Chương 266: Tên thực Như Hổ
Hoàng Như Hổ tuổi mới đôi mươi, chẳng ai biết tên huý của Như Hổ thực là gì. Hoàng Như Hổ quê gốc Kim Động, không bà con thân thích, thân mẫu Như Hổ tuổi gần ngũ tuần vốn là cô đầu trong đoàn hát, không chồng mà chửa nên Hổ theo họ mẹ.
Lúc thơ ấu, Hoàng Như Hổ cùng đoàn hát xuôi ngược khắp vùng Tế Giang. Năm Như Hổ lên bảy, hai mẹ con dựng túp lều nhỏ ven sông, mò cua bắt ốc kiếm kế sinh nhai. Lớn hơn một chút Như Hổ xin làm mục đồng cho nhà hào phú trong làng. Nhà hào phú mời thầy đồ về dạy chữ cho con cái, Hổ học lóm đôi ba chữ nghĩa, lúc chăn trâu thường dùng que củi vạch lên đất viết. Mỗi tối, Hổ dùng que củi tự luyện chữ. Thầy đồ thấy Hổ nghèo mà ham học, thương tình lén dạy chữ thêm cho Hổ. Hổ sáng dạ cộng thêm chăm chỉ, hơn ba năm cũng gọi là biết hơn nhiều người bỗng hào phú đổi thầy khác dạy cho con, Hổ không còn được học thầy song vẫn ngày đêm tự học đọc, học viết.
Hổ mười lăm tuổi, có kẻ tị hiềm mách hào phú chuyện Như Hổ lén học chữ, con gái hào phú hay lén đưa thêm cơm độn cho Hổ. Hổ bị nọc đánh năm mươi roi, hào phú không trả thóc gạo trong năm đó và đuổi việc Hổ, cấm không được đặt chân vào làng. Hổ về ở với mẹ, ban ngày chài lưới, ai gọi việc gì thì làm nấy, đêm xuống đốt đèn đọc sách. Thảng hoặc, con gái nhà hào phú vẫn tìm cách tiếp tế cho Hổ, chủ yếu là tiền bạc và sách vở bởi… Hoàng Như Hổ ăn rất khoẻ, ăn như hổ đói nên người trong phường chèo mới gọi cậu như vậy mà thành tên. Hổ chẳng mấy khi ăn đủ no.
Mười bảy tuổi, Như Hổ trở thành anh lực điền khoẻ mạnh nhưng hai mẹ con vẫn là dân ngụ cư, cơ hồ tiền đồ chẳng tươi sáng. Mẹ già thi thoảng đau bệnh, Hổ từng tính việc đưa mẹ đến nơi khác tìm kế sinh nhai, ngặt nỗi mang ơn cô gái mấy năm trời lén lút tiếp tế nên trù trừ chưa thể đi được, đành xuôi ngược trên con thuyền nhỏ đánh bắt cá đắp đổi qua ngày. Có đôi khi Như Hổ được thuê ngắn ngày theo thương thuyền sang vùng Đỗ Động Giang hay Tây Phù Liệt, Đông Phù Liệt khuôn vác.
Tưởng như tháng ngày của Hổ sẽ chẳng có tương lai tươi sáng nào, bất chợt quân Thiên Đức chiếm Hiến Doanh, kiểm soát vùng đất gọi là huyện Kim Động. Bấy lâu nay Hoàng Như Hổ loáng thoáng nghe quân Thiên Đức mới nổi, chiếm hết vùng Siêu Loại, tập hợp toàn người trẻ tuổi, thu dụng bất kể xuất thân, đặc biệt trọng đãi người biết chữ nghĩa.
Như Hổ cũng như bao bách tính khác, chỉ muốn an phận làm ăn, lấy vợ sinh con, có mái nhà và ruộng vườn. Bởi thế loạn lạc vốn là điều họ chẳng muốn nhưng khó tránh.
Quân Thiên Đức chiêu binh, Hoàng Như Hổ vốn không có tên trong sổ bộ của làng Vông nên không bị gọi. Cô gái mà Hổ chưa dám mở lời tên là Tiên Châu, khuyên Hổ rằng đây có thể là cơ hội đổi đời. Nếu Hổ xin vào quân mà được thu dụng, Hổ ở đâu, Tiên Châu sẽ theo đó, còn như vẫn ở mom sông thì đời này kiếp này cả hai chẳng đến được với nhau. Thứ nữa, Tiên Châu đã đến tuổi cập kê, có dăm ba nhà ngỏ ý nhưng hào phú chưa ưng.
Thân mẫu của Như Hổ là Hoàng thị, trách phận song thương con, cũng khuyên Như Hổ nên xin vào quân Thiên Đức. Vào quân chẳng mong công danh, chỉ mong tương lai không còn là người sống bên lề làng nước nữa là được.
-Quân Thiên Đức không bắt lính sung quân, nghe nói gia nhập sẽ được đưa về huyện Thiên Đức huấn luyện ba tháng rồi mới chia về quân phù hợp. Họ ứng tiền trước ba tháng trong quân, vị chi là 3 tiền, anh Hổ đi may ra tôi mới không phải làm vợ người ta. Mẹ già ở đây, tôi sẽ hôm sớm trông nom, anh cứ yên lòng. Chỉ mong ngày sau anh đừng bạc đãi tôi. Tôi một lòng một dạ với anh, tôi thà c·hết không làm thê th·iếp cho người ta.
Hoàng Như Hổ đến điểm đăng kí chiêu binh nhưng… anh chẳng có giấy tờ gì, tên trong sổ bộ của làng cũng chẳng có. Hổ thực thà trình bày gia cảnh bằng giấy mực. Người tuyển quân thấy Hổ là lực điền lại biết chữ nghĩa, ăn nói lưu loát, không phải phường bất lương. Mấy người làng Vông xác nhận lời Hổ là thật.
Người phụ trách tuyển quân bèn viết mấy chữ ở mặt sau tờ giấy của Hổ, đưa lại cho Hổ và bảo:
-Cậu cầm tờ giấy này đến Hiến Doanh trình ra. Chúng ta thực rất cần người nhưng cậu chưa có trong sổ bộ của làng Vông, ta làm sai ta sẽ bị trách phạt. Ở Hiến Doanh có quân doanh, chỉ huy dễ quyết hơn ta.
Như Hổ tròn mắt nhìn những chữ ở mặt sau, anh hỏi:
-Thưa đại nhân, chữ này là chữ gì?
Người đó đáp:
-Đây là chữ Bụt mà quân Thiên Đức hay dùng.
-Tiểu nhân có thể học chữ này không ạ?
-Cậu muốn thì học thôi, Vương của chúng ta rất thích người ham học. Cậu biết Hán tự, chữ cậu đẹp nên học chữ Bụt sẽ mau lắm.
Như Hổ thơ thẩn trở về thuật lại đầu đuôi với mẹ, mẹ Như Hổ nói:
-Con vốn ham học, chỉ vì ta là cô đầu bị người đời khinh miệt nên con cũng vạ lây. Nếu quả như Vương đó trọng người biết chữ nghĩa, con cứ thử một phen. Ta không biết chữ nhưng sống từng này tuổi đầu cũng hiểu dăm ba điều, phàm kẻ biết chữ ắt có lòng nhân, trọng dụng hiền tài. Vả lại, họ mới chiếm được vùng này nên an dân là phải, con cứ thử một phen.
Như Hổ tay nải cuốc bộ đến Hiến Doanh và thực ngạc nhiên khi quân sĩ nhận giấy chỉ xem mặt sau rồi hướng dẫn Như Hổ đến quân doanh đăng ký. Hổ lấy làm lạ vì tốt nhiều người biết chữ Bụt quá. Vậy ra trên đời còn có thứ chữ khác.
Nơi Như Hổ trình diện có tấm biển lớn đề “Tiểu đoàn thuỷ Yết Kiêu - Văn phòng” bằng Hán tự. Hán tự Như Hổ đọc làu song những dòng chữ viết bên dưới thì không.
Như Hổ khép nép, một dạ hai thưa trả lời câu hỏi của binh sĩ ngồi bên bàn tre. Bất chợt có người đi ngang qua hỏi, binh sĩ đứng dậy giơ tay lên trán, nói:
-Báo cáo Tổng chỉ huy, người này từ làng Vông đến xin vào quân. Cậu ta không có tên trong sổ bộ của làng do ngụ cư ven sông. Bản tường trình của cậu ấy có bút tích của ta xác nhận.
Người chỉ huy nhìn qua tờ giấy binh sĩ đưa, nhìn Hổ nhoẻn miệng cười và hỏi:
-Cậu chài lưới ven sông cả chục năm trời mà dân làng không thu nạp chỉ vì lệnh đường là cô đầu ư?
Hoàng Như Hổ thuật đầu đuôi, nghe xong vị Tổng chỉ huy bảo:
-Cậu là ngư phủ sẽ hợp với thuỷ quân đấy, ta sẽ nhận cậu.
Hoàng Như Hổ thưa:
-Bẩm đại nhân, làm thuỷ quân có được học chữ Bụt không ạ? Tiểu nhân nghe nói nếu muốn đều được học thứ chữ ấy.
-Ta là Yết Kiêu, lần sau gọi ta bằng chức vụ hoặc bằng anh chứ đừng gọi đại nhân như vậy. Cậu vào quân Thiên Đức sẽ được học chữ, thuỷ quân ta tự luyện nên cậu không phải về huyện Thiên Đức.
-Tạ ơn đại nhân.
Đoạn Yết Kiêu nói binh sĩ ghi tên Hoàng Như Hổ vào sổ quân, nói rõ lương bổng hàng tháng, một năm được nghỉ phép 12 ngày. Hoàng Như Hổ lại thưa:
-Bẩm đại nhân, tiểu nhân có thể về báo với mẹ già tin này được không ạ? Tiểu nhân xin hứa ba ngày sau sẽ đến.
Yết Kiêu gật đầu rồi gợi ý:
-Cậu còn có mẹ già, vào quân rồi sao trông nom cho được. Hiến Doanh đất rộng, cậu nên đưa mẹ già đến ở đây chả phải tiện sao?
Hoàng Như Hổ thưa chuyện cô gái Tiên Châu sẽ chăm mẹ già giúp, đưa mẹ già đến Hiến Doanh cũng không thể hôm sớm chăm nom. Nghe vậy Yết Kiêu hào hứng bảo:
-Cô ấy có ý như thế với cậu, cậu sợ cái gì. Xúi cô ấy cùng đến, cậu không có tiền thành thân thì quân sẽ cưới vợ cho cậu. Cậu yên dạ mới cống hiến được. Đời này có mấy ai may mắn gặp người con gái một lòng với mình đâu.
Hoàng Như Hổ tưởng nghe nhầm, Yết Kiêu vỗ vai Hổ một cái, cười xoà:
-Ta xúi dại thế còn làm hay không do cậu.
Nhìn bóng lưng Yết Kiêu xa dần, Như Hổ quay ra hỏi binh sĩ ghi danh:
-Thưa tiền bối, Tổng thống lĩnh của chúng ta sao còn trẻ măng như vậy?
-Tổng thống lĩnh mới 25 tuổi thôi, thuỷ quân Thiên Đức ban đầu đều do một tay ngài ấy gầy dựng. Hồi trước bọn ta đối đầu với ngài ấy đều không thắng được.
-A, vậy tiền bối từng là binh sĩ Siêu Loại ạ?
Binh sĩ gật đẩu rồi hạ giọng:
-Này ta nói thật, cậu tứ cố vô thân có người con gái tốt như vậy để ý thì ngại ngần gì. Quân Thiên Đức chẳng để tâm gốc gác, chỉ cần trai gái yêu nhau là được, không có tiền quân sẽ cưới cho.
-Bẩm tiền bối, cưới vợ sẽ tốn nhiều, quân cưới cho tiểu nhân biết bao giờ tiểu nhân mới trả được?
Binh sĩ cười vang rồi giảng giải cho Như Hổ hiểu ngọn ngành, Hổ nghe cả mừng.
-Tổng thống lãnh sẽ làm chủ hôn cho cậu, còn như cậu may mắn, chính Vương sẽ làm chủ hôn như ta đây này. Ta cũng là trẻ chăn trâu nghèo rớt mồng tơi. Ta lấy vợ xong được cấp một căn nhà nhỏ, hai tháng nữa vợ ta sinh con đầu lòng ta sẽ được về phép thăm. Ta đương tính đưa vợ con đến Hiến Doanh ở.
-Tiền bối, tiểu nhân nghe loáng thoáng, Vương mới ngoài hai mươi có phải không ạ?
-Vương 26 tuổi, ngài còn trẻ lắm.
-Xin hỏi tiền bối khi tiểu nhân vào quân thì bao giờ học chữ ạ?
-Cậu thích học vậy là tốt. Cậu vào quân sẽ mất chừng mươi ngày học điều lệ, điều lệnh, chính sách rồi sẽ vừa học chữ vừa học việc quân.
Hoàng Như Hổ hỏi thêm vài điều rồi hớn hở tay nải trở về. Hôm sau Hổ mạnh dạn bảo Tiên Châu theo Hổ đến Hiến Doanh, qua đầu năm mới Tổng thống lãnh sẽ làm đám cưới cho.
-Thân tôi tứ cố vô thân, tiểu thư có lòng thương yêu mà tôi nghĩ gia cảnh bần hàn tuyệt chẳng dám tỏ bày. Tôi cũng chẳng biết vào quân Thiên Đức rồi sẽ ra sao, tôi thấy tướng đến tốt đều rất cởi mở nên tôi hi vọng. Nếu tiểu thư nguyện lòng theo tôi, tôi hứa cả đời này yêu thương nàng, còn như sướng khổ thì…
Tiên Châu giơ tay ngăn Như Hổ nói thêm, nàng hỏi:
-Vậy ngày mai anh tòng quân ở Hiến Doanh?
-Thưa vâng, tôi có hứa với Tổng thống lĩnh như vậy.
Tiên Châu nhoẻn miệng cười, hẹn Như Hổ gà gáy ngày hôm sau ở gò đất ngoài cánh đồng ven làng.
Sớm tinh mơ một ngày hạ tuần tháng 3, bóng dáng hai người trẻ đỡ một người già rảo bước nhanh. Tiên Châu để lại lá thư tay tạ lỗi với cha mẹ.
Như Hổ vào quân, Tiên Châu và mẹ chồng tương lai ở trong một khu nhà tập thể đơn sơ dành cho gia quyến tân binh nằm ven thị tứ. Tiên Châu khăn gói ra đi cũng có dăm ba nén bạc lận lưng, nàng xin vào làm trong một thương điếm vì biết chữ nghĩa.
Sau ba tháng tân binh, Như Hổ được bố trí làm việc văn phòng vì chữ đẹp, ham học chữ Bụt ngày đêm nên mau tiến bộ. Sách nào Hổ cũng đọc như báo Thiên Đức Mới hay những cuốn sách viết về tấm gương Thiên Đức. Hổ đọc chậm nhưng đọc xong rồi nghiền ngẫm rồi đọc lại đến vài lần. Nhìn chung, lúc nào bên người cũng kè kè cuốn sách nhàu nát.
Yết Kiêu trở về Thiên Đức theo lệnh triệu hồi chỉ đưa theo vài quân sĩ lo việc bàn giấy. Như Hổ là người mới nhưng năng nổ, nhanh nhẹn và lanh lợi, Yết Kiêu cho về cùng. Mẹ già và cô gái chưa chung chăn gối với Như Hổ đi cùng chuyến.
Và bây giờ Như Hổ đang trình diện người mà cậu từng nghe nói rất nhiều kể từ ngày thành binh sĩ trong quân.