Dường như nàng đã nghe tiếng nước rất lâu, khi thì róc rách ngâm nga, khi thì cuộn cuộn gầm rống, vì thân thể hãy còn tri giác, mấy lần tựa hồ bị hất lên đỉnh sóng, rồi lại rơi xuống xoáy nước mòng mòng, kể cũng hơi nguy hiểm, nhưng sau cùng đều xem như chuyển nguy thành an. Trong sóng êm thong dong, khi tinh thần đã khôi phục yên ả, nàng có thời gian rảnh rỗi để suy tư về lai lịch của mình: Nàng là người hay ma? Là một áng mây trôi hay một chiếc lá rụng? Hiện thời là điểm bắt đầu cho sinh đồ của nàng hay là điểm kết thúc của vận mệnh?
Tiếng hát lái đò đánh thức ý thức của nàng bừng tỉnh, đó là một giọng hát già cỗi khàn khàn, nàng hơi nghi hoặc, bởi trong kí ức của mình, tiếng ca thô nhám như vậy luôn đi kèm tiếng dê bò kêu be be hớn hở và mùi đắng thanh ngọt hậu tỏa ra từ những chiếc mầm táo cát bị gặm đứt, vì thiên địa bao la, mới há miệng, âm thanh đã bị gió kéo bay không còn hình bóng trong khoảnh khắc.
Tiếng hát lái đò vang vọng trong sơn cốc, lúc tinh mơ, lúc chiều muộn, ngày qua ngày, bèn chẳng cảm thấy mới lạ nữa. Đúng cái hôm mãi không nghe thấy động tĩnh gì thì nàng tỉnh dậy.
Đầu tiên, nàng nhìn thấy tay và chân của mình, trên người còn mặc áo vải xanh, ống tay áo thêu từng vòng phong lan, dưới thân là tấm chiếu bện từ trúc đằng. Còn có một thiếu nữ ăn bận tương tự, tóc đen bóng, ngồi xếp bằng cạnh chiếu rơm, đang giã mấy mảnh vỏ cây màu nâu trong chày giã thuốc nghe đốc đốc.
Nàng ngồi dậy, bám khung cửa sổ nhìn ra bên ngoài, bóng núi đối diện được bao bọc trong sương sớm, một dòng sông trong vắt ngang sơn cốc chảy xuôi dưới chân – đó là nguồn căn của tiếng nước róc rách. Có ông cụ chậm rãi khua hai mái chèo trên bờ sông.
“Cô tỉnh rồi à?” Cô gái giã thuốc mừng rỡ đứng dậy, tò mò ngó mặt nàng.
“Sao người kia không hát nữa?” Nàng hơi thất vọng.
“Đó là ông tôi đó,” Cô gái nói, “Nghe nói Hoài Đông có chiến tranh, thiêu hủy rất nhiều nhà ven bờ, mấy ngày nay từ sáng đến tối đều có nạn dân sang sông, ông tôi mệt đến không hát nổi nữa rồi.”
Mưa bụi mờ mịt ngăn trở chiến tranh Hoài Đông và khói lửa đốt người. Nơi này vô cùng tĩnh lặng, chỉ có tiếng gió thổi và tiếng nước chảy. Nhớ đến gió to sóng lớn trên đường, lòng nàng hãy còn khiếp sợ, chợt thấy những bóng đen sat sát thẳng đứng trước mũi thuyền ông cụ, nàng lập tức cảnh giác: “Đó là đao thương à?”
Thiếu nữ chưa từng thấy đao thương mọc như rừng, cô đáp: “Đó là chim cốc á.”
Mặt trời mọc lên, xua tan sương sớm trong sơn cốc, hai bên bờ sông trắng xóa, nàng lại kinh ngạc: “Tuyết rơi à?”
Thiếu nữ cười khanh khách đi ra, “Đó là lau sậy trổ bông…” Thấy nàng nói chuyện lộn xộn, thiếu nữ khó tránh khỏi nhớ lại mà sợ, “Cô mãi không tỉnh, tôi chỉ sợ cô chết mất.”
Chim cốc và lau sậy, không phải dê bò và táo cát. Lúc này nàng mới để tâm quan sát gương mặt xa lạ ngăm đen của thiếu nữ kia.
Thiếu nữ nhìn ra nghi hoặc của nàng, chỉ xuống dưới lầu, “Tôi tên là Chiêu Chiêu, sống cùng ông ở ven sông. Ban ngày ông tôi chèo thuyền đưa đò, tôi lên núi hái thuốc. Vương Lang thấy tôi biết nói tiếng Hán nên bảo tôi ở đây trông nom cô, lấy đỗ trọng ngâm nước cho cô uống.”
Nàng vẫn hết sức hoang mang, “Tôi là…”
“Cô là Như Như á!” Chiêu Chiêu nhảy dựng, “Cô ngủ một giấc dậy mà đến bản thân cũng không nhớ ra à?”
“Như Như nào?”
“Như Như là Như Như á,” Chiêu Chiêu xua tay, đại khái là đã được dặn dò, không chịu nhiều lời thêm, “Tôi chỉ biết tên cô là Như Như thôi.”
Nàng lẩm nhẩm hai chữ Như Như, lại đưa mắt quan sát căn lầu trúc tựa núi kề sông này. Mành trúc trên lầu cuộn lên, không khí trong phòng được màu xanh biếc của sơn cốc nhuốm đẫm trong lành. Không có đồ đạc bày trí rườm rà, ghế mây đặt bên bàn dài, trên bàn để bừa bút và giấy nhám, mực trong nghiên hãy còn ướt.
Đại khái là Chiêu Chiêu không biết viết.
Nàng nhặt bút lên, bần thần trước mặt giấy một chốc, lại đặt xuống. Toan hỏi Chiêu Chiêu Vương Lang kia là ai thì nghe Chiêu Chiêu reo lên một tiếng, quăng chày giã thuốc đi chạy xuống lầu trúc. Nàng dõi mắt đuổi theo bóng hình màu chàm của Chiêu Chiêu, thấy bầu trời đã sáng bảnh trong xanh, sóng vàng lăn tăn trên mặt sông, đám người hối hả đang kiễng chân mong ngóng trông sang bờ bên kia.
Ông cụ yên lặng khua mái chèo, đưa lữ khách sang sông. Chiêu Chiêu bưng trà cho ông cụ uống, cô vô cùng cẩn thận, không hô to gọi nhỏ trước mặt người khác, chỉ ghé vào tai ông, khẽ khàng báo tin Như Như đã tỉnh với ông.
Ông cụ hiểu ý, khoát tay với đám khách đang chờ sang sông, rời thuyền đi vào thành.
Lúc hoàng hôn, ông cụ trở về một mình, cõng một cái gùi chất đầy củ ấu hồng non, quýt màu vàng tươi và hai con cá tươi chim cốc tha tới. Chiêu Chiêu mừng rỡ, ôm đầy tay củ ấu và quýt cho Như Như. Cô gái tuổi chưa lớn lắm, thi thoảng cũng muốn khoe khoang, “Như Như, đây nhất định là của Vương Lang nhờ ông mang về hộ đấy.”
Như Như hỏi: “Vương Lang là ai?”
Chiêu Chiêu đáp: “Anh ta chỉ nói mình tên là Vương Lang, là anh ta đưa cô tới đây, cô cũng không nhớ à?”
Như Như nhớ ra rồi, nàng xuôi dòng mà đến. Đó là một hành trình dài dặc, có lẽ còn xa xôi hơn cả Hoài Đông. Nàng nhìn mực nước đã vón thành cục, “Đó cũng là của Vương Lang à?”
Chiêu Chiêu lắc đầu, bản tính cô hiếu động, ở trên lầu trúc mấy ngày nay đã sớm ngột ngạt không chịu nổi, cuối cùng Như Như cũng tỉnh dậy, Chiêu Chiêu thở phào, vui sướng hơn hẳn, “Tôi đi xem ông bắt cá đây, cô có đi lại được không?”
Như Như gật đầu, đi theo Chiêu Chiêu ra khỏi lầu trúc, ôm đầu gối ngồi ở bờ sông, xem ông cụ chỉ huy chim cốc nhào quắp trong ráng chiều. Nàng và Chiêu Chiêu xấp xỉ tuổi nhau, mặc áo vải xanh, váy thêu hoa, vạt áo buộc từng chuỗi lục lạc bạc, lữ khách tưởng là một đứa cháu gái khác của ông cụ, lúc xuống thuyền còn không nhịn được buông lời trêu chọc, “Ông ơi, sao đứa cháu gái này của ông khác người ở đây thế, tóc đen, da trắng, gả em ấy cho cháu đi, cháu dẫn em ấy đi Kiến Khang, đi Lạc Dương.”
Ông cụ lắc đầu, như sợ cháu gái bị người qua đường mạo phạm, cất giọng quê thúc giục: “Đi đi, đi đi!”
Như Như vô cùng tò mò về người được gọi là Vương Lang, nhưng Vương Lang chỉ nhờ ông đưa củ ấu và quýt, người thì không xuất hiện. Liên tiếp mấy ngày, Như Như hồi phục thể lực, đội sương núi cùng Chiêu Chiêu đi hái đỗ trọng mấy bữa, gặt được mấy bó lau sậy. Chiêu Chiêu lại dần có tâm sự, phơi xong quần áo, cô chống cằm thở dài: “Sao ngài ấy lại không đến…”
Như Như không gặng hỏi nữa, hồi tưởng vị quýt, nàng chợt thốt: “Tôi từng ăn loại quýt này rồi.”
Chiêu Chiêu cũng đang suy đoán lai lịch của Như Như. Cô hỏi dò: “Đây là quýt Động Đình, cô tới từ Động Đình à?” Thấy Như Như ngơ ngác, cô cũng hơi đồng cảm với nàng, bèn đứng dậy chỉ vào bóng núi, “Vượt qua dãy núi này, đi tiếp về phía bắc sẽ thấy hồ Động Đình, là chỗ của người Hán.”
Như Như hỏi: “Tôi đang ở Kinh Tương à?”
Chiêu Chiêu nói khẽ: “Sau khi người Hán đến, các động chủ và trại vương của chúng tôi đều bị đuổi đi rồi…” Lúc cô lắc đầu, lục lạc trên người cũng rung theo leng keng.
Trong tay Như Như không có gì, đến quần áo cũng là của Chiêu Chiêu, nàng hỏi: “Đồ tùy thân của tôi đi đâu hết rồi?”
Chiêu Chiêu lơ mơ nhìn nàng, “Đồ… gì cơ?” Không đợi Như Như hỏi lại, Chiêu Chiêu dỏng tai, nói: “Ông đang gọi tôi!” Nắm cổ tay Như Như, cô giẫm lên thềm đá chạy ra bờ sông.
Ông cụ dùng thổ ngữ dặn dò Chiêu Chiêu: “Đừng nói nhiều như thế.”
Chiêu Chiêu ngượng ngùng nhận lời, liếc trộm Như Như. Cô hơi ghen tị với Như Như, nhưng cũng thích có nàng làm bạn, sợ Như Như nhớ ra lai lịch của mình rồi sẽ rời khỏi lầu trúc, Chiêu Chiêu không lắm miệng nữa. Kéo Như Như lên thuyền con, Chiêu Chiêu nói: “Ông tôi giỏi kể chuyện lắm, ông ơi, ông kể chuyện bên ngoài cho bọn con nghe đi.”
Dưới bầu trời đã khuất vầng dương chỉ còn lại mây tàn, bờ sông trở nên vắng lặng, ông cụ buông mái chèo, nói: “Chuyện bên ngoài nghe hay thế cơ à?” Ông cụ bắt cá đưa đò ở bờ sông, gặp được vô số người qua đường, nghe được đầy bụng kì nhân dị sự, tất cả đều kể lại cho Chiêu Chiêu nghe giải khuây. Không chịu nổi Chiêu Chiêu năn nỉ, ông cụ nói: “Con ở trong phúc mà không biết phúc, mấy năm nay, bên ngoài ngày nào chẳng đánh đánh giết giết? Nghe thấy người Nhu Nhiên bao giờ chưa? Họ giỏi nuôi ưng lắm đấy, móng ưng mài còn sắc hơn đao, con gái nhà ai lắm lời sẽ bị chúng cào rớt môi dưới.” Nói đoạn, trừng Chiêu Chiêu.
Chiêu Chiêu cười khúc khích, cô không tin có người phụ nữ nào mà không thích buôn chuyện: “Thế thì nữ nhân Nhu Nhiên đều không có môi dưới hết ạ? Đến công chúa Nhu Nhiên được hoàng đế đón vào hoàng cung Lạc Dương cũng không có?”
Ông cụ bịa chuyện, “Công chúa Nhu Nhiên mà cũng thích nghe ngóng như con thì đại khái cũng chỉ có nửa môi trên mà thôi.” Người trong trại không sùng bái hoàng đế đến vậy, ngai vàng đổi người ngồi, hôm nay họ Hoàn, ngày mai họ Nguyên, cũng chẳng có gì khác nhau, “Lại nói, hoàng đế ở Lạc Dương kia cũng là mọi rợ, người Tiên Ti tranh đoạt dê bò và đàn bà với người Nhu Nhiên suốt mấy thế hệ, cuối cùng đến long ỷ ở thành Lạc Dương cũng bị họ cướp mất. Nhà Hán chính tông đang ở Kiến Khang cơ.”
“Ông không phải người Hán mà sao còn biết rõ nội tình hơn người Hán vậy?”
“Đương nhiên rồi…” Ông cụ chèo đò cả đời, chưa chắc đã hiểu biết chính xác được bao nhiêu, chỉ bắt chước giọng ra vẻ thần bí của lữ khách, “Quốc tỉ nằm trong tay ai, người đó chính là nhà Hán chính thống – kịch nam đều hát vậy cả.”
Chiêu Chiêu đăm chiêu suy nghĩ, “Vậy rốt cuộc quốc tỉ nằm trong tay ai?”
Ông cụ cười ha hả, “Nghe nói, năm đó lúc Phàn Đăng dẫn quân đánh vào Hoa Lâm Bồ ở Kiến Khang, Nguyên Tu đã vứt nó vào hồ sen ngàn mẫu, bùn lắng đáy hồ sâu lắm, ai vào cũng chết đuối, Phàn Đăng đành từ bỏ. Cũng có người nói khi xưa y quan nam độ, quốc tỉ rơi vào tay triều đình Lạc Dương, Hoàn Doãn tranh đấu một mất một còn với Tề vương, lại bị một phụ tá dưới trướng Tề vương lấy mất quốc tỉ bỏ trốn, sang nước Đông Hải làm hòa thượng rồi.”
Chiêu Chiêu nóng lòng la lên: “Sau đó thì sao? Hoàng đế cứ thế bỏ qua cho ông ta à?”
Ông cụ nói: “Hòa thượng đều phải cạo đầu, mà cạo đầu rồi thì trông ai chẳng giống nhau, ai mà phân biệt được? Về sau, hòa thượng kia viên tích, cả người cả ngọc tỉ đều bị đốt thành tro, vì chuyện này mà hoàng đế hận toàn bộ hòa thượng trong thiên hạ, đốt rất nhiều chùa miếu, chém rất nhiều tên trọc.”
Chiêu Chiêu bật cười, “Ông lại nói lung tung rồi. Quốc tỉ làm bằng ngọc, không sợ nước lửa, sao có thể bị đốt thành tro?”
Ông cụ kinh ngạc nói: “Ồ? Con nhìn thấy rồi chắc?”
Chiêu Chiêu chu môi. Cô tưởng tượng về hồ sen ngàn mẫu trong Hoa Lâm Bồ ở Kiến Khang, “Rốt cuộc Hoa Nồng phu nhân trông như thế nào?”
Người từng gặp hay chưa gặp đều nói cùng một câu, ông cụ cũng cảm thán đúng cái câu đấy – “Đó chính là tuyệt sắc mĩ nhân…” Uống một ngụm trà, ông quay mũi thuyền, “Mặt trời xuống núi rồi, về thôi.”
Chiêu Chiêu bỗng đứng bật dậy, trỏ sang bờ bên kia, mừng rỡ reo: “Ngài ấy đến rồi!”
Ông cụ ồ một tiếng, xua Chiêu Chiêu đi: “Nhiều người thuyền chật, Chiêu Chiêu, con lên bờ trước đi, Như Như, cầm siêu trà lên.” Chiêu Chiêu rất không tình nguyện, lại không dám phản đối, chẳng chờ thuyền cập bờ đã nhảy lên thềm đá, trơ mắt nhìn thuyền vòng ngược lại, chậm rãi sang bờ bên kia.
Thân thuyền rung nhẹ, Như Như ôm siêu trà đã nguội bớt vào lòng, bình tĩnh nhìn hai người trên bờ sông.
Hai người đó đang nói chuyện, thấy thuyền tới nơi, người mặc áo trắng bảo người còn lại: “Vương Lao, ngươi về trước đi.”
Như Như vỡ lẽ, là Vương Lao, không phải Vương Lang. Nàng không nói gì, chờ người áo trắng lên thuyền rồi lùi lại mấy bước, cúi đầu ngắm cái bóng ngược tròng trành trong nước sông, yên lặng suy tư.
Ông cụ nghỉ ngơi một lúc, sung sức trở lại, không vội chèo thuyền ngay mà nhân lúc hoàng hôn mênh mông, hào hứng cất tiếng hát.
Như Như cảm giác người kia đang nhìn nàng. Nàng ngẩng đầu lên, bất mãn lườm chàng. Chàng mỉm cười với nàng.
Ông cụ nói: “Phủ quân, uống một âu trà thô của tiểu nhân chứ?”
“Trà nguội rồi.” Như Như cướp lời. Nàng bạo gan hơn Chiêu Chiêu, Chiêu Chiêu tuy nói nhiều nhưng gặp người rồi lại khó tránh bẽn lẽn không nói nổi nên lời.
Ông cụ nghe vậy cũng cười, “Lên lầu đun nóng cho phủ quân đi.”
Sau cùng cập bờ, ông cụ gọi Chiêu Chiêu về nhà với mình, người áo trắng cũng rất tự nhiên đi về phía lầu trúc. Như Như thoáng lưỡng lự rồi bước từng bước theo chàng.
Phủ quân chắc là một đại quan nhà Hán, vào lầu trúc rồi, ngồi ở sau bàn, còn chưa động vào bút mực đã thuận miệng nói: “Nước.” Giọng điệu rất ư đương nhiên – đoán chừng trong khoảng thời gian nàng mê man, chàng đều sai sử Chiêu Chiêu như vậy. Qua một lúc, không thấy hồi đáp, chàng nhìn Như Như trách cứ.
Như Như nói: “Tôi không quen anh.”
Chiêu Chiêu truyền lời cho Vương Lao – nàng đã tỉnh lại nhưng có lẽ đầu óc hơi hồ đồ. Tuy chàng đã chuẩn bị tâm lí rất nhiều nhưng vì đa nghi nên khó tránh dò xét nhiều hơn, nghe vậy âm thầm nhìn kĩ Như Như. Như Như chẳng sợ hãi, nhìn trả lại chàng.
Sợi dây căng chặt trong lòng chàng lơi lỏng, cười hỏi Như Như: “Còn biết chữ không?”
Như Như không biết nên gật hay lắc. Ánh mắt chàng lượn lờ trên mặt nàng chốc lát, cố nén cảm xúc dâng trào, nghiêng đầu viết thư cho Vương Huyền Hạc, thuận miệng nói: “Động Đình sóng muộn thuyền mới rẽ, sậy lau Vân Mộng tiễn chim xa.1 Thế đạo tuy loạn nhưng nơi này vẫn có thể xem là một chốn đào nguyên, em yên tâm ở đây, có được không?” Nói như đang thương lượng, nhưng giọng điệu không cho trái ý ấy tỏ rõ chàng đang đối đãi với nàng như với Chiêu Chiêu.
1 Thơ của Nghiêm Dực đời Tống.Như Như cau mày, nói: “Tôi không phải nô tì của anh.”
“Ngớ ngẩn thật rồi à?” Chàng hơi buồn cười, nói thẳng lai lịch của nàng ra, “Em là gia nô trong phủ An Quốc công ở Lạc Dương, hai năm trước Châu Tuần Chi tặng em cho ta làm tì nữ, trưởng sử Kinh Châu phủ không ai không biết.” Thấy Như Như không cam lòng, chàng còn hù dọa nàng một câu, “Kinh Châu tuy đa phần là đất Man tộc nhưng Lạc Dương đã sớm không còn chỗ cho em đặt chân nữa rồi, em đừng nhớ nhung nữa.”
Như Như dằn siêu trà lên bàn, đôi mắt như được sông xanh gột rửa, bập bùng ánh lửa, “Anh bắt cóc tôi từ Lạc Dương tới đây!” Nàng bán tín bán nghi, “Tôi căn bản là không quen anh, sao có thể là tì nữ của anh?”
Chàng trầm ngâm, nhìn Như Như chăm chú một chốc rồi quay mặt đi, lạnh nhạt nói: “Ta có gia có thất, bắt cóc em làm gì? Sắc đẹp em tuyệt trần hay trí tuệ em kiệt xuất?”
Câu hỏi này làm Như Như cứng họng, mấy ngày nay nàng thường lén lút quan sát mình qua bóng ngược mặt nước, bộ dáng như con gái Man tộc đất Kinh Tương này rất khó nói có gì khác với Chiêu Chiêu. Nàng bèn ngậm miệng. Chàng cúi đầu ngẫm nghĩ một hồi, lúc cầm bút lên lần nữa mới phát hiện ra ngòi bút ứ đọng, khó viết thành văn, mà nước trà trong siêu thì bị đổ ra bàn, thấm ướt ống tay áo. Chàng cầm lòng không đậu lẩm bẩm một tiếng Như Như.
Tiếng gọi vô tình thốt lên quen thuộc và dịu dàng khôn xiết, như đã quanh quẩn nơi bờ môi đầu lưỡi ngày đêm, khiến người ta không khỏi xiêu lòng tin tưởng lời biện minh mới rồi.