Chương 90: Xiêm La tấn công 1
Bắc Tầm Bôn.
Tổng đốc Chiêu Thùy Biện của Xiêm La lúc này đang ngồi trong phủ đệ của mình để bàn bạc với chúng tướng cho trận đánh Chân Lạp lần này, thi thoảng lại nhìn lên tấm địa đồ treo trên cao mà nhíu mày.
Vua Rama đã hạ nghiêm lệnh cho Chiêu Thùy Biện bằng mọi giá phải chiến thắng trận này, hoàn toàn chiếm lấy Chân Lạp để m·ưu đ·ồ xâm chiếm Đại Việt hòng rửa sạch cái nhục thua trận trước Quang Trung Hoàng Đế cách đây mấy năm. Nhận được lệnh vua, Chiêu Thùy Biện không dám lơ là, y vận dụng hết khả năng của mình, huy động mọi nguồn lực có thể, tổng động viên được bảy vạn quân Xiêm La - Vạn Tượng.
Quân viễn chinh Xiêm La lần này có thể nói là có lực lượng hết sức hùng hậu, đó là chưa kể cánh quân đồng minh của Nguyễn Ánh. Sứ thần của nhà Nguyễn đã từng thay mặt Nguyễn Ánh cam kết với vua Xiêm La là quân Nguyễn sẽ chi viện hai vạn binh từ phía nam đánh lên, có điều Chiêu Thùy Biện cũng không tin tưởng lắm vào quân Nguyễn.
Từ xưa đến nay, Đại Việt luôn là kình địch với Xiêm La, hai nước vì muốn mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực mà giao chiến không biết bao nhiêu lần, có thắng có thua nhưng chủ yếu là Xiêm La thắng ít thua nhiều.
Chiêu Thùy Biện được Ra Ma I phong làm tổng đốc cai quản Chân Lạp và Vạn Tượng cho nên kể từ sau thất bại ở trận Rạch Gầm - Xoài Mút, y luôn luôn theo dõi nắm bắt rất sát tình hình Đại Việt để chờ một cơ hội lấy lại danh dự cho Xiêm La, rửa cái nhục trước đây cho dòng họ Chiêu.
Chiêu Thùy Biện biết thừa tình hình quân Nguyễn những năm gần đây luôn bị quân Tây Sơn đánh cho mặt mũi bầm dập, luôn ở thế yếu, thế nhưng khi sứ giả của Nguyễn Ánh đến gặp vua Rama I của Xiêm La ngỏ ý liên minh đánh Chân Lạp thì y cũng không có vạch trần điều này, y biết rõ Nguyễn Ánh bị thất thế lo sợ bị Tây Sơn thôn tính nên mới dùng đến kế sách này để khiến cho Tây Sơn và Xiêm La tranh đấu nhằm ở giữa trục lợi.
Chiêu Thùy Biện sở dĩ làm như vậy là bởi vì y muốn lập công để có vị trí tốt hơn trong tương lai gần. Xiêm La dưới sự cai trị sáng suốt của vua Rama I đã trở thành một đại quốc mạnh mẽ, nhiều lần đánh bại sự xâm lấn của Miến Điện có điều thời gian không buông tha một ai, vua Rama I lúc này đã trở nên già nua, bắt buộc phải truyền ngôi cho người kế vị.
Triều đình của Xiêm La dưới thời Rama I quá nhiều người tài ba, họ Chiêu cũng vì thất bại trước đây mà vị thế gia tộc không còn được như trước, Chiêu Thùy Biện muốn có một chỗ đứng ổn định ở trong triều đình mới, được vị vua mới coi trọng thì bắt buộc phải lập được công lao to lớn.
Mở rộng bờ cõi cho Xiêm La, đánh bại Đại Việt để lấy lại danh dự, không có công lao nào tốt hơn thế.
Mấy năm nay, Xiêm La đã khống chế hoàn toàn Vạn Tượng, chiếm giữ một vùng đất rộng lớn của Chân Lạp là Bắc Tầm Bôn và Xiêm Riệp, còn Đại Việt lại rơi vào n·ội c·hiến liên miên khiến cho quốc lực suy yếu.
Này lên kia xuống, Chiêu Thùy Biện nhận định đây là thời cơ vàng để y lập được bất thế kỳ công, kiếm chỗ đứng tốt trong tương lai, đảm bảo quyền thế của bản thân khi triều đại chuyển giao, lấy lại vị thế cho gia tộc.
Lúc này, một vị tướng lĩnh đứng lên nói:
- Bẩm đại nhân! Trinh sát của quân ta đã do thám được, quân Đại Việt đã đến viện binh cho Chân Lạp nhưng Ang Eng không cho đại quân của Đại Việt vào thành Outdong mà đóng quân chếch về phía đông bắc khoảng ba trăm dặm.
Chiêu Thùy Biện hỏi:
- Quân số của Đại Việt thế nào?
Vị tướng lĩnh đáp:
- Bẩm đại nhân! Quân số của Đại Việt ước tính hơn hai vạn quân.
Chiêu Thùy Biện gật đầu ra hiệu cho vị tướng lĩnh đó ngồi xuống, đưa ánh mắt nhìn kỹ lên bản đồ.
Chư tướng Xiêm La đều nhíu mày tỏ ra có chút lo lắng, Chân Lạp cuối cùng cũng đã liên minh với Đại Việt mà Đại Việt cũng đáp lại gởi viện binh đến Chân Lạp, trận chiến này chắc chắn sẽ là một trận ác chiến.
Chiêu Thùy Biện cũng bất ngờ với chuyện này, y không ngờ đến quân Tây Sơn lại có dư lực gửi một đội viện binh hùng hậu đến hơn hai vạn quân đến chi viện Chân Lạp, mặc dù trong lòng y đã đoán trước được việc Chân Lạp sẽ cầu viện Tây Sơn nhưng y chỉ đoán chừng quân Tây Sơn chỉ viện quân vài ngàn quân là cùng.
Chiêu Thùy Biện là người đứng ra ủng hộ cuộc chiến lần này, cũng là người cam đoan sẽ đánh chiếm Chân Lạp cho vua Rama I, lấy đó làm món quà chúc mừng cho sự đăng quang lên ngôi của vị vua tiếp theo. Trận chiến lần này giữa Xiêm La và Chân Lạp như tên đã lên dây, Chiêu Thùy Biện không muốn đánh cũng phải đánh, không những thế mà y còn phải chiến thắng trận đánh này một cách huy hoàng.
Liếc mắt một vòng nhìn hết sắc mặt của chư tướng, Chiêu Thùy Biện hạ quyết định, trầm giọng nói:
- Ta cũng đã đoán trước được việc vua Ang Eng của Chân Lạp khi bị chúng ta ép vào đường cùng sẽ cầu cạnh quân Đại Việt. Chư tướng an tâm, Đại Việt hiện tại đang lâm vào n·ội c·hiến, quân Tây Sơn cũng không có dư lực mà viện binh lâu dài cho Chân Lạp, càng huống hồ bọn họ là tạm thời liên minh với nhau, sự gắn bó đồng lòng ở trong đó khó mà bền chắc.
Chiêu Thùy Biện quả là người tài năng, y chỉ cần làm sơ suy nghĩ là có thể nắm bắt được sơ hở của liên quân Đại Việt - Chân Lạp, y phân tích có lý có cớ, khiến cho chư tướng dần dần ổn định tinh thần.
Có vị tướng đứng dậy hỏi:
- Bẩm đại nhân! Xin hỏi trận này chúng ta phải đánh như thế nào?
Chiêu Thùy Biện mỉm cười, thái độ ung dung nói:
- Trận này mấu chốt là phải đánh nhanh thắng nhanh, tiến quân thần tốc khiến cho quân Đại Việt không kịp trở tay. Ta quyết định chia binh hai đường, một đường bốn vạn quân Xiêm La do ta chỉ huy từ Bắc Tầm Bôn đánh thẳng vào thành La Bích chiếm lấy Outdong từ phía đông, đây là đường chủ công chính. Một đường khác ba vạn quân Xiêm La - Vạn Tượng do Chiêu Sung chỉ huy từ Xiêm Riệp đánh nghi binh với quân Đại Việt ở mặt đông bắc.
Chiêu Sung nghe nói mình phải trực diện giao chiến với quân Đại Việt thì sắc mặt vui mừng, là một thành viên trẻ tuổi của gia tộc, lúc nào y cũng muốn đánh bại quân Đại Việt để rửa nhục cho gia tộc đồng thời khẳng định tài năng của mình.
Chiêu Thùy Biện nhìn thấy sắc mặt của Chiêu Sung, lập tức liền đoán được trong lòng vị tướng trẻ này đang nghĩ gì, là một người từng theo các bậc cha chú đi đánh nhau với quân Tây Sơn ở trận Rạch Gầm - Xoài Mút, y biết rõ q·uân đ·ội Tây Sơn mạnh mẽ như thế nào, cho nên vì không muốn Chiêu Sung lâm vào sai lầm chủ quan khinh địch, Chiêu Thùy Biện không thể không mở miệng nhắc nhở:
- Việc cánh quân của Chiêu Sung cần làm là kéo lấy đại quân Đại Việt chứ không phải là quyết chiến với chúng, khiến cho ta có đầy đủ thời gian đánh hạ thành Outdong sau đó hợp binh với quân Nguyễn dùng tuyệt đối binh lực đánh bại quân Đại Việt hoặc là khiến cho chúng rút chạy về nước. Mục tiêu chính của chiến dịch lần này của chúng ta là thu phục được Chân Lạp như thế là đã thành công.
Chiêu Sung không phục đứng lên nói:
- Bẩm đại nhân! Sao chúng ta không thừa thế đánh sang Đại Việt?
Chiêu Thùy Biện trừng mắt nhìn Chiêu Sung một chút, khiến cho gã phải chột dạ cúi đầu, mới nói tiếp:
- Chiếm được Chân Lạp chỉ là bước đầu tiên, chúng ta chỉ cần củng cố thật chắc nơi đây, đóng trọng binh uy h·iếp quân Tây Sơn là đủ, đợi cho quân Nguyễn cùng với quân Tây Sơn giao chiến thì chúng ta mới có thể thừa thế mà lên, dùng ít tổn thất nhất thu được lợi ích lớn nhất.
Có người lại hỏi:
- Bẩm đại nhân! Nếu đến lúc đó Nguyễn Ánh không chịu xua quân đánh Tây Sơn thì làm thế nào?
Chiêu Thùy Biện cười gằn dữ tợn:
- Chỉ cần chúng ta chiếm được Chân Lạp đến lúc đó sự không do hắn, không muốn đánh cũng phải đánh, nếu hắn không tuân theo, ta cũng không ngại trước lựa quả hồng mềm mà bóp.
Chiến lược do Chiêu Thùy Biện bày ra trước sau chặt chẽ khiến cho mọi người đều cảm thấy yên tâm, chư tướng vội vàng lĩnh mệnh trở về củng cố quân doanh, chờ ngày lên đường đánh Chân Lạp.