Chương 382: Tâm tư Yết Kiêu
Hiến Doanh chiếm vị trí quan trọng trong quá trình quân Thiên Đức mở rộng về phía Nam. Với địa thế là thương cảng và quân cảng trọng yếu, Chương nhắm đến Hiến Doanh trước khi chiếm Tế Giang là có lý do, điều này thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của một chủ soái.
Ninh Hải là hải cảng, là lối thông ra bể nhưng cuộc n·ội c·hiến giữa các sứ quân chỉ chú trọng giành đất bắt dân. Chương vô tình có được Ninh Hải và kể từ đó, anh luôn chú trọng phát triển Ninh Hải thành hải cảng quan trọng bậc nhất của Thiên Đức. Sau khoảng thời gian ngắn ngủi, Ninh Hải là điểm giao thương mang lại nguồn lợi lớn cho Thiên Đức. Đó là lí do vì sao Đại đoàn Thần Sách đóng quân tại Ninh Hải ít bị điều động tham gia các cuộc viễn chinh của Thiên Đức.
Án ngữ Hiến Doanh, quân Thiên Đức phong toả được toàn bộ tin tức giữa các sứ quân ở phía Bắc và phía Nam. Toàn bộ thương thuyền lớn nhỏ, thuyền dân sự đi lại với bất kì mục đích gì đều bị phong toả từ chính Ngọ ngày 2 tháng 11.
Tại sao Chương không cho phong toả sớm hơn mà lại sau hai ngày kể từ lúc La Đình Kính động binh? Ấy là bởi anh muốn Đằng Châu, Sơn Nam Hạ hay Trường Châu chỉ nắm được tin tức ban đầu dẫn đến nhận định tình hình không sát.
Các thuyền ngang qua Hiến Doanh buộc phải quay đầu hoặc neo trong thương cảng chờ chiến sự tạm lắng hoặc chờ lệnh trên đưa xuống. Phần lớn thương thuyền chọn cách quay đầu, một số vào cảng neo đậu do chẳng lạ gì quân Thiên Đức. Quân Thiên Đức đánh nhau không động đến nông dân và thương nhân, giả tỉ thương thuyền neo đậu trong bến Hiến Doanh bị hư hại do đánh nhau, chính quyền Hiến Doanh sẽ đền bù thiệt hại do thu phí neo đậu.
Trong kế hoạch của Khổng Chiêu Hà, quân Đằng Châu sau khi đổ bộ đầy đủ sẽ đánh chiếm toàn bộ huyện Nghĩa Trụ Hạ và phần đất phía Nam huyện Kim Động. Khổng Chiêu Hà muốn dùng sông Nghĩa Trụ là giới tuyến, sắp đặt phòng ngự kiên cố trước khi lực lượng chủ lực Thiên Đức kịp quay về phản công.
Phối hợp với đại quân do Khổng Chiêu Hà đốc suất, Dương Cự Vọng dẫn năm nghìn tinh binh, trưng tập hơn một nghìn dân binh tại vùng Thập Ngũ Am nằm phía Tây Bắc đất Đằng Châu, tạo thành một đội quân tương đối mạnh án ngữ trên sông và trên bộ, ngừa quân Thiên Đức từ Tiên Minh qua sông hoặc ngược dòng Phú Nông đến Xích Giang.
Thập Ngũ Am là vùng đất bằng phẳng và đông dân cư với 15 thôn làng chuyên nghề dệt chiếu và trồng thuốc lào. Các làng trong vùng đều kết thúc với chữ “Am” như Đoài Am, Tiên Am, Tả Am, Hữu Am, Hậu Am, Trung Am, Thái Am, Thuỵ Am, Vĩnh Am, Bảo Am… trại Sứ tướng nằm tại làng Thuỵ Am. Dương Cự Vọng vừa tăng cường thêm sáu trăm Cự thạch pháo đến khu vực này, bổ sung vào lực lượng trấn thủ trước đó, nâng tổng số Cự thạch pháo khu vực Thập Ngũ Am lên đến gần một nghìn cỗ. Bản thân Dương Cự Vọng tin rằng một con kiến cũng khó lọt qua. Chỉ cần một loạt đạn đá hay đạn cháy cũng nhấn chìm vài chiến thuyền Thiên Đức nếu có ý định đi ngang qua hoặc vượt sông.
Bên kia chiến tuyến, Đoàn Thượng, Trương Văn Long và Lý Văn Ba biết rõ điều này hơn ai hết. Chương nói, chỉ cần tìm cách vượt qua được mưa đạn của quân Đằng Châu, ngược dòng Phú Nông và đến đúng thời điểm quân Đằng Châu vượt sông thì chiến thắng xem như nằm gọn trong túi áo. Bằng mọi cách phải t·ấn c·ông lúc địch quân sang sông được phân nửa, y như cách đánh tạt sườn, chia cắt đội hình của đối phương vậy.
Còn nhớ những năm trước đây khi Nguyễn Quốc Khánh, Phan Văn Hầu, Lý Mẫn hay Nguyễn Từ Minh t·ấn c·ông Thiên Đức, Phạm Tu, Lý An hay ngay cả Chương cũng vậy, sẽ có vài cách đánh. Một là dùng hoả khí bắn cấp tập ngăn cản đối phương vượt sông. Hai là chờ địch quân đổ đại bộ phận quân sĩ lên bờ sẽ đánh chặn hậu, hai mặt giáp công. Cách thứ ba, chờ đối phương neo đậu chiến thuyền đổ quân thì đánh ngay. Cách cuối cùng là bắn phá, đặt phục binh tại các vị trí hiểm yếu ven bờ sông rồi khai hoả.
Lần này tình hình đã khác. Quân sĩ Thiên Đức đông đảo, có thời gian dài tập luyện thuỷ bộ. Trung bình một chiến binh có hai năm trong quân ngũ, hiệu lệnh tiến thoái một khi ban ra đều được thực thi ngay tắp lự.
Dẫu trù liệu từ trước nhưng việc Dương Cự Vọng đưa đến Thập Ngũ Am quá nhiều Cự thạch pháo cùng hàng trăm khinh thuyền cỡ nhỏ chở chất dễ cháy khiến Chương cùng tả hữu phải điều chỉnh kế hoạch so với ban đầu.
Ngay từ sáng ngày 2 tháng 11, nhận thấy quân Đằng Châu đưa khinh thuyền chất đầy rơm rạ, củi khô. Đoàn Thượng đồ rằng Dương Cự Vọng sẽ dùng hoả công, thả trôi thuyền thuận dòng tạo thành bức tường lửa ngăn cản chiến thuyền Thiên Đức. Cự thạch pháo của Dương Cự Vọng ở trên bờ khi đó sẽ nhân cơ hội trút mưa đạn xuống sông.
Chương quyết định dùng Trung đoàn thuỷ Vạn Ninh của Hoàng Thái Công bổ sung vào lực lượng t·ấn c·ông Khổng Chiêu Hà theo đường sông Phú Nông. Đồng thời đưa Trung đoàn Thuỷ Đường dưới quyền Lăng Nhất Trượng nhập vào đội hình thuỷ quân Yết Kiêu.
Theo kế hoạch mới điều chỉnh, Trung đoàn thuỷ Vạn Ninh sẽ đánh vận động, sử dụng ưu thế Hoả pháo liên hoàn bắn lựu đạn nổ phối hợp với thần công bắn chế áp hoặc phá trận địa pháo của đối phương ở trên bờ, yểm trợ đại quân vượt qua cơn mưa đạn.
Đại đoàn Thần Sách với lực lượng bộ binh gần sáu nghìn quân tinh nhuệ trấn thủ tại Nghi Dương, Tiên Minh và Ninh Hải lập tức gia cố các chiến thuyền bằng nệm rơm trát bùn ẩm đặt trên nóc, khoang, sàn… Các thuyền Mông Đồng trang bị thêm móc sắt buộc dây chão cùng hai sào tre dài. Dụng cụ mới bổ sung sẽ dùng để kéo khinh thuyền đang cháy, đẩy chúng dạt sang hai bên tạo một lối mở đủ cho hai thuyền di chuyền cùng một lúc là được.
Tin tức Khổng Chiêu Hà bắt đầu bắc cầu phao đưa quân và khí giới hạng nặng qua sông theo cánh chim câu từ Nghĩa Trụ Hạ và Nam Sách tới tấp bay về Tiên Minh, Nghi Dương và Ninh Hải khi trời vừa tối. Tin khẩn đưa đến sở chỉ huy, Chương bèn hạ lệnh cho Yết Kiêu đang trú quân ở Tam Hưng lập tức xuất kích.
Yết Kiêu xuất quân vào quãng đầu giờ Hợi, trời mưa nhỏ lạnh đến thấu xương. Tiểu đoàn bộ binh Kim Động chờ sẵn từ trước đó ở ngã ba sông Cấm, nhập với đại quân Yết Kiêu vào khoảng giữa giờ Tý. Đại quân ra bể theo lối cửa sông Cấm.
Đây là lần đầu tiên thuỷ quân Thiên Đức dưới sự dẫn dắt của Yết Kiêu giương buồm ra bể mà không phải một vài trăm người mà đến mấy nghìn quân. Thuộc hạ Lâm gia cùng mấy chục ngư dân bản địa thông thạo dòng chảy làm nhiệm vụ dẫn đường cho đoàn chiến thuyền lặng lẽ di chuyển trong đêm tối trong cơn mưa nhỏ. Đoàn chiến thuyền bám theo hai thuyền của ngư dân đốt đèn đuốc sáng rực như ngọn hải đăng dẫn lối. Trong tay Yết Kiêu là cái la bàn nhỏ, báu vật mà Chương đã đem đến Vạn Xuân.
Yếu Kiêu đứng trên khoang thuyền hứng mưa và gió lạnh như cắt da cắt thịt mà lòng đầy phấn chấn, binh sĩ dưới trướng mời Yết Kiêu vào trong nhưng anh chàng chỉ mỉm cười lắc đầu. Lan Ngư phủ thấy vậy cũng chẳng đành bỏ mặc chủ tướng, cũng khoác áo tơi bện rơm đứng sát bên.
-Cậu thấy thế nào? Thích không?
Yết Kiêu bỗng cất tiếng hỏi Lan Ngư phủ.
-Dạ, thích nhưng mà lạnh quá anh ạ. Sao anh phải h·ành h·ạ bản thân như thế?
Yết Kiêu bật cười:
-Ta chờ giây phút này chẵn 8 năm trời, ngày ấy cậu hãy còn là thằng trẻ ranh thò lò mũi xanh chạy bên bờ sông đón ta từ Sơn Tây trở về.
-Ầy! Anh nhắc chuyện ấy em mới nhớ, thời gian như bóng câu qua cửa. Nhưng mà… chuyện ấy liên quan gì đến việc anh đưa mặt ra hứng mưa?
-Hồi ấy ta xin vào quân Thiên Đức mà Vạn Thắng vương chẳng thuận, ta ức lắm. Mãi sau ngài cho ta theo Ái phi phụ việc, thú thật ta cũng chẳng lấy gì làm vui thú. Có đôi lúc ta nghĩ, dù gì mình cũng là con Tả Đô đốc, Vạn Thắng vương ất ơ từ đâu đến bỗng nhiên chễm trệ nói gì ai cũng nghe, sao ta phải phục tùng? Lại còn phải nghe lời một người đàn bà, nghĩ căm lắm chứ.
Lan Ngư phủ gật gù:
-Em có nghe loáng thoáng các anh lớn bảo rằng Vạn Thắng vương có hứa sẽ khiến anh nổi danh bốn cõi, địch nhân nghe tên là kh·iếp vía. Tuy vậy em vẫn chưa biết vì sao Vạn Thắng vương lại đặt tên cho anh là Yết Kiêu.
-Cũng như cậu, nhà cậu có đánh cá đâu mà Vạn Thắng vương gọi là Lan Ngư phủ? Quân sĩ Long Vũ đến bảy phần nghe danh Phạm Hữu Thế còn chả biết đó là ta. Ây da! Vạn Thắng vương bảo rằng ở thiên giới, nơi ngài đến, có một chiến tướng thuỷ quân tên huý là Yết Kiêu rất giỏi nghề sông nước. Quả thực ngài có hứa sẽ biến ta thành danh tướng gì đó, ta bán tín bán nghi một thời gian đấy chứ.
Yết Kiêu kể cho Lan Ngư phủ, lát sau hàng chục binh sĩ nghe chuyện cũng ùa ra hóng không bỏ một lời nào. Yết Kiêu kể cho họ nghe chuyện từ 8 năm trước anh cùng dăm chục tráng niên làng Vạn lặn ngụp trên sông, kể về chiến công đầu tiên trên sông Thiên Đức, Yết Kiêu đã khóc khi mất mấy người anh em cùng lớn lên với nhau. Về chiến tích xuất quỷ nhập thần tại Sơn Tây.
-Đã có những lúc ta nghĩ Vạn Thắng vương chỉ hứa cho vui miệng. Bao trận đánh lớn nhỏ gắn với anh Lượng. Anh Ba, anh Sếnh, anh Thổ hay cả chỗ anh Long từng là bại tướng quy hàng còn được trọng dụng hơn ta, thống lĩnh một cõi. Ta luyện được bao quân thuỷ đều bị Vạn Thắng vương chia sạch cho mọi người. Đừng nói ta không buồn. Có lúc ta nghĩ chức thống soái thuỷ quân chỉ cho có vậy thôi.
Lan Ngư phủ và binh sĩ lặng im lắng nghe. Chủ tướng thuỷ quân chưa bao giờ trải lòng như thế này.
-Buồn, giận, vui đủ cả nhưng có một điều 8 năm qua không thay đổi. Ta trung thành với Vạn Thắng vương trước khi biết thân phận Lý Hoàng hậu của chúng ta. Bây giờ ta với các cậu lãnh nhiệm vụ chiếm cứ Đằng Châu, là đội quân chủ lực. Thời gian đủ giúp ta hiểu rõ, muốn thống nhất Vạn Xuân thuỷ quân phải mạnh, phải nhanh. Tầm nhìn của Vương khiến chúng ta hiện tại không hiểu, vài năm sau mới thấm. Các cậu còn trẻ, cứ nỗ lực và tin tưởng nơi Vương ắt sẽ lập chiến công. Lần đánh Đằng Châu này thực ra là dễ khi mà Vương bố trí đến gần hai vạn quân thu hút chủ lực Đằng Châu, chúng ta đánh tập hậu, các cậu nhất định không được để Vương thất vọng.
Ngay khi nắm rõ kế hoạch, Yết Kiêu nhận thấy Vạn Thắng vương dọn đường cho thuỷ quân một chiến thắng vang dội. Gần như lực lượng bộ binh, kỵ binh và pháo binh đều phục vụ cho chiến thắng trước mắt của thuỷ quân tại Đằng Châu.