Chương 357: Vạn Thắng vương đến Tế Giang
La thành vẫn xích mích với bên Đông Phù Liệt, gần đây gây kết liên minh với Tam Đái, hoà hoãn với Sơn Tây, gây hấn với Đỗ Động Giang. Tô Trung Từ buộc phải cựa quậy, vị Thái uý nhà Lý hiểu rằng nếu ông không làm gì đó, đến khi Thiên Đức chĩa mũi nhọn sẽ thập phần hiểm nguy.
Tô Trung Từ đồng thời thi hành chính sách ngoại giao “viễn giao cận công” ông giao hảo với sứ quân Lê Cát Bảo vùng Sơn Nam Hạ, hòng tạo áp lực từ mạn phía Nam của Đông Phù Liệt. Nguyễn Ninh vương cũng chẳng chịu thiệt, ông đề nghị kết liên minh với sứ quân Ngô Thiên Sách tại Trường Châu tạo thế răng môi nương tựa lẫn nhau, chế ngự Lê Cát Bảo. Lê Cát Bảo cảm thấy không yên khi hai mặt Bắc và Đông bị uy h·iếp bèn đề nghị giao hảo với Phạm Lệnh công bên bờ tả ngạn Xích Giang.
Các sứ quân, ngoại trừ Sơn Tây, đều coi Thiên Đức là kẻ thù chính, là mối nguy tiềm tàng song chính bởi vướng phải những vấn đề nội tại, không thể bắt tay với nhau chĩa mũi nhọn về Thiên Đức.
Thiên Đức đã trở thành sứ quân mạnh nhất, cát cứ một vùng rộng lớn, lại có danh nghĩa kế thừa ngôi báu Lý tiên vương truyền lại. Nhân sĩ khắp Vạn Xuân nhìn ra thế cục, ngày một nhiều người âm thầm về Thiên Đức xin thần phục và được sắp xếp công việc phù hợp tại Ninh Hải, Kinh Môn, Chi Lăng hay Lạng Giang. Tiếng lành đồn xa, Thiên Đức trọng dụng nhân tài bất kể xuất thân, nhờ thế số lượng nhân sĩ Thiên Đức tăng theo cấp số cộng theo sự lớn mạnh của sứ quân.
Chuyến công cán của Ngô Thì Nhậm đạt kết quả tốt, tất cả nhân sĩ ông mời đều ra làm viên chức phục vụ Thiên Đức. Trong số những người mới, có Đào Sư Tích quê ở Song Khê, một người trẻ giỏi văn thơ trạc tuổi bọn Hoàng Như Hổ, Đoàn Nhữ Hài.
Chương chỉ đạo Ty Giáo dục, dự kiến hạ tuần tháng 8, mùa thu, năm Thiên Đức 32 sẽ tổ chức kỳ thi tuyển viên chức đầu tiên làm việc trong bộ máy cầm quyền phủ Thiên Đức. Đối tượng dự thi bất kể nam nữ, tuổi dưới 25. Kỳ thi tuyển yêu cầu thí sinh tham dự phải làm bài hoàn toàn bằng chữ Vạn Xuân.
Ty Thương nghiệp, Ty Giao thông, Ty Nông nghiệp, Ty Công an, Ty Dân vận, Ty Công nghiệp nhẹ, Ty Y tế, Ty Văn hoá phải cử ra những người đủ năng lực viết đề bài thi. Đề bài giới hạn trong lĩnh vực cụ thể, không có đáp áp hòng khuyến khích thí sinh tự do đưa ra các ý tưởng, thậm chí ao ước viển vông.
Riêng thí sinh thi tuyển tại Bộ Quốc phòng sẽ có phần tự luận chiếm bảy mươi phần trăm số điểm, theo thang điểm 100. Phạm Tu, Lý An, Cao Mộc Viễn, Triệu Quang Phục, Đoàn Thượng, Lê Phụng Hiểu, Phạm Cự Lượng, Phạm Bỉnh Di, Bàn Phù Sếnh, Lý Văn Ba sẽ là người ra đề. Đề bài là những trăn trở của các vị trước tình hình thực tế. Thí sinh tuỳ chọn đề bài tự luận, có thể chọn tất cả, thời gian thi là 3 ngày. Thích viết gì thì viết, muốn đề đạt sao cứ đề đạt, không có kiêng huý, phạm huý. Thậm chí phê phán, vạch ra được cái sai, cái chưa đúng cần phải thay đổi trong quân dựa theo góc nhìn của người trẻ được khuyến khích… bằng tiền nếu không đỗ.
Ty Thông tin bằng mọi cách tuyên truyền khắp phủ, tạo sự chú ý của người trẻ. Ty Giáo dục giúp sức và Thiên Bình với cương vị Chủ tịch Thiên Đức hội phải làm công tác tư tưởng với hội viên. Sở dĩ Chương cho làm rùm beng việc thi cử ngoài mục đích chọn thêm người trẻ với tư tưởng tự do phục vụ phủ Thiên Đức, anh còn muốn đánh lạc hướng sự chú ý của bách tính khỏi các hoạt động quân sự.
Các thí sinh đăng kí dự thi có 3 tháng chuẩn bị, họ có thể đến Ty Xây dựng, Ty Nông nghiệp, Ty Công an, Ty Thương nghiệp… để tìm hiểu, nhận tài liệu, đặt ra các câu hỏi. Các ty cử nhiều nhân viên thường trực làm việc 12 tiếng một ngày, cung cấp tất cả những gì thí sinh cần. Nhiều thí sinh ở xa ty, được bố trí chỗ ở hòng thuận tiện tìm hiểu tình hình lĩnh vực mà họ thích. Đây thực là cách tuyên truyền hữu hiệu chủ trương, định hướng của Thiên Đức phủ trong tương lai.
Kỳ thì không cấm viên chức đang làm việc trong bộ máy tham gia, chỉ cấm họ tham gia lĩnh vực họ đang làm. Ví dụ, nhân viên đang làm tại Ty Giáo dục không được thi các đề bài do Ty Giáo dục đưa ra. Có nghĩa, nếu họ cảm thấy công việc đang làm không phù hợp có thể thử sức ở lĩnh vực khác.
Chương thành công hướng sự chú ý của dân chúng vào kỳ thi tuyển kỳ lạ đầu tiên trong phủ. Đó cũng là một lý do anh thu hút được nhân sĩ trẻ tứ xứ tìm đến. Từ tháng 4 đến tháng 7 năm Thiên Đức 32, huyện Siêu Loại có thêm gần năm nghìn lưu dân từ các vùng khác đến lập nghiệp, xin làm dân Thiên Đức mới cũng vì con cái của những lưu dân muốn tìm cơ hội đổi đời.
Khu vực thung lung tại huyện Chi Lăng phát hiện mỏ quặng sắt chưa rõ trữ lượng, Chương gọi là Đồng Mỏ. Nhân lực từ các huyện Kinh Môn, Kim Động, Ninh Hải, Nghĩa Trụ được tuyển mộ làm công nhân trực thuộc Tổng Công ty Vạn Xuân, họ đến làm việc tại Đồng Mỏ với mức đãi ngộ gấp rưỡi so với ở đồng bằng. Đồng Mỏ thay da đổi thịt từng ngày.
Giáp Đạo Nguyên sau khi thần phục, thấy Vạn Thắng vương không tước bỏ quyền hành, trọng thị dân tộc thiểu số, con cháu về Thiên Đức quả thật được ăn học đàng hoàng nên ra sức chiêu mộ đồng bào dân tộc làm công nhân. Thậm chí, Ty Công nghiệp nghẹ khuyến khích bà con tự đào quặng theo hướng dẫn của ty, ty sẽ đưa người đến thu mua tại chỗ.
Bên cạnh đó, Chương cũng sở hữu mỏ vàng đầu tiên trong cuộc đời tại núi Nà Phài. Mỏ vàng Nà Phài nằm ở phía Bắc bản Hoa Hồi, cách Hoa Hồi chừng một trăm dặm đường rừng. Mỏ vàng Nà Phài tình cờ được phát hiện trong quá trình khai thác tù binh. Quân sĩ Thiên Đức thấy hơn hai chục thổ binh đến từ bản Nà Phài đeo nhiều vòng vàng bèn trình báo lên trên. Lý An lập tức nhớ đến lời Chương từng nói, mục đích chính của cuộc chinh phạt là tìm kim loại quý. Bởi thế, Lý An đã cử một đại đội bộ binh cùng thổ binh băng rừng đến tận nơi xem xét. Đại đội bộ binh chốt giữ luôn tại bản nhỏ Nà Phài, sau đó quân số lên đến một tiểu đoàn trấn giữ. Công nhân khai thác chỉ tuyển người bản địa, họ được trả lương và giữ lại hai phần thành quả khai thác được. Sự thực, với dân bản Nà Phài cùng vài bản gần đó, bạc vàng chỉ là trang sức, không quý bằng gạo, mắm, muối, vải vóc. Ty Thương nghiệp cung cấp cho dân bản những thứ họ cần với giá tốt, đổi bằng vàng. Có thể nói, vàng khai thác tại mỏ Nà Phài được bao nhiêu đều đem về Thiên Đức hết cả. Con em tộc trưởng hoặc dân trong các bản gần mỏ vàng, mỏ sắt đều được Thiên Đức đài thọ toàn bộ chi phí nếu về Thiên Đức du học.
Với những chính sách mềm dẻo, Chương dần cột chặt các bộ tộc ít người ở vùng núi Tây Bắc thành một phần không thể tách rời. Ngoài khoáng sản, dân bản đem lâm sản thu được từ rừng xuống khu Đồng Mỏ đổi lấy bất cứ thứ gì họ cần. Bởi nhiều lý do, Chương chủ ý thiết lập Đồng Mỏ trở thành thị trấn lớn tại huyện Chi Lăng.
Than đá ngoài mỏ ở huyện Mao Khê, quân sĩ thân tín cử đi đã tìm được nhiều mỏ khác nhưng trước mắt Chương chỉ tập trung khai thác tại núi Yên Lãng do đường sá thuận lợi, gần thủ phủ Thiên Đức. Lê Chân, môn đệ của Chương, giữ chức Phó Thống lĩnh quân sự, chuyên trách an ninh khai thác quái thạch tại huyện Mao Khê.
Thượng tuần tháng 5, sau thời gian Thiết quân luật, tình hình trị an trong các huyện phía Nam thủ phủ Thiên Đức có dấu hiệu ổn định. Viên chức làm việc trong bộ máy không ai bị ám toán song liên tiếp gia đình của cùng ba nhân viên đang công tác trong Ty Giáo dục thuộc huyện Nghĩa Trụ Hạ m·ất m·ạng một cách bí ẩn sau một đêm tại dịch quán khiến lửa giận bùng lên trong tâm trí của Chương. Anh muốn đích thân điều tra kẻ thủ ác giấu mặt và thề rằng không tha cho bất cứ kẻ nào.
Cao Mộc Lân phong toả toàn bộ bờ tả ngạn sông Phú Nông hòng be bờ tát nước. Bất cứ ai muốn rời khỏi huyện Kim Động, Nghĩa Trụ Hạ phải theo lối Hiến Doanh hoặc qua Nam Sách. Tuy nhiên, nhìn chung dân chúng trong vùng chẳng mấy ai có nhu cầu sang Đằng Châu ngoại trừ thương nhân. Chương đã dự liệu trước điều này. Anh tin rằng be bờ tát nước sớm muộn cá to sẽ nổi lên. Bên cạnh ba nghìn quân phong toả bờ sông, quân số còn lại thuộc Đại đoàn Thiên Đức và quân địa phương đều được đặt trong tình trạng báo động.
Chương cùng Lam Khuê âm thầm đến huyện Nghĩa Trụ Hạ cùng bọn Hoàng Như Hổ, Đoàn Nhữ Hài, Đào Sư Tích và hơn ba chục nữ cận vệ do Phạm Cẩm Tú phụ trách. Điểm đến của Chương là dịch quán thuộc Ty Giáo dục huyện, nơi ở của gia đình nhân viên trong ty trong thời gian điều động công tác. Ba nhân viên cùng vợ con đều c·hết sau một đêm, theo nhận định của Ty Công an, họ bị trúng độc. Chương tin nhận định của Phạm Bỉnh Di bởi năm đứa trẻ sơ sinh không ăn cơm đều sống sót. Bốn đứa lớn hơn m·ất m·ạng cùng cha mẹ. Chương nhìn bốn đứa trẻ nằm trong quan tài mà lòng quặn thắt, năm đứa khác khóc om sòm khi thiếu hơi ấm của người mẹ.
Thắp hương khấn vái xong xuôi cho người xấu số, Chương về trụ sở huyện, gọi Huyện đội trưởng Vũ Mộng Nguyên và Trưởng Công an huyện Đình Nghi Khúc đến gặp. Anh nói:
-Ta đã xem qua bếp ăn, các anh nhận định họ bị đầu độc vì ăn chung là có cơ sở. Vậy thức ăn họ mua ở đâu? Ai bán? Các anh đã có thông tin chưa?
Trưởng Công an huyện thưa:
-Bẩm Vương, tôi đã chú ý và cho người âm thầm điều tra. Tôi nghi người bán thịt lợn bởi rau trong bữa ăn đều hái từ vườn nhà. Sau khi nhận lương, một trong ba người vợ đã mua thịt lợn về kho trong một nồi sau đó chia ra ba phần cho ba nhà.
-Lai lịch người bán thịt lợn thế nào?
-Dạ bẩm, người đàn bà bán thịt lợn cũng đột tử ạ. Chúng tôi vẫn bí mật cho người giá·m s·át song chưa phát hiện điều gì khả nghi.
-Giết người diệt khẩu? Hừ!
Chương đập bàn đứng dậy nhưng rồi lại buông thõng người ngồi xuống. Nói với Huyện đội trưởng và Trưởng Công an:
-Mời anh Di và cậu Tôn đến gặp ta gấp.
Hoàng Như Hổ trải hoạ đồ Tế Giang cũ treo ba tấm hoạ đồ ba huyện mới lên vách. Chương xem đi xem lại hoạ đồ, hỏi Như Hổ:
-Cậu dân Kim Động đã từng đến vùng này chưa?
-Dạ thưa Vương, tôi chưa từng đến vùng này.
Chương ngả lưng lên ghế, hai tay đan vào nhau để sau gáy, gác chân lên cạnh bàn, anh nói:
-Bấy lâu nay ta ngẫm, Dương Yên Thư nói rằng trước khi nhóm của cô ta sang sông, Dương Cự Vọng đã cử hàng chục toán đi trước, mỗi toán lại có nhiệm vụ khác nhau. Nghĩa Trụ Hạ tuy mới thuộc về Thiên Đức không lâu song bách tính đều có giấy tờ tuỳ thân. Ta nghĩ có hai khả năng, thứ nhất là gian tế Đằng Châu đã ở vùng này từ trước, chúng nằm im thở khẽ chờ thời cơ hành động. Khả năng thứ hai là các nhóm không có giấy tờ tuỳ thân như bọn Dương Yên Thư. Câu hỏi: Các nhóm ấy lẩn trốn ở đâu hay chúng đã nhanh chân trở về Đằng Châu?
Lam Khuê nhắc Chương đã đến giờ ăn trưa, trước khi rời đi, Chương dặn:
-Các cậu suy nghĩ thử xem, cá nhân ta nghĩ đám chuột nhắt ấy vẫn còn quanh quẩn gần đây, chúng chưa về Đằng Châu song chúng ẩn sâu nấp kỹ bằng cách nào?
Nhữ Hài, Như Hổ và Đào Sư Tích cùng suy ngẫm trong suốt bữa trưa. Đào Sư Tích mới nhập hội nên hãy còn e dè, nghĩ cũng chưa dám mở miệng.