Chương 267: Giả trang đến Tây Phù Liệt
Như đã nói, Phòng Tình báo và Ty Công an sẽ thực hiện những kế hoạch quấy phá nội bộ của các sứ quân lân cận. Để làm được việc ấy thì cần một số người thông thuộc địa bàn, không phải gốc dân 4 huyện Thiên Đức càng tốt. Người được chọn phải còn trẻ, nhanh nhẹn, ứng biến tốt và tất nhiên, lòng trung thành được đề cao song chẳng ai nói ra. Trong danh sách trình lên có ghi rõ lý lịch, quá trình học tập, huấn luyện trong quân.
Yết Kiêu thấy Hoàng Như Hổ phù hợp nên đưa vào danh sách. Trần Nhật Tôn xem, chọn ra những người mà Tôn thấy ưng rồi trình lên Chương. Chương suy tính, chọn tiếp được hơn hai chục người.
Trần Nhật Tôn dựa trên danh sách đã chọn, cho quân đi dò la xác minh thực hư. Tất cả đều đúng. Tôn triệu tập những người được chọn, họ đều sẵn sàng chấp hành mệnh lệnh được giao. Cuối cùng, Chương sẽ gọi từng người đến gặp riêng để hỏi han, căn dặn thêm đôi điều.
-Ta đã xem hồ sơ của cậu, cậu cũng được phổ biến cơ bản rồi. Nhiệm vụ sẽ nguy hiểm nếu bị lộ nên ta cần người cẩn trọng. Bên Phòng Tình báo chắc đã phổ biến kỹ rồi nhỉ?
-Thưa Vương, bầy tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Được phục vụ cho Vương, bầy tôi cảm thấy vô cùng vinh dự.
-Ta nghe Yết Kiêu nói rằng, cậu thường đọc sách báo do Ty Thông tin và Ty Giáo dục ban hành. Cậu về đây theo Yết Kiêu, hôm trước hôm sau đã xin đi học, cậu thích học vậy ư?
Như Hổ thưa rằng:
-Vương cho học phải nên học thật nhiều ạ, cả tháng qua bầy tôi học hỏi được rất nhiều thứ mới lạ. Bầy tôi nghĩ rằng, học nhiều ắt sẽ có chỗ dụng. Trước đây bầy tôi ở mom sông tha thiết cũng chẳng ai dạy cho, nay có cơ hội phải học bù vào ạ.
-Phòng Tình báo có viết rằng, cậu biết đôi chút về vùng Tây Phù Liệt, cậu quen ai nơi ấy không?
-Bẩm Vương, bầy tôi có thưa rõ với ông Trưởng phòng Tình báo, bầy tôi quen được vài người ở nơi do trước đây từng đến làm thuê ngắn ngày. Ông Trưởng phòng Tình báo có hỏi cặn kẽ, bầy tôi cũng thưa hết cả. Bầy tôi thấy, kích động kẻ khác làm việc càn quấy không khó nên tin tưởng bản thân sẽ làm được.
Chương tủm tỉm cười:
-Trưởng phòng Tình báo mới có 19 tuổi sao lại cứ gọi là ông? Cậu 18, gọi anh thôi. Cậu ấy cũng từng là mục đồng đấy.
-Bẩm Vương, anh Trưởng phòng có nói như vậy.
-Được rồi, các cậu trạc tuổi nhau, cậu bàn thêm với cậu ấy, kế sách của cậu ra sao cũng nói với cậu ấy, cần bao người đi theo. Hãy nhớ, làm gì thì làm không được hại đến dân lành, hại đến họ ta trị tội cậu đầu tiên.
-Bầy tôi xin tuân mệnh.
-Cô gái tên Tiên Châu hiện nay đang giúp việc trong cửa hàng vải ở chợ Diên Ứng đúng không?
-Dạ bẩm Vương, Tiên Châu tiểu thư được anh Yết Kiêu xin việc trong cửa hàng của ông Cả Lụa.
Chương gọi nữ binh lại gần và dặn:
-Tiên Châu tiểu thư vốn rành chữ nghĩa, chúng ta hãy còn thiếu nhiều cô gái văn hay chữ tốt. Chốc nữa em hỏi các ty xem cần người làm việc ở vị trí nào, ghi chi tiết lại rồi đưa cho cậu Hổ đây thật sớm. Tiên Châu tiểu thư muốn làm công việc gì hãy để cô ấy tự chọn.
Nữ binh tuân lệnh đi ngay, Như Hổ đứng tần ngần chẳng biết đang nghĩ gì. Chương nói:
-Cậu còn ở trong tập thể quân doanh với mẹ già và… à… cậu gọi Tiên Châu là tiểu thư, hai người vẫn tương kính như tân hả?
-Bẩm Vương, Tiên Châu tiểu thư vì bầy tôi mà chịu thiệt đủ đường. Tháng Giêng sang năm trong quân tổ chức lễ thành thân tập thể, khi ấy bầy tôi mới dám gọi là tiện nội.
-Thế này nhé, để xem Tiên Châu tiểu thư muốn làm việc ở đâu, ty đó sẽ cấp nhà riêng gần đó cho tiện công việc.
Bấy giờ Lâm Uyển Như đem đến hai xấp lụa vào nói với Như Hổ:
-Cho ta gửi hai xấp lụa đến lệnh đường và Tiên Châu tiểu thư làm quà.
Như Hổ đón nhận, cúi đầu tạ ơn. Duệ đến tặng Như Hổ mấy cuốn sách, Thiên Bình và Lam Khuê cũng xuất hiện, mỗi người tặng cho Như Hổ 5 nén bạc. Thiên Bình bảo Hổ rằng mẹ già cũng cần bồi bổ, Tiên Châu tiểu thư sắp đi làm chỗ mới cần sắm sửa đôi chút. Như Hổ rơm rớm nước mắt thưa rằng:
-Bầy tôi tạ ơn Vương, tạ ơn Đại Thắng Hoàng hậu, tạ ơn Thần phi, tạ ơn Ái phi, tạ ơn Quý phi. Từ ngày bầy tôi thơ ấu đến giờ chưa được ai đối đãi tốt như vậy. Bầy tôi vào quân đã là chỗ tốt, nhiệm vụ được giao thì phải hoàn thành, ấy là trách nhiệm. Nay việc hãy còn chưa làm mà được ban thưởng hậu hĩnh như này, bầy tôi…
Chương rời ghế vàng đến cạnh Như Hổ vỗ nhẹ vào cánh tay anh chàng mấy cái, nhẹ nhàng nói:
-Đây là quà dành cho lệnh đường và Tiên Châu tiểu thư chứ không phải cho cậu. Ta sắp xếp công việc cho Tiên Châu để cậu yên lòng lo việc quân. Cậu hoàn thành thì thưởng, sai thì phạt theo quân chẳng can gì đến người nhà. Cậu hiểu chứ?
Như Hổ thấm nước mắt, thưa rằng:
-Bầy tôi xin hứa, lấy tính mạng để hoàn thành nhiệm vụ.
-Ta cần cậu hoàn thành và cũng cần mạng của cậu, hãy nhớ lấy. Cậu không toàn mạng trở về ta lấy ai hạch tội?
Tất cả những người được chọn đều được bọn Thiên Bình tặng quà, những món mà lớn nhỏ khác nhau chẳng ai giống ai.
Như Hổ trở về nhà đem theo một con cá lớn thết đãi mẹ già và cô vợ chưa cưới. Gia đình nhỏ vui mừng khôn xiết khi nhận quà. Như Hổ đưa 10 nén bạc cho mẹ già, bà bảo:
-Mấy tháng nay Tiên Châu một tay chăm lo cho ta, thứ này cũng phải do nó quản. - Đoạn bà khóc. - Ta nay đã già, cả đời ngậm đắng nuốt cay, đến cuối đời nào ngờ có ngày vui đến thế này. Đúng là cao xanh có mắt các con ạ. Các con phải hết lòng trung thành với Vương, người có tấm lòng như vậy, dân Thiên Đức có hy vọng rồi.
Tiên Châu chọn vào làm ở Ty Giáo dục, nàng muốn dạy chữ cho trẻ nhỏ. Mấy tháng qua, nàng cũng đã học chữ Bụt, phấn đấu đọc thông viết thạo trong ba tháng nữa.
Như Hổ khoe:
-Vương bảo rằng nếu tôi hoàn thành nhiệm vụ bí mật trở về thì Vương sẽ đại diện họ nhà trai về làng Vông hỏi cưới nàng.
Tiên Châu hỏi rằng:
-Nhiệm vụ của anh nguy hiểm đến mức nào mà ngay cả mẹ và tôi mà anh cũng không nói?
Như Hổ đáp:
-Đây là việc quân cơ, đến ngay như anh Yết Kiêu, thủ trưởng của tôi còn không hỏi đến, sao tôi có thể nói lung tung cho được. Tiết lộ bí mật quân cơ là tôi m·ất m·ạng ngay đó.
-Vậy anh phải giữ mình, tôi không muốn chưa thành thân đã thành goá phụ.
Như Hổ chỉ lên đầu:
-Vương cần cái này, cần trí của tôi chứ chưa cần sức vóc. Quân Thiên Đức ai cũng dũng mãnh, cũng giỏi hơn tôi vài phần. Vương có căn dặn tôi rồi, tôi không cần cầm đao kiếm, dùng miệng lưỡi là được. Như vậy đâu hại gì đến thân, cẩn trọng chút là được.
Hoàng Như Hổ rời Thiên Đức với thân phận cũ, mẹ đã mất. Cùng nhóm với Hoàng Như Hổ có anh em Trương Hống, Trương Hát và chàng trai 22 tuổi, Linh Thông Thuận với thân phận từng là lính của Mậu Quốc Thìn chạy sang Tế Giang.
Bốn người ăn vận tuềnh toàng, dùng thuyền nhỏ cũ kỹ, đem theo 30 nén vàng, trăm nén bạc buộc dưới đáy thuyền còn bản thân mỗi người lận lưng hơn kém sáu chục đồng bạc. Trên thuyền có vại gạo vơi, ít sắn với ngô tìm kế sinh nhau ở Tây Phù Liệt. Trương Hống là nhóm trưởng, cả bọn theo kế của Như Hổ, nhắm đến nơi sầm uất là chợ Tây Phù Liệt.
Chợ Tây Phù Liệt là một chợ lớn nằm ở hữu ngạn Xích Giang, cạnh một nhánh sông nhỏ, tục gọi là sông Nhuệ. Chợ Tây Phù Liệt là một trong những đầu mối giao thương của sứ quân Nguyễn Ninh vương, em ruột của Vũ Ninh vương tức Nguyễn Lôi Vũ, lỵ sở ở Đông Phù Liệt.
Sứ quân Nguyễn Ninh vương có trong tay 9000 quân tinh nhuệ thường trực và 15 vạn dân. Dù ở sát nách Trữ quân Lý Long Xưởng hùng mạnh nhưng Nguyễn Ninh vương chưa bao giờ thất thế. Dù binh mã ít hơn nhiều so với Trữ quân nhưng bù lại, Nguyễn Ninh vương có hệ thống luỹ hào, có nơi dài đến hai mươi dặm theo hướng Tây - Đông ngăn cách.
Ngay lúc biến loạn, quần hùng cát cứ, Nguyễn Ninh vương đã cho đắp luỹ bằng cọc tre gai quanh các làng xóm. Song song với đó, tre gai được trồng thành nhiều lớp đan xen, nơi hiểm yếu bên trong còn có luỹ đất cao đến hai trượng. Bên ngoài luỹ là cánh đồng ngập nước hoặc đầm lầy, bất cứ lực lượng t·ấn c·ông nào cũng cảm thấy nản lòng.
Bên cạnh đó, nếu như chiến sự nổ ra, Nguyễn Ninh vương có thể huy động cùng lúc đến 4 vạn quân dân cùng phòng thủ. Vùng đất Nguyễn Ninh vương cai quản tuy gần Xích Giang nhưng phần bờ hữu ngạn lại do Trũ quân kiểm soát. Thế nên trước đây Nguyễn Ninh vương muốn cất quân giúp Lý Lệnh công, Vũ Ninh vương đều phải đi qua lối ấy mới vào được sông Văn Giang hoặc ngược dòng Xích Giang để vào sông Thiên Đức.
Giống như bao sứ quân khác, chiếm lĩnh đất đai rồi cai quản nhưng không cấm dân đi lại buôn bán. Chợ Tây Phù Liệt nằm ven sông, khá sầm uất. Thương nhân hay dân tứ xứ đến kiếm kế sinh nhai chỉ loanh quanh khu vực chợ, binh sĩ có kiểm soát song ít làm khó. Từ chợ vào sâu thêm gần ba dặm về hướng Đông là luỹ thành, khi ấy mới bị kiểm soát gắt gao.
Bọn Trương Hống đến gần chợ, cắm sào neo thuyền thay nhau lên bờ tìm việc. Bốn người cầm đòn gánh, quang gánh đứng ở cổng chợ, ai thuê gì làm nấy, do có sức vóc nên bọn Trương Hống, Trương Hát và Linh Thông Thuận hay làm phu nơi bến thuyền. Tiền bạc trong ngày kiếm dược bao nhiêu, sau khi nộp cho những kẻ cầm đầu, còn bao nhiêu đều mua rượu thịt thết đãi với những phu khác. Đôi khi say sưa ngủ luôn trong chợ, tỉnh hơn chút thì mò xuống thuyền kéo bễ.
Hoàng Như Hổ ban đầu cũng xin vác gạo, vác lúa… sau xin được chân tửu bảo ở một hàng quán trong chợ. Công xá được bao nhiêu cũng đem ra thết đãi đám du thủ du thực hoặc các tiên tửu quen mặt. Trà dư tửu hậu, chén chú chén anh mãi, cả bọn kết giao được dăm chục người. Tin tức làng trên xóm dưới sau luỹ tre làng từ đó mà ra.
Như Hổ nhanh nhẹn, mau mồm mau miệng, tính toán nhanh lại thật thà nên chủ hàng đó thường sai Như Hổ về nhà lấy rượu tự chưng cất hoặc vào các làng mua thịt lợn, thịt bò, thịt gà… Mỗi lần như vậy Như Hổ đều tìm cách hỏi han những chuyện vô thưởng vô phạt. Đặc biệt chú ý nghe ngóng những câu chuyện của đám bất mãn hoặc bắt chó trộm gà.