Hảo Nữ 18 (Hảo Nữ Thập Bát Giá)

Chương 120




Thời gian như tên bắn, phảng phất mới vừa rời khỏi dây cung, đuôi lông vũ đã rung lên, mũi tên nhanh chóng xuyên qua bao nhiêu năm tháng.

Hiện giờ là năm thứ tư Thiên Thánh, ngày mùng tám đầu tháng chín, đúng độ cuối thu khí trời quang đãng.

Trong trí nhớ mọi người, dường như mới vừa qua ngày tết Trung thu náo nhiệt, rất nhiều hoa đăng treo dưới mái hiên ở các gia đình vẫn chưa được tháo xuống, chớp mắt lại sắp nghênh đón tết Trùng cửu* mùng chín tháng chín.

Ngoài cửa đông thành Khai Phong, bên bờ sông Biện Hà, qua nhiều năm phát triển đã trở thành Liễu Hà trấn phồn hoa, sắc trời vừa tờ mờ sáng đã xuất hiện cả một biển hoa cúc, cho dù không phải dân chúng ở cạnh đường phố, trước khi mở mắt đã ngửi thấy thoang thoảng từng đợt mùi hương thanh nhã thơm ngát. Nếu đứng dậy mở cửa sổ, theo làn hương ngào ngạt, gần như mỗi người đều có thể thấy trên mỗi góc đường phố đâu đâu cũng có một chậu hoa cúc chuyển tới từ lúc nửa đêm hoặc đang ngậm nụ hoặc đã nở rộ đủ loại màu sắc, từ đường phố kéo dài đến tận bờ sông.

Bị hương thơm hấp dẫn, mọi người đều dậy sớm, dẫn theo người nhà đi ngắm hoa cúc nở, đương nhiên, đồng thời trong lúc thưởng thức trăm phong ngàn vị của cảnh đẹp, cũng không ít người muốn mua lấy mấy chậu, mừng lễ Trùng dương*.

Giữa tiếng tiền bạc leng keng, một chậu hoa cúc tươi tốt đẹp mắt rất nhanh được chủ nhân vui vẻ nâng đi, tỏa ra các hướng đông tây nam bắc. Chúng có thể được đặt trong phòng thưởng thức, có một số sẽ bị ngắt xuống những đóa hoa chi chít cánh, làm thành bánh hoa cúc hoặc nấu thành một món ngon nào đó, một số lại có thể dùng để ngâm trà hoặc ủ thành rượu hoa cúc thơm mát. Mà những người nông dân trồng hoa cần cù vất vả cả một năm ròng, cảm nhận trong túi áo ngực càng lúc càng nặng, gương mặt dầm mưa dãi nắng khắc khổ cũng tràn ra nụ cười từ tận đáy lòng, có nguồn thu nhập này, một năm của cả nhà sẽ không phải lo lắng.

Sắc trời sáng lên, tốc độ nhanh chóng gần như có thể thấy rõ bằng mắt thường. Lễ hội hoa cúc vẫn đang tiếp tục, những cửa hàng quán nhỏ mới đóng lại hai ba canh giờ lại bắt đầu lần lượt mở cửa. Hầu như trên mỗi mặt quầy đều có nhiều thêm một túi thơm đựng nhiều hạt thù du*, tùy ý mọi người lựa chọn để đeo.

Chợ hoa cúc ở Liễu Hà trấn nổi tiếng khắp kinh thành là đóa to lẫn rực rỡ tươi đẹp, Tiểu Ngư đương nhiên là không có lý gì lại bỏ gần tìm xa.

Có điều, khác với mọi người vì chọn lựa một chậu hoa cúc đẹp mà thậm chí không quản đêm khuya dậy sớm vội vàng đến chợ Liễu Hà trấn, Tiểu Ngư lại không cần phải lo đến mua hoa cúc, Phạm Thông kia đến chỗ nào cũng tràn đầy tình yêu, đôi khi cũng có thể ít nhiều được một chút thiện ý hồi báo.

Từ năm đầu tiên chuyển đến đây, mỗi năm về sau, trong nhà nàng hầu như đều sớm bày cả hơn mười chậu hoa cúc nở rộ các loại, đến giờ đã được ba năm.

Thời gian thật là qua nhanh quá, ba năm lại ba năm, thì ra bất giác nàng đã sống ở thời đại này nhiều năm như vậy.

Nước nóng lạnh dần, dược hiệu cũng thẩm thấu không kém, thân mình thư giãn sau khi luyện tập mệt nhọc, Tiểu Ngư bước ra khỏi thùng tắm, vừa dùng khăn sạch sẽ lau bọt nước vừa cúi đầu nhìn đường cong lả lướt dần dần trưởng thành cùng với da thịt mịn nhẵn mềm mại của mình, hơi mỉm cười.

Thật sự là không dễ dàng gì, thân thể mười sáu tuổi này rốt cuộc thoát khỏi sự non nớt của một cô bé, bắt đầu có hương vị của kiếp trước. Làm một cô gái từng có được một thân hình người mẫu, tâm lý lại sớm thành thục, còn có gì có thể so sánh được với một thân thể nữ nhân khiến cho người ta phải ao ước? Chỉ là… nhìn mấy chỗ trên thân thể, vết thâm tím hoặc đậm hoặc nhạt, Tiểu Ngư không khỏi căm giận ném cái khăn, lấy ra thuốc mỡ Nhạc Du tự tay điều phối bôi lên chỗ thâm tím, tâm tình trong chốc lát trở nên buồn bực vô cùng.

Nhị thúc biến thái chết tiệt, xuống tay cho đến giờ cũng vẫn chẳng nhẹ nhàng chút nào. Cho dù không vì Đinh Triệt, ngày nào đó nàng cũng sẽ đánh hắn răng rụng đầy đất.

Nhớ đến ba năm này, cứ cách mấy ngày lại bị một trận đánh, tay Tiểu Ngư bất giác ấn mạnh một chút, nhất thời đau đến hít một hơi, vội nhẹ tay lại xoa ấn, cho đến khi cảm giác mát lạnh hoàn toàn ngấm vào da thịt, mới mặc bộ đồ lót tự chế của mình vào.

Bản thân nàng thiên tư không tồi, mà luyện võ vẫn vất vả như vậy, thật không biết Đinh Triệt hoàn toàn không có trụ cột kia sẽ là tình trạng như thế nào? Hắn một thiếu gia công tử sống an nhàn sung sướng, chỉ sợ so với nàng còn khó chịu đựng hơn ấy chứ!

Nghĩ đến ba năm này cũng không riêng mình chịu khổ, có lẽ người nào đó còn thảm hơn mình, tâm tình Tiểu Ngư lại tốt lên, khóe miệng tươi cười cũng nhịn mà mang theo chút hưng phấn độc ác.

Năm ấy sau khi Đinh Triệt bị lão già quái dị đột nhiên mang đi, còn tự quay về Tiền phủ một lần tự mình nói với Tiền Duy Diễn ý nguyện muốn học võ.

Tiền Duy Diễn tất nhiên không thể nào đồng ý cho cháu ngoại mình đi bái một lão già ăn mày làm sư phụ, chỉ có thể trách lão già tính tình trời sinh quái đản, trong lòng muốn thu đồ đệ cấp thiết như vậy, làm sao quản được ông ta có đồng ý hay không, sở dĩ bằng lòng cho gặp mặt một lần bất quá là nể mặt tiểu đồ đệ mà chào hỏi mà thôi. Sau khi không hợp ý, liền lập tức lôi Đinh Triệt ngay trước mặt mọi người bay vọt lên mái hiên nghênh ngang mà đi, khiến Tiền Duy Diễn tại chỗ tức giận đến phát điên, hổn hển lập tức sai quản gia đi Khai Phong phủ báo án, yêu cầu lùng bắt truy nã lão già quái dị lừa gạt dân cư.

Một màn khi đó, Tiểu Ngư đương nhiên không thể nào tận mắt nhìn thấy, thực tế thì chuyện này và tin tức sau đó đều là từ miệng một người khách đến bất ngờ ngày hôm sau mà biết được. Người khách bất ngờ này, chính là Thúy Vân, nha hoàn trong Tùng viện Tiền phủ.

Đồng thời, Thúy Vân còn mang đến một lời nhắn của Đinh Triệt. Nội dung lời nhắn rất đơn giản cũng cực kỳ ngông cuồng: Nếu ngươi có bản lĩnh, ở Liễu Hà trấn chờ ta trở lại chứng minh.

Hắn bảo nàng chờ thì nàng phải chờ sao? Ồ, chẳng lẽ vì một câu nói đó, mà ba năm hắn không trở lại thì nàng phải ở nơi này chờ ba năm, năm năm không trở lại thì nàng phải chờ năm năm? Xí, hắn cũng chẳng phải là người nào của nàng, Tiểu Ngư nàng dựa vào đâu mà phải chờ năm năm vì một cậu ấm chứ? Nàng mặc kệ cái loại đồ điên ù ù cạc cạc này.

Nhưng mà nàng cho như vậy, không có nghĩa là Phạm Đại cũng có thể cười mỉa như vậy được.

Trên thực tế, Phạm Đại không đuổi kịp lão già đòi được lời giải thích, vô cùng thất vọng và phẫn nộ mà quay về, quả thực là tức giận muốn nổ mạnh, hận không thể lập tức lần khắp chân trời góc biển tìm ra lão già quái dị mà giao đấu. Đợi đến hôm sau Thúy Vân đến truyền lời, lửa giận còn chưa dứt của Phạm Đại đêm đó nhất thời như bị rót thêm dầu mà bùng bùng thiêu đốt, cháy đến khói lửa rừng rực, suýt chút nữa thì dọa Thúy Vân chết vì sợ.

Nhịn cái gì chứ không thể nhịn cái này.

Phạm Đại tức giận đầy ngực, cũng không quản Tiểu Ngư nghĩ gì, lúc này xúc động nhìn trời thề, nếu tương lai đồ đệ hắn là Tiểu Ngư mà không thắng được đồ đệ của lão già, Phạm Đại hắn liền tự phế võ công. Đợi cho mọi người phản ứng lại, hắn đã rầm rầm rầm lạy xong thiên địa ba cái dập đầu, túm hai vai Tiểu Ngư, mắt sáng rực, dùng giọng điệu tràn ngập kiên định và tang thương, trịnh trọng yêu cầu Tiểu Ngư nhất định phải vì Phạm gia mà tranh đấu.

Một khắc đó, Tiểu Ngư bị kéo xuống nước quả thật muốn lấy cái búa đại mà gõ mạnh cho đầu hắn tỉnh ra, nhưng tức giận thì tức giận, nàng rõ hơn ai hết với Phạm Đại người chú trọng chữ tín như vậy mà nói, lời thề độc này có ý nghĩa là gì. Nếu sau này Đinh Triệt trở về, nàng đánh không lại hắn, Phạm Đại thật sự sẽ tự phế võ công. Có lẽ loại như Cảnh Đạo Sơn, không có võ công còn có thể tham sống sợ chết, mà chính nàng, nếu võ công bị phế cũng nhất định vẫn sẽ cố gắng phấn chấn mà giúp mình sống tốt, nhưng Phạm Đại suốt đời theo đuổi tuyệt đối không thể mất đi võ công, nếu muốn phế võ công, còn không bằng trực tiếp giết hắn.

Cho nên, nàng có vẻ như có quyền cự tuyệt, thực tế lại chỉ có một lựa chọn.

Nhưng vấn đề là, cuộc sống của nàng không thể nào chỉ có một chuyện là luyện võ, sự thật sớm chứng minh, nếu chỉ dựa vào Phạm Thông Phạm Đại hai kẻ sinh đôi dở hơi, Phạm gia vĩnh viễn không thể thực sự khá giả lên được, sứ mệnh lớn lao chấn hưng gia nghiệp này, rốt cuộc vẫn đè tại trên vai nàng.

Mà trong lúc liều mạng, nàng chỉ một lòng nghĩ làm thế nào lợi dụng tri thức hí khúc kiếp trước thừa cơ kiếm chác ở thời đại này, lại quên mất địa vị đào kép con hát ở cổ đại địa vị thấp hèn ti tiện đến thế nào, khiến thế nhân coi thường đến cỡ nào.

Bởi vậy, khi Nhạc Du gần đến câu lan mới biết được Tiểu Ngư muốn đi biểu diễn, sau lại bị ép phải thổi nhạc đệm cho nàng, ôm tâm trạng tự trách mãnh liệt tự thú với hai huynh đệ thì, một hồi sóng gió trong gia đình không thể tránh khỏi mà cuộn trào mãnh liệt.

Kết quả hội nghị, năm phiếu đấu với một phiếu, Tiểu Ngư đụng phải chính là áp đảo, phe kia hoàn toàn phản đối.

__________________

*Tết Trùng Cửu, Trùng Dương: 重阳 (Trùng dương/ Chóngjiǔ) theo phong tục của người Trung quốc vào ngày 9/9 Âm lịch hằng năm.

Có nhiều điển tích về ngày Tết này:

Đời Hậu Hán (25-250) có Hoàng Cảnh, người huyện Nhữ Nam, theo học đạo tiên với Phí Trường Phòng. Một hôm Trường Phòng bảo Cảnh: ” Ngày mồng 9 tháng 9 tới đây, gia đình của nhà ngươi gặp phải tai nạn. Vậy đến ngày đó, ngươi nên đem cả nhà lên núi cao, tay đeo túi đỏ, đựng hột thù du (một loại tiêu), uống rượu hoa cúc, tối sẽ trở về, may ra tránh khỏi tai nạn”. Hoàng Cảnh vâng theo lời thầy. Quả thực đến tối trở về thì thấy gà vịt heo chó trong nhà bị dịch chết hết. Vì tích trên, nên về sau hằng năm, đến ngày mồng 9 tháng 9, người ta bỏ nhà tạm lên núi, lánh nạn… Lâu đời thành tục gọi là Tết Trùng Cửu. Sau dần thay đổi tính chất, Tết Trùng Cửu lại dành riêng cho tao nhân mặc khách lên núi uống rượu làm thơ.

Sách “Phong Thổ Ký” lại chép: Cuối đời nhà Hạ (2205-1818 trước D.L.), vua Kiệt dâm bạo tàn ác, Thượng Đế muốn răn nhà vua nên giáng một trận thủy tai làm nhà cửa khắp nơi bị chìm xuống biển nước, nhân dân chết đuối, thây nổi đầy sông. Nạn thủy tai đó nhằm ngày mồng 9 tháng 9. Vì vậy mỗi năm đến ngày này, nhân dân lo sợ, già trẻ gái trai đều đua nhau quảy thực phẩm lên núi cao để lánh nạn… Tục ấy thành lệ. Đến đời Hán Văn Đế (176-156 trước D.L.), vua cho dựng một đài cao 30 trượng ở trong cung, mỗi năm đến ngày mồng 9 tháng 9, nhà vua cùng vương hậu, vương tử, cung phi đem nhau lên đài ở cho qua hết ngày ấy. Sau đến đời nhà Đường (618-907), ngày mồng 9 tháng 9 thành ngày lễ tết gọi là Trùng Cửu. Các văn nhân thi sĩ mang bầu rượu túi thơ cùng nhau lên núi cao say sưa ngâm vịnh.

Cổ thi có câu: “Gặp ngày Trùng Cửu đăng cao”. “Đăng cao” là lên chỗ cao. “Trùng cửu” và “Đăng cao” đều do điển tích trên.