Một Ngày Mưa

Chương 15




Cánh tay phải và cẳng tay của Đặng Quân bị Hứa Mộc Tử đè lên, toàn bộ dựa vào sức mạnh của eo và bụng để giữ thăng bằng.

Khoảng cách chỉ khoảng nửa mét, anh có thể ngửi thấy rõ ràng mùi rượu nhàn nhạt trên người cô.

Giống như đang cầm đuốc đốt một đống lửa trại.

Ngũ quan Hứa Mộc Tử tinh xảo, khi ngủ trông không lạnh lùng như mà rất yên tĩnh.

Đặng Quân nhíu mày nhìn cô một lúc từ từ rút cánh tay ra.

Cô ngủ không sâu, có chút nhận thức, có lẽ giấc ngủ bị làm phiền nên cảm thấy không hài lòng, cau mày nắm lấy tay áo anh, cố gắng ngăn chặn bất kỳ chuyển động nào ảnh hưởng đến mình.

Cô dùng trán áp vào cổ tay anh, cọ xát một chút.

Giống như người đang ngủ say vùi đầu vào trong chăn.

Phải thừa nhận rằng Hứa Mộc Tử rất đáng yêu.

Khi tâm trạng tốt, cô thích khoe khoang những mưu mẹo nhỏ mà ngày thường cô không bao giờ nói ra, khi say rượu lại rất bám người.

Trước đây cũng vậy.

Đặng Quân nhớ rõ, lần đầu tiên anh dạy Hứa Mộc Tử trèo tường đưa cô ra khỏi nhà.

Cô ngồi trong xe của anh có chút đắc ý nói rằng mình đã dán một tờ giấy nhắn trên cửa phòng ngủ trước khi ra ngoài.

Nói với gia đình rằng cô bị mất ngủ đến tận sáng mới ngủ được nên không dậy ăn sáng, trước trưa ngày mai sẽ không ai phát hiện ra cô không ở nhà.

Đặng Quân không nói, ban đầu anh chỉ định đưa cô ra ngoài hóng gió, uống một ly rồi đưa về.

Chỉ vài tiếng đồng hồ không thể gọi là qua đêm, cùng lắm là thức khuya.

Cô lại muốn qua đêm bên ngoài?

Chắc chắn lúc đó anh đã cười.

Nếu không thì Hứa Mộc Tử sẽ không ghi thù trong cuốn sổ nhỏ của mình, còn âm thầm quyết định sẽ bỏ anh lại trên đường khi anh say rượu.

Mặc dù cuối cùng người say lại là chính cô.

Thật ra Hứa Mộc Tử đã hiểu lầm, nụ cười của Đặng Quân không có ý mỉa mai.

Anh chỉ cảm thấy cô ngây thơ, thuần khiết, rất thú vị.

Đặng Quân có thể hiểu những hành vi bị thế tục định nghĩa là “nổi loạn” của Hứa Mộc Tử.

Anh cũng từng có hoàn cảnh tương tự, cũng từng có “giai đoạn nổi loạn” như vậy.

Lần đầu tiên nghe nói về Hứa Mộc Tử là vào lúc Đặng Quân bắt đầu nổi loạn.

Lúc đó Đặng Quân đang học cấp hai.

Học kỳ thứ hai của năm lớp bảy, anh được sắp xếp chuyển đến một trường mới, ở khu vực thành phố nơi bố mẹ anh làm ăn, nghe nói giáo viên ở đó có trình độ rất cao.

Cùng chuyển đến với Đặng Quân còn có bà nội của anh.

Khi Đặng Quân còn rất nhỏ, bố mẹ anh đã cùng nhau rời quê hương đến thành phố để làm việc.

Công việc của họ rất bận rộn, số lần về quê không nhiều, Đặng Quân lớn lên bên cạnh bà nội.

Bà nội của Đặng Quân là một bà lão bình thường, tính tình rất hiền lành luôn nghĩ cho người khác trước.

So với việc sống trong một tòa nhà cao tầng đông đúc nhưng xa lạ ở thành phố, tất nhiên bà quen thuộc với cuộc sống ở quê hương mà bà đã sống cả đời hơn.

Bà quen với việc ra khỏi nhà gặp ai cũng biết, gặp ai cũng có thể trò chuyện thân mật;

Quen với những chiếc nồi, bát, đĩa đã dùng nửa đời người, con dao cũ thường xuyên phải mài bằng đá mài, chiếc ghế đẩu nhỏ bằng gỗ tự làm đã bong tróc sơn, ga trải giường và vỏ chăn đã phai màu…

Trước khi chuyển đi, bà muốn mang theo những món đồ đó nhưng bị bố mẹ Đặng Quân phản đối.

Họ nói “Những đồ cũ của bà, mấy chục năm rồi, tuổi còn lớn hơn cả Đặng Quân, dọn dẹp rồi vứt hết đi thôi.”, “Đến đó có đồ mới, đã chuẩn bị sẵn cho bà rồi, bà cứ hưởng phúc đi.”

Ngôi nhà nhỏ ở quê được lấp đầy bởi đủ loại đồ vật, chúng đã đồng hành cùng bà qua hàng chục năm.

Bà cầm lên cái này ngắm nghía lại cầm lên cái kia xem xét.

Không nỡ bỏ thứ gì nhưng cũng không thể mang theo thứ gì, chỉ có thể nhìn những chậu cây trên bệ cửa sổ thở dài buồn bã.

Đặng Quân nói: “Đừng đi nữa, cháu học ở đâu cũng như nhau.”

Bà nội của Đặng Quân vỗ nhẹ vào lưng anh, lẩm bẩm: “Sao có thể giống nhau được, bên đó là trường trọng điểm, giáo viên giỏi, tỷ lệ thi đỗ vào trường cấp ba tốt cao hơn, nếu cháu thi đỗ vào trường tốt…”

“Tỷ lệ thi đỗ vào đại học tốt sẽ cao hơn.”

Đặng Quân vừa cắn quả táo vừa nói tiếp lời bà nội: “Bà mong cháu thi đỗ vào đại học tốt đến vậy sao?”

“Mong chứ, ai mà không mong con cháu có cuộc sống tốt đẹp?”

“Vậy bà muốn cháu học đại học tốt đến mức nào?”

Bà có tham vọng khá lớn, bẻ ngón tay đếm ra đều là những trường đại học hàng đầu, nổi tiếng nhất cả nước.

Đặng Quân nói: “Được rồi, cháu sẽ thi vào những trường đó. Bà đã hy sinh nhiều thứ quý giá vì cháu như vậy, cháu nhất định phải đạt được thành tích tốt.”

Lời này nói quá ngông cuồng, nói xong lưng anh lại bị đánh một cái.

Bà nói: “Bớt nói khoác đi, làm người phải khiêm tốn, trước tiên hãy thi đỗ vào trường cấp ba trọng điểm rồi hãy nói đến đại học.”

“Những lời ‘làm người phải khiêm tốn’ này, hay là bà đi dạy bố mẹ cháu trước đi?”

Bà lắc đầu thở dài một tiếng như tự biết mình bất lực.

Đến sống cùng bố mẹ Đặng Quân cũng không quen như bà nội.

Hai vợ chồng mắc bệnh thích so sánh, cả ngày không nói được câu nào thật lòng.

Bắt họ làm người khiêm tốn là không thể, chỉ toàn nói khoác.

Ở trường cấp hai cũ Đặng Quân tình cờ đứng nhất lớp một lần.

Chủ yếu là do lớp trưởng bị viêm ruột thừa cấp tính, phải đi bệnh viện phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa, không tham gia thi. Đề thi khó, anh lại có tâm lý cực kỳ thoải mái nên làm bài tốt hơn một chút.

Chuyện này bị bố mẹ anh thổi phồng thành tám trăm phiên bản, nói anh như một thiên tài.

Họ gặp ai cũng kể, nói rằng khi giúp Đặng Quân chuyển trường giáo viên chủ nhiệm không nỡ để anh đi.

Đó chỉ là lời khách sáo của giáo viên chủ nhiệm.

Người ta không thể nói rằng: “Tuyệt quá, cuối cùng cũng chuyển được cái đứa học sinh đáng ghét, học toán mà lại đọc “Gọi hồn” đi rồi.”

Những điều này cũng không sao, điều mà Đặng Quân không thể chịu đựng nhất là bố mẹ anh lấy danh nghĩa là tốt cho bà nội mà trách móc người khác.

Bà nội khi còn trẻ đã từng trải qua những ngày tháng khó khăn, những thói quen hình thành trong môi trường thiếu thốn vật chất chắc chắn sẽ khác với bây giờ.

Bà tiết kiệm, coi mọi thứ đều là đồ tốt.

Hộp đựng hàng chuyển phát nhanh, túi nhựa mua đồ, giấy gói quà và hộp bánh thiếc đã ăn hết bà đều muốn giữ lại.

Vì thói quen này, mỗi ngày bà nội đều bị bố mẹ anh cùng nhau trách móc vài câu.

Theo Đặng Quân, sau khi đến đây bà nội không còn hoạt bát như trước nữa.

Trước đây, mỗi ngày thức dậy bà đều nghĩ đến việc hẹn với những người bạn già hàng xóm đi chợ mua rau, trò chuyện, sau bữa tối cũng sẽ tụ tập đánh bài hoặc đi dạo trong công viên gần đó…

Sau khi chuyển nhà bà trở nên không có việc gì làm.

Chiếc tivi đời mới phức tạp trong nhà, máy tính, robot hút bụi, khóa cửa vân tay và bồn cầu tự động… tất cả những thứ này đều khiến bà không thích nghi được.

Rau và trái cây sạch mua trong siêu thị, được bọc bằng màng bọc thực phẩm, giá trên nhãn in những con số đắt đỏ, cũng khiến người già từng quen mua rau quả rẻ tiền bên đường cảm thấy ngạc nhiên.

Bà không quen thuộc với tàu điện ngầm và các tuyến đường giao thông, cũng không có ai để trò chuyện chỉ có thể dắt chó đi dạo trên những con phố quen thuộc trong khu phố, rồi về nhà đối diện với chiếc điện thoại chỉ biết sử dụng vài ứng dụng.

Bố mẹ Đặng Quân và bà nội của anh có nhiều mâu thuẫn, cả hai đều khó thích nghi với nhau.

Bà dùng miếng cọ sắt làm hỏng chiếc chảo chống dính mới mua của mẹ Đặng Quân nên bị oán trách.

Còn bố mẹ Đặng Quân lại dạy bà nói dối. Họ muốn bà nói với bạn bè đến chơi rằng mình là giáo viên đại học đã nghỉ hưu.

Nguyên nhân đằng sau lời nói dối này là sự hu vinh và ghét bỏ, bà rất buồn.

Đặng Quân vỗ vai bà nội như dỗ trẻ con, an ủi bà: “Chờ thêm hai tháng nữa, cháu được nghỉ sẽ về quê ở với bà một tháng nhé?”

Mắt bà sáng lên: “Ừ, lúc đó dưa lưới nhà bà Đào cũng chín rồi, chúng ta có thể đến vườn nhà bà ấy hái dưa…”

Buổi tối còn lén lút ngân nga bài hát: “Tổ vàng, tổ bạc, không bằng tổ rơm nhà ta.”

Hai tháng rất dài.

Khi bố mẹ Đặng Quân dọn dẹp nhà cửa họ tìm thấy một hộp thực phẩm chức năng là quà Tết năm ngoái họ mua cho bà.

Hộp quà rất đẹp bà không nỡ ăn nên giữ lại.

Bố mẹ anh phát hiện đã hết hạn sử dụng vứt vào thùng rác, bà lại bị quở trách một trận.

Chú chó Corgi ngồi xổm bên cạnh bà cũng ủ rũ cúi đầu.

Đặng Quân biết hộp thực phẩm chức năng đó.

Bà thường nhìn hộp quà để nhớ về con trai và con dâu, lo lắng rằng họ kiếm tiền bên ngoài không dễ dàng, bà không nỡ ăn, luôn muốn giữ lại để lần sau bố mẹ anh về, nấu canh cho họ uống.

Đặng Quân ôm bà vào lòng, an ủi: “Vứt đi thì vứt đi, hết hạn sẽ có nấm mốc ăn vào sẽ bị bệnh.”

Bà nói: “Nhưng mà đắt quá…”

Đặng Quân lấy điện thoại ra, tìm hình ảnh phóng to của nấm mốc dưới kính hiển vi trên mạng cho bà xem, nói bà xem này, nếu ăn vào có khác gì uống thuốc độc đâu?

Bà cảm thấy nhẹ nhõm hơn một chút: “Cũng đúng.”

Người thì được dỗ dành rồi, nhưng những cơn tức này Đặng Quân lại âm thầm giữ trong lòng.

Đặng Quân đã cãi nhau vài lần với bố mẹ.

Nhưng nghĩ đến việc một bên là con trai và con dâu, một bên là cháu trai, xung đột sẽ khiến bà khó xử.

Anh đành nhịn rồi tìm một cách mới để chung sống với họ.

Có một thời gian công việc kinh doanh của bố mẹ Đặng Quân rất tốt, kiếm đủ tiền, theo đuổi cuộc sống tốt hơn, luôn đi xem các dự án nhà mới của các nhà phát triển.

Đặng Quân đi học về, mặt bà tái nhợt nằm trên ghế sofa quạt.

“Bà sao vậy?”

Nghe nói bà bị say nắng khi bố mẹ anh đưa đi xem nhà, Đặng Quân ném cặp sách lên ghế sofa, quay người định đi ra ngoài bị bà kéo lại.

Bà nội của Đặng Quân lắc đầu cố gắng xoa dịu tình hình: “Tiểu Quân, đừng đi cãi nhau với bố mẹ con. Họ có lòng hiếu thảo muốn đưa bà đi xem nhà lớn.”

Đặng Quân cau mày: “Hôm nay ngoài trời nóng 39 độ, biết rõ gần đây bà không khỏe còn đưa bà ra ngoài, đây là hiếu thảo sao?”

Bà nội của Đặng Quân đặt chiếc quạt xuống, đẩy tờ rơi quảng cáo của nhà phát triển bất động sản trước mặt Đặng Quân: “Ngôi nhà rất đẹp, có ba tầng, còn có sân vườn.”

Đặng Quân nhíu mày, liếc nhìn tờ rơi gấp bằng giấy đồng, chỉ hỏi một câu: “Bà thật sự thích sao?”

Bà không nói gì.

Thấy Đặng Quân sắp nổi giận bà mới nói: “Đứa trẻ này, sao bà lại không thích được chứ?”

Bà bắt đầu dạy dỗ Đặng Quân, nói rằng làm ăn rất khó khăn, nói rằng bố mẹ anh kiếm tiền không dễ dàng.

Bà nói bây giờ cả nhà đều khỏe mạnh. Công việc kinh doanh của bố mẹ anh đang phát đạt, anh lại có trường học tốt hơn để học, sau này họ còn có thể chuyển đến một ngôi nhà lớn.

Nhưng không hề đề cập đến việc mình thật sự thích cuộc sống như thế nào.

“Rất tốt rồi, chúng ta phải biết đủ là đủ, phải tích phúc.”

Trong nhà có một chú chó Corgi chân ngắn, tên là “Tích Phúc”.

Là món quà sinh nhật mà bố mẹ Đặng Quân mang về quê tặng cho Đặng Quân vào một năm nào đó.

Tích Phúc được Đặng Quân và bà nội nuôi rất tốt, béo ú nu.

Cứ tưởng bà đang gọi nó, nó lập tức tỉnh giấc vẫy đuôi mừng rỡ bên cạnh họ.

Bố mẹ Đặng Quân phải làm việc, giao tiếp xã hội, luôn về nhà vào lúc nửa đêm, Đặng Quân cũng phải đi học.

Tích Phúc là người bạn đồng hành duy nhất của bà ở đây.

Nhưng môi trường sống phức tạp ở đây, Tích Phúc cũng không thích nghi được.

Tích Phúc không còn những người bạn chó thường chơi cùng ở quê nhà, khu chung cư cao tầng gần khu thương mại, có quá nhiều người và xe cộ suýt nữa còn bị tai nạn xe.

Đó là lần bà nội của Đặng Quân đưa Tích Phúc ra ngoài, bà mua đồ xong, đang lục tiền lẻ trong túi, không để ý một chiếc xe ba bánh điện lao nhanh từ góc đường bấm còi về phía Tích Phúc.

Tích Phúc là một chú chó Corgi già đã được nuôi mười một năm, tương đương với hơn sáu mươi tuổi của con người, phản ứng không còn nhanh nhẹn như trước.

Nó bị tiếng còi bất ngờ làm cho sợ hãi đứng sững tại chỗ.

Bà nội của Đặng Quân cũng sững sờ, túi tiền nhỏ và gậy đều rơi xuống đất, lo lắng đến mức giọng lạc đi: “Tiểu Phúc…”

Nghe nói có một cô gái dũng cảm lao đến trước xe ba bánh, bảo vệ Tích Phúc dang rộng hai tay chặn xe lại.

Đó là lần đầu tiên Đặng Quân nghe nói về Hứa Mộc Tử.

Bà không biết tên cô gái đó, chỉ liên tục nói lời cảm ơn cô với Đặng Quân, nói rằng cô gái đó rất dũng cảm và xinh đẹp.

“Dùng từ của các bạn trẻ bây giờ, nói thế nào nhỉ? À, bà nhớ ra rồi, người đẹp tâm thiện.”

“Cô bé sợ đến mức run rẩy cả người vậy mà vẫn bảo vệ Tích Phúc của chúng ta. Thật là một đứa trẻ ngốc nghếch, bà không dám nghĩ, nếu chiếc xe điên đó đâm vào cô bé thì sao…”

“Không phải nói người thành phố lớn rất tuân thủ quy tắc sao, đó đâu phải là đường dành cho xe cơ chứ.”

Đến thành phố này bà không có nhiều chủ đề quan tâm, thường xuyên nhắc đến chuyện này.

Lo lắng thay cho cô gái nhỏ, lo lắng cho Tích Phúc, không thể nào nguôi ngoai lòng biết ơn đối với cô ấy.

Mỗi lần nhắc đến Đặng Quân đều trò chuyện cùng bà vài câu.

“Bà không hỏi tên cô ấy à?”

“Lúc đó sợ chết khiếp không kịp hỏi, chỉ sợ cô bé bị thương.”

Bà suy nghĩ một chút, nói một cách kiên định: “Cô bé đó trông giống ta hồi nhỏ rất xinh đẹp.”

Trên tivi đang chiếu bộ phim gia đình giờ vàng, Đặng Quân tùy tiện chỉ vào một diễn viên nhí trên tivi hỏi: “Xinh đẹp như cô bé này sao?”

Bà đeo kính lão nhìn một chút, lắc đầu: “Còn xinh đẹp hơn cô bé này.”

Đặng Quân trêu chọc: “Xinh đẹp như vậy chắc chắn không giống bà rồi.”

Sau đó bị bà nội thưởng cho hai cái tát, vẫn là vào lưng.

Chủ đề này được nhắc đến thường xuyên một thời gian, dần dần bị lãng quên.

Cho đến một buổi chiều sáu tháng sau, bố mẹ không có ở nhà, Đặng Quân đưa bà nội đi ăn tối bên ngoài.

Họ đi ngang qua một trường dạy piano ở khu thương mại trung tâm, tấm áp phích quảng cáo khổng lồ cao đến hai tầng.

Bà đột nhiên dừng lại nhìn chăm chú một lúc lâu, chỉ vào áp phích nói với Đặng Quân: “Đây chính là cô gái dũng cảm đã cứu Tích Phúc.”

Đặng Quân nhìn sang.

Bức ảnh đã được chỉnh sửa hậu kỳ, mang lại cảm giác như một bức tranh sơn dầu.

Một cô bé ngồi trước cây đàn piano, ngón tay lướt trên phím đàn một cách tự nhiên mỉm cười trước ống kính.

Cô bé trang điểm nhẹ nhàng, mặc một chiếc váy dạ hội nhỏ màu trắng trông thật thanh lịch và quý phái.

Anh trêu chọc bà mình: “Bà đang tự tâng bốc mình đấy, cô bé này không giống bà chút nào.”

Bà cụ không vui: “Cháu biết gì, hồi nhỏ bà rất xinh đẹp, nổi tiếng xinh đẹp khắp xóm, ông nội cháu cưới được bà là phúc lớn của ông ấy đấy.”

Khi về già sức khỏe mỗi năm một khác.

Bà nội của Đăng Quân bị bệnh, uống thuốc, liên tục nhập viện cho đến khi bệnh nặng và qua đời chỉ trong vòng một năm bảy tháng.

Bà cụ đã ra đi trước khi kịp nhìn thấy Đặng Quân thi đỗ vào trường trung học trọng điểm.

Không lâu sau khi bà cụ mất chú chó Corgi già tên Tích Phúc cũng bị bệnh.

Đăng Quân đã đưa Tích Phúc đến bệnh viện thú y nhiều lần, nhưng bác sĩ đều nói rằng chú chó đã quá già và không còn cách nào cứu chữa. Cuối cùng Tích Phúc đã ra đi chỉ sau một tháng, đến thế giới bên kia để bầu bạn với bà cụ.

Thời gian đó mâu thuẫn giữa Đặng Quân và bố mẹ lên đến đỉnh điểm.

Anh trách bố mẹ luôn có những cuộc vui vô bổ mà không dành nhiều thời gian chăm sóc, quan tâm đến bà.

Nhiều hơn cả là nỗi nhớ và sự tiếc nuối vô vọng, tiếc nuối vì bà đã không thể sống những ngày cuối đời như mong muốn.

Công việc kinh doanh của gia đình vẫn rất tốt, cuối cùng họ đã chuyển đến một ngôi nhà đẹp hơn, rộng hơn.

Sau khi chuyển đến căn biệt thự nhỏ, bố mẹ của Đặng Quân có thêm nhiều bạn bè ăn chơi hơn.

Có lẽ là “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, đều là những người mới phất lên như gia đình anh.

Thỉnh thoảng họ đến nhà, ngồi khoe khoang với nhau, so sánh, gọi mỹ miều là liên minh, tụ họp.

Trong số những người này, cặp vợ chồng nhà họ Hứa giống bố mẹ anh nhất.

Giống như bản sao của bố mẹ anh, cứ có cơ hội là khoe khoang đủ thứ, cũng thường xuyên khoe con mình.

“Con bé Mộc Tử nhà tôi ấy, hơn ba tuổi nhìn thấy người ta chơi đàn piano trong trung tâm thương mại là cứ nhìn chằm chằm, đàn piano là tự nó muốn học.”

“Giáo viên piano cũng nói nó là một mầm non tốt để học piano.”

“Mấy năm nay, Mộc Tử đã giành được rất nhiều giải thưởng, biết đâu sau này thật sự có thể trở thành nghệ sĩ piano.”

Những người này khi uống say ở nhà, còn ồn ào hơn cả lũ khỉ trong vườn thú, Đặng Quân thường ở trên lầu không thích gặp họ.

Một lần họ tụ tập, anh nhận được điện thoại, xuống lầu ký nhận sách mua trên mạng.

Sau khi lấy xong đồ chuẩn bị lên lầu, anh tình cờ gặp mẹ của Hứa Mộc Tử đang say rượu, tìm điện thoại.

Mẹ của Hứa Mộc Tử kéo Đặng Quân lại: “Con trai, giúp cô gọi điện thoại nhé, cô không tìm thấy điện thoại đâu.”

Đặng Quân quay số theo số mà mẹ Hứa Mộc Tử nói, tìm thấy điện thoại của bà dưới đệm ghế sofa.

Hình nền điện thoại là ảnh của Hứa Mộc Tử.

Vẫn là ngồi trước cây đàn piano, lớn hơn nhiều so với trên poster của trường dạy piano.

Cô đã là một thiếu nữ rồi.

Nhưng ngay lập tức Đặng Quân nhận ra, Hứa Mộc Tử chính là cô bé dũng cảm mà bà nội anh luôn nhớ mãi.

Trong khoảnh khắc ngẩn ngơ đó, mẹ của Hứa Mộc Tử đã cầm điện thoại loạng choạng trở lại bàn ăn: “Nào, để tôi cho mọi người xem video Mộc Tử chơi đàn…”

Ban đầu, Đặng Quân không có ý nghĩ gì đặc biệt.

Khi nghe tin tức về Hứa Mộc Tử, anh lại nghĩ đến bà nội. Anh tự hỏi nếu bà còn sống, biết được bố mẹ Hứa Mộc Tử khoe con gái như vậy, chắc bà cũng sẽ vui mừng theo?

Chắc bà cũng muốn gặp cô?

Tuy nhiên, cô gái nhỏ có khuôn mặt nhỏ nhắn, vẻ ngoài lạnh lùng và xinh đẹp, không giống bà nội anh chút nào.

Anh nghĩ bà nội anh thật là tự luyến.

Hai gia đình thường xuyên qua lại nhưng Đặng Quân và Hứa Mộc Tử rất ít khi tiếp xúc.

Lần đầu tiên gặp mặt, cô bắt gặp anh đang hút thuốc.

Còn anh lại nghĩ cô chắc cũng giống mẹ cô, cũng là người phù phiếm.

Lần thứ hai gặp mặt cô ăn phải đồ ăn bị dị ứng, tự nhốt mình trong nhà vệ sinh, nước mắt lưng tròng nôn ọe, đôi mắt long lanh.

Anh thấy cô có chút ngốc nghếch.

Lần thứ ba gặp mặt tại trường bắn Megalos, cô cầm súng trường làm mặt mình bị sưng lên.

Cô cúi đầu đứng lặng lẽ trên tuyết, im lặng rơi nước mắt trong vài phút.

Vài phút sau cô lau nước mắt bằng găng tay len, thản nhiên xin nhân viên trường bắn một cốc đá.

Trước hôm đó Megalos đã có một trận tuyết lớn, khắp nơi đều là màu trắng và mùi thuốc súng nồng nặc.

Mắt Hứa Mộc Tử đỏ hoe đi ngang qua anh, bỗng dưng Đặng Quân cảm thấy thương cảm.

Cảm xúc phức tạp hơn cả tò mò này khiến anh mất tập trung trong cửa hàng lưu niệm của Megalos, sau khi thanh toán mới phát hiện mình đã lấy thêm một chiếc nam châm tủ lạnh.

Ngày Hứa Mộc Tử đến giao đồ gốm, cô đứng trước cửa nhà Đặng Quân, mặt đỏ bừng nhìn vào điện thoại.

Vì vậy Đặng Quân biết có lẽ Hứa Mộc Tử đã thích một chàng trai.

Ước chừng là yêu thầm.

Chà, yêu thầm.

Kết quả là tối hôm đó Đặng Quân đã tình cờ gặp cảnh Hứa Mộc Tử yêu thầm thất bại tại nhà hàng.

Đặng Quân có một chút kinh nghiệm trong việc “nổi loạn”, biết Hứa Mộc Tử sắp không chịu đựng nổi nữa, không biết cô sẽ nghĩ ra ý tưởng tồi tệ nào sau đó.

Hứa Mộc Tử trông có vẻ nhút nhát nhưng những ý tưởng của cô lại khá mạnh mẽ.

Lần trước dám bắn súng thật ở trường bắn Megalos, lần sau biết đâu lại lái xe kart đâm mình ra khỏi đường đua.

Đó vẫn còn là tốt, cô đang học ở nước ngoài, có rất nhiều cơ hội rơi vào nguy hiểm.

Một số mối nguy hiểm có thể gây nghiện, không phải là trò đùa.

Thà rằng anh đưa cô đi.

Lần đầu tiên đưa Hứa Mộc Tử đi uống rượu ngày hôm đó, bọn họ ra khỏi bệnh viện, Đặng Quân bị Hứa Mộc Tử đe dọa.

Cô bắt anh thề rằng sẽ không bao giờ nói với ai về việc nhiễm kiềm hô hấp.

Đặng Quân gọi một chiếc taxi đưa Hứa Mộc Tử về nhà.

Bảo vệ khu biệt thự kiểm tra rất nghiêm ngặt, xe lạ vào phải đăng ký biển số và điểm đến.

Bọn họ xuống xe ở cổng khu dân cư, Hứa Mộc Tử nói một cách phóng đại: “Nếu bố mẹ em biết anh đưa em đến đâu, có lẽ họ sẽ muốn giết anh.”

Đặng Quân vẫn bình thản: “Đây là xã hội pháp trị rồi.”

Hứa Mộc Tử đột nhiên cười, mang theo chút men say, vẫn là nụ cười tám chiếc răng tiêu chuẩn.

Rất xinh đẹp.

Cô nói: “Trước đây em còn tưởng anh là học sinh ngoan.”

Đặng Quân nói: “Nếu chỉ xét về điểm số thì đúng là vậy.”

Hứa Mộc Tử dậm chân: “Sao anh không hiểu ý người khác nói bóng gió vậy?”

Đặng Quân nói: “Lại muốn mắng anh cái gì?”

Quán bar đã đi, bệnh viện cũng đã đến.

Men rượu tan đi, Hứa Mộc Tử lại bắt đầu ủ rũ: “Không có gì, định nói là tưởng anh là kiểu mọt sách nhàm chán nhưng vừa nghĩ lại, bị người khác nói nhàm chán chắc là rất khó chịu…”

Tuyết đã ngừng rơi, khu biệt thự rất yên tĩnh.

Thảm thực vật dày đặc bao phủ hai bên đường, trông như những móng vuốt trong ánh sáng le lói trước bình minh.

Bầu trời có màu như mứt việt quất pha sữa.

Hứa Mộc Tử bước nhanh hơn đi đến trước mặt Đặng Quân.

Cô bắt đầu lục túi áo khoác phao của anh rồi lại lục túi quần.

Đăng nắm lấy cổ tay Hứa Mộc Tử và ngăn lại: “Tìm gì vậy?”

Hứa Mộc Tử ngẩng đầu lên nhìn chằm chằm vào anh: “Tìm thuốc lá, chẳng phải anh hút thuốc sao?”

Đặng Quân nói: “Đừng tìm nữa, vô ích thôi, thứ em cần không phải là thuốc lá.”

“Vậy anh nói xem, em cần gì?”

Đặng Quân nhìn Hứa Mộc Tử: “Thứ gì đó kích thích hơn thuốc lá.”

Những điều kích thích hơn thuốc lá, cô gái nổi loạn thiếu kinh nghiệm nhất thời không nghĩ ra, bước đi vài bước trong gió lạnh quấn chặt khăn quàng cổ.

Cô đột nhiên quay đầu lại, nghiêm túc hỏi anh: “Đặng Quân, anh cũng đã từng có cảm giác không vui như em bây giờ, đúng không? Tại sao vậy?”

Đặng Quân có lẽ đã giật mình, sau đó mỉm cười nhạt: “Lần sau sẽ nói cho em biết.”

Những chuyện này không thể nghĩ, càng nghĩ càng đau đầu.

Đặc biệt là gần đây Đặng Quân vừa nhận được tin Hứa Mộc Tử đã có bạn trai ổn định.

Cũng học âm nhạc, chuyên ngành biểu diễn violin, nghe nói có khá nhiều điểm chung với cô.

Vài sợi tóc của Hứa Mộc Tử vướng vào cúc áo trước ngực anh như sợi tơ mơ hồ dính vào nhau khi bẻ đôi củ sen, kéo theo lý trí và đạo đức.

Đặng Quân rút tay ra, ngón trỏ nhẹ nhàng vuốt một cái, mấy sợi tóc rơi xuống bên má cô.

Hứa Mộc Tử cảm nhận được động tĩnh, lông mi khẽ động đậy, nhưng vẫn không thoát khỏi cơn buồn ngủ, lẩm bẩm: “Đau đầu.”

Giọng nói rất nhỏ, yếu ớt, khiến người ta lo lắng.

Tất cả những xúc động đều đang kêu gào, tay anh vô thức nâng lên, dừng lại ở khoảng cách chưa đầy một tấc so với Hứa Mộc Tử.

Anh đang đấu tranh với bản năng của mình.

Căn phòng này, nếu ở lại lâu hơn nữa chắc chắn sẽ xảy ra chuyện, Đặng Quân thở ra một hơi nóng, đứng dậy, chuẩn bị rời đi. Đi đến cửa nhớ ra thẻ phòng trong túi, lại quay lại, đặt thẻ phòng lên đầu giường.

Đồng hồ điện tử im lặng trên đầu giường hiển thị thời gian, 9 giờ 42 phút sáng.

Hứa Mộc Tử ngủ rất say.

Đặng Quân nhìn cô, cong khớp ngón trỏ, gõ nhẹ lên trán Hứa Mộc Tử: “Có bạn trai mà còn không biết kiềm chế? Lần sau anh sẽ không khách sáo nữa.”