Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 365: Cảnh xuân trước cơn gió lốc (1)




Từ Quang Khải đến Chí công đường thì thấy phần bài thi vi phạm này đúng là phần đầu của bài thi kia, đã dán lên tường, đương nhiên không thể tháo xuống được. Từ Quang Khải trở lại phòng chấm thi, báo với Trương Hạc Minh:

  • Trương đại nhân, thật đáng tiếc, phần đầu của bài thi quả thực là bài đã phạm quy, không có cách nào tiến cử được.

Trương Hạc Minh có chút thất vọng, thở dài:

  • Đáng tiếc, đáng tiếc, thí sinh này tài hoa hơn người, giờ còn phải đợi kì thi sau, lại là ba năm học tập gian khổ nữa.

Từ Quang Khải lại đem phần bài thi thứ hai ra xem lại, càng xem càng thấy giống với bài Trương Nguyên làm, nhưng Trương Nguyên sao có thể sơ xuất để bài thi đầu xuất hiện sai lầm như vậy được.

Từ Quang Khải lắc đầu, cảm thấy không có khả năng. Y không lập tức vứt phần bài thi này sang một bên mà để cạnh đó, tiếp tục chấm bài thi khác.

Ngày mười chín tháng hai, phần thi vấn đáp của lần thứ ba cũng được đưa lên. Lần thi vấn đáp xưa nay không được coi trọng, quan chấm bài thi trải qua mấy ngày phê duyệt mấy trăm vạn chữ cũng cảm thấy mệt mỏi, không có tinh lực xem kĩ phần thi thứ ba. Họ đều căn cứ theo phần đánh số của hai phần thi trước để tìm ra quyển thứ ba, nhìn sơ qua một chút, chỉ cần không phạm húy là được.

Từ Quang Khải cố ý tìm ra phần thi thứ ba của bài thi lần trước, phần thi vấn đáp thứ ba lí lẽ tinh thông hiểu được chính đại, không dùng từ hoa lệ, có nhận thức đúng đắn. Từ Quang Khải trong lòng càng thêm nặng nề, ba bài thi này vô cùng có khả năng là bài thi của Trương Nguyên, nhưng Trương Nguyên làm sao có thể mắc sai lầm như vậy, giống như danh thủ cờ vây chết vì một cái liếc mắt. Theo lý thuyết không có khả năng này, đây là “bậc trí giả ngàn lo, lại mất trong một lúc” hay sao?

Hai bài thi này thật sự rất ưu tú, làm cho người ta không dứt bỏ được,bất kể có phải là Trương Nguyên hay không, Từ Quang Khải cũng phải xem lại bài đầu dán ở Chí công đường, phần sau của bài đầu y còn chưa xem qua mà.

Chí công đường của phủ Thuận Thiên rộng rãi, có tổng cộng bảy gian, đỉnh ngũ tiêu cao vút, tường gạch xanh, ngói lưu ly, là công trình kiến trúc khí thế nhất của phủ, bên trên có 3 chữ “Chí công đường” là do Trương Cư Chính tự tay viết khi hạ lệnh trùng tu trường thi vào năm Vạn Lịch đầu tiên. Sau khi Trương Cư Chính qua đời, Vạn Lịch hoàng đế liền tiến hành xử lý, thiếu chút nữa là mở quan tài lục xác. Tân chính do Trương Cư Chính thực hiện hiệu quả cũng hơn phân nửa bị phế trừ, nhưng tấm biển này lại không có người đổi mới, đến nay vẫn còn treo cao.

Tại gian thứ ba bên phải Chí công đường có vách ngăn bằng gỗ được sơn màu đen bóng, những quyển chu cuốn vi phạm đều được dán ở góc này. Ước chừng có bốn mươi hay năm mươi phần, che lấp hơn phân nửa vách gỗ, đây là nơi dán bài đầu vi phạm, có khi là bài thứ hai làm sai phần chiếu biểu, có khi là trong bài tự thuật đời sống của mình, nhưng vi phạm húy kị chỉ có một bài duy nhất. Từ Quang Khải khom người nhìn kĩ phần quyển thi này, nhìn từ phần thứ hai tới phần thứ bảy của quyển thi. Ánh nắng chiều nương theo hai gốc cây hồng trước sân chiếu vào tận phòng, thần sắc Từ Quang Khải nghiêm nghị, buông quyển thi xuống, thong thả bước ra hành lang, nghĩ một lúc rồi kiên quyết mang bài đầu này về phòng “Xuân Thu” để Trương Hạc Minh xem xét.

Trương Hạc Minh xem một lúc lâu mới buông xuống, nói:

  • Đây đúng là tác phẩm xuất sắc trong hội thi năm nay, đáng tiếc là phạm húy, nếu chỉ là viết lung tung bừa bãi ta có thể mang tới tìm Lưu viện trưởng nói giúp, đáng tiếc, đáng tiếc, lực bất tòng tâm.

Trương Hạc Minh lắc đầu liên tục, sự tiếc hận bộc lộ trong lời nói.

Từ Quang Khải không muốn bỏ đi như vậy, y dám chắc bài thi này là của Trương Nguyên làm, y nhất định phải trợ giúp Trương sư đệ, nói:

  • Trương đại nhân, mời ngài nhìn xem khác biệt nhỏ này, rõ ràng lỗi của bài đầu cùng với sáu bài còn lại khác nhau.

Trương Hạc Minh xem kỹ bài đầu tiên, cau mày nói:

  • Bài đầu tiên này này so sánh với sái bài khác thì kém hơn nhiều, thi cử trọng phần đầu không ai không biết, vì sao thí sinh này lại làm ngược lại, còn vi phạm kiêng kị.

  • Trương đại nhân, mời xem bài cuối của người này.

Từ Quang Khải đem quyển thi lật đến tờ cuối cùng, chỉ vào chữ “Quân” :

  • Đến cuối cùng của quyển thi, lúc tinh thần mệt mỏi, lại còn nhớ rõ phải tránh phạm húy, làm sao có thể ngay trang đầu lại vi phạm được chứ!

Trương Hạc Minh mày rậm thẳng đứng, nghiêng đầu nhìn Từ Quang Khải, thần sắc ngưng trọng hỏi:

  • Ý của Từ Hàn Lâm là bài đầu này sao chép sai?

Từ Quang Khải nói:

  • Hẳn là có cố ý.

Làm rối kỉ cương khoa trường không phải tội nhỏ, Trương Hạc Minh nhìn vào dấu ấn trên chu quyển, người sao chép tên là Trác Tiếu Sinh, nói:

  • Nhưng hủy đi niêm phong bài thi thì phải chờ tới sau khi niêm yết danh sách người đỗ.

Từ Quang Khải nói:

  • Nếu là đợi sau khi niêm yết bảng mới nghiệm chứng lại, chẳng phải đã trễ rồi sao?

Trương Hạc Minh nhìn thẳng Từ Quang Khải, hỏi:

  • Ngươi biết thí sinh này là người phương nào không?

Từ Quang Khải lắc đầu nói:

  • Không biết, nhưng là nhân tài khó tìm, tin tưởng Trương đại nhân cũng nghĩ như vậy.

Trương Hạc Minh gật đầu, do dự một lát, nói:

  • Tử Tiên huynh cùng ta đi gặp Lưu viện trưởng, xem có thể phá lệ một chút không.

Liền bóc quyển thi này ra, quan phòng nếu đem quyển thi này bóc ra thì phải gánh vác trách nhiệm, bởi vì sẽ rất dễ bị phê bình, chê trách.

Lưu viện trưởng chính là phó quan chủ khảo khoa thi Lưu Sở Tiên, thân kiêm nhiều chức, là Lễ Bộ Thượng thư, lại là Hàn Lâm Viện Đại học sĩ kiêm Chiêm Sĩ phủ sự, là người lãnh đạo trực tiếp của Từ Quang Khải.

Ở phòng chấm bài thi của phó chủ khảo, Lưu Sở Tiên nghe Trương Hạc Minh và Từ Quang Khải nói xong. Lại nhìn kĩ chu cuốn của ba lần thi, ngoại trừ phần đầu vi phạm, bất kể là đề bát cổ hay sách luận chiếu biểu đều là tác phẩm xuất sắc. Lưu Sở Tiên trầm ngâm nói:

  • Sự tình rất lớn, còn phải mời Ngô các lão làm chủ.

Vì thế, Lưu Sở Tiên lại dẫn hai người Trương, Từ tới gặp quan chủ khảo Ngô Đạo Nam. Ngô Đạo Nam là người Giang Tây, năm Vạn Lịch thứ mười bảy trúng Bảng Nhãn, đảm nhiệm Thiếu chiêm sự, Lễ Bộ hữu thị lang, năm trước nhập các trở thành phụ thần. Ông làm quan thanh liêm, chính trực, bình dị, gần gũi, không thuộc đảng Đông Lâm, cũng không thuộc ba đảng Chiết, Sở, Tề. Nhưng bởi vì sáu năm trước Trạng nguyên của khoa thi năm Canh Tuất là Hàn Kính có dính líu đến án làm rối loạn khoa trường bị Ngô Đạo Nam phát hiện tố giác, mà Hàn Kính là môn sinh của Thang Tân Doãn thuộc đảng Tuyên. Đảng Tuyên dĩ nhiên xem Ngô Đạo Nam là địch, lần này Ngô Đạo Nam chủ trì khoa thi, quan viên đảng Tuyên trong triều đều theo dõi sát sao, cho nên Ngô Đạo Nam ở trường thi nhất cử nhất động đều phải cẩn trọng, tận lực không vạch áo cho người khác xem lưng, không ngờ vẫn xảy ra chuyện. Phó chủ khảo kì thi Lưu Sở Tiên và Trương Hạc Minh, Từ Quang Khải của phòng “Xuân Thu” lại giao cho ông nan đề này.

Ngô Đạo Nam đã xem quyển thi. Bài thi này đích thực vô cùng ưu tú, dù có đứng nhất khoa thi cũng không có ai dám chỉ trích, nhưng nếu thông minh như vậy tại sao ngay đầu quyển thi lại phạm sai sót, người sao chép còn ghi chú nữa, rõ ràng người sao chép không hề qua loa. Chỉ có hai khả năng, một là do thí sinh bất cẩn làm ra sai sót lớn thế này, cái này chỉ có thể trách số mệnh, hai là vị quan phụ trách sao chép bài thi Trác Tiếu Sinh kia cố tình chép sai, mưu hại thí sinh. Nhưng khi quyển thi đưa đến sở sao chép thì đã được niêm phong kín, vậy người kia sao có thể phân biệt ra quyển bài thi nào là quyển mà y muốn hãm hại chứ?

Vừa nghĩ như thế, Ngô Đạo Nam không khỏi cảm thấy sợ hãi, nếu thật vị quan kia muốn hãm hại thí sinh này và có thể xác nhận chính xác quyển thi này khi đã được niêm phong, vậy thì chắc chắn có đồng mưu ở trường thi. Nếu truy ra chắc chắn sẽ là đại án, chỉ sợ việc này sẽ gây bất lợi cho quan chủ khảo là ông. Đảng Tuyên, Tề, Chiết sẽ lợi dụng việc này gây nên sóng gió, nhưng nếu giấu nhẹm chẳng quan tâm thì hậu hoạn khôn lường, hơn nữa Ngô Đạo Nam ông không phải người như vậy.

Ngô Đạo Nam suy nghĩ cặn kẽ rồi nói:

  • Ban đầu mực quyển do quan giữ bài thi quản lý ở Ngoại liêm, hiện giờ Nội liêm và Ngoại liêm đã bị ngăn cách, khó mà đến Ngoại liêm lấy mực quyển xem xét lại. Trước mắt chỉ còn một cách, tạm để bài thi này ở chỗ ta, xem như là đậu. Khoa này lấy ba trăm bốn mươi bốn người, khi ta ghi “hồng hiệu thảo bảng” sẽ đặt bài thi này ở cuối, sau đó Giám lâm quan sẽ lấy mực quyển kiểm lại. Nếu bài đầu của mực quyển mắc lỗi thì đánh rớt, lấy ít một người cũng không hề gì. Khoa trước đã có tiền lệ, nếu bên trong thật có âm mưu thì sẽ tra xét từ người sao chép trước, tuyệt đối không tha thứ cho thủ phạm. Lưu Thượng thư, mọi người thấy thế nào?

Lưu Sở Tiên, Trương Hạc Minh, Từ Quang Khải đều nói:

  • Ngô các lão xử trí rất hợp tình hợp lý, hạ quan kính phục.

Cứ như vậy, giông tố ở phòng “Xuân Thu” tạm thời bình ổn lại, bên trong phòng thì vẫn tiến hành chấm bài bình thường. Các công việc viết “hồng hiệu thảo bảng”, hủy niêm phong, xướng danh sẽ bắt đầu từ chập tối ngày hai mươi sáu tháng hai, ngày hai mươi bảy sẽ chính thức yết bảng.