Chương 323: Bố cáo thiên hạ
Bất chấp Phạm Tu và bà Dung khuyên giải, Thiên Bình xé bỏ tờ giấy năm xưa Chương đã điểm chỉ, định ước rằng con của Thiên Bình sẽ nối nghiệp.
-Giữ tờ giấy này chính là con không tin anh ấy. - Thiên Bình quả quyết. - Anh ấy làm vương một cõi, muốn chọn con nào nối nghiệp là do anh ấy quyết.
-Mẹ cũng biết là vậy. - Bà Dung lo lắng. - Nhưng mẹ chỉ lo con thiệt thòi.
Thiên Bình động viên:
-Mẹ ạ, mẹ phải tin anh ấy.
-Thì mẹ vẫn tin nhưng lo vẫn cứ lo.
Thiên Bình quay ra nói với Phạm Tu:
-Nếu đã tin mà còn giữ giấy định ước nghĩa là không tin, ấy là mầm mống tai vạ. Anh ấy là vương, mọi người đã xem anh ấy là chủ đất này hãy theo sắp xếp của anh ấy. Đêm dài lắm mộng, giả như trong con cái có đứa tài năng hơn người, phù hợp nối dõi, chính con là người đề nghị nối nghiệp. Làm vương, làm vua có gì sung sướng? Chồng con bây giờ làm vương, làm cha, làm chồng, làm con làm cháu. Đấy, một người phải giữ bao nhiêu trọng trách trên vai. Ngày sau anh ấy thành đại nghiệp tự khắc anh ấy có tính toán.
Phạm Tu thở dài:
-Cũng vì ta muốn dòng dõi tiên vương kế tục mà thôi. Nếu ý cháu đã quyết như vậy ta cũng không phản đối. Chẳng hay tiên vương căn dặn điều gì trong lá thư gửi chồng của cháu?
Thiên Bình đáp:
-Tiên vương gửi gắm con gái và giang sơn ạ.
Phạm Tu nói với bà Dung:
-Nếu tiên vương gửi gắm vận mệnh sơn hà xã tắc cho Hoàng tế của người, ta nghĩ nên một lòng thuận theo. Vương bây giờ không phải chàng trai trẻ ngày nào nơi bến sông nữa, vài chục vạn người dõi theo đấy. Tuyệt đối không được đem lòng dạ đàn bà ra đo nông sâu.
Thiên Bình gọi Ngô Thì Nhậm và Hàn Thuyên đến gặp, giao hai người chắp bút truyền đạt ý định của Thiên Bình. Ngày 26 tháng 3, mùa xuân năm Thiên Đức thứ 31, Công chúa Lý Thiên Bình bố cáo thiên hạ:
“Vạn Xuân năm xưa do Lý Nam Vương dựng nước, trị vì thiên hạ. Trước lo đặt trăm quan, sau chăm lo bách tính. Tiên vương ta về chịu mệnh trời, thế nước nghiêng nguy, sai trẫm nhận minh chiếu, cố gượng lên ngôi, từ xưa đến giờ chưa từng có việc ấy. Ngặt nỗi trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, khắp bốn phương giặc c·ướp nổi lên như ong, những kẻ từng xưng thần thi nhau cát cứ, lấy chung làm riêng ta làm sao mà giữ nổi ngôi báu nặng nề?
Trẫm từ ngày nhận minh chiếu dậy sớm, thức khuya, chỉ sợ không cáng đáng nổi, vẫn nghĩ tìm người hiền lương quân tử để cùng giúp chính trị, đêm ngày khẩn khoản đến thế là cùng cực rồi. Kinh thi có nói "Quân tử tìm bạn, tìm mãi không được, thức ngủ không nguôi, lâu thay lâu thay".
Nay trẫm suy đi tính lại một mình, thấy Phò mã Mạc Thiên Chương, Vạn Thắng vương, là người văn chất đủ vẻ, thực thể cách quân tử hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất thánh thần văn võ, được thần nhân tương trợ bao phen, tay trắng dựng cơ đồ 14 huyện, đánh bại quân cát cứ. Sớm hôm trẫm nghĩ chín từ lâu, quyết nhường ngôi báu cho Phò mã Mạc Thiên Chương để thỏa lòng trời, xứng lòng trẫm, mong bách tính đồng lòng hết sức, cùng giúp Vạn Thắng vương hưng vận nước, hưởng phúc thái bình.
Vậy bố cáo thiên hạ để mọi người đều biết, Vạn Thắng vương là người nối nghiệp Lý tiên vương chăm lo bách tính.”
Chương nhận Ngọc tỷ truyền quốc, tuyên bố đại xá thiên hạ, miễn thuế 14 huyện trong phủ Thiên Đức hết năm.
Ngày 29 tháng 3, mùa xuân, Thiên Đức năm thứ 31.
Vạn Thắng vương bố cáo thiên hạ:
“Lý tiên vương anh minh thần võ, đánh đuổi giặc dựng nước Vạn Xuân, ngày đêm chăm lo muôn dân tuyệt chẳng có lòng riêng. Tiên vương truyền ngôi báu cho Công chúa, Công chúa lại nhường cho ta.
Ngẫm thấy: Vì ngôi báu mà bao người tranh đoạt, nhiều bậc trí nhân võ giả muốn được ngự, sẵn sàng chấp nhận đánh đổi nhiều thứ quý giá khác. Vậy mà Lý tiên vương giao cơ nghiệp cho Hoàng nữ, ấy là mong tìm người tài đức trị vì, không để tâm đến dòng dõi. Công chúa tiếp nhận ngôi cửu ngũ chí tôn giao lại cho ta. Ta thấy trần đời ít có người làm như vậy.
Ta nghĩ: Công chúa tin yêu mới giao phó giang sơn, ta không thể phụ lòng nhưng cũng vì thế mà càng thương yêu Công chúa, tưởng nhớ ân đức tiên vương.
Ta quyết định: Đổi họ tiểu vương nữ Mạc Yên Bình thành Lý Yên Bình. Các tiểu vương nữ do Công chúa Lý Thiên Bình tức Đại Thắng Lý Hoàng hậu hạ sinh đều sẽ mang họ Lý. Con cháu ngày sau cũng phải như vậy, đó là cách ta muốn tri ân Lý tiên vương.
Nay bố cáo thiên hạ để mọi người cùng biết.”
Chương quyết việc này mà không bàn định cùng ai, đối với anh, họ tộc chỉ phân biệt người nọ với người kia. Đó là con của anh, kể cả Mạc Thiên An có theo họ mẹ cũng chẳng vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu anh bố cáo thiên hạ như vậy ắt sẽ gây hoang mang.
Tầng lớp trí thức khắp 14 huyện của phủ Thiên Đức đều cho Vạn Thắng vương là người nhân nghĩa, sống có trước có sau. Phạm Tu, và Dung hay Thiên Bình hay tin cũng bất ngờ nhưng mau chóng chuyển thành vui mừng.
Những nhân sĩ như Ngô Thì Nhậm, Phạm Sư Mạnh, Ngô Miên Thiệu, Trịnh Hoài Thượng, Vũ Trinh hay Lê Văn Thịnh… đều tấm tắc khen Vạn Thắng vương khéo léo, nhìn xa trông rộng.
Ngày 1 tháng 4, mùa hạ năm Thiên Đức thứ 31.
Sắc lệnh từ Văn phòng Vạn Thắng vương tại điện Hưng Quốc gửi đến Ty Thông tin nêu rõ, đến ngày 1 tháng 5 năm Thiên Đức thứ 31, các sứ quân cát cứ trên đất Vạn Xuân tự xưng công, xưng vương, xưng quân nếu không quy thuận, nộp ấn tín, sổ quân đều là phản nghịch, Vạn Thắng vương sẽ cất quân tiễu trừ.
Đồng thời Sắc lệnh nói rõ, các sứ quân phải giải giáp tại chỗ, cho binh sĩ về làm nông, người đứng đầu các sứ quân phải về điện Hưng Quốc trình diện chậm nhất là ngày 1 tháng 6.
Bách tính trên khắp Vạn Xuân được tự do đến phủ Thiên Đức sinh sống, ba quân các nơi tìm về Thiên Đức được miễn toàn bộ tội trạng.
Hàn Thuyên tích cực lan truyền tin tức trong dân, đặc biệt ở những vùng lân cận nhưng đến hạn chót, ngày 1 tháng 5 chẳng có sứ quân nào chịu giao nộp ấn tín. Duy nhất có Sơn Tây vương gửi thư cáo bệnh, hẹn ngày gần nhất sẽ tự đem ấn tín giao nộp.
“Ngày gần nhất” Sơn Tây vương đề cập là ngày nào chẳng ai biết, Chương cũng không để tâm bởi anh cần một cái cớ xuất chinh theo “nguyện vọng” của bách tính.
Chương chấm dứt chính sách ngoại giao “viễn giao cận công” bởi không còn phù hợp nữa. Sơn Tây vương chặn đường khai khoáng, án binh bất động khi Trữ quân động binh cũng không khiến Chương bận tâm. Đối với Chương bây giờ, chỉ có thần phục hoặc chống đối chứ không có đồng minh bởi anh không cần.
Huyện Thuỷ Đường, quê hương của Duệ, có nhiều núi đá vôi gần sông Đá Vách. Chương giao Ty Thương nghiệp xây dựng ba xưởng sản xuất xi măng. Bên cạnh đó, một mỏ sắt mới được phát hiện gần làng Đương Quan, chỉ cách Ninh Hải một con sông.
Tại huyện Tiên Minh có phát hiện suối nước nóng lớn, Chương đã lệnh cho quân đem khoáng thạch về. Vùng Mao Khê và Phượng Sơn chẳng thiếu các hang dơi, vì vậy, Chương tạm thời không còn phụ thuộc vào mé Sơn Tây nữa. Bên cạnh đó, rất nhiều binh sĩ được men theo ven biển hướng lên phía Bắc nhặt nhạnh khoáng thạch lạ, đất có màu lạ chất lên thuyền đem về Thừa Thiên.
Ven biển thuộc huyện Thuỷ Đường, Chương cho quân thăm dò nhiều đảo lớn nhỏ ven biển, giao cho dân vùng ấy thu nhặt phân chim các loại đem bán cho quân. Muối, cá biển và cát nhiều vô kể ở huyện Ninh Hải.
Vùng Tế Giang cũ nay là ba huyện Kim Động, Nghĩa Trụ Thượng - Hạ, bởi lắm sông ngòi nên cát và các loại đất sét nhiều vô kể, thuận lợi phát triển các ngành nghề thủ công như làm gốm sứ, bát đĩa. Dân ở gần những nơi đó được khuyến khích khai thác cát bán cho quân.
Bốn huyện cũ và nhiều huyện mới tập trung khai khẩn đất hoang trồng lúa, hoa màu, các loại cây trái. Đất khẩn hoang miễn thuế 3 năm lại được tài trợ giống và phân bón năm đầu nên nông dân mặc sức khẩn hoang.
Chương lập Ty Công nghiệp nhằm quản lý việc khai thác than đá, đá vôi, cát, sản xuất xi măng. Cùng với Ty Nông nghiệp, Ty Thương nghiệp thì Ty Công nghiệp được ưu tiên về mọi mặt, cụ thể là lương bổng.
Vốn trước đây Chương tính ổn định tình hình, phát triển kinh tế vững hơn sẽ đem quân chinh phạt Đằng Châu. Song có nhiều sự biến khiến anh cân nhắc và suy tính lại.
Thượng tuần tháng 5, Phạm Cự Lượng trấn thủ vùng Tế Giang cũ báo về, La Đình Kính dẫn gần một nghìn quân bản bộ cùng hơn hai nghìn quân của Cao Mộc Viễn xin hàng. La Đình Độ không hàng, dẫn quân bản bộ ở hẳn bên Đằng Châu.
Chương lệnh cho La Đình Kính và Cao Mộc Viễn về Thừa Thiên. Còn quân sĩ, Phạm Cự Lượng chọn những người đạt yêu cầu sung quân gửi sang Kinh Môn và huyện Thiên Đức hoặc thuỷ quân Yết Kiêu. Những quân sĩ không đạt yêu cầu cho về quê làm ruộng, không truy cứu.
Cao Mộc Viễn và La Đình Kính đến điện Hưng Quốc không phải quỳ. Sau khi hỏi han nguyện vọng, Chương đồng ý cho La Đình Kính về phụng dưỡng La Lệnh công tại La phủ. Trao trả La phủ lại cho Kính, trả lại một phần tài sản đồng thời cấp cho Kính năm trăm binh sĩ giữ an ninh xung quanh La phủ, chịu sự điều động của Đại đoàn Thiên Đức.
Kính tạ ơn.
Cao Mộc Viễn được đoàn tụ với con gái, con trai, con dâu, con rể và cháu nội. Chương cấp cho Cao Mộc Viễn một ngôi nhà lớn, khang trang gần bến Diên Ứng, thuộc quân doanh của Yết Kiêu để quây quần cùng con cháu. Mộc Viễn chịu trách nhiệm giúp Yết Kiêu huấn luyện tân binh thuỷ quân. Cao Mộc Lân tạm thời được điều động từ trường tân binh về thành Luy Lâu, đảm trách tuyển tân binh, lo quân lương, sổ sách trong thành.
Cao Mộc Viễn tạ ơn, thề trung thành với Vạn Thắng vương.
Đó là sự biến thứ nhất.
Sự biến thứ hai nằm ở việc mới phát hiện mỏ quặng sắt, Chương cần nguồn nhân lực chất lượng cao đúc đạn, v·ũ k·hí, quân trang các loại sau khi khai thác và… nhớ đến làng Đa Hội gần thành Bát Vạn, một làng chuyên nghề rèn đao kiếm, nông cụ.
Sự biến thứ ba, có lẽ quan trọng hơn cả, tác động đến tư tưởng, đường lối, chính sách của Thiên Đức phủ rất nhiều.
Vào một ngày trung tuần tháng 5, điện Hưng Quốc tiếp sứ giả từ Hoa quốc!