Phiêu Miểu 7 – Quyển Thần Đô
Tác giả: Bạch Cơ Quán
Dịch: Quá khứ chậm rãi
Hồi 5: Bán Diện Trang
Chương 32: Long Du
Đồng Đà Mạc, Đào Hoa Xuân.
Đồng Đà Mạc là một phường nằm ở phía đông thành Lạc Dương, phía nam giáp với sông Lạc, phía bắc liền với sông Thiên.
Những phố hoa hẻm liễu trong thành Lạc Dương không giống như ở Trường An. Ở Trường An, ca vũ kỹ nữ chủ yếu tập trung tại phường Bình Khang còn trong thành Lạc Dương, các lầu đỏ ông nhu hương không có một nơi nào tập trung, mà rải rác ở các phường phía đông và tây thành. Trong số đó, nổi tiếng nhất là Đào Hoa Xuân ở Đồng Đà Mạc.
* "Ôn nhu hương" (溫柔鄉) chỉ nơi mềm mại, ngọt ngào và đầy niềm vui mà người ta thường đắm chìm khi hưởng thụ niềm vui nữ sắc, đồng thời là phép ẩn dụ cho cảnh giới đam mê dục vọng. Cụm từ này xuất phát từ Hán triều, trong tác phẩm "Triệu Phi Yến ngoại truyện" (趙飛燕外傳) của Lăng Huyền: "Đêm đó, Hoàng đế đưa Hợp Đức vào cung, Hoàng đế rất vui vẻ, thân mật với Hợp Đức và ân sủng không tiếc gì, gọi nơi này là Ôn Nhu Hương." Trong "Hồng Lâu Mộng" (紅樓夢) chương đầu tiên, cụm từ cũng được sử dụng để ám chỉ sự hưởng thụ trong thế giới phú quý: "Nếu ngài có lòng thương xót, cho đệ tử được bước vào chốn hồng trần, hưởng thụ vài năm trong phú quý trường và ôn nhu hương, đệ tử sẽ mãi mãi ghi nhớ ân đức này." Ngoài ra, trong "Liêu Trai Chí Dị" (聊齋志異), quyển 9, truyện "Thiên Cung" cũng nói về Ôn Nhu Hương: "Khiến cho đài rượu hóa thành con đường dẫn vào thiên cung; ở Ôn Nhu Hương, người ta ngỡ như gặp được tiên tử." Cụm từ "Ôn nhu hương" từ đó gắn liền với hình ảnh của sự đắm chìm trong dục lạc và sự cám dỗ của cuộc sống.
Vào tiết đông hàn, khi vạn vật đều tiêu điều, Đào Hoa Xuân vẫn ngập tràn ý xuân. Nến đỏ cháy cao, than lửa ấm áp, các nhạc công biểu diễn những khúc nhạc ngoại quốc sôi động, các vũ nữ Ba Tư trong trang phục đỏ như lửa nhảy múa trên sân khấu, các mỹ nhân áo hồng phấn và vàng nhạt đi đi lại lại, tiếp đón khách khứa. Không khí ngào ngạt hương phấn, mùi hoa và hương rượu quyện vào nhau tạo thành một mùi hương ngọt ngào đậm đà.
Trong một căn phòng tao nhã trên lầu hai, đèn nến lung linh, hoa tươi xum xuê, Bạch Cơ, Nguyên Diệu, Vi Ngạn, và Bùi Tiên đang cùng dự tiệc đêm, uống rượu vui vẻ. Một vài mỹ nhân rót rượu như những cánh bướm lượn qua lượn lại giữa bốn người. Họ mặc trang phục lộng lẫy, dịu dàng và đa tình, mọi người chơi trò uống rượu, thoải mái thưởng thức, tiếng cười nói vang lên khắp phòng.
Bạch Cơ mặc trang phục nam giới kiểu Hồ phục, áo gấm, đồ trang sức ngọc bích, vẻ ngoài tuấn tú thanh nhã. Bạch Cơ ngồi ở vị trí cao nhất, cầm ly rượu La Phù Xuân nhìn mọi người cười nói trong tiệc đêm, thỉnh thoảng lại rơi vào trầm tư, dường như chỉ là miễn cưỡng giao tiếp, không thực sự vui vẻ.
Nguyên Diệu vì thua liên tục trong trò uống rượu, bị ép uống rất nhiều. Trong căn phòng ấm áp, mùi phấn son nồng nặc khiến hắn cảm thấy đầu óc có hơi choáng váng.
Một nữ ca kỹ rót rượu xinh đẹp, dịu dàng thấy Nguyên Diệu choáng váng bèn mỉm cười xoa bóp thái dương cho hắn, thậm chí còn hơi hé mở miệng nhỏ, thổi nhẹ vào mặt hắn.
Nguyên Diệu vốn nghĩ rằng nam nữ thụ thụ bất thân, việc ca kỹ xoa bóp thái dương còn thổi gió vào mặt hắn là vi phạm giáo lý của thánh nhân, định từ chối. Nhưng không hiểu sao, luồng gió lạnh thổi từ miệng nhỏ của ca kỹ lại rất dễ chịu, mát lạnh làm cho cái đầu đau âm ỉ do uống quá nhiều rượu trở nên thoải mái hơn.
Bạch Cơ liếc mắt nhìn, chỉ thấy một con sứa Đào Hoa* khổng lồ đang cuộn mình bên cạnh Nguyên Diệu, nó dùng những xúc tu trong suốt, lạnh lẽo để xoa bóp thái dương cho hắn còn từ miệng phun ra những túi độc mát lạnh và trơn trượt.
*Đây là một loài sứa nước ngọt nhỏ, sinh sống trong các dòng sông và hồ sạch. Chu kỳ sinh sống của nó bao gồm cả giai đoạn sinh sản vô tính và hữu tính. sứa Đào Hoa thực sự là "hóa thạch sống", có giá trị nghiên cứu và thẩm mỹ rất cao. Là một loài hình thành trong quá trình tiến hóa, vị thế của nó không thua kém gì loài gấu trúc.
Bạch Cơ khẽ cười, quay mặt đi chỗ khác.
Bùi Tiên vì hiếm khi được gần gũi Bạch Cơ, luôn muốn bày tỏ tình cảm, hắn cảm thấy trong tình cảnh này, ngâm một bài thơ để biểu lộ lòng ái mộ sẽ phong nhã lãng mạn hơn nhưng thường ngày hắn không thích đọc sách, lúc này chẳng thể nghĩ ra bài thơ nào. Thế là hắn lén hỏi các ca kỹ xung quanh, xem họ có câu từ hoa mỹ nào để bày tỏ tình cảm hay không. Hai ca kỹ không phải là người có tài văn thơ, họ bị câu hỏi của Bùi Tiên làm khó, suốt cả đêm đều có hơi ngơ ngẩn, thầm nghĩ cách giúp Bùi Tiên sáng tác thơ ca.
Vi Ngạn thì lại trái ôm phải ấp, uống rượu chơi đùa rất vui vẻ.
Vi Ngạn cười nói: "Bạch Cơ, sao ngươi vẫn không có tinh thần thế?"
Bạch Cơ đáp: "Ta vẫn thích phường Bình Khang của Trường An hơn. Ở đó, ba khúc ca tụng, giai nhân như mây, mỗi người đều có nét đặc sắc riêng. Mỹ nhân không chỉ cần xinh đẹp mà còn phải thú vị. Đêm về, các nàng ấy vui vẻ hài hước, A Thiền hát hay múa giỏi, Nha Quân giỏi thơ ca, bách hoa đua nở, mỗi người một vẻ, chơi cùng họ đúng là vui. Các mỹ nhân ở Đào Hoa Xuân này tuy dịu dàng đa tình nhưng chỉ biết uống rượu và cười, chẳng có gì thú vị."
Vi Ngạn nói: "Bạch Cơ, đừng kén chọn quá mà."
Bùi Tiên đồng ý: "Phường Bình Khang đúng là thú vị hơn, ta cũng nhất A Thiền nhất."
Nguyên Diệu xoa thái dương, nói: "Bạch Cơ đúng là vô lễ, sao có thể nói họ là người vô vị trước mặt các mỹ nhân được?!"
Ca kỹ bên cạnh Bạch Cơ cười nói: "Long công tử nói đúng, chúng ta ở đây đều là những người bình thường đến góp mặt, chẳng có tên tuổi, không thể đại diện cho Đào Hoa Xuân. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, trách là do các ngươi đến đột ngột, mà không đúng lúc, hôm nay các tỷ tỷ đều có tiệc khác, không thể đến tiếp đãi các ngươi."
Vi Ngạn nói: "Nổi tiếng nhất ở Đào Hoa Xuân là ba vị hoa nương tử, Hư Hoa, Không Hoa, Kính Hoa. Cả ba đều tài sắc vẹn toàn, nhan sắc khuynh quốc khuynh thành, giống như tiên nữ. Cả ba Hoa nương tử đều nằm trong số mười danh kỹ hàng đầu ở Thần Đô. Muốn gặp họ, phải viết thư hẹn trước. Hôm nay chúng ta đến bất chợt, không gặp được họ cũng là bình thường."
Bạch Cơ đặt ly rượu xuống, vẻ mặt chán chường.
Bùi Tiên nói: "Bạch Cơ, đừng buồn. Ngày mai ta sẽ gửi một tấm thiệp, hẹn gặp ba vị Hoa nương tử cho ngươi. Cùng lắm thì chi thêm ít bạc, tháng này chúng ta chắc chắn sẽ gặp họ."
Bạch Cơ nói nhỏ: "Gặp họ cùng với ngươi, dù có thú vị cũng thành vô vị."
Bùi Tiên không nghe rõ hỏi: "Bạch Cơ nói gì?"
Bạch Cơ nâng ly rượu lên, cười nói: "Không có gì. Nào, Bùi tướng quân, chúng ta cạn một ly, cảm ơn ngươi đã đưa ta đến Đào Hoa Xuân giải sầu."
Bùi Tiên vội uống cạn ly La Phù Xuân, cười nói: "Có thể giúp Bạch Cơ giải sầu là vinh hạnh của ta. Chỉ cần Bạch Cơ không chê, ta có thể thường xuyên đồng hành, giúp ngươi xua tan buồn phiền."
Bạch Cơ cười nói: "Bùi tướng quân, hôm nay ngươi đến Phiêu Miểu các, chắc hẳn có việc gì đó. Bây giờ dù sao cũng đang ngồi rảnh rỗi, không bằng nói ra nghe thử xem."
Nguyên Diệu cũng rất tò mò về lý do Bùi Tiên đến Phiêu Miểu các.
Bùi Tiên suy nghĩ một lúc, không biết bắt đầu thế nào.
Vi Ngạn thấy vậy, thay Bùi Tiên nói: "Bạch Cơ, Hiên Chi, các ngươi còn nhớ Bùi Ngọc Nương không?"
Bạch Cơ và Nguyên Diệu hồi tưởng một lúc rồi cũng nhớ ra.
Bùi Ngọc Nương là biểu muội của Bùi Tiên. Trước đây, khi còn ở Trường An, trong sự kiện "Tương Tư Điểu", Bạch Cơ và Nguyên Diệu đã gặp Bùi Ngọc Nương. Lưu Chương từ Lĩnh Nam đến Trường An nhậm chức, trên đường đi bị một tên cướp tên là Mã Tứ giết chết, Mã Tứ giả mạo danh tính của Lưu Chương. Nhà họ Bùi đã gả Bùi Ngọc Nương cho Mã Tứ. Mã Tứ và Bùi Ngọc Nương sống hòa hợp, tình cảm phu thê rất tốt. Ba năm sau, thê tử của Lưu Chương là Thúy Nương vì nhớ chồng mà linh hồn lìa khỏi xác, hóa thành chim bay đến Trường An tìm chồng. Sự việc trải qua nhiều biến cố, cuối cùng nghiệp quả đã đến, Mã Tứ và đám cướp phải đền mạng cho Lưu Chương, phu thê Lưu Chương hóa thành một đôi chim tương tư rời đi.
Mã Tứ chết rồi, Bùi Ngọc Nương trở thành góa phụ.
Để giữ gìn danh dự cho nhà họ Bùi, gia đình và những người biết chuyện như Bạch Cơ đã không tiết lộ chuyện Mã Tứ giả mạo Lưu Chương. Người ngoài chỉ biết rằng Lưu Chương đã chiến đấu với bọn cướp đến chết. Vì vậy sau hai năm, nhà họ Bùi lại bàn chuyện tái giá cho Bùi Ngọc Nương. Lần này, Bùi Ngọc Nương kết hôn với con trai của Tề Vương Lý Kỳ, tên là Lý Ngọc. Lý Ngọc từng cưới một người thê tử họ Ư nhưng không lâu sau, Ư phu nhân qua đời vì bệnh tật. Lý Ngọc mất thê tử, Bùi Ngọc Nương mất chồng, phụ mẫu hai bên đồng ý, mai mối sắp xếp và cuối cùng hai người kết duyên.
Bạch Cơ nói: "Ta nhớ rồi. Ngọc Nương thế nào rồi?"
Vi Ngạn uống một ngụm rượu, nói: "Bùi Ngọc Nương đã tái giá, gả vào phủ Tề Vương rồi."
Bạch Cơ cười nói: "Chuyện này không phải rất tốt sao?"
Nguyên Diệu hỏi: "Chẳng lẽ Bùi Ngọc Nương lại gặp chuyện gì sao?"
Bùi Tiên cuối cùng cũng mở lời: "Mấy ngày trước là sinh nhật của bác ta, Ngọc Nương về nhà thăm phụ mẫu chúc thọ. Chúng ta gặp nhau trong nội trạch thì thấy xung quanh không có ai, Ngọc Nương kéo ta lại nói chuyện. Ngọc Nương tâm sự nặng nề, tinh thần cũng không được tốt, nàng ấy nói rằng mình đã gặp những chuyện kỳ quái trong phủ Tề Vương, mấy lần gặp nguy hiểm, nàng nghi ngờ có người muốn hãm hại mình. Nhưng nàng ấy không rõ là có người muốn giết mình, hay có yêu ma quỷ quái nào muốn hại mình."
Vi Ngạn nói: "Chắc chắn là người rồi. Trên đời này làm gì có nhiều yêu ma quỷ quái muốn hại người đến thế? Yêu ma quỷ quái cũng có việc riêng của chúng, chẳng có lý do gì mà lại đi hại người. Sau khi nghe xong miêu tả của ngươi, ta nghĩ chắc chắn là các thiếp và nữ tì của Lý Ngọc có ý định hãm hại chính thất. Ở hậu trạch, những nữ nhân này thật đáng sợ, vì ghen tuông và tranh sủng, họ có thể làm ra bất cứ chuyện gì. Chi bằng bảo Ngọc Nương đuổi hết họ đi, bán sạch thì cũng chẳng còn lo lắng nữa."
Bùi Tiên ngạc nhiên, nói: "Không nhất thiết phải là các thiếp và nữ tì, Ngọc Nương cảm thấy rằng phủ Tề Vương dường như có yêu ma..."
Bùi Tiên uống một ngụm Lạc Phong Xuân, từ từ kể lại.
Sau khi Bùi Ngọc Nương gả vào phủ Tề Vương, ban đầu không có điều gì khác thường.
Tề Vương Lý Kỳ là người đức cao vọng trọng, chính trực nghiêm trang, Tề Vương phi Úy Trì thị thì khoan dung nhân hậu, dịu dàng hiền lành, hai người đối xử với Bùi Ngọc Nương như con gái mình, ôn hòa và trìu mến, là cặp phụ mẫu chồng rất dễ sống chung.
Lý Ngọc cũng là một quân tử, đối xử với Bùi Ngọc Nương rất dịu dàng và lễ độ, phu thê tôn trọng, sống hòa thuận với nhau.
Lý Ngọc có hai thiếp, một là Từ thị, một là A Tử. Từ thị vô cùng xinh đẹp, dung mạo hoa nhường nguyệt thẹn, dáng vẻ yểu điệu, biết hát múa, vốn là một ca cơ được Lý Ngọc mua về làm thiếp.
A Tử thì rất xấu xí, vóc dáng thấp bé, gầy gò, trên mặt còn có một vết bớt tím lớn. A Tử ban đầu là nữ tì thô kệch trong vương phủ, nàng ấy nói rằng cha mình vốn là thầy lang hành nghề rong, từ nhỏ đã học lỏm được ít nhiều y thuật. Tề Vương từng mắc bệnh nặng, suýt chết, nhờ có phương thuốc của A Tử mà sống lại. Lý Ngọc cũng từng bị ma quỷ làm cho hoảng sợ đến phát điên, cũng nhờ phương thuốc của A Tử mà hồi phục.
Một lần, Lý Ngọc uống say, đã cùng A Tử nằm chung giường, sau đó lại chê nàng ấy xấu xí nên muốn đuổi đi.
Tề Vương biết chuyện, nhớ ơn A Tử với vương phủ, đã mắng con trai một trận, và vì muốn tạ ơn A Tử, ông ra lệnh cho con trai cưới A Tử làm thiếp, không được chê dung mạo của nàng ấy.
Lý Ngọc khó lòng trái lệnh cha, đành phải nạp A Tử làm thiếp. Dù không thích A Tử nhưng Lý Ngọc không dám thể hiện ra, chỉ đối xử với nàng ấy không tốt bằng Từ thị, hầu như không bao giờ đến chỗ A Tử qua đêm.
Người thê tử cả của Lý Ngọc là Ư thị, ba năm trước, Ư thị đã qua đời vì bệnh tật.
Bùi Ngọc Nương vì là thê tử kế nên trong phủ Tề Vương, nàng luôn giữ gìn lời nói, cẩn trọng trong hành động, cố gắng thể hiện sự đoan trang, ôn hòa khoan dung, để tránh bị người hầu so sánh với Ư thị mà bàn tán không hay về mình. Vì thế, Bùi Ngọc Nương đối xử với hai thiếp của Lý Ngọc rất dịu dàng, không hề khắc nghiệt.
Ban đầu, cuộc sống rất tốt, Bùi Ngọc Nương khá hài lòng với cuộc sống ở phủ Tề Vương, cho đến khi xảy ra một vài sự việc.
Một đêm, Lý Ngọc bận rộn tiếp khách không về, Bùi Ngọc Nương đi ngủ sớm.
Trong cơn mơ màng, Bùi Ngọc Nương bỗng nghe thấy tiếng gõ cửa nhẹ nhàng.
"Ai đó?" Bùi Ngọc Nương mơ màng hỏi
"...Lạnh quá... mở cửa ra..."
Bên ngoài cửa có một giọng nữ yếu ớt vang lên.
Bùi Ngọc Nương nghĩ, bây giờ là mùa hè, trời đang nắng nóng, sao có thể lạnh được? nàng không để ý đến nữ nhân đó, xoay người tiếp tục ngủ.
"Cốc cốc cốc..."
"Thình thình thình..."
Đột nhiên, cửa sổ và cửa chính của phòng ngủ vang lên những tiếng đập dồn dập.
"Lạnh quá... mở cửa ra..."
Tiếng khóc than ai oán của nữ nhân liên tục vang lên, đứt quãng không ngừng.
Bùi Ngọc Nương bỗng chốc mở to mắt, ngươi nhìn thấy khoảng không trên giường La Hán trống trải, trong bóng tối trên xà nhà mờ mờ hiện ra một khuôn mặt người.
Đó là khuôn mặt của một nữ nhân.
Gương mặt của nữ nhân trắng bệch, mái tóc đen như mây. Gương mặt của nàng ấy rất kỳ quái, một nửa trang điểm tỉ mỉ, mày mắt được vẽ kỹ lưỡng, phong thái quyến rũ, trên má dán hoa, son trên môi đỏ như máu. Nửa còn lại thì không có trang điểm, trắng bệch như giấy, tiều tụy khô cằn, ánh mắt như giếng khô không chút sự sống, ngập tràn hận thù và tuyệt vọng.
Bùi Ngọc Nương sợ hãi tột độ, nàng vô cùng khiếp đảm muốn hét lên nhưng không thể muốn ngồi dậy nhưng như bị ác mộng đè chặt, dù cố gắng thế nào cũng không thể ngồi dậy.
Trong khoảng không tối tăm, khuôn mặt nữ nhân với nửa mặt trang điểm đột nhiên biến dạng, dần dần trở nên lớn hơn.
Chẳng mấy chốc, khuôn mặt nữ nhân từ cỡ quả bóng lớn dần thành cỡ cái chum nước, nàng ấy cười khúc khích, cổ dài ra như rắn, lao về phía Bùi Ngọc Nương đang nằm trên giường La Hán.
"Á..."
Bùi Ngọc Nương sợ hãi tột cùng, giật mình tỉnh dậy.
Phòng tối đen như mực, yên lặng như tờ, không có khuôn mặt nữ nhân nửa trang điểm, cũng không có ai đập cửa sổ hay cửa chính.
Bùi Ngọc Nương ngồi dậy trong bóng tối, đầu đầy mồ hôi lạnh, kinh hãi không thôi.
Gia Nhi, tỳ nữ của Bùi Ngọc Nương vốn ngủ ở phòng ngoài, nghe thấy động tĩnh bèn vội vàng ngồi dậy, xuống giường, thắp đèn bước vào hỏi: "Phu nhân sao vậy?"
Bùi Ngọc Nương hỏi: "Gia Nhi, ngươi có nghe thấy ai đập cửa hay đập cửa sổ không?"
Gia Nhi bối rối đáp: "Không nghe thấy gì cả."
Bùi Ngọc Nương bình tĩnh lại, nghĩ có lẽ mình vừa gặp ác mộng.
Vì vậy Bùi Ngọc Nương cho Gia Nhi lui ra.
Vì bản thân là thê tử kế, không muốn gây ra chuyện, Bùi Ngọc Nương không kể lại giấc mộng này cho ai, và cũng dặn Gia Nhi không nói với ai về việc nàng gặp ác mộng.
Tuy nhiên, nguy hiểm đối với Bùi Ngọc Nương chỉ mới bắt đầu.
Một hôm, Bùi Ngọc Nương rảnh rỗi không có việc gì làm bèn một mình pha trà hoa. Sau khi đun nấu trong ấm trà, nàng rót trà màu đỏ vào ly, chuẩn bị thưởng thức.
Khi sắp đưa lên miệng, Bùi Ngọc Nương cảm thấy trà có gì đó không ổn, hình như màu trà khác với những lần trước, hôm nay trà có màu tối hơn bình thường và còn thoang thoảng một mùi tanh. Có phải khi đun nấu, than trong lò đất cháy quá mạnh làm bánh trà bị cháy không?
Bùi Ngọc Nương bèn đặt ly trà xuống, mở nắp ấm trà ra để kiểm tra bã trà bên trong.
Nhìn vào trong, Bùi Ngọc Nương kinh hãi, đôi tay trắng nõn cầm không vững nắp trà làm rơi nắp trà xuống đất.
Trong ấm trà, một con rết đã chết với dáng vẻ dữ tợn đang trộn lẫn trong bã trà.
Chất độc từ con rết đã hòa vào nước trà, vì vậy trà có mùi tanh nhẹ.
Nếu vừa rồi Bùi Ngọc Nương bất cẩn uống ngay thì dù may mắn không chết, nàng cũng sẽ bệnh nặng.
Bùi Ngọc Nương nghĩ rằng chắc do bánh trà để trong kho quá lâu nên có con rết bò vào, ngoài việc cảm tạ trời đất đã bảo vệ mình thoát khỏi tai họa, nàng cũng không nghĩ gì thêm.
Một buổi chiều mùa thu, Bùi Ngọc Nương đang chuẩn bị tắm rửa.
Trời lạnh vào thu đông, khi người trong gia đình lớn tắm rửa, để giữ ấm nước, tránh bị lạnh, có hai cách: Một là thường xuyên thêm đá cuội đun nóng vào thùng tắm để giữ nước luôn ấm. Hai là thùng tắm được kết nối trực tiếp với một hố đất bên ngoài, và người hầu đốt củi trong hố, giữ cho lửa không quá lớn.
Phủ Tề Vương sử dụng cách đốt củi để tắm vào mùa thu đông.
Bùi Ngọc Nương khỏa thân ngâm mình trong thùng tắm, vì tính cách e thẹn, không thích nhiều người hầu hạ khi tắm nên ngươi chỉ giữ lại Gia Nhi, cho các tỳ nữ khác lui ra.
Bên ngoài phòng tắm, chỉ có một tỳ nữ làm việc nặng đang đốt củi.
Gia Nhi đang xông hương trên lò hương, vì hết túi thơm nên nàng nói với Bùi Ngọc Nương rồi về phòng lấy túi thơm.
Bùi Ngọc Nương một mình ngâm mình trong nước ấm, cảm thấy rất dễ chịu, đang mơ màng sắp ngủ thì đột nhiên cảm thấy nước càng lúc càng nóng.
Ban đầu Bùi Ngọc Nương không để ý nhưng sau đó cảm thấy không chịu nổi nữa bèn gọi Gia Nhi.
Bùi Ngọc Nương gọi Gia Nhi nhưng không có ai đáp lại, lúc đó nàng mới nhớ ra Gia Nhi đã đi lấy túi thơm. nàng vội vàng gọi to người hầu bên ngoài nhưng gọi mấy lần cũng không ai trả lời.
Nước càng lúc càng nóng, Bùi Ngọc Nương hoảng sợ, ngươi định đứng dậy leo ra khỏi thùng tắm. Nhưng vì là tiểu thư nhà giàu, bình thường lúc đứng lên hay ngồi xuống đều có người hầu hạ nên nàng vốn không quen hành động linh hoạt, lúc này bị nước nóng làm cho choáng váng, cơ thể yếu ớt, hoàn toàn không thể leo ra khỏi thùng tắm.
Bùi Ngọc Nương trượt chân lại bị chuột rút, ngã nhào vào thùng tắm, chân đau điếng.
Bùi Ngọc Nương vừa đau vừa nóng, gào thét gọi lớn nhưng không ai trả lời.
Bùi Ngọc Nương sợ hãi tột độ, hoảng loạn vô cùng, nàng nghĩ mình có thể sẽ bị nước nóng làm chết.
Ngay khi Bùi Ngọc Nương rơi vào tuyệt vọng, Gia Nhi quay về.
Vừa về đến nơi, Gia Nhi đã làm ầm ĩ bên ngoài.
"Gia Nhi...Gia Nhi...cứu mạng..."
Bùi Ngọc Nương vội vàng gọi Gia Nhi.
Gia Nhi nghe thấy tiếng gọi, lập tức chạy nhanh vào bên trong. Nhìn thấy Bùi Ngọc Nương đang chật vật trong thùng tắm, Gia Nhi bèn vứt bỏ gói hương liệu, chạy đến giúp nàng thoát ra.
Thì ra tiểu tì canh lửa bên ngoài đã ngủ gục bên cạnh bếp lửa khiến củi cháy lên dữ dội, nước trong thùng tắm gần như đã sôi lên.
Gia Nhi vừa ở ngoài thì thấy tiểu tì ngủ gục bèn lớn tiếng trách mắng nhưng tiểu tì vẫn không tỉnh. Gia Nhi nghe thấy tiếng gọi của Bùi Ngọc Nương nên chạy vào cứu nàng trước.
Gia Nhi chạy ra ngoài gọi người, các tì nữ và bà vú nghe thấy bèn đến ngay, họ lay tiểu tì canh lửa.
Mãi sau, tiểu tì mới từ từ tỉnh lại. Khi được thông báo về những gì đã xảy ra, nàng vô cùng hoảng sợ, kinh hãi.
Chuyện Bùi Ngọc Nương gặp nguy hiểm khi tắm lập tức lan đến tai phu thê Tề Vương và Lý Ngọc. Họ vô cùng ngạc nhiên, vội vàng mời đại phu đến chữa trị cho nàng. May mắn thay, Gia Nhi về kịp thời, Bùi Ngọc Nương chỉ bị kinh hãi, không bị thương.
Phu thê Tề Vương và Lý Ngọc cho rằng tiểu tì canh lửa ngủ gật vì lười biếng bèn trừng phạt nàng, thậm chí định bán đi.
Bùi Ngọc Nương muốn thể hiện mình là một chủ nhân khoan dung nhân từ nên đã xin tha cho nàng trước mặt phu thê Tề Vương, giữ lại ngươi trong phủ.
Sau đó, Bùi Ngọc Nương cẩn thận tra hỏi nhưng tiểu tì canh lửa vẫn còn nhỏ và ngờ nghệch, chỉ nói rằng mình không cố ý, chỉ vì quá mệt mỏi khi canh lửa nên đã ngủ thiếp đi, giấc ngủ rất sâu.
Sau sự cố này, Bùi Ngọc Nương mơ hồ cảm thấy có điều gì đó không ổn.
Về sau, Bùi Ngọc Nương còn gặp phải một vài tai nạn khác như một con rắn độc bò vào trong chăn; khi nàng dẫn người đến kho lấy đồ để dùng trong lễ cúng, một chiếc hộp đặt trên cao bỗng rơi xuống, suýt nữa làm nàng bị thương; hoặc khi nàng lên lầu cao của thư phòng để ngắm cảnh, tay vịn bị mục nát gãy khiến nàng rơi từ tầng hai xuống và bị thương ở chân.
Sau khi bị thương ở chân, Bùi Ngọc Nương chắc chắn rằng những tai nạn này không phải là ngẫu nhiên, mà xung quanh nàng đầy rẫy nguy hiểm, có người đang âm mưu hãm hại nàng.
Bùi Ngọc Nương không dám làm kinh động đến phu thê Tề Vương, chỉ kể cho chồng là Lý Ngọc nhưng Lý Ngọc lại không để tâm, cho rằng nàng suy nghĩ quá nhiều.
Sau khi nghi ngờ có người muốn hại mình, Bùi Ngọc Nương đã điều tra kỹ lưỡng về sự cố tay vịn và sự việc con rắn độc. Trong quá trình điều tra, Gia Nhi chợt nhớ ra rằng trước khi phát hiện con rắn trong chăn, nàng dường như đã thấy Từ thị vào phòng của Bùi Ngọc Nương nhưng cũng không dám chắc. Vì khi đó ngươi đang đứng ở đình bát giác trên núi giả phía sau vườn nhìn từ xa nên không chắc có phải Từ thị hay không, chỉ biết người đó trông rất giống Từ thị.
Trong sự cố tay vịn ở thư phòng, một bà lão quét dọn sân vườn nói rằng đã nhìn thấy A Tử đến thư phòng. A Tử không phủ nhận, chỉ nói rằng mình thường đến thư phòng để tìm sách y học đọc, việc tay vịn bị mục nát, nàng hoàn toàn không biết.
Vì không có chứng cứ xác thực, Bùi Ngọc Nương cũng không thể khẳng định A Tử muốn hại mình. Thực ra, nàng còn nghi ngờ Từ thị nhiều hơn. Từ trong sâu thẳm, so với A Tử xấu xí và không được sủng ái, Từ thị xinh đẹp và được Lý Ngọc yêu thương hơn lại khiến nàng cảm thấy bất an hơn. Nàng còn có hơi ngầm ghen tị với Từ thị mà không thể bày tỏ ra ngoài.
Khi Bùi Ngọc Nương kể lại những chuyện này cho Lý Ngọc, Lý Ngọc hoàn toàn không nghi ngờ gì mà khẳng định ngay là A Tử làm, và dự định sẽ báo lại với phụ mẫu, đuổi A Tử đi.
Bùi Ngọc Nương nhận ra rằng Lý Ngọc làm vậy chỉ vì hắn ghét A Tử nên nàng vội ngăn hắn và giữ A Tử lại.
Thỉnh thoảng, Bùi Ngọc Nương lại nhớ đến cơn ác mộng đầu tiên mà nàng từng gặp, trong đó có nữ nhân trang điểm nửa khuôn mặt kỳ lạ và đáng sợ. Vì đã trải qua sự kiện "Tương Tư Điểu", Bùi Ngọc Nương tin vào những chuyện huyền bí, nàng cảm thấy có thể những nguy hiểm mà nàng gặp phải không liên quan đến Từ thị hay A Tử, mà có thể do yêu ma quỷ quái gây ra. Tuy nhiên, nàng chỉ mơ thấy ác mộng đó một lần, sau đó không gặp phải hiện tượng kỳ lạ nào nữa, cũng không trải qua dù là điều gì mang tính tâm linh.
Bùi Ngọc Nương không rõ những hiểm nguy mình gặp phải là do yêu ma quỷ quái hay do âm mưu của con người nên vô cùng khổ tâm, không màng ăn uống, ngày càng tiều tụy.
Khi cha của Bùi Ngọc Nương tổ chức mừng thọ, nàng trở về nhà nương đẻ để chúc thọ cha. Trong nội trạch, nàng gặp Bùi Tiên. Trong sự kiện "Tương Tư Điểu", Bùi Tiên là người kết nối, dẫn dắt Bạch Cơ và những người khác vào Bùi phủ. Bùi Ngọc Nương vẫn nhớ Bạch Cơ có khả năng giao tiếp với thần linh nên đã tâm sự với người biểu ca Bùi Tiên về những điều mà nàng đã trải qua và những khổ tâm trong phủ Tề Vương, mong rằng hắn có thể giúp nàng giải tỏa lo lắng.
Bùi Tiên cũng rất lo lắng cho em họ của mình nên định tìm Bạch Cơ để hỏi thăm. Vì không biết Phiêu Miểu các ở đâu, hắn đành phải đi tìm Vi Ngạn trước.
Khi Vi Ngạn biết được đầu đuôi sự việc bèn dẫn Bùi Tiên đến Phiêu Miểu các.
Nghe xong câu chuyện của Bùi Tiên, Bạch Cơ chìm vào suy nghĩ.
Nguyên Diệu cũng thầm cảm thán trong lòng, không ngờ sau khi Bùi Ngọc Nương tái giá lại xảy ra nhiều chuyện đến thế.
Bạch Cơ nói: "Bùi tướng quân, con người khi kể về sự việc thường xuất phát từ góc nhìn chủ quan của mình, mang tính thiên lệch và phần lớn chỉ là một khía cạnh nhỏ. Ngọc Nương nói cho ngài biết, rồi ngài lại kể lại, trong quá trình đó đã mất đi rất nhiều sự thật trọn vẹn. Chỉ nghe lời ngài kể, ta cũng không biết liệu có phải yêu quái tác oai tác quái hay là cái gì khác nữa. Phải đến phủ Tề vương một chuyến thì mới rõ được."
Bùi Tiên nói: "Chuyện này không khó. Để ta bàn bạc với Ngọc Nương xong, sẽ mời nàng đến phủ Tề vương làm khách."
Bạch Cơ cười: "Được."
Vi Ngạn uống một ngụm La Phù Xuân, cười nói: "Ta không cần đến phủ Tề vương cũng biết chuyện này là như thế nào, chắc chắn là Từ thị muốn hãm hại Ngọc Nương."
Nguyên Diệu tò mò hỏi: "Đan Dương, sao ngươi lại nghĩ là Từ thị? Tại sao không phải là A Tử?"
Vi Ngạn nói: "Từ thị xinh đẹp, được sủng ái. Ngọc Nương mà chết đi, dù nàng ta chỉ là hạ nhân, xuất thân thấp kém, không thể chính thức thành thê, nhưng sẽ được nhận thêm sự yêu chiều. Có khi, thê tử trước của Lý Ngọc, người họ Ư ấy, cũng là do nàng ta hại chết. Còn A Tử vừa xấu xí, lại không được sủng, giết Ngọc Nương cũng chẳng đem lại lợi ích gì cho nàng ta. Nếu lộ chuyện, nàng ta có khi còn bị đánh chết, tội gì phải tốn tâm cơ như thế."
Nguyên Diệu cảm thấy lời Vi Ngạn nói cũng khá hợp lý, nhưng nghĩ kỹ lại thấy không đúng.
"Không đúng đâu, Đan Dương. Dù Ngọc Nương có gặp chuyện không may, Lý Ngọc cũng sẽ cưới một người môn đăng hộ đối khác. Nếu Từ thị vì được yêu mà mưu hại chủ nhân, vậy nàng ta phải giết bao nhiêu người cho đủ?"*
*Thời Đường, vị trí thê tử và thiếp rất phân biệt, nam nhân không thể lấy thiếp làm thê tử, điều này là phạm pháp. Trong "Đường Luật" có quy định: "Lấy thiếp hoặc khách nữ làm thê tử, lấy tỳ nữ làm thiếp thì bị phạt một năm rưỡi tù. Mọi việc sẽ được khôi phục lại theo đúng quy định." "Thê tử là người đồng đẳng, Tần Tấn là bạn đồng hành. Thiếp là người có thể bán mua và địa vị chênh lệch nhau rất nhiều." Ý là người lấy thiếp làm thê tử sẽ phải chịu phạt một năm rưỡi tù giam và cuối cùng vẫn phải quay về theo quy định phân biệt thê tử và thiếp. Thiếp có thể bị bán mua tự do, không phải là người tự do.
Vi Ngạn lúng túng, bèn nói: "Có một câu gọi là 'mỹ nhân rắn rết', những phụ nữ xinh đẹp đều có lòng dạ độc ác như rắn rết... Bạch Cơ, ta không nói ngươi, ngươi đừng để bụng. Nhưng ngươi tuy không ác độc, lại xảo quyệt, mưu mô quỷ kế chẳng kém gì lão hồ ly."
Bạch Cơ không giận, cười nói: "Cảm ơn Vi công tử đã khen."
Bùi Tiên nói: "Ta lại nghi ngờ chính con A Tử xấu xí kia làm tất cả. Xưa nay có câu 'người xấu làm nhiều trò' mà."
Nguyên Diệu nói: "Trọng Hoa, ngươi lại nhìn người qua vẻ bề ngoài rồi, thế thì không công bằng."
Bạch Cơ cũng cười nói: "Không nên nhìn người qua vẻ bề ngoài, dung mạo chẳng liên quan nhiều đến thiện ác trong lòng. Suy cho cùng, tất cả chỉ là nghi ngờ không có căn cứ của Ngọc Nương, phải đến phủ Tề vương xem xét thì mới biết rõ thực hư, có khi chẳng phải Từ thị, mà cũng không phải A Tử."
Bùi Tiên gật đầu: "Phải rồi."
Bạch Cơ cười nói: "Ta biết chút ít về thuật xem tướng, lần trước nhìn thấy Ngọc Nương đã muốn nói, nhưng vì chuyện con chim tương tư mà không khí lúc đó quá u buồn, cuối cùng ta chẳng nói gì. Xem tướng Ngọc Nương, số mệnh của nàng ta có hơi đặc biệt, nàng ta có duyên với yêu quái, cuộc đời không tránh khỏi gặp phải những chuyện liên quan đến ma quỷ. Hơn nữa, sơn căn đứt gãy, ấn đường thấp hẹp, đường tình duyên không chỉ dừng lại ở hai lần đâu..."
Nguyên Diệu và Bùi Tiên nghe thế thì đều sững sờ, đang lúc bối rối thì ngoài hành lang vang lên tiếng cười nói rộn ràng.
Vi Ngạn không hứng thú với chuyện tướng số của Ngọc Nương nhưng lại tò mò về tiếng động bên ngoài, bèn hỏi một ca nữ bên cạnh xem có chuyện gì.
Ca nữ đứng dậy, đi ra ngoài cửa xem xét.
Bùi Tiên lo lắng cho Ngọc Nương, bèn hỏi ngay: "Bạch Cơ, nàng nói vậy là có ý gì?"
Bạch Cơ cười đáp: "Không có gì đâu, ta chỉ nói bâng quơ thôi, tướng số không phải lúc nào cũng chính xác."
Chẳng bao lâu sau ca nữ quay lại, cười nói: "Là Hư Hoa tỷ tỷ về rồi. Hôm nay tỷ ấy đi dự yến tiệc, vì một số lý do tiệc kết thúc sớm, mà nơi dự tiệc cũng gần ngay khu phố Đồng Đà Mạc, nên tỷ ấy về sớm."
Bạch Cơ cười: "Đây chẳng phải là duyên phận sao? Ta cũng đang tò mò về ba vị Hoa nương của Đào Hoa Xuân là những giai nhân tuyệt sắc thế nào. Phiền ngươi mời Hư Hoa tỷ tỷ đến gặp ta một lát."
Ca nữ hơi bối rối, cười nói: "Chuyện này... Hư Hoa tỷ tỷ khác với chúng ta, không phải muốn gặp là gặp được. Nếu muốn mời tỷ ấy, thì cần phải có thiệp mời và chuẩn bị vàng bạc để trình báo với giả mẫu."*
*Giả mẫu: Thời Đường, ám chỉ nương nuôi của nghệ sĩ trong lầu xanh, tức là tú bà.
Bạch Cơ hiểu ngay, bèn lấy ra hai thỏi vàng đưa cho ca nữ, cười nói: "Vì đột xuất nên không có thiệp mời tao nhã, nhưng vàng bạc tầm thường thì vẫn có. Ngươi cầm lấy, đưa cho giả mẫu xem như quà gặp mặt, nhờ tỷ ấy sắp xếp giúp."
Ca nữ nhìn thấy vàng, biết rằng số này đủ để gặp cả ba vị hoa nương. Cô nàng cười tươi rói, nói: "Công tử, ngài thật hào phóng. Ta sẽ đi báo với giả mẫu ngay, chắc chắn không có vấn đề gì."
Nói xong, ca nữ tươi cười bước ra.
Vi Ngạn cười nói: "Bạch Cơ, hôm nay mặt trời mọc từ phía tây sao? Ngươi vốn nổi tiếng keo kiệt, thế mà nay lại rộng rãi như vậy?"
Bạch Cơ cười đáp: "Hôm nay ta là Long công tử, không phải Bạch Cơ. Mà đã vào chơi hoa thì tất nhiên phải rộng rãi một chút mới được các nàng yêu thích chứ. Hơn nữa, Hiên Chi nói tháng này không cần tiền công, ta cũng tiết kiệm được chút chi phí nên tiêu xài phóng khoáng một chút, để Hiên Chi được gặp giai nhân."
Nguyên Diệu cười: "Bạch Cơ, ta nói tháng này không lấy tiền công là để khích lệ ngươi chứ không phải là thật sự không muốn. Với lại, rõ ràng là ngươi muốn gặp hoa nương, đừng có đổ lỗi cho ta."
Bạch Cơ cười nói: "Hiên Chi, vì ngươi không lấy tiền công nên hoa nương tính là chúng ta cùng gặp nhé."
Vi Ngạn tặc lưỡi, nhỏ giọng nói: "Tiết kiệm được hai quan tiền mà tiêu mất hai thỏi vàng. Bạch Cơ, ta thật không biết ngươi rốt cuộc là thông minh hay ngốc nghếch nữa."
Mọi người đang cười nói vui vẻ, thì bên ngoài có người gọi: "Hư Hoa nương tử đến rồi."
Bạch Cơ, Nguyên Diệu và những người khác ngừng đùa giỡn, nghiêm chỉnh ngồi đợi gặp hoa nương.
Hai tỳ nữ mở cửa ra, một mỹ nhân tuyệt sắc ôm cây đàn tỳ bà năm dây bằng gỗ tử đàn khảm ốc xà cừ, nhẹ nhàng yểu điệu tiến vào.
Chính là Hư Hoa nương tử.
Hư Hoa nương tử chỉ mới tuổi đôi tám, nàng mặc một chiếc váy hoa gấm màu lựu đỏ, khoác thêm một tấm khăn choàng dài bằng lụa bạc. Dáng người nàng thướt tha, uyển chuyển, trông vô cùng kiều diễm. Nàng có đôi mắt đượm tình như nước xuân, ánh nhìn chan chứa ý tình. Trên mặt nàng dán một bông hoa rực rỡ, khi cười hiện lên hai lúm đồng tiền cong cong.
Sau khi chào hỏi mọi người, Hư Hoa nương tử ôm cây đàn tỳ bà năm dây làm từ gỗ tử đàn khảm ốc rồi ngồi xuống bên cạnh Bạch Cơ.
Bạch Cơ khen ngợi: "Đào hoa nở rộ hai bên bờ sông Lạc cũng không sánh bằng vẻ đẹp tươi tắn của Hư Hoa nương tử."
Hư Hoa nương tử mỉm cười quyến rũ, nói: "Long công tử thật biết cách nói chuyện."
Nguyên Diệu hỏi: "Bạch Cơ, sức khỏe của nàng có khá hơn chút nào không?"
Bạch Cơ cười đáp: "Nhìn thấy Hư Hoa nương tử, tâm trạng ta tốt hơn nhiều rồi."
Hư Hoa nương tử cười hỏi: "Long công tử sao vậy? Tâm trạng không tốt sao?"
Bạch Cơ nói: "Gần đây ta rơi vào một trạng thái buồn bã khó hiểu, không có hứng thú với bất cứ điều gì, u uất khó chịu, tâm trạng chẳng thể thư thái. Vậy nên tối nay mới cùng ba người họ đến Đào Hoa Xuân để giải sầu."
Hư Hoa nương tử nghĩ một chút rồi mỉm cười nói: "Thật thú vị. Phải chăng các bậc quyền quý đều dễ dàng rơi vào trạng thái u uất như vậy? Vừa nãy ta tham dự một buổi yến tiệc, có một vị thế tử của Tề vương, cũng mang dáng vẻ u uất tương tự. Hắn và một vị giáo úy có lời qua tiếng lại, cuối cùng xảy ra xung đột rồi đánh nhau luôn. Yến tiệc vì vậy mà kết thúc không vui vẻ gì."
Nghe vậy, Bùi Tiên dừng uống rượu hỏi: "Thế tử của Tề vương? Lý Ngọc sao?"
Vi Ngạn tò mò hỏi: "Sao họ lại đánh nhau?"
Hư Hoa nương tử cười nói: "Thế tử của Tề vương này ta cũng không quen, hôm nay mới gặp lần đầu, không biết tên là gì. Nghe nói tỷ tỷ của vị giáo úy kia từng gả cho thế tử của Tề vương nhưng sau đó qua đời. Vị giáo úy này nói thế tử của Tề vương đã ép tỷ mình đến mức tỷ ấy phải treo cổ tự vẫn. Thế tử của Tề vương thì bảo rằng tỷ của vị giáo úy ấy chết vì bệnh. Hai người cãi nhau trong lúc say rồi đánh nhau. Mọi người vội vàng can ngăn nhưng vị giáo úy ấy vô cùng hung hãn, nổi cơn say rượu khiến có người khác bị thương trong lúc can ngăn. Yến tiệc phải giải tán, chủ nhân của yến tiệc rất phiền lòng, hối hận vì đã mời cả hai vị khách này cùng lúc."
Bạch Cơ, Nguyên Diệu, Vi Ngạn và Bùi Tiên đều rất ngạc nhiên.
Bùi Tiên nói: "Chắc chắn là Lý Ngọc rồi. Vị giáo úy này có lẽ là đệ đệ của thê tử trước Lý Ngọc, họ Vũ. Nhưng chẳng phải Ư thị chết vì bệnh sao? Sao lại là treo cổ tự vẫn?"
Bạch Cơ cười nói: "Giống như việc Mã Tứ, phu quân trước của Ngọc Nương, cũng không chết một cách bình thường có lẽ cái chết của Ư thị, thế tử trước của Lý Ngọc, cũng có điều gì đó không thể tiết lộ. Đúng là phu thê đều có bí mật."
Vi Ngạn không khỏi thốt lên: "Theo một nghĩa nào đó, họ quả rất đẹp đôi."
Nguyên Diệu nói: "Đúng là một chuyện ngạc nhiên."
Bùi Tiên lo lắng nói: "Rốt cuộc là thế nào đây? Nếu biết thê tử trước của Lý Ngọc chết một cách mờ ám, nhà họ Bùi chúng ta đã không để Ngọc Nương gả đi rồi."
Vi Ngạn nói: "Ngọc Nương đã gả đi rồi, bây giờ biết cũng chẳng thể thay đổi gì nữa."
Nguyên Diệu an ủi Bùi Tiên: "Trọng Hoa, đừng lo lắng, giờ chúng ta chưa rõ sự tình, lo lắng cũng vô ích thôi. Đợi khi Bạch Cơ đến Tề vương phủ tìm hiểu rõ sự thật rồi hẵng nghĩ cách giải quyết."
Bạch Cơ cũng nói: "Bùi tướng quân, việc này hiện giờ lo lắng cũng vô ích. Để ta đến Tề vương phủ một chuyến, xem rốt cuộc là chuyện gì đã xảy ra."
Bùi Tiên nghĩ lại thì thấy rằng giờ lo lắng cũng không ích gì, hơn nữa đang là giờ giới nghiêm, không thể ra khỏi Đồng Đà Mặc, mọi việc đành để đến ngày mai tính tiếp.
Thế là mọi người lại tiếp tục cười nói, uống rượu chơi đùa.
Hư Hoa nương tử rất giỏi quan sát và làm sôi động không khí của yến tiệc khiến mọi người đều cảm thấy rất vui vẻ.
Trong lúc trò chuyện, Bạch Cơ nói đến việc gần đây tâm trạng buồn bã, không biết phải làm sao để giải tỏa, Hư Hoa nương tử bèn cười nói: "Long công tử, có phải là công tử đã ở lại Lạc Dương quá lâu rồi không?"
Bạch Cơ đáp: "Cũng không hẳn là lâu, ta vừa từ Trường An chuyển đến đây."
Hư Hoa nương tử cười nói: "Long công tử, có phải là đã lâu rồi công tử không đi xa để du sơn ngoạn thủy?"
Bạch Cơ nghĩ một lúc, nói: "Đúng là đã lâu rồi không đi đâu xa, chỉ loanh quanh ở Trường An hoặc Lạc Dương. Phần lớn thời gian ở lại Phiêu Miểu các, dù có ra ngoài cũng chỉ dạo quanh các khu vực gần kinh thành."
Hư Hoa nương tử cười nói: "Con người nếu ở một nơi quá lâu sẽ dễ rơi vào trạng thái u uất chán nản, bởi trước mắt thiếu đi cảnh sắc rộng lớn hơn, bên tai thiếu đi những câu chuyện phong phú hơn, tâm hồn không được tưới mát bởi nguồn năng lượng mới, tinh thần vì thế mà suy sụp. Bốn bể rộng lớn, núi sông tuyệt mỹ, Long công tử nên ra ngoài đi dạo một chút, tầm nhìn rộng mở tâm hồn cũng sẽ thư thái, tinh thần tự nhiên sẽ phấn chấn hơn."
Bạch Cơ chìm vào suy tư.
Trong lòng Nguyên Diệu cảm thấy không ổn.
Hư Hoa nương tử lại nói: "Ta không có nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành, càng không có tài năng khiến người khác ngạc nhiên, chỉ có chút kỹ năng tầm thường về đàn tỳ bà, có thể xem như một chút tài mọn. Chi bằng ta sẽ biểu diễn một khúc tỳ bà để thêm hứng cho yến tiệc nhé."
Trong ba vị hoa nương tử của Đào Hoa Xuân, Hư Hoa nổi tiếng với tài nghệ đàn tỳ bà. Kỹ năng chơi tỳ bà của Hư Hoa nương tử vô cùng tinh tế, danh tiếng vang xa, ở cả kinh đô Lạc Dương, nàng có thể xếp vào top ba.
Hư Hoa nương tử ôm cây đàn tỳ bà năm dây bằng gỗ tử đàn khảm ốc, bàn tay mềm mại khẽ vuốt, bắt đầu biểu diễn.
Bàn tay ngọc ngà của Hư Hoa nương tử nhẹ nhàng lướt trên dây đàn, ngón tay linh hoạt như tia chớp, tiếng đàn phát ra lúc rì rầm, lúc dồn dập như những hạt ngọc trai lớn nhỏ rơi trên đĩa ngọc.
Hư Hoa nương tử hơi hé đôi môi hồng vừa đàn tỳ bà vừa hát một khúc "Du Tứ Phương"(đi khắp bốn phương)