Lang Hoài Hữu Ngọc

Chương 12: Ngoại truyện





Từ nhỏ Bùi Ý đã biết, hắn ở nhà không được coi trọng.

Thái mẫu thương tỷ tỷ nhất, mà đại ca từ khi sinh ra đã ốm yếu, cha và nương luôn ân cần hỏi han, vây quanh huynh ấy.

Mười ba tuổi hắn tới doanh trại ở biên cương phía Bắc, trà trộn trong một đám người thô lỗ lớn tuổi hơn hắn rất nhiều, nghe bọn họ mắng chửi người khác, xem bọn họ đánh nhau, mở mồm ra là văng lời tục tĩu.

Mà hắn thì chỉ là kẻ gọi là đến, xua tay là đi.

Một tên lính mới, nếu không nghe lời sẽ bị đá rất thảm hại.

Thân thể hắn luôn cường tráng, thế nhưng năm thứ hai ở quân doanh lại bỗng nhiên đổ bệnh nặng.

Có thể là không thích nghi được với khí hậu trong suốt một thời gian dài, cũng có thể là quá rét.

Sau đó hắn lâm vào cơn mê man, mơ thấy rất nhiều chuyện hồi còn bé.

Trước khi nhà mở cửa tiệm, thực ra bọn họ sống rất kham khổ.

Tỷ tỷ là người thích khoe khoang, cái gì cũng muốn thứ tốt.

Còn đại ca thì phải đến trường, học phí cũng không hề rẻ.

Hắn cũng muốn đọc sách, có lần nói với cha, cha lại bảo: “Đọc sách thì có ích gì, mai mốt cha sẽ truyền lại cửa hàng cho con, con cứ an tâm học làm tào phớ với cha, sau này gia sản nhà ta đều là của con hết.”

Đọc sách sao lại không có ích gì chứ?

Tất cả đều thấp hèn, chỉ có đọc sách cao(1), đây là điều đại ca chính miệng nói cho hắn nghe.

(1) Trích từ bài thơ đầu tiên trong loạt “Thần đồng thi” của Uông Thù, nguyên văn: “Thiên tử trọng anh hào, dùng văn chương dạy học, tất cả đều thấp hèn, chỉ có đọc sách cao.”

Hắn nhớ khi nhỏ từng luộc một ít khoai môn ở nhà.

Khoai vừa thơm vừa ngọt, hắn ăn xong một củ, đang duỗi tay muốn lấy củ nữa thì nương đã trực tiếp bưng đi.

“Đừng ăn nữa, để khi nào ca ca con đọc sách đói bụng thì ăn.”

Rõ ràng vẫn còn hơn nửa nồi mà.

Còn thái mẫu lại nhân lúc nương không để ý mà lấy trộm một củ, đưa cho tỷ tỷ.

Khi còn niên thiếu, Bùi Ý đã từng làm không ít chuyện hoang đường.

Đơn giản là hắn cảm thấy ở nhà chẳng ai quan tâm tới hắn, cho dù đùa nghịch có điên loạn hay ngông cuồng đến cỡ nào cũng sẽ không ai quản hắn.

Nhưng có lẽ hắn đã lầm. Bùi Trường Thuận một lòng muốn giao cửa tiệm lại cho hắn, hình như vẫn còn để tâm đến đứa con này.

Hắn bắt đầu cảm nhận được từ lúc nào?

Là lúc hắn giết người, về nhà kể lại, Bùi Trường Thuận òa khóc thật to: “Con trai của ta, con thế này là muốn lấy mạng cha con đúng không?”

Sau khi tiêu tốn hơn nửa gia tài, hắn bị đưa đến quân doanh.

Ngay cả khi cha qua đời, hắn cũng không thể trở về.

Sau đó, lần đầu tiên hắn về nhà, là nương viết thư cho hắn.

Đại ca sắp thành thân.

Đó cũng là lần đầu tiên hắn trông thấy Tiết Ngọc. Cô nương mười lăm tuổi, mặc quần áo bằng vải thô, mái tóc đen dài, đôi mắt to tròn.

Là một cô gái nhỏ rất ưa nhìn.

Nàng vô cùng chăm chỉ, ngay cả quần trong áo trong của hắn cũng mang đi giặt.

Lại còn khoanh vườn trồng rau, nuôi gà, trồng hoa ngoài cổng.

Cơm nàng nấu ăn rất ngon.

Khi băm thức ăn cho gà, nàng vừa ôm Tiểu Đào đang quấn chặt lấy cổ mình, vừa ca hát dỗ dành con bé.

Bùi Ý đứng ở trước cửa, nhìn Tiểu Đào kéo cổ nàng, cũng nghe nàng hát.

Đột nhiên cảm giác sân nhà như bừng sức sống.

Đồng thời cũng cảm thấy không công bằng, nương sốt sắng cưới vợ cho đại ca, sao không bao giờ nghĩ tới chuyện cưới một cô vợ cho hắn.

Rõ ràng là hắn cũng đã mười bảy rồi.

Hắn thay đại ca bái đường, thành thân với Tiết Ngọc.

Mà đại ca vẫn ra đi.

Cô nương kia mặt trắng bệch, bưng chén thuốc đứng trong phòng, dáng vẻ luống cuống chân tay đó đột nhiên khiến hắn cảm thấy nàng thật đáng thương.

Mới vừa kết hôn đã thành quả phụ.

Nhưng ai cũng có số mệnh của mình.

Hắn trở về quân doanh, chuyên tâm tuần doanh và huyến luyện hết ngày này qua ngày khác, nỗi thất vọng và buồn khổ cũng sớm bị gió biên cương thổi cho nguội lạnh.

Cứ đến mùa đông, đám mọi rợ người Hồ lại như hổ đói rình mồi mà lao tới cướp bóc.

Hắn ở nơi này năm năm, đã từng tự tay đánh giặc, cũng tận mắt thấy không ít người tử trận.

Hắn vẫn còn nhớ rõ những kẻ thô lỗ mở mồm ngậm mồm đều buông lời tục tĩu lúc hắn mới đến doanh trại, khi thấy hắn cầm trường mâu hướng lên phía trước thì lại hung tợn đẩy hắn ra sau…

“Lông còn chưa mọc đủ, thể hiện cái mẹ gì.”

Sau đó, gã cọc cằn từng đá hắn, chết dưới lưỡi đao người Hồ.



Thời niên thiếu thích liều mạng đánh lộn, kỳ thực quá mức nực cười.



Quân sư tiên sinh đã nói với hắn, những thứ ấy đều không phải là năng lực. Đôi vai của một người đàn ông tốt, phải gánh vác gia đình, gánh đỡ đất nước.

Sau khi đại ca qua đời nửa năm, nương cũng đi theo.

Mà phải đến bảy tháng sau hắn mới nhận được tin tức.

Trái tim đột nhiên rét lạnh.

Trong nhà còn có thái mẫu đã già và tiểu muội còn non nớt, đều trông cậy cả vào hắn.

Hắn lại lần nữa xin nghỉ để về nhà. Khi đứng ở cửa thôn, chỉ thấy trước mắt đều là điêu tàn hoang vắng.

Tiết Ngọc rời đi, vốn là chuyện trong dự kiến.

Trong lúc lâm chung đại ca cũng đã từng nói, phải ký thư phóng thê cho nàng.

Nàng thủ tiết một năm, đã đủ tận tình tận nghĩa.

Lần đầu tiên trong cuộc đời, Bùi Ý cảm thấy hoang mang.

Hắn sẽ phải về quân doanh, sắp xếp cho thái mẫu và tiểu muội như thế nào, chính là chuyện đau đầu nhất.

Sau khi nương mất, tỷ tỷ Bùi Mai tham dự tang lễ xong thì tới mặt cũng chẳng dám lộ, cứ như thể sợ người ta ăn vạ mình.

Vị tỷ tỷ này của hắn, ích kỷ, thờ ơ và phù phiếm đến cỡ nào, hắn còn rõ hơn bất kỳ ai hết.

Khi còn đang bán tào phớ ở trên huyện, nàng ta đã quyết tâm làm dâu nhà giàu quyền quý, nhất định phải cưới cho bằng được tên công tử Chu gia dáng vẻ kệch cỡm kia.

Một nơi như nhà họ Chu, nếu nhất quyết đưa thái mẫu và Tiểu Đào đến, sao bọn họ có thể sống yên ổn được.

Bùi Ý nấu cơm cho thái mẫu và muội muội dưới bếp. Lửa trong bếp cháy hừng hực, còn hắn thì lại không thể bình tĩnh như ngoài mặt, trong lòng hoang vu trống trải.

Cho đến tận khi Tiết Ngọc đi một vòng lại trở về, gọi hắn một tiếng “nhị thúc”.