Chương 390: Trại Phủ Sóc
Lúc Yết Kiêu rời căn cứ tạm Thuỷ Đường có ba Trung đoàn thuỷ quân, một tiểu đoàn pháo trực thuộc, bốn tiểu đoàn bộ binh bao gồm cả quân Thần Vũ, Đường Vỹ. Sau thêm Tiểu đoàn Kim Động gia nhập, tổng cộng gần bảy nghìn quân. Trên đường tiến nhanh, quân ở lại làng chài, Giao Thuỷ và Thập Xuân hơn hai nghìn người. Thế nên Yết Kiêu và Thiên Bình dẫn khoảng bốn nghìn năm trăm tinh binh đi đến cuối canh Tư mới dừng chân tản ra nghỉ tại chỗ trong khoảng hơn một canh giờ. Hành quân trên đất địch mà trong lòng Yết Kiêu, Thiên Bình, Thu Cúc hay Cao Lịch đều không chút lo lắng. Ngay từ đầu tất cả đã xác định đến đây để lập công. Ba quân trên dưới một lòng đều không chút e sợ.
Trời sáng, đạo binh dài hơn hai dặm theo hàng lối hiên ngang tiến trên đất bằng. Bách tính huyện Kiến Xương kháo nhau quân Thiên Đức đã chiếm được Giao Thuỷ, Thập Xuân một cách chớp nhoáng. Tin đồn lan truyền nhanh như gió lốc. Bởi vậy, nhiều làng xóm ven đường, nơi đạo quân của Yết Kiêu đi qua, hương thân phụ lão khăn áo chỉnh tề đứng chầu trực ven đường chờ phân phó. Sống thời loạn, bách tính ở đâu cũng chỉ là hạt cát, mạng người chỉ đáng một nhát gươm. Tốt hơn hơn cứ ra đường chào đón, Thiên Đức thắng trận, họ toàn mạng. Thiên Đức thua trận, họ đổ vấy cho quân Thiên Đức bắt ép là xong. Dẫu sao cũng chẳng ai truy cứu, dân mà, ai mạnh họ phải theo thôi.
Các bà các cô chẳng thể đến buổi chợ bèn đặt quang gánh ven đường có ý tặng đồ ăn thức uống cho quân Thiên Đức ngang qua. Đám trẻ con tụ tập trên bờ ruộng hay gò đống thi nhau chỉ trỏ, bàn luận, cãi nhau chí choé. Trông thấy kỳ hiệu Đại Thắng Lý Hoàng hậu và Thuỷ quân Long Vũ từ xa. Hương thân phụ lão bảo nhau quỳ gối đón đợi, thôn dân đều làm theo.
Trên đường hành quân xuyên đêm, đạo quân đã đuổi một quân doanh chừng hai trăm lính trấn giữ, lấy được hơn ba chục con ngựa dùng kéo súng thần công, dăm con cho quân kỵ cưỡi mở đường. Thiên Bình và Yết Kiêu cùng cuốc bộ với binh sĩ. Quân kỷ Thiên Đức nghiêm minh, từ sĩ quan đến người lính binh nhất đều phải học thuộc, tuyệt đối không được đụng chạm đến tài sản, s·át h·ại lương dân bách tính.
Quân kỵ mở đường liên tục nói với bách tính tụ tập ven đường không được quỳ gối. Có việc gì cứ đứng tấu trình song phải ngắn gọn. Sau đó ai về nhà nấy, sổ nhân khẩu hay sổ điền nếu đem theo hãy giao nộp.
-Vạn Thắng vương ban lệnh, quân sĩ Thiên Đức không được tơ hào đồng xu cắc bạc của bách tính Vạn Xuân! Bà con không được cản trở quân sĩ thi hành nhiệm vụ.
Bách tính Kiến Xương nhất nhất tuân theo. Dẫu vậy các bà các cô dúi vào tay những chàng trai Thiên Đức đủ loại bánh trái, nước nôi. Quân lệnh yêu cầu không được nhận song không cấm mua, bởi thế binh lính trả 1 hay 2 đồng cũng không trái lệnh. Xế trưa, đạo quân dừng nghỉ chân cạnh một ngôi làng lớn. Dân làng thấy quân sĩ vào làng không phá quấy, chỉ xin nước uống. Ban đầu còn sợ, lúc sau thấy vững bụng. Hương thân phụ lão trong làng đại diện xin tham kiến Đại Thắng Lý Hoàng hậu cùng thống lĩnh Yết Kiêu. Yết Kiêu không đồng ý vì việc quân đang gấp. Thiên Bình lại bảo gặp dân một chốc không có sao, dù gì cũng là cơ hội dân vận. Yết Kiêu nghe vậy cho là phải, mới đồng ý.
Thiên Bình hỏi thăm mùa màng, thuế má, trị an trong làng. Nàng dặn hương thân phụ lão về nói lại với dân làng hãy yên lòng.
-Quân Thiên Đức đến đây để đánh nhau với Dương Cự Vọng, bắt hàng Phạm Khải Ca vì không thần phục Vạn Thắng vương, người nối ngôi Lý tiên vương. Bách tính Đằng Châu là con dân Vạn Xuân, Vạn Thắng vương sẽ chăm lo cuộc sống cho muôn dân chứ đời nào hại. Các cụ hãy cứ yên lòng, về nhà bảo ban con cháu ngày sau hãy tuân thủ lề lối, không t·rộm c·ắp là được rồi.
Bấy giờ một ông cụ tuổi gần thất tuần, đang vẻ hom hem, đầu vấn khăn màu đỏ có thêu hoa thưa rằng:
-Bẩm Hoàng hậu, cách đây độ mươi dặm, trên đường Hoàng hậu tiến quân có một trại lính cạnh chợ Phủ Sóc. Dạ thưa, trại ấy đều là dân binh các làng trong vùng mới trưng tập được gần một tháng. Hoàng hậu nhân từ, nếu như có thể tha cho những dân binh ấy thì già trẻ làng này xin đội ơn Hoàng hậu trăm vạn lần.
Thiên Bình hỏi lại:
-Con cháu cụ có ở đó ư?
-Dạ bẩm, cháu trai của lão phu và hơn chục tráng đinh làng này có ở trong đó. Thưa Hoàng hậu, con cháu trong làng buộc phải vào quân chứ không có ý chống đối.
Thiên Bình quay sang nhìn Yết Kiêu, Yết Kiêu bước lên nói:
-Các cụ hãy yên lòng! Chủ trương quân Thiên Đức chỉ muốn bắt Phạm Khải Ca và Dương Cự Vọng. Chúng tôi sẽ không lạm sát, trừ những kẻ cứng đầu chống đến cùng mới buộc phải trấn áp mà thôi. Bây giờ việc quân đang gấp gáp, xin hẹn các cụ ngày khác. Giả như con cháu các cụ trở về, hãy dặn họ tu chí làm ăn, chẳng ai làm khó chi sất. Chẳng hay trại đó do ai trấn?
-Dạ bẩm, là Dương Quỳ đại nhân trấn giữ.
Đạo quân lục tục rời chỗ trú nắng hăm hở tiến quân đến chợ Phủ Sóc. Dân làng quỳ gối tiễn biệt, ai nấy thở phào nhẹ nhõm, vầng trán lấm tấm mồ hôi.
Doanh trại có dân binh mà ông cụ đề cập, dân chúng quanh vùng gọi là trại Phủ Sóc. Trại Phủ Sóc xây dựng khoảng ba chục năm trước trên một bãi hoang rộng lớn ven con đường đất ngoằn ngoèo, bụi mù dưới trời nắng và sình lầy sau cơn mưa. Trại ban đầu có tường đắp đất thấp lè tè. Qua năm tháng, những bức tường được gia cố, cao đến 7 thước.
Trại Phủ Sóc khá lớn, mỗi bề rộng chừng một dặm. Bên trong trại có nhà mái ngói tường gỗ lẫn nhà tranh vách đất cho quân sĩ ở. Dân binh huyện Kiến Xương trưng tập ở đây mỗi năm ít nhất hai bận, mỗi bận độ mươi ngày. Những người sung quân sẽ huấn luyện chừng ba tháng tại nơi đây trước khi giao về kỵ binh hoặc bộ binh. Tân binh học cưỡi ngựa đánh trận theo đội hình, bộ binh cũng học tiến thoái, học đánh gậy hoặc đao kiếm. Lúc đông nhất, trại Phủ Sóc tập trung đến hai nghìn người.
Bởi trại chẳng bao giờ vắng bóng người, quân sĩ ra vào luôn luôn. Ngôi chợ tạm bợ hơn ba chục năm trước lớn dần, trở thành chợ Phủ Sóc như ngày nay. Chợ chẳng tính là khang trang song có thể xem là chợ lớn trong vùng dù chẳng gần bến sông. Chợ họp 5 phiên mỗi tháng, các mặt hàng bày bán khá đa dạng. Chợ cũng là nguồn cung cấp rau cỏ, nông sản cho trại Phủ Sóc.
Dương Khoan là một trong những người đầu tiên đến Trại Phủ Sóc. Lúc ấy, Dương Khoan hãy còn tráng niên, tuổi mới 17 hăm hở cầm trường côn theo thân phụ là Dương Hoạt và hơn hai chục môn đệ Dương gia môn dựng trại cùng ba môn phái khác, giúp triều đình luyện quân. Dương Hoạt thời đó là nỗi kh·iếp sợ của đám giặc c·ướp trong vùng.
Vật đổi sao dời, Dương Khoan mất, Vạn Xuân loạn, Phủ Sóc thuộc quyền Phạm Lệnh công. Nối nghiệp cha, Dương Khoan luyện hàng chục nghìn binh mã cho Phạm Lệnh công trong gần hai chục năm trời.
Đồng bạn của Dương Khoan tuổi trạc ngũ tuần, ai nấy đều có công danh trọn vẹn. Dương Khoan thống lĩnh trại Phủ Sóc, luyện quân với sở trường dùng côn, giáo, đao, kiếm. Trong trại hay ngoài chợ, người ta đều cung kính gọi ông là Dương sư phụ.
Tính tình Dương Khoan ngay thẳng, được lòng kẻ dưới song mếch lòng kẻ trên. Chẳng cầu cạnh ai nên gần hai chục năm đường công danh không thăng tiến. Bản tính con nhà võ chẳng thích luồn cúi, lại làm nhiệm vụ luyện binh, một việc chẳng hại đến ai và chẳng mấy ai muốn nhận. Cuộc sống của Dương Khoan bấy lâu nay đều diễn ra êm đềm như vậy. Ông chỉ còn nhiệm vụ cuối cùng là gả con gái yêu cho một chàng trai tốt tính nào đó nữa là xong.
Cuộc sống êm đềm của ông già tuổi ngũ tuần họ Dương bắt đầu thay đổi chóng mặt kể từ ngày con trai Dương Vũ Thư thất trận trở về, mặt mày ủ rũ. Dương Vũ Thư bảo trường côn có lẽ hết đất dụng bởi quân Thiên Đức có thể hạ gục binh sĩ Đằng Châu từ khoảng cách hai mươi trượng bằng một thứ lạ kỳ như ống tre. Giáp trụ, ngựa chiến, khiên gỗ… đều trở nên mong manh vô cùng.
Tiếp đó Đào Sứ tướng trao lại binh quyền hồi hương, Dương Cự Vọng nắm binh quyền trong tay thay đổi mọi thứ nhanh đến chóng mặt. Cái trại quân tân binh chẳng mật mỡ gì cũng do con cháu nhà họ Dương nắm quyền.
Kể từ ngày Dương Quỳ đứng đầu trại Phủ Sóc, anh ta chỉ quan tâm đến ba thứ: Rượu ngon, gái đẹp và tiền bạc để phục vụ hai sở thích còn lại. Quân kỷ trong trại có nhiều thay đổi. Dân binh không muốn bị trưng tập sẽ đóng tiền thế chân nhưng trên sổ vẫn ghi danh. Tân binh muốn về nhà cứ 5 đồng 1 ngày. Thổ hào địa phương không muốn con cái khổ cực cứ dăm nén bạc mọi chuyện sẽ êm.
Với Dương Quỳ, mọi thứ đều quy ra tiền hết cả.
Đêm hôm trong trại quân có đàn bà đàn hát hầu rượu đến sáng. Dương Khoan thấy cảnh này thực căm giận, lựa lời nói nhưng Dương Quỳ bỏ ngoài tai. Nhắc Dương Khoan đã già, hãy về đuổi gà cho vợ, vui thú điền viên.
Chán chường, Dương Khoan hay uống rượu, thảng hoặc về nhà lần nào cũng say khướt mà chửi đổng. Có đôi khi say quá ngồi ôm chai rượu khóc tu tu. Vợ, con trai, con gái cùng khuyên Dương Khoan bỏ quách trại Phủ Sóc về nhà mở võ quán dạy đám trẻ nhưng Dương Khoan cố chấp không chịu. Trại Phủ Sóc do cha ông cùng bạn hữu dựng lên, ông không cam tâm bỏ mặc như vậy mà về.
Bởi nhìn cha đau lòng, Dương Yên Thư đã vì thế mà mạo hiểm một lần hòng giúp cha nắm quyền trại Phủ Sóc như trước đây.