Sau Khi Tôi Rời Đi, Ngày Nào Chồng Hờ Cũng Tìm Tới Cửa

Chương 21




Vào lúc tôi đang định gọi bố chồng trên danh nghĩa là "Lục lão gia" như bao người, thì bị ánh mắt nghiêm khắc của ông ấy khống chế.

Tôi mím môi, cuối cùng lời phát ra dưới đầu lưỡi lại là một tiếng: "Bố!"

"Ừ, tất cả mọi người đợi ở bên ngoài, chỉ mình Lam Khanh theo ta vào trong."

Vân Vân níu lấy tay tôi, lay nhẹ.

Tôi bèn trao đổi với cô ấy bằng ánh mắt. "Không sao đâu, sẽ không có chuyện gì đâu." Rồi bất đắc dĩ theo chân Lục lão gia cùng người trợ lý đi vào thang máy chuyên dụng. Cảm giác bồn chồn không yên cứ liên tục bám víu lấy người tôi.

Trong một không gian vừa hẹp vừa kín như thế này, sự câm lặng có thể khiến tâm hồn một con người chết dần chết mòn. Và dường như, chính thân tôi cũng sắp bị cảm giác khó chịu này giết chết.

Tại sao Lục lão gia muốn tìm mình?

Câu hỏi này không ngừng lặp đi lặp lại trong đầu tôi.

Không phải mấy hôm trước gặp mặt tôi đã nói cặn kẽ hết rồi đấy sao? Vậy thì vì cớ gì?

"Tinh!" một tiếng, cửa thang máy dát vàng từ từ mở ra. Lục lão gia và người trợ lý luôn duy trì vẻ trầm mặc không nói một lời. Chẳng lẽ họ cứ im lặng mãi như thế?

Đến nơi, cuối cùng Lục lão gia đã chịu mở miệng, nhưng câu đầu tiên ông ấy nói lại là một lời dặn dò: "Cậu An, đừng để những người không phận sự đi vào khi chưa có sự cho phép của ta, nghe rõ chưa?"

"Vâng, thưa chủ tịch."

"Con theo ta đi vào đây, nhớ khép cửa lại."

Tôi vào sau cùng làm y lời ông dặn, nhẹ nhàng đóng cửa.

"Được rồi, con ngồi xuống đây nói chuyện với ta."

Máy móc đi vào khu vực được trưng dụng thành nơi tiếp khách, tôi chọn cái ghế kê ở phía đối diện chỗ Lục lão gia đang ngồi, rồi mới dè dặt ngồi xuống. Trên bàn có bày biện bộ ấm trà tinh xảo bằng sứ, nhìn thấy nó, cơ thể tôi lập tức phản xạ có điều kiện thôi thúc bàn tay đi tìm gói trà.

Mỗi khi Lục lão gia có nhã hứng muốn thưởng trà, chính tay tôi là người thường xuyên pha trà rót nước. Một hành động nhỏ nhưng lại vô tình ăn sâu vào tiềm thức.

Đến lúc rót trà vào tách sứ tôi mới bừng tỉnh nhận ra việc mình đang làm...

Sự thân thuộc như thói quen là một điều vô cùng đáng sợ.

"Đấy, con thấy chưa? Đến cả loại trà nào ta thích uống con vẫn còn nhớ. Trên tay con có đúng là gói trà Shan Tuyết con mua từ năm ngoái?"

Tôi ảm đạm cúi đầu nhìn gói trà mình đang cầm trên tay, là loại trà Shan Tuyết, một sản vật nổi tiếng của vùng núi rừng Tây Bắc khi năm kia tôi đi thực tế cùng các bạn trong lớp ở Tả Phìn Hồ. Biết bố chồng là người thích thưởng trà, trong đám bạn tôi là người duy nhất và cũng là người mua nhiều trà nhất.

Lục lão gia vẫn quan sát từng biểu cảm tôi đang thể hiện trên từng nét mặt, tiếp đó ông dùng giọng điệu trầm lắng bày tỏ nỗi lòng. "Con biết không hả Lam Khanh, con là người con dâu hơn cả mong đợi của ta. Con cư xử tử tế và chân thành với tất cả mọi người không riêng gì ta. Con sống hoàn hảo thế này, sao ta nỡ lòng nào bỏ tốt tìm xấu, chấp nhận để một cô con dâu khác tệ hơn vào cửa?"

Sự chân thành của một người thể hiện nhiều hơn qua hành động, chứ không phải lời nói. Vì thế trong hai năm không nên tồn tại ấy, tôi đã cố gắng sống thật chân thành với tất cả mọi người ở Lục gia.

Tôi tôn trọng bọn họ và mọi người tôn trọng lại tôi.

Và cho đến tận bây giờ, sự chân thành đó đã tạo thành những sợi dây trói buộc tôi vào cái danh Lục thiếu phu nhân hão này.

Nếu sớm biết có một ngày như thế, thà rằng ngay từ đầu tôi nên sống khép mình hơn, để cho sự chân thành kia không có cơ hội ràng buộc.

Đây còn chưa kể...

Tôi không tin Lục lão gia giữ tôi lại là vì tôi làm tròn bổn phận của một người con dâu đâu. Chắc chắn phải có lý do gì đó mới làm ông ấy tìm cớ ngăn cản tôi.

Bỗng một suy nghĩ to gan nảy trong đầu.

"Thưa bố, quan hệ bố chồng con dâu không được pháp luật công nhận."

Trái với phỏng đoán của tôi, Lục lão gia không có vẻ gì gọi là tức giận. Ông ấy chỉ hỏi tôi: "Con đang suy nghĩ tới điều linh tinh vớ vẩn gì thế?"

Giống kiểu, trẻ con có thói ăn nói không suy nghĩ nên người lớn chẳng thèm quan tâm.

Ông ấy nói thế vậy thì không phải lý do này rồi.

"Ngoài lý do trên thì con không nghĩ ra được lý do khác ạ. Vậy, bố có thể cho con biết, vì nguyên do gì bố ngăn cản con ly hôn? Hay là... bố sợ Lục gia mất thể diện?"

Ngay cả lý do này tôi cũng không chắc lắm vì Lục lão gia không phải kiểu người đến chết vẫn giữ thể diện.

À không, chắc cũng phải có mới đúng lẽ thường tình chứ. Theo kinh nghiệm sống cùng ông ngoại hơn hai chục năm của tôi, người già sợ mất thể diện lắm.

"Thể diện gì chứ? Thứ đó không mài ra ăn được." Lục lão gia thở dài, trên gương mặt hằn dấu vết của thời gian ánh lên nét bi thương khó che giấu. "Giống như nước đổ khó hốt, có những vết thương khi đã gây ra sẽ khó mà chữa lành được. Ta thấy mình rất có lỗi khi năm xưa vào ngày con kết hôn với con trai ta, ta đã ích kỷ không để con biết ông ngoại con mất."