khá hẹp và dài, một bên cánh đồng thẳng tắp, bên còn lại… dạ… đằng kia ạ.
Linh Thông Thuận nhìn về hướng ấy liền trông thấy một khối đen sì nổi như ngôi mả lớn dưới ánh trăng khuya.
- Chỗ ấy có một gò cao, hồi trước rất rộng nhưng lấy đất đắp đường nên nhỏ bớt. Nhìn từ đây, nó như quả đồi thấp nhưng thực không phải, là do cây cối mọc cao và um tùm đó ạ.
- Liệu đặt được phục binh bao nhiêu người?
- Dăm trăm không tính là nhiều đâu ạ.
Linh Thông Thuận đăm chiêu suy tính, tựa vai bên một thân cây nhìn đoàn người cầm đuốc vừa khiêng, vừa gánh những sọt tre đựng ngũ cốc nối đuôi nhau đi. Trong ánh đuốc còn thấy cả trâu, bò và số ít ngựa tải lương. Linh Thông Thuận đưa ra quyết định:
- Chúng ta sẽ chia quân thành ba đội, một đội theo tôi đến cái gò kia. Một đội từ chỗ này tiếp cận con đường, đội còn lại di chuyển về bên cánh tả. Mỗi đội cách nhau trăm trượng dễ bề liên lạc.
Vừa nói Linh Thông Thuận vừa chỉ tay về các hướng.
- Súng hiệu nổ là đổ ra đánh ngay, nếu bọn họ chạy cứ mặc kệ. Chúng ta ưu tiên hai việc, bắt tù binh và chiếm giữ lương thảo. Nhờ anh Hoàn chia quân làm ba nhóm dẫn đường giúp nhé. Ngay sau khi xong việc, đại bộ phận sẽ rút về phía sau khoảng 5 dặm trú ẩn tạm thời. Một bộ phận ở lại đoạn hậu.
Mọi người đều nhất trí theo cách đó, bàn định thêm cho kỹ càng rồi quay về truyền quân lệnh tới binh sĩ thuộc quyền, đảm bảo tất cả phải thông suốt.