Nào Hay Xuân Mênh Mông

Chương 94: Có Người Đi Cũng Có Người Đến




Vào một ngày nồm của tháng hai tôi tỉnh lại vào giữa trưa, lấy tay sờ soạng thì thấy bên cạnh trống trơn, có lẽ là Trần Khâm đã lên triều sớm. Sàn nhà ẩm ướt lành lạnh nhưng có dấu vết được lau qua nên tuy thường ngày tôi thích đi chân trần nhưng hôm nay phải xỏ thêm đôi guốc gỗ.

Chậm chạp bước sang phòng Quốc Chẩn cũng thấy mọi thứ ngăn nắp trống trải, mới sực nhớ ra là nó đã đi học rồi.

Mấy hôm nay trời nồm nên trong người mệt mỏi, lại có chút đau lưng nhức khớp, thường xuyên ngủ một giấc từ tối tới tận trưa hôm sau. Từ lúc thái hậu đổ bệnh Trần Khâm cứ cách năm bảy bữa lại xa giá đến Thiên Trường ở một đêm rồi quay về chăm lo sự vụ.

Chính bản thân tôi cũng cảm thấy uể oải không có sức, lại nghĩ thôi, Trần Khâm chắc là có nhiều chuyện muốn nói với người, tôi cũng không cần phải ở đó cản trở.

Tôi khẽ gọi Thụy Hương, nhưng lên tiếng lại là một nô nhi ở bên ngoài, nó nhanh chân chạy vào thưa:

"Bẩm phu nhân, chị Thụy Hương đi rước cậu về rồi ạ!"

Tôi thoáng kinh ngạc, lại nhìn trời vẫn còn sớm thì hỏi:

"Hôm nay có việc gì hay sao?"

Con bé kia cúi đầu, giọng hơi run rẩy đáp:

"Thưa, ở hành cung truyền tới tin thái hậu đã băng nên chị Thụy Hương đi rước cậu về rồi. Do mấy hôm nay phu nhân không khỏe nên bọn em không dám gọi ạ!"

Trên đầu tôi giống như có sấm giữa trời quang, đến lúc này tôi mới thấy bộ quần áo mà đứa hầu này mặc đã thay ra một màu trắng ngà, mà những loại rèm cửa hay đồ vật có màu sắc nổi bật cũng thay bằng những thứ màu đơn bạc. Bỗng chốc cả gian phòng trở nên tịch mịch vô cùng.

Chẳng hiểu sao tôi lại cảm thấy vô cùng xúc động, thấy thương xót vì Trần Khâm còn trẻ đã mất mẹ, ngay lập tức đã khóc đến trước mắt mịt mù.

Lúc này chị Trinh ở bên ngoài bước vào liền tiến đến đỡ lấy tôi, tôi gặp chị ta lại càng khóc thảm thiết, mà chính chị ta cũng vì trông thấy tôi khóc nên cũng khóc theo. Cho đến lúc Thụy Hương đưa Quốc Chẩn trở về thì đầu óc tôi trở nên đau nhức, bỗng nhiên mơ mơ màng màng rồi không còn biết gì nữa.

Đến lúc tỉnh lại thì trời đã sập tối, nhập nhèm mở mắt liền trông thấy chị Trinh ngồi bên giường, ánh nến leo lét nhảy nhót ở phía sau làm cái bóng in trên vách tường giống như đang nhảy múa. Tôi nhìn cái bóng đến phát ngốc, rồi chợt nhớ ra chuyện trưa nay, vội bắt lấy cánh tay chị, hỏi:

"Thái hậu sao rồi ạ?"

Chị Trinh hình như đang nghĩ gì đó lung lắm, thấy tôi thình lình chộp lấy chị thì cũng giật mình. Lát sau chị mới trấn tĩnh, chậm chạp nói:

"Người băng rồi, trưa nay chị đã cho Chẩn và Thuyên đi Thiên Trường với Thái sư, hiện chắc cũng đã tới."

Tôi thở hắt ra:

"Vậy còn chị?"

Nét mặt chị Trinh bỗng phức tạp, như buồn mà cũng như vui. Tôi lại càng mờ mịt nhìn chị, mới nghe:

"Chị không đi nữa, em cũng không đi được, em có mang hơn một tháng rồi."

Đến lúc này tôi mới nhớ tới biểu hiện mệt mỏi mấy hôm nay của mình, hóa ra lý do là đây.

Thông thường đàn bà có mang sẽ không đến được mấy chỗ đám tang nên tôi cũng yên ổn ở cung Quân Hoa chờ chồng con của mình quay trở lại. Đáng nói là một ngày hai buổi vẫn khóc lóc cho đến khi thiếp đi, đến mức Thụy Hương phát cáu, nghiêm mặt nói với tôi:

"Nếu phu nhân cứ khóc như thế, đứa trẻ sinh ra ắt hẳn sẽ thích khóc cho xem."

Tôi cũng chẳng thể ngăn nỗi mình, nên từ khóc công khai tôi âm thầm chuyển qua khóc một mình trên gối. Có điều sau chuyện đó tôi bỗng dưng trở thành một tấm gương sáng của lòng hiếu thảo trong thiên hạ, trong lòng tôi thật sự là có buồn bã, và nó khuếch đại lên bởi cảm xúc của một người đàn bà mang thai.

Buổi đêm ba ngày sau đang ngủ thì thấy trên mí mắt ngưa ngứa, mệt mỏi tỉnh lại quả nhiên thấy Trần Khâm đứng nhìn tôi chằm chặp ở đầu giường, cánh tay vẫn giữ ở không trung chưa kịp thu lại. Ánh trăng xuyên qua khung cửa sổ, hắt lên tường bóng của bụi tầm xuân đang xào xạc múa reo. Truyện Khác

Tôi ngay tức khắc hoảng hốt, lúc nhận ra Trần Khâm mới thở phào một hơi, mới ba ngày không gặp mà trông anh ta gầy đi không ít. Lúc này Trần Khâm cũng phát hiện ra tôi đã tỉnh, bèn nói một câu không mặn không nhạt:

"Khóc đến nỗi mắt sưng như con ếch vậy!"

"..."

Trong lòng tôi khó chịu, lại không kìm được mà khóc nấc lên. Trần Khâm bỗng trở nên luống cuống, vội ngồi xuống ôm lấy tôi vào trong ngực, giở khóc giở cười bảo:

"Sao lại biến thành con quỷ thích khóc thế này?"

Tôi đấm vào ngực anh ta, lại xót xa:

"Chàng.. gầy đi nhiều quá!"

Phía trên đỉnh đầu tôi truyền tới tiếng thở dài. Thái hậu mất, không cần nghĩ cũng biết có lẽ mấy hôm nay anh ta sinh hoạt chẳng ra gì, khéo lại bỏ cả việc ăn ngủ, chẳng biết bọn nội hầu ở hành cung trông nom cái kiểu gì.

Tôi vẫn vùi trong ngực Trần Khâm mà khóc rưng rức, chẳng biết là qua bao lâu, chỉ cảm thấy bàn tay đang vỗ trên lưng mình âm ấm mới thả lỏng mà ngủ thiếp đi. Thế rốt cuộc lại trở thành anh ta phải dỗ dành an ủi tôi ngược trở lại.

Tháng ba thì Trần Khâm ra lệnh ân xá. Sau đấy là cúng bốn mươi chín ngày.

Sau khi Thái hậu mất, Tuệ Trung thượng sĩ đã trở về viết một bài kệ ngắn để cầu siêu, sau đấy tôi nghe tin Thượng hoàng cũng lấy đạo hiệu là Vô Nhị Thượng Nhân rồi bắt đầu tu thiền ở chùa Tư Phúc.

Tôi vốn định hỏi Trần Khâm rằng khi mình chết đi anh ta sẽ giống như Thượng hoàng chứ, sau đó nhìn thấy ánh mắt buồn thương của Trần Khâm thì suy nghĩ lại. Thôi thôi, vẫn không nên nói mấy chuyện xui rủi này.

Tình trạng đó kéo dài đến hai tháng sau thì xem như hết hẳn, tôi cũng không còn cảm thấy mệt mỏi rã rời như trước nữa, dù vậy lần này vẫn cảm thấy rất khác so với lúc có mang con đầu lòng.

Ví như lúc trước lúc có thai Quốc Chẩn cũng không nghén dữ dội như thế, ăn vào bao nhiêu lại nôn ra bấy nhiêu. Tôi càng trở nên rầu rĩ, nhắm chừng vợ chồng liền tâm, Trần Khâm gầy đi tôi cũng không thể nào mà béo lên được.

Có thai đứa thứ hai cũng không còn bỡ ngỡ như lần trước, ngoại trừ đứa nhỏ này không biết điều biết chuyện như Quốc Chẩn thì không có gì đáng nói. Thế nên mỗi lần thằng nhóc này bày đôi mắt sáng long lanh nhìn tôi, năn nỉ tôi sinh em gái cho nó thì tôi chỉ biết cười trừ, nhẹ giọng bảo:

"Mẹ e đứa em trai này còn mạnh mẽ hơn cả con nữa!"

Những lúc đấy chỉ thấy thằng nhóc xụ mặt xuống buồn bã cả buổi, ấy vậy mà hôm sau nó lại khôi phục lại sự hào hứng. Tôi thở dài, còn nếu đứa bé này là con gái, hẳn sẽ là một đứa con gái hết sức đặc biệt.

Trần Khâm vẫn thường cười trêu tôi:

"Ồ, vẫn còn có thể đặc biệt hơn cả em sao?"

Tôi đỏ mặt trừng mắt nhìn anh ta, lúc này đứa ngốc trong bụng lại đạp mạnh một cái khiến tôi phải kêu lên, còn Trần Khâm thì cười đắc ý liên tục xoa bụng tôi khen "con ngoan". Quả đúng chưa sinh ra đã biết là cái đồ phản bội, cha con cùng một giuộc với nhau. Nghĩ vậy, tôi lại càng thương yêu Quốc Chẩn.

Thời điểm này cả nước giống như bên trong chảo lửa, cùng đoàn kết một lòng chuẩn bị cho công cuộc chống giặc ngoại xâm, già trẻ lớn bé đều hăng hái một lòng, thuần thục hết thảy mọi sự.

Trần Khâm bận đến đầu tắt mặt tối, nhưng những lúc rảnh rỗi vẫn đến thăm tôi luôn tiện thể kể cho tôi nghe mấy chuyện hay ho trong triều. Đáng nói thì phải kể đến câu nói đầy khí thể của cha tôi để phản bác lại ý xin bổ sung tráng đinh trong dân vào trong quân cho đủ quân số. Lúc ấy cha tôi đã nói rằng: "Quân quý ở tinh nhuệ, không quý ở số đông. Dẫu đến một trăm vạn quân mà như Bồ Kiên thì cũng làm gì được?"

Bồ Kiên là một hoàng đế thời Tần, khi dẫn quân vào đánh nước Tấn đã huênh hoang tuyên bố: "Cứ như số quân của ta thì chỉ ném roi ngựa xuống sông cũng ngăn dòng nước lại được", sau đấy toàn quân chết trụi.

Trong lòng tôi lấy làm đắc ý, những kẻ cầm quân đi chinh phạt từ cổ chí kim có kẻ nào mà không tự tin là mình sẽ dẹp sạch cỏ nước người đâu. Còn riêng Hốt Tất Liệt, quá tam ba bận, chẳng biết ông ta có nghe qua câu đó chưa.

Từ đầu năm đã có tin từ phương Bắc gửi về, cho dù phản quân chống đối Hốt Tất Liệt nổi lên liên miên nhưng tin tức do thám cũng liên tục báo rằng bọn chúng đã ráo riết sắm sửa quân đội ở các vùng phía Nam, rốt cuộc là cũng không thể tránh khỏi một hồi đao thương chồn ngựa đá.

Lại trong lúc trà dư tửu hậu nghe được một chuyện về Thoát Hoan. Ngày trước cho dù là lúc ở Nguyên triều hay khi bị mất trí ở thành Bí Giang tôi cũng mơ hồ chứng kiến được con đường tranh đấu để lên ngôi cao quyền lực của anh ta với Thái tử Chân Kim khi ấy. Nói ra thì Thoát Hoan đúng là một hoàng tử đến tên của mẹ mình cũng không được nhắc tới, mẹ anh ta mất sớm và anh ta tự bản thân mình dùng máu để leo lên được danh vị như ngày hôm nay.

Chân Kim là con trưởng của Hoàng hậu Sát Tất, sớm đã lập làm Thái tử. Thật ra Chân Kim ngự trên ngôi thái tử an ổn gió thổi cũng không ngã, dưới anh ta còn có hai người em cùng mẹ nên vốn cũng không cần phải hoạnh họe tranh đoạt với Thoát Hoan làm gì.

Tiếc là lòng nghi kỵ của anh ta quá lớn, thấy Thoát Hoan tuổi còn nhỏ đã tỏ ra thông tuệ lại không có nhà mẹ làm chỗ dựa liền cứ thế lấn tới, làm khó dễ đủ điều. Rốt cục chó cùng rứt giậu làm thức tỉnh con thú dữ bên trong Thoát Hoan, không may lại chính là một con hổ muốn làm bá chủ.

Thoát Hoan đánh tây dẹp đông một hồi thì tiếng nói cũng muốn ngang hàng với thái tử, mà đầu óc của anh ta còn âm hiểm hơn cả Chân Kim, ở bên cạnh Chân Kim cài vào không biết bao nhiêu gián điệp. Cuối cùng thì Chân Kim bị một người đàn bà bên gối bỏ thuốc chết dần chết mòn, mới năm trước đã ốm liệt giường một trận rồi bỏ mạng.

Có điều Thoát Hoan trăm tính vạn tính nhưng không tính được lòng dạ của cha anh ta. Chân Kim chết đi, đừng nói là Thoát Hoan mà ngay cả hai người em cùng mẹ với Chân Kim cũng chẳng hề được lập làm thái tử. Để kìm lại đàm tiếu của các đại thần trong triều, ông ta đưa con trai thứ ba của Chân Kim lên làm hoàng thái tôn.

Thằng cháu của Thoát Hoan ấy vậy mà chỉ là con thứ, tuổi cũng chỉ qua hai mươi. Nhưng biết làm sao được, ông già Hốt Tất Liệt tuy đã ngoài bảy mươi nhưng vẫn minh mẫn thiện chiến, trừ khi ông ta chết bất đắc kỳ tử nếu không bọn họ ngoài trừng mắt nhìn ra thì còn làm được gì.

Thoát Hoan trù tính không một lỗ hổng nhưng làm sao tính được anh ta sẽ thất bại ở Đại Việt, vì thế làm khả năng chạm tới ngôi vị lại càng xa vời. Thế nên lần này để lấy lại uy tín có lẽ người dẫn quân sang sẽ lại tiếp tục lại là anh ta.