Đinh Tuấn Kiệt ngồi bất động trong nhà, một tháng trước đây dưới bàn tay dọn dẹp của Gia Nam rất sạch sẽ. Vậy mà lúc này bụi bản khắp nơi, ánh nắng khó khăn lắm mới le lói lọt vào phòng khách qua lỗ thủng trên rèm cửa.
Đinh Tuấn Kiệt ngồi lì trong căn phòng ám bụi, anh cảm thấy mình cũng giống như một hạt bụi nhỏ nhoi, bẩn thỉu. Anh có cảm giác mình không còn tồn tại nữa, không còn chút ý thức nào nữa.
Bây giờ, anh mới nhận ra trước đây anh hoàn toàn dựa dẫm vào Gia Nam. Cô ấy là động lực mạnh mẽ đã kích thích anh có được bước tiến như ngày nay. Vậy mà giờ đây Gia Nam đã chết, cũng đồng nghĩa với nữ chủ nhân của căn nhà này không còn nữa, cũng có nghĩa người anh yêu nhất trên đời sẽ không bao giờ trở lại nữa.
Anh nhớ lại cách đây không lâu hãy còn nghe thấy tiếng cô cười nói, còn cùng cô nấu cơm, rồi còn rất mãn nguyện cùng cô xem Hồng Lâu Mộng nữa chứ.
Thế mà giờ đây căn phòng trống trải, ngoài cái mùi ngai ngái khó chịu ra chỉ còn lại mình anh đang nhảy múa cùng bụi bẩn mà thôi.
Ngày hôm qua, anh còn bị Sở cảnh sát nghi ngờ là nghi can chính trong vụ trọng án giết người, còn bị tạm giam 24 tiếng đồng hồ. May mà sau đó ngàu Chủ tịch hội đồng quản trị Lâm Quốc Quần và Tiểu Nê đến làm chứng, chứng minh trong thời gian một tháng xảy ra vụ án Đinh Tuấn Kiệt đang ở Tây Tạng cùng với Tiểu Nê, do vậy anh có chứng cứ ngoại phạm. Hơn nữa báo cáo kết quả khám nghiệm tử thi đã xác nhận Lý Gia Nam chết do tự tử, hai mươi tám ngàu trước đó cô đã uống một lượng lớn thuốc ngủ dẫn tới tử vong. Cả căn nhà trừ hai dấu chân khả nghi ra vẫn chưa điều tra được gì thêm.
Sau khi xác nhận dấu chân lạ kia không liên quan tới Đinh Tuấn Kiệt, phía cảnh sát còn hỏi tượng trưng một vài câu nữa, rồi giả nhân giả nghĩa an ủi anh một vài câu chẳng có tác dụng khỉ gì, đại loại như: Người đã chết rồi nên bớt đau buồn...sau đó để ngàu chủ tịch Lâm dẫn anh về.
Hai bố con ông Lâm còn đích thân đưa anh về tận nhà, Tiểu Nê còn chùi rửa phòng sạch sẽ. Chốc chốc cô lại đưa mắt liếc xem Đinh Tuấn Kiệt phản ứng thế nào, nhìn thấy anh rầu rĩ đau khổ cô cũng ngoan ngoãn im lặng không nói gì.
Ông Lâm Quốc Quần và Đinh Tuấn Kiệt cùng ngồi trên sofa trong phòng khách, ông cũng không biết an ủi Đinh Tuấn Kiệt thế nào trước nỗi đau mất vợ, thậm chí ông cũng không hiểu được hiện tại anh chàng góa vợ Đinh Tuấn Kiệt đang đau khổ hay đang cảm thấy mình được giải thoát đây? Ông chỉ biết cho Đinh Tuấn Kiệt nghỉ phép một tháng để dưỡng tâm. Sau đó ông còn nói những câu quan tâm thường thấy ở bậc cha chú với con cháu đại loại như: " công việc vẫn phải tiếp tục, cuộc đời vẫn tiếp tục, rồi dẫn con gái đi."
Sau đó, Đinh Tuấn Kiệt cứ ngồi lì tại chỗ, nếu mệt anh lại chợp mắt còn nếu tỉnh anh lại lờ đờ nhìn vô định về phía trước.
Bỗng anh ý thức được mình lại cô đơn, mình đã từng là đứa trẻ mồ côi khi nhỏ. Tình cảnh lúc này của anh thật giống với khi nhỏ, lẽ nào lại quay lại thời thơ ấu sao?
Ngày ấy Đinh Tuấn Kiệt vẫn là một đứa bé, luôn ngước mặt lên bầu trời xanh thẳm để cầu mong ông trời sẽ thương cho một cái bánh bao nhân thịt to trắng muốt...
Lúc Đinh Tuấn Kiệt lên bốn tuỏi, không một đứa trẻ nào trong cái thị trấn nhỏ này chơi với nó, chúng nói nó là đứa trẻ mồ côi.
Tại sao các bạn nhỏ lại ghét trẻ mồ côi, thế nào là mồ côi? Đinh Tuấn Kiệt hỏi ông, ông rơm rớm nước mắt không trả lời. Ôm đứa cháu vào lòng, ông thầm cảm than cho số mệnh của đứa cháu nhỏ.
Sau đó Đinh Tuấn Kiệt lại hỏi ông bố mẹ đi đâu.
Ông liền chỉ lên trời, mắt nhòa lệ khẽ nói: " Ở trên trời."
" Lên trời làm gì?" Đinh Tuấn Kiệt ngẩng đầu có ý muốn tìm bố mẹ.
" Đó là...là nơi bình yên nhất."
" Cách nhà có xa không ông? Tại sao mãi mẹ không về? Ông ơi cháu muốn lên trời tìm họ! Cháu cũng muốn lên trời được không ông?"
Những câu nói ngây thơ của Đinh Tuấn Kiệt khiến ông càng buồn hơn, không nói lên lời.
Đinh Tuấn Kiệt rất khôn, nó thấy ông khóc thì không dám hỏi nữa. Rất lâu sau đó nó mới biết bố mẹ nó vĩnh viễn không trở về nữa, một cô giáo tiểu học trong thị trấn nói cho nó biết.
"Thì ra Tuấn Kiệt đã mồ côi cả bố lẫn mẹ." Đinh Tuấn Kiệt nghe nói vậy rất buồn, lầm lì không nói gì nữa, và nó òa khóc. Cô giáo trẻ đó thấy đứa bé này thật đáng thương, bé thế mà đã mồ côi cả bố lẫn mẹ, sự đau khổ lộ rõ trong mắt trẻ thơ khiến người ta không thể không đau lòng. Cô dịu dàng ôm đứa trẻ vào lòng, ân cần nói với nó: " Khóc đi, cứ khóc đi! Cậu bé đáng thương của cô." Nói rồi cô cũng khóc theo nó.
Khóc xong, Đinh Tuấn Kiệt về nhà với ông, giả vờ như không có chuyện gì xảy ra, nó lấy chiếc bánh cô giáo vừa cho mời ông ăn. Nó còn nói thêm bánh này ngon lắm, rồi lại ưỡn bụng ra khoe có ý cháu đã ăn rồi, còn ăn rất no là đằng khác.
Người ông đã tin lời cháu, bắt đầu nhai móm mém, Đinh Tuấn Kiệt ngồi bên nhìn ông ăn, luôn mồm hỏi ông ăn có ngon không.
Tối đó Đinh Tuấn Kiệt bị đói cả đêm. Bấy giờ nó mới bốn tuổi, trong ký ức đó là lần đầu tiên nó nói dối.
Vào cuối thập kỷ 70 ấy, nhà nào trong thị trấn có thể ăn được một bữa no là đã tốt lắm ròi. NGười ông muốn che mắt hàng xóm, Đinh Tuấn Kiệt còn nhớ ông luôn bảo minh đem củi và cỏ khô vào bếp đốt, sau đó nhìn khỏi từ trong bếp nhà mình bay ra ý nói với hàng xóm là nhà chúng tôi vẫn còn cái ăn.
Thực ra khi đó, một trận thiên tai đã cướp đi hai trụ cột chính trong nhà họ Đinh, chỉ còn một già một trẻ, gia cảnh đã đến bước đường cùng.
Về sau hàng xóm đều thương cảm hai ông cháu, nhà nào có miếng ăn cũng mang cho họ. Ông Đinh lúc đầu còn không muốn nhận, nhưng khi nhìn thấy đứa cháu nhỏ thân thể giầy còm khô đét và ánh mắt thèm thuồng mới mềm lòng, dù sao Tuấn Kiệt vẫn còn là một đứa trẻ.
Người trong thôn khi đó còn rất chất phác nhân hậu.
Mà người tốt bụng nhất chính là cô giáo trẻ ấy, cô thường xuyên mua trứng gà rồi luộc chính đem cho Đinh Tuấn Kiệt - đứa trẻ ưu phiền thường ngồi bên rìa đường ăn.
Đinh Tuấn Kiệt vội vàng nói cảm ơn chị rồi cầm quả trứng chạy như bay về nhà.
Những năm sau này, người giáo viên trẻ ấy mỗi lần nhớ đến cảnh tượng khi đó lại không kìm được nước mắt. Một đứa trẻ chưa đến năm tuổi, mà sao trên khuôn mặt thơ ngây đó đã đầy vẻ tuyệt vọng như thế, có lẽ chính sự trái ngược mâu thuẫn này đã kích thích lòng hiếu kỳ trong cô, cô quyết định tìm hiểu đến cùng. Cảnh cô tận mắt chứng kiến đã làm thay đổi cả cuộc đời cô.
Trong căn nhà cũ nát tối tăm, bữa cơm được dọn ra. Đứa cháu trai thì nói nó ăn no lắm rồi, có một chị ở bên ngoài đã cho nó ăn, còn cụ già trên giường thì hiền từ nói ăn từ hôm qua vẫn còn ở trong bụng đây này, chưa đói. Hai ông cháu đùn đẩy cho nhau, nhất định không ai chịu ăn quả trứng đó.
Chỉ có thế thôi, một quả trứng gà.
Đứa trẻ đang tuổi lớn, cần có đầy đủ dinh dưỡng, người ông nhất định không ăn để dành cho cháu. Người ông đi lại khó nhọc, sức khỏe kém, cần có đầy đủ dinh dưỡng để duy trì sức khỏe, đứa cháu không nỡ ăn để nhường cho ông. Cuối cùng không ai chịu ai, hai ông cháu chia quả trứng ra cùng ăn, một người ăn lòng đỏ, một người ăn lòng trắng, rồi mỗi người uống một bát nước to. Lấy nước cho ông rửa tay xong đứa bé đỡ ông nằm xuống và đắp chăn cho ông. Nó co quắp nằm vào một góc giường rồi ngủ thiếp đi.
Trong nhà hai ông cháu vừa ăn xong một bữa " đại tiệc", đứa cháu dựa vào ông để nghe kể chuyện vẻ mặt rất mãn nguyện. Không ai hay biết lúc đó một cô gái mới 20 tuổi , là giáo viên tiểu học đang đứng ngoài cửa mặt đầm đìa nước mắt. Lần đâu tiên cô tận mắt chứng kiến một cảnh tượng thương tâm như vậy.
Hai ông cháu thật đáng thương! CHính giờ khắc đó cô đã quyết định nhận nuôi Đinh Tuấn Kiệt và chăm sóc ông cụ.
Cô giáo vừa tròn 20 tuổi đó chính là Lý Gia Nam. Khi đó cô đâu nghĩ quyết định này làm thay đổi cả cuộc đời mình. Lý Gia Nam sinh ra trong một gia đình cán bộ, bố là huyện trưởng, từ nhỏ bốn anh chị em trong nhà đã được sống trong cảnh sung túc, chưa hề biết đói rét. Gia Nam là con út. Cô vừa tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, được cử đến dạy ở trường tiểu học của thị trấn này. Bản tính hiền lành nhân hậu, nên cô được mọi người trong thị trấn này quý mến.
Vì thế khi nghe cô em gái nhỏ nhất nhà - Gia Nam đột nhiên có ý định nhận nuôi một đứa trẻ mồ cô, anh hai cô ngây người ra, nhất quyết không đồng tình, tối ngày bảo các anh các chị em khác thay nhau đến khuyên nhủ, phân giải cho cô thấy lẽ thiệt hơn, bởi nhận nuôi một đứa trẻ khôn lớn thành người không phải là một việc đơn giản, với một cô gái trẻ chưa biết hôn như Gia Nam thì càng khó khăn hơn, giống như bắc thang lên trời vậy.
" Nó lại khôngphải là con đẻ của tao, dựa vào cái gì mà bảo tao phải nuôi nó!" Cuối cùng ông bố nổi trận lôi đình quát to.
Gia Nam cương quyết ngẩng cao đầu bước ra khỏi cửa, đúng lúc ánh nắng vừa dọi thẳng vào mặt, cô quay đầu lại tỏ vẻ khinh thường rồi nói với cha: " Nó cũng không phải là người thân của con, nhưng con vẫn quyết định nhận nuôi nó! Còn nữa, con mong bố hãy nhớ đến địa vị của mình là gì. Con cầu mong một ngày nào đấy, nếu bố nhìn thấy một đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ đang nhìn bố với ánh mắt tuyệt vọng, bố sẽ nói với nó: Ta là huyện trưởng, ta chính là cha cháu..." Gia Nam nói chưa dứt câu, ông bố đã đóng sầm cửa lại, đồng thời nói vọng ra: "Tự mày muốn từ lão già này, lão già này không có loại con như mày!" Giọng ông rất to át cả tiếng khóc của bà mẹ.
Sau đó Gia Nam bỏ đi khỏi nhà trong sự dị nghị của hàng xóm. Trong lòng cô ý thức rõ một điều, kể từ thời khắc đó mình đã cắt đứt quan hệ với gia đình chỉ vì một đứa trẻ mồ côi.
Khi đó Gia Nam không hề đắn đo suy nghĩ liệu mình làm như vậy vì một đứa trẻ mồ côi có đáng không. Cô chỉ thấy mình đang làm một viêc mà mình cho là tốt. Mỗi lần Tiểu Kiệt lanh lợi đáng yêu vui mừng cảm động gọi cô bằng "chị", trong lòng cô vui sướng vô cùng.
Đinh Tuấn Kiệt ngước khuôn mặt trẻ thơ ngắm nhìn hai bím tóc đuôi sam của người chị đầy vẻ ngạc nhiên, khuôn mặt hồn nhiên, giọng nói trẻ thơ không dám tin đó là sự thật, nó khẽ hỏi:
" Thật ư? Sau này ngày nào chị cũng sẽ nấu cơm cho ông em ăn ư? Ngày nào cũng vậy ư?"
Cụ già mắt nhòa lệ, vô cùng cảm kích nói với cô gái chưa chồng tốt bụng này: " Cháu gái nhân hậu à, ông già rồi chẳng biết sống chết nay mai, nhưng A Kiệt còn nhỏ quá, nếu như ông có mệnh hệ gì thì phiền cháu thay ông chăm sóc nó! Nó đáng thương lắm! Đứa cháu tội nghiệp của ông, cháu ngoan của ông!"
" Ông cứ yên tâm, từ nay về sau cháu cũng là cháu gái của ông mà!" Gia Nam bước lên ngồi xuông bên giường nói.
Từ đó về sau Gia Nam dựa vào số tiền lương ít ỏi của mình để nuôi một nhà ba khẩu. Cuộc sống tuy vẫn nghèo khổ như trước nhưng Tuấn Kiệt thông minh ngoan ngoãn, ông cụ hiền từ, cộng thêm Gia Nam chăm chỉ ôn hòa nên không khí trong gia đình lúc nào cũng thuận hòa êm ấm, không ngớt tiếng cười. Lý Gia Nam buổi sáng đi dạy sớm, làm tinh tươm mọi việc trong nhà, rồi dẫn Đinh Tuấn Kiệt cùng đến trường. Cô dạy ở lớp nào lại cho Đinh Tuấn Kiệt ngồi cuối lớp đó, để nó chơi một mình. Buổi trưa lại vội vàng về nhà nấu cơm, chiều lại đến trường dạy học.
Tính toán sắp xếp như vậy, để cô vừa có thể chăm sóc tốt cho ông, vừa có thể trông nom được Đinh Tuấn Kiệt - một đứa trẻ đang trong thời kỳ hiếu động. Những dịp cuối tuần hoặc ngày nghỉ cô mới có thời gian ở bên hai ông cháu nhiều hơn.
Mỗi khi có mặt trời, cô lại đưa ông ra ngoài tắm nắng. Ông cụ cảm động lắm, bảo từ khi con trai mất ông chưa một lần được nhìn thấy mặt trời. Ánh nắng chiếu vào khiến mặt ông hồng hào hẳn lên, Tiểu Kiệt ngồi bên cạnh nghe ông kể chuyện cách mạng ngày xưa, những câu chuyện mà có nghe hàng trăm lần cũng không chán. Trong bếp Gia Nam nhanh nhẹn nấu cơm, mùi thơm bay ra tận bên ngoài. Đinh Tuấn Kiệt sẽ chạy vào bếp, giật giật váy Gia Nam thỏ thẻ nũng nịu " chị chị, cho em nếm thử trước đi" Gia Nam khẽ cười và thỏa mãn ngay yêu cầu nhỏ của nó.
Những ngày đó, tuy cuộc sống không phải giàu có sung túc nhưng hạnh phúc tràn trề như dòng sông nhỏ ven thị trấn - đầy ắp ấm áp mà mát mẻ.
Khoảnh khắc hạnh phúc nhất thời niên thiếu của Đinh Tuấn Kiệt chính là lúc được chị Gia Nam dẫn đi chơi ở khe suối nhỏ, ấn tượng trong lần đi chơi đó mãi mãi in dấu trong trái tim nhỏ bé của Đinh Tuấn Kiệt. Đó là một ngày mùa hạ, toàn trường tổ chứ thi cuối kỳ để chuẩn bị nghỉ hè. Như thường lệ Gia Nam dẫn Đinh Tuấn Kiệt cùng đi coi thi, đề thi phát xong khoảng 10 phút, bỗng Đinh Tuấn Kiệt giơ tay đề nghị phát cho nó một đề thi. Lúc đó họ đang coi thi học sinh lớp 2, vừa may trên tay Gia Nam thừa đúng một đề thi, trong lòng nghĩ trẻ con đều thích vẽ lung tung, vì thế cô cố ý lườm nó một cái nhưng vẫn đưa đề thi trong tay cho nó, để nó ngồi vẽ cho hết giờ.
Lúc ấy Đinh Tuấn Kiệt vừa tròn năm tuổi. Nhưng kết quả bài thi khiến Gia Nam phải giật mình. Khi chấm bào Gia Nam phát hiện một bài thi chữ viết ngả nghiêng nhưng trả lời chính xác, vừa nhìn tên cô kinh ngạc trợn tròn mắt - là Tiểu Kiệt của cô!
Đứa trẻ gầy còn này làm một bài thi to gần bằng cơ thể nó, so với những đứa trẻ lớn hơn nó ba tuổi, điểm thi của nó xếp thứ hai toàn lớp.
Điều này khiến Gia Nam nghĩ ngay rằng đứa trẻ thông minh này sẽ là niềm hy vọng của cả thị trấn. Cô hạ quyết tâm phải nuôi dạy mầm non này thật tốt.
Để thưởng cho Đinh Tuấn Kiệt, ngày nghỉ hè đầu tiên Gia Nam dẫn Đinh Tuấn Kiệt vào khe suối chơi. Đến đây nó có thể chơi đùa trong dòng nước mát, có thể nghịch bọt nước cùng chị, có thể ăn thịt cua tươi, có thể thưởng thức mùi vị của cơm nấu bằng ống tre - loại cơm mà từ bé nó chưa bao giờ được thưởng thức! Nó vui sướng đùa nghị, kể từ khi bố mẹ qua đời đây là lần đầu tiên nó cảm nhận được sâu sắc thế nào là sự bao bọc.
Hôm đó Đinh Tuấn Kiệt vô cùng cảm động, thiếu chút nữa nó đã gọi cô gái đang nấu cơm bằng ống tre bên bờ suốit - Lý Gia Nam là mẹ! Chị ngồi đó, những giọt nước lấp lánh trên trán, khuôn mặt thánh thiện đẹp tựa khuôn mặt của mẹ, nụ cười hiền dịu cũng rất giống mẹ, lại nấu cơm cho mình ăn, cho mình được ăn no, vậy không là mẹ thì là ai. Chỉ có mẹ mới có thể cho mình nhiều thứ đến t hế.
" Mẹ!" Đinh Tuấn Kiệt gọi thầm trong lòng, bỗng giật mình nhớ ra chị là người chị tốt nhất trên đời. Thấy Gia Nam quay lại cừơi với mình, Đinh Tuấn Kiệt ngượng nghịu cúi đầu xuống dòng nước mát trong tiếp tục chơi đùa.
Sau này, ngày nào Đinh Tuấn Kiệt cũng mong chờ được cùng chị đến khe suối kỳ dịu đó.
Điều Gia Nam lo lắng nhất lúc này là với kết quả xuất chúng của Đinh Tuấn Kiệt trong kỳ thi học sinh lớp 2 vừa qua, Gia Nam ý thức được là cô phải có trách nhiệm mở mang kiến thức cho Đinh Tuấn Kiệt, phải cho nó đi học. Nhưng đồng thời cô cũng hiểu với đồng lương ít ỏi 10 tệ mỗi tháng của mình thật khó mà nuôi nổi một đứa trẻ ăn học.
Bằng giá nào cũng phải cho Tiểu Kiệt đi học, tự mình dạy ư, cấp tiểu học còn được, nhưng còn lên trung học và trên nữa thì sao, cần phải nghĩ cách giả quyết.
Gia Nam càng tiết kiệm hơn trước, cô cần phải dành dụm đủ tiền để nuôi Đinh Tuấn Kiệt ăn học.
Những năm đó, người dân trong thôn thường thấy cảnh một cô gái trẻ dắt theo một đứa bé đi khắp các nẻo đường ngõ ngách trong thị trấn để lượm nhặt đồng nát phế liệu.Trên khuôn mặt hai người lúc nào cũng tràn trề hy vọng, một thì hồn nhiên ngây thơ, một thì hiền lành đôn hậu. Cảnh đó như dự báo một tương lai hai người sẽ gắn bó với nhau như hình với bóng...