Chương 436: Đưa người về phương Bắc
Quần thần chờ đợi Vạn Thắng vương đưa ra lời phúc đáp, Tưởng Kính cũng vậy song Chương nhắc mọi người uống trà cho ngọt giọng. Nội dung chiếu thư đầy lời phỉnh nịnh, dụ dỗ và cả hăm hoạ nếu Thiên Đức không quy thuận, hậu quả khôn lường.
- Ta nghe nói Đại Vũ đế binh hùng tướng mạnh, quân sĩ đô đến trăm vạn phải không?
Tưởng Kính đáp:
- Đúng là như vậy thưa Đại Vương.
Chương hỏi Phạm Cự Lượng nãy giờ vẫn kín tiếng:
- Ba quân của ta có được bao nhiêu?
Phạm Cự Lượng đứng bật dậy, nghiêm trang trả lời:
- Báo cáo Đại Vương, chúng ta có gần năm vạn quân chính quy.
Chương vỗ nhẹ tay ngai, phàn nàn:
- Nên để ba vạn thôi, đông quá lấy ai làm ruộng. Dùng binh cốt ở tinh, không cốt đông, anh phải nhớ lấy.
Đoạn Chương quay ra nói với Tưởng Kính:
- Vạn Xuân còn có nhiều sứ quân, Tưởng đại nhân nên đề đạt Đại Vũ đế kết liên minh với họ.
- Quân binh Đại Vũ chỉ mượn đường qua Vạn Xuân, tôi nghĩ Đại Vương cùng văn võ bá quan ở đây đã hiểu.
Chương nói:
- Ta không muốn gây thù chuốc oán với người phương Bắc. Chuyện của các ông, các ông tự tính. Đường lên phương Bắc có nhiều lối sao cứ phải là Thiên Đức? Tưởng đại nhân cũng biết nhỉ.
- Lối Thiên Đức thuận thuỷ bộ, chính bởi vậy Đại Vũ đế muốn mượn đường cho đại binh đi qua. Xin Đại Vương xem xét kỹ càng mọi lẽ. Đại Vương cho mượn đường, Đại Vũ đế sẽ ban thưởng thật hậu.
Chương nhìn Phạm Cự Lượng, anh hỏi:
- Hoạ đồ Vạn Xuân đâu? Ta cần.
Hoạ đồ Vạn Xuân cỡ lớn vẽ trên da dê bằng mực đen được đem ra bày giữa điện. Chương đứng nheo mắt xem một lượt, đoạn anh nói:
- Đại Vũ đế mới thu phục được Vân Nam quốc ở phía Đông Bắc đất Vạn Xuân. Nếu muốn, các ngài sẽ dùng đại binh xuôi dòng vào đất Vạn Xuân sau đó ngược dòng Xích Giang lên phía Bắc. Một con đường ngắn và ta cho rằng các sứ quân khác sẽ chẳng làm khó các ngài.
Tưởng Kính bèn thưa:
- Thuỷ binh Đại Vũ muốn mượn đường Thiên Đức vì…
Chương ngắt lời Tưởng Kính, giọng anh kiên quyết:
- Ta rất tiếc không thể cho mượn đường.
Tưởng Kính liền đổi giọng:
- Đại Vũ đế sẽ cử đại binh chinh phạt Thiên Đức, Đại Vương nên suy nghĩ.
Chương nhìn tả hữu, người nào cũng nhìn anh chờ đợi lời vàng ý ngọc, anh tủm tỉm cười:
- Trăm vạn đại quân thực quá lớn, ta chỉ có vài vạn khác nào châu chấu đá xe. Tuy vậy ta mong Tưởng đại nhân hãy hiểu cho, ta là người sống có nguyên tắc.
- Ngài kiên quyết không cho đại quân mượn đường?
Chương khẽ gật đầu:
- Ta sẽ thảo văn bản, bố cáo thiên hạ. Chuyện của Đại Vũ và các tiểu quốc khác không liên quan gì đến ta.
Thuyết phục Chương không được, Tưởng Kính bực dọc trở về dịch quán. Thuộc hạ hỏi:
- Còn sứ quân ở cố đô, kẻ đó dòng dõi chính thống của vương xứ này. Tưởng đại nhân, chúng ta sao phải cố công thuyết thằng ranh đó?
Tưởng Kính quắc mắt hỏi lại:
- Ngươi có biết tại sao ngươi làm tham quân bao năm vẫn chưa được trọng dụng không?
- Tiểu nhân… tiểu nhân…
- Vì tầm nhìn của ngươi hạn hẹp, ngươi nghĩ chẳng quá tầm mắt sao có thể tiến thân đây.
- Tiểu nhân có mắt như mù, cúi xin đại nhân chỉ cho tiểu nhân được thông tỏ.
- Vạn Xuân lúc này thực có mấy sứ quân mỗi người trông giữ một phương. - Tưởng Kính đăm chiêu. - Song Thiên Đức trội hơn cả, ta chưa hiểu nguyên lai vì sao đến nay Vạn Thắng vương chưa thống nhất giang sơn về một mối. Hắn đủ khả năng, nếu không nói là thừa khả năng làm việc ấy. Lần trước đi sứ, ta để lại nhiều tai mắt và… đều bặt vô âm tín. Nguồn tin thu thập từ giới thương nhân cho biết, dân chúng trong vùng Thiên Đức kiểm soát ngày một đông, đời sống no đủ. Thiên Đức là một mối nguy tiềm tàng, Đám này không quy thuận không để chúng tồn tại được.
- Dạ, thưa đại nhân! Tiểu nhân e hắn đoán được ý đồ của ta nên không cho mượn đường.
- Ta đã liệu trước việc đó.
- Tiếp theo bọn thuộc hạ đang làm gì ạ?
- Nãy ta đã đưa ra đề nghị giúp hắn đánh bại các sứ quân khác, đổi lại hắn cho ta mượn đường. - Tưởng Kính thở dài. - Hắn còn trẻ nhưng không dễ dụ. Ta ngờ sau hắn có quân sư nhìn xa trông rộng chống lưng. Hắn có khi chỉ là một gã bù nhìn. Đám thương nhân và tin tức đám trẻ con thu thập có một điểm chung, ấy là hắn không xưng vương mà Phạm Tu cùng thuộc hạ đưa hắn lên ngôi cao. Thời gian gần đây Phạm Tu lui hẳn vể sau, có rất ít thông tin về ông ta.
- Nói như vậy chuyến này ta về tay trắng ạ?
Tưởng Kính ngồi bên bàn suy tư rất lâu, mãi sau mới cất tiếng:
- Cũng không tính là về tay không. Ta nghĩ… cần chuẩn bị cho ngày sau.
- Đại nhân tính đem bọn trẻ theo về ạ?
- Chúng ta không hiểu nơi này, có chiếm được cũng khó quản. Ta cần dân Vạn Xuân trị người Vạn Xuân.
- Nhưng ba đứa ấy còn bé quá ạ.
- Ngươi để ý vài đứa khác, nếu chúng không theo hãy dụ chúng làm nội gián. Nắm thóp chúng để dễ bề sai khiến.
- Thưa đại nhân, ngoài tay Hoàng Như Hổ còn một gã tên Đoàn Nhữ Hài quê ở Hải Đông. Thằng đó dường như bất mãn do không được trọng dụng.
Tưởng Kính đồng tình:
- Quân Thiên Đức dụng người Siêu Loại cũ là điều dễ hiểu. Ngoài ra, đám cựu thần tiền triều cũng được tin dùng nên chúng theo về nhiều. Những người trẻ như bọn Nhữ Hài hay Như Hổ khó có chỗ đứng trong hàng ngũ quan lại thân cận Vạn Thắng vương. Ngươi đào sâu vào mối bất hoà tự nhiên sẽ có người cho ngươi dùng.
Tưởng Kính nán lại thêm vài ngày trước khi trở về phương Bắc. Trong khoảng thời gian này, thuộc hạ của Tưởng Kính tiếp cận Đoàn Nhữ Hài thông qua Hoàng Như Hổ. Chén tạc chén thù, Như Hổ thổ lộ suy nghĩ sâu kín giấu trong lòng nhưng không đồng ý theo Tưởng Kính về phương Bắc bởi còn mẹ già, đi không đành mà đưa mẹ theo dễ lộ. Đoàn Nhữ Hài tỏ ta bất mãn, được phỉnh nịnh nên đồng ý đi phương Bắc một chuyến. Nhữ Hài chẳng vướng bận điều gì. Thân trai thoát ly chưa lập công danh, Đoàn Nhữ Hài nhất định không vinh quy bái tổ.
Tưởng Kính ưng Nhữ Hài và Như Hổ bởi hai thanh niên thuộc tầng lớp tri thức, muốn thể hiện và cần cơ hội thể hiện. Tưởng Kính sẽ cho người trẻ cơ hội. Đoàn Nhữ Hài quê Hải Đông cũ, Tưởng Kính bèn nói Hài lôi kéo thêm vài người chung chí lớn. Hài cho là phải. Kính đưa kinh phí cho Hài về Hải Đông trước mộ người, hẹn sau mười ngày tái ngộ tại Ninh Hải.
Như Hổ không đi được tỏ ra tiếc rẻ, Tưởng Kính cho bạc vàng, đổi lại Hổ viết thư, dùng máu điểm chỉ xin được làm thuộc hạ của Kính. Kính giữ làm tin.
Lương Thế Vinh, Đặng Mã La và Trương Thị Vạn không biết bản thân đang nằm trong kế hoạch của Tưởng Kính. Nhờ thông tin Hoàng Như Hổ mật báo, Chương lệnh kẻ dưới bằng mọi cách hợp thức hoá, đưa ba đứa trẻ đến huyện Thiên Đức một chuyến, tránh để Tưởng Kính nghi ngờ.
Bà chủ quán họ Đoàn lại quát mắng ba đứa trẻ thậm tệ lúc trời còn chưa sáng rõ. Thuộc hạ của Tưởng Kính nghe ngóng báo lại rằng mụ chủ quán thúc ba đứa trẻ theo mụ đi chợ Thổ Hà nào đó bên huyện Thiên Đức. Tưởng Kính nói thuộc hạ hãy để ý cẩn thận, cần tiếp cận đám trẻ trước và sau khi chúng đi chợ về xem có điều gì khả nghi hay không.
Tại chợ Thổ Hà, vợ chồng Trương Lôi, vợ chồng Đặng Công Chất cùng mẹ của Lương Thế Vinh. Lũ trẻ gặp lại gia đình sau gần một tháng xa cách tíu tít kể những chuyện đã làm, đã lừa Tưởng Kính ra sao trong khi cha mẹ chúng người nào người nấy rơm rớm nước mắt. Cuộc đoàn tụ diễn ra trong khoảng nửa canh giờ thì Nhã Lâm xuất hiện nói với mọi người Vạn Thắng vương đang đến.
Chương dừng bên bậc cửa trong một thoáng, hít một hơi thật sâu rồi mới bước vào nở nụ cười thân thiện vẫy ba đứa trẻ lại gần xoa đầu chúng và luôn miệng khen những việc chúng đã làm. Điều khó khăn nhất đối với Chương là nói kế hoạch sắp tới. Nội tâm Chương dằn vặt, anh muốn lũ trẻ tự quyết, chẳng muốn dùng trẻ con m·ưu đ·ồ việc lớn song nếu chúng từ chối, Chương cảm thấy mất mát. Anh nói ba đứa trẻ xếp thành hàng ngang, đứng nghiêm chỉnh, mắt nhìn thẳng. Vừa lúc ấy Thiên Bình đến, nàng ôm mỗi đứa một cái thật chặt, luôn miệng khen chúng đã lập đại công. Tiếp đó, với cương vị là Chủ tịch Thiên Đức hội, Thiên Bình tuyên bố đặc cách Lương Thế Vinh, Đặng Mã La và Trương Thị Vạn trở thành thành viên của hội dù chưa đủ mười sáu tuổi. Ba đứa trẻ đồng thanh đọc lời tuyên thệ theo Thiên Bình. Đó là một vinh dự, gia đình và cả ba đứa trẻ đều hiểu điều ấy.
Những người lớn hiểu chuyện, ngoại trừ Chương quay nhìn ra cửa, đều không kìm được nỗi xúc động trào dâng. Chờ cho cơn xúc động qua đi, Chương gọi ba đứa trẻ lại gần, anh nói:
- Ba đứa bây giờ là thành viên nhỏ tuổi nhất của Thiên Đức hội tức Đảng Lao động Vạn Xuân. Tuy chưa học chính trị nhưng mấy đứa có hiểu trở thành hội viên đồng nghĩa với điều gì không?
Đặng Mã La đáp:
- Chúng con trung thành với Vạn Thắng vương, chỉ cần đó là điều ngài muốn, chính là điều con muốn.
Chương cười khổ:
- Không có lý tưởng gì ư?
- Dạ… lý tưởng của con chính là trở thành người mà Vạn Thắng vương tin dùng.
Chương hỏi hai đứa còn lại, chúng đáp:
- Chúng con cũng muốn như vậy.
Chương quay ra hỏi Trương Lôi và Đặng Công Chất và ba người đàn bà đang đứng nép phía sau:
- Ta nên cảm tạ hai ông và ba bà như thế nào cho phải?
Trương Lôi bước lên nói:
- Đất này của Đại Vương, chúng tôi là người của ngài, ngài xem con cái chúng tôi như con cái của ngài. Tuỳ ngài định đoạt, chúng tôi cảm thấy vô cùng vinh dự.
Chương thở dài, anh nhìn lên mái nhà mà than:
- Ngày ta dựng cờ, hai ông lo bao việc, nay cũng chưa tính là yên, con cái các ông còn thơ dại mà… Thôi… mọi người lui ra ngoài, ta và Thiên Bình cần chút thời gian nói chuyện với ba đứa bé.