Chương 408: Uyển Như về Đường Vỹ
Yết Kiêu đóng quân đồn trú tạm tại trại Phủ Sóc nhằm ổn định tình hình sau chiến sự. Lê Quý Ly và Trung đoàn Thuận Thành chia quân đóng giữ vài nơi. Yết Kiêu dự kiến sẽ chiêu mộ 5000 tinh binh Đằng Châu trở thành quân Thiên Đức. Số quân này Yết Kiêu sẽ chia cho Lê Phụng Hiểu và gia tăng lực lượng thuỷ quân.
Lê Phụng Hiểu chuyển quân từ Trà Đoài về huyện Vũ Thư. Tạm thời thu nạp An Nhữ Hầu và 143 binh sĩ vào quân Thiết kỵ Vũ Ninh.
Dương Khoan và Dương phu nhân, Dương Vũ Thư, Trịnh Hoàng Sâm, Trần Tứ Phương cùng một số tiểu tướng từng là môn đệ của Dương gia môn theo Thiên Bình về Thiên Đức. Những tiểu tướng sẽ tham gia khoá đào tạo ba tháng về chính trị, quân sự tại Trường Chính trị - Quân sự Vạn Xuân. Cảm giác đầu tiên của những người phải rời mảnh đất cha sinh mẹ đẻ giống như… đi đày. Họ lạc lõng giữa đoàn quân chiến thắng, trở về trong sự chờ đợi và tiếng hò reo của vạn người.
Nhắc về Lâm Uyển Như, nàng tất bật đi lại giữa Nghĩa Trụ Hạ và đất Đằng Châu nắm bắt tình hình. Một buổi chiều, nữ thị vệ báo với nàng tin của Vạn Thắng vương gửi từ sở chỉ huy tạm đặt ở huyện Tiên Minh. Dì ruột của nàng, Lạc Thị Sim, là Dương phu nhân. Điều này có nghĩa Dương Yên Thư, nữ thích khách dạo trước là chị em với nàng.
Lâm Uyển Như bán tín bán nghi. Từ lúc biết được mọi chuyện trên thế gian, mẹ nàng nhiều lần nhắc với nàng những người chị em ruột bặt vô âm tín bấy lâu nay, phần nhiều chẳng còn trên thế gian. Cha là thương gia, mẹ là vợ lẽ. Vị thế của Lâm Uyển Như trong Lâm gia phủ không được cao. Tuy nhiên mẹ nàng, bà Lạc Thị Mua, dành tất cả tình yêu và của cải tích cóp được trong cả đời người cho cô con gái duy nhất. Trước lúc nhắm mắt xuôi tay vì bạo bệnh, người đàn bà tuổi mới ngoài tứ tuần vẫn ao ước được gặp lại những người thân ruột thịt xa cách mấy chục năm trời.
Thân thủ Lâm Uyển Như học từ mẹ dùng để phòng thân trên hành trình bôn ba kiếm kế làm giàu. Cầm trên tay tờ giấy do chính Chương viết, Lâm Uyển Như mới tin là thật. Bạch Hổ Thần quyền đúng là những gì mẹ nàng đã dạy từ lúc nàng mới lên năm. Môn võ, như mẹ nàng căn dặn, chỉ truyền cho nữ nhân họ Lạc.
Đột nhiên tìm thấy người thân của mẹ, Lâm Uyển Như muốn chạy ào đến gặp. Sinh thời mẹ nàng có nói, bà và em gái Lạc Thị Sim có nhiều nét giống nhau. Cũng vì thời cuộc mà mỗi người một ngả. Từ nơi đang công tác đến vùng chiến sự gần Trà Đoài thuộc huyện Kiến Xương rất xa. Lâm Uyển Như dằn lòng chờ thêm ít hôm nhưng đêm nằm thao thức, bỗng nhớ đến hình ảnh cô gái họ Dương mà Uyển Như từng gặp một lần ở làng Vạn Xuân.
-“Bảo sao lúc ấy mình thấy có vài nét quen quen, ai mà ngờ được chứ. Thật may làm sao ngày đó anh Chương tiếp quản sự việc. Yên Thư m·ất m·ạng, giờ này chắc mình ân hận mãi thôi.”
Lâm Uyển Như gọi nữ thị vệ vào hỏi:
-Em có biết nữ thích khách họ Dương dạo trước Vương đưa từ thành Luy Lâu đến Bát Vạn không?
Tiểu đội trưởng thị vệ, Đinh Hương, thưa:
-Em có nhớ mấy tháng trước, sau khi Thu Cúc và Nhã Lâm từ Đằng Châu về, cô gái đó được chuyển từ Bát Vạn về chỗ ông Trương Lôi.
-Ồ! Ta không biết việc ấy. Vương có hỏi han gì cô ta không?
Đinh Hương lắc đầu:
-Thưa Ái phi, theo em nghĩ, Thu Cúc có nhiệm vụ mật ở Đằng Châu. Vì lẽ nào đó nên cô ả mới được điều chuyển như vậy. Em với Thu Cúc rất thân, nhưng Thu Cúc không nói cụ thể những việc đã làm ở Đằng Châu.
Lâm Uyển Như gật đầu đồng tình:
-Đừng có hỏi. Mấy việc trong quân nếu Vương dặn kín miệng mà hớ ra sẽ mệt đấy. Em chuẩn bị, sáng sớm ta về huyện Thiên Đức.
Giống như Thiên Bình, Duệ hay Lam Khuê, Lâm Uyển Như đặc biệt chú ý đến những cô gái có nhan sắc, ngừa Vạn Thắng vương để ý. Triệu Nhã Lâm là một “đối tượng” cần lưu tâm nhưng Vương cất nhắc, bản thân cô gái ấy cũng có chút bản lĩnh nên Lâm Uyển Như không ý kiến thêm. Cùng là phụ nữ với nhau, chẳng khó để Uyển Như nhận ra cặp mắt si tình của cô gái họ Triệu kia.
Dương Yên Thư đẹp, giờ lại là em gái họ, nếu giúp cô nàng được là điều tốt, rất nên giúp. Nhưng tuyệt đối không được để cô em họ này chen chân vào gia đình một ông bốn bà hiện nay được. Là một phụ nữ thông minh, Lâm Uyển Như hiểu rằng một khi Chương đưa Dương Yên Thư về chỗ Trương Lôi ắt có ẩn tình mà nàng chưa được biết.
Là một người vợ, chả ai muốn chồng có thêm thê th·iếp.
Lâm Uyển Như và đội nữ thị vệ rời Nghĩa Trụ Hạ từ khi trời còn chưa tỏ, mãi đến chiều muộn mới đến đầu huyện Thiên Đức. Từ đây, mất thêm độ một phần tư canh giờ ngồi xe ngựa kéo trên ray, Uyển Như đến cổng làng Đường Vỹ. Quân canh nơi này chẳng biết vì sao Lâm Ái phi đột ngột xuất hiện, chạy sấp ngửa báo cáo với chỉ huy. Quân tập hợp xong đã hay tin Ái phi vào trung tâm huấn luyện nên quân canh quanh trung tâm đặt trong tình trạng sẵn sàng.
Trương Lôi, Chu Diện, Bùi Như Lạc vội vàng chạy ra đón, Lâm Uyển Như bảo với họ, nàng đến có việc riêng, không nên kinh động đến quân sĩ.
-Chú Lôi, ta muốn gặp cô gái họ Dương, Dương Yên Thư.
-Cô ấy đang nấu cơm.
-Ồ! Cô ấy làm gì ở đây?
Trương Lôi ngẩn người trong giây lát, Lâm Uyển Như tủm tỉm:
-Ta tìm cô ấy hỏi chút việc riêng thôi, không có làm khó gì cô ấy cả. Chú lo cái gì chứ? Vương đã dặn chú điều gì ư?
-À không, không có! - Trương Lôi cười. - Vương có lệnh đưa cô ấy đến trung tâm giúp chúng tôi công văn giấy tờ vì cô này khá nhanh nhẹn, cô ấy cũng cố gắng học chữ Vạn Xuân.
-Cô ấy là người hầu của các chú?
Trương Lôi chối ngay:
-Ái phi, người nói vậy oan cho chúng tôi. Dương Yên Thư là nữ nhi chưa chồng, trung tâm này toàn đám hổ đói, hay chòng ghẹo cô ấy lắm. Sau giờ làm việc, cô ấy ở riêng một chỗ cùng với mấy cô khác. Ngay cả tôi cũng không bén mảng đến. Tôi chỉ có một cái đầu.
Lâm Uyển Như sáp lại gần Trương Lôi và Chu Diện hỏi nhỏ:
-Vương có từng gọi hay đến gặp cô ấy không?
Cả hai cùng lắc đầu. Uyển Như hỏi thêm:
-Vậy sao chú lại bảo đầu chú chỉ có một?
Trương Lôi tặc lưỡi:
-Dương cô nương đó dung mạo hơn người, Vương chuyển cô ấy từ Bát Vạn về đây, nào ai nói rõ cho tôi thân thế cô ấy đâu. Dựa theo kinh nghiệm của lão già như tôi ấy mà, nữ nhân đoan trang hiền thục như vậy, động đến bỏng tay c·hết đấy. Tôi nghĩ cô ấy là người của Vương.
-Ý chú là gì?
-Lâm Ái phi ơi! Lão già ít gặp Vương, Ái phi đầu ấp tay gối mà không tỏ sao hỏi lão được.
Lâm Uyển Như lườm mấy ông già một lượt, nàng đe:
-Nếu ta biết các chú giấu ta điều gì, ta nhất định không để các chú yên đâu. Đàn ông các chú sểnh ra là nạp th·iếp, rồi có ngày ta xin với Vương ra luật một vợ một chồng.
Mấy ông trung niên ho lụ khụ, lảng nhìn sang chỗ khác. Lâm Uyển Như lấy ra mấy nén bạc, dúi vào tay Trương Lôi:
-Ta vừa ở bên Nghĩa Trụ Hạ về vội nên chẳng có quà cáp gì cho các chú với anh em. Của ít lòng nhiều, chú với anh em cải thiện một bữa nhé.
Trương Lôi nhận ngay, miệng cười giả lả:
-Lâm Ái phi vẫn cứ là Lâm Ái phi, lúc nào cũng khiến chúng tôi mong ngóng.
Lâm Uyển Như gạt Trương Lôi sang một bên:
-Thôi chú đừng lắm chuyện, mau bảo ai đó đưa ta đến chỗ Dương cô nương.
Lâm Uyển Như cùng đội nữ thị vệ đi xa dần, Bùi Như Lạc thì thào:
-Này! Lại đ·ánh g·hen à?
Trương Lôi khẽ lắc đầu:
-Ai mà biết! Chắc không đâu. Thái độ của Ái phi không có vẻ gì là tức giận.
-Tôi nhớ Dương cô nương đó là thích khách cơ mà? Hây! Đáng ra nên g·iết quách đi cho yên chuyện. Giả như Vương giấm cô ả ở đây, Hoàng hậu với mấy bà phi mò đến, nhất định bọn ta không yên đâu.
Trương Lôi thản nhiên, vừa đếm mấy nén bạc vừa đáp:
-Đấy là việc của Vương, bọn ta là bầy tôi sao quản được. Mấy bà có trách, ta cứ đổ cho Vương dặn như vậy là xong. Hồi trước cháu gái ông hành thích Vương cũng có bị g·iết đâu? Tôi rõ nhất đây này. Đấy, giờ là Quý phi còn gì nữa.
Bùi Như Lạc ưỡn ngực nói:
-Một vợ như tôi đỡ mệt!
Chu Diện nhếch miệng cười:
-Ông bất tài nên gái không theo, lại lấy làm huênh hoang nỗi gì. Thôi ông im đi. Có về nhà với mẹ hĩm thì về.
Trương Lôi ngăn lại:
-Ấy! Ái phi cho bạc, phải đánh chén một bữa mới được. Chỗ này đủ mua năm con lợn.
-Bốn con ai ăn ai đừng? - Bùi Như Lạc hỏi.
-Chia cho mỗi đại đội một con, ban chỉ huy một con là hợp lẽ. - Chu Diện gợi ý. - Cơ mà Ái phi hãy còn ở đây, chờ xem có chỉ thị gì không đã. Hết giờ đã hết việc đâu.
Ba ông trung niên tìm chỗ ngồi tán gẫu chờ Lâm Uyển Như. Uyển Như đến khu nhà mái ngói, vách gỗ dành cho nữ quân nhân. Trung tâm huấn luyện tân binh Thiên Đức vốn là đại bản doanh, là khởi thuỷ của quân Thiên Đức nên được chú trọng xây dựng căn bản. Nữ quân nhân học tập ở trung tâm đều là con gái phủ Thiên Đức. Sau thời gian đào tạo, họ sẽ thuộc Trung đoàn Thần Vũ hoặc đến các trại quân khắp vùng lo việc sổ sách giấy tờ. Nếu làm tốt các công việc hoặc có nguyện vọng, các cô gái sẽ theo học các trường quân sự, quân y hoặc quân chính. Như đã nói, gốc gác xuất thân phủ Thiên Đức giúp các cô gái có nhiều điều kiện tiến thân trong q·uân đ·ội.
Dương Yên Thư ở chung một nhà với mười một cô gái khác, năm trong số đó là các cô gái Nhị Dậu (làng Trống, Mái).
Từ ngày đến trung tâm này, Yên Thư giúp việc trà nước, sắp xếp sổ sách, nhắc lịch cho Ban chỉ huy của trung tâm. Thân thế của nàng chỉ vài người được phép biết. Yên Thư không biết chữ Bụt, nàng ngạc nhiên khi tận mắt thấy những hàng chữ lạ được viết ra trên bảng đen, trên sổ sách hoặc tờ áp phích trong trung tâm rộng lớn.
Những ngày đầu, Yên Thư ngạc nhiên hơn nữa khi tân binh ai ai cũng biết chữ. Có người viết nhanh, có người viết chậm nhưng nhân sinh quan của Yên Thư thay đổi hoàn toàn. Lúc nàng ở thành Bát Vạn, ngày đêm lúi húi bếp núc, thảng hoặc có thấy những tấm bảng ghi Hán tự và những dòng chữ lạ song chẳng để tâm. Bây giờ, trong môi trường phải tiếp xúc với nhiều chữ nghĩa, nàng mới nhận ra mình lạc lõng.
Ở Đằng Châu, Yên Thư sinh ra và lớn lên trong một gia đình cơ bản, có của ăn của để. Nàng được học chữ từ tấm bé trong khi bạn đồng trang lứa đa phần phải trông em, đi ở đợ hoặc phụ giúp cha mẹ việc đồng áng, chăn nuôi. Chữ là thứ gì đó vô cùng xa lạ với phần đông con gái Đằng Châu. Bởi vậy, chẳng biết từ bao giờ, tiêu chuẩn của một tiểu thư khuê các Đằng Châu là phải đọc thông viết thạo.
Yên Thư vì thế mà cảm thấy bản thân có giá trị.