Chương 216: Mứt Tết
Từ dạo về Lý phủ, ba quân đều thay đổi cách gọi Chương từ Mạc chủ tướng sang Vạn Thắng vương. Chương thì sao cũng được, cách gọi thay đổi nhưng Chương vẫn là Chương. Có nhiều cái không thể thay đổi được trong ngày một ngày hai, nhất là nếp sống, cách nghĩ hay thói quen. Mà thói đời, im lặng là đồng tình. Chương ngẫm thấy bản thân cũng chưa thua trận nào, thắng vạn trận chắc là vua được. Tuy nhiên, Chương không lấy đó làm tự đắc bởi suy cho cùng, cậu cũng chỉ như thằng chột làm vua xứ mù mà thôi.
Song chả phải cái gì Chương muốn, người dưới trướng đều thuận theo cả.
Dù bận rộn, Tết này Chương quyết định sẽ thử làm mứt Tết ấp ủ bấy lâu nay. Trước tiên sẽ dùng làm quà tặng tướng sĩ ba quân, tiến tới tăng thêm thu nhập cho Ty Thương nghiệp của Lâm Uyển Như.
Mía trồng từ đầu năm bắt đầu thu hoạch vụ đầu tiên. Chương đã chế ra một máy xay nước mía thủ công chỉ bằng tre và gỗ. Máy xay nước mía này dự kiến sẽ dạy cho dân tự làm để bán nước mía, nước giải khát các loại.
Mía thu hoạch làm thành đường nâu với ba hình dáng phổ biến, hình chữ nhật, hình vuông và hình tròn. Dự kiến bách tính siêu loại mua về dùng sẽ có giá lần lượt là 2 đồng cho miếng đường nâu hình tròn, 3 đồng nếu mua hình vuông và 5 đồng nếu mua hình chữ nhật. Xuất khẩu tại bến Diên Ứng, Bình Than hoặc bến Môn ấn định là gấp đôi.
Xí nghiệp mía đường Vạn Xuân theo lệnh của Vạn Thắng vương đã làm mứt Tết từ hồi tháng 9, ngay sau chiến thắng Thư Đôi. Mứt Tết sẽ dành tặng cho quân nhân và cán bộ nhân viên đang làm trong các ty.
Một phần quà Tết của Vạn Thắng vương gồm có một hộp vuông bằng gỗ mỏng, bên trong chia nhiều ngăn nhỏ, trên nắp có ghi song ngữ “Thiên Đức”. Trong hộp có 1 viên đường nâu hình tròn, to vừa bằng ống tre. Các ngăn còn lại là mứt dừa, mứt gừng, táo cùng 5 cái kẹo lạc đều dùng đường nâu để làm, và thêm hạt hướng dương, hạt dưa.
Cùng với hộp mứt Tết đẹp đẽ là một nậm rượu nhỏ tráng men. Thân nậm rượu ghi song ngữ “Vạn Thắng vương cung chúc tân xuân”. 2 vạn quân sĩ Thiên Đức đều nhận được món quà y chang nhau do Tiểu đoàn Hậu cần đưa đến từng trại vào rằm tháng Chạp.
Xưa nay ở Vạn Xuân chỉ có bách tính hay binh sĩ đem quà biếu đến các quan chứ chưa từng có lệ một vương tặng quà cho hàng vạn binh sĩ như vậy. Đã thế bên trong hộp lại có vài thứ lạ lẫm, chẳng binh sĩ nào dám ăn mà chỉ ngắm. Chẳng biết do ai mách, ba quân đem quà của Vạn Thắng vương đi khoe khắp, sau đó đem về đặt lên ban thờ gia tiên thắp hương khấn vái.
Chỉ sau hai ngày, 16 vạn dân Thiên Đức từ già đến trẻ đều muốn xem quà Vạn Thắng vương ban tặng cho quân. Binh sĩ Thiên Đức vui mừng, cảm thấy vô cùng vinh dự khi Vạn Thắng vương bận trăm công nghìn việc lại còn tặng quà cho quân. Những hộp mứt Tết sau khi thắp hương đều được chia ra cho mỗi người một miếng, chả biết do mới lạ hay do đây là quà của Vạn Thắng vương mà ai nấy đều tấm tắc khen ngon.
Trò đời cái mới lạ thì ai cũng tò mò, bấy giờ Ty Thông tin mới cố tình rò rỉ thông tin rằng ở cửa hàng bách hoá Diên Ứng hoặc các thương điếm của Công ty Vạn Xuân tại các chợ đều có bán thứ gọi là mứt Tết này.
Vậy là bách tính đổ xô nhau đi mua, ai cũng muốn có một hộp mứt Tết tương tự về cúng gia tiên.
Bách tính phủ Thiên Đức phải xếp hàng để mua thứ mới lạ này. Binh sĩ hoặc nhân viên Ty Thương nghiệp đứng bán quảng cáo các thứ có trong hộp và cách làm, nhấn mạnh đường nâu được làm từ mía. Khuyên bách tính nên trồng ở nơi đất hoang rồi bán mía cho quân hoặc nếu muốn tự làm ra loại đường này hãy đăng ký học ở Ty Thương nghiệp. Giá bán đường nâu ra bên ngoài Thiên Đức gấp đôi cũng được phổ biến rộng rãi.
Hộp mứt Tết Thiên Đức bán cho bách tính có hình tròn, bên trong là 8 ngăn. Giá 1 hộp là 10 đồng! Vạn Thắng vương thật biết làm ăn.
Cửa hàng bán mứt Tết, kẹo lạc và đường nâu, nậm rượu y hệt như nậm tặng binh sĩ song không có chữ Vạn Thắng vương nên ít người mua. Tết ấy nhà ai có nậm rượu nhỏ đựng rượu cúng trên ban thờ do Vạn Thắng vương tặng là rất oách.
Tổng số quà tặng cho quân nhân, người trong các Ty, trong nhà máy chức sắc ở 4 huyện cả thảy gần 2 vạn 6 nghìn hộp. Và nậm rượu chỉ tặng binh sĩ.
Chương cho làm sẵn một loại hộp gỗ khảm trai, từ thượng tuần tháng Chạp đã sai sứ đem biếu Sơn Tây vương 3 hộp, Lý Đạo Thành, Phùng Lễ, Phùng Hiền, Bố Giáp mỗi người 2 hộp. Chương cũng sau sứ đem đến biếu Trữ quân, Tô Trung Từ, Lê Phụng Hiểu mỗi người 1 hộp.
Lâm gia trang ở kinh thành nhận 20 hộp mứt Tết khảm trai. 2 nậm rượu, 1 bộ ấm trà, 1 đĩa sứ lớn tráng men, 8 đĩa sứ nhỏ đều có chữ Bụt do chính Chương viết để thể hiện tấm lòng thành với cha vợ. Lâm Chí Hoà vui mà không dám khoe ra bên ngoài, sau đành đem tặng cho một vài thương nhân có giao tình. Lâm Chí Hoà nói với họ rằng ở La thành chỉ có 3 người trong đại nội mới có.
Các bà th·iếp của Lâm Chí Hoà biết quà của con rể gửi biếu thì lấy làm mừng nhưng cũng chẳng dám hé răng nửa lời vì dễ bị diệt tộc như chơi. Con gái trở thành th·iếp của chủ mới đất Siêu Loại, đứng trên vài chục vạn người, là một sứ quân thực là quá sức tưởng tượng với gia đình thương nhân.
Lâm Chí Hoà khấn tạ tổ tiên phù hộ và sau đó, tất nhiên ông ta nghĩ đến việc kiếm tiền từ thứ quà Tết cao cấp này.
Sơn Tây vương thấy Vạn Thắng vương biếu đồ mới lạ, gọi là mứt Tết, lời lẽ viết trên hộp khảm trai khiến Sơn Tây vương mát lòng.
“Kính biếu huynh trưởng, đệ mong có ngày được yết kiến”.
Sơn Tây vương và quần thần hỏi chuyện sứ giả, sứ giả tâu rằng thứ quà thượng hạng này chỉ dành cho người quyền cao chức trọng, Vạn Thắng vương chưa bán cho ai. Ba quân Thiên Đức nhận quà cũng là mứt Tết xong chỉ là hộp gỗ thông thường, đồ bên trong cũng không phải loại hảo hạng.
-Để thể hiện thành ý, Vạn Thắng vương đã tự chọn đồ, tự làm từ đầu chí cuối, tự viết chữ Hán do Chính thất phu nhân dạy nên nét hãy còn nguệch ngoạc, mong Sơn Tây vương thứ tội.
-Vạn Thắng vương nhà ngươi thật khéo tay, đã chế ra bao thứ lạ kỳ lại còn tự tay làm món quà đây tâm ý như thế này thật ta rất vui lòng. Ta nghe nói Vạn Thắng vương mỗi khi đi lại bằng ngựa đều chọn tuỳ tiện. Nay ta đáp lại lòng thành, tặng cho Vạn Thắng vương một con Thiên Lý mã lấy cái đi lại.
Sứ giả dập đầu tạ ơn. Đoạn Sơn Tây vương hỏi:
-Thứ quà này hẳn có làm đại trà chứ?
-Dạ bẩm Vương, hình dáng tương tự thì có nhưng giống y như của Vương thì không có. Vạn Thắng vương cho làm 1000 cái chuẩn bị tặng cho những người thân thích làm quà.
-Ta thích thứ này, ta cũng muốn mua làm quà tặng bá quan văn võ. Chả hay Vạn Thắng vương nhà ngươi có bớt lại cho ta được phân nửa hay không?
-Bẩm Vương, Vương là huynh trưởng của Vạn Thắng vương, ngài muốn chắc hẳn Vạn Thắng vương cũng không từ chối.
-Vậy ta sai sứ về cùng ngươi, ngươi tâu với Vạn Thắng vương bớt lại cho ta một nửa, năm sau ta đặt trước 1000 hộp tặng quần thần liệu có được không?
-Bẩm Vương, tiểu nữ nghĩ điều ấy không khó ạ.
-Được, vậy cho ngươi lui, sớm mai Nguyễn Chính Nghĩa sẽ về cùng ngươi.
Nguyệt lui rồi, Sơn Tây vương mới gọi Nguyễn Chính Nghĩa đến bên căn dặn:
-Nếu Vạn Thắng vương có 1000 cái hộp như này, ngươi phải nói khéo để mua hết cho bằng được. Ta muốn tặng bá quan văn võ, Vạn Thắng vương tặng ba quân được thì chúng ta sao lại không?
Đoạn Sơn Tây vương nói với Lý Đạo Thành:
-Thầy thấy thứ này có dễ làm không?
-Bẩm Vương, trong này khó nhất chính là cách làm ra thứ đường nâu này.
-Vậy nói Vạn Thắng vương dạy cho cách làm, nếu hắn dạy, ta sẽ cho hắn 500 nén vàng, thầy thấy sao?
-Lão thần nghĩ, Vương chỉ cần ngỏ ý muốn cho người học cách làm về dạy cho dân. Nếu Vạn Thắng vương thuận, Vương cho bao nhiêu bạc vàng đáp lễ là chuyện khác. Tuy cũng là mua bán nhưng sẽ ý nhị hơn nhiều. Vạn Thắng vương mới chiếm được Siêu Loại, tài vật nào có thiếu.
-Sao bản vương nghe nói Lý Lệnh công đã đem đi sạch cả rồi?
Lý Đạo Thành bật cười:
-Xin Vương thứ lỗi vì lão thần thất lễ. Lý Lệnh công bị vây khốn, nhặt được mạng của bản thân và gia quyến trốn thoát trong đêm, có đem theo ngân lượng cũng chỉ trong tay nải mà thôi.
Sơn Tây vương ậm ừ:
-Đúng, bảo sao ta cứ thấy vô lý. Tay Vạn Thắng vương này cũng xảo trá lắm chứ chẳng vừa.
-Kẻ đó tài trí hơn người, lão thần không lấy làm lạ. Đất Vạn Xuân này chẳng có kẻ nào mới 25 tuổi làm được những điều kinh thiên động địa như hắn đâu, thưa Vương.
Nguyễn Chính Nghĩa, Phùng Hiền, Bố Giáp nhân thể nói thêm vài lời thêu gấm thêu hoa cho Chương.
Tối ấy Bố Giáp đến quán trọ gặp Nguyệt để hỏi thăm về con gái. Nguyệt bảo rằng Hồng Giang đang có tình ý với Trần Nhật Tôn, thân tín của Vạn Thắng vương. Bố Giáp nghe vậy lấy làm mừng rỡ, chuyển lời tạ ơn đến Vạn Thắng vương.
-Vạn Thắng vương có gửi tặng riêng ngài và Phùng Hiền Tả Tướng quân một nậm rượu cảm tạ hai ngài đã từng giúp sức. Hai bình này Vạn Thắng vương đích thân chắp bút.
Đương lúc ấy, Nguyễn Chính Nghĩa cũng đến. Nguyệt nói rằng:
-Quà của đại nhân, Vạn Thắng vương để sẵn ở Lý phủ nên ngài không có nậm rượu này đâu.
-Phạm phu nhân nói vậy chẳng lẽ Vạn Thắng vương biết ta sẽ đến ư?
Nguyệt tủm tỉm cười, nói:
-Hẳn đại nhân muốn thương lượng với tôi hòng mua hết 1000 hộp quà?
Nguyễn Chính Nghĩa thoáng giật mình, Nguyệt nói tiếp:
-Sẽ có đủ cho ngài, Vạn Thắng vương đã dự liệu cả, chỉ là muốn đại nhân được đẹp mặt mà thôi.
-Phạm phu nhân, ta hỏi khí không phải, có thực Vạn Thắng vương mới chỉ 25 tuổi không?
-Ngài ấy hơn tôi bốn tuổi, mẫu thân của tôi vớt ngài ấy lên, hồi đó ngài ấy nào có ai biết là ai nên cần gì phải dối giả.
Nguyễn Chính Nghĩa thở dài:
-Sao một người mới chừng đó tuổi lại đáng sợ như thế nhỉ? Ta gặp nhiều kẻ xưng thiên tài trong thiên hạ nhưng… thực là thùng rỗng kêu to nếu so với Vạn Thắng vương.
-Có lần Vạn Thắng vương từng bảo với tôi rằng, Nguyễn Chính Nghĩa đại nhân tên sao người vậy, rất hợp làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Chả hay đại nhân năm nay đã bốn mươi chưa?
-Tết này ta mới 36, mà Bộ trưởng mà Phạm phu nhân mới nói nghĩa là gì?
Nguyệt lắc đầu:
-Tôi cũng không biết, Vạn Thắng vương nào có giảng giải, ngài ấy chỉ nói bâng quơ như vậy.
Nguyễn Chính Nghĩa, Bố Giáp và Nguyệt cùng ngồi hàn huyên mãi tới gần khuya. Thực ra ở Sơn Tây, phụ nữ chẳng vị thế. Bố Giáp và Nguyễn Chính Nghĩa nể trọng Nguyệt, ngồi ngang hàng là vì thân phận Phạm phu nhân của cô. Phạm Cự Lượng thống lĩnh ba quân Thiên Đức, thiên hạ ai chẳng biết.
Hơn nữa, Nguyệt lại là nghĩa muội, môn sinh đầu tiên của Vạn Thắng vương. Chương cử Nguyệt đi sứ Sơn Tây là vì Sơn Tây vương hay Lý Đạo Thành biết thân phận của một cô gái không nắm quân quyền nhưng địa vị vô cùng đặc biệt. Đó cũng xem là sự nể trọng của Vạn Thắng vương đối với Sơn Tây vương.